Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

30/04/2022

Ký ức về ngày 30/4 và cuộc vượt biển bi hùng

Nhiều tác giả Việt Nam và nước ngoài

Người mẹ phi thường 

Trần Quốc Việt, 30/04/2022

Ngày hôm nay Đinh Việt vẫn còn xúc động khi nhớ lại cảnh tượng xảy ra cách đây hàng chục năm : tại một hải cảng ở Malaysia mẹ ông dùng chiếc rìu tưởng chừng như lớn hơn cả người bà để đục những cái lỗ ở mạn thuyền để bà cùng năm con không phải bị đuổi trở lại ra biển.

Viet-Dinh

Ông Đinh Việt là cựu Trợ lý Bộ trưởng Tư Pháp Hoa Kỳ từ 2001 đến 2003. Hiện nay ông là giáo sư luật ở Đại học Georgetown, Hoa Kỳ.

Chuyện ấy vào năm 1978 lúc Việt lên mười. Cha ông là người tù chính trị đang bị giam cầm ở quê hương từng bị chiến tranh tàn phá, khi mẹ ông, bà Nguyễn Thu Nga, cố trốn thoát khỏi Việt Nam bằng đường biển cùng với Việt và các con khác. Họ chen chúc cùng với 80 người tỵ nạn khác trên chiếc thuyền rò rỉ dài độ 4 mét rưỡi. Trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại từ nhà bà ở Garden Grove mẹ ông Việt hồi tưởng "Sau ba ngày, thuyền bị hỏng. Sau bảy ngày không còn lương thực hay nước uống".

Sau 12 ngày, bà gần như mất tất cả hy vọng. Nhưng họ tình cờ gặp các ngư dân người Thái. Những người này cho họ lương thực và dầu, giúp họ sửa lại thuyền và chỉ họ hướng đất liền. Họ đến Malaysia thì bị tàu tuần cảnh sở tại chào đón bằng những tràng súng. Người Malaysia không muốn dính dáng gì đến họ. Họ đành bơi vào bờ và thuyền họ được vào cảng, nhưng bà Nga hiểu rõ rằng sáng mai cảnh sát cảng sẽ buộc họ phải ra đi, cho nên khuya hôm ấy bà một thân một mình cầm rìu rón rén trở lại thuyền. Bà nói, "Tôi cứ chém hoài chém mãi để thuyền bị lủng lổ khắp nơi", bà kể. Bà làm thế để chắc chắn không một viên chức Malaysia nào có thể ra lệnh cho các con bà trở lại biển cả. Mối liên hệ cuối cùng của gia đình với Việt Nam chìm mất dạng vào biền Đông.

viet2

Sau sáu tháng tỵ nạn ở Malaysia, gia đình Việt cuối cùng đến được bang Oregon vào dịp lễ Tạ Ơn năm 1978. Họ kiếm được chút tiền công ít ỏi từ công việc hái dâu và gởi tiền cho cha và người anh đang lẩn trốn ở Việt Nam. Sau khi núi lửa St. Helen phun vào 1980, do hoa màu bị thiệt hại nên gia đình Việt phải dọn đến Fullerton, bang California.

Ở Quận Cam, Việt cùng với mẹ làm việc ở một tiệm may và sau giờ học còn làm thêm ở các tiệm bán thức ăn nhanh. Sự bền chí của gia đình đã mang lại kết quả khi người cha cuối cùng cũng đến được Mỹ vào 1983. Còn Việt nhờ học giỏi và cần cù cuối cùng nhận được học bổng vào đại học Harvard. Cha mẹ muốn Việt trở thành bác sĩ. Nhưng chính trị là niềm say mê của ông, niềm say mê ấy do chính mẹ nuôi dưỡng.

"Con tôi ghét cộng sản vì tôi dạy cho cháu hiểu rằng chính cộng sản đến nhà bắt cha cháu đi và giam trong tù", bà Nga nói. "Từ thuở nhỏ tôi đã khắc sâu điều này trong tâm khảm cháu".

Việt tốt nghiệp Á khoa cao học luật ở Harvard rồi làm thư ký cho Thẩm phán Tối cao Pháp Viện Hoa Kỳ Sandra Day O’Connor, người mà đã nhận xét về ông như sau : "Ông là người thư ký luật tuyệt vời. Tôi rất cảm phục trước hoàn cảnh xuất thân của ông và chuyện ông đến Mỹ mà trên người chẳng có gì cả ngoại trừ bộ áo quần, nhưng ông đã rất bền chí".

Cha mẹ ông ngồi gần ông trong cuộc điều trần bổ nhiệm ông vào chức vụ Trợ Lý Bộ Trưởng Tư Pháp ở Thượng Viện Hoa Kỳ vào năm 2001. Tại cuộc điều trần này ông bày tỏ sự cảm phục trước gương can đảm của mẹ và "muôn vàn gian khổ mà cha mẹ tôi cũng như bao nhiêu người khác đã trải qua để tìm thấy được miền đất hứa của tự do và cơ hội". Ông được Thượng Viện chấp thuận bổ nhiệm với tổng số phiếu thuận là 96 và 1 phiếu chống duy nhất của thượng nghị sĩ Hillary Clinton.

viet3

Hôm ấy nhiều người ắt hẳn rất xúc động khi nghe ông kể lại hình ảnh không bao giờ phai mờ trong tâm tưởng ông về người mẹ dùng hết sức lực vung rìu chém không ngừng nghỉ vào chiếc thuyền nhỏ dưới bóng màn đêm. Hành động xuất phát từ tình mẹ ấy đã đưa người con đến bến bờ tự do, đến giảng đường đại học danh tiếng, đến trung tâm quyền lực chính trị Hoa Kỳ. Câu chuyện của ông là minh chứng cho giấc mơ Mỹ được dệt nên từ tài năng, quyết tâm và kiên trì.

Trần Quốc Việt

(30/04/2022)

Tài liệu tham khảo :

1. Katie Biber, "Viet Dinh : An American Story", The Harvard Law Record, 16/4/2003

2. Eric Lichtblau, At Home in War on Terror, The Los Angeles Times. 19/9/2002

********************

Không có lòng thương người Việt 

Bùi Diễm, Trần Quốc Việt dịch 

Sách của Robert McNamara bàn về Việt Nam, tuy nhiên sau khi đọc kỹ hai lần từ đầu đến cuối 390 trang, tôi không thể nào tìm thấy một lời nào qua đó ông bày tỏ lòng cảm thương đến người Việt hay đến nỗi đau khổ của họ. Hoa Kỳ can dự vào Việt Nam nhân danh một chính sách ngăn chặn mà, ít ra phần nào về lý thuyết, sẽ giúp cho người Việt bảo vệ mình chống lại độc tài cộng sản. Nhưng ông McNamara viết như thể nhân dân Việt Nam không bao giờ tồn tại.

viet4

Vào tháng 5 và tháng 5/1972, quân đội Việt Nam Cộng Hòa đã chặn đứng cuộc tấn công của Bắc Việt vào Sài Gòn tại thị xã An Lộc. Ảnh chụp ngày 7/7/1972 khi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đến thăm An Lộc

Ông cho là chính quyền ở Nam Việt Nam tham nhũng. Chúng tôi, những người đã mất tất cả và đã phải chịu đựng biết bao nhiêu tủi nhục trong các trại tập trung cộng sản hay với tư cách những người tỵ nạn ở hải ngoại, không có trách nhiệm bảo vệ chính quyền Nam Việt Nam trước tố cáo tham nhũng. Chúng tôi chỉ yêu cầu ông McNamara hãy nhìn tệ nạn tham nhũng đang hoành hành hiện nay ở Việt Nam. Chúng tôi cũng không biết phải chăng kinh nghiệm của ông ở Ngân hàng Thế giới kể từ khi ông bắt đầu có quan điểm như thế về chính quyền Nam Việt Nam đã khiến ông biết chút gì về tệ nạn tham nhũng ở nhiều nơi khác trên thế giới.

Ông McNamara viết về sự thiếu quyết tâm đấu tranh cho tự do và dân chủ của nhân dân Miền Nam Việt Nam. Hơn 300.000 đồng bào tôi đã bỏ mình trong cuộc chiến tranh này từ một dân số thậm chí chưa bằng một phần mười dân số Hoa Kỳ. Vào tháng Tư và tháng Năm của năm 1972, quân đội Nam Việt Nam, chỉ được tiếp tế bằng máy bay, đã bị lực lượng địch quân hùng hậu bao vây trong thị xã An Lộc nhỏ bé. Họ đã tử thủ qua cuộc chiến đấu ác liệt diễn ra ở từng căn nhà một và đã chặn đứng cuộc tấn công của Bắc Việt vào Sài Gòn. Không có sự tham chiến của bộ binh Mỹ.

Người bảo vệ An Lộc, Tướng Lê Văn Hưng, đã tự sát ngay sau khi Sài Gòn sụp đổ. Ba vị tướng khác, Nguyễn Khoa Nam, Trần Văn Hai và Lê Nguyên Vỹ, lúc ấy cũng tự sát.

Ông McNamara viết : "Tôi tin chúng ta có thể rút ra và đáng lẽ rút ra khỏi Nam Việt Nam hoặc vào cuối năm 1963, giữa cuộc biến động sau cuộc ám sát Diệm, hay vào cuối năm 1964, hoặc đầu năm 1965. "Tại sao một người được để cao là một trong những người "giỏi nhất và thông minh nhất "của nước Mỹ lại tàn nhẫn đến thế ? Trực tiếp hay gián tiếp, Hoa Kỳ đã đứng đằng sau cuộc đảo chính chống Tổng thống Ngô Đình Diệm vào tháng Mười Một năm 1963, nhưng ông McNamara lại ủng hộ cuộc rút lui ngay sau vụ đảo chính. Đạo đức nào cho phép Hoa Kỳ đến và đi tùy ý, ngay cả sau khi góp phần vào tình hình rối ren ở Sài Gòn, mà chẳng suy xét gì đến chuyện gì sẽ xảy ra với người Việt ?

Bùi Diễm

Nguyên tác : "No Feeling for the Vietnamese People", The Washington Post, 11/05/ 1995.

Trần Quốc Việt dịch

Bùi Diễm là cựu đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Hoa Kỳ từ năm 1967 đến năm 1972

********************

Tội ác đã đẩy hàng trăm ngàn người ra ngoài biển khơi 

Harrison E. Salisbury - Trần Quốc Việt dịch 

Những câu chuyện buồn nhất trong tất cả các câu chuyện ở cuộc hội thảo là những câu chuyện của chính những người Việt. Họ nói nước Mỹ thua cuộc chiến. Chúng tôi mất nước.

viet5

Tội ác đã đẩy hàng trăm ngàn người ra ngoài biển khơi

Giọng nói trầm của họ hầu như không truyền xa quá chiếc micro, nhưng câu chuyện của họ quả là bi thảm. Tại sao Mỹ đến Việt Nam nếu Mỹ không tôn trọng những cam kết với đồng minh nhỏ bé ? Mục đích của Mỹ ở Việt Nam là gì ? Phải chăng Mỹ thực sự mang lại tự do và dân chủ cho Đông Nam Á ?

Những tiếng nói này không chỉ là những tiếng nói của những người ủng hộ chính phủ cuối cùng của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Những tiếng nói này còn là những tiếng nói đối lập với chính quyền ông Thiệu, nhiều người trong họ đã ở lại vì họ tin vào thống nhất và hòa giải. Nhưng khi những chiếc trực thăng cuối cùng bay khỏi Tòa Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn, ta tưởng như Việt Nam đã bị xóa tên trên bản đồ Mỹ. Việt Nam bị phó mặc để cho chìm vào sự hoang tàn của miền đất bị khai quang, vào sự căm thù và đau thương của cuộc chiến kinh hoàng, vào mưu đồ bất thành của chế độ cộng sản bất tài và đôi khi bất cần.

Buồn nhất là những lời của thuyền nhân. Họ nói trước đây chưa từng có ai phải rời bỏ quê hương Việt Nam. Chưa từng có ai bỏ nước ra đi trong lịch sử tự hào của Việt Nam. Chưa từng có ai bỏ nước ra đi trong hai ngàn năm đấu tranh chống Trung Quốc, bất chấp sự đô hộ rất tàn bạo. Chưa từng có ai bỏ nước ra đi trong nạn đói vào năm 1945, khi ngoài Bắc có rất nhiều người chết, và cuộc chiến tranh chống Pháp càng làm cho nạn đói trở nên khốc liệt hơn. Dù vậy người ở ngoài miền Bắc cũng không vào miền Nam, nơi lương thực dồi dào. Hai triệu người chết đói.

Bây giờ, và chỉ bây giờ, mọi người mới rời bỏ Việt Nam-bất kỳ ai có thể vượt biên bằng thuyền hay trốn đi bằng mọi cách.

viet6

Tiếng nói của người Việt

Một người tỵ nạn Việt Nam :

Hàng triệu người tỵ nạn đã trốn khỏi Việt Nam. Đặc biệt những ai liều mình ra đi bằng thuyền đã bỏ lại sau lưng tất cả, gia đình và quê hương, để đến thế giới tự do. Nếu quý vị nghĩ rằng họ đến đây vì bất kỳ lý do gì ngoại trừ lý do Việt Nam hiện nay không có nhân quyền thì cho phép tôi chỉ ra rằng vào cuối Đệ Nhị Thế Chiến, khi có nạn đói ở miền Bắc Việt Nam, hàng triệu người chết mà đã không tìm cách trốn khỏi miền Bắc Việt Nam, hay thậm chí vào Nam, nơi nguồn thực phẩm dồi dào. Họ không ra đi chỉ vì sự ràng buộc gia đình rất mạnh. Nhưng bây giờ, dưới chế độ Cộng sản, họ đã bất chấp tất cả để trốn thoát cho được. Thậm chí họ từ bỏ mọi quan hệ gia đình, bởi lẽ chính quyền hà khắc không tôn trọng con người. Họ không ra đi để có cuộc sống tốt đẹp hon ở xứ người. Không có nhân quyền chính là nguyên nhân phong trào người tỵ nạn tìm đến thế giới tự do. Nói rằng bất kỳ chính quyền nào xuất hiện ở Việt Nam sau chiến tranh cũng đều như vậy thì thật không đúng.

Một người tỵ nạn Việt Nam :

Những gì xảy ra sau chiến tranh đã biện minh cho sự tham chiến của quân đội Mỹ tại Việt Nam, vì quân đội Mỹ đã thực sự giúp nhân dân chúng tôi bảo vệ tự do của chúng tôi-dẫu không thành, nhưng họ đã làm hết sức mình. Chính bao tội ác đã đẩy hàng trăm ngàn người ra ngoài biển khơi đã biện minh cho sự hiện diện của quân đội Mỹ.

viet18

Harrison E. Salisbury

Nguyên tác : "Vietnam Reconsidered : Lessons From A War", nhà xuất bản Harper & Row, 1984, trang 214 & 240. Tựa đề tiếng Việt của người dịch.

Trần Quốc Việt dịch

********************

Thuyền nhân là nhân chứng cho Chính nghĩa 

Bob Kerrey, 5/5/2000

Cuộc chiến tranh khó khăn nhất của thế kỷ qua không phải là Việt Nam mà là Đệ Nhất Thế Chiến. Vào 1943, năm tôi ra đời, các cựu chiến binh của cuộc Đại Chiến ấy đang tưởng niệm 25 năm ngày đình chiến trong lúc con họ đang chiến đấu ở Ý và Pháp chống lại những kẻ thù mà do những ký ức thất bại cay đắng từ Thế Chiến Thứ Nhất nên sức mạnh quân sự của họ bị coi thường.

viet7

Hình ảnh những người Miền Nam Việt Nam leo lên cầu thang để lên đến trực thăng đáp trên nóc nhà tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn là biểu tượng cho cả xấu hổ lẫn danh dự của chúng ta

Vì vậy, khi tôi nhớ ngày 30/04/1975, tôi cũng sẽ nhớ ngày 11/11/1918 và những gì xảy ra khi Mỹ tự cô lập với thế giới. Nhưng tôi cũng sẽ nhớ niềm tự hào tôi đã cảm thấy khi tôi ngồi trong những buổi họp lưỡng viện Quốc hội lắng nghe Vaclav Havel, Kim Dae-jung, Lech Walesa và Nelson Mandela cảm ơn những người Mỹ đã hy sinh rất nhiều cho tự do của họ.

Bức hình nổi tiếng về những người Miền Nam Việt Nam leo lên cầu thang để lên đến trực thăng đáp trên nóc nhà tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn là biểu tượng cho cả xấu hổ lẫn danh dự của chúng ta. Xấu hổ là chúng ta cuối cùng quay lưng lại với Việt Nam và với sự hy sinh của hơn 58.000 người Mỹ.

Chúng ta buông xuôi trước mệt mỏi và thiếu tự tin, chúng ta không giữ lời hứa ủng hộ người Miền Nam Việt Nam, cho nên cộng sản mới có thể đánh bại đồng minh chúng ta.

Danh dự là trong khi Sài Gòn sụp đổ, chúng ta đã cứu được hàng ngàn người bạn Miền Nam Việt Nam của mình, và trong những năm sau đấy chúng ta đã chào đón hơn một triệu người Việt nữa đến đất nước chúng ta.

Chiến tranh đã dạy cho người trai trẻ học vấn đại học từ miền trung Mỹ vốn lạc quan nhiều bài học giá trị. Chuyến đi Việt Nam của tôi giúp tôi cảm nhận được thế giới rất rộng lớn và muôn vẻ của chúng ta. Tôi cũng đã kinh ngạc trước một điều mà hôm nay vẫn còn làm cho tôi xúc động : người Mỹ sẵn sàng liều chết cho tự do của người khác. Ở Bệnh viện Hải quân Philadelphia tôi biết mọi người, ngay cả tôi, đều cần đến lòng tốt của người Mỹ.

Trong chiến tranh, tôi biết chiến đấu cho tự do là lý do chủ yếu chúng tôi hiện diện ở Việt Nam. Nhưng sau chiến tranh, tôi trở nên tức giận khi tôi biết nhiều hơn về quá trình đưa ra những quyết định quan trọng của chính quyền Mỹ. Tôi giận là họ đã không biết gì về những động cơ của kẻ thù Bắc Việt của chúng ta và lịch sử Việt Nam.

Các nhà lãnh đạo của chúng ta dường như không hiểu quyết tâm cao độ của kẻ thù của chúng ta nhằm tạo ra một nước Việt Nam độc lập theo cách của họ. Tôi rất ghét Tổng thống Nixon vì sự tráo trở của ông trong cuộc tranh cử với lời hứa kết thúc chiến tranh nhưng rồi, một khi đương chức, lại mở rộng chiến tranh sang Cambodia. Nhưng thời gian dạy tôi rằng tức giận cũng vô ích. Vì thế, mới đây tôi bảo cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert S. McNamara, tôi tha thứ các nhà lãnh đạo của chúng ta trong thời kỳ Việt Nam.

Tôi có thể tha thứ, không phải do tôi rất rộng lượng gì mà vì thời gian trôi qua và những hành động của chính quyền cộng sản Việt Nam chứng tỏ cho tôi thấy chúng ta đã chiến đấu cho lẽ phải. Qua cách họ đối xử hà khắc với người dân Việt Nam, qua việc không cho phép người dân có thuốc men và những hàng hóa tiêu thụ thiết yếu, và qua việc đàn áp các hoạt động tôn giáo, cộng sản Việt Nam trong thời hậu chiến đã chứng tỏ họ chính là cộng sản.

Lời bình luận hùng hồn nhất về đời sống dưới thời cai trị của những kẻ kế thừa Hồ Chí Minh là cuộc trốn chạy của hàng triệu người Việt Nam thà liều chết trên đại dương còn hơn sống dưới chế độ ấy. Giá như có phiên tòa để quyết định liệu chiến tranh Việt Nam có đáng tham chiến, tôi sẽ gọi Thuyền Nhân ra làm nhân chứng duy nhất của tôi.

viet8

Cuộc trốn chạy của hàng triệu người Việt Nam thà liều chết trên đại dương còn hơn sống dưới chế độ ấy.

Phải chăng cuộc chiến tranh này xứng đáng với bao nỗ lực và hy sinh ấy, hay phải chăng cuộc chiến ấy là sai lầm ? Những ai bị cuộc chiến này chạm đến phải tự mình trả lời câu hỏi ấy. Khi tôi về nước vào năm 1969 và suốt trong nhiều năm về sau, tôi đã không tin chiến tranh ấy xứng đáng. Ngày nay, theo thời gian trôi qua và cùng với bao trải nghiệm về việc nhìn thấy những lợi ích của tự do đạt được nhờ sự hy sinh của chúng ta và sự hủy diệt con người do các chế độ độc tài gây ra, tôi tin sự nghiệp ấy là chính nghĩa và hy sinh ấy không phải là hoài phí.

Bob Kerey

Nguyên tác : "Was Vietnam War worth it ?", Star-News, 5/5/2000. Tựa đề của người dịch.

Trần Quốc Việt dịch

Bob Kerey là thượng nghị sĩ dân chủ Hoa Kỳ thuộc bang Nebraska. Ông từng được trao Huân chương Danh dự cho sự phục vụ của ông tại Việt Nam.

********************

Chuyến đi tìm mộ cuối cùng 

Liz Mak, The World, 25/06/2018

Carina Hoàng đang chuẩn bị cho chuyến đi. Đến một nơi hầu hết mọi người không bao giờ nghe đến : Đảo Kuku, ở vùng Anambas xa xôi, ở Indonesia. Chị sẽ đi tìm mộ. 

viet9

Carina Hoàng ngồi trên thuyền trong chuyến đi lần thứ tám và có lẽ chuyến đi cuối cùng đến Đảo Kuku.

"Thông thường ta không thấy ai thực sự quyết định trở lại rừng tìm mộ người không quen biết", chị nói. "Nhưng đến nay, bất kỳ lúc nào ai nhờ, tôi cũng không bao giờ từ chối - vì tôi biết đường còn họ thì không".

Người ta không biết đường đến Kuku vì hầu hết mọi người không bao giờ nghe đến đảo này ; thậm chí nó cũng không có tên trên hầu hết các bản đồ. Nhưng đối với Hoàng, Kuku có ý nghĩ đặc biệt. Đấy là nơi cách đây gần 40 năm chị bị bỏ rơi khi chị chỉ mới 16 tuổi. Đấy là nơi chị phải học cách sinh tồn. 

"Đó không phải là trại tỵ nạn" 

Hoàng là người gốc Việt Nam Cộng Hòa. Quốc gia này bị đảo lộn sau cuộc chiến Việt Nam. Những người Việt Nam ở miền Bắc chiếm Việt Nam và áp đặt chế độ cai trị cộng sản. Hàng vạn người bỏ nước ra đi. 

Nhưng gia đình Hoàng không đi được. Cha chị, một cựu trung tá, bị tù đày, còn mẹ chị phải ở lại để trông coi con còn rất nhỏ. Vì vậy gia đình tìm cách cho Hoàng, lúc đó 16 tuổi ; em trai Sài Gòn, 12 tuổi ; và em gái Mimi 10 tuổi, vượt biên. 

Năm 1979 Hoàng cùng với hai em bước lên thuyền để trốn khỏi Việt Nam. 

Hoàng nhớ chiếc thuyền - dài độ 24 mét rộng 4 mét rưỡi-chở đầy đến 373 người. 

"Chúng tôi ngồi bó gối", chị nhớ lại. "Không có chỗ cựa quậy hay duỗi chân ra". 

Họ trải qua một tuần kinh hoàng trên biển cả. 

Thuyền họ đến Malaysia, nơi Hoàng nói nhà chức trách địa phương cướp đoạt họ và rồi đẩy thuyền họ ra lại ngoài biển, không cho những người tỵ nạn lên bờ. Sau đấy thuyền hết lương thực và nước. Nhiều người bắt đầu chết trên thuyền. 

Vào ngày thứ tám, thuyền đến một làng đánh cá nhỏ ở Indonesia. Tại đây thuyền trưởng làm chìm thuyền để mọi người không thể bị đẩy ra lại ngoài biển. 

Những người tỵ nạn được ở lại trong làng, nhưng người ta báo cho họ biết họ sẽ được chuyển đến trại tỵ nạn ở trên đảo khác. Vì vậy Hoàng và hai em vui vẻ leo lên một chiếc thuyền cuối cùng. 

"Thuyền đi rất lâu", chị hồi tưởng. "Phải mất mấy giờ chúng tôi mới đến đảo này. Chúng tôi thấy đảo hình bán nguyệt này, với bờ biển cát đẹp và cây cối". 

Khi chị và những người khác rời thuyền để bơi vào bờ, Hoàng cảm nhận cái gì đấy không bình thường.

"Chúng tôi nhìn quanh", chị nói. "Chỉ thấy toàn là rừng rậm. Chúng tôi chẳng thấy bất kỳ nhà cửa, lều hay trại nào. Chỉ là đảo với cây cối và bụi rậm. Còn trước mặt chúng tôi là đại dương. Đó không phải là trại tỵ nạn". 

Đảo hoàn toàn không có người ở. Không có nhà cửa, đường xá, tuyệt nhiên không có dấu hiệu gì của cuộc sống con người. Đấy là nơi hoàn toàn hoang dã. Sau khi họ lên bờ, chiếc thuyền bỏ đi. 

Đêm ấy Hoàng và hai em ngủ trên bờ biển, dưới cơn mưa tầm tã. 

Mọi người ngồi trên bờ biển, ngóng đợi thuyền quay lại. Một ngày trôi qua. Rồi hai ngày. 

"Đến ngày thứ ba mọi người bắt đầu nhận thức rằng có lẽ chúng tôi sẽ ở lại nơi này". Hoàng nói. 

"Người ta bắt đầu chết" 

Đây là Đảo Kuku, thật ra nó là Bãi biển Kuku, trên Đảo Jemaja. Nhưng tất cả những người tỵ nạn chỉ biết quanh họ chỉ toàn rừng rậm và không có bóng thuyền bè lai vãng. Cho nên họ gọi đảo là Kuku. 

Trên Kuku, không có công cụ, không có lương thực dự trữ, không có nhà vệ sinh. Người tỵ nạn chỉ có những thứ họ mang theo để giúp họ tồn tại. 

"Có rất nhiều dừa", Hoàng nói. "Nhưng chúng tôi không thể trèo lên cây hái dừa. Mà dù có hái xuống thì chúng tôi cũng không có dao hay bất kỳ cái gì dùng để chặt dừa". 

Người tỵ nạn không còn cách nào khác chỉ còn biết sống nhờ vào đảo. Đối với hầu hết mọi người, cuộc sinh tồn thật chẳng dễ dàng. 

"Tôi sợ bơi ra biển để bắt mấy con vật", Hoàng nói. "Tôi không biết bắt cá hay săn bắn. Tôi sợ rắn rết và thú dữ. Tôi ngại đi vào rừng". 

Ban đầu, Hoàng và hai em sống nhờ vào những gói mì họ mang theo. Mỗi ngày chị thường xé ra một gói mì rồi bẻ ra làm bốn góc. Một bữa ăn ba chị em ăn chung một góc gói mỳ. Họ làm mọi cách để sống, nhưng bệnh bắt đầu lan rộng ra. Người ta bắt đầu chết vì sốt rét và tiêu chảy. 

"Người ta bắt đầu chết trên đảo đó sau ngày thứ 10", Hoàng nói. 

Tình cảnh trở nên thê thảm đến mức chẳng mấy chốc Hoàng tuyệt vọng. 

"Chúng tôi chẳng ăn gì trong mấy ngày trời", chị nhớ lại. "Em gái tôi và em trai tôi nằm ra đấy như xác chết. Chúng chỉ nói thì thầm : Chị ơi, em khát quá, đói quá và yếu lắm". 

Nhiều lần tôi nghĩ, "chúng tôi sẽ không qua khỏi". 

Nhưng ngay cả khi họ càng ngày càng trở nên yếu hơn, những người tỵ nạn vẫn không nản lòng. 

Họ còn sống nhờ ăn cá và thằn lằn và bất kỳ con gì khác họ có thể săn được. 

Họ sống được một tháng. Rồi hai tháng. Rồi ba tháng. 

Trong tháng thứ ba ấy, họ giật mình khi nghe tiếng gì đấy bay trên trời. 

"Chúng tôi nhìn lên và có chiếc trực thăng mang phù hiệu Hồng Thập Tự bay vòng quanh", Hoàng nói. "Mọi người nhảy tưng lên và la hét và vẫy tay không ngừng. Đến lúc ấy chúng tôi biết chúng tôi sẽ bình an. Và chúng tôi còn sống. Cả ba chị em chúng tôi". 

"Đây sẽ là chuyến đi cuối cùng của tôi trở lại Đảo Kuku" 

Sau khi Hồng Thập Tự đến, Hoàng và hai em ở lại Kuku thêm năm tháng khi Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc lập ra trại tỵ nạn trên đảo. Họ được chuyển đến trại tỵ nạn khác trên Golang thêm hai tháng trước khi cuối cùng họ được tái định cư ở Hoa Kỳ. Tại đây, họ cố gắng quên đi Kuku. 

"Tôi không bao giờ nghĩ tôi sẽ thấy lại hay muốn thấy lại Kuku", Hoàng nói. 

Nhưng Kuku tìm đến chị. Vào giữa thập niên 1990, dì của Hoàng cũng từng trốn khỏi Việt Nam và bị kẹt trên một hòn đảo gần đấy ở Indonesia, nhờ Hoàng trở lại. Bà muốn Hoàng tìm hài cốt con đã mất ở đấy để dựng bia mộ tử tế. 

Khi trên đảo Anambas có người qua đời, người tỵ nạn tìm bất kỳ tảng đá lớn nào để đánh dấu mộ. 

Khi những người Việt khác nghe chuyện Hoàng đi đến các đảo Anambas, họ bắt đầu cũng nhờ chị đưa họ trở lại chốn xưa. Vào thời đó, có rất ít thông tin về các đảo này hay cách đi đến đấy. Khi Hoàng lần đầu đến Lãnh sự quán Indonesia, thậm chí các nhân viên ở đấy cũng chưa từng bao giờ nghe đến các đảo này. 

Ngay cả hôm nay, chuyến đi cũng phải sắp đặt công phu, phải bay đến Singapore, đi thuyền đến Batam, bay tiếp đến Tanjung Pinang, rồi đi ba lần thuyền nữa đến Kuku. Hoàng nói mỗi chuyến đi chị phải mất hàng tháng trời chuẩn bị, chị phải báo trước cho các chính quyền địa phương. Không ai trả công cho chị để làm công việc này. 

Những ai liên lạc với Hoàng cũng muốn tìm hài cốt của người thân và làm mộ tử tế cho họ. Vì thế Hoàng đồng ý trở lại Đảo Kuku một lần, rồi thành hai lần. Rồi ba, bốn lần. Đến nay, Hoàng đã trở lại bảy lần. 

Rồi từ đó đến nay, Hoàng đã giúp đỡ khoảng 15 gia đình đi tìm lại mộ người thân. Nhưng, chị nói, tuy những chuyến đi tìm mộ làm cho chị mãn nguyện và hàn gắn vết thương lòng, nhưng cũng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. 

"Sau rất nhiều chuyến đi tìm mộ", Hoàng nói, "Tôi cảm thấy đuối sức. Đã đến lúc tôi phải ngưng lại. Chuyến đi này sẽ là chuyến đi cuối cùng của tôi trở lại Đảo Kuku". 

viet10

Hành khách ngồi trên chiếc thuyền cuối cùng đến Đảo Kuku

"Tôi đã cố gắng quên đi" 

Tony Lưu, 57 tuổi, mẹ anh, Trương Ơn, 77 tuổi, và em anh, Daniel, tham gia vào chuyến đi cuối cùng của Hoàng đến Đảo Kuku. 

Họ cùng nhau đi tìm mộ của Lưu Cao, cha của Tony Lưu, mất ở trên đảo cách đây gần 40 năm. Lưu nói anh lo lắng trước những gì anh có thể thấy. 

Hoàng và Lưu cả hai đến Kuku vào tháng Sáu 1979. Họ là những người đi chính chuyến tàu đầu tiên đến đảo và họ trải qua những ngày tháng khó khăn nhất ở đấy. 

Lưu 18 tuổi khi anh từ giã Kuku và bỏ lại lại sau lưng người cha nằm dưới nấm mộ vùi nông. Trong suốt thời gian về sau, anh chưa bao giờ nói với một ai về chuyện đã xảy ra ở đấy : cha anh, bị bệnh sốt rét, mất trên đảo như thế nào. 

"Tôi không bao giờ nghĩ cha có thể chết", Lưu nói, "Cho nên tôi không bao giờ muốn nói đến chuyện đó nữa. Tôi thậm chí không bao giờ muốn nhớ đến. Tôi cố gắng quên đi". 

Nhưng ngoài nỗi đau cha chết, trong suốt bốn chục năm qua Lưu còn mang nặng bên mình một nỗi đau khác còn lớn hơn nhiều. Anh nghĩ anh có can hệ đến cái chết của cha. 

"Tôi là nguyên nhân khiến cha tôi mất", Lưu nói. 

Lưu tin cha anh không bao giờ phải rời Việt Nam. Lưu 18 tuổi lúc họ ra đi vì cha mẹ anh lo lắng anh sẽ bị bắt đi quân dịch và rồi cuối cùng có thể đánh nhau trong cuộc xung đột biên giới giữa Việt Nam với Cambodia. 

Lưu miễn cưỡng tham gia vào chuyến đi trở lại Đảo Kuku, nơi anh muốn quên đi mãi mãi. Anh đi chính vì mẹ, để mẹ thực hiện ước mơ của mẹ là dựng bia mộ cho cha và tỏ lòng thành kính trước mộ người. 

"Nhưng trong thâm tâm tôi biết tôi phải làm điều này", anh nói. "Chỉ có tôi thôi, tôi cảm thấy tôi không có can đảm, tôi không có dũng cảm. Điều ấy khiến tôi buồn phiền". 

viet11

Carina Hoàng, trái, và con gái, phải ôm nhau trên chuyến thuyền tới Đảo Kuku

Đảo Kuku giống như đảo nghỉ mát : những bóng dừa rải rác trên bờ biển đong đưa qua lại. Tiếng của sóng biển màu ngọc xanh tạo cho du khách cảm giác êm đềm giả tạo, vì ở phía xa đằng sau, rừng rậm lờ mờ hiện ra. 

Hoàng khóc suốt từ lúc từ xa chị đã nhận ra Kuku . Bây giờ, nước mắt vẫn chảy xuống theo bước chân chị đi trên cát. 

"Bây giờ tôi đang đứng ở đây, tôi cũng thật sự không biết tại sao chúng tôi vẫn còn sống", chị nói. "Đúng là phép lạ. Chẳng ai ở thế giới bên ngoài biết chúng ta đang ở đây. Chỉ có bụi rậm, cây cối và rừng thẳm". 

Cả nhóm đi theo Hoàng, người biết rành địa lý trên Kuku sau bảy chuyến đi trở lại trong mười năm. Chị đi đến con suối nhỏ, nơi Trương Ơn nhớ đã chôn người chồng quá cố. Hoàng nói chị biết về một nghĩa địa lớn gần đấy. Trước đây chị đã tìm thấy những nấm mồ khác ở đấy. 

viet12

Cổng được xây dựng để vinh danh những người tỵ nạn trên Đảo Kuku.

"Tôi đã đặt tảng đá ấy" 

Một số mộ bên suối có những tấm bia lớn xây bằng xi măng đơn sơ có khắc tên và ngày tháng năm của người đã khuất. Đây là những mộ của những người mà gia đình họ đã quay trở lại với Hoàng và đã tìm thấy được. 

Rồi có những nấm mộ không có ai trở lại tìm. Những tảng đá lớn nằm rải rác khắp nơi khiến ta không rõ đá nào đánh dấu mộ đá nào chỉ là đá thường. 

Hôm nay, đi tìm mộ cha của Lưu, sẽ là chuyến đi tìm mộ cuối cùng của Hoàng trên Kuku. Lưu lúc 18 tuổi đã chọn tảng đá để đánh đấu mộ cha. Anh nhớ anh đã tìm được một tảng đá khá lớn, hình tam giác, có bề mặt láng. 

Hoàng đưa những người dân địa phương đi cùng với chị ra đảo để giúp khai quang lá và đất che lấp kín các mộ. Khi nhóm đến khu vực nơi gia đình Lưu bắt đầu tìm kiếm cha, Hoàng chỉ những tảng đá khác nhau và hỏi gia đình có nhận ra tảng đá nào quen không. Một tảng đá đập vào mắt họ. Họ nhìn tảng đá đến mấy phút, cố gắng nhớ lại nơi họ đặt bia mộ cha cách đây gần 40 năm. Và rồi, sau dường như chỉ nửa giờ, Lưu chỉ tảng đá có hình tam giác. 

"Tôi đã đặt tảng đá ấy", anh nói. 

Không có cách nào chứng minh rằng đây thực sự chính là tảng đá mà Lưu còn nhớ chỉ bằng cách nhìn nó thôi. Cách duy nhất để biết có đúng là tảng đá ấy hay không là phải khai quật hài cốt để tìm đồ dùng cá nhân hay áo quần thân thuộc của cha họ. Nhưng gia đình quyết định họ không muốn dùng đến cách tàn nhẫn như thế. Họ không muốn động mồ mả. 

viet13

Tony Lưu cùng mẹ, Trương Ơn, và Carina Hoàng cúng trước mộ cha của anh.

Đối với gia đình Lưu, dù hoàn toàn không chắc chắn, nhưng như vậy cũng đủ. 

Trong bốn mươi năm qua mẹ Lưu thường muốn lo cho mồ mả chồng. Bà rửa tảng đá. Rồi bà đốt hương và cắm hương trên mặt đất bên cạnh trái cây cúng. Hai anh em mỗi người ở riêng với cha một lát. Tony bật khóc nức nở. 

Hoàng đứng ở phía sau nhìn. Chị cũng khóc tự lúc nào. 

"Tôi buồn khi thấy mộ sao mà thảm thương", chị nói. 

Tảng đá đủ lớn để giữ trong hai tay. Đá không có nét chữ hay dấu khắc ; nó chỉ là tảng đá tốt nhất mà Tony tìm được lúc ấy, được đặt lên trên một khoảng đất trống, trên một hòn đảo hoang vắng giữa đại dương. Nó rất quan trọng, nhưng đồng thời, bia mộ tạm ấy sao có vẻ rất buồn thảm. 

viet14

Hai anh em Tony và Daniel Lưu khắc chữ và ngày tháng vào bia mộ cha.

"Họ không bị lãng quên" 

Mọi người quay về trước khi trời tối. Họ băng qua con suối, đi ra khỏi rừng, đi qua đám cỏ cao, qua bờ biển để leo lại lên thuyền. 

Ngày hôm sau, tại nhà trọ, Lưu trầm tư về chuyện tìm thấy mộ. Anh nói mặc dù điều này sẽ giúp anh có được sự bình an để sống tiếp, nhưng anh cũng nói có những điều anh tin anh sẽ không bao giờ vượt qua được. 

"Đôi khi", anh nói, "tôi hồi tưởng. Nếu như chúng tôi biết trước chúng tôi sẽ trả giá rất đắt như vậy thì liệu chúng tôi vẫn quyết định ra đi ?" 

Còn Hoàng, thật khó hiểu điều gì đã khiến chị hết lần này đến lần khác sẵn sàng trở lại đảo nơi chị trải qua bao khổ đau. Hoàng nói điều thôi thúc chị bắt nguồn từ một ký ức chị không bao giờ có thể quên được. 

"Khi chúng tôi ở trên Đảo Kuku, chúng tôi chẳng có thuốc men", chị nói. "Nhiều lúc tôi ở đấy ban đêm. Tôi đếm số người đang hấp hối ngồi quanh tôi. Buối sáng khi tôi trở lại, tôi biết sẽ mất đi một hay hai người". 

"Trở lại đây, tôi nghĩ đó là điều tối thiểu tôi có thể làm được cho những người đã khuất ở đây. Và tôi nghĩ điều tối thiểu ai cũng có thể làm được là đưa gia đinh họ trở lại thăm viếng họ để họ biết rằng họ không bị lãng quên". 

Liz Mak

Nguyên tác : "A former refugee leads families back to an Indonesian island so they can find graves", The World, 25/06/2018

Trần Quốc Việt dịch

 

********************

Nước Mỹ ơi, xin hãy giúp đỡ nhân dân tôi

Nguyễn Thị Anh, Los Angeles Times, 22/4/1975

Tôi là y tá chuyên nghiệp, sinh ra và được đào tạo tại Việt Nam, cho nên tôi cố gắng sống theo qui ước đạo đức nghề nghiệp của mình. Vì vậy tôi cất lên tiếng kêu đau khổ cho nhân dân tôi.

viet15

"Chúng tôi thuộc phe thua trận và gia đình tôi bị đàn áp". Photograph : Express Newspapers/Getty Images

Với tất cả những người dân Miền Nam Việt Nam đang chạy nạn đến hàng triệu người : đồng bào thật sự chạy đi đâu ? Số phận của đồng bào đang ở trong tay của những kẻ rất quyền thế mà đang quyết định đồng bào sẽ sống ở đâu vào khi nào và như thế nào, nếu đồng bào may ra còn sống.

Đồng bào đã không bao giờ được ai hỏi muốn sống như thế nào. Tiếng nói của đồng bào chẳng được ai nghe ở bất kỳ nơi đâu, dù ở miền bắc, ở miền nam, hay trên thế giới.

Những kẻ rất quyền thế ấy đã quyết định đất nước của đồng bào phải bị chia cắt thành hai, lòng người phải đau khổ và gia đình phải chia lìa, vì thế họ ký hiệp định Geneva. Rồi đồng bào bỏ chạy. Họ quyết định con của đồng bào phải đánh nhau, vì thế con của đồng bào đi và chết. Họ quyết định cho đồng bào lấy lại hơi một chút, vì thế họ ký hiệp định Paris. Rồi một trong những kẻ rất quyền thế ấy quyết định đồng bào không đáng được họ ủng hộ, vì thế họ trút bỏ trách nhiệm.

Phía bên kia quyết định đất đai của đồng bào trù phú, đồng bào thuộc về họ, vì thế họ đến để giành lấy đồng bào. Bây giờ đồng bào lại bỏ chạy. Đến đâu ? Để được gì ? Được tự do, được giải thoát, được bảo vệ, được chết ?

Tất nhiên đồng bào không muốn những kẻ độc tài cai trị mình : đồng bào cũng không muốn bị giết chết mà không có lý do. Tàn nhẫn thay đồng bào cũng không được phép có giấc mơ hoang tưởng nhất là mình và gia đình mình được bình an vô sự.

Chạy hay ở lại đối với đồng bào đều bế tắc. Bây giờ trước mặt đồng bào là đại dương. Đồng bào không còn chỗ để chạy tiếp. Bây giờ đồng bào cũng không có đến cả một bát cháo nhỏ dằn bụng để khỏi đói cồn cào, cũng không có những giọt sữa cho trẻ thơ.

Đâu đấy trong thế giới rất giàu mạnh này, họ nói thiếu thực phẩm sẽ ảnh hưởng đến não của con nhỏ của đồng bào, chúng sẽ trở nên khờ dại, chúng sẽ lớn lên thành những người lớn bị rối loạn cảm xúc. Làm sao đồng bào biết điều ấy ? Đồng bào bây giờ chỉ biết rằng đồng bào đang chờ, và đồng bào nhìn thấy con mình ngày một gầy hơn, và ngày nào đấy chúng chết. Đời là như thế đấy. Số phận là thế đấy. Không có thực phẩm, hay không có đủ. Không nơi lánh nạn. Thậm chí chẳng có gì đáp ứng nhu cầu căn bản của đồng bào.

Đồng bào đang chờ những kẻ rất quyền thế từ bên ngoài đến giúp. Đồng bào không bao giờ nghi ngờ : Họ sẽ đến giúp. Cuộc chiến này biết đâu vẫn chưa kết thúc. Đồng bào đang chờ. Đồng bào nhìn ra biển, đồng bào nhìn lên trời. Sự cứu giúp sẽ đến từ đấy. Họ không bao giờ làm cho đồng bào thất vọng. Ít ra bầu trời đủ lớn cho tất cả mọi người ; đồng bào có thể nhìn trời mà không bị những kẻ cầm quyền ở bất kỳ bên nào trừng phạt.

Với những kẻ rất quyền thế trên thế giới : Quý vị cho đến nay đã làm được gì ? Tại sao quý vị không làm nhanh lên ? Qúy vị đã lo được cho vài trăm trẻ mồ côi được chọn lọc kỹ càng. Còn tất cả những người khác thì sao ?

Có lẽ bây giờ đành trông chờ vào những cá nhân, rất nhiều những cá nhân như bạn sẵn sàng giúp đỡ. Bạn có thể gọi Washington hay hỏi tổ chức từ thiện địa phương của bạn cách thức giúp đỡ. Nhưng có lẽ bạn sẽ không giúp- điện thoại bận và bạn không thể chờ.

Quốc hội nói sẽ cho tiền, nhưng trong lúc ấy những người tỵ nạn đang chạy trốn, đang run rẩy. Trong nước này, hàng triệu công dân thường sẵn sàng cho, hoặc để xoa dịu lương tâm xã hội của mình hay vì những lý do thuần túy nhân đạo. Nhưng cho đến nay người ta mới chỉ có những nỗ lực thưa thớt nhằm cố gắng tổ chức giúp đỡ hàng triệu người tỵ nạn.

Vì thế bây giờ tôi kêu gọi những cá nhân người Mỹ. Hãy bỏ qua bao lo ngại và chính trị ; đã quá đủ về "Chúng tôi không biết tiền chúng tôi đi đâu" hay "Chúng tôi không muốn cho tiền chính phủ Thiệu". Hiện nay không còn chính phủ Thiệu. Bây giờ chỉ hãy nghĩ đến những người tỵ nạn, trẻ em, trẻ mồ côi.

Tôi lúc nào cũng nghĩ về họ. Cách đây nhiều năm anh tôi bị cộng sản sát hại khi anh tôi hoạt động với lực lượng "kháng chiến".

Bản thân tôi làm việc với chính quyền Sài Gòn trong 16 năm, dành nhiều năm trong thời gian ấy đấu tranh cho những thay đổi về giáo dục y tá và về sự phân phối tốt hơn công việc y tá. Nỗ lực của tôi thất bại, cho nên tôi xin chiếu khán xuất cảnh. Sau hai năm tôi được cấp chiếu khán, nhưng tôi không được phép dùng tiền của tôi cho việc học của mình.

Vì thế, bạn thấy, tôi xuất thân từ nhân dân ; khác biệt duy nhất là tôi có phương tiện để mưu cầu tự do cho mình, còn những người khác không có. Do vậy tôi hôm nay có thể khẩn cầu điều này : Nước Mỹ ơi, xin hãy giúp đỡ nhân dân tôi.

Họ chẳng còn biết trông cậy vào ai khác. Họ tin cậy vào bạn là người tin vào những quyền tự do thiết yếu của nhân loại và tin vào sự gìn giữ sinh mạng của con người.

Nguyễn Thị Anh

Nguyên tác : ‘Please, America, Help My People’, Los Angeles Times, 22/4/1975

Trần Quốc Việt dịch

Nguyễn Thị Anh là sinh viên cao học về giáo dục ở đại học UCLA.

*******************

Tình cha như núi, lòng con như biển 

James Zumwalt, The Washington Post, 09/10/1994.

"Lòng tôi rất đau buồn trước cảnh như thế", cựu Đề đốc Trần Văn Chơn, 74 tuổi, nguyên tư lệnh Hải quân miền Nam Việt Nam trước đây nói. "Cuối cùng tôi nhận thức hiện thực là tôi đang chứng kiến những giờ phút tự do cuối cùng của nước tôi". Ông hồi tưởng những ngày tháng Tư 1975 khi những đơn vị cộng sản ở ngay sát bên ngoài Sài Gòn (chẳng bao lâu sau đó bị đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh), đang chờ đợi cuộc di tản cuối cùng của các nhân viên Mỹ. Hỗn loạn bao trùm khi hàng ngàn người Việt tràn ngập phi trường thành phố, bến cảng và tòa đại sứ Mỹ, để tìm mọi cách ra khỏi nước.

viet16

Ông Chơn may mắn. Vài ngày trước đó, Tòa đại sứ Mỹ báo cho ông biết bạn hữu của ông ở Washington đã sắp xếp cho ông di tản cùng với vợ, Lâm Thị Loan, 10 người con và cha mẹ ông đã ngoài tám mươi. Khi thời điểm di tản đến gần, ông Chơn tụ họp con cái ở độ tuổi từ 7 đến 29 lại và đi đón mẹ ông, Lê Thị Đô, và cha ông, Trần Văn Núi, cách nhà độ 72 cây số ở Vũng Tàu, quê hương thời niên thiếu của ông. Ông giải thích họ sẽ phải ra đi. Cha ông chẳng nói gì, nhưng ông Chơn thấy mắt cha ngấn lệ. 

Ông Chơn thấu hiểu nỗi khổ tâm của cha. Vũng Tàu là nơi cha ông chôn nhau cắt rốn ; nơi có mồ mả ông bà tổ tiên. Bây giờ ở tuổi gần đất xa trời, cha ông sẽ phải rời bỏ nơi chốn duy nhất cha ông biết này. Ông Chơn nghĩ thời gian qua đi cha ông sẽ chấp nhận số phận này. Tuy nhiên trong thời gian gia đình chờ ra đi, cha ông vẫn lặng lẽ chẳng nói năng gì. 

Cuối cùng nhận được điện thoại báo ra đi, ông Chơn tập trung cả gia đình lại. Nhưng khi ông thấy cha ông rất đau khổ lúc sắp phải cất bước ra đi, lòng ông Chơn đã quyết định dứt khoát rõ ràng. 

"Cả gia đình ta nghe đây", ông tuyên bố, "chúng ta sẽ không đi !". Mọi người đều im lặng trước quyết định phút cuối này trong lúc ông Chơn liếc nhìn cha. 

Một vài ngày sau, 30 tháng Tư, 1975, sau khi Mỹ di tản xong, quân đội chiến thắng của cộng sản tiến vào Sài Gòn. 

Tất cả các nhân viên quân sự miền Nam Việt Nam dù tại ngũ hay giải ngũ đều buộc phải ra trình diện cộng sản. Các con trai của ông Chơn là Trúc, Trung và Chánh cũng phục vụ trong quân đội. Trúc đã thoát bằng tàu vào lúc Sài Gòn thất thủ. Hai người con còn lại và ông Chơn không chịu ra trình diện, lẫn tránh trong vài tuần lễ và cố gắng tổ chức phong trào kháng chiến. Tuy nhiên, sự sụp đổ nhanh chóng và hoàn toàn của chính quyền miền Nam Việt Nam khiến bao nỗ lực của họ không thành. Cả ba người trở thành những kẻ tội phạm sống ngoài vòng pháp luật ở trong nước mình. 

Nhận thức rằng nếu cứ tiếp tục lẫn trốn họ sẽ làm hại chính những người che giấu họ, ông Chơn quyết định tốt nhất nên ra trình diện. Trước khi đi, ông trở về Vũng Tàu thăm cha mẹ, biết đâu đây là lần cuối cùng ông thấy họ. 

Trở lại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Chơn tạm biệt gia đình. Ông nhờ con ông Trung đưa ông đến địa điểm trình diện. Lúc những bộ đội đứng gác quay mặt đi, cha con ôm nhau lần cuối cùng. Vài ngày sau, Trung và Chánh, theo gương cha, cũng ra trình diện. 

Ba người bị giam ở những trại tù khác nhau. Trong trại họ bị "cải tạo", mà được coi là cần thiết để xóa bỏ ảnh hưởng tuyên truyền của Mỹ. Cải tạo được tiến hành qua một chế độ lao động nặng nề và học tập về chủ nghĩa cộng sản. 

Vì không bao giờ bị đưa ra tòa xét xử và chính thức bị kết án nên ông Chơn và các con, cũng như bao nhiêu người tù khác, đều không biết họ sẽ bị giam giữ đến bao lâu. Đây là khía cạnh khó khăn nhất trong cảnh lao tù khắc nghiệt của họ. Sau ba năm Trung bất ngờ được thả ra ; còn Chánh ở tù đến bảy năm. Đề đốc Chơn bị giam suốt 12 năm trời trước khi được thả ra vào ngày 2 tháng Chín, 1987, chủ yếu nhờ những nỗ lực vận động của bạn bè tại Mỹ. 

Từ nhà tù ở miền Bắc Việt Nam, ông Chơn lên tàu lửa về lại Thành phố Hồ Chí Minh, nơi gia đình và bạn bè chào đón ông. Họ tưởng đâu gặp lại một người đã bị suy sụp về thể xác lẫn tinh thần bởi hoàn cảnh lao tù rất hà khắc và thiếu sự chăm sóc y tế. Nhưng mái tóc bạc trắng phủ đến vai của ông Chơn bao quanh khuôn mặt thanh xuân. Đôi mắt ông ánh lên tinh thần mạnh mẽ. 

Ông Chơn liền biết tại sao chỉ có ba con ra đón mừng ông. Giống như Trúc con ông, sáu người con khác đã vượt biên bằng thuyền hay bằng đường bộ. 

"Ba má anh đâu hả mình ?". Ông hỏi vợ mà lòng rất sợ điều ông đã đoán. Bà quay sang em ông Chơn. "Sau khi anh đi tù hai năm thì má qua đời", người em nói chậm rãi, "Hai năm sau ba mất". 

Mặc dù ông Chơn đã linh cảm trước, nhưng tin cha mẹ chết sao vẫn quá đau đớn. Ông cố gắng an ủi lòng mình rằng khi song thân ông qua đời, họ biết rõ tình thương, tấm lòng hiếu thảo và sự hy sinh của ông dành cho hai đấng sinh thành. 

Ông Chơn cố gắng lắm mới giữ được sự bình an trong lòng. Vì cha mẹ ông đã rất cao tuổi rồi, liệu quyết định bắt gia đình ông ở lại Việt Nam có đáng không ? Đối với ông, quyết định ấy xứng đáng. Ông giải thích, "Nếu lập lại tôi vẫn quyết định như thế cho dù cha mẹ tôi chẳng sống được bao lâu chăng nữa - dù chỉ được vài tháng hay vài tuần. Tôi quyết định ở lại để tránh cho cha mẹ tôi đau khổ họ phải chịu đựng vĩnh viễn nếu tôi đưa họ rời xa quê hương. Đối với tôi điều quan trọng nhất trong đời là niềm hạnh phúc của cha mẹ mình". 

Khi chọn ở lại, ông Chơn muốn cho cha mẹ được an lòng. Nhưng cuối cùng, cha ông không tìm thấy bình an. Người bạn của gia đình tiết lộ rằng sự hy sinh và cực khổ của ông Chơn đã trở thành nguồn đau khổ và ân hận vô cùng lớn đối với cha ông, mà từ đấy cha ông đã mang xuống tuyền đài. Người bạn ấy tin chính đau khổ này đã giết chết người cha. 

"Khi tôi biết cha tôi đã đau khổ trong những ngày cuối đời vì thương con cực khổ, "ông Chơn kể lại, "tôi không thể nào cầm được nước mắt. Tôi nhận thức chẳng có gì tôi đã làm hay có thể làm mà có thể so sánh với tình thương bao la cha tôi dành cho tôi". 

"Người ta hay nói "Có con rồi mới hiểu tình thương bao la của cha mẹ", tôi tin điều này là đúng. 

Gần năm năm sau ông Chơn mới có thể rời khỏi nước. Vào ngày 9 tháng Mười Hai, 1991, một trong những chuyến bay đầu tiên trong 17 năm giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Mỹ đã đưa đề đốc Chơn, vợ và con gái út đến San Francisco. 

Ngày nay ông Chơn sống ở San Jose cùng với vợ, hai con trai và hai con gái. Bốn người con khác sống ở California ; hai người con đã lập gia đình và sống ở Việt Nam. Ông Chơn nói bây giờ ông vẫn tin chắc chắn như ông đã tin vào năm 1975 rằng con người gánh vác nhiều trách nhiệm ở đời, nhưng trách nhiệm cao cả nhất là trách nhiệm đối với cha mẹ mình. Vì lý do này, ông nói, con cái ông không bao giờ chất vấn quyết định của cha. "Trong bất kỳ văn hóa nào", ông Chơn nhận xét, "con cái luôn luôn được dạy dỗ phải thương yêu và kính trọng cha mẹ. Thương yêu và kính trọng cha mẹ là trách nhiệm đạo lý chung của toàn nhân loại". 

James Zumwalt

Nguyên tác : "A Son’s Sacrifice", The Washington Post, 09/10/1994. Tựa đề của người dịch

Trần Quốc Việt dịch

**********************

Bài học lớn nhất của lịch sử

Will Durant, Will Durant Foundation, 18/11/1945

Sử gia người Mỹ Will Durant đã viết bộ sử vĩ đại nhất có lẽ của mọi thời đại nhan đề Câu Chuyện về nền văn minh (The Story of Civilization). Từ đấy ông chắt lọc ra được bài học lớn nhất của lịch sử như sau :

viet17

Rồi bất ngờ Charlie xoay tít cây gậy lên trời, sửa mũ trên đầu lại cho chặc, và bước đi nghiêng qua nghiêng lại ra khỏi phim và vào cuộc đời - con người là thế đấy.

"Nhưng tôi sẽ không để các bạn nghĩ rằng lịch sử chỉ là bi kịch, và sự nghiên cứu lịch sử sẽ làm sụp đổ bao hy vọng của con người. Không, thật ra bài học quý giá nhất của lịch sử là con người bất khuất ; con người vượt qua được vô vàn các cuộc khủng hoảng, như con người sẽ vượt qua những cuộc khủng hoảng ngày nay mà khiến ta lo lắng.

Các bạn có nhớ phim "Đoàn Xiếc" của Charlie Chaplin ? Bạn chắc nhớ vào cuối phim Charlie mất việc ở đoàn xiếc ; và buổi sáng hôm ấy sau lần diễn cuối cùng những chiếc xe ngựa bít bùng lăn bánh đi bỏ anh ở lại một mình giữa những tàn tích, không bạn bè, không tiền bạc, buồn thảm cô đơn thấy rõ ; đấy chính là hình ảnh con người sau khi La Mã sụp đổ, hay sau Cuộc Chiến tranh Ba mươi Năm, hay Châu Âu sau Đệ nhị Thế Chiến ! Rồi bất ngờ Charlie xoay tít cây gậy lên trời, sửa mũ trên đầu lại cho chặc, và bước đi nghiêng qua nghiêng lại ra khỏi phim và vào cuộc đời - con người là thế đấy.

viet

Dù con người tưởng chừng ngã rất nặng, dù tai họa tưởng chừng ập xuống quá lớn, nhưng con người đứng dậy, "đẫm máu nhưng không khuất phục", vẫn náo nức, tò mò, giàu tưởng tượng, và quyết tâm bước đi tiếp. Rồi ở đâu đó, bằng cách nào đấy, con người sẽ gầy dựng trở lại. Đấy là bài học lớn nhất của lịch sử".

Will Durant

Nguyên tác : "Invitation to History – The Map of Human Character", Will Foundation, 18/11/1945

Trần Quốc Việt dịch

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trần Quốc Việt, Bùi Diễm, Harrison E. Salisbury, Bob Kerrey, Liz Mak, Nguyễn Thị Anh, James Zumwalt, Will Durant
Read 901 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)