Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

25/04/2022

Chiến tranh Nga - Ukraine : Thái độ cộng đồng và tầm nhìn cho cải cách

Phạm Quý Thọ

Chiến tranh Nga – Ukraine đã bước sang tháng thứ ba tính từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động vào ngày 24/2. Nhiều sự kiện liên quan đang diễn ra làm thay đổi cả thế giới, mỗi quốc gia và cá nhân. Đồng thời với cuộc chiến tranh khốc liệt có một "cuộc chiến" thái độ của cộng đồng, không tiếng súng nhưng không kém phần quan trọng để xác định tầm nhìn cải cách.

tamnhin1

Những người lính Ukraine trong lễ tang một chỉ huy một tiểu đoàn thuộc quân tình nguyện Ukraine hy sinh hôm 8/4/2022 trong trận chiến Nga - Ukraine - Reuters

Thái độ cộng đồng về cuộc chiến, nhìn chung, nổi lên hai nhóm chính : một là ủng hộ Putin mang dấu ấn sâu đậm ý thức hệ và hai là phản đối cuộc xâm lược, ủng hộ Ukraine lựa chọn dân chủ. Sự khác biệt có thể được hiểu là sự chia rẽ sâu sắc.

Đa số người dân Việt cần có quá trình và biến cố để có thể công khai bộc lộ chính kiến, nhưng hiện thời là không thể, nhất là đối với những vấn đề nhạy cảm với chế độ. Cam chịu là cách thích nghi với tuyên truyền một chiều, độc quyền chân lý và phục tùng, họ hay nói chuyện kinh doanh hay ‘ngoài lề’ hơn chính trị. Tuy nhiên, cuộc chiến tranh Nga – Ukraine diễn ra, sự quan tâm lớn dần bởi cộng đồng mạng xã hội.

Tình cảm lấn át lý trí

Trước hết, một luồng ý kiến ủng hộ Nga xâm lược Ukraine "nhiệt tình" đến mức để tình cảm lấn át lý trí. Đó là thứ tình cảm được nuôi dưỡng bởi niềm tin ý thức hệ và tôn thờ quyền lực và lãnh tụ. Nhóm này hoài niệm sâu sắc bởi những ấn tượng tốt đẹp về đất nước và con người, sự yên bình trong những năm tháng sống, học tập và lao động ở Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết (Liên Xô). Ý thức hệ chủ nghĩa xã hội như một huyền thoại đã tạo nên keo kết dính khiến họ gắn bó như quê hương "thứ hai". Qua những dòng tâm tư còn thấy họ bị "sốc" và "hẫng hụt" khi thấy Liên Xô sụp đổ năm 1991 và, sau đó là nước Nga rối loạn, suy yếu. M. Gorbachev được cho là tội đồ, còn B. Yeltsin bị oán trách. Thập kỷ 2000 -2010 nước Nga đã phục hồi và tăng trưởng "ngoạn mục" và, sau đó là sức mạnh quốc gia dưới sự cầm quyền của V. Putin. Họ đã không thể hiểu rằng hội nhập kinh tế với phương Tây, Mỹ và tiến trình dân chủ hóa đất nước đã đóng vai trò quan trọng. Bởi vậy Putin được coi là "cứu tinh" sự vĩ đại từng có của Liên Xô nói chung và nước Nga nói riêng. Vì thế, khi phát động cuộc chiến vào rạng sáng 24/2 thì những gì Putin phát biểu được đón nhận với sự cuồng tín về quyền năng lãnh tụ rằng Ukraine chưa từng là dân tộc riêng, chính quyền tham nhũng, bài Nga, phát xít hoá… bởi vậy "tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt" là cần thiết, răn đe hạt nhân nếu có sự can thiệp từ bên ngoài…

Đây cũng là thứ tình cảm dễ biến thành sự kích động trước những biến cố bất ngờ. Sự cố chấp đã làm sai lệch nguyên nhân cuộc xâm lược. Họ nói : "Không có lửa sao có khói", rồi xúc phạm vị Tổng thống được dân bầu : "Anh hề làm lãnh đạo đất nước khiến người dân khổ", chia sẻ một video "xé quốc kỳ Việt Nam" trên mạng để phóng đại về chủ nghĩa dân tộc cực đoan… Khi Liên Âu, Mỹ trừng phạt và cung cấp vũ khí cho Ukraine, họ cho rằng sao lại đánh "hội đồng !?". Ngay cả khi đa số các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc lên án và cuộc xâm lược bị sa lầy, tin tức về sự thiệt hại của quân đội Nga, sự kháng cự kiên cường của Ukraine, sự tàn phá và chết chóc, thảm họa di dân và nhân đạo, điều tra tội ác chiến tranh… họ vẫn khăng khăng : "Nghe phương Tây và Mỹ thì đổ thóc giống mà ăn…"

tamnhin2

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại một cuộc họp ở Moscow hôm 25/4/2022. AFP

Sự lựa chọn mới của nhân dân Ukraine

Một luồng ý kiến khác mang tính phản biện, thể hiện sự khiêm nhường để bảo vệ nhận định rằng chiến tranh Nga – Ukraine này là cuộc xâm lược. Những lời buộc tội của Tổng thống Putin đã lấy cớ cho cuộc xâm lăng chứa đựng sự phục thù thay vì những bằng chứng pháp lý xác thực. Quá trình lựa chọn, tìm kiếm bản sắc dân tộc độc lập để hướng tới dân chủ của Ukraine, quốc gia có chủ quyền được thế giới công nhận đã rất "thăng trầm" từ khi tách khỏi Liên Xô năm 1991 và nay, những gì mọi người đang chứng kiến, còn hơn cả "con đường đau khổ".

Tiến sĩ toán học Nguyễn Ngọc Chu, một Facebooker tích cực với những những ý kiến phản biện thẳng thắn rằng quân đội Nga đã xâm phạm lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền được các thành viên của Liên Hiệp Quốc công nhận, trong đó có Nga, vi phạm luật pháp quốc tế… Putin có tham vọng chiếm đóng lãnh thổ - cơ sở của khái niệm xâm lược, vùng Donbass, và hơn thế, theo cách sáp nhập Crimea vào Nga năm 2014. Mới đây ngày 22/4 trên Facebook của mình TS Chu có đăng bài : "Chúc cho lựa chọn mới của nhân dân Ukraine toàn thắng" nhấn mạnh sự lựa chọn dân chủ hòa nhập với Liên Âu (EU) do các yếu tố lịch sử, hơn thế lại đang trong chiến với Nga vì lý do này, còn rất khó khăn, nhưng ông vẫn tin tưởng vào thắng lợi.

Ngay từ đầu cuộc chiến, nhà báo độc lập Trần Tiến Đức, nguyên Vụ trưởng Vụ Truyền thông Dân số, người từng có nhiều năm học tập, công tác ở Liên Xô trước đây đã trả lời phỏng vấn trên đài BBC rằng nhiều cựu lưu học sinh sau những biến cố lịch sử như sự sụp đổ Liên Xô năm 1991, họ vẫn yêu thích những di sản văn hoá, các danh hoạ, nhà thơ, các tác phẩm văn học nổi tiếng như "Chiến tranh và Hòa bình", "Sông Đông êm đềm" và thơ Puskin… còn hoài niệm sâu nặng với thiên nhiên và con người, nhưng không vì thế mà không lên án chiến tranh.

Dạng ý kiến này khá ôn hoà, thể hiện sự hiểu biết khi đưa ra các thông tin có kiểm chứng và đa chiều, nhưng vẫn không thể tránh khỏi chỉ trích từ phía đối diện. Nhẹ thì là những lời nhắc nhở mang tính "làm chủ tập thể" như "anh em trong nhóm phản ứng các bài đăng đấy, Pro-US và NATO nhiều quá, ta cần cân bằng để yên ổn làm ăn" hay "sinh ra và lớn lên ở đất nước này để trở thành trí thức hãy biết ơn tiền nhân và suy nghĩ thấu đáo về tương lai của dân tộc". Nặng là kiểu "ném đá" với thái độ thiếu kiềm chế và tôn trọng khác biệt, như "ăn cháo đá bát". Nhà thơ thành danh Trần Đăng Khoa, từng là sinh viên văn khoa ở Nga, nhưng ông đã "quyết liệt" trên Facebook của mình rằng ông yêu nước và biết ơn người dân Nga, văn học Nga, thậm chí ông thích V. Putin trong 10 năm đầu cầm quyền, đưa nước Nga tăng trưởng kinh tế thần kỳ nhờ hội nhập và dân chủ, nhưng phản đối Putin tha hóa quyền lực trở thành kẻ độc tài phát xít…

Sự lựa chọn thể hiện tầm nhìn cải cách

Nhận thức xã hội có vai trò quan trọng đối với cải cách thể chế. Trước hết, cần giải thích rằng bộ phận cộng đồng thuộc nhóm thứ nhất, theo tôi, đã được hưởng lợi nhờ chế độ thông qua đào tạo, lao động nhờ đó có kiến thức, có của cải, có việc làm thậm chí đã hoặc đang có địa vị trong guồng máy lãnh đạo. Họ chịu ơn về điều đó và, nên được cảm thông. Tuy nhiên, sự níu kéo bởi ý thức hệ có cội nguồn mô hình Xô Viết trước đây, như sùng bái cá nhân lãnh tụ và quyền lực dễ dẫn đến bị kích động. Ngoài ra, cảm xúc không thể kiểm soát, lấn át ý thức đã tạo ra rào cản cho quá trình nhận thức, cởi mở với nó để có sự thay đổi.

Sự khác biệt tạo nên sức mạnh. Đây là điều cần thiết để chuyển đổi kinh tế sang thị trường. Quá trình này không những cần kiến thức mà còn cần thể chế phù hợp, như một xu hướng thúc đẩy chuyển đổi dân chủ. Khẩu hiệu "thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" liệu có làm xã hội ổn định và phát triển cân bằng hay là một quan niệm mang tính giáo điều cản trở cải cách, khiến cho nhiều cán bộ đảng viên lãnh đạo trở thành những kẻ cơ hội, trục lợi, tham nhũng và suy thoái đạo đức lối sống. Bị níu kéo bởi ý thức hệ giáo điều, việc biện minh rằng thị trường khác với chủ nghĩa tư bản đang phóng đại lòng vị tha, tình đồng chí như động cơ thúc đẩy hành vi vốn chỉ hữu hiệu với phạm vi gia đình hay nhóm nhỏ, thất bại khi áp dụng cho toàn xã hội, cho nền kinh tế bởi cơ chế tập quyền kế hoạch hóa và cưỡng ép, đã không còn thích hợp. Tính tư lợi, vị kỷ và duy lý, động cơ thúc đẩy hành vi thị trường, cần có nhận thức mới, thái độ mới và thể chế khác mà cải cách chưa làm tốt để tạo ra môi trường cho động lực tăng trưởng và hạn chế những mặt trái của thị trường.

Sau cùng, quan điểm chính thống được dẫn dắt bởi tư duy thực dụng của chính sách ngoại giao đa phương và sách trắng quân sự "4 không", đã thể hiện qua ba lần bỏ phiếu, hai "trắng" và một "chống" tại Liên Hiệp Quốc, về nghị quyết phản đối cuộc xâm lược, yêu cầu Nga rút quân và loại Nga khỏi Hội đồng nhân quyền thế giới giống như Trung Quốc dấy lên suy luận về sự phụ thuộc bởi ý thức hệ còn kéo dài.

Cuộc chiến tranh Nga – Ukraine sớm muộn sẽ kết thúc, nhưng nó đang mở ra những cách nhìn nhận mới về sự thay đổi thế giới, mỗi quốc gia và từng cá nhân. Kịch bản khả dĩ là thế giới đơn cực chấm dứt và sự lựa chọn trong một trật tự thế giới mới sẽ định hướng tầm nhìn cải cách thể chế ở Việt Nam.

Phạm Quý Thọ

Nguồn : RFA, 25/04/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Quý Thọ
Read 343 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)