Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

21/04/2022

Vụ chìm soái hạm Moskva cho thấy sự yếu kém của Hải quân Nga

Ken Moriyasu

Thất bại trong việc phòng thủ và phản ứng trước cuộc tấn công tên lửa cho thấy những sai sót lớn trong chiến dịch quân sự của Nga.

soaiham1

Tổng thống Vladimir Putin và soái hạm Moskva, niềm tự hòa của nước Nga trên vùng Biển Đen

Khi bị chìm vào ngày 14/04, tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường Moskva của Nga, chiếc soái hạm của Hạm đội Biển Đen, được cho là có mang theo một mảnh gỗ từ Thánh giá Chúa Jesus – cây thập tự mà những tín đồ Thiên Chúa giáo tin rằng Chúa đã bị đóng đinh trên đó.

Một bản tin hồi tháng 02/2020 từ hãng thông tấn Tass của Nga đã dẫn lời người đứng đầu Nhà thờ Chính thống giáo Quận Sevastopol, cho biết rằng một mảnh gỗ từ Thánh giá Chúa, chỉ dài vài millimet, đã được gắn vào một cây thánh giá làm bằng kim loại chế tác từ thế kỷ 19, và sẽ được lưu giữ trong nhà nguyện trên tàu Moskva.

Người Nga đã cố gắng hạ thấp tầm quan trọng của vụ chìm tàu Moskva, nói rằng hỏa hoạn trên tàu là nguyên nhân gây chìm, trái ngược với tuyên bố của Ukraine, rằng hai tên lửa hành trình chống hạm Neptune đã bắn trúng con tàu.

Hai ngày sau khi vụ việc xảy ra, một đoạn video ghi lại cảnh Đô đốc Nikolai Yevmenov, người đứng đầu Hải quân Nga, gặp gỡ các thành viên thủy thủ đoàn Moskva ở Crimea, đã được công bố nhằm giúp mọi người bình tĩnh hơn.

Nhưng ý tưởng về việc lưu giữ một thánh tích vô cùng hiếm có trên con tàu đã phần nào cho thấy tầm quan trọng của Moskva và Hạm đội Biển Đen đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Việc sáp nhập Crimea vào năm 2014 cho phép Nga thiết lập quyền kiểm soát đối với Biển Đen, và chặn đường tiếp cận của các đối thủ như lực lượng NATO – một ví dụ tương tự như chiến lược chống tiếp cận, chống xâm nhập mà Trung Quốc đang tìm cách thiết lập gần vùng biển của họ.

Ngoài ra, các chuyên gia quân sự nhận định rằng việc mất một soái hạm là điều rất khó lý giải.

"Soái hạm là trung tâm chỉ huy và kiểm soát. Chứa đầy các công cụ liên lạc, nó giữ liên hệ tới tất cả các tàu trong khu vực phụ trách, và điều hành toàn bộ hạm đội," trích lời Tetsuo Kotani, thành viên cấp cao tại Viện Các vấn đề Quốc tế Nhật Bản và là giáo sư Quốc tế học tại Đại học Meikai.

Chẳng hạn, Nhà Trắng có thể liên lạc với soái hạm của Hạm đội 7 của Mỹ, tàu USS Blue Ridge, hiện đang đóng tại Yokosuka, Nhật Bản, bất cứ lúc nào trong ngày.

Blue Ridge duy trì "các khả năng về mạng, chỉ huy, kiểm soát, truyền thông và máy tính (C5) hiện đại nhất, cho phép ra quyết định với thông tin đầy đủ, theo thời gian thực từ các cấp cao nhất, lên đến cả Nhà Trắng," người phát ngôn của Hạm đội 7, Trung úy Nicholas Lingo nói với Nikkei Asia.

Một nhà phân tích hải quân Mỹ, trong cuộc phỏng vấn ẩn danh, đã nói rằng vụ chìm tàu Moskva cho thấy sự thất bại khi không lường trước được rằng một cuộc tấn công như vậy có thể xuất phát từ bờ biển Ukraine, thất bại của hệ thống phòng thủ trên tàu, thất bại trong việc kiểm soát thiệt hại sau khi bị tấn công, và nếu có nhiều thành viên của thủy thủ đoàn thiệt mạng, như nhiều người đang nghĩ, thì đây còn là thất bại về quy trình cứu hộ cơ bản.

"Vụ việc này chẳng dạy thêm cho chúng tôi điều gì về tàu mặt nước," nhà phân tích nói, đồng thời lưu ý rằng Hải quân Mỹ đã chuẩn bị sẵn sàng để phòng thủ nếu bị tấn công bằng tên lửa, và rằng ngay cả khi bị đánh trúng, họ vẫn có các quy trình để hạn chế thiệt hại do hỏa hoạn.

Koichi Isobe, cựu Trung tướng của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản, viết trên tờ Japan Military Review, "Cú sốc lớn nhất đối với Putin là ông đã [vô tình] tiết lộ cho các chuyên gia quân sự trên toàn thế giới về mức độ dễ bị tổn thương của quân đội Nga".

Ngoài việc để lộ những thiếu sót trong hoạt động của mình, Hải quân Nga có thể đã mất đi một số sĩ quan cấp cao nhất trong vụ tấn công, nhà phân tích Mỹ cho biết. "Báo cáo cho thấy có khoảng 50 người hoặc hơn, trong số 480 thủy thủ, đã an toàn". Không rõ số phận của những người còn lại. Phía Nga cho biết toàn bộ 500 thành viên thủy thủ đoàn đã được cứu sống sau vụ nổ, nhưng họ vẫn thể chưa đưa ra bất kỳ bằng chứng nào cho tuyên bố đó.

Kotani, học giả của Đại học Meikai, đã đưa ra một ví dụ về cách hoạt động của một chiếc hạm.

"Chiếc Blue Ridge đang ở Singapore khi trận động đất và sóng thần năm 2011 đánh vào Nhật Bản," Kotani nói. "Ban đầu, con tàu đã chỉ huy Chiến dịch Tomodachi từ Singapore," ông nói về chiến dịch của người Mỹ nhằm cứu trợ sau thảm họa.

Vào lúc cao điểm, 24.000 quân nhân Mỹ, 189 máy bay, và 24 tàu hải quân – gồm cả cụm tàu sân bay USS Ronald Reagan – đã tham gia vào chiến dịch quy mô lớn điều hành bởi tàu Blue Ridge này.

Trong Chiến tranh Nga-Nhật (1904-1905), soái hạm của Hải quân Đế quốc Nhật Bản là thiết giáp hạm Mikasa. Phó Đô đốc Heihachiro Togo, người đã dẫn dắt lính Nhật giành chiến thắng, đã đóng quân trên con tàu. Ngày nay, Mikasa được chuyển đổi thành một tàu bảo tàng ở Yokosuka.

Trong Thế chiến II, thiết giáp hạm Nagato là soái hạm của Hải quân Đế quốc Nhật, và là phương tiện chỉ huy của Đô đốc Isoroku Yamamoto trong cuộc tấn công Trân Châu Cảng.

Hải quân Nga ngày nay có trụ sở chính đặt tại St.Petersburg, và bao gồm 4 hạm đội lớn (Baltic, Biển Đen, Phương Bắc và Thái Bình Dương) cùng một hạm đội tàu nhỏ ở Biển Caspi.

Trong khi Hạm đội Phương Bắc được đánh giá là hạm đội Nga có năng lực mạnh nhất, sở hữu các tàu ngầm tên lửa đạn đạo và tàu sân bay đang hoạt động duy nhất của Nga, Hạm đội Biển Đen đã dần đóng vai trò quan trọng hơn kể từ khi Nga sáp nhập Crimea.

"Bắt đầu từ năm 2014, sau khi chiếm đóng Crimea, các đơn vị mới đã được thêm vào trình tự tác chiến, bao gồm các tên lửa bờ biển hiện đại và bộ binh hải quân," theo báo cáo "Sức mạnh Quân sự Nga" của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ.

"Tiếp đó vào năm 2015, các tàu ngầm và tàu chiến mặt nước mới cũng bắt đầu đến hỗ trợ hạm đội. Hiện được trang bị hệ thống tên lửa KALIBR, Hạm đội Biển Đen là một lực lượng quan trọng trong khu vực, và trong vài năm tới, có thể có thêm khoảng sáu tàu ngầm tấn công mới và sáu tàu mặt nước mới, giúp hạm đội không chỉ có thể kiểm soát Biển Đen mà còn có thể hoạt động ở Địa Trung Hải để chống lại lực lượng NATO và hỗ trợ các hoạt động ở Syria," báo cáo năm 2017 cho biết.

Tuy nhiên, những khát vọng này chắc chắn đã bị vùi dập khi soái hạm của hạm đội bị đánh chìm.

Ken Moriyasu

Nguyên tác : "Moskva flagship sinking exposes Russian Navy frailty, experts say," Nikkei Asia, 20/04/2022

Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 21/04/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Ken Moriyasu, Nguyễn Thị Kim Phụng
Read 443 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)