Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

30/04/2022

Bài học từ cuộc chiến Ukraine cho nền dân chủ Việt Nam

Trần Mai Hạnh

Tầm quan trọng của "trật tự thế giới dựa trên luật lệ"

Cuộc xâm lược của nước Nga do Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động, tấn công vào Ukraine là ví dụ tiêu biểu cho thấy tầm quan trọng của việc củng cố một trật tự dựa trên luật lệ, trụ cột trung tâm trong "Tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở" (FOIP).

baihoc1

Một người dân đọc báo có bài về cuộc tấn công của Nga vào Ukraine hôm 25/2/2022 ở Hà Nội - AFP

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, nhiều quy định và luật pháp quốc tế đã được đưa ra để ngăn chặn các nước lớn thống trị các nước nhỏ hơn. Người ta hy vọng các quy định này có thể ngăn thế giới rơi vào một vòng xoáy xung đột thảm khốc khác, không chỉ ở châu Âu mà còn ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, chúng ta đang chứng kiến các nước độc tài, cụ thể là Nga và Trung Quốc, né tránh luật pháp quốc tế và sự ổn định của trật tự dựa trên luật lệ sau Chiến tranh thế giới thứ hai để tạo ra các phạm vi ảnh hưởng - trong trường hợp của Nga là việc mở rộng sang Ukraine và có thể là các khu vực khác tại Đông Âu. Thực tế này không chỉ phản ánh mối đe dọa an ninh liên quan đến Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), một liên minh quân sự ở "sân sau" của Moscow, mà nó còn cho thấy sự nguy hiểm của các nước dân chủ minh bạch, tôn trọng trên luật lệ, nhưng có chung đường biên giới với nước Nga độc tài của Putin, vốn được các nhà tài phiệt tham nhũng hỗ trợ. Những thực tế ở nước Nga cho thấy rằng chính phủ và hệ thống chính trị hiện tại của nước này không mang tính đại diện và không trao quyền tự do báo chí, ủng hộ nhân quyền hay cung cấp một chính quyền đại diện cho người dân. Quan trọng hơn, hệ thống của Nga không mang lại sự quản trị tốt và sự thịnh vượng kinh tế mà người dân nước này yêu cầu. So với các nước khác trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Nga tiếp tục xếp hạng thấp về tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tuổi thọ, sức khỏe và mức thu nhập.

Tham vọng của Trung Quốc trên các vùng biển

Đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Trung Quốc, Đảng cộng sản Trung Quốc đã mang lại sự thịnh vượng về kinh tế cho người dân kể từ khi giai đoạn cải cách và mở cửa bắt đầu vào cuối thập niên 1970. Đến nay, Đảng cộng sản Trung Quốc đã giúp hơn 600 triệu người thoát khỏi đói nghèo và có mức sống khá. Thành công trong lĩnh vực kinh tế của Trung Quốc rất đáng được ca ngợi vì họ đã gần như xóa bỏ đói nghèo, xây dựng tầng lớp trung lưu và đưa Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tính theo GDP năm 2022 - đồng thời đứng đầu thế giới về sức mua trên đầu người. Tuy nhiên, bất chấp sự thịnh vượng này, chúng ta thấy Trung Quốc đang cố thiết lập một vùng ảnh hưởng bên trong Biển Hoa Đông, Biển Nhật Bản, Biển Đông và được cho là thông qua các hành lang giao thông liên quan đến Sáng kiến "Vành đai và Con đường".

Đối với Trung Quốc, việc thiết lập một phạm vi ảnh hưởng, một phần nào đó đã khôi phục lại hệ thống "Thiên hạ", một hệ thống lấy Trung Quốc làm trung tâm, trong đó (theo quan điểm của Trung Quốc) các nước xung quanh phải ưu tiên lập trường về chính trị và an ninh của Bắc Kinh để đổi lấy lợi ích trong quan hệ kinh tế.

Xen kẽ với hệ thống Thiên hạ, Trung Quốc còn đang tìm cách tái tạo vị thế bá chủ trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, sử dụng các mối quan hệ kinh tế không cân xứng, các hoạt động trong chiến lược "vùng xám", các chiến thuật "chiến tranh pháp lý" (sử dụng luật pháp làm công cụ chiến tranh) và hợp tác với giới tinh hoa địa phương thông qua các hoạt động của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất.

Việc xây dựng các mối quan hệ kinh tế như trên là để buộc các nước láng giềng như Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước Đông Nam Á và thực thể chính trị Đài Loan phải cân nhắc lợi ích của Bắc Kinh trước Washington khi suy nghĩ về các quyết định chính trị, kinh tế và an ninh trong khu vực. Đồng thời, việc thực thi các hoạt động trong vùng xám và các chiến thuật pháp lý là để loại bỏ các tuyên bố chủ quyền và/hoặc đe dọa các đối tác trong các tranh chấp lãnh thổ.

Rõ ràng, Trung Quốc đang cố sửa đổi cấu trúc an ninh trong khu vực, đẩy Mỹ ra khỏi chuỗi đảo thứ nhất và thứ hai, đồng thời cố gắng thiết lập sự thống trị trong Biển Đông, tin rằng "châu Á nên được quản lý bởi người châu Á" - phương châm điều hành của một hệ thống an ninh kinh tế-chính trị có thứ bậc do Trung Quốc áp đặt.

Bằng chứng về những mục tiêu của chủ nghĩa xét lại này rất rộng rãi. Bắc Kinh đã bác bỏ hoàn toàn phán quyết vào tháng 7/2016 của Tòa Trọng tài Thường trực, vốn phủ nhận các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông. Trung Quốc cũng xây dựng các đảo nhân tạo và sau đó quân sự hóa các đảo này trong khu vực tranh chấp.

Những nỗ lực của Trung Quốc nhằm xây dựng tầm ảnh hưởng được thể hiện rõ ràng hơn qua việc chia rẽ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Đây là một quá trình có chọn lọc nhằm tác động đến các quốc gia như Campuchia, Lào và Myanmar để thoát khỏi quá trình ra quyết định dựa trên sự đồng thuận, vốn là yếu tố cần thiết để ASEAN hoạt động như một tổ chức gắn kết.

Bằng cách tạo ra một phạm vi ảnh hưởng trong khu vực thay vì cho phép một cách tiếp cận dựa trên luật lệ để chi phối các tuyến liên lạc trên biển hoặc sử dụng và khai thác hải sản cũng như các nguồn tài nguyên biển khác - bất kể nguyên liệu thiết yếu, đất hiếm hay dầu khí - Trung Quốc đang chứng minh rằng cách tiếp cận "công lý thuộc về kẻ mạnh" trong việc quản lý các vấn đề khu vực sẽ là cơ sở để Bắc Kinh tái tạo hệ thống Thiên Hạ mang các đặc điểm của chủ nghĩa Lenin.

Cách thức để chống lại đe dọa từ chủ nghĩa độc tài

Trên nhiều phương diện, trụ cột dựa trên quy tắc FOIP là một cách tiếp cận toàn diện để chống lại hệ thống trên. Trụ cột này tập trung vào việc ra quyết định dựa trên quy tắc minh bạch, hỗ trợ các thể chế quốc tế, đồng thời nhấn mạnh các chuẩn mực và giá trị chung. FOIP coi luật pháp và các định chế quốc tế là "chủ tọa" trong việc giải quyết các tranh chấp, cho dù đó là bất đồng về lãnh thổ, tranh chấp thương mại hay các mâu thuẫn khác.

Các hành động gần đây của Nga và Trung Quốc thách thức tiến trình dựa trên luật lệ trong đàm phán các vấn đề quốc tế. Rõ ràng, chúng dựa trên cách tiếp cận "công lý thuộc về kẻ mạnh" để giải quyết các bất đồng và các vấn đề an ninh. Ngoài việc thể hiện sức mạnh quân sự, các hệ thống độc tài của Nga và Trung Quốc còn cho phép các cơ quan phụ trách việc đàm phán và thực thi chính sách đối ngoại với các đối tác không phải chịu những ảnh hưởng trái chiều - trong đó các đại biểu có thể nêu cảm nhận của người dân về một chính sách đối ngoại cụ thể với các chính trị gia và các nhà hoạch định - như Canada, Nhật Bản hoặc Mỹ đang làm.

Những thách thức độc tài đối với hệ thống dựa trên luật lệ - như ví dụ ở Ukraine hoặc ở Biển Đông, Biển Hoa Đông và trên khắp Eo biển Đài Loan - cho thấy sự nguy hiểm của các chính phủ độc tài, xu hướng nghiêng về một trật tự thế giới chuyên quyền đối với các nước dân chủ cũng như các nước vừa và nhỏ.

Các quốc gia đang thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương dựa trên luật lệ cũng nên ủng hộ mạnh mẽ các hành động nhất quán chống lại Nga trong trường hợp cuộc xâm lược Ukraine tiếp tục diễn ra. Các nước này cũng cần rút ra những bài học từ cuộc xâm lược mà Putin hy vọng sẽ thành công.

Thế lưỡng nan của Việt Nam

Việt Nam là một trường hợp đặc biệt. Trước kia, trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, Việt Nam là một quốc gia thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa, núp dưới bóng của Liên Xô và Trung Quốc. Chính vì vậy, cho tới nay, thể chế chính trị của Việt Nam cũng mang hơi hướng độc tài giống như Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, khác với Nga và Trung Quốc, khi quyền lực tập trung chủ yếu vào một nhân vật duy nhất, như ở Nga là Tổng thống Putin và ở Trung Quốc là Chủ tịch Tập Cận Bình. Việt Nam không có nhân vật nào đủ sức mạnh nắm quyền lực tuyệt đối như Putin và Tập, nhưng thể chế chính trị Việt Nam là độc đảng với quyền lãnh đạo tuyệt đối về tất cả mọi mặt của Đảng cộng sản

Việt Nam. Thể chế độc tài với sự cai trị tuyệt đối của Đảng cộng sản đã bộc lộ ra những căn bệnh trầm Kha, đó là tình trạng tham nhũng thối rữa từ trên xuống dưới.

Chính vì có chung thể chế độc tài như vậy, cho nên chính quyền Việt Nam cảm thấy đồng cảm với sự cai trị của Putin cũng như Tập Cận Bình.

Tuy nhiên, Việt Nam lại bị đe dọa bởi các tham vọng biển của Trung Quốc. Đạc biệt năm 2014, Trung Quốc đã leo thang căng thẳng với Việt Nam khi cho triển khai một giàn khoan khổng lồ vào xâm chiếm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Sau sự kiện đó, Việt Nam đã thấy sự cần thiết phải thúc đẩy các quan hệ với Mỹ và phương Tây, để nhằm làm đối trọng trước sự đe dọa của Trung Quốc.

Chính vì vậy, một mặt Việt Nam muốn đẩy mạnh các quan hệ với Mỹ nhưng phải theo cách của Việt Nam, tức là Việt Nam muốn Mỹ phải đầu tư thật nhiều các dự án kinh tế vào đất nước này. Việt Nam muốn thu được thật nhiều lợi nhuận kinh tế khi quan hệ với Mỹ, còn các vấn đề chính trị và đối ngoại thì phải do Việt Nam tự do quyết định. Mặt khác, Việt Nam không mấy tin tưởng và chấp nhận nhượng bộ các yêu cầu của Mỹ, trong khi đó, Việt Nam lại rất nhún nhường trước các yêu cầu của Nga và Trung Quốc.

Trong cuộc chiến tranh Ukraine chẳng hạn, dư luận Việt Nam bị chia rẽ thành hai phe rõ rệt. Một phe bao gồm những người có cảm tình với nước Nga, thì luôn tìm cách bảo vệ nước Nga và ông Putin, cho dù có sai đi chăng nữa. Phe còn lại thì có cảm tình và ủng hộ Ukraine chống lại sự xâm lược của nước Nga hiếu chiến.

Điều này thể hiện sư phức tạp và giằng xé trong tâm thế của xã hội Việt Nam. Một mặt, khát khao sự lành mạnh với luật pháp rõ ràng, cùng nền dân chủ theo kiểu phương Tây, nhưng mặt khác, lại muốn duy trì suy nghĩ kiểu cũ từ thời "chiến tranh lạnh", giống như cách Nga và Trung Quốc vẫn đang làm, đó là tấn công và đổ lỗi tất cả bởi vì "sự phá hoại của Mỹ và phương Tây" khiến cho những bất ổn về kinh tế, xã hội và chính trị của họ.

Việt Nam vừa muốn phát triển đất nước, đi cùng với các quốc gia phát triển, nhưng lại muốn duy trì tư duy lỗi thời và thể chế độc tài từ "chiến tranh lạnh" để lại.

Có lẽ câu chuyện Ukraine sẽ là một bài học cho nhiều người Việt Nam thức tỉnh. Vì sao Ukraine chấp nhận mất mát bởi chiến tranh, nhưng vẫn muốn rời xa nước Nga láng giềng, để hướng về phía châu Âu xa xôi. Đó chính là bởi người dân đã hiểu được những trì trệ, lạc hậu của thể chế độc tài, mà họ đã phải gánh chịu rất lâu. Còn trái ngọt dân chủ, cho dù họ mới chỉ nếm được trong thời gian rất ngắn, họ đã hiểu và sẵn sàng trả giá để chọn mô hình dân chủ, tôn trọng pháp quyền đó.

Đây cũng sẽ là con đường mà Việt Nam cần phải chọn để phát triển và chống lại sự đe dọa từ Trung Quốc.

Trần Mai Hạnh

Nguồn : RFA, 30/04/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trần Mai Hạnh
Read 380 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)