Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

08/05/2022

Nỗi sợ Trung Quốc đang định hình Trật tự Thế giới Mới như thế nào ?

Michael Beckley

Trật tự thế giới đang sụp đổ, và ai cũng có ý kiến riêng về việc giải quyết tình trạng này. Một số người cho rằng Mỹ chỉ cần tái khởi động nỗ lực lãnh đạo trật tự tự do mà nước này đã giúp thiết lập từ 75 năm trước. Số khác nói rằng các cường quốc cần chung tay hướng dẫn cộng đồng quốc tế bước vào kỷ nguyên mới của hợp tác đa cực. Lại cũng có những người vẫn kêu gọi phân chia thế giới thành những vùng ảnh hưởng nhất định. Điểm chung của tất cả các quan điểm này là giả định rằng quản trị toàn cầu là thứ có thể được thiết kế và áp chế từ trên xuống. Với kỹ năng ngoại giao khôn ngoan và hàng loạt các hội nghị thượng đỉnh, ‘khu rừng’ thế giới sẽ có thể được chuyển hóa thành đất trồng trọt. Xung đột lợi ích và những thù hằn lịch sử cũng có thể được thương lượng gạt bỏ và thay thế bằng hợp tác đôi bên cùng có lợi.

so1

Tuy nhiên, lịch sử trật tự quốc tế ghi nhận rất ít những trường hợp giải pháp hợp tác chỉ đạo từ trên xuống thành công. Những trật tự bền vững nhất trong lịch sử hiện đại – từ Hòa ước Westphalia thế kỷ 17 đến trật tự quốc tế tự do của thế kỷ 20 – đều không phải là những tổ chức quốc tế làm việc hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn cho nhân loại. Thay vào đó, chúng là những liên minh được lập bởi các cường quốc để tiến hành cạnh tranh an ninh chống lại các đối thủ chính của họ. Nỗi sợ hãi và thù ghét một kẻ thù chung, chứ không phải những lời kêu gọi làm thế giới tốt đẹp hơn, đã giúp những trật tự này đứng vững. Các thành tựu xuyên quốc gia, nếu có thể đạt được, cũng chủ yếu là sản phẩm phụ từ hợp tác an ninh, kiểu hợp tác sẽ bền lâu miễn là mối đe dọa chung còn hiện hữu và còn có thể giải quyết được. Khi mối họa này biến mất, hoặc trở nên lớn quá sức, trật tự sẽ sụp đổ. Ngày nay, trật tự tự do đang bắt đầu lung lay vì nhiều lý do, nhưng về cơ bản là bởi vì mối đe dọa mà nó vốn dĩ được thành lập để chống lại – Liên Xô cộng sản – đã tan rã từ ba thập niên trước. Không một trật tự nào được đề xuất để thay thế trật tự hiện hành đã thực sự thành công, vì đơn giản là chưa có kẻ thù nào đủ đáng sợ, đủ nguy hiểm để khơi nguồn cho một sự cộng tác đủ dài lâu giữa các tác nhân chính trên trường quốc tế.

Cho đến nay, qua một loại các động thái đàn áp và hung hăng, Trung Quốc đã khiến nhiều quốc gia khắp nơi trên thế giới phải hoảng sợ. Nước này đã hành động hung hăng tại Đông Á, cố gắng tìm mọi cách để tạo ra một khu vực kinh tế riêng trong nền kinh tế thế giới, và xuất khẩu các hệ thống kỹ thuật số có khả năng khiến chủ nghĩa độc tài trở nên hiệu quả hơn bao giờ hết. Lần đầu tiên kể từ Chiến tranh Lạnh, một số lượng lớn các quốc gia phải đối mặt với mối đe dọa trực tiếp đến an ninh, thịnh vượng và lối sống của họ – tất cả đều xuất phát từ một nguồn duy nhất.

Sự giác ngộ đã dẫn đến một loạt phản ứng. Các nước láng giềng của Trung Quốc đang tăng cường vũ trang và liên kết với cường quốc ngoài khu vực nhằm đảm bảo an ninh cho lãnh thổ và các tuyến đường biển của mình. Nhiều trong số các nền kinh tế lớn nhất đang cùng nhau phát triển các tiêu chuẩn thương mại, đầu tư và công nghệ chung nhằm phân biệt đối xử ngầm với Trung Quốc. Các nền dân chủ đang tập hợp để lập ra những chiến lược nhằm chống lại chủ nghĩa độc tài trong và ngoài nước, đồng thời, các tổ chức quốc tế mới đang liên tục được thành lập để triển khai những chiến lược này. Có thể ở thời điểm hiện tại, những nỗ lực này trông rất lộn xộn. Tuy nhiên, nếu chúng ta chịu nhìn xa khỏi những tiểu tiết, thì một bức tranh toàn cảnh sẽ dần sáng tỏ, rằng cuộc đối đầu với Trung Quốc đang định hình một trật tự thế giới mới, dù tốt hay xấu.

Trật tự mang tính loại trừ

Những người theo tư tưởng tự do hiện đại gắn trật tự quốc tế với hòa bình và sự hòa hợp. Nhưng, trong lịch sử, các trật tự quốc tế thường là nhằm cầm chân kẻ thù, chứ không phải để tập hợp mọi người lại cùng nhau. Như lập luận của nhà lý thuyết quan hệ quốc tế Kyle Lascurettes, các trật tự chính trong bốn thế kỷ vừa qua đều là các "trật tự mang tính loại trừ" (orders of exclusion) mà các cường quốc thống trị lập ra để tẩy chay và vượt mặt đối thủ. Thiết lập trật tự không phải là nhằm kiềm chế xung đột địa chính trị, mà là chính trị cường quyền dưới một lớp áo khác, một cách thức khác để ngăn chặn kẻ thù, tiết kiệm chi phí hơn mà không cần đến chiến tranh.

Nỗi sợ hãi kẻ thù, không phải niềm tin vào bằng hữu, mới là nền tảng cho trật tự của từng thời kì, và các thành viên sẽ phát triển một bộ quy ước chung bằng cách xác định mình ở phe đối đầu với kẻ thù. Qua đó, họ cũng khai thác bản năng nguyên thủy của con người khi tham gia hành động tập thể. Các nhà xã hội học gọi đây là "động lực trong nhóm/ngoài nhóm" (in-group/out-group dynamic). Các nhà triết học gọi đây là "Định lý Sallust" (Sallust’s theorem) – theo tên vị sử gia cổ đại, người đã chỉ ra rằng chính sự sợ hãi Thành Carthage đã khiến các thành viên Cộng hòa La Mã hợp tác với nhau. Trong khoa học chính trị, khái niệm tương tự là "trung thành tiêu cực" (negative partisanship), chỉ xu hướng xuất hiện ở một nhóm cử tri, những người trở nên cực kỳ trung thành với một đảng phái nào đó chỉ vì họ ghét đảng đối thủ.

Xu hướng tiêu cực này đã bao trùm xuyên suốt lịch sử trật tự thế giới. Năm 1648, các vương quốc giành chiến thắng trong Chiến tranh 30 Năm đã áp đặt quy tắc về quốc gia có chủ quyền qua Hòa ước Westphalia, nhằm làm suy yếu quyền lực của Giáo Hội Công Giáo và Đế chế La Mã Thần thánh. Vương quốc Anh và các đồng minh soạn thảo Hiệp ước Utrecht năm 1713 để kiềm chế nước Pháp, bằng cách hủy bỏ tính chính danh của những lần mở rộng lãnh thổ qua hôn nhân giữa các thành viên hoàng gia và liên minh giữa các triều đình, vốn là phương pháp gia tăng quyền lực ưa thích của vua Louis XIV. Hòa hợp Quyền lực Châu Âu, trật tự hòa bình hậu Napoleon được lập ra tại Vienna năm 1815, đã được các chế độ quân chủ bảo thủ sử dụng để ngăn chặn sự trỗi dậy của các chế độ tự do cách mạng. Các bên chiến thắng trong Thế chiến I đã duy trì một trật tự nhằm kiểm soát Đức và nước Nga Bolshevik. Sau Thế chiến II, quân Đồng Minh thiết kế một trật tự toàn cầu lấy trọng tâm là Liên Hiệp Quốc, nhằm ngăn chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa trọng thương kiểu Đức Quốc Xã quay trở lại. Tuy nhiên, khi Chiến tranh Lạnh dần phá vỡ trật tự đó, phương Tây lại tạo ra một trật tự riêng biệt nhằm cô lập và đánh bại chủ nghĩa cộng sản Liên Xô. Trong suốt giai đoạn Chiến tranh Lạnh, thế giới đã bị phân thành hai trật tự : nửa giàu hơn do Washington lãnh đạo, và nửa nghèo hơn đi theo Moscow.

Các đặc điểm chính của trật tự tự do ngày nay có nguồn gốc từ các liên minh thời Chiến tranh Lạnh của Mỹ. Sau khi Liên Xô quyết định không tham gia Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới, và Hiệp định chung về Thuế quan và Mậu dịch (GATT), các thể chế này đã được tái tổ chức theo hướng trở thành những hạt nhân xúc tiến sự bành trướng của chủ nghĩa tư bản – mục đích thứ nhất của chúng là xây dựng lại nền kinh tế tư bản, và thứ hai là thúc đẩy toàn cầu hóa. Kế hoạch Marshall đặt ra nền tảng cho Cộng đồng Châu Âu bằng những khoản viện trợ từ Mỹ cho bất kỳ chính quyền nào đồng ý trục xuất mọi đảng viên cộng sản ra khỏi đội ngũ của mình, và hướng đến một "liên bang kinh tế" (economic federation). NATO trở thành một mặt trận thống nhất chống lại Hồng Quân. Chuỗi đồng minh tại Đông Á của Mỹ được dựng lên nhằm kiềm chế sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản tại khu vực này, đặc biệt là nhằm ngăn chặn Trung Quốc và Triều Tiên. Sự hợp tác của Mỹ với Trung Quốc, kéo dài từ thập niên 1970 đến tận những năm 2010, là một ván bài nhằm chia rẽ Xô-Trung.

Mỗi sáng kiến trong số này đều là một thành phần của trật tự được tạo lập trước tiên nhằm đánh bại Liên Xô. Nếu thiếu vắng những mối đe dọa Chiến tranh Lạnh, Nhật và Tây Đức hẳn đã chẳng chấp nhận để Mỹ đóng quân lâu dài trên đất nước mình. Anh, Pháp, Đức hẳn đã chẳng cùng nhau đóng góp tài nguyên công nghiệp. Mỹ – quốc gia đã trốn tránh mọi cam kết quốc tế và dùng thuế quan để đóng cửa nền kinh tế suốt hai thế kỷ trước đó – hẳn đã chẳng dốc sức tài trợ cho các thể chế quốc tế ; cũng chẳng cung cấp các bảo đảm an ninh, các khoản viện trợ khổng lồ và mở cửa thị trường cho hàng tá nước, kể cả những cựu thù phe Trục. Chỉ có mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân và một siêu cường cộng sản mới có thể khiến đông đảo các quốc gia tạm dẹp xung đột lợi ích và thù hằn lịch sử sang một bên, để xây dựng một cộng đồng an ninh mạnh mẽ nhất và một chế độ thương mại tự do nhất trong lịch sử.

Oằn mình dưới áp lực

Suốt hàng chục năm, Mỹ và các đồng minh vẫn luôn biết rõ mình đang ‘chiến đấu’ vì điều gì và kẻ thù là ai. Nhưng khi Liên Xô sụp đổ, mối đe dọa lớn nhất đã biến mất, nhường chỗ cho một loạt những mối đe dọa nhỏ hơn. Trong môi trường hậu Chiến tranh Lạnh còn mới mẻ và bất định, các đồng minh phương Tây quyết định quay trở về với những thành công của quá khứ. Thay vì xây dựng một trật tự mới, họ lựa chọn củng cố thứ sẵn có. Kẻ thù cũ có thể tan rã, nhưng sứ mệnh thì vẫn giữ nguyên : đó là mở rộng cộng đồng dân chủ thương mại tự do. Trong vòng ba thập niên tiếp theo, họ nỗ lực biến trật tự tự do phương Tây trở thành một trật tự toàn cầu. Số lượng thành viên NATO tăng lên gần gấp đôi. Cộng đồng Châu Âu dần phát triển thành EU, một liên minh kinh tế toàn diện với số nước thành viên cũng tăng lên hơn gấp đôi. GATT được chuyển hóa thành Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), hoan nghênh hàng chục thành viên mới gia nhập, mở ra một giai đoạn siêu toàn cầu hóa (hyperglobalization) chưa từng có tiền lệ.

Tuy nhiên, mọi thứ đã chẳng thể tồn tại lâu. Trật tự tự do, giống như các trật tự quốc tế khác, cũng chỉ là một dạng ‘đạo đức giả có tổ chức’ vốn mang sẵn trong mình mầm mống tự diệt vong. Để hình thành một cộng đồng gắn kết, những người xây dựng trật tự buộc phải loại trừ những dân tộc thù địch, đưa hành vi bất hợp tác ra ngoài vòng pháp luật, và đàn áp các ý kiến ở trong nước chống đối việc thiết lập các quy tắc quốc tế. Những hành động trấn áp này sau cùng cũng phản tác dụng. Giữa thế kỷ 19, phản ứng xuất hiện dưới dạng một làn sóng cách mạng tự do, xóa bỏ sự thống nhất và sự chặt chẽ về ý thức hệ của các triều đại trong Hòa hợp Quyền lực Châu Âu. Trong thập niên 1930, các quốc gia phát xít bất mãn đã phá hủy trật tự tự do giữa hai cuộc thế chiến – vốn là thứ đang ngáng đường tham vọng đế quốc của họ. Đến cuối thập niên 1940, Liên Xô đã mạnh mẽ bác bỏ trật tự toàn cầu mà chính nước này từng giúp dàn xếp chỉ vài năm trước đó, liên tục bành trướng lãnh thổ tại Đông Âu bất chấp những điều khoản trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Đại diện Liên Xô ở tổ chức này thậm chí còn chế giễu, gọi Hệ thống Bretton Woods là "chi nhánh của Phố Wall". Xét đến bản chất loại trừ của các trật tự thế giới, việc kích động đối đầu là điều không thể tránh khỏi.

Nhiều cá nhân phương Tây từ lâu đã tin tưởng rằng trật tự tự do sẽ là một ngoại lệ của lịch sử. Cam kết cởi mở và không phân biệt đối xử của hệ thống này được cho là sẽ giúp nó "khó lật đổ, nhưng dễ gia nhập" – trích lập luận của nhà khoa học chính trị G. John Ikenberry trong một bài luận công bố năm 2008. Bất kỳ quốc gia nào, dù lớn hay nhỏ, đều có thể tham gia nền kinh tế toàn cầu hóa. Các thể chế tự do có thể phù hợp với mọi thành viên – ngay cả những thành viên phi tự do, những nước vẫn có khả năng thay đổi dần dần thành các bên liên quan có trách nhiệm. Càng có nhiều thành viên, thì ‘vòng tròn phát triển’ càng hiện rõ : thương mại tự do sẽ tạo ra thịnh vượng, thịnh vượng giúp truyền bá dân chủ, dân chủ giúp nâng cao hợp tác quốc tế, hợp tác quốc tế lại dẫn đến nhiều trao đổi thương mại. Quan trọng nhất là trật tự này không gặp phải cản trở lớn nào, bởi kẻ thù mạnh nhất đã bị đánh bại. Hồi kết của chủ nghĩa cộng sản Liên Xô gửi đi một thông điệp rõ ràng, rằng chẳng gì đủ sức thay thế dân chủ tư bản chủ nghĩa.

Tiếc thay, đó là những giả định sai lầm. Trật tự tự do, về bản chất, mang tính loại trừ sâu sắc. Bằng cách khuyến khích thị trường tự do, mở cửa biên giới, tăng cường dân chủ, các thể chế siêu quốc gia và sử dụng lí trí để giải quyết vấn đề, trật tự này đã thách thức các niềm tin và thể chế truyền thống, vốn là cơ sở thống nhất các cộng đồng bao thế kỷ qua : chủ quyền quốc gia, chủ nghĩa dân tộc, tôn giáo, chủng tộc, thị tộc, gia đình. Những mối dây liên kết cục bộ này đã bị kìm nén trong Chiến tranh Lạnh, khi Mỹ và các đồng minh buộc phải giữ vững thành trì thống nhất nhằm ngăn chặn Liên Xô. Tuy nhiên, chúng đã nổi lên một lần nữa trong kỷ nguyên hậu Chiến tranh Lạnh. "Chúng tôi sẽ làm một điều tồi tệ với các anh" – quan chức Liên Xô Georgi Arbatov nói trước một cử tọa người Mỹ vào năm 1988. "Chúng tôi sẽ tước mất kẻ thù của các anh". Tiên đoán ấy quả thực chính xác. Khi không còn kẻ thù chính yếu, trật tự tự do đã chứng kiến sự trỗi dậy của hàng loạt những kẻ đối lập theo chủ nghĩa dân tộc, dân túy, tôn giáo và độc tài.

Rất nhiều trụ cột của trật tự tự do đang phải oằn mình dưới áp lực. NATO lục đục vì những tranh cãi liên quan đến chia sẻ gánh nặng. EU suýt chút nữa đã tan rã trong khủng hoảng khu vực đồng euro, và trong những năm sau đó, tổ chức này đã mất Anh, đồng thời phải đối mặt với sự trỗi dậy của các đảng cánh hữu bài ngoại trên khắp lục địa. Vòng đàm phán thương mại đa phương gần nhất của WTO cũng đã kéo dài tận 20 năm mà chẳng đi đến thỏa thuận nào, còn Mỹ thì đang làm tê liệt cốt lõi của tổ chức này – Tòa Phúc thẩm (Appellate Court), nơi mà các quốc gia giải quyết tranh chấp giữa họ với nhau – vì WTO đã không chịu giải quyết vấn đề các rào cản phi thuế quan của Trung Quốc. Nhìn tổng thể, trật tự tự do dường như không được trang bị kỹ lưỡng để giải quyết những vấn đề cấp bách trên toàn cầu, như biến đổi khí hậu, khủng hoảng tài chính, dịch bệnh, thông tin sai lệch trên mạng, dòng người tị nạn và chủ nghĩa cực đoan chính trị, rất nhiều trong số này có thể được coi là hậu quả trực tiếp từ một hệ thống mở, chủ trương không có bất kỳ ràng buộc nào đối với dòng tiền, hàng hóa, thông tin và dịch chuyển nhân sự xuyên biên giới.

Các nhà hoạch định chính sách từ lâu đã thừa nhận những vấn đề này. Tuy nhiên, không có ý tưởng cải tạo hệ thống nào được ủng hộ, đơn giản bởi vì xây dựng một hệ thống mới là quá tốn kém. Việc đó đòi hỏi giới lãnh đạo, thay vì dùng thời gian và tiền bạc để theo đuổi chương trình nghị sự cá nhân, phải dùng chúng để thúc đẩy các thảo luận về quy tắc quốc tế và thuyết phục công chúng còn hoài nghi. Nó cũng đòi hỏi các quốc gia phải đưa lợi ích tập thể lên trên lợi ích quốc gia, và tin tưởng rằng những nước khác cũng sẽ làm như vậy. Những hành động này không tự nhiên mà có, và đó là lý do tại sao việc thiết lập trật tự lại cần phải có một kẻ thù chung. Ba mươi năm qua, kẻ thù duy nhất đó đã vắng bóng, và kết quả là, trật tự tự do cứ thế ngày một lung lay.

so2

Long tranh hổ đấu

Người ta chưa bao giờ nghi ngờ ý định của Trung Quốc, bởi vì lãnh đạo nước này vẫn luôn khẳng định những mục tiêu không đổi suốt hàng thập niên : duy trì sự cầm quyền của Đảng Cộng sản (ĐCSTrung Quốc), tái thống nhất Đài Loan, kiểm soát Biển Hoa Đông và Biển Đông, và đưa Trung Quốc trở lại vị thế đích thực của mình – cường quốc thống trị Châu Á và hơn nữa là cường quốc mạnh nhất thế giới. Phần lớn trong bốn mươi năm qua, nước này đã lựa chọn tiếp cận các mục tiêu này một cách âm thầm, bền bỉ và hòa bình. Tập trung phát triển kinh tế và lo ngại sẽ bị cộng đồng quốc tế cô lập, Trung Quốc quyết định đi theo chiến lược "trỗi dậy hòa bình", chủ yếu dựa vào sức mạnh kinh tế để thúc đẩy lợi ích quốc gia, và rộng hơn, là đi theo chủ trương "ẩn mình chờ thời" của lãnh đạo Đặng Tiểu Bình.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Trung Quốc đã bắt đầu bành trướng mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. "Ngoại giao Chiến Lang" đã thay thế ngoại giao hữu nghị. Bất kỳ lời khinh chê nào từ người nước ngoài, dù nhỏ bé đến đâu, cũng sẽ vấp phải sự lên án theo kiểu Bắc Triều Tiên. Thái độ hiếu chiến đã len lỏi đến mọi ngóc ngách của chính sách đối ngoại Trung Quốc, và nước này đang trở thành mối đe dọa lớn nhất của nhiều quốc gia trong những thế hệ qua.

Mối đe dọa này được thể hiện rõ ràng nhất là tại Biển Hoa Đông, nơi Trung Quốc đang trở nên cực kỳ hung hăng, nhằm bảo vệ các yêu sách chủ quyền của mình. Bắc Kinh sản xuất tàu chiến nhanh hơn bất kỳ nước nào kể từ Thế chiến II, cùng lúc đó, tàu hải cảnh và tàu đánh cá Trung Quốc chen chúc trên mọi tuyến đường biển Châu Á. Nước này đã cho xây dựng hàng loạt tiền đồn quân sự khắp Biển Đông, và gia tăng đáng kể các vụ đâm tàu cũng như ngăn chặn trên không để đẩy các nước láng giềng ra khỏi khu vực tranh chấp. Tại Eo biển Đài Loan, những đợt tuần tra quân sự của Trung Quốc – một số có sự hiện diện của hơn 10 tàu chiến và hơn 50 máy bay chiến đấu – diễn ra gần như hàng ngày, và thường xuyên giả lập các cuộc tấn công nhắm vào các mục tiêu Đài Loan hoặc Mỹ. Các quan chức Trung Quốc nói với giới phân tích phương Tây rằng lời kêu gọi xâm lược Đài Loan đang xuất hiện ngày một nhiều trong nội bộ ĐCSTrung Quốc. Lầu Năm Góc lo ngại một cuộc xâm lược như vậy có thể đã gần kề.

Song song với đó, Trung Quốc cũng đang tiến hành phản công kinh tế. Kế hoạch 5 năm gần nhất của nước này đề cập đến việc kiểm soát cái mà các quan chức Trung Quốc gọi là "điểm nghẽn" – hàng hóa và dịch vụ mà nước khác không thể sống thiếu – và sau đó dùng nó, cùng với sức hút của thị trường nội địa Trung Quốc, để ép buộc các nước khác phải nhượng bộ. Nhằm đạt được mục đích đó, Trung Quốc đã trở thành nước đi đầu trong việc cho vay nước ngoài, trở thành chủ nợ của hơn 150 quốc gia, với tổng số liền lên tới hơn 1 nghìn tỉ đô la. Họ cũng ồ ạt tăng trợ cấp cho các ngành công nghiệp chiến lược nhằm chiếm thế độc quyền đối với hàng trăm sản phẩm thiết yếu, đồng thời lắp đặt phần cứng cho mạng kỹ thuật số ở hàng chục quốc gia. Họ đã sử dụng những đòn bẩy kinh tế này để xử ép hơn một chục nước chỉ trong vài năm qua. Trong nhiều trường hợp, hình phạt không hề tương xứng với tội danh (được giả định) – chẳng hạn như việc áp thuế lên nhiều mặt hàng xuất khẩu của Australia sau khi nước này yêu cầu một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của Covid-19.

Trung Quốc cũng đã trở thành một thế lực chống dân chủ mạnh mẽ, đem bán những công cụ của chế độ chuyên chế ra khắp thế giới. Qua việc kết hợp camera giám sát với kiểm duyệt mạng xã hội, trí tuệ nhân tạo, sinh trắc học, công nghệ nhận dạng giọng nói và khuôn mặt, chính quyền Trung Quốc đã ‘đi tiên phong’ tạo ra một hệ thống cho phép nhà độc tài liên tục giám sát các công dân, và trừng phạt ngay lập tức mỗi khi họ mắc lỗi, bằng cách chặn không cho họ tiếp cận tài chính, giáo dục, việc làm, viễn thông và du lịch. Một bộ máy như thế này là ước mơ của bao kẻ bạo chúa, và các công ty Trung Quốc đã và đang bán cũng như vận hành các khía cạnh của nó ở hơn 80 quốc gia

Hành động và phản ứng

Trong lúc Trung Quốc thiêu rụi những tàn dư của trật tự tự do, họ cũng đang gây ra những phản ứng dữ dội trên trường quốc tế. Các đánh giá tiêu cực về nước này bất ngờ tăng vọt lên mức cao chưa từng thấy kể từ Thảm sát Thiên An Môn 1989. Một cuộc khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu Pew thực hiện vào năm 2021 chỉ ra rằng 75% những người được hỏi tại Mỹ, Châu Âu, và Châu Á đang có suy nghĩ tiêu cực về Trung Quốc, và họ cũng không tin tưởng rằng Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ hành xử có trách nhiệm trong các vấn đề quốc tế, hoặc tôn trọng nhân quyền. Một khảo sát khác – một cuộc thăm dò vào năm 2020 của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế – tiết lộ rằng 75% giới tinh hoa chính sách đối ngoại ở Mỹ, Châu Âu, Châu Á tin rằng cách tốt nhất để đối phó với Trung Quốc là thành lập các liên minh của những quốc gia có cùng chí hướng chống lại Trung Quốc. Tại Mỹ, lưỡng đảng giờ đây đều nhất trí ủng hộ một chính sách cứng rắn hơn với Trung Quốc. EU chính thức tuyên bố Trung Quốc là "đối thủ hệ thống" (systemic rival). Còn tại Châu Á, Bắc Kinh đang phải đối mặt với các chính phủ chống đối công khai ở khắp mọi nơi, từ Nhật Bản đến Australia, từ Việt Nam tới Ấn Độ. Ngay cả ở những nước có trao đổi thương mại lớn với Trung Quốc, người ta cũng đang chán ngán nước này. Nhiều kết quả khảo sát cho thấy người Hàn Quốc ngày nay còn ghét người Trung Quốc hơn cả người Nhật – vốn là ông chủ thực dân đã biến nước họ thành thuộc địa.

Tình cảm chống Trung Quốc đang dần được hiện thực hóa thành những đòn phản công thực sự. Kháng cự vẫn còn đang ở giai đoạn phôi thai với nhiều chắp vá, chủ yếu là vì đa phần các quốc gia vẫn đang có quan hệ thương mại với Trung Quốc. Nhưng xu hướng chung vẫn rất rõ ràng : nhiều nhân tố đang bắt đầu hợp lực để đẩy lùi Trung Quốc. Trong quá trình đó, họ cũng sẽ sắp xếp lại trật tự thế giới.

Trật tự chống Trung Quốc đang nổi lên, về cơ bản, khác với trật tự tự do, bởi vì nó nhắm đến một mối nguy hoàn toàn khác. Cụ thể, trật tự mới sẽ đảo ngược điểm nhấn trong tương quan giữa tư bản và dân chủ. Trong thời Chiến tranh Lạnh, trật tự cũ đưa tư bản lên hàng đầu và dân chủ ở hàng thứ hai. Mỹ và các đồng minh đã đưa thị trường tự do đi xa nhất có thể, và khi buộc phải lựa chọn, họ gần như luôn luôn ủng hộ cánh hữu chuyên quyền hơn là cánh tả dân chủ. Cái gọi là ‘thế giới tự do’ đơn giản chỉ là một cấu trúc kinh tế. Ngay cả sau Chiến tranh Lạnh, khi việc phổ biến dân chủ trở thành mối quan tâm của nhiều người, thì Mỹ và các đồng minh vẫn thường ngó lơ các quan ngại về nhân quyền để có thể mở rộng thị trường, bằng chứng là việc họ hối hả đưa Trung Quốc gia nhập WTO.

Nhưng giờ đây, sự cởi mở kinh tế đã trở thành gánh nặng trách nhiệm đối với Mỹ và đồng minh, vì Trung Quốc đã hiện hữu trong mọi khía cạnh của trật tự tự do. Thay vì bị toàn cầu hóa làm cho sụp đổ, hệ thống tư bản độc tài của Trung Quốc dường như đã được thiết kế hoàn hảo để khai thác triệt để thị trường tự do nhằm thu về lợi ích trọng thương. Bắc Kinh sử dụng trợ cấp và gián điệp để giúp các tập đoàn của nước mình thống trị thị trường toàn cầu, và bảo vệ thị trường trong nước thông qua các rào cản phi thuế quan. Họ cho kiểm duyệt mọi ý tưởng và công ty nước ngoài trên mạng Internet của nước mình, trong khi tự do truy cập mạng Internet toàn cầu để đánh cắp tài sản trí tuệ và tuyên truyền về ĐCSTrung Quốc. Họ đảm nhận vị trí lãnh đạo trong nhiều thể chế tự do quốc tế, như Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, nhưng lại bẻ cong chúng theo đường hướng phi tự do. Họ có thể dễ dàng vận chuyển hàng xuất khẩu đến mọi nơi trên thế giới, nhờ có sự trợ giúp từ Hải quân Mỹ, nhưng lại dùng chính quân đội của mình để chiếm quyền kiểm soát những vùng biển rộng lớn ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.

Mỹ và các đồng minh giờ đây đã nhận thức được hiểm nguy : trật tự tự do, và cụ thể là nền kinh tế toàn cầu hóa nằm ở trung tâm của nó, đang tiếp sức cho một đối thủ nguy hiểm. Để đáp trả, họ cố gắng tạo ra một trật tự mới không có Trung Quốc, bằng cách biến dân chủ thành điều kiện tiên quyết để có được tư cách thành viên. Khi Joe Biden tổ chức buổi họp báo đầu tiên trên cương vị Tổng thống Mỹ, vào tháng 03/2021, và mô tả cạnh tranh Mỹ-Trung là một phần trong cuộc cạnh tranh lớn hơn giữa dân chủ và chuyên chế, ông không hề nói quá, mà là đang vạch ra chiến tuyến rõ ràng, dựa trên niềm tin phổ biến rằng chủ nghĩa tư bản độc tài là một mối đe dọa sống còn đối với thế giới dân chủ, mối đe dọa mà trật tự tự do không thể kiềm chế được. Thay vì cải cách những quy tắc hiện có, các nền dân chủ giàu có đang cố gắng tạo ra những quy tắc mới bằng cách liên kết với nhau, cùng thông qua các chuẩn mực và thực tiễn mới, đồng thời đe dọa sẽ loại trừ những quốc gia không đi theo họ. Các nền dân chủ không đơn thuần chỉ đang kiềm chế đối trọng với Trung Quốc – tăng chi tiêu quốc phòng và lập nhiều liên minh quân sự – họ đang thực sự tái cấu trúc lại trật tự thế giới.

Trật tự mới đang hình thành

Kiến trúc của trật tự mới vẫn còn đang thành hình. Tuy nhiên, đã có thể thấy rõ hai đặc điểm chính. Thứ nhất là một khối kinh tế lỏng lẻo, do G-7, nhóm liên minh dân chủ đang kiểm soát phân nửa tài sản thế giới, dẫn đầu. Các cường quốc lãnh đạo này, cùng với những quốc gia khác có cùng chí hướng, đang hợp tác để ngăn chặn Trung Quốc độc chiếm nền kinh tế toàn cầu. Lịch sử đã cho thấy bất cứ quốc gia nào nắm trong tay hàng hóa và dịch vụ chiến lược của một thời kỳ sẽ là quốc gia thống trị thời kỳ đó. Hồi thế kỷ 19, Vương quốc Anh đã có thể gầy dựng một đế chế ‘nơi Mặt Trời không bao giờ lặn’ bởi vì họ đã làm chủ công nghệ rèn sắt, hơi nước, và điện báo nhanh hơn các đối thủ cạnh tranh. Sang thế kỷ 20, Mỹ vươn lên dẫn đầu nhờ khai thác thành công công nghệ thép, hóa học, điện tử, hàng không vũ trụ, và công nghệ thông tin. Ngay lúc này đây, Trung Quốc hy vọng thống trị các lĩnh vực chiến lược hiện đại – bao gồm trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, chất bán dẫn, viễn thông – và theo đó cũng hạ cấp các nền kinh tế khác. Trong một cuộc họp tại Bắc Kinh vào năm 2017, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói với H. R. McMaster, khi đó là Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, về hình dung của ông về vị trí của Mỹ và các nước khác trong nền kinh tế toàn cầu tương lai : McMaster hồi tưởng lại lời của Lý, vai trò của các nước này "đơn giản sẽ là cung cấp cho Trung Quốc nguyên liệu thô, nông sản, và năng lượng để nước này có thể sản xuất những sản phẩm công nghiệp và sản phẩm tiêu dùng với công nghệ tối tân nhất thế giới".

Để tránh trở thành những bánh răng nhỏ bé trong đế chế kinh tế Trung Quốc, các nền dân chủ hàng đầu đang tạo ra những mạng lưới thương mại và đầu tư được thiết kế để tăng tốc tiến bộ của họ trong các lĩnh vực quan trọng, đồng thời cản bước tiến của Trung Quốc. Một vài trong số các nỗ lực hợp tác này – chẳng hạn như Quan hệ Đối tác Mỹ-Nhật về Năng lực Cạnh tranh và Khả năng Phục hồi, được công bố vào năm 2021 – khởi động nhiều dự án nghiên cứu và phát triển (R&D) nhằm giúp các nước có thể vượt qua các phát minh của Trung Quốc. Trong khi đó, những cơ chế khác lại tập trung vào việc làm giảm đòn bẩy kinh tế của Trung Quốc bằng cách phát triển những phương án thay thế cho sản phẩm và vốn từ Trung Quốc. Ví dụ, Sáng kiến Xây dựng lại Thế giới Tốt đẹp hơn (Build Back Better World) của G-7 và Cửa ngõ Toàn cầu (Global Gateway) của EU sẽ cung cấp cơ sở hạ tầng tài chính cho các nước nghèo, như một lựa chọn thay thế cho Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Australia, Ấn Độ, Nhật Bản đã cùng nhau phát động Sáng kiến Chuỗi cung ứng Bền bỉ (Supply Chain Resilience Initiative), mang lại động lực cho các công ty của họ di chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Và theo lệnh của Mỹ, các quốc gia chiếm hơn 60% thị trường thiết bị di động trên thế giới đã ban hành, hoặc đang xem xét, các hạn chế đối với Huawei, nhà cung cấp thiết bị viễn thông 5G chính của Trung Quốc.

Trong khi đó, các liên minh dân chủ đang hạn chế Trung Quốc tiếp cận nhiều công nghệ tiên tiến. Ví dụ, Hà Lan, Hàn Quốc, Đài Loan và Mỹ đã phối hợp để Trung Quốc không thể tiếp cận các chất bán dẫn tiên tiến và các máy móc tạo ra chúng. Các thể chế mới đang đặt nền móng cho một cơ chế kiểm soát xuất khẩu đa phương toàn diện. Hội đồng Công nghệ và Thương mại Mỹ-EU đang thiết lập tiêu chuẩn chung xuyên Đại Tây Dương nhằm giám sát hàng xuất khẩu sang Trung Quốc và đầu tư vào nước này trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân loại và các công nghệ tiên tiến khác. Sáng kiến Kiểm soát Xuất khẩu và Nhân quyền (Export Controls and Human Rights Initiative) – một dự án chung của Australia, Canada, Đan Mạch, Pháp, Hà Lan, Na Uy, Anh và Mỹ đã được công bố vào cuối năm 2021 – cũng nhằm thực hiện điều tương tự đối với các công nghệ có thể hỗ trợ chủ nghĩa độc tài kỹ thuật số, chẳng hạn như các công cụ nhận dạng giọng nói và khuôn mặt. Mỹ và các đồng minh dân chủ cũng đang đàm phán các thỏa thuận thương mại và đầu tư để phân biệt đối xử chống lại Trung Quốc, đưa ra các tiêu chuẩn về lao động, môi trường và quản trị mà Bắc Kinh sẽ chẳng thể nào đáp ứng được. Ví dụ, vào tháng 10/2021, Mỹ và EU đã đồng ý tạo ra một thỏa thuận mới nhằm áp thuế đối với các nhà sản xuất nhôm và thép tham gia vào hoạt động bán phá giá, hoặc sản xuất thâm dụng carbon, một biện pháp sẽ gây khó khăn cho Trung Quốc hơn bất kỳ ai khác.

Đặc điểm thứ hai của trật tự mới nổi là một hàng rào quân sự kép nhằm kiềm chế Trung Quốc. Lớp bên trong bao gồm các đối thủ ở khu vực giáp Biển Hoa Đông và Biển Đông. Nhiều nước trong số này – bao gồm Indonesia, Nhật Bản, Philippines, Đài Loan và Việt Nam – đang trang bị các bệ phóng tên lửa và mìn di động. Mục đích của họ là biến mình thành những con nhím gai có khả năng chống lại quyền kiểm soát trên biển và trên không của Trung Quốc ở gần bờ biển của họ. Những nỗ lực đó hiện đang được hỗ trợ bởi lớp bên ngoài là các cường quốc dân chủ – chủ yếu là Australia, Ấn Độ, Anh và Mỹ – đang cung cấp viện trợ, vũ khí và thông tin tình báo cho các nước láng giềng của Trung Quốc ; tham gia tập trận cùng nhau để có thể tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa tầm xa nhắm vào lực lượng Trung Quốc, phong tỏa nhập khẩu dầu của Trung Quốc ; và tổ chức các cuộc diễn tập tự do hàng hải đa quốc gia trong toàn khu vực, đặc biệt là gần các đảo đá, bãi ngầm, và các đảo do Trung Quốc chiếm giữ trong khu vực tranh chấp.

Hợp tác an ninh đang trở nên mạnh mẽ hơn và được thể chế hóa nhiều hơn. Ví dụ như sự tái trỗi dậy của Đối thoại An ninh Bốn bên, hay Quad – một liên minh bao gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ – vốn đã hoạt động trầm lắng ngay sau khi thành lập vào năm 2007. Hoặc sự ra đời của các hiệp ước mới, đáng chú ý nhất là AUKUS, một liên minh liên kết Australia, Anh và Mỹ. Mục tiêu bao trùm của tất cả các hoạt động này là duy trì nguyên trạng lãnh thổ ở Đông Á. Nhưng mục tiêu rõ ràng hơn là cứu Đài Loan, nền dân chủ ở tuyến đầu, nước có nguy cơ bị Trung Quốc xâm chiếm cao nhất. Nhật và Mỹ đã phát triển một kế hoạch chiến đấu chung để bảo vệ hòn đảo, và vào tháng 11/2021, Peter Dutton, Bộ trưởng Quốc phòng Australia, cho biết việc nước ông không tham gia cuộc chiến là điều "không thể tưởng tượng nổi". Về phần mình, Nghị viện Châu Âu đã thông qua một kế hoạch toàn diện nhằm thúc đẩy khả năng phục hồi kinh tế và sự công nhận quốc tế đối với Đài Loan.

Khi nhìn riêng rẽ, những nỗ lực này trông có vẻ lộn xộn và mang tính phản ứng nhất thời. Tuy nhiên, khi nhìn bao quát rộng hơn, chúng thể hiện tầm nhìn tích cực về một trật tự dân chủ, một trật tự mà về cơ bản là khác với mô hình trọng thương của Trung Quốc và cũng khác với trật tự quốc tế cũ, với cốt lõi là chủ nghĩa chính thống tân tự do. Bằng cách đưa các tiêu chuẩn lao động và nhân quyền vào các thỏa thuận kinh tế, tầm nhìn mới ưu tiên con người hơn lợi nhuận doanh nghiệp và quyền lực nhà nước. Nó cũng nâng cao môi trường toàn cầu, từ một cộng đồng trao đổi hàng hóa đơn thuần thành một cộng đồng có các nguyên tắc chung được chia sẻ và bảo vệ. Bằng cách liên kết các chính phủ dân chủ với nhau thành một mạng lưới riêng, trật tự mới cố gắng buộc các quốc gia phải đưa ra một loạt đánh giá về vấn đề giá trị, và áp đặt các hình phạt thực sự đối với hành vi phi tự do. Anh muốn sản xuất thép thâm dụng carbon bằng lao động nô lệ ? Vậy thì hãy chuẩn bị đối mặt với hàng rào thuế quan của các quốc gia giàu nhất thế giới. Anh đang toan tính sáp nhập các vùng biển quốc tế ? Vậy thì hãy mong đợi cuộc chạm trán với một hạm đội đa quốc gia.

Nếu Trung Quốc tiếp tục khiến các nền dân chủ phải hành động tập thể, thì nước này sẽ dẫn tới những thay đổi lớn đối với quản trị toàn cầu trong vòng một thế hệ tới hoặc hơn. Chẳng hạn, bằng cách kiềm chế sự bành trướng của hải quân Trung Quốc, hệ thống an ninh hàng hải ở Đông Á có thể trở thành một cơ chế thực thi luật biển mạnh mẽ. Bằng cách đưa thuế carbon vào các thỏa thuận thương mại để phân biệt đối xử với Trung Quốc, Mỹ và các đồng minh có thể buộc các nhà sản xuất giảm lượng khí thải của họ, vô tình tạo cơ sở cho việc đánh thuế carbon quốc tế trên thực tế. Thành công của Quad trong việc cung cấp một tỷ liều vắc xin Covid-19 cho Đông Nam Á – một nỗ lực nhằm thu phục trái tim lẫn khối óc, kêu gọi tránh xa Bắc Kinh – đã cung cấp một kế hoạch hành động chi tiết để chống lại đại dịch trong tương lai. Các nỗ lực chung nhằm ngăn chặn việc truyền bá chủ nghĩa độc tài kỹ thuật số có thể truyền cảm hứng cho các quy định quốc tế mới về dòng chảy kỹ thuật số và quyền riêng tư về dữ liệu, và việc bắt buộc phải cạnh tranh với Trung Quốc có thể thúc đẩy sự gia tăng chưa từng có trong chi tiêu R&D và cơ sở hạ tầng trên toàn thế giới.

Giống như các trật tự trong quá khứ, trật tự mới nổi này là một trật tự mang tính loại trừ, được duy trì bởi sự sợ hãi và được thực thi thông qua cưỡng chế. Tuy nhiên, không giống như hầu hết các trật tự trong quá khứ, nó hướng đến các mục tiêu tiến bộ hơn.

so3

Sự va chạm giữa các hệ thống

Lịch sử xây dựng trật tự quốc tế là một lịch sử chứa đầy những cuộc cạnh tranh tàn bạo giữa các hệ thống xung đột, không thể hợp tác hài hòa với nhau. Trong thời kỳ ‘yên bình’ nhất, cuộc cạnh tranh đó diễn ra dưới hình thức chiến tranh lạnh, hai bên tranh giành lợi thế và thăm dò lẫn nhau bằng mọi biện pháp, chỉ trừ lực lượng quân sự. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, đối đầu cuối cùng trở thành chiến tranh nóng, và kết thúc với việc một bên đè bẹp bên kia. Trật tự của kẻ chiến thắng sau đó sẽ thống trị, cho đến khi nó bị phá hủy bởi một đối thủ cạnh tranh mới – hoặc cho đến khi nó đơn giản là sụp đổ, vì không có mối đe dọa từ bên ngoài nào còn tồn tại để giữ nó đứng vững.

Ngày nay, ngày càng nhiều các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia đang kêu gọi một sự hợp tác mới giữa các cường quốc để giải quyết các vấn đề toàn cầu và phân chia thế giới thành các phạm vi ảnh hưởng. Nhưng ý tưởng về một trật tự bao trùm trong đó không tầm nhìn của cường quốc nào chiếm ưu thế là điều viển vông, chỉ có thể tồn tại trong trí tưởng tượng của những người ủng hộ chính phủ toàn cầu và các nhà lý luận hàn lâm. Hiện chỉ có hai trật tự đang được xây dựng – một do Trung Quốc lãnh đạo và một do Mỹ lãnh đạo – và cuộc cạnh tranh giữa hai trật tự này đang nhanh chóng trở thành cuộc đụng độ giữa chế độ chuyên chế và chế độ dân chủ, khi mà hai nước tự xác định mình chống lại bên kia và cố gắng truyền bá cho liên minh của mình các mục đích ý thức hệ. Trung Quốc đang tự định vị mình là người bảo vệ hệ thống thứ bậc và truyền thống của thế giới, chống lại một phương Tây suy đồi và mất trật tự. Còn Mỹ đang triệu tập, trong muộn màng, một liên minh mới, đối trọng với quyền lực của Trung Quốc và nỗ lực biến thế giới trở thành nơi an toàn cho nền dân chủ.

Sự va chạm giữa các hệ thống này sẽ định hình lại thế kỷ 21 và phân chia lại thế giới. Trung Quốc sẽ coi trật tự dân chủ đang nổi lên là một chiến lược ngăn chặn được thiết kế để bóp nghẹt nền kinh tế và lật đổ chế độ của họ. Đáp lại, nước này sẽ tìm cách tự bảo vệ mình, bằng cách củng cố quyền kiểm soát quân sự trên các tuyến đường biển quan trọng, tạo ra các đặc khu kinh tế cho các tập đoàn của mình, đồng thời nâng đỡ các đồng minh chuyên chế trong lúc gieo rắc hỗn loạn nơi các nền dân chủ. Ngược lại, sự gia tăng đàn áp và gây hấn của Trung Quốc sẽ càng thúc đẩy Mỹ và các đồng minh xa lánh Bắc Kinh, và xây dựng một trật tự dân chủ. Để hiểu rõ hơn về vòng tròn luẩn quẩn này, hãy xem xét điều gì đã xảy ra vào tháng 03/2021, khi Canada, Anh, Mỹ và EU trừng phạt bốn quan chức Trung Quốc vì vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. Dù các biện pháp trừng phạt chỉ mang tính giơ cao đánh khẽ, nhưng Bắc Kinh vẫn coi chúng là một cuộc tấn công vào chủ quyền của mình nên đã phản đối ngoại giao mạnh mẽ, đi kèm là một loạt các biện pháp trừng phạt kinh tế. EU đã đáp trả bằng cách đóng băng Thỏa thuận Toàn diện về Đầu tư EU-Trung Quốc.

Trong những năm tới, cuộc chiến thương mại và công nghệ giữa Trung Quốc và Mỹ – vốn bắt đầu từ thời chính quyền Trump – sẽ còn dữ dội hơn nữa khi cả hai bên đều cố gắng mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình. Các quốc gia khác sẽ nhận thấy rằng bảo vệ lợi ích quốc gia bằng cách duy trì liên hệ với cả hai khối [Mỹ và Trung Quốc] ngày càng trở nên khó khăn. Thay vào đó, Trung Quốc và Mỹ sẽ thúc đẩy các đối tác phải chọn phe, buộc họ phải điều chỉnh lại chuỗi cung ứng của mình, và tuân theo toàn bộ hệ sinh thái công nghệ và tiêu chuẩn của một bên nhất định. Mạng Internet sẽ bị chia đôi. Khi người ta chuyển từ trật tự này sang trật tự khác – đấy là nếu họ có thể xin được "thị thực" – người ta cũng sẽ bước vào một vùng đất kỹ thuật số khác. Điện thoại của họ, cũng như các trang web yêu thích, tài khoản email, hoặc các ứng dụng truyền thông xã hội đều sẽ không hoạt động. Chiến tranh chính trị giữa hai hệ thống sẽ ngày càng gia tăng, vì mỗi bên đều cố gắng làm suy yếu tính chính danh trong nước và sức hấp dẫn quốc tế của đối thủ cạnh tranh. Các tuyến đường biển Đông Á sẽ bị tắc nghẽn bởi các tàu chiến, và các lực lượng đối đầu sẽ thường xuyên chạm trán ở cự ly gần.

Bế tắc sẽ chỉ kết thúc khi một bên đánh bại hoặc làm kiệt quệ bên kia. Hiện tại, lợi thế đang nghiêng về phía Mỹ, quốc gia có tài sản và năng lực quân sự mạnh hơn nhiều so với Trung Quốc, đồng thời có triển vọng tăng trưởng tốt hơn trong tương lai. Tính đến đầu thập niên 2030, Tập Cận Bình – một người nghiện thuốc lá, béo phì, với một công việc nhiều căng thẳng – sẽ ở tuổi 80, nếu như ông vẫn còn sống. Khủng hoảng nhân khẩu học của Trung Quốc sẽ tăng cao, dự báo quốc gia này sẽ mất khoảng 70 triệu người trưởng thành trong độ tuổi lao động, đồng thời có thêm 130 triệu người cao tuổi. Các khoản vay hàng trăm tỷ đô la của Trung Quốc ở nước ngoài sẽ đến hạn thanh toán và nhiều đối tác nước ngoài của Trung Quốc sẽ không thể hoàn trả tiền. Thật khó để tin là một quốc gia đang đối mặt với nhiều thách thức lại có thể duy trì trật tự quốc tế của mình một cách lâu dài, đặc biệt là khi đối mặt với kháng cự quyết liệt từ các quốc gia giàu có nhất thế giới.

Tuy nhiên, trật tự dân chủ do người Mỹ lãnh đạo cũng không chắc có thể tồn tại. Người Mỹ có thể phải đối mặt với khủng hoảng hiến pháp trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 và rơi vào xung đột dân sự. Ngay cả khi điều đó không xảy ra, Mỹ và các đồng minh của họ vẫn có thể gặp rắc rối. Thế giới dân chủ đang trải qua cuộc khủng hoảng niềm tin và đoàn kết lớn nhất kể từ những năm 1930. Chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa dân túy và làn sóng phản đối chủ nghĩa toàn cầu hóa đang trỗi dậy, gây khó khăn cho các hành động tập thể. Nhiều nền dân chủ Đông Á đang có tranh chấp lãnh thổ với nhau. Nhiều người Châu Âu coi Trung Quốc là một cơ hội kinh tế hơn là một mối đe dọa chiến lược, và nghiêm túc nghi ngờ độ tin cậy của Mỹ với tư cách là một đồng minh, sau khi đã phải gánh bốn năm thuế quan nặng nề và chịu đựng sự khinh miệt từ Tổng thống Donald Trump, người có thể sẽ sớm trở lại cầm quyền. Người Châu Âu cũng có quan điểm khác với người Mỹ về bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư, và các chính phủ Châu Âu lo ngại sự thống trị công nghệ của Mỹ cũng nhiều như lo ngại sự bá chủ kỹ thuật số của Trung Quốc. Ấn Độ có thể chưa sẵn sàng từ bỏ chính sách không liên kết truyền thống của mình để ủng hộ một trật tự dân chủ, đặc biệt là khi nước này đang trở nên đàn áp hơn đối với các vấn đề trong nước. Một trật tự được xây dựng xoay quanh giá trị dân chủ cũng sẽ chật vật khi hình thành quan hệ đối tác hữu ích với các chế độ chuyên chế vốn là đối tác quan trọng trong bất kỳ liên minh chống Trung Quốc nào, chẳng hạn như Singapore và Việt Nam. Nỗi sợ hãi Trung Quốc là một động lực mạnh mẽ, nhưng nó có thể không đủ mạnh để che đậy những rạn nứt tồn tại trong liên minh chống Trung Quốc đang nổi lên.

Nếu liên minh đó không củng cố được trật tự quốc tế của mình, thì thế giới sẽ dần rơi vào tình trạng vô chính phủ, một cuộc đấu tranh giữa các cường quốc bất hảo và các khối khu vực, nơi kẻ mạnh làm bất cứ những gì mình có thể, còn kẻ yếu chấp nhận những gì họ phải chấp nhận. Một số học giả giả định – hoặc hy vọng – rằng một thế giới không có trật tự sẽ tự tìm ra trật tự cho mình, rằng các cường quốc sẽ tạo ra những phạm vi ảnh hưởng ổn định và né tránh xung đột, hoặc sự lan rộng của thương mại quốc tế và những ý tưởng khai sáng sẽ tự nhiên giúp duy trì hòa bình và thịnh vượng toàn cầu. Nhưng hòa bình và thịnh vượng không tự nhiên mà có. Chúng là kết quả của sự hợp tác bền vững giữa các cường quốc – nghĩa là của một trật tự quốc tế.

Đặt niềm tin vào dân chủ

Lịch sử cho thấy rằng các thời kỳ đa cực ‘lỏng’ (fluid multipolarity) thường kết thúc trong thảm họa, bất kể ý tưởng có đột phá hay công nghệ có tiên tiến thế nào ở thời điểm đó. Giai đoạn sau của thế kỷ 18 chứng kiến đỉnh cao của thời kỳ Khai sáng ở Châu Âu, trước khi lục địa này rơi vào địa ngục của Chiến tranh Napoléon. Vào đầu thế kỷ 20, những bộ óc nhạy bén nhất của thế giới đã dự đoán về sự kết thúc của xung đột giữa các cường quốc, khi đường sắt, cáp điện báo và tàu hơi nước giúp các quốc gia xích lại gần nhau hơn. Thế nhưng cuộc chiến tồi tệ nhất trong lịch sử lại nhanh chóng nổ ra sau đó. Một thực tế đáng buồn và đầy nghịch lý là các trật tự quốc tế giữ vai trò tối quan trọng nhằm ngăn chặn hỗn loạn, nhưng chúng thường chỉ xuất hiện trong thời kỳ cạnh tranh giữa các cường quốc. Cạnh tranh với Trung Quốc là cuộc cạnh tranh đầy rủi ro đối với Mỹ và các đồng minh, nhưng đó có thể là cách duy nhất để tránh những mối nguy lớn hơn.

Để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn, Mỹ và các đồng minh sẽ cần phải có một cái nhìn sáng suốt hơn về lợi ích của mình, so với những gì họ làm từ hồi Chiến tranh Lạnh. Khi ấy, lợi ích kinh tế của họ kết hợp chặt chẽ với lợi ích địa chính trị. Đơn giản thì lòng tham, chứ không phải thứ gì khác, có thể buộc các quốc gia tư bản liên kết với nhau để bảo vệ tài sản tư nhân trước sự tấn công dữ dội của chủ nghĩa cộng sản. Tuy nhiên, giờ đây, sự lựa chọn không còn đơn giản như vậy nữa, bởi vì ngáng đường Trung Quốc sẽ dẫn đến những hệ lụy kinh tế đáng kể, đặc biệt là trong ngắn hạn. Nhưng cái giá đó có thể thấp hơn nhiều so với việc duy trì hoạt động kinh tế dài hạn với Bắc Kinh – ước tính, gián điệp Trung Quốc đã tước đoạt của chỉ riêng nước Mỹ khoảng 200 tỷ đến 600 tỷ USD mỗi năm – chưa nói đến vấn đề đạo đức và rủi ro địa chính trị khi hợp tác với một chế độ toàn trị tàn bạo với tham vọng của chủ nghĩa phục thù. Tuy nhiên, khả năng tính toán sáng suốt khi đối đầu với Trung Quốc dường như vượt quá khả năng của riêng bất kỳ quốc gia nào, đặc biệt là những nước phân cực như Mỹ và nhiều đồng minh dân chủ của họ.

Hy vọng, nếu có, đang nằm trong một cam kết mới đối với các giá trị dân chủ. Mỹ và các đồng minh có chung nguyện vọng về một trật tự quốc tế dựa trên các nguyên tắc dân chủ, và được ghi nhận trong các hiệp định và luật pháp quốc tế. Cốt lõi của một trật tự như vậy đang được rèn giũa trong ‘lò lửa’ cạnh tranh với Trung Quốc và có thể được uốn nắn thành một trật tự khai sáng nhất mà thế giới từng chứng kiến – một thế giới tự do đích thực. Nhưng để đạt được điều đó, Mỹ và các đồng minh sẽ phải cạnh tranh với Trung Quốc, và cùng nhau tiến về phía trước, trong một cuộc đấu tranh dài đằng đẵng.

Michael Beckley

Nguyên tác : Enemies of My Enemy – How Fear of China Is Forging a New World OrderForeign Affairs, 14/02/2022

Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 06/05/2022

Michael Beckley là Phó Giáo sư chuyên ngành Khoa học chính trị tại Đại học Tufts, và là tác giả của cuốn Unrivaled : Why America Will Remain the World’s Sole Superpower.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Michael Beckley, Nguyễn Thị Kim Phụng
Read 742 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)