Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

29/04/2022

Những bất thường trước Hội nghị Trung ương 5

Lê Hoàng Mai

"Đảng quyền" không thể cứ tiếp tục lấn át "Chính quyền" mãi ! Đó là một trong những kỳ vọng dư luận trông chờ ở Hội nghị Trung ương 5 đầu tháng tới. Mọi diễn tiến mấy lâu nay, từ công tác kiểm tra, giám sát của đảng, đến đòi hỏi của các nhánh quyền lực và việc tống giam lãnh đạo những doanh nghiệp "thân hữu"… Tất cả đều liên quan tới cuộc đấu tranh quyền lực trong nội bộ, mà lần này có thể diễn ra ở tầng cao nhất. Liệu "màn kéo co" giữa "Đảng quyền" và "Pháp quyền" qua Trung ương 5 này đã vào hồi chung cuộc hay chưa ?

hoinghi1

Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày 01/11/2021 - Ảnh minh họa

Khó khăn, phức tạp của Trung ương 5

Nghị trình Trung ương 5 – diễn ra từ ngày 5 đến ngày 10 tháng Năm – chắc chắn sẽ hết sức khó khăn và phức tạp. Khó khăn là vì có quá nhiều vấn đề gay cấn liên quan đến phục hồi kinh tế sau đại dịch cần có sự đồng thuận trong nội bộ 200 Ủy viên trung ương. Phức tạp là vì, không chỉ về nội trị mà trên mặt trận đối ngoại đảng cũng đang đối mặt với tình thế lưỡng nan chưa từng có. Cuộc xâm lăng của Nga ở Ukraine đang làm rung chuyển trật tự thế giới, càng chia rẽ sâu sắc lòng người trong và ngoài Việt Nam. Đồng thời với cuộc chiến đẫm máu, còn có một "cuộc chiến" khác trong xã hội Việt Nam, tuy không có tiếng súng nhưng không kém phần gay gắt để xác định tầm "quan trí" và tầm "dân trí". Trong tình hình hiện nay, lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam có bản lĩnh để đặt chiến lược an ninh và phát triển đất nước trên đường ray tiến hóa của nhân loại hay không? Hội nghị Trung ương 5 liệu có dám nêu vấn đề này ra để các Ủy viên trung ương thảo luận ? (1). Bởi vì, qua các động thái ngoại giao cho đến nay của chính quyền Việt Nam, dư luận khu vực và quốc tế ngày càng thấy rõ xu hướng chống Mỹ, "phò" Nga, "khấu đầu" trước Tàu và quay lưng lại các nước tiến bộ trên thế giới trong vấn đề Ukraine.

Mặc dầu vậy, tại cuộc tiếp tân Đại sứ Mỹ Marc Knapper đến chào xã giao ngày 24/5 vừa qua ở Hà Nội, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn "niệm câu bùa chú" cũ : "Việt Nam chưa bao giờ có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay". Cao ngạo nhưng lại thiếu tự tin. Mỗi lần tiếp xúc với đại diện Hoa Kỳ, cho dù ở cấp nào, Việt Nam cũng "run rẩy", chỉ phát triển quan hệ với Mỹ trên cơ sở "tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau". Kể cũng lạ, một Việt Nam "chưa bao giờ có cơ đồ, tiềm lực… như hiện nay", mà xây dựng quan hệ đối tác với Mỹ thì sợ "cách mạng màu", gặp Trung Quốc thì sợ một "Ukraine trên biển hoặc trong đất liền". Với Mỹ, không dám đi tới "đối tác chiến lược", vì sợ Tàu. Với Tàu, lại muốn kết nghĩa làm "đồng chí và anh em" (để chống Mỹ ?). Hai Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang và Ngụy Phượng Hòa mới đây còn ôm hôn nhau thắm thiết, nước mắt rưng rưng trên biên giới Việt – Trung. Dù trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao còn "vung tay múa chân" phản đối Tàu tập trận trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các diễn xuất vụng về của chủ trương đối ngoại "nói một đằng làm một nẻo" khiến các đối tác có thiện chí cũng chẳng biết lối nào mà lần (2).

hoinghi2

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Đại sứ Mỹ Marc Knapper tại Hà Nội hôm 25/4/2022. Hình : Đại sứ quán Mỹ

Công khai "việc đốt lò" không như ý

Trong quý II năm 2022 này, Ban Tổ chức Trung ương tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình công tác năm, tập trung cao độ để tiếp thu, hoàn thiện Đề án trình Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) tới đây. Với chương trình này, Ban Tổ chức Trung ương đã tham mưu ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XIII) "về xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên". Trước Hội nghị Trung ương 5, dư luận hết sức bất ngờ, Thường trực Ban Bí thư Đảng Võ Văn Thưởng vừa cho công bố "Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của đảng đến năm 2030". Chiến lược này có thể như một sự răn đe đối với các đồng chí nào còn "ham" đấu tranh trong Trung ương. Tuy nhiên, nó cũng có thể là một trò boomerang. Cứ nhìn vào thực tế hoạt động của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền trong thời gian vừa qua, đảng vừa cho "xộ khám" 40 tướng lĩnh các lực lượng vũ trang (cả quân đội lẫn công an) và kỷ luật 2000 đảng viên, thì có thể kết luận "Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát" ấy thành công hay thảm bại! Liệu có Ủy viên Trung ương nào dám đặt vấn đề về trách nhiệm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Với tư cách là Bí thư Quân uỷ trung ương và Thường vụ Đảng uỷ Công an Trung ương, ông Trọng không thể vô can trước những sai phạm nghiêm trọng của các tướng lĩnh ở cả hai Bộ Quốc phòng và Công an suốt một thời gian dài như đã biết ? (3).

Công khai những yếu kém trong công tác xây dựng đảng, một động thái bất thường khác trước Hội nghị Trung ương 5 đang thu hút công luận. Đó là việc thành lập hệ thống ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh. Đây được định hướng dư luận là để đối phó với tình trạng "trên nóng dưới lạnh" từng xảy ra ở một số địa phương thời gian vừa qua. Tại cuộc họp ngày 11/3/2022, Bộ Chính trị đã giao Ban Nội chính Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, trình Bộ Chính trị, Ban CHTW Đảng xem xét, quyết định. Đáng chú ý, chỉ trước cuộc họp Bộ Chính trị nói trên một ngày, chiều 10/3/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì cuộc họp lãnh đạo chủ chốt đánh giá những vấn đề nổi bật của đất nước, tình hình quốc tế trong những tháng đầu năm 2022 và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Cơ chế "lãnh đạo chủ chốt" này thực ra không hề tồn tại trong hệ thống quyền lực của cả đảng lẫn chính quyền (4).

Các nhánh đều muốn tăng pháp quyền

Phải chăng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lobby nhằm áp đặt ý muốn chủ quan của ông đối với các nhánh quyền lực trong "Bộ Tứ", để khi ra họp Bộ Chính trị, chủ trương của Tổng bí thư được thông qua trót lọt ? Cách làm này của ông Trọng phản ánh sự lấn lướt của "Đảng quyền" xưa nay. Dù vậy, suốt một phần ba nhiệm kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính trong vai trò nhà cải cách đã hướng các ưu tiên để tái cấu trúc lại tương quan quyền lực trong "Bộ Tứ". Việc tái cấu trúc này không chỉ phục vụ cho khung khổ vận hành nhánh "hành pháp" do ông cầm chịch, mà còn hướng đến một tình huống tuy không bất định những vẫn chứa nhiều ẩn số. Đó là liệu tại Hội nghị Trung ương 5 tới đây, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có rời chính trường giữa phần ba nhiệm kỳ và Bộ Chính trị đồng thuận cử ai là "ứng viên" cho chiếc ghế Tổng bí thư (5) ? "Lằn ranh đỏ" được đảng vạch ra trong bối cảnh bất ổn thể chế khi chức năng độc đoán bị rối loạn. Quá trình "tự diễn biến, tự chuyển hóa" của quan chức trong bộ máy diễn ra phức tạp và luôn có nguy cơ bùng phát. Nguyên nhân sâu xa của sự bùng phát này là mâu thuẫn giữa ý thức hệ cộng sản và các giá trị của kinh tế thị trường. Quá trình cải cách được khái quát là mò mẫm, "dò đá qua sông", tìm kiếm câu trả lời cho vấn đề trong khi Đảng cộng sản Việt Nam vẫn nơm nớp, kinh tế thị trường sẽ thay đổi kiến trúc thượng tầng như thế nào (6).

Trong khi đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Phiên họp thứ nhất Hội đồng Quốc phòng và An ninh nhiệm kỳ 2021 – 2026 từ buổi sáng 7/12 năm ngoái. Trong Phiên họp, Chủ tịch Hội đồng đã cho ý kiến cụ thể về công tác phối hợp giữa các lực lượng Quân đội, Công an và các Bộ, ban, ngành, địa phương trong phòng, chống dịch Covid-19, thúc đẩy triển khai lực lượng vũ trang tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, bảo đảm an ninh mạng và tác chiến trên không gian mạng trong tình hình hiện nay. Về chương trình năm 2022, Chủ tịch nước nhấn mạnh đến yêu cầu nắm chắc tình hình, chủ động xây dựng chiến lược tương ứng với diễn biến ở khu vực và thế giới. Chủ tịch nước đề nghị các thành viên của Hội đồng phát huy vai trò trong việc đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước. Đặc biệt là chủ động ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống cả trong trước mắt và lâu dài. Đi liền với đó là tăng cường kết hợp chặt chẽ quốc phòng, an ninh và đối ngoại, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, an ninh bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa (7).

Cũng lần đầu tiên, sáng 25/4/2022 mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến phản biện về báo cáo của Chính phủ liên quan đến kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021. Góp ý vào báo cáo của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận một số kết quả đạt được, nhưng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, tồn tại trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Là chuyên gia về tài chính – ngân hàng, Chủ tịch Vương Đình Huệ đòi hỏi phải nói thẳng, không giấu giếm : "Phải nói cho rõ việc này, chứ cứ nói kiểu ‘ba sôi hai lạnh’, nói chung chung không ai nghe đâu". Ông Huệ yêu cầu, làm tốt thì biểu dương, kém thì phê bình, kiểm điểm, chịu trách nhiệm. Cụ thể như với hai dự án lớn của quốc gia là sân bay Long Thành, đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn một hiện tiến độ chậm như thế nào, giải ngân được bao nhiêu phần trăm ; địa phương, bộ, ngành nào còn nhiều dự án cần đưa thẳng vào (8). Tại đợt họp chuyên đề xây dựng pháp luật của phiên thứ 9 hôm 20/3/2022, Chủ tịch Huệ đã cho ý kiến sâu sát về những vấn đề còn có nhận thức khác nhau trong quá trình xây dựng luật. Chủ tịch đề nghị các đại biểu tập trung vào một số vấn đề, phương án quy định các điều khoản chi tiết, hạn chế tối đa tình trạng "luật khung, luật ống" (Dự luật không khả thi và thiếu tính chuyên nghiệp) (9).

Lần đầu tiên, tư nhân bị "lên thớt"

Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam lần đầu tiên đã đưa ra Kết luận số 12 – KL/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của đảng với công tác phòng, chống tham nhũng, trong đó bổ sung nội dung "từng bước mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước". Cùng với tin họp Trung ương 5, hồi cuối tháng ba và đầu tháng tư vừa qua, Bộ Công an Việt Nam đã có thông báo về việc khởi tố các vụ án về thao túng thị trường chứng khoán và lừa gạt chiếm đoạt tài sản xảy ra ở Tập đoàn FLC và Tân Hoàng Minh. Hai cựu Chủ tịch của các tập đoàn này đã bị khởi tố và bắt tạm giam gồm ông Trịnh Văn Quyết và Đỗ Anh Dũng. Hai vụ án của doanh nghiệp tư nhân được đưa vào diện theo dõi của Ban Chỉ đạo, vốn thường chỉ theo dõi các vụ án tham nhũng của các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước và của Đảng. Ngoài hai vụ án bổ sung vừa được nêu, Thường trực Bộ Chính trị đã thống nhất bổ sung thêm một số vụ án khác cũng bị liệt vào diện Ban Chỉ đạo quan tâm (10).

Báo mạng Finance Magnates hôm 21/4/2022 đưa tin về việc Việt Nam bắt giam, khởi tố các đại gia trong ngành chứng khoán, bất động sản. Tờ báo này đồng thời đưa ra nhận định rằng hành động trên của Chính phủ Việt Nam là nhằm nâng cao vị trí của thị trường chứng khoán nước này trong mắt quốc tế. Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế lại đưa ra một số nhận định theo chiều hướng khác, khi cho rằng các vụ bắt bớ trên đều có sự chống lưng, dính líu đến các quan chức cấp cao (11). Thật ra những vụ khởi tố, bắt giam lãnh đạo các doanh nghiệp "thân hữu" gần đây đều là do các phe cánh trong đảng đấu đá, tranh giành quyền lực, chứ không phải chính quyền quyết tâm đẩy mạnh chống tham nhũng, thao túng trong thị trường tài chính. Đây là nhận xét của luật sư và tù nhân lương tâm Cù Huy Hà Vũ, từ Hoa Kỳ. Đó cũng là lý do, tại sao vấn đề này lại nóng lên bất thường trước Trung ương 5 (12).

Lê Hoàng Mai

(29/04/2022)

(1) Thế lưỡng nan của Thủ tướng Phạm Minh Chính trước khi đi Mỹ

(2) Tuyên bố của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Đại sứ Knapper cho thấy điều gì ?

(3) S ‘cnh cáo’ c Tng Bí thư, Ch tch Nhà nước, Th tướng ?

(4) Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp lãnh đạo chủ chốt

(5) Những cao vọng từ một tân Thủ tướng đa mưu

(6) Tân Thủ tướng Phạm Minh Chính và "Lằn ranh đỏ mong manh"

(7) Chủ tịch nước chủ trì Phiên họp thứ nhất Hội đồng Quốc phòng và An ninh nhiệm kỳ 2021-2026

(8) Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí không nói kiểu '3 sôi 2 lạnh'

(9) Hạn chế tối đa luật "khung", luật "ống" 

(10) Đưa vụ FLC và Tân Hoàng Minh vào diện theo dõi của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng

(11) Corruption Crackdown in Vietnam Has Led to the Arrest of a Securities Firm’s CEO

(12) Bắt hàng loạt đại gia bất động sản có giúp thị trường tài chính VN thăng hạng ?

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Lê Hoàng Mai
Read 649 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)