Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

02/05/2022

Đồng hành cùng dân tộc vẫn chỉ là miếng mồi nhử

JB Nguyễn Hữu Vinh

Ai cần phải đồng hành cùng dân tộc ?

JB Nguyễn Hữu Vinh, RFA, 27/04/2022

Phái đoàn Tòa Thánh Vatican do Thứ trưởng Ngoại giao, Đức ông Miroslaw Wachowski dẫn đầu đến Việt Nam trong sứ vụ đàm phán ở vòng 9 các cuộc đàm phán nhằm thiết lập mối quan hệ Việt Nam – Vatican.

Đây là một quá trình đã dài đằng đẵng cả hàng chục năm với cả gần chục cuộc họp và những cuộc thăm viếng lẫn nhau.

donghanh1

Thông tin báo chí của nhà cầm quyền Việt Nam về cuộc cho chúng ta thấy rằng cuộc họp đã qua, cũng chẳng có gì mới so với các vòng đàm phán trước đây. Vẫn cứ dẫm chân tại chỗ, vẫn là những lời hứa hẹn, vẫn lại là những điệp khúc "muôn năm cũ" như trước. Nghĩa là vẫn những lời ngợi ca về quan hệ giữa hai bên, những lời cảm ơn và qua lại là những lời khen tặng, nghĩa là vẫn "áo thụng vái nhau" là chính...

Người ta thấy nhàm chán với những lời hứa hẹn không mất tiền, chỉ tốn nước bọt mà không có một sự ràng buộc nào của nhà cầm quyền Việt Nam cứ đến hẹn lại lên, lần sau như lần trước.

Ít nhất, lời hứa hẹn nâng cấp quan hệ giữa Việt Nam và Vatican lên mức "Có đại diện thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam" đã được nói đến mới cách đây có… 4 năm, qua 3 lần đàm phán mà vẫn dẫm chân tại chỗ để nhắc lại như cũ.

Sở dĩ nói đến sự ràng buộc của nhà cầm quyền Việt Nam qua các lời hứa hẹn, cam kết của họ, chỉ vì thiện chí, mong muốn và những nhượng bộ của Vatican thì đã thấy rõ qua mấy chục năm qua. Vấn đề mấu chốt, khó khăn và đánh bài lần lữa là phía nhà cầm quyền Việt Nam trong mối quan hệ này.

Nội dung các cuộc họp lần này, hầu như chẳng có gì mới hơn ngoài thông báo của báo chí Tòa Thánh rằng : "Cuối cùng, hai bên đã đạt được một thoả thuận về "các vấn đề liên quan" để trong tương lai gần, nâng mức độ quan hệ giữa Việt Nam và Tòa Thánh từ Đại diện không thường trú thành thường trú. Hai bên nhất trí về các bước trong tương lai sẽ được thực hiện để thành lập văn phòng Đại diện thường trú tại Hà Nội" – Nghĩa là có khác hơn trước, may ra ở chỗ thêm được mấy chữ "tương lai gần", còn gần đến đâu thì phụ thuộc ý thích của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam.

Chúng tôi đã có bài viết về những vấn đề đằng sau những lời hứa này của nhà cầm quyền Hà Nội là gì.

Ở đây, chúng tôi không bàn về nội dung và kết quả của vòng họp thứ 9 lần này mà chúng tôi chỉ bàn một điều : Quan niệm và sự đánh tráo khái niệm của người cộng sản về Cộng đồng người công giáo Việt Nam.

Một sự kỳ thị, phân biệt hay thiếu hiểu biết ?

Trong các bản tin của báo chí Việt Nam, có nội dung : Trong cuộc gặp gỡ với Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh thì Phạm Bình Minh đã "đề nghị Tòa thánh tiếp tục quan tâm, hướng dẫn cộng đồng Công giáo Việt Nam gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, tôn trọng luật pháp, góp phần nâng cao hình ảnh tốt đẹp của Công giáo tại Việt Nam và thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Vatican phát triển".

Chưa cần bàn đến các nội dung khác của câu chuyện, chỉ cần câu nói này, có thể thấy được sự dốt nát, ngu xuẩn của một Phó Thủ tướng, thậm chí là đã từng làm Bộ trưởng bộ Ngoại giao của Việt Nam.

Trước hết, Phó Thủ tướng Việt Nam đề nghị Tòa Thánh quan tâm, hướng dãn cộng đồng Công giáo Việt Nam… thế nhưng, để quan tâm hướng dẫn cộng đồng hàng triệu giáo dân làm sao được, khi mà chỉ việc đặt một người làm đại diện tại đây, nhưng bàn đi bàn lại, họp lên họp xuống cả chục năm không xong. Trong khi chỉ cần nhà cầm quyền Trung Quốc ho nhẹ một tiếng, thì muốn đặt Tòa Đại sứ, lãnh sự ở đâu thì cứ… tự nhiên.

Điều thứ hai việc Phó Thủ tướng Việt Nam đề nghị Vatican "hướng dẫn cộng đồng Công giáo Việt Nam tôn trọng luật pháp, góp phần nâng cao hình ảnh tốt đẹp của Công giáo tại Việt Nam" ?

Ô hay nhỉ ? Việc giáo dục, hướng dẫn công dân tôn trọng luật pháp là chuyện của nhà nước Việt Nam, cớ sao lại là của Vatican ? Luật pháp cứ nghiêm minh từ trên xuống dưới, cứ bình đẳng, thẳng thắn thì ai dám không tông trọng ? Việc người dân, hoặc bất cứ ai không tôn trọng luật pháp, là lỗi ở chính hệ thống luật pháp và hệ thống chính trị, cớ sao lại liên quan đến Vatican ? Mà luật pháp Việt Nam nghiêm làm sao được, khi mà chính quan chức, hệ thống này đã tự tay xé bỏ nó trước mặt thiên hạ ? Làm gì có luật pháp được tôn trọng, khi mà cả 5 triệu đảng viên cộng sản nghiễm nhiên đứng ngoài vòng luật pháp ?

Còn nâng cao hình ảnh tốt đẹp của Công giáo Việt Nam ư ? Chẳng cần gì phải nâng cao hay hạ thấp, bởi chỉ cần đặt đúng vị trí của người Công giáo VIệt Nam với tinh thần yêu thương, đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau xây dựng cộng đồng xã hội, thì nó đã đẹp gấp vạn lần bức tranh xã hội hiện tại.

Bởi người Công giáo không được làm quan chức trong chế độ cộng sản, nên chắc chắn họ không có thể tham nhũng, cướp của dân trăm tỷ, ngàn tỷ như các đảng viên cộng sản.

Bởi người Công giáo là công dân hạng hai, nên nếu họ có vi phạm luật pháp, thì chắc chắn chẳng có sự khoan hồng kiểu giảm án vì có huân, huy chương hoặc có công với cách mạng như Phan Văn Vĩnh hay Nguyễn Thanh Hóa, Đinh La Thăng hay Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn…

Và vì thế, chỉ cần đặt vị trí của người công giáo đúng với họ, thì cũng đã đẹp chán không cần nâng hay hạ.

Đồng hành cùng dân tộc ?

Không phải đến bây giờ, mà từ xa xưa mấy chục năm trước, không phải một mình Phạm Bình Minh, mà cả đám quan chức cộng sản từ lớn đến bé, cũng không phải chỉ quan chức cộng sản mà cả các đấng bậc trong Hội Thánh công giáo Việt Nam vẫn thường xuyên sử dụng cụm từ này để nói về Cộng đồng Công giáo : "Đồng hành cùng dân tộc".

Hình như, họ chỉ nói để mà nói, theo thói quen, theo văn bản viết sẵn, theo kiểu học vẹt, theo cách nói dựa hơi, lấy lòng… mà không hiểu được nội dung điều mình nói.

"Đồng hành" – Đi cùng – nghĩa là hai thực thể khác nhau mới có thể đồng hành. Cũng có nghĩa là Cộng đồng Công giáo và Dân tộc Việt Nam là hai thực thể khác nhau.

Dân tộc, đất nước là từ để chỉ chung tất cả những người Việt Nam sống trong đất nước này. Vậy cũng có nghĩa là mấy triệu giáo dân Việt Nam, chính là một thành phần dân tộc, đất nước này.

Họ cùng chịu cam chịu khổ để xây dựng đất nước, non sông này.

Họ cùng chịu hy sinh cả tính mạng, tài sản để bảo vệ đất nước này.

Họ cùng mong muốn và ra sức làm cho đất nước này, non sông này tươi đẹp hơn.

Họ cùng chịu đại họa cộng sản đổ vào đất nước này như mọi sắc dân khác.

Vậy thì tại sao lại tách họ ra khỏi đất nước, dân tộc này để kêu gọi "Đồng hành" ?

Nói như vậy cũng có nghĩa là Giáo hội Công giáo Việt Nam đang đứng ngoài dân tộc Việt Nam và các quan chức nhà nước cũng như các đấng bậc trong GH luôn hô hào Giáo hội công giáo hãy "đồng hành" cùng dân tộc, đừng đi lạc hướng với dân tộc này ?

Đó chính là sự kỳ thị, sự phân biệt đối với cộng đồng Công giáo Việt Nam.

Và đó là sự lặp lại nhiều khi dốt nát và ngu xuẩn của thói học vẹt không động não.

Với cách đánh tráo khái niệm của người cộng sản, họ tự cho họ là đất nước, là dân tộc, là Tổ Quốc. Thế nên, bất cứ người dân nào không đồng ý với đảng cộng sản, lập tức được khoác cho chiếc áo "Chống lại dân tộc, đất nước, Tổ Quốc…".

Đó là sự đánh tráo khái niệm trắng trợn, tuyệt đối là không. Không hề có chuyện Dân tộc, đất nước, Tổ Quốc là cộng sản, là đảng, đoàn.

Ai cần đồng hành cùng dân tộc ?

donghanh2

Bữa ăn của công nhân và của Bộ trưởng Bộ Công an

Chủ Nghĩa Mác – Lênin xác định "Khi lợi ích của phong trào cộng sản có xung đột với lợi ích của dân tộc, thì phải hi sinh lợi ích dân tộc cho lợi ích của phong trào cộng sản quốc tế".

Như vậy, con đường "dân tộc" chỉ là bước ban đầu để đưa Chủ nghĩa cộng sản với những ảo tưởng vô vọng và phi lý áp đặt trên toàn thế giới. Một khi đã vì những mục đích "cao cả" của Chủ nghĩa cộng sản thế giới, thì lợi ích dân tộc chẳng có mấy ý nghĩa.

Trước sự sụp đổ không thể cưỡng lại của cái gọi là "Hệ thống xã hội chủ nghĩa" trên toàn thế giới, những người cộng sản Việt Nam lâm vào trình trạng khủng hoảng về tư tưởng, lý luận… và khi đó họ bám vào ý thức dân tộc của nhân dân Việt Nam để tồn tại.

Và vì vậy chuyện họ cố tình đánh tráo, đồng hóa khái niệm Dân tộc chính là Đảng cộng sản Việt Nam, đất nước chính là "Chủ nghĩa xã hội"… là phương tiện họ cần có. Họ đã cố tình tô vẽ để Đảng cộng sản trở thành biểu tượng là "đạo đức, là văn minh" là "Do dân, vì dân"… nhằm tìm vị trí để tồn tại càng lâu càng tốt.

Trong thực tế, Đảng CS vẫn luôn là một bộ phận tách rời khỏi đất nước, dân tộc này. Đảng đứng ngoài vòng pháp luật, đảng đứng trên cả Hiến pháp, đảng tự tung tự tác trên mồ hôi máu xương của nhân dân Việt Nam. Đảng ngang nhiên bán cơ đồ, đất đai tài nguyên của đất nước, của dân tộc phục vụ bạn vàng, quan thầy đàn anh cộng sản của đảng. Đảng trở thành hang ổ của bọn tham nhũng, ăn cướp của nhân dân.

Và do đó, đảng đang là một khối u ác tính của chính người dân Việt Nam.

Thế nên để kêu gọi đồng hành cùng dân tộc, thì đảng cộng sản Việt Nam là một địa chỉ cần thiết chứ không phải là Cộng đồng Công giáo Việt Nam.

Tạm kết

Nhiều khi, nhiều quan chức nói, phát biểu cứ như cái máy nhắc bài soạn sẵn. Họ không hề hiểu được điều mình nói là gì.

Đó có thể là do trình độ non yếu, do sự hiểu biết kém cỏi…

Thế nên, họ không biết được điều mình nói, sẽ có tác hại ra sao.

Ở đây, tác hại đầu tiên, là thể hiện sự dốt nát, ngu xuẩn của cán bộ đảng viên, dù là lãnh đạo.

Tác hại tiếp theo, là phá hoại sự đoàn kết dân tộc, kỳ thị tôn giáo, miệt thị một cộng đồng dân tộc…

Điều đó chẳng có lợi cho ai, kể cả những người cộng sản.

Thế nên, xem ra cái sự học vẫn cần rất nhiều, dù đã làm cán bộ lãnh đạo nhà nước.

J.B Nguyễn Hữu Vinh

Nguồn : RFA, 27/04/2022 (nguyenhuuvinh's blog)

*******************

Vẫn là những miếng mồi nhử

JB Nguyễn Hữu Vinh, RFA, 26/04/2022

Giáo hội Công giáo Việt Nam là một bộ phận của Giáo hội Công giáo Hoàn vũ, hiệp thông với Giáo hoàng. Việt Nam là nước có tỷ lệ số giáo dân trên tổng dân số và số lượng giáo dân đứng thứ 5 ở Châu Á. Công giáo Việt Nam từng được mệnh danh là "Trưởng nữ của Giáo hội tại Á châu".

Vậy nhưng, cho đến nay, sau 500 năm đạo Công giáo vào Việt Nam thì Giáo hội Công giáo Việt Nam hiện nay vẫn không có đại diện thường trú của Tòa Thánh tại đây.

donghanh3

Với một Giáo hội Công giáo khá đông đúc, việc Tòa Thánh Vatican chú ý đến Giáo hội Công giáo Việt Nam là điều hiển nhiên và là sự cần thiết. Bởi trong lịch sử Giáo hội Công giáo Việt Nam sự hiện diện của Tòa Thánh Vatican tại Việt Nam đã có từ năm 1925, nghĩa là trước khi người cộng sản cướp chính quyền tại Việt Nam 20 năm, và trước 50 năm khi chính quyền miền Bắc Việt Nam xâm lược thành công Việt Nam Cộng Hòa.

Và kể từ đó, đại diện Tòa Thánh Vatican bị đuổi khỏi Việt Nam để Việt Nam tự đóng cửa với thế giới và chỉ giao lưu với mấy quốc gia cộng sản vô thần. Với chính sách này, Việt Nam đã đưa đất nước bước vào thời kỳ suy sụp về mọi mặt, nhất là kinh tế.

Đặc biệt với những sự lục đục trong khối cộng sản, Việt Nam mất đi chỗ dựa để xin viện trợ, và các chính sách kinh tế, chính trị của Đảng cộng sản Việt Nam đã đưa cái đói đến làm cho đất nước điêu linh.

Thế rồi, hệ thống cộng sản sụp đổ không thể cưỡng nổi như một quy luật tất yếu. Việt Nam buộc phải mở cửa ra thế giới.

Chỉ đến khi đó, mối quan hệ giữa Tòa Thánh Vatican với Việt Nam mới được khởi động trở lại bằng một quá trình từ rất lâu với nhiều thiện chí và nỗ lực của Tòa Thánh, cũng với nhiều sự nhượng bộ và bày tỏ sự cần thiết của Tòa Thánh Vatican.

 Thêm một cuộc họp

Cuộc họp giữa phái đoàn công tác của Vatican đến Hà Nội họp với phía Việt Nam để bàn về tiến trình thiết lập quan hệ giữa hai bên vừa kết thúc. Phái đoàn Vatican do Thứ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Vatican, Đức ông Miroslaw Wachowski dẫn đầu. Đây là lần đầu tiên ngài đến Việt Nam trong sứ vụ này. Đây là vòng đàm phán lần thứ 9 kể từ khi khởi động cuộc đàm phán cách đây hơn chục năm trước.

Và sau gần chục cuộc họp giữa hai bên, báo chí Việt Nam chỉ viết : "Trong khuôn khổ cuộc họp vòng 9, hai bên đã trao đổi các nội dung liên quan đến dự thảo Quy chế hoạt động của Đặc phái viên thường trú và Văn phòng đặc phái viên thường trú Tòa thánh Vatican tại Việt Nam, phù hợp với lộ trình nâng cấp quan hệ giữa Việt Nam và Tòa thánh ; nhất trí tiếp tục duy trì thường xuyên trao đổi, tiếp xúc ở các cấp nhằm thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và Tòa thánh Vatican trên cơ sở hợp tác, đối thoại và tôn trọng lẫn nhau".

Nghĩa là ở cuộc họp này, vẫn chỉ là chuyện "trao đổi các nội dung liên quan đến dự thảo Quy chế hoạt động" của Đặc phái viên thường trú và Văn phòng đặc phái viên thường trú Tòa thánh Vatican tại Việt Nam"

Còn phía Tòa Thánh thì thông báo : "Cuối cùng, hai bên đã đạt được một thoả thuận về "các vấn đề liên quan" để trong tương lai gần, nâng mức độ quan hệ giữa Việt Nam và Tòa Thánh từ Đại diện không thường trú thành thường trú. Hai bên nhất trí về các bước trong tương lai sẽ được thực hiện để thành lập văn phòng Đại diện thường trú tại Hà Nội".

Và như vậy, thì việc có đại diện thường trực tại Việt Nam của Tòa Thánh, vẫn là cái chuyện của tương lai và chưa có một mốc nào cụ thể.

Và điều đó, thì cũng na ná như cuộc họp trước đây chứ chẳng có gì lớn lao hơn mà phải ồn ào. Bởi nếu ai chú ý thì sẽ thấy, Trong hai ngày 21-22/8/2019, tại Vatican, Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng, Trưởng đoàn Việt Nam và Thứ trưởng Ngoại giao Vatican Antoine Camilleri, cũng đã đồng chủ trì cuộc họp lần thứ 8 giữa hai bên.

Và ở cuộc họp đó, cách đây 3 năm, kết quả đã là : "Hai bên đã thảo luận các vấn đề liên quan đến hoạt động tại các giáo phận, nhất trí các biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và Vatican trong thời gian tới, trong đó tập trung hoàn thiện Quy chế hoạt động của Đặc phái viên thường trú của Tòa thánh và Văn phòng Đặc phái viên thường trú tại Việt Nam để có thể sớm chính thức triển khai thỏa thuận của hai bên về vấn đề này".

Trước đó nữa, sáng 19/12/2018, tại Hà Nội, đã diễn ra cuộc họp Vòng VII Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam - Vatican. Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Thứ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Vatican, Đức ông Antoine Camilleri đồng chủ trì cuộc họp.

Kết quả cuộc họp đó, phía Việt Nam cho biết : "Tại cuộc họp, hai bên đã trao đổi và thống nhất một số vấn đề liên quan đến việc triển khai nâng cấp quan hệ Việt Nam - Vatican từ mức Đặc phái viên không thường trú lên mức Đặc phái viên thường trú của Tòa thánh tại Việt Nam".

Thế rồi, 4 năm sau, Vatican cho một đoàn khác sang Việt Nam họp hành, để rồi cuối cùng lại quay lại vạch xuất phát. Điều khác hơn một chút ở đây, là Vatican cho biết rằng chuyện đó sẽ ở "tương lai gần" – tức là ở thì tương lai.

Nghĩa là cái chuyện dù là "tương lai gần" hay là tương lai, thì cũng chẳng khác nhau là mấy, và theo cách hành xử của Việt Nam xưa nay, thì cái "tương lai gần" hay "quá khứ xa" chỉ là chuyện nháy mắt, nếu ai đã có kinh nghiệm với cái miệng cộng sản thì sẽ hiểu.

Điều đó cũng có nghĩa là, với cuộc gặp gỡ này, thì yêu cầu và mong muốn đặt đại diện thường trú, lập mối quan hệ bình thường với Việt Nam - một quốc gia có cộng đồng công giáo đông đúc – vẫn chỉ là chuyện đá ném ao bèo.

Vì sao cần, vì sao không cần ?

donghanh3

Như ở trên đã nói, với một Giáo hội Công giáo Việt Nam hiệp nhất, tông truyền và hiệp thông với Giáo Hoàng, việc có một đại diện Tòa Thánh là yêu cầu bức thiết không chỉ của Vatican, mà còn là của Giáo dân, Giáo hội Công giáo Việt Nam.

Về phía Tòa Thánh Vatican, có một đại diện tại Việt Nam để giải quyết những vấn đề của mấy triệu giáo dân, của các giáo phận, hàng giáo sĩ là điều hết sức cần thiết.

Thế nhưng, điều Giáo dân Việt Nam, Giáo hội Việt Nam cần, không có nghĩa là chính quyền Việt Nam cần.

Điều Việt Nam cần, là "Phạm Bình Minh cũng đề nghị Tòa thánh tiếp tục quan tâm, hướng dẫn cộng đồng Công giáo Việt Nam gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, tôn trọng luật pháp, góp phần nâng cao hình ảnh tốt đẹp của Công giáo tại Việt Nam và thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Vatican phát triển".

Nghĩa là Cộng đồng Công giáo Việt Nam đã bị tách ra khỏi Dân tộc Việt Nam, đã không tôn trọng pháp luật, thế nên chưa có hình ảnh tốt đẹp mà phải nhờ Tòa Thánh hướng dẫn để cộng đồng tôn giáo Việt Nam "Đồng hành cùng dân tộc". Nếu Tòa Thánh không hướng dẫn, thì có thể Cộng đồng Công giáo Việt Nam sẽ đi ngược với đường đi của dân tộc ?

Phải chăng nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam không hiểu rằng : Dân tộc này, đất nước này chính là một cộng đồng rộng lớn trong đó có Cộng đồng Công giáo Việt Nam và vì thế cộng đồng Công giáo Việt Nam chính là dân tộc, là đất nước này ?

Hay họ vẫn hiểu, nhưng họ cố tình lập lờ ?

Và nhà cầm quyền Việt Nam chỉ cần những điều như sau từ Tòa Thánh : "Thứ trưởng Miroslaw Wachowski cảm ơn sự đón tiếp của Chính phủ Việt Nam và khẳng định Giáo hoàng Francis và Tòa thánh luôn mong muốn quan hệ giữa Việt Nam và Tòa thánh ngày càng phát triển, tạo điều kiện để Cộng đồng Công giáo Việt Nam đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước…"

Còn Vatican cần ư ? Hẳn nhiên là Hà Nội biết rõ điều này. Và điều này được tận dụng bằng mọi cách.

Ngay từ khi phái đoàn của Tòa Thánh do Đức Hồng Y Roger Etchegaray đến Việt Nam để bàn bạc về việc thiết lập quan hệ bình thường giữa hai bên, Việt Nam đã ngay lập tức sử dụng điều này như một miếng mồi, để câu nhử Vatican nhượng bộ chính sách của nhà cầm quyền cộng sản vô thần.

Và miếng mồi câu nhử đó đã trở thành miếng bả chuột mà Vatican đã vướng vào đó mấy chục năm nay.

Rất nhiều vấn đề đã xảy ra, một quá trình dài cho chuỗi những cuộc họp hành, bàn bạc và cứ dẫm chân tại chỗ. Để rồi sau đó, Vatican cứ hy vọng, và Việt Nam cứ lần khân.

Chỉ đơn giản là vì Việt Nam chẳng thiết tha lắm với việc thiết lập quan hệ với Vatican, một đầu não của "thế lực thù địch" mà xưa nay vẫn được cảnh giác trong xã hội Việt Nam thời cộng sản.

Hẳn nhiên là Việt Nam không mặn mà lắm với một "nhà nước tôn giáo" có tư tưởng đi ngược với chế độ vô thần cộng sản Việt Nam. Bởi vì :

"Đức giáo hoàng, trên khung vàng cửa sổ
Sáng chúa nhật, ban phước lành cho con chiên dưới phố
Ngài biết có bao nhiêu nước mắt chúng sinh
Đã đông thành những lầu cao lóng lánh thuỷ tinh ?

Tất cả đồi nho không làm nên một cốc rượu vui
Máu đổ nghìn năm, chưa được tự do một buổi.
Lẽ nào nhạc cầu kinh mang phép lạ cho đời ?
Và lũ vua thép, vua hơi không phải một lần rửa tội ?"

(Rôm hoàng hôn - Tố Hữu)

Những câu thơ này của Tố Hữu vẫn là kinh sách, là nền tảng tư tưởng của chế độ cộng sản tại Việt Nam, mặc dù đến bây giờ ở Việt Nam không chỉ là "lầu cao lóng lánh thủy tinh" mà là các biệt phủ, lâu đài, là quốc tịch Síp, là con cái và tài sản ở Mỹ, ở Châu Âu… và thay cho những "lũ vua thép, vua hơi" là các quan chức, là các tướng, soái, đại gia, tư bản đỏ.

Thế nhưng, trước sự quan tâm của Giáo hội hoàn vũ, của Vatican với cộng đồng tín hữu công giáo gần chục triệu người ở đây, nhà cầm quyền Việt Nam đã triệt để sử dụng sự cần thiết và mong muốn này của Vatican để làm buộc Vatican phải thỏa mãn những yêu cầu của nhà cầm quyền Việt Nam suốt trong thời gian qua cho đến nay.

Có thể thấy rất nhiều vấn đề, nhiều vụ việc Tòa Thánh Vatican đã thỏa hiệp, đã nhượng bộ nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam mặc dù giáo dân Việt Nam sẵn sàng chấp nhận những đau khổ của mình mà không cần sự thỏa hiệp đó.

Cả thế giới, mọi tín hữu công giáo đều biết rằng : Việc bổ nhiệm, thuyên chuyển và quyết định về chức vụ Giám mục là quyền bính riêng của Giáo Hoàng(*).

Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã đặt ra nhiều yêu cầu, trong đó, có yêu cầu "Vatican đồng ý thông qua nhà nước Việt Nam trong việc bổ nhiệm các Giám mục tại Việt Nam". Và Vatican đã chấp nhận điều này.

Biết bao giáo phận, bao nhiêu vị trí cần sự quản lý và đặt Giám mục để coi sóc. Nhưng đều đã bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam can thiệp trắng trợn đến khi nào đúng ý mới thôi. Bởi như lời người cộng sản thường nói : "Chúa chọn, nhưng đảng không chọn thì cũng chịu".

Và để rồi sau đó, phải chấp nhận những Giám mục được lòng nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam.

Chỉ với sự nhượng bộ này, Vatican đã chính thức trao ngọn roi quyền lực của mình vào tay nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, điều mà không có bất cứ chỗ nào, không có bất cứ ai có quyền được can thiệp, khi việc bổ nhiệm Giám mục xưa nay, là quyền hành riêng của Giáo hoàng.

Và đó là thảm họa cho Giáo hội Công giáo Việt Nam. Giáo hội, giáo dân Việt Nam đã phải ngậm đắng nuốt cay với quả đắng này từ mấy chục năm qua và chưa biết đến khi nào mới có thể chấm dứt được hậu quả.

Thế rồi từ đó đến nay, việc thiết lập bang giao vẫn cứ dẫm chân tại chỗ, vẫn cứ năm này qua năm khác, miếng mồi câu vẫn cứ được thay mới bằng nhiều hình thức khác nhau và bây giờ là sẽ "lập đại diện thường trú" nhưng không có thời hạn cụ thể.

Và Giáo hội Công giáo La mã lại tiếp tục có những miếng mồi giấu những lưỡi câu sắc nhọn.

J.B Nguyễn Hữu Vinh

Nguồn : RFA, 26/04/2022

(*) Bộ Giáo luật của Giáo hội Công giáo (1983)
Ðiều 377 : 

1) Ðức Thánh Cha được tự do bổ nhiệm các Giám mục, hoặc phê chuẩn những vị đã được bầu cử hợp lệ.

2) Ít là ba năm một lần, các Giám mục của một giáo tỉnh, hoặc ở đâu hoàn cảnh khuyến khích, các Giám mục của Hội Ðồng Giám mục, phải thỏa thuận với nhau và với tính cách bí mật lập một danh sách các linh mục, kể cả các phần tử của Dòng Tu, xem ai có tư cách làm Giám mục ; và gửi bản danh sách đó cho Tòa Thánh ; tuy nhiên, mỗi Giám mục vẫn được quyền thông tri cho Tòa Thánh một cách riêng rẽ danh tánh những linh mục được Ngài xét thấy xứng đáng và có tư cách để lãnh nhiệm vụ Giám mục.

3) Trừ khi đã ấn định cách nào khác hợp lệ, mỗi khi cần bổ nhiệm một Giám mục giáo phận hoặc một Giám mục phó, thì trong việc đề nghị lên Tòa Thánh danh sách ba người, phái viên của Ðức Thánh Cha có nhiệm vụ điều tra về từng người một và thông báo cho Tòa Thánh, cùng với ý kiến của mình, tất cả đề nghị của Tổng Giám mục và các Giám mục thuộc hạt của giáo tỉnh mà giáo phận ấy trực thuộc hay được kết nạp, cũng như của Chủ Tịch Hội Ðồng Giám mục. Ngoài ra, phái viên của Ðức Thánh Cha nên bàn hỏi cả với vài người thuộc Hội Ðồng Tư Vấn và thuộc kinh sĩ đoàn nhà thờ chính tòa và, nếu xét thấy tiện, nên hỏi ý kiến riêng rẽ và kín đáo của những người khác thuộc giáo sĩ Dòng Triều cũng như của những giáo dân có tiếng là khôn ngoan.

4) Trừ khi đã dự liệu cách nào khác hợp lệ, Giám mục giáo phận nào xét thấy cần một phụ tá cho giáo phận của mình thì sẽ đệ trình lên Tòa Thánh bản danh sách gồm ít là ba linh mục xứng đáng hơn cả để lãnh nhiệm vụ này.

5) Từ nay về sau, không được cho chính quyền dân sự quyền lợi và đặc ân bầu cử, bổ nhiệm, đề cử hoặc chỉ định các Giám mục.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: JB Nguyễn Hữu Vinh
Read 390 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)