Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/05/2022

Dầu khí : Mỹ đe dọa thế gần như độc quyền của Nga tại Châu Âu

Thanh Hà

Chiến tranh Ukraine tạm vô hiệu hóa đường ống Nord Stream 2 đưa khí đốt Nga sang Châu Âu và làm lộ rõ những kế hoạch từ trước của Hoa Kỳ chinh phục thị trường trên Lục Địa Già. Kremlin có thể dùng lá bài năng lượng để bắt bí Liên Âu được bao lâu nữa hay vô hình chung đang tạo cơ hội cho các nhà sản xuất dầu khí đá phiến của Mỹ bắt rễ vào Châu Âu ?

daukhi1

Một tàu lai dắt tham gia đặt đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 nối Nga đến Đức, tại cảng Wismar, Đức, ngày 14/01/2021.  AP - Jens Buettner

Từ khi khởi động chiến tranh Ukraine cuối tháng 2/2022, tổng thống Vladimir Putin liên tục gia tăng áp lực với phương Tây trên bàn cờ năng lượng. Sắc lệnh ký ngày 31/03/2022 như một tối hậu thư đòi Âu, Mỹ dùng đồng rúp để mua dầu, khí của Nga. Một tháng sau, Moskva đơn phương tuyên bố ngừng cung cấp khí đốt cho hai thành viên Liên Hiệp Châu Âu là Ba Lan và Bulgaria.

Liên Hiệp Châu Âu đã mau mắn và mạnh tay trừng phạt Moskva xâm chiếm Ukraine nhưng vẫn nương nhẹ một số ngân hàng có liên hệ trực tiếp với ngành dầu khí Nga và nhất là tránh trừng phạt các tập đoàn năng lượng Nga. Bruxelles lúng túng vì năng lượng, điển hình là sau cả tuần lễ đàm phán gay go vẫn chưa nhất trí về giải pháp "cấm vận dầu hỏa của Nga". Chuyện cai nghiện khí đốt của Nga lại càng khó hơn. Cùng lúc, nhiều thành viên Châu Âu đã gấp rút đi tìm các nguồn cung cấp khác, đứng đầu là Mỹ.

Về phía Hoa Kỳ, tháng 3/2022 xuất khẩu khí hóa lỏng GNL sang Châu Âu tăng gấp 5 lần so với cùng thời kỳ năm ngoái. Từ cuối năm 2021 khi Nga bắt đầu điều quân đến sát biên giới Ukraine, ba tàu chở khí hóa lỏng GNL của Mỹ đang trên đường sang Châu Á đã chuyển hướng, quay sang Châu Âu. Đành rằng khối lượng GNL ba chiếc tàu này chuyên chở chỉ là "một giọt nước" trong lúc Nga bảo đảm đến 40 % nhu cầu của Liên Âu (theo số liệu thống kê 2019) và trong số các nguồn cung cấp cho Châu Âu, Nga bỏ xa là phía sau Na Uy (22 %) và Algérie (7,2 %), hay Qatar (4,6 %). Mỹ gần như vắng bóng, cho dù có khả năng cung cấp và sản xuất còn hơn cả Nga.

Trên đài phát thanh France Inter, chuyên gia Pháp về năng lượng, Francis Perrin, giám đốc nghiên cứu Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược - IRIS nhấn mạnh đến tiềm năng rất lớn của Hoa Kỳ nhờ công nghệ khai thác dầu đá phiến :

"Từ trước chiến tranh Ukraine, Mỹ đã là nhà sản xuất số 1 trên thế giới về dầu hỏa và khí đốt, đứng trước nước Nga. Hoa Kỳ là một cường quốc về năng lượng hóa thạch với tiềm năng rất lớn và từ nhiều tháng qua, Mỹ đã trở thành một trong ba nhà cung cấp khí hóa lỏng hàng đầu của thế giới cùng với Qatar và Úc. Washington có khả năng tăng thêm sức cung ứng cho các đối tác Châu Âu trong những tháng sắp tới và những năm sắp tới.

Dù vậy, trong ngắn và trung hạn, một mình nước Mỹ không thể thay thế Nga để phục vụ thị trường Liên Âu cả về dầu hỏa lẫn khí đốt. Giải pháp đối với Bruxelles là phải tìm kiếm thêm các nguồn cung cấp, kết hợp từ Hoa Kỳ đến Qatar, Úc, Algérie, Na Uy, Azerbaijan … Có càng nhiều nguồn cung cấp chừng nào tốt chừng nấy. Với tất cả các đối tác nói trên cộng lại, về lâu dài Liên Hiệp Châu Âu mới có thể cai dầu khí của Nga".

Tranh giành thị trường

Với công nghệ khai thác mới, về dầu hỏa, Hoa Kỳ đã qua mặt hai nguồn sản xuất lớn nhất của thế giới là Saudi Arabia và Nga. La Croix trong số báo hôm 18/04/2022 nhắc lại trước viễn cảnh bầu cử giữa nhiệm kỳ vào mùa thu tới đây, để tranh thủ lá phiếu của cử tri, chính phủ Mỹ muốn khởi động lại ngành công nghiệp dầu đá phiến, cho dù điều đó trái ngược với những cam kết ứng viên Joe Biden từng đưa ra khi ông ra tranh cử tổng thống hồi năm 2020.

Đầu tháng 04/2022, đại diện một cơ quan bảo vệ quyền lợi của các tập đoàn khai thác khí GNL của Mỹ tiếp một phái đoàn gồm 12 nước thành viên Liên Âu. Các bên đàm phán và tìm kiếm "những giải pháp trong ngắn hạn" thay thế khí đốt của Nga.

Phía Hoa Kỳ khẳng định : "Trong bối cảnh chiến tranh Ukraine, các nhà sản xuất của Mỹ tập trung vào Châu Âu". Từ năm 2016, chính quyền Obama với Joe Biden trong cương vị phó tổng thống đã dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu năng lượng có hiệu lực từ cuộc khủng hoảng dầu hỏa 1975. Sáu năm sau, Mỹ trở thành nhà xuất khẩu khí hóa lỏng GNL số 1 toàn cầu, trước cả Qatar và Úc. Châu Á là thị trường quan trọng nhất của các nhà sản xuất Mỹ.

Nhưng đe dọa chiến tranh Ukraine càng cận kề, khối lượng GNL của Mỹ đổ về Châu Âu càng lớn. Đầu tháng 2/2022 phát biểu tại Bruxelles, ngoại trưởng Antony Blinken đã nhắc lại sự kiện Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Châu Âu hồi 2009, nhiều nước trong Liên Âu "điêu đứng", nhưng giờ đây Châu lục này có thể trông cậy và Mỹ. Washington cam kết "ngăn cản kịch bản đó tái diễn".

2022 : Châu Âu là thị trường quan trọng nhất

Trên thực tế, thống kê của bộ Năng Lượng Hoa Kỳ cho thấy liên tiếp trong bốn tháng đầu năm 2022, hơn 65 % lượng xuất khẩu GNL của Mỹ là để cung cấp cho Châu Âu. Cùng lúc, ý thức được rằng chưa đủ để giải tỏa áp lực của Nga đối với Châu Âu về năng lượng, nên chính quyền Biden đã huy động từ các nhà sản xuất quốc gia đến các đồng minh của Hoa Kỳ như Qatar hay Nhật Bản để "ưu tiên" đáp ứng nhu cầu của Châu Âu. Chẳng hạn, Nhà Trắng đã yêu cầu Doha "hỗ trợ Châu Âu", kêu gọi Nhật Bản chịu khó nhường một phần GNL đã đặt mua của Mỹ cho Châu Âu.

Dưới thời chính quyền Trump, ngoại trưởng Mike Pompeo, năm 2019, từ mỏ dầu của Mỹ là bang Texas, từng cảnh báo một số quốc gia quá lệ thuộc vào dầu khí của Nga hay Iran và kêu gọi những nước này hãy "khôn ngoan nhìn về phía các nhà sản xuất của Hoa Kỳ" bởi vì "Mỹ không chỉ xuất khẩu năng lượng mà còn xuất khẩu cả một hệ thống những giá trị thương mại đến các nước bạn và các đối tác" của Washington.

Ba Lan là một trong số những nước bạn mà cựu ngoại trưởng Pompeo đã nhắc đến. Nhờ đã ký kết với các tập đoàn như Cheniere Energy và Sempra Energy mà Warszawa không lâm vào thế kẹt như Bulgaria khi Nga thông báo cắt nguồn cung cấp khí đốt hôm 27/04/2022. Chuyên gia về năng lượng Francis Perrin, viện nghiên cứu IRIS của Pháp, phân tích :

"Rõ ràng là Ba Lan đã có một sự chuẩn bị trước, trước cả thông báo của Nga hôm 27/04/2022 ngừng bán khí đốt cho Warszawa. Không nhiều nhưng Ba Lan có một ngành công nghiệp khí đốt gọi là "có còn hơn không". Ba Lan cũng có cảng để tiếp nhận khí hóa lỏng được giao cho nước này bằng đường biển. Ba Lan hiện đang có một khối dự trữ về khí đốt tương đương với 80 % nhu cầu tiêu thụ. Không một quốc gia nào trong Liên Âu có được tỷ lệ dự trữ cao như vậy. Rồi sắp tới đây, sẽ có thêm đường ống dẫn khí đốt nối liền Ba Lan và Latvia, thêm một tuyến khác nữa dự trù bắt đầu hoạt động từ mùa thu năm nay đưa khí đốt của Na Uy vào Ba Lan.

Hoàn cảnh của Bulgaria tế nhị hơn : Bulgaria không dồi dào dự trữ năng lượng như Ba Lan và cũng không nhập khẩu khí hóa lỏng. Về mặt địa lý, quốc gia này bị cô lập hơn, hiểu theo nghĩa hoàn toàn không có đường ống nào kết nối vào các quốc gia khác trong Liên Âu. Hơn bao giờ hết, Sofia cần được các thành viên còn lại của Liên Hiệp Châu Âu hỗ trợ để vượt qua giai đoạn khó khăn này".

Ba Lan - Bulgaria những mục tiêu có chọn lọc của Nga

Về câu hỏi tại sao Kremlin lại trút cơn thịnh nộ lên hai thành viên trong Liên Âu là Ba Lan và Bulgaria và liệu có dừng lại ở hai quốc gia này hay sẽ còn tiếp tục trừng phạt thêm một số khác nữa để gia tăng áp lực với Châu Âu, Francis Perrin trả lời :

"Đương nhiên là quan hệ giữa Nga và Ba Lan trong thời gian gần đây đã rất căng. Moskva trút thịnh nộ vào Varcaxa bởi đây là cửa ngõ đưa trang thiết bị quân sự và viện trợ của NATO vào Ukraine. Ba Lan là nơi đón nhận đại đa số người tị nạn Ukraine và trong khối Liên Hiệp Châu Âu, Warszawa có lập trường cứng rắn nhất, luôn thúc đẩy thêm các biện pháp trừng phạt Nga xâm chiếm Ukraine. Ba Lan chiếm một vị trí then chốt trong cuộc chiến Ukraine và có thể nói là đang ở tâm điểm bàn cờ địa chính trị của Châu Âu và của thế giới.

Trường hợp của Bulgaria phức tạp hơn, bởi vì cho tới rất gần đây, quan hệ giữa Sofia với Moskva khá hữu hảo. Nhưng rồi Bulgaria đã thay đổi chính phủ và chính quyền mới giữ khoảng cách với Nga. Có thể là Vladimir Putin coi đó như một sự phản bội bởi vì Kremlin vẫn xem Bulgaria thuộc ảnh hưởng của Nga.

Thêm một điểm nữa là trong nhãn quan của Moskva thì vẫn có một sự phân biệt giữa các nước tây Âu với khối Đông và Trung Âu trong đó có Ba Lan và Bulgaria, vốn từng là các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa trước đây, do vậy Kremlin ngỡ rằng Bruxelles sẽ phản ứng chừng mực hơn nếu như nước Nga phạt các nước Đông và Trung Âu cũ".

Phạt Ba Lan và Bulgaria, một bài toán trắc nghiệm phản ứng của phương Tây

Cũng giám đốc nghiên cứu viện IRIS Francis Perrin lưu ý tổng thống Putin đang dùng lá bài năng lượng như một "quả bóng thăm dò" để nắn gân Châu Âu, để thử thách mức độ đoàn kết giữa 27 thành viên Liên Âu và xem chừng phản ứng của Mỹ.

Trong mọi trường hợp, thực tế phũ phàng là Ukraine trong cảnh cửa tan nhà nát, nhưng ngành công nghiệp dầu khí của Hoa Kỳ thì đang trông thấy viễn cảnh tươi sáng : Chính quyền Biden cần GNL made in USA vừa để kiếm phiếu của các nhà sản xuất, vừa để hạ nhiệt thị trường xăng dầu nội địa, trong lúc lạm phát tại Hoa Kỳ tháng 3/2022 tăng hơn 8 %, vừa để bành trướng tại Châu Âu, và nhất là thu hẹp ảnh hướng quá lớn của Nga đối với Liên Âu.

Vấn đề còn lại đối với Bruxelles là cho dù trong tương lai có bớt lệ thuộc vào năng lượng của Nga thì cũng chỉ là để cột chặt số phận vào một nhà cung cấp khác là Mỹ. Còn đối với Moskva, không chắc Kremlin dễ dàng chia sẻ thị phần với Washington.

Thanh Hà

Nguồn : RFI, 10/05/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Hà
Read 425 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)