Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/05/2022

Chiến tranh Ukraine : Tại sao Châu Á không có cùng quan điểm với Tây phương ?

Thùy Dương

Tại sao Châu Á không chia sẻ cùng quan điểm với Tây phương về chiến tranh Ukraine, cả về nguồn gốc và diễn biến cuộc chiến ? Đây là câu hỏi mà chuyên gia Châu Á Hubert Testard đi tìm lời giải đáp trong bài viết đăng trên trang mạng Asialyst ngày 30/04/2022.

chaua1

Tổng thống Nga Vladimir Putin ký tên vào đoạn đường ống đầu tiên của hệ thống "Sức mạnh Xibêri" dẫn đầu từ Nga sang Trung Quốc, ngày 01/09/2014, tại làng Khatin. Reuters/Alexei Nikolsky/RIA Novosti

Tại sao Châu Á không chia sẻ cùng quan điểm với Tây phương về chiến tranh Ukraine, cả về nguồn gốc và diễn biến cuộc chiến ? Đây là câu hỏi mà chuyên gia Châu Á Hubert Testard đi tìm lời giải đáp trong bài viết đăng trên trang mạng Asialyst ngày 30/04/2022.

Cuộc chiến Ukraine có vẻ xa vời với Châu Á và không khơi dậy được bất kỳ sự đồng thuận ngoại giao nào. Đa số các chính phủ đều có phản ứng thận trọng, do lịch sử quan hệ với Nga, nỗi ám ảnh về mối quan hệ với Trung Quốc và đôi khi là tư tưởng cơ hội về kinh tế nhằm thế chỗ các doanh nghiệp phương Tây hoặc tận dụng sự suy giảm thương mại giữa Châu Âu và Nga. Còn trong dân chúng, các luận điểm của Nga - Trung, được tuyên truyền hiệu quả trên các phương tiện truyền thông xã hội, đã kích hoạt tư tưởng chống chủ nghĩa đế quốc và chống chủ nghĩa thực dân đã âm ỉ trong một thời gian dài.

Châu Á thiếu sự ủng hộ ngoại giao 

Phiếu bầu của một số nước Châu Á trong hai dịp quan trọng, lên án hành động xâm lược của Nga tại cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 02/03/2022 và đình chỉ hoạt động của Nga tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hôm 07/04 sau nhiều cáo buộc quân đội Nga phạm tội ác chiến tranh tại Ukraine, cho thấy Châu Á thiếu sự ủng hộ đối với cuộc đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền mà phương Tây dẫn dắt.

Các nhà lãnh đạo của ba hội nghị thượng đỉnh đa phương vào năm 2022, Indonesia (G20), Thái Lan (APEC) và Cam Bốt (Các Hội nghị cấp cao ASEAN và Đông Á) đều tránh đưa ra quan điểm không có lợi cho họ trong việc tổ chức thượng đỉnh, chẳng hạn Indonesia đã quyết định mời Vladimir Putin và Volodymyr Zelensky tới G20 tại Bali vào ngày 15-16/11/2022 

Châu Á tránh trừng phạt Nga về năng lượng 

Một số quốc gia Châu Á từng thông báo các biện pháp trừng phạt Nga sau này đã tránh đưa ra các quyết định ngưng nhập khẩu năng lượng của Nga, trừ Nhật Bản. Trên thực tế, cho dù xuất khẩu của Châu Á sang Nga sụt giảm vào tháng 03/2022 do tác động tích tụ từ các biện pháp trừng phạt của quốc tế, các vấn đề hậu cần và khó khăn trong thanh toán, nhưng Châu Á, đặc biệt là Hàn Quốc và Đài Loan, đã gia tăng đáng kể nhập khẩu năng lượng từ Nga. 

Châu Á chiếm tỷ trọng đặc biệt lớn trong xuất khẩu than của Nga : 58% vào năm 2021. Trung Quốc là khách nhập khẩu than đá hàng đầu của Nga (22%), Nhật Bản (12%), Hàn Quốc (10%) và Đài Loan (6%) cộng lại cũng nhập khẩu nhiều than đá của Nga hơn so với toàn bộ Liên Âu. Tuy nhiên, thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida ngày 8/4 đã thông báo ngừng nhập khẩu than từ Nga trong khi Hàn Quốc thông báo ý định không gia hạn các hợp đồng hiện có.

Về dầu mỏ, Châu Á chiếm 41% lượng dầu xuất khẩu của Nga vào năm 2021, chỉ ít hơn một chút so với Châu Âu (46%), nhưng hiện Châu Á chưa đưa dầu lửa vào danh sách trừng phạt Nga. Cho đến nay, Trung Quốc vẫn là nhà nhập khẩu dầu hỏa lớn nhất của Nga tại Châu Á (31% tổng lượng xuất khẩu). Nhu cầu của Trung Quốc giảm trong tháng 03/2022 do kinh tế tăng trưởng chậm lại, nhưng thị phần cung cấp dầu của Nga cho Trung Quốc vẫn ổn định. Nhà nhập khẩu lớn thứ hai tại Châu Á là Hàn Quốc thì không tham gia lệnh cấm vận dầu lửa do Hoa Kỳ đưa ra. Trong khi đó, Ấn Độ và Indonesia, những nước vốn trước đây nhập khẩu ít hoặc không mua dầu lửa của Nga nay đang đàm phán để tận dụng giá dầu rẻ mà Moskva đề xuất. Ấn Độ đang thương lượng về việc thanh toán song phương bằng đồng rúp của Nga hoặc đồng rupi của Ấn Độ. Indonesia cũng muốn điều tương tự.

Còn về khí đốt, 3/4 khí đốt của Nga là xuất sang Châu Âu, so với tỉ lệ 13% đối với Châu Á. Ngoài ra, phần lớn lượng khí đốt Nga xuất khẩu là qua các đường ống dẫn khí đốt, cách thức chuyển tải này không thể thay thế được. Tại Châu Á, khách hàng chính mua khí đốt của Nga qua đường dẫn "Power of Siberia" là Trung Quốc, nhưng Nhật Bản mới là khách hàng chính mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Nga, đặc biệt là qua một cảng tiếp nhận chung với công ty Gazprom trên đảo Sakhalin và thủ tướng Fumio Kishida đã nói rằng Nhật Bản sẽ không từ bỏ hợp tác với Gazprom. Nghiên cứu của các chuyên gia năng lượng Nhật Bản cho thấy thay thế nguồn khí đốt Nga giao từ Sakhalin bằng việc mua theo các hợp đồng ngắn hạn trên thị trường có thể tiêu tốn thêm của Nhật 15 tỷ đô la/năm, một mức giá quá cao.

Tóm lại, theo chuyên gia Hubert Testard, Châu Á vẫn là điểm đến ưu tiên của năng lượng Nga, một phần do Trung Quốc vẫn hợp tác tích cực với Nga, các nước khác cũng không sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế để cấm vận năng lượng của Nga, cũng như do chủ nghĩa cơ hội của các nước Nam Á và Đông Nam Á.

Tầm quan trọng của hợp tác quân sự với Nga 

Một số quốc gia Châu Á có quan hệ hợp tác quân sự từ lâu và rất tích cực với Nga. Nhìn tổng thể, Châu Á chiếm 60% doanh số bán vũ khí của Nga trên toàn thế giới. Năm quốc gia Châu Á hàng đầu mua vũ khí Nga đều là những quốc gia không tham gia cuộc bỏ phiếu của Liên Hiệp Quốc hôm 02/03. Các nước khác ở Đông Nam Á và Nam Á - Indonesia, Malaysia, Miến Điện, Pakistan - cũng là khách hàng mua vũ khí của Nga, dù ít hơn. 

Riêng về Ấn Độ, 2/3 số vũ khí nhập khẩu của New Delhi là từ Nga. Tàu sân bay duy nhất của Ấn Độ, 71% máy bay tiêm kích của Không quân và đội xe tăng chiến đấu chủ lực của nước này đều do Nga sản xuất. Ấn Độ hiện còn đang thực hiện hợp đồng rất lớn tiếp nhận hệ thống phòng không tầm xa S400, một trong những thế hệ vũ khí mới nhất của Nga. Việt Nam cũng phụ thuộc rất nhiều vũ khí của Nga (80%) và hợp tác quân sự với Nga vẫn là một phương tiện chính bảo đảm cho Việt Nam khả năng đối phó với Trung Quốc. 

Nhìn chung, Châu Á không có ý định ngưng hợp tác quân sự với Nga, nguồn cung cấp các hệ thống vũ khí thường được xem là rẻ hơn và phù hợp hơn. Anh và Mỹ gợi ý Ấn Độ giảm lệ thuộc vào Nga, nhưng hiện vẫn còn quá sớm để đánh giá liệu các sáng kiến này có hiệu quả hay không. 

Nông nghiệp : Thách thức và cơ hội 

Chúng ta đều biết vai trò cần thiết của Nga và Ukraine trong việc cung cấp ngũ cốc và phân bón trên thế giới, nhưng Châu Á nhìn chung ít bị ảnh hưởng hơn so với Bắc Phi hoặc Trung Đông. Một số nước thậm chí có thể lợi dụng những căng thẳng trên thị trường nông sản để phát triển xuất khẩu.

Tổ chức Nông lương Liên Hiệp quốc (FAO) đã công bố các số liệu phân tích mức độ các nước lệ thuộc vào ngũ cốc của Nga và Ukraine : Đa phần các nước Châu Á, hoặc ít lệ thuộc vào việc nhập khẩu ngũ cốc (Trung Quốc), hoặc về tổng thể phụ thuộc nhiều nhưng lại chủ yếu là các nhà cung cấp ở Tây phương (Nhật Bản, Hàn Quốc). Tuy nhiên, cũng có một số quốc gia đặc biệt bị ảnh hưởng, như Mông Cổ và Sri Lanka, và đây chính hai quốc gia đã vắng mặt trong cuộc bỏ phiếu phản đối cuộc chiến ở Ukraine vào ngày 02/03. 

Về cơ hội, Ấn Độ đang trở thành một nước xuất khẩu ngũ cốc lớn. Cho đến những năm 2020 vẫn chỉ ở mức thấp, xuất khẩu ngũ cốc của Ấn Độ bắt đầu phát triển trong năm 2021-2022, đạt 6 triệu tấn và có thể đạt 10 triệu tấn sau hai năm nữa. Các hợp đồng rất lớn đang được New Delhi đàm phán với Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ, hai nước đặc biệt bị tác động khi nguồn cung ngũ cốc của Nga và Ukraine giảm sút.

Dư luận chịu ảnh hưởng từ các luận điểm thân Nga 

Doublethink Lab, một nhóm giám sát không gian mạng của Đài Loan, hồi đầu tháng 04/2022 đã công bố một báo cáo phân tích cách thức chính quyền Trung Quốc để các nội dung tuyên truyền của Nga lan truyền trên các phương tiện truyền thông Nhà nước và mạng xã hội Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh kiểm duyệt các thông tin ủng hộ Ukraine. Các luận điểm về trách nhiệm của NATO trong việc làm bùng nổ chiến tranh và sự tài trợ của phương Tây cho các phong trào tân phát xít ở Ukraine đã được truyền tải rộng rãi trong những tuần qua, trong khi tội ác chiến tranh của Nga thì lại không được nói tới. Việc truyền bá thông tin ủng hộ Nga không chỉ có ở Trung Quốc mà còn nhắm tới cộng đồng người Á gốc Hoa, đặc biệt ở Singapore, Indonesia, Thái Lan và Malaysia.

Luồng quan điểm chống thực dân và đế quốc cũng bùng phát mạnh cho dù trước đây vẫn tồn tại ở đa số các nước Châu Á. Các luận điểm của phương Tây bị coi là đạo đức giả. Dư luận Ấn Độ và Indonesia đặc biệt nhạy cảm với các luận điểm về thế giới thứ ba và bài phương Tây. Theo một cuộc thăm dò của Yougov vào cuối tháng 3 tại Ấn Độ, được The Economist trích dẫn, 40% người được hỏi ủng hộ cuộc chiến xâm lược Ukraine và hơn 50% ủng hộ Vladimir Putin. Tổng thống Nga Vladimir Putin được đánh giá là một người hùng có khả năng đối phó với Mỹ.

Ngoài ra, chính phủ các nước Châu Á nhìn nhận cuộc chiến ở Ukraine về cơ bản theo hướng tác động của sự kiện này đối với tương lai mối quan hệ trong khu vực Châu Á. Nhật Bản muốn các lệnh trừng phạt phát huy tác dụng và Nga thất bại để ngăn ngừa Trung Quốc xâm lược Đài Loan. Trong khi đó, Hàn Quốc muốn ngăn cản Bắc Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân. Ấn Độ để phương Tây ve vãn nhưng không bỏ rơi Nga, nhằm củng cố thế chiến lược trước Trung Quốc. Còn Đông Nam Á đặc biệt muốn tránh phải lựa chọn quan hệ với Trung Quốc hay với phương Tây. 

Về kinh tế, tư tưởng thực dụng và việc tìm kiếm cơ hội sẽ khiến thương mại và đầu tư trực tiếp vào Nga được dịch chuyển từ Châu Âu sang Châu Á và Trung Đông, nơi ẩn náu của giới tài phiệt. Chuyên gia Hubert Testard kết luận lục địa Á-Âu lại một lần nữa bị chia rẽ và tình thế hiện nay đẩy Nga sang Châu Á.

Thùy Dương

Nguồn : RFI, 10/05/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thùy Dương
Read 410 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)