Việt Nam vẫn tiếp tục các chuyến thăm viếng tới Nga và thậm chí không phủ nhận việc có thể sẽ tham gia tập trận chung với đất nước đang tàn phá Ukraine trong thời gian tới.
Một số đại sứ, trưởng phái đoàn ngoại giao ở Việt Nam thăm Đại sứ quán Ukraine ở Hà Nội, 28/2/2022.
Ngoại trưởng Anh vừa có tuyên bố cứng rắn như "bà đầm thép" mới trong đó bà đặt mục tiêu giúp Kyiv quét sạch quân Nga khỏi toàn bộ lãnh thổ Ukraine.
Trong bài phát biểu trước các nhà ngoại giao ở London nhân Lễ Phục sinh, bà Liz Truss cũng cảnh báo đích danh Trung Quốc và tuyên bố họ sẽ không ngóc đầu lên thêm được nếu không chơi theo luật.
Dù không nhắc tên Việt Nam, lời nhắn nhủ đanh thép của bà cũng có thể được hiểu là dành cho những nước có giá trị gần với Nga hơn phần còn lại của thế giới như chính thể ở Hà Nội.
Cụ thể bà Truss nói nước Anh thấu hiểu 141 thành viên Liên Hiệp Quốc đã lên án cuộc chiến của Nga ở Ukraine vì các nước này tôn trọng chủ quyền quốc gia, tôn trọng luật pháp quốc tế và luật chơi nói chung.
Việt Nam nằm trong số 35 nước bỏ phiếu trắng và không thuộc đại đa số các quốc gia ngoại trưởng Anh nhắc tới. Về sau Việt Nam thậm chí còn bỏ phiếu chống lại việc loại Nga ra khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc bất chấp những thống khổ mà Nga gây ra cho thường dân Ukraine.
Việt Nam vẫn tiếp tục các chuyến thăm viếng tới Nga và thậm chí không phủ nhận việc có thể sẽ tham gia tập trận chung với đất nước đang tàn phá Ukraine trong thời gian tới.
Trong bài phát biểu chừng nửa tiếng hôm 27/4 tại London, bà Truss vài lần nhắc tới Indonesia và khối ASEAN nhưng không một lần nhắc tới Việt Nam, điều cho thấy rõ họ không coi Việt Nam là đối tác hàng đầu về an ninh thế giới cũng như khu vực. Ngoài Indonesia, bà Truss nói Anh coi trọng hợp tác với Nhật Bản, Úc và cả Ấn Độ khi nhắc tới an ninh ở Châu Á Thái Bình Dương.
Bộ trưởng Ngoại giao Anh tuyên bố đây là lúc cần "dũng cảm chứ không phải thận trọng". Sự dũng cảm của Ukraine đã làm phương Tây phải thay đổi cách nhìn và mức độ ủng hộ. Việt Nam đương nhiên nằm trong nhóm nước thận trọng chứ không phải dũng cảm. Hà Nội cũng không có thái độ "đoàn kết và cứng rắn" như Anh mong muốn nhằm sớm buộc Nga phải chấm dứt chiến tranh.
Một cảnh báo khác mà người phụ trách chính sách ngoại giao Anh đưa ra là các quốc gia trên thế giới đừng mong đợi phương Tây sẽ cho phép họ khai thác các thị trường béo bở, chẳng hạn thị trường chiếm gần 50% kinh tế thế giới của các nước trong G7, nếu họ không có thái độ đúng đắn. Bà Truss nói Nga đã có những hành động gây hấn khi các quốc gia phát triển mở rộng cửa với nền kinh tế Nga và điều này khiến luật chơi thay đổi. Quyền tiếp cận kinh tế sẽ không tự nhiên mà có ; nó chỉ dành cho những ai xứng đáng – đó là tân chính sách của Anh.
Người được xem là một trong các ứng viên cho vị trí thủ tướng Anh trong tương lai cũng tuyên bố phương Tây đã sai lầm khi nghĩ rằng sự gắn kết kinh tế sẽ kéo theo cải cách chính trị. Đây là lý do họ sẽ chọn mặt gửi vàng chứ không tiếp tục giúp cho các quốc gia độc đoán làm giàu trong khi tiếp tục trấn áp người dân của chính họ và không tuân theo luật chơi quốc tế.
Anh nhắc lại chuyện sẽ đảm bảo để cho các nước dân chủ như Đài Loan có thể tự bảo vệ họ bằng cách trang bị vũ khí tối tân và các sự ủng hộ khác. Bà Truss dẫn lại lời Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy "tự do phải được trang bị vũ khí tốt hơn bạo quyền" và điều này cũng đồng nghĩa với việc những nước như Việt Nam khó mà có thể mua các vũ khí lợi hại của phương Tây nếu tiếp tục đi theo con đường của các quốc gia như Nga và Trung Quốc.
Đương nhiên Anh chủ yếu nhắm tới Nga, nước đang gây chiến, và Trung Quốc, nước có tiềm năng gây chiến trong tương lai. Điều trớ trêu là ngoài Đài Loan, Việt Nam lại là nước dễ có xung đột với Trung Quốc hơn so với các quốc gia Châu Á khác. Trong cuộc chiến của Nga với Ukraine hiện nay, Việt Nam có lập trường gần như đồng nhất với Trung Quốc. Khó có thể tưởng tượng Hà Nội có lập trường tương tự nếu tên Nga được thay bằng Trung Quốc và Ukraine được thay bằng Việt Nam. Lần cuối Trung Quốc giết hàng chục binh sĩ Việt Nam xảy ra cách đây không quá lâu – đó là hải chiến Trường Sa hôm 14/3/1988 theo sau cuộc chiến biên giới 1979 và hải chiến Hoàng Sa với Việt Nam Cộng Hòa hồi năm 1974.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 28/04/2022