Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Sống lại từ tro tàn, kỹ nghệ vũ khí Ukraine nuôi hy vọng xuất khẩu

Les Echos ngày 08/10/2024 nhận định "Kỹ nghệ quốc phòng Ukraine đã tái sinh từ tro tàn".  

vukhi1

Các chiến binh lữ đoàn cơ giới 33 Ukraine sử dụng hỏa tiễn chống tăng có hệ thống dẫn đường tại tiền tuyến Donetsk, ngày 03/06/2024. Reuters - Alina Smutko

Vươn lên dẫn đầu tại Châu Âu

Từ khi bị quân Nga xâm lăng, các nhà cung cấp cho quân đội không có chọn lựa nào khác là phải gia tăng sản xuất. Tổng thống Volodymyr Zelensky hôm 01/10 khi khai mạc Diễn đàn kỹ nghệ quốc phòng quốc tế tổ chức lần thứ hai tại Kiev với gần 300 doanh nghiệp các nước tham dự, đã nhận định từ nay công nghiệp vũ khí Ukraine đang dẫn đầu, ít nhất là tại Châu Âu, và có thể hãnh diện về điều này.

Đối phó với cuộc xâm lược đại quy mô, lãnh vực quốc phòng Ukraine nay có 500 công ty và 300.000 công nhân, tạo ra 1,5% trong số 4,9% tăng trưởng GDP của đất nước. Một ví dụ là ông Zelensky loan báo vụ bắn thử thành công đầu tiên của hỏa tiễn đạn đạo mới "Palianytsia". Tuy vậy sản xuất trong nước không đủ cho nhu cầu của quân đội, nên những tháng gần đây Ukraine ký kết nhiều hợp đồng với phương Tây để cung ứng drone, xe quân sự và đạn dược.

Tuần trước tập đoàn KNDS của Pháp và Đức thông báo mở chi nhánh ở Kiev, và một trong những mục tiêu là bảo trì, sửa chữa các hệ thống đang được quân đội Ukraine sử dụng. Trong số đó có xe tăng Đức Léopard 1 và 2, đại bác tự hành Caesar và thiết giáp AMX-10 RC của Pháp. Công ty Mỹ AeroVironment ký hợp đồng sản xuất tại Ukraine các drone tự hủy Switchblade 600 chuyên diệt xe bọc thép. Tập đoàn Czechoslovak Group của Cộng hòa Czech hợp đồng sản xuất đạn pháo 155 ly trên đất Ukraine kể từ 2025.

Sự tái sinh thần kỳ từ cuộc xâm lăng của Nga

Báo cáo ngày 04/10 của Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) ước tính về lâu về dài Kiev sẽ giảm bớt được lệ thuộc vào đồng minh, nhưng những năm tới vẫn cần sự trợ giúp đáng kể của phương Tây. Bởi vì Kiev gần như phải làm lại từ đầu. Trước khi Liên Xô sụp đổ, kỹ nghệ quốc phòng Ukraine chiếm 17% số vũ khí sản xuất và 1/4 năng lực nghiên cứu của Liên bang Xô viết. Nhiều loại hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa xuất xưởng từ Dnipro, và hàng không mẫu hạm duy nhất của Liên Xô là do Ukraine đóng. Sau khi độc lập kỹ nghệ quốc phòng chỉ còn là những mảng lẻ tẻ trong chuỗi sản xuất theo hệ thống xô-viết. Kể từ khi Crimea bị Nga chiếm và xung đột nổ ra ở Donbass năm 2014, kỹ nghệ vũ khí Ukraine tập trung cho nội địa, xuất khẩu giảm mạnh.

Nhưng giờ đây trong sáu tháng đầu năm 2024, tổng thống Zelensky cho biết Ukraine sản xuất được số đạn pháo và moọc-chê cao gấp 25 lần so với cả năm 2022, sản lượng drone hàng năm lên đến 4 triệu chiếc. Trước một đối thủ có kho vũ khí và đạn dược hùng hậu, đồng minh chuyển giao chậm chạp, quân đội Ukraine phải phát huy sáng kiến. Chẳng hạn chế ra các drone hải chiến như Sea Baby, Magura, hỏa tiễn hành trình Neptune, giúp đánh chìm 26 chiến hạm Nga, phá thế phong tỏa ở Hắc Hải trong khi Ukraine không có hải quân. Hiệp hội các công ty quốc phòng Ukraine NAUDI đã nghĩ đến xuất khẩu, với năng lực có thể lên đến 20 tỉ đô la.

Ukraine được coi là phòng thí nghiệm lộ thiên cho chiến tranh hiện đại. Dan Hermansen, tổng giám đốc MyDefence của Đan Mạch chuyên chế tạo các thiết bị chống drone và gây nhiễu, cho biết công ty ông đã triển khai trên 2.000 hệ thống tại Ukraine và cập nhật thường xuyên, nhờ vào phản hồi của các quân nhân trên chiến địa.

Hamas còn lại gì, sau một năm ?

Tại Trung Đông, phong trào Hồi giáo Palestine còn lại bao nhiêu tay súng, vũ khí, cơ sở hạ tầng... sau một năm chiến tranh với Israel ? Theo báo cáo của think tank Armed Conflict Location and Event Data (ACLED) ở Mỹ được Les Echos trích dẫn, Hamas đã yếu hẳn đi về quân sự nhưng vẫn không bị triệt tiêu.

Giữa tháng 8, Tsahal khẳng định đã tiêu diệt 17.000 trong số từ 25.000 đến 30.000 chiến binh của lữ đoàn Ezzedeen Al Qassam, nhánh vũ trang của Hamas. Nhưng nghiên cứu trên đây dựa vào báo cáo của các lực lượng Israel cho rằng khoảng 8.500 người thiệt mạng, kể cả các tay súng lẫn những thành viên không tác chiến của Hamas. Như vậy số chiến binh của phe này còn lại khoảng phân nửa, chủ yếu nhờ tuyển mộ thêm người mới.

Tuy nhiên Hamas gặp khó trong việc thay thế các chỉ huy cao cấp vì Tsahal lùng diệt. Chẳng hạn Ismail Haniyeh và Saleh al-Arouri, nhân vật số 1 và số 2 của Hamas đã bị tiêu diệt ở Tehran và Beirut, hay Mohammed Deif, chỉ huy lữ đoàn Ezzedeen Al Qassam cũng đã mất mạng. Theo ACLED, nay Hamas dùng chiến thuật du kích cho một cuộc chiến tiêu hao thay vì đối đầu trực diện, nhằm gia tăng cơ may sống sót.

Về người dân tại Dải Gaza, Le Monde ghi nhận với những cuộc chạy loạn không ngừng để tránh bom, những chuyến xe chở thực phẩm viện trợ bị những con người đói khát bao vây, giải phẫu không thuốc mê tại những bệnh viện bị tàn phá… mảnh đất này đã trở nên không thể sống nổi. Có trường hợp đại gia đình bốn thế hệ bị thiệt mạng vì bom chỉ trong vòng vài giây đồng hồ, tính ra gần 2% dân số đã chết vì các trận oanh tạc. Dân chúng Gaza ngày càng mạnh dạn chỉ trích Hamas không hề nghĩ đến việc bảo vệ thường dân.

Thủ phủ Hezbollah ở Lebanon trở nên thành phố ma

Còn tại Lebanon, phóng sự tại chỗ của Les Echos cho biết từ ba tuần qua, Israel oanh kích dữ dội khiến nhiều gia đình phải di tản và khu phố Dahieh, đại bản doanh của Hezbollah trở nên hoang vắng. Les Echos gặp gỡ Assaad Raphael, sống tại khu phố sang trọng Yarzeh của Beirut, trên tầng cao một tòa nhà có thể nhìn thấy quang cảnh ngoại ô phía nam, trực tiếp chứng kiến những trận oanh tạc của Israel.

Ông kể : "Cả tuần qua những trận oanh kích ác liệt diễn ra hằng đêm. Tối hôm qua, quân đội Israel thả bom xuống một kho đạn của Hezbollah, chúng tôi nghe những tiếng nổ trong suốt một tiếng đồng hồ". Do vách tường phòng khách bằng kính, những trận bom diễn ra trước mắt như trên màn ảnh xi-nê. Dù cảm thấy được bảo vệ ở Yarzeh vì có quân đội Lebanon và nhiều đại sứ quán ngoại quốc, họ vẫn lo sợ bị oanh kích nhầm.

Cách đó 800 mét theo đường chim bay, Dahieh, thủ phủ Hezbollah bị oanh tạc liên tục từ ba tuần qua, nay là một thành phố ma. Đường phố không người, các tiệm buôn đóng cửa. Tại một ngã tư, cuộn khói đen bốc lên từ một tòa nhà : Tsahal loan báo nhắm vào một nhân vật cao cấp của phong trào Hồi giáo Shia. Xa hơn khoảng 300 mét, tầng trệt một tòa nhà đang bốc cháy : đó là kho vũ khí của Hezbollah ngụy trang thành nơi sửa xe, bị Israel nhắm đến. Trước những tòa nhà không người ở là những chiếc xe hơi bị bỏ lại, phủ đầy bụi và mảnh vỡ các vụ nổ.

Một triệu cư dân đã sơ tán tại những trại tạm cư, hay ở nhờ nhà người thân. Ở trung tâm Beirut, hàng trăm gia đình ngủ dưới đất. Căng thẳng thường xuyên vì tiếng bom và các drone vần vũ trên đầu. Truy lùng Hezbollah, tình báo Israel dùng các drone loại Hermes 900 bay được lâu trên tầm cao trung bình để giám sát thủ đô Lebanon 24/24. Một người dân chỉ dám ra khỏi nhà để mua thuốc chống trầm cảm thổ lộ, chỉ sợ một chỉ huy Hezbollah ẩn náu trong tòa nhà là Israel sẽ không ngần ngại thả bom. Vào cuối ngày, các phi cơ tiêm kích Israel vượt bức tường âm thanh trên bầu trời Beirut gây ra những tiếng nổ lớn, khiến cư dân thủ đô Lebanon càng thêm stress.

"Quạ báo hung tin"

Le Monde mô tả, trên con đường dẫn đến phi trường quốc tế Rafic-Hariri, nhiều tòa nhà nằm cạnh khách sạn Golden Plaza đã trở thành gạch vụn. Vụ oanh kích của Israel rạng sáng Chủ nhật 06/10 để lại một hố sâu bốc khói. Các thành viên Hezbollah chạy xe gắn máy hay xe hơi xuất hiện khi có người đến gần địa điểm.

Tại Lebanon, nay tất cả mọi người đều theo dõi danh khoản X thuộc về phát ngôn viên tiếng Ả rập của quân đội Israel, Avichay Adraee, những ai không dùng mạng xã hội thì được người thân thông báo qua điện thoại mỗi lần "Avichay" đăng thông báo ra lệnh sơ tán. Báo chí Lebanon coi nhân vật này là "quạ báo hung tin của Israel". Mỗi đêm, và đôi khi vào ban ngày, quân nhân này chỉ ra những tòa nhà thậm chí cả một khu phố ở ngoại ô phía nam cần tránh xa, có cả bản đồ cụ thể. Sau loan báo là những trận bom vang động cả đêm.

Một số vụ oanh tạc không được báo trước, trong trường hợp nhắm vào những nhân vật có trách nhiệm về chính trị hay quân sự của Hezbollah cũng như Hamas, chẳng hạn vụ tấn công ngoạn mục vào Dahiye hôm 27/09 tiêu diệt Hassan Nasrallah, thủ lãnh Hezbollah. Quân đội Israel cho biết đã nhắm vào Hicham Safieddine, người đứng đầu hội đồng hành pháp Hezbollah và là anh em họ của Nasrallah, được cho là sẽ lên thay. Bị Hoa Kỳ coi là "khủng bố", nhân vật thân cận với Iran có tiếng là sắt đá. Cái chết của Safieddine vẫn chưa được Israel lẫn Hezbollah xác nhận. Theo tin đồn, tướng Iran Esmail Ghaani đến Beirut để giúp tổ chức lại ban lãnh đạo Hezbollah, cũng đã thiệt mạng trong vụ này.

Không nên nhầm lẫn kẻ thù ở Trung Đông

Về phía Pháp, Le Figaro cho rằng "Đừng nhầm lẫn kẻ thù ở Trung Đông". Đúng một hôm trước khi Israel chuẩn bị kỷ niệm một năm vụ thảm sát người Do Thái kinh khủng nhất kể từ sau Đệ nhị Thế chiến, ông Emmanuel Macron trên làn sóng đài France Inter kêu gọi của không chuyển giao vũ khí cho Israel. Thời điểm đưa ra tuyên bố đã không hay, nội dung cũng gây hoang mang, tạo cảm giác tổng thống Pháp muốn Nhà nước Do Thái không còn phương tiện tự vệ trước những cuộc tấn công liên tục từ một năm qua. Tệ hơn nữa, còn khiến người ta nghĩ rằng nước Pháp đã nhầm lẫn kẻ thù tại vùng Trung Cận Đông.

Hôm 07/10/2023 không phải Israel tấn công Dải Gaza mà là Hamas khủng bố các kibbuz Do Thái ôn hòa nhất. Phụ nữ, người già, trẻ em đều không thoát, cuộc tàn sát dã man này rõ ràng mang tính diệt chủng, họ bị tước đoạt quyền sống chỉ vì là người Do Thái. Vụ thảm sát này không nhắm vào các căn cứ quân sự hay khu định cư, mà những thường dân sinh sống trên lãnh thổ của Israel đã được quốc tế công nhận. Sự man rợ của Hamas chứng tỏ Nhà nước Do Thái không thể tự cho phép thua một cuộc chiến, vì toàn bộ dân chúng có nguy cơ bị lưỡi gươm đâm xuyên qua người.

Sự kiện lịch sử thứ hai, ngày 08/10/2023 không phải Israel tự dưng thích tấn công nam Lebanon, chính Hezbollah đã oanh tạc Gallilée mà không cần biết đến ý kiến của chính phủ Lebanon, để yểm trợ Hamas. Có nguy hiểm hay không khi bị tấn công quân sự ? Hẳn là có. Trong khi rất nhiều lần Israel cảnh báo Hezbollah nên ngưng quấy nhiễu, rất nhiều lần chính thức yêu cầu các cường quốc buộc áp dụng nghị quyết 1701 của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc : Hezbollah phải rút quân sang bên kia sông Litani. Có cần nhắc lại sự kiện hồi tháng 10/1983, 58 lính nhảy dù Pháp đến Lebanon làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình đã bị Hezbollah giết chết ?

Kẻ thù của Pháp và tư tưởng kỷ nguyên Ánh Sáng không phải là Israel mà là các phong trào Hồi giáo, dù là Sunni hay Shia. Vào lúc hữu ích nhất để vận động cho hòa bình, tổng thống Pháp lại gây bất bình vô ích với Israel, để cho ngoại giao Mỹ đơn thương độc mã. Macron tự bắn vào chân mình, đó là điều đáng tiếc cho khu vực.

Thụy My

Additional Info

  • Author Thụy My
Published in Quốc tế

Ukraine mất thành phố chiến lược Vuhledar ở miền đông

Chi Phương, RFI, 03/10/2024

Sau hơn hai năm giao tranh, quân đội Ukraine hôm qua, 02/10/2024, đã thông báo rút khỏi thành phố Vuhledar ở vùng Donbass, miền đông Ukraine, để "bảo tồn lực lượng và thiết bị quân sự" và đảm nhận các vị trí mới. Việc để mất thành phố Vuhledar có vị trí chiến lược, nằm giữa Mariupol và Donestk, cho thấy những khó khăn ngày càng tăng mà lực lượng của Kiev đang phải đối mặt.

ngauk1

Thành phố Vuhledar, vùng Donbass, nhìn từ trên không : Ảnh chụp ngày 10/02/2023. AP - LIBKOS

Từ Kiev, thông tín viên Cerise Sudry Le-Du cho biết thêm thông tin :

"Lính Nga vẫy quốc kỳ trên những tòa nhà bị phá hủy hoàn toàn do bom đạn. Từ thứ ba quân Nga khằng định đã chiếm được thành phố gồm nhiều tòa nhà cao tầng, nằm giữa một vùng bình nguyên rộng lớn ở Donbass.

Trong nhiều giờ, quân đội Ukraine đã từ chối thừa nhận rút quân, nhưng cuối cùng, Kiev đã phải chính thức xác nhận binh lính Ukraine phải rời thành phố để bảo tồn lực lượng và thiết bị quân sự. Vuhledar gồm 15 000 dân trước chiến tranh, nằm giữa các chiến tuyến miền đông và nam, đã nhiều lần chống trả trước các cuộc tấn công từ đầu chiến tranh.

Thành phố này nằm trên một quả đồi nhỏ, giữa vùng bình nguyên. Các tòa nhà cao tầng là nơi lý tưởng để điều khiển các drone hoặc súng bắn tỉa vì có tầm nhìn quang đãng. Với việc chiếm được thành phố này, Nga có thể mở ra tuyến đường đến Kurakhove, một thị trấn ở phía bắc, giúp đạt được đà tiến nhanh chóng vào lãnh thổ Ukraine".

Hôm nay, quân đội Nga tiếp tục tấn công, phóng hơn 100 drone vào 15 khu vực của Ukraine. Kiev cho biết đã bắn hạ được 78 drone, nhưng các drone cũng đã phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng năng lượng. Vụ tấn công bằng bom lượn tại Kharkiv đã khiến ít nhất 12 người bị thương.

Quân đội Nga cũng xác nhận trong đêm qua đã bắn chặn được 113 drone của Ukraine, nhắm vào Belgorod, Kursk, Voronej và Briansk, các tỉnh của Nga giáp biên giới Ukraine.

Theo AFP, tối thứ Ba vừa qua, Viện Công tố Ukraine cho biết đã mở điều tra về thông tin 16 tù binh Ukraine bị quân Nga hành quyết gần Pokrovsk. Các hình ảnh mà cơ quan công tố Ukraine có được cho thấy một nhóm lính Ukraine bị bắt giữ, bị áp giải khỏi một khu rừng, và "những kẻ hiếu chiến đã nổ súng vào họ".

Chi Phương

******************************

"Sáng kiến 6 điểm" của Bắc Kinh : Ukraine lo xung đột "đóng băng", Nga hưởng lợi

Trọng Thành, RFI, 03/10/2024

Cuộc chiến xâm lược Ukraine của Nga đã kéo dài hơn hai năm rưỡi. Trong lúc chính quyền Kiev đang một mặt quyết tâm thuyết phục các đồng minh phương Tây hậu thuẫn "một kế hoạch giành chiến thắng", mặt khác thúc đẩy một hội nghị hòa bình lần thứ hai nhằm thu hút sự ủng hộ quốc tế (sau hội nghị lần thứ nhất tại Thụy Sĩ), Trung Quốc và Brazil – hai quốc gia tự coi là thuộc nhóm trung lập – thúc đẩy một sáng kiến hòa bình khác.

ngauk2

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) (phải) và cố vấn đặc biệt của tổng thống Brazil, Celso Amorim (trái) thảo luận tại hội nghị cấp bộ trưởng về chiến tranh Nga - Ukraine, bên lề Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, New York, ngày 27/09/2024. AP - Pamela Smith

Bên lề Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc và Brazil đã tổ chức một hội nghị cấp bộ trưởng, với sự tham gia của gần 20 nước, trên cơ sở "kế hoạch hòa bình 6 điểm", mà Bắc Kinh và Brasilia đưa ra từ đầu mùa hè. Chính quyền Ukraine coi đây là một nỗ lực nhằm áp đặt giải pháp "đóng băng xung đột" có lợi cho điện Kremlin. Thực hư ra sao ?

Kế hoạch hòa bình 6 điểm của Trung Quốc và Brazil cụ thể ra sao ?

Kế hoạch hòa bình 6 điểm nhằm chấm dứt chiến tranh Nga chống Ukraine, được Brazil và Trung Quốc, hai cường quốc phương Nam đưa ra ngày 23/05/2024 trong cuộc gặp giữa ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) và cố vấn đặc biệt của tổng thống Brazil Celso Amorim tại Bắc Kinh. Sáu điểm bao gồm : 1) yêu cầu các bên không mở rộng chiến trường, không leo thang xung đột, không có thêm hành động khiêu khích ; 2) nối lại đối thoại và đàm phán là "giải pháp khả thi duy nhất" để hạ nhiệt tình hình ; 3) tăng cường trợ giúp nhân đạo và ngăn ngừa khủng hoảng nhân đạo quy mô lớn ; 4) cấm sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt, đặc biệt là vũ khí hạt nhân, hóa học và sinh học ; 5) cấm tấn công vào các nhà máy điện hạt nhân và cơ sở hạt nhân ; (6) phản đối việc phân chia thế giới thành các khối đối kháng và nỗ lực để bảo vệ các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Vì sao kế hoạch của Trung Quốc và Brazil khiến Ukraine lo ngại ?

Theo nhiều nhà quan sát, đối với Kiev, kế hoạch của Trung Quốc và Brazil, được mô tả là có khả năng làm lu mờ "kế hoạch hòa bình", cũng là kế hoạch giành chiến thắng, mà tổng thống Zelensky đang tìm cách khẳng định, dù có phải chấp nhận một số sửa đổi do áp lực từ các đồng minh phương Tây. Tổng thống Ukraine hy vọng kế hoạch hòa bình của Kiev, mà tinh thần chính là việc chấm dứt chiến tranh phải đi liền với khôi phục toàn bộ các vùng lãnh thổ đã bị Nga xâm chiếm, cũng sẽ nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các nước phương Nam (World Majority).

Báo Le Monde dẫn lại một nguồn tin Ukraine thân cận với hồ sơ này, chỉ ra tính chất nguy hiểm của kế hoạch của Trung Quốc và Brazil : "Kế hoạch của Trung Quốc dĩ nhiên sẽ bao gồm nhiều từ ngữ lắt léo, những quan điểm phù hợp hoặc không với Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, đằng sau các luận điểm này là một ý đồ rất đơn giản, đó là đóng băng xung đột... Việc "đóng băng xung đột" sẽ đạt được nhờ một tối hậu thư mà Bắc Kinh ngầm gửi đến Ukraine và các đồng minh của họ, nhân danh lợi ích của đông đảo các nước phương Nam, được gọi là "khối nước chiếm đa số thế giới" để che giấu lợi ích của Bắc Kinh".

Vẫn nguồn tin này nhấn mạnh "kế hoạch của Bắc Kinh" chủ yếu là nhằm "không để Nga thua", như người ta thường nói ở Bắc Kinh, trong một cuộc chiến mà Trung Quốc đang là bên hưởng lợi chính. Nguồn tin Ukraine kêu gọi Liên Âu, Pháp, Berlin cũng như các đồng minh khác của Ukraine "cần hiểu rõ rằng không thể chấp nhận giải pháp chấm dứt xung đột do bị tối hậu thư đe dọa như vậy".

Chính quyền Kiev lo ngại trong những tuần tới Trung Quốc và Brazil sẽ tiếp tục tận dụng cơ hội để thúc đẩy kế hoạch "đóng băng xung đột" có lợi cho Nga, đặc biệt là trong hội nghị thượng đỉnh của khối BRICS+ (bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi cùng một số quốc gia phương Nam mới được kết nạp). Hội nghị sẽ diễn ra từ ngày 22 đến ngày 24/10, tại thành phố Kazan của Nga. Một cơ hội thuận lợi khác là hội nghị khối G20 ở Rio de Janeiro dưới sự chủ tọa của tổng thống Brazil, vào giữa tháng 11/2024, tức chưa đầy hai tuần sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Theo Le Monde, một kịch bản lôi kéo các nước phương Nam vào mặt trận ủng hộ Nga như vậy của Trung Quốc "đang khiến các đồng minh của Ukraine lo lắng".

Việc Thụy Sĩ, quốc gia Châu Âu và là nước đăng cai hội nghị hòa bình cho Ukraine lần thứ nhất (giữa tháng 6/2024), chấp nhận tham gia hội nghị không chính thức do Trung Quốc và Brazil chủ trì ngày 27/09/2024 nói trên, đã bị Ukraine chỉ trích mạnh mẽ.

Vì sao Thụy Sĩ lại tham gia hội nghị, do Trung Quốc và Brazil chủ trì, vốn bị Ukraine lên án là nguy hiểm cho Kiev ?

Thụy Sĩ tham gia hội nghị nói trên với tư cách quan sát viên. Sau hội nghị, báo chí Thụy Sĩ dẫn lời của người phụ trách truyền thông của Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ, Nicolas Bideau, khẳng định chính quyền Thụy Sĩ ủng hộ sáng kiến của Trung Quốc và Brazil như một nỗ lực nhằm tìm giải pháp hòa bình cho xung đột. Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ giải thích rõ việc tham gia hội nghị, do Trung Quốc và Brazil chủ trì, sẽ cho phép ngành ngoại giao Thụy Sĩ "tiếp tục có được một vị trí trên trường quốc tế, để Thụy Sĩ có thể đăng cai tiếp một hội nghị thứ hai về hòa bình cho Ukraine", và lần này hội nghị sẽ phải có sự tham gia của Nga. Theo Thụy Sĩ, thời điểm hội nghị thứ hai chưa được xác định, và chắc chắn không thể diễn ra trước bầu cử tổng thống Mỹ, 05/11/2024.

Đã có hơn 90 nước tham dự hội nghị lần thứ nhất tại Thụy Sĩ. Nga không được mời tham gia, Trung Quốc vắng mặt, Brazil tham gia nhưng không ký Tuyên bố chung. Tuyên bố chung của hội nghị hòa bình lần thứ nhất gồm ba điểm chính : nhà máy điện hạt nhân Zaporija của Ukraine phải được bảo đảm an toàn, Ukraine phải được tự do xuất khẩu ngũ cốc và các tù binh cùng những người bị cưỡng bức sang Nga phải được trả tự do. Theo giới quan sát, hội nghị lần thứ nhất được coi là một bước tiến rất nhỏ. Tuyên bố của hội nghị được coi là một đồng thuận tối thiểu. Hòa bình cho Ukraine còn rất xa vời. Cuối tháng 9 vừa qua, Nga cũng tuyên bố sẽ không tham gia hội nghị lần thứ hai bởi coi hội nghị này là một thủ đoạn của Ukraine và các đồng minh nhằm gây áp lực, dựa vào cộng đồng quốc tế để "gửi tối hậu thư buộc Nga phải đầu hàng".

Trong khi đó, theo quan điểm của Thụy Sĩ, để có được một giải pháp hòa bình cho Ukraine, không thể thiếu sự tham gia của Trung Quốc và Brazil. Ngay sau hội nghị thứ nhất, ngoại trưởng Thụy Sĩ Ignazio Cassis đã nhấn mạnh đến việc cần "tìm cách" để đạt được đồng thuận với Brazil và Trung Quốc, hai nước đưa ra sáng kiến hòa bình 6 điểm, ngay trước thềm hội nghị lần thứ nhất ở Thụy Sĩ.

Hội nghị về hòa bình do Trung Quốc và Brazil chủ trì có thực sự gây bất lợi cho Ukraine ?

Hiện chưa có nhiều thông tin để trả lời chắc chắn cho câu hỏi này, nhưng về nguyên tắc, lập trường chính thức của Thụy Sĩ, quan sát viên tại hội nghị do Trung Quốc và Brazil chủ trì, là "mọi kế hoạch hòa bình cho Ukraine đều phải dựa trên luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hiệp Quốc, và các nguyên tắc tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia". Trên thực tế, hội nghị do Trung Quốc và Brazil chủ trì đã ra một Tuyên bố chung 9 điểm (trang mạng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc). Điều 2 của Tuyên bố chung bao gồm kêu gọi bảo vệ các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, "tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, tôn trọng các mối quan tâm chính đáng của các nước và cân nhắc đến nhu cầu duy trì hòa bình, an ninh và thịnh vượng."

Tuyên bố chung có sự tham gia của 13 nước Algeria, Bolivia, Brazil, Trung Quốc, Colombia, Ai Cập, Indonesia,Kazakhstan, Kenya, Mexico, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ và Zambia (vào thời điểm Trung Quốc và Brazil công bố kế hoạch "6 điểm", theo Bắc Kinh có 45 nước quan tâm đến kế hoạch, và 25 nước hứa hẹn sẽ tham gia). Theo trang mạng Hồng Kông South China Morning Post, ngoài Thụy Sĩ, còn Hungary và Pháp, hai nước Châu Âu khác tham dự cũng với tư cách quan sát viên. Điểm đáng lưu ý là Ấn Độ, một cường quốc phương Nam, không tham gia hội nghị. New Delhi cũng được Ukraine kỳ vọng có thể đăng cai Hội nghị hòa bình thứ hai.

Cần nhấn mạnh là đề xuất 6 điểm của Trung Quốc và Brazil, bị Ukraine phản đối, chỉ được coi là một phần trong bản tuyên bố chung, và hơn nữa cũng chỉ được coi là một trong số các sáng kiến hòa bình. Con đường đi đến hòa bình cho Ukraine còn rất dài, nhưng hội nghị do Trung Quốc và Brazil chủ trì, với sự tham gia của Thụy Sĩ, khó có thể coi là một thất bại với Ukraine.

Trọng Thành

Additional Info

  • Author Chi Phương, Trọng Thành
Published in Quốc tế

Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tố cáo Nga “tra tấn tù nhân Ukraina” một cách có hệ thống

 

RFI, 02/10/2024

 

Kể từ khi chiến tranh Ukraina nổ ra, Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã điều tra về số phận của các tù nhân chiến tranh ở cả hai phe. Báo cáo của cơ quan này, được công bố hôm qua, 01/10/2024, chỉ ra rằng Nga đã tra tấn, ngược đãi các tù binh chiến tranh Ukraina một cách có hệ trống. Các tù nhân Nga mà Ukraina bắt giữ cũng bị ngược đãi, nhưng chỉ lúc đầu, khi mới bị bắt giữ.

tu-nhan-ukraina-00-resized

Tù nhân Ukraina được Nga trả tự do. Ảnh chụp ngày 14/09/2024 tại một địa điểm được giữ bí mật. AP

 

Các nhà điều tra của Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã phỏng vấn 377 tù nhân chiến tranh Ukraina, được Nga thả ra từ tháng 3/2023. Hầu hết đều mô tả đã trải qua những lần bị tra tấn bằng dùi cui điện, búa, dao, bị bạo lực tình dục, bị ngạt thở, tra tấn tâm lý bằng các vụ hành quyết giả, đôi khi là họ dùng chó để tấn công tù nhân.

 

Các tù nhân Ukraina phải chịu đựng các hành vi tra tấn trong suốt quá trình giam giữ. Báo cáo cho biết đã xác định được 60 địa điểm giam giữ không chính thức và 76 địa điểm chính thức của Nga.

 

Theo báo cáo, từ tháng 03/2023 đến tháng 08/2024, 10 tù nhân Ukraina đã bỏ mạng trong những nơi bị giam giữ do bị tra tấn, hoặc do điều kiện giam giữ khắc nghiệt, thiếu hỗ trợ y tế phù hợp.

 

Về phía Nga, các nhà điều tra đã thu thập thông tin từ 205 tù nhân chiến tranh Nga bị Kiev giam giữ. 104 người trong số này cho biết đã bị ngược đãi, bị đánh đập, bị dọa giết, hoặc bị sốc điện. Tuy nhiên, báo cáo cũng nhấn mạnh rằng, tất cả các hành vi ngược đãi này hầu như chỉ được thực hiện khi mới bị bắt, bị tra khảo, và kết thúc sau khi đến nơi giam giữ.

Chi Phương, RFI, 02/10/2024

Additional Info

  • Author Chi Phương, RFI, 02/10/2024
Published in Quốc tế

Ngoại trưởng Nga tin Trung Quốc không "thay lòng đổi dạ"

Trọng Thành, RFI, 28/07/2024

Ngày 27/07/2024, trong cuộc gặp người đồng cấp Trung Quốc, ngoại trưởng Nga tin tưởng là lập trường của Bắc Kinh về xung đột Nga - Ukraine không thay đổi. Tuyên bố được ông Serguei Lavrov đưa ra vào lúc ngoại trưởng Ukraine trong chuyến công du Trung Quốc trong tuần qua khẳng định Bắc Kinh đã gửi một "tín hiệu rõ ràng" thừa nhận chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Thực hư ra sao ?

ngauk1

Lãnh đạo ngoại giao Ukraine, Dmytro Kuleba (trái) và ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (P) tại Quảng Châu, ngày 24/07/2024. AP

Theo AFP, trả lời báo giới bên lề hội nghị ngoại trưởng ASEAN mở rộng tại Vientiane, Lào, ông Lavrov thông báo đã nêu vấn đề này với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi), và ông "cảm thấy" phía Trung Quốc không hề thay đổi quan điểm. Đối với ngoại trưởng Nga, lập trường của Bắc Kinh là đàm phán về một giải pháp hòa bình cho chiến tranh Ukraine chỉ có thể diễn ra khi "điều kiện cho đàm phán" được tất cả các bên chấp thuận. Mà đối với Nga, "điều kiện tiên quyết" là Kiev phải chấp nhận nhượng lại chủ quyền của bốn tỉnh miền đông và đông nam cho Moskva.

Lãnh đạo ngoại giao Nga cũng mỉa mai là Kiev "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" : tổng thống Ukraine tuyên bố sẵn sàng thương lượng trong lúc ngoại trưởng Ukraine thì lại nói điều ngược lại (là Kiev không thể bị ép buộc phải thương lượng với Nga). Ông Lavrov khẳng định "thành thật mà nói, tôi không thèm quan tâm đến các phát biểu của họ".

Cho đến nay, chế độ Putin duy trì quan hệ hợp tác được coi là mật thiết với Bắc Kinh, đặc biệt kể từ cam kết "tình hữu nghị không giới hạn" mà tổng thống Nga và chủ tịch Trung Quốc đưa ra ít tháng trước khi Moskva phát động cuộc chiến xâm lược Ukraine, cuối tháng 2/2024. Bắc Kinh được coi là một chỗ dựa vững chắc cho cuộc xâm lược Ukraine của Nga, đặc biệt với việc cung cấp các mặt hàng "lưỡng dụng", có thể dùng cho mục tiêu quân sự, vốn liên tục bị các đồng minh của Ukraine lên án. Bắc Kinh chưa bao giờ lên án Moskva xâm lược, và cũng chưa bao giờ trực tiếp đòi hỏi Nga tôn trọng chủ quyền của Ukraine. Trước chuyến công du của ngoại trưởng Kuleba, tổng thống Ukraine đã cực lực lên án Trung Quốc phá hoại hội nghị quốc tế vì hòa bình cho Ukraine tại Thụy Sĩ, hồi tháng 6/2024.

Ngoại trưởng Ukraine khen Trung Quốc không đứng về phe Nga

Trên thực tế, phát biểu của ngoại trưởng Ukraine, bị lãnh đạo ngoại giao Nga bác bỏ, đáng được chú ý. Phát biểu này được đưa ra vào lúc ông Dmytro Kuleba đang có chuyến công du Trung Quốc bốn ngày. Đây là chuyến đi đầu tiên của một lãnh đạo cấp cao Ukraine đến Trung Quốc kể từ đầu chiến tranh.

Ngay trước khi ngoại trưởng Trung Quốc sang Lào dự hội nghị, hai ông Vương Nghị và Dmytro Kuleba đã có cuộc hội đàm hơn 3 giờ tại Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông hôm 24/07.  Báo Hồng Kông South China Morning Post (SCMP) hôm 26/07, trong bài "Vì sao lãnh đạo ngoại giao Ukraine gặp ông Vương Nghị tại Quảng Đông ?", dẫn lời nhà ngoại giao từ Kiev, trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo Ukraine TSN. Theo đó, Bắc Kinh rõ ràng đang hướng đến các giải pháp bền vững cho xung đột, chứ "không phải giải pháp nhất thời". Ông Kuleba thuật lại quan điểm của Vương Nghị : chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine là "không gì lay chuyển", và Bắc Kinh không đứng về phe Nga hay phe Ukraine, mà xem xét vấn đề theo các lợi ích quốc gia của mình.

Vì sao là Quảng Đông ?

Theo SCMP, ngoại trưởng Ukraine còn dùng những lời lẽ như sau để đề cao quan điểm của phía Trung Quốc : "Những ai tin rằng Bắc Kinh đứng về phía Nga hay về phía Ukraine đã mắc phải sai lầm nghiêm trọng, hoặc chỉ nhìn nhận một cách hời hợt về tầm nhìn chiến lược của Trung Quốc đối với diễn biến tình hình thế giới, chứ không chỉ riêng về Ukraine".

SCMP dẫn lại quan điểm của một số nhà quan sát, trong đó có ông Wang Yiwei, giáo sư quan hệ quốc tế Đại học Nhân dân (Bắc Kinh), theo đó, địa điểm Quảng Châu – "ít long trọng" hơn Bắc Kinh - đã được hai bên lựa chọn, để cho phép Trung Quốc và Ukraine có thể khôi phục quan hệ. Trước chiến tranh, Trung Quốc vốn là đối tác kinh tế số một của Ukraine, và Ukraine là một trong những nước đầu tiên tham gia dự án Con đường Tơ lụa của Trung Quốc.

Quảng Đông, tỉnh có nền kinh tế mạnh nhất của Trung Quốc, được lựa chọn, bởi đây có thể là địa điểm thuận lợi cho các đối thoại "thoải mái" giữa hai bên và không gây ấn tượng là Trung Quốc bắt đầu nghiêng về phía Ukraine. Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình cũng không gặp ngoại trưởng Ukraine trong dịp này.

"Tín hiệu" công nhận chủ quyền Ukraine cùng lúc với biện pháp siết xuất khẩu "hàng lưỡng dụng" ?

Trong khi đó, nhà nghiên cứu Björn Alexander Düben, một chuyên gia về Trung Quốc và Nga, không hề lạc quan về chuyến đi Trung Quốc đầu tiên của một quan chức cấp cao Ukraine đối với triển vọng hòa bình cho Ukraine. Trong một bài viết trên The Diplomat (Chuyến đi của ông Kuleba có mở ra một chương mới cho quan hệ Ukraine - Trung Quốc hay không ?), ông nhấn mạnh đến việc cho đến gần đây Bắc Kinh vẫn cố tình không muốn có các quan hệ cấp cao với Kiev. Đại sứ Ukraine tại Trung Quốc, kể từ khi được bổ nhiệm mùa hè năm ngoái đến tháng 3/2024 vừa qua, chỉ có một vài cuộc họp với đối tác Trung Quốc. Ngoại trưởng Ukraine trong chuyến công du này chỉ được phép gặp duy nhất một quan chức Trung Quốc cao cấp là ông Vương Nghị.

Tuy nhiên, vẫn theo chuyên gia Björn Alexander Düben, có vẻ như bối cảnh tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chững lại và nhiều trừng phạt từ phía phương Tây có phần đang làm Bắc Kinh thay đổi chính sách. Đầu tháng 7 này, Bắc Kinh đã ban hành "một số biện pháp kiểm soát xuất khẩu bổ sung đối với nhiều loại sản phẩm và hàng hóa lưỡng dụng, có thể được sử dụng trong ngành công nghiệp quân sự". Một số công ty Trung Quốc, bao gồm một nhà sản xuất khí hóa lỏng quan trọng trong dự án khí đốt hóa lỏng LNG 2 ở Bắc Cực của Nga (Arctic LNG 2), đã tuyên bố sẽ cắt giảm hoạt động tại Nga.

Theo Björn Alexander Düben, chuyến công du Trung Quốc của Kuleba không hề là một "bước tiến quyết định", nhưng cũng có lý do để Kiev hy vọng Bắc Kinh sử dụng "một số đòn bẩy" với Nga để thúc đẩy một kết thúc hòa bình cho cuộc chiến ở Ukraine.

Trọng Thành

**************************

Nga : Kho dầu ở Kursk bốc cháy sau cuộc tấn công bằng drone của Ukraine

AP, VOA, 28/07/2024

Ba bồn chứa tại một kho chứa dầu ở khu vực Kursk của Nga đã bốc cháy vì một cuộc tấn công bằng drone (máy bay không người lái) do Ukraine phát động, Quyền Thống đốc khu vực này, ông Alexei Smirnov, cho biết hôm 28/7.

ngauk2

Drone của Ukraine tấn công vào một nhà máy lọc dầu của Nga. [Ảnh minh họa]

Ông Smirnov cho biết trên ứng dụng nhắn tin Telegram rằng đám cháy ở một trong các bồn chứa nhanh chóng được dập tắt, nhưng 82 lính cứu hỏa đã tham gia cố gắng dập lửa ở hai bồn chứa còn lại bằng cách sử dụng 32 thiết bị.

Ông Smirnov cho biết rằng máy bay không người lái cũng làm hư hại một số tòa nhà dân cư trong khu vực, khiến một người bị thương.

Cả hai bên đều phủ nhận việc nhắm mục tiêu vào dân thường trong cuộc chiến mà Nga phát động chống lại nước láng giềng nhỏ hơn vào tháng 2 năm 2022.

Bộ Tổng Tham mưu của Kyiv hôm 28/7 cho biết rằng lực lượng Ukraine đã tấn công kho dầu Polevaya ở khu vực Kursk, dẫn đến "các vụ nổ mạnh" và hỏa hoạn và vẫn đang đánh giá toàn bộ tác động của cuộc tấn công.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết trên Telegram rằng hệ thống phòng không của nước này đã phá hủy hai máy bay không người lái trên khu vực Kursk.

Reuters không thể xác minh độc lập các báo cáo khác nhau này.

Kyiv cho biết các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng, quân sự và giao thông của Nga là để đáp trả việc Moscow tiếp tục tấn công lãnh thổ Ukraine.

AP

Nguồn : VOA, 28/07/2024

Additional Info

  • Author Trọng Thành, AP
Published in Quốc tế

Phương Tây nhất loạt bác khả năng đưa quân đến Ukraine theo ý tưởng của tổng thống Pháp

Anh Vũ, RFI, 28/02/2024

Phát biểu của tổng thống Pháp Emmanuel Macron " không loại trừ" khả năng trong tương lai đưa quân đội của phương Tây đến Ukraine để hỗ trợ Kiev chống Nga xâm lược đã làm dấy lên làn sóng phản ứng ngay lập tức từ trong nước Pháp đến hàng loạt các nước đồng minh.

ueuk1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và đồng nhiệm Ukraine Volodymyr Zelensky, điện Elysée, Paris, ngày 16/02/2024. AFP – Thibault Camus

Nếu như Ukraine đánh giá phát biểu của tổng thống Macron là "một tín hiệu tốt" thì lãnh đạo các nước đồng minh tích cực hậu thuẫn nhất cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga, từ Washington qua Luân Đôn đến Berlin trong ngày hôm qua đã lần lượt lên tiếng tỏ thái độ hoặc nghi ngại hoặc bác bỏ thẳng thừng.

Tại Washington, lần lượt các phát ngôn viên Nhà Trắng, bộ ngoại giao, bộ Quốc Phòng đã lên tiếng trong các cuộc họp báo ngày hôm qua. Phó phát ngôn viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ, Adrien Watson khẳng định : "Tổng thống Biden đã rất rõ ràng về việc Hoa Kỳ sẽ không đưa binh sĩ đến chiến đấu ở Ukraine".

Một quan chức của NATO xác nhận với AFP rằng : "NATO và các đồng minh đã hỗ trợ quân sự chưa từng có cho Ukraine. Chúng tôi đã làm việc đó từ năm 2014 và chúng tôi đã tăng tốc sau cuộc xâm lược của Nga trên quy mô lớn. Nhưng không có một dự định đưa quân chiến đấu của NATO đến chiến trường Ukraine".

Cùng ngày, một loạt các nước Châu Âu, như Tây Ban Nha, Ý, Ba Lan, Cộng Hòa Séc hay Hungary... đều đã lên tiếng khẳng định tiếp tục ủng hộ Ukraine bằng phương tiện, vũ khí khí tài nhưng không có chuyện đưa quân đến chiến đấu.

Phản ứng gay gắt và mạnh mẽ nhất có lẽ là từ Đức. Báo chí và chính giới đã liên tiếp có những bình luận tiêu cực xung quanh phát ngôn của tổng thống Pháp.

Thông tín viên Pascal Thibault tại Berlin tường trình :

Kênh truyền hình Nhà nước ARD bình luận cay nghiệt rằng đó là "một ý đồ đánh lạc hướng, muốn che đậy sư yếu kém trong chính sách Ukraine của Paris". Nhật báo bảo thủ Frankfurter Allgemeine chạy tựa chính "ông ta không nghiêm túc". Báo chí Đức đã đồng thanh phản ứng sau tuyên bố của tổng thống Pháp. 

Ông Emmanuel Macron bị chỉ trích đơn phương phát ngôn. Rộng hơn, các bình luận nhấn mạnh và lấy làm tiếc về việc các bất đồng giữa Berlin và Paris bị phơi bày.

Thủ tướng Scholz, hôm thứ Hai tại Paris, không phát biểu gì. Hôm qua, ông đã bác bỏ giả thuyết của tổng thống Pháp. Ông nói : "Những gì chúng ta đã quyết định với nhau ngay từ đầu có giá trị cho tương lai. Sẽ không có quân trên bộ được các quốc gia Châu Âu hay thành viên của NATO đưa đến Ukraine".

Là người vẫn thường bị chỉ trích tại Đức cũng về hồ sơ Ukraine, ông Olaf Scholz lần này được toàn thể chính giới đồng tình. Hai chuyên gia quốc phòng của đảng Xanh và đảng Dân chủ-Thiên Chúa giáo đánh giá là phát biểu của ông Emmanuel Macron nhằm để che đậy vấn đề chủ chốt là cung cấp bổ sung vũ khí cho Ukraine. Phe cực hữu và cực tả cùng quan điểm lên án nguy cơ làm leo thang xung đột.

Anh Vũ

***************************

Tổng thống Macron gợi ý điều quân đến Ukraine, các đồng minh NATO bác bỏ

Lipika Pelham & Lou Newton, BBC, 28/02/2024

Một số quốc gia NATO, gồm Mỹ, Đức và Anh, đã bác bỏ khả năng điều động lục quân đến Ukraine sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố "không nên loại trừ điều gì".

ueuk2

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu hôm thứ Hai 26/2 : "Không nên loại trừ điều gì. Chúng ta sẽ làm mọi thứ để nước Nga không thể chiến thắng cuộc chiến tranh [Ukraine] này".

Ông Macron nói "không có sự đồng thuận" về việc đưa binh sĩ phương Tây đến Ukraine.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã cảnh báo về một cuộc xung đột trực tiếp nếu quân đội NATO được điều động tới Ukraine.

Quân Nga gần đây đã có thêm bước tiến tại Ukraine và Kyiv cũng đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp cần có thêm vũ khí.

Ông Macron phát biểu trong cuộc họp báo vào tối thứ Hai (26/2) rằng : "Chúng ta không nên loại trừ khả năng có những nhu cầu an ninh đòi hỏi yếu tố điều động [binh sĩ].

"Nhưng tôi đã nói với qúy vị rất rõ ràng rằng về việc nước Pháp duy trì lập trường của mình như thế nào, đó là lập trường mơ hồ chiến lược mà tôi hậu thuẫn".

Nhà lãnh đạo Pháp phát biểu tại Paris, hiện đang chủ trì một cuộc họp để giải quyết khủng hoảng nhằm mang đến sự hậu thuẫn dành cho Ukraine, với sự tham dự của những người đứng đầu quốc gia ở Châu Âu, cũng như Mỹ và Canada.

Cuộc xâm lược tổng lực nhằm vào Ukraine do Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động hiện đã bước sang năm thứ ba và chưa có dấu hiệu nào cho thấy cuộc chiến tranh lớn nhất tại Châu Âu kể từ Thế chiến II sẽ sớm chấm dứt.

Bình luận của ông Macron đã dẫn đến phản ứng từ các quốc gia thành viên của Châu Âu và NATO.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tin rằng "con đường đến chiến thắng" là viện trợ vũ khí "để binh sĩ Ukraine có vũ khí và đạn dược mà họ cần để bảo vệ chính mình", theo một thông cáo của Nhà Trắng.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố không có sự thay đổi nào trong lập trường đã được đồng thuận, rằng sẽ không có quốc gia Châu Âu hoặc NATO nào đưa quân đến Ukraine.

Người phát ngôn của Thủ tướng Anh Rishi Sunak nói Anh không có kế hoạch về việc huy động quân sự quy mô lớn đến Ukraine vượt quá số ít quân nhân phụ trách huấn luyện cho lực lượng Ukraine.

Văn phòng Thủ tướng Ý Giorgia Meloni nói sự ủng hộ của Ý "không bao gồm sự hiện diện binh lính từ các quốc gia Châu Âu hoặc NATO trên lãnh thổ Ukraine".

Đại diện Kremlin, ông Peskov, đã gọi lời đề nghị của ông Macron là "một yếu tố mới rất quan trọng" và cho biết thêm điều này tuyệt đối không nằm trong lợi ích của các quốc gia thành viên NATO.

"Trong trường hợp đó, điều chúng ta có thể thấy không phải là có xảy ra hay không, mà là chắc chắn sẽ xảy ra [một sự xung đột trực tiếp]", ông nói.

Trước đó, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã bác bỏ việc cân nhắc liệu có đưa binh sĩ đến Ukraine hay không, mặc dù ông khẳng định liên minh này sẽ vẫn tiếp tục hậu thuẫn Ukraine, quốc gia không phải là thành viên NATO.

Lập trường này đã được một số quốc gia thành viên NATO hưởng ứng, bao gồm Tây Ban Nha, Ba Lan và Czech.

Nga có nguồn đạn pháo và lực lượng quân đội lớn hơn nhiều so với Ukraine, quốc gia vốn đang phải rất phụ thuộc vào nguồn khí tài hiện đại do các đồng minh phương Tây cung cấp, đặc biệt là từ Mỹ.

Cuộc họp 'căng thẳng nhất'

Hôm thứ Ba 27/2, ông Biden đã hối thúc các lãnh đạo trong Quốc hội Mỹ phê chuẩn gói viện trợ trị giá 95 tỷ USD, bao gồm 60 tỷ USD dành cho Ukraine, trong cuộc họp ở Phòng Bầu dục.

Gói viện trợ này đã trải qua một cuộc vật lộn khó khăn tại Hạ viện Mỹ. Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson đã giữ vững lập trường trong cuộc họp, khẳng định trước hết phải có thêm các cải cách liên quan đến vấn đề biên giới.

Ông Johnson đã tuyên bố khủng hoảng tại biên giới Mexico-Mỹ là ưu tiên của ông và ông Biden đã đề xuất gói viện trợ này sẽ bao gồm các đề xuất cải cách biên giới - nhưng Đảng Cộng hòa không khoan nhượng.

Lãnh đạo phe Đa số Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer nói đây là một cuộc họp ở Phòng Bầu dục "căng thẳng nhất" mà ông đã từng tham gia.

Mỹ cho đến nay vẫn là quốc gia viện trợ quân sự lớn nhất dành cho Ukraine và đã cam kết 45 tỷ USD tính đến ngày 15/1, theo dữ liệu của Viện Kiel.

Đức xếp thứ hai trong với các cam kết trị giá 17,7 tỷ euro, xét trong cùng thời kỳ, theo sau là Anh với 9,1 tỷ euro viện trợ quân sự.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tham dự một cuộc họp ở Paris hôm thứ Hai (26/2) qua video và ông nói rằng "việc chúng ta cùng nhau làm tất cả để chống lại sự áp bức của Nga đã mang đến nền an ninh thật sự cho các quốc gia của chúng ta trong các thập niên tiếp theo".

Lipika Pelham & Lou Newton

Nguồn : BBC, 28/02/2024

***************************

Tổng thống Pháp "không loại trừ" việc Châu Âu đưa quân đến Ukraine trong tương lai

Trọng Thành, RFI, 27/02/2024

Tại hội nghị bàn về yểm trợ Ukraine chống quân Nga xâm lược ở Paris hôm 26/02/2024, tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố Châu Âu không loại trừ bất cứ nỗ lực nào, kể cả việc đưa các lực lượng Châu Âu đến Ukraine trong tương lai, bởi thắng lợi của Nga trực tiếp đe dọa an ninh của châu lục. Cũng trong dịp này, nguyên thủ Pháp thông báo một số nước Châu Âu quyết định thành lập một liên minh hỗ trợ Kiev về "tên lửa tầm trung và tầm xa".

ueuk3

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu trong cuộc họp báo tại điện Elysée, Paris, ngày 26/02/2024, nhân hội nghị bàn về yểm trợ Ukraine chống quân Nga xâm lược. AP - Gonzalo

Tổng thống Emmanuel Macron phát biểu : "Hiện tại chưa có được đồng thuận về quyết định việc chính thức đưa các lực lượng Châu Âu đến Ukraine, nhưng với đà diễn biến hiện nay, không thể loại trừ bất cứ điều gì. Chúng tôi sẵn sàng làm tất cả để Nga không thể thắng trong cuộc chiến này. Chúng tôi có niềm tin vững chắc là thất bại của Nga là cần thiết để bảo đảm an ninh và sự ổn định của Châu Âu".

Hiện tại đã có 8 liên minh hậu thuẫn Ukraine và cần phải củng cố các liên minh này để cung cấp vũ khí đạn dược cho Kiev. Tổng thống Pháp thông báo các nước đồng minh quyết định lập liên minh thứ 9, hỗ trợ Ukraine "tấn công sâu trong lòng địch, cụ thể là với tên lửa và bom tầm trung và tầm xa".

Về việc đưa quân sang Ukraine, theo AFP, tổng thống Pháp khẳng định thực hiện "chiến lược mập mờ". Trong khi đó, thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson, hôm nay 27/02, cho biết hiện tại chính quyền Kiev "chưa yêu cầu" các nước Châu Âu đưa quân tham chiến. Nhưng ông cũng không loại trừ khả năng này. Tuy nhiên, không dễ dàng có được sự đồng thuận của Châu Âu về việc này. Tại Paris, hôm qua, thủ tướng Slovakia Robert Fico, có lập trường thân Nga, tuyên bố, bất luận thế nào chính phủ nước này cũng không đưa binh sĩ tới Ukraine.

Về phía Nga, phát ngôn viên điện Kremlin hôm nay cảnh báo việc đưa đưa binh sĩ đến Ukraine "hoàn toàn không phục vụ lợi ích của Châu Âu", đồng thời nhấn mạnh là chỉ riêng việc nêu lên khả năng này cũng đã là "một yếu tố mới rất quan trọng" đối với cuộc xung đột đang diễn ra.

Khoảng 15 nước Châu Âu sẵn sàng chi tiền mua vũ khí ngoài Châu Âu cho Ukraine

Theo Le Monde, cũng sau hội nghị hôm qua ở Paris, thủ tướng Cộng Hòa Séc Petr Fiala tuyên bố khoảng 15 quốc gia sẵn sàng tham gia sáng kiến của Praha mua đạn pháo sản xuất ngoài Châu Âu, giúp Ukraine. Thủ tướng Mark Rutte cho biết Hà Lan sẽ đóng góp hơn 100 triệu euro.

Về phần mình, thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa thông báo các bộ trưởng Quốc Phòng Châu Âu trong 10 ngày tới sẽ đưa ra một kế hoạch cụ thể nhằm tăng cường khả năng cung cấp đạn dược cho Kiev.

Trọng Thành

***************************

Chiến tranh Ukraine : Quân đội Nga tuyển dụng người Ấn Độ đưa ra mặt trận

Minh Anh, RFI, 28/02/2024

Ngày 26/02/2024, chính quyền New Dehli xác nhận Nga đã tuyển dụng nhiều công dân Ấn Độ để chiến đấu ở chiến trường Ukraine. Thông tin này được đưa ra vào lúc thân nhân những người này lo lắng không nhận được tin tức từ họ. New Dehli đang đàm phán với Moskva để hồi hương số công dân này.

ueuk4

Tại chiến trường vùng Donetsk, đông Ukraine, ngày 23/02/2024. Ảnh chụp một nhóm binh sĩ Ukraine. AFP – Anatolyi Stepanov

Từ New Dehli, thông tín viên đài RFI Sebastien Farcis tường thuật :

Hồi cuối năm rồi, chàng trai trẻ Mohammed Sufiyan được tuyển dụng với tư cách chỉ là nhân viên bảo vệ bình thường của quân đội Nga. Anh đến Moskva với hy vọng có được một mức lương cao. Nhưng nhanh chóng, họ trao vũ khí cho anh để chiến đấu ở mặt trận chống quân đội Ukraine. Hiện giờ, gia đình anh rất lo lắng vì họ không còn nhận được tin tức của anh nữa, theo như lời kể từ Imran, người anh trai với hãng thông tấn ANI của Ấn Độ.

"Một người Ấn Độ khác đến từ vùng Kashmir, đang có mặt ở đó, cho biết anh trai của tôi bị bắn vào chân và không thể đi lại được nữa. Nhưng chúng tôi cũng không biết gì thêm từ hai tháng nay. Những nhân viên đến tuyển mộ đã không nói với anh rằng anh sẽ ra chiến trường".

Theo một điều tra của tờ báo The Hindu, khoảng một trăm người Ấn Độ có lẽ đã được quân đội Nga thuê như là nhân viên bảo vệ với hợp đồng một năm. Nhiều người trong số họ có lẽ đã bị đẩy ra mặt trận và có nhiều người đã bị thương. Trước các áp lực từ gia đình, ngoại trưởng Ấn Độ hôm thứ Hai, 26/02, thông báo ông đã có cuộc hội đàm với các đồng nhiệm Nga và nhiều người Ấn Độ dường như đã được giải ngũ.

Minh Anh

Additional Info

  • Author Anh Vũ, Lipika Pelham & Lou Newton, Trọng Thành, Minh Anh
Published in Quốc tế

Tổng thống Ukraine "thừa nhận" chiến dịch phản công đang bắt đầu

Minh Anh, RFI, 11/06/2023

Cuộc đối đầu lớn giữa Nga và Ukraine đã bắt đầu ? Thắc mắc này được đặt ra vào lúc nhiều cuộc giao tranh quy mô lớn dường như đã nổ ra ở miền nam và đông đất nước trong những ngày qua. Nếu như chính quyền Kiev vẫn tỏ ra kín tiếng, tổng thống Volodymyr Zelensky, khi tiếp thủ tướng Canada Justin Trudeau đã xác nhận điều đó đang xảy ra. 

phancong1

Tổng thống Ukraine, V. Zelensky họp báo với thủ tướng Canada, J. Trudeau tại Kiev hôm 10/06/2023. Reuters – Valenyn Ogirenko

Thông tín viên đài RFI, Stéphane Siohan, từ Kiev cho biết thêm : 

"Thứ Bảy 10/06/2023 này, tổng thống Volodymyr Zelensky đã tiếp thủ tướng Canada Justin Trudeau và trong cuộc họp báo chung, nguyên thủ Ukraine khi trả lời giới báo chí có nói rằng chiến dịch phản công và phòng thủ dường như đang diễn ra trên mặt trận nhưng từ chối nói rõ chi tiết. 

Vào buổi tối, đài phát thanh và kênh truyền hình Ukraine tường thuật cuộc gặp giữa hai lãnh đạo Ukraine và Canada nhưng không một lời nào về những phát biểu của ông Zelensky trong các tít chính. 

Tại Kiev, giới lãnh đạo và truyền thông tuân thủ nghiêm ngặt "im lặng về chiến dịch" theo sắc lệnh của quân đội khi từ chối đề cập đến chủ đề phản công…

Trên thực tế, người ta biết rằng quân đoàn thiết giáp của Ukraine đã chuyển sang tấn công các đường chiến tuyến của Nga tại vùng Zaporijia trong khi binh sĩ Ukraine đang di chuyển về Donbass để chiếm lại quyền kiểm soát những vùng sườn ở Bakhmut bị Nga chiếm lấy hồi cuối mùa xuân này. 

Một điều chắc chắn, tương tự như mùa hè năm 2022, quân đội Ukraine đã giành thế chủ động trong giao tranh, họ quay lại tấn công, thăm dò phòng thủ của Nga, nhưng cuộc phản công được chờ đợi từ lâu một lần nữa chắc chắn sẽ diễn ra ở nơi không ai nghĩ tới". 

AFP cho biết, trong chuyến thăm Kiev bất ngờ này, thủ tướng Canada Justin Trudeau thông báo một gói hỗ trợ quân sự mới trị giá 500 triệu đô la, đồng thời tuyên bố hậu thuẫn Kiev trở thành thành viên của NATO – khối liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương. 

Minh Anh

***************************

Chiến tranh Ukraine : Tổng thống Nga khẳng định Kiev bắt đầu phản công

Thanh Hà, RFI, 10/06/2023

Đến lượt tổng thống Nga xác nhận Ukraine đã bắt đầu chiến dịch phản công. Trong một đoạn video đăng tải trên mạng Telegram chiều hôm qua 09/06/2023 ông Vladimir Putin khẳng định chiến dịch đã "mở màn ở quy mô lớn". Không đi sâu vào chi tiết, chủ nhân điệm Kremlin nhấn mạnh "các lực lượng Ukraine không hoàn thành bất kỳ một mục tiêu nào trên trận địa" thế nhưng Kiev vẫn có "tiềm lực tấn công rộng lớn" nhờ được phương Tây trang bị vũ khí tối tân. 

phancong2

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc họp Hội đồng Liên chính phủ Á-Âu tại Sochi, Nga, ngày 09/06/2023. AP - Ramil Sitdikov

Thông tín viên đài RFI Anissa El Jabri từ vùng Kherson, khu vực quân Nga đang kiểm soát ghi nhận, kể từ khi ra lệnh mở "chiến dịch đặc biệt" nhắm vào Ukraine, hiếm khi nào ông Putin lên tiếng về các diễn tiến quân sự trên chiến trường :

"Phương pháp này đã nhiều lần được áp dụng trong thời kỳ có dịch Covid. Moskva để cho các lãnh đạo địa phương hoặc bên chính phủ lên tiếng. Ngay cả trong các vụ tập kích liên tiếp nhắm vào Belgorod, sát biên giới giữa Nga và Ukraine. Trong vụ nhiều ngôi làng ở đây bị oanh kích, hàng ngày người ta chỉ thấy có mỗi thống đốc trong vùng trên tuyến đầu. Mãi đến khi thủ đô Moskva bị tấn công bằng drone, tổng thống Putin mới lên tiếng dù rất kiệm lời".

Một số nhà quan sát thậm chí ghi nhận trong phát biểu hôm qua, nguyên thủ Nga có vẻ chán chường khi đề cập đến đợt phản công của Ukraine, một chủ đề đã được thảo luận từ nhiều ngày qua. Một dấu hiệu cho thấy dường như bên trong nội bộ của bên phủ tổng thống đã có nhiều tranh cãi.

 Cách nay hai hôm bộ phận truyền thông của Kremlin loan báo trên Twitter xin trích : "Tổng thống đang soạn thảo một thông điệp để gửi đến toàn dân về chiến dịch đặc biệt". Thế nhưng rồi chỉ vài phút sau, dòng tin này đã bị xóa mất, không một lời giải thích.

Tổng thống Nga không chọn phát biểu về chiến dịch phản công này trong một khuôn khổ quá trang nghiêm. Tuyên bố trên đã được ông thông báo bên lề một sự kiện ngoại giao. Khi được một phóng viên hỏi liệu Ukraine đã mở chiến dịch phản công hay không, thì Vladimir Putin trả lời ngắn gọn là Kiev "đã bắt đầu phản công". Ông nói thêm là Nga thiếu vũ khí hiện đại nhưng tình hình sẽ sớm được khắc phục. Vladimir Putin đã khép lại chủ đề này khi kết luận : quân Ukraine đang thất bại".

Tình báo Anh trong thông tin cập nhật sáng nay 10/06/2023 ghi nhận "nhiều chiến dịch quan trọng từ phía Ukraine trong 48 giờ qua". Tại một số nơi quân Ukraine đã "chọc thủng" được hàng phòng thủ của đối phương. Về phía Nga, "Moskva không đạt được tất cả những mục tiêu mong muốn". Có nghĩa là bên cạnh một số những địa điểm mà lực lượng của Nga đang kháng cự khá tốt, trái lại ở những nơi khác, lính Nga đã phải "tháo chạy một cách hỗn loạn". Tình báo Anh được Reuters trích dẫn công bố hình ảnh những người lính Nga chết hay bị thương khi "phải vượt qua những cánh đồng mà chính họ đã gài mìn và thuốc nổ".

Thanh Hà

***********************

Tại Liên Hiệp Quốc, Ukraine và đồng minh tố cáo các vụ tấn công vào thường dân tản cư tránh lụt ở vùng Kherson

Trọng Nghĩa, RFI, 09/06/2023

Trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc vào hôm 08/06/2023, đại diện Ukraine và các đồng minh, trong đó có Mỹ, Pháp và Nhật Bản, đã lên án các vụ "tấn công" nhắm vào các hoạt động cứu trợ ở vùng Kherson, đồng thời kêu gọi Nga không được "cản trở" công việc cứu hộ sau vụ đập thủy điện Kakhovka bị phá hủy.

phancong3

Cảnh ngập lụt tại Kherson, Ukraine ngày 08/06/2023, sau khi đập Kakhovka bị phá vỡ. Reuters - Stringer

Trước các nhà báo, đại sứ Ukraine tại Liên Hiệp Quốc, được một số thành viên Hội Đồng Bảo An (Mỹ, Anh, Pháp, Nhật, Malta, Albania) và Liên Hiệp Châu Âu bao quanh, đã tuyên bố : "Chúng tôi cực lực lên án các vụ pháo kích vào các khu vực đang sơ tán và kêu gọi chính quyền Nga ngừng các cuộc tấn công như vậy và cho phép các toàn cứu trợ đến giúp đỡ những người dân bị ảnh hưởng mà không bi cản trở".

Không chỉ quan tâm đến khu vực bị lũ lụt nằm dưới quyền kiểm soát của mình, đại sứ Ukraine cũng nhắc đến trường hợp cư dân trong vùng bị Nga chiếm đóng : "Chúng tôi cũng kêu gọi Liên Bang Nga cho phép tiếp cận đầy đủ, an toàn và không bị cản trở tới các khu vực bị ảnh hưởng ở tả ngạn sông Dniepr do quân đội của họ kiểm soát, để các tổ chức nhân đạo, đặc biệt là Liên Hiệp Quốc và Ủy ban Chữ Thập đỏ quốc tế có thể giúp đỡ người dân".

Chính quyền Ukraine đã tố cáo Quân Đội Nga là vẫn tấn công Kherson trong những ngày gần đây khi hàng nghìn thường dân phải sơ tán khỏi các khu vực bị ngập lụt sau khi đập Kakhovka nằm ở thượng nguồn sông Dniepr bị phá hủy.

Trên hiện trường, mực nước đã bắt đầu hạ xuống, nhưng công cuộc sơ tán vẫn tiếp tục.

Đặc phái viên Gulliver Cragg của đài France24 và RFI có mặt tại Kherson tường trình :

Theo thống đốc phụ trách toàn vùng, ngay trong thành phố Kherson, mực nước đã giảm khoảng 20 cm chỉ sau một đêm. Trong thực tế, ngày hôm qua, mực nước vẫn tiếp tục dâng cao dù theo dự kiến ​​s phi gim xung. Thế nhưng cui cùng, thì nước cũng bt đầu rút đi, mc nước hin cao hơn khong 5 mét rưỡi so vi mc trước khi đập Kakhovka b phá hy.

Điều này không có nghĩa là các hoạt động sơ tán cư dân tại các khu vực bị ảnh hưởng không được tiếp tục. Theo chính quyền địa phương, những người này vẫn đang ở trong tình trạng nguy hiểm. Họ được đề nghị rời khỏi những nơi đang cư ngụ.

Hôm qua tôi có mặt ở Kherson khi cuộc di tản bị gián đoạn vì các vụ pháo kích. Hôm nay, chính quyền đã cho biết số liệu chính thức về các vụ tấn công : Trên toàn vùng Kherson, đã có 44 lần rocket được sử dụng với tổng cộng 188 quả được bắn đi, trong đó có cả đạn pháo do hệ thống pháo phản lực Grad phóng đi.

Riêng thành phố Kherson đã bị trúng 25 quả rocket, khiến cho 2 người chết và 17 người bị thương. Đây là một con số thấp bất ngờ vì thương vong có thể nhiều hơn. Trong số những người bị thương, phần lớn không phải là cư dân đang được sơ tán, mà là các tình nguyện viên và nhân viên cứu trợ đang cố gắng giúp đỡ họ.

Trọng Nghĩa

************************

Chiến tranh Ukraine : Sĩ quan Nga tố cáo công ty Wagner bắt cóc, tra tấn lính Nga

Trọng Thành, RFI, 09/06/2023

Căng thẳng giữa quân đội Nga và công ty lính đánh thuê Wagner, cùng tham gia cuộc xâm lăng tại Ukraine, tăng lên mức chưa từng có. Hôm qua 08/06/2023, một phương tiện truyền thông thân cận với an ninh Nga công bố một đoạn video tố cáo công ty của Prigozhin bắt cóc, tra tấn nhiều binh sĩ Nga tham chiến tại chiến trường Bakhmut, miền đông Ukraine. 

phancong4

Ảnh trích từ vidéo tuyên truyền của Wagner : Yevgeny Prigozhin cùng các tay súng của Wagner tại mặt trận Bakhmut, Ukraine, ngày 25/05/2023. © Service de presse de "Concord", via Reuters

Trong đoạn video nói trên, trung tá Nga Roman Venevitine cho biết đã bị lực lượng Wagner bắt cóc, tra tấn. Trước đó, hôm thứ Hai 05/06, công ty của Prigozhin đã công bố một đoạn vidéo (quay từ ngày 17/05, theo Wagner), trong đó viên trung tá Nga nói trên thú nhận đã ra lệnh oanh kích một số đơn vị của Wagner tại Bakhmut. Trung tá Nga Roman Venevitine khẳng định đã thú tội như trên do áp lực, đồng thời tố cáo các hành động bạo lực khác của công ty Wagner nhắm vào quân đội Nga. 

Thông tín Anissa El Jabri từ Moskva cho biết thêm :

Rõ ràng là không thể kiểm chứng được các sự kiện được nêu trong đoạn video dài 10 phút, do một phương tiện truyền thông - có tiếng là gần gũi với lực lượng an ninh Nga - công bố. Trong đoạn video này, viên sĩ quan Roman Venevitine cho biết đã bị bắt cóc, bị đánh đập và dọa giết. Sĩ quan Roman Venevitine cũng mô tả hậu trường vô cùng bạo lực của cuộc chiến ở Bakhmut.

Sau đây là trích đoạn mô tả của viên sĩ quan Nga về hành xử của lực lượng Wagner đối với binh sĩ quân đội Nga : "Ví dụ như có lần họ đã bắt cóc và dọa giết các binh sĩ của một đơn vị thông tin liên lạc, chỉ bởi vì không thích cách làm việc của những người này. Cũng có những vụ bắt cóc các binh sĩ của chúng tôi, họ bị hành hạ thể xác, làm nhục và nhân phẩm bị trà đạp. Trong một vụ bắt cóc khác, một hạ sĩ của chúng tôi đã bị lột trần, bị tra tấn, và bị giam trong một căn hầm băng giá. Những kẻ tra tấn đã tưới axit và một số hóa chất vào mắt người ấy, khiến anh ta bị mất thị lực trong một thời gian. Họ đổ xăng lên người nạn nhân, nhiều lần đe dọa thiêu sống".

Làm thế nào mà tình hình lại trở nên tồi tệ như vậy ? Viên sĩ quan Roman Venevitine đưa ra cách giải thích của mình : "Tình trạng vô chính phủ ngự trị tại khu vực tiền tuyến, với công ty lính đánh thuê tư nhân Wagner, là hậu quả của các đấu đá giữa các thế lực chính trị, đã làm suy yếu quyền lực của tổng thống, thay vì củng cố. Nhưng tôi tin rằng đây chỉ là một hiện tượng nhất thời". 

Trong phát biểu nói trên, viên sĩ quan cũng trực tiếp lên án ông chủ Wagner, Evgueni Viktorovitch Prigozhin, "đã nỗ lực làm mất uy tín của các lực lượng vũ trang Nga". Tội danh có thể bị phạt đến 5 năm tù".

Trọng Thành

Additional Info

  • Author Minh Anh, Thanh Hà, Trọng Nghĩa, Trọng Thành
Published in Quốc tế

"Vì chiến tranh bắt đầu từ trong đầu óc con người, nên việc bảo vệ hòa bình phải được kiến tạo từ trong đầu óc con người" – Hiến chương UNESCO.

uk1

Chiến tranh Ukraine mà Nga gọi là "chiến dịch quân sự đặc biệt" tuy đã diễn ra hơn một năm, gây tổn thất nặng nề cho cả Ukraine và Nga

Người ta nói chiến tranh là sự nối tiếp của chính trị. Mọi cuộc chiến tranh đều phải kết thúc, dù sớm hay muộn. Nhưng một khi đã nổ ra thì chiến tranh như một con quái vật hung dữ, rất khó kiểm soát. Chiến tranh Ukraine mà Nga gọi là "chiến dịch quân sự đặc biệt" tuy đã diễn ra hơn một năm, gây tổn thất nặng nề cho cả Ukraine và Nga, nhưng đa số các chuyên gia cho rằng chiến tranh Ukraine "còn lâu mới kết thúc".

Hơn một năm qua, quân đội Nga được cho là đã mất hơn 165.000 quân tại Ukraine. Tổn thất về người của Ukraine tuy ít hơn Nga, nhưng đất nước này bị tàn phá nặng nề. Việc tái thiết Ukraine sau chiến tranh là một "cái bánh lớn" mà các cường quốc đều quan tâm, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc. Nói cách khác, Mỹ và Trung Quốc là hai đối thủ chính có vai trò lớn trong việc tái thiết Ukraine, cũng như trong việc viện trợ cho hai bên kéo dài chiến tranh.

Tạp chí Time tổng kết một năm chiến tranh ở Ukraine đã dẫn đến bảy hệ quả lớn. Một là NATO đã hồi sinh. Hai là một Châu Âu mạnh mẽ hơn, đoàn kết hơn. Ba là cuộc khủng hoảng tỵ nạn lớn nhất trong nhiều thập niên. Bốn là sự đan xen giữa kinh doanh và địa chính trị. Năm là các nước giảm phụ thuộc vào dầu khí của Nga. Sáu là một nước Nga không hoàn toàn bị cô lập. Bảy là Đài Loan trở thành trọng tâm mới.

Theo đại sứ Úc John McCarrthy, sau một năm chiến tranh Ukraine, có ba biến chuyển đáng chú ý. Một là cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng tại khu vực Bắc Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Hai là diễn biến tại khu vực này (như chiến tranh Ukraine) sẽ tác động đến khu vực kia (như căng thẳng tại eo biển Đài Loan). Ba là sự hồi sinh của "các nước phương Nam" lâu nay mờ nhạt.

McCarthy cho rằng Trung Quốc có thể làm "đòn bẩy" trong tiến trình hòa bình sẽ diễn ra tại Châu Âu. Điều này giúp Trung Quốc có tầm vóc toàn cầu, tuy lúc này họ chưa khai thác được tiềm năng này. Sáng kiến hòa bình 12 điểm của Tập Cận Bình (ngày 25/2) tuy bị các nước liên quan bác bỏ, nhưng là bước đầu đề giúp Trung Quốc có một vai trò ngoại giao tích cực hơn tại Ukraine. Trung Quốc có thể gắn sự kiềm chế của mình trong việc cung cấp vũ khí cho Nga, với việc Mỹ kiềm chế trong việc cung cấp vũ khí cho Đài Loan.

Tập Cận Bình và Putin

Chuyến thăm Nga của Tập Cận Bình (20-23/3/2023) tuy diễn ra trong bối cảnh tòa Hình sự Quốc tế (ICC) ra lệnh bắt giữ Putin (20/3) như "tội phạm chiến tranh" (được 123 nước ủng hộ), nhưng Tập vẫn phải gặp Putin, để khẳng định vai trò của Trung Quốc. Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tập Cận Bình sau khi Đại hội Đảng 20 khẳng định nhiệm kỳ thứ ba của ông như "hoàng đế" Trung Hoa. Một năm qua, trong khi Trung Quốc vẫn ủng hộ Nga và đang cân nhắc viện trợ vũ khí cho Nga như để thách thức lệnh trừng phạt của Mỹ, thì Trung Quốc lại đang xây dựng hình ảnh và vai trò trung gian hòa giải. Vì vậy, chính quyền Biden có lý do để lo ngại về nước cờ tiếp theo của Trung Quốc.

Hầu hết các nhà phân tích cho rằng chiến tranh Ukraine "là một thảm họa cho nước Nga". Tuy Putin có công phục hồi nước Nga, nhưng xâm lược Ukraine là một sai lầm chiến lược. Hàng trăm ngàn quân Nga đã chết hoặc bị thương. Hàng trăm ngàn người Nga có tay nghề cao đã chạy ra nước ngoài. Nói cách khác, nước Nga có cơ hội trở thành một cường quốc thịnh vượng trong thế kỷ 21, nhưng Putin đã đánh mất tất cả.

Những gì mà Putin và những người thân cận đã lựa chọn trong hai thập kỷ qua là từng bước dập tắt hy vọng về một nước Nga mới cởi mở hơn. Thay vào đó là hoài niệm về một đế quốc Nga trong quá khứ. Putin đã thâu tóm quyền lực và điều hành chính sách đối ngoại của Nga với nỗi ám ảnh về "đe dọa quân sự từ phương Tây". Ông muốn biến nước Nga thành một cường quốc của thế kỷ 19, và kiểm soát các nước trong Liên Xô cũ, bắt đầu bằng Ukraine. Cánh cửa cơ hội của Nga đóng lại vĩnh viễn khi Putin ra lệnh xâm lược Ukraine.

Tuy Putin đã sai lầm chiến lược khi quyết định xâm lược Ukraine, nhưng công bằng mà nói ông đã đúng trong một số vấn đề nhất định. Một là các biện pháp trừng phạt của phương Tây không quyết định được kết cục chiến tranh Ukraine. Hai là đa số người Nga chấp nhận thất bại quân sự với những tổn thất lớn mà không dẫn đến việc lật đổ Putin. Ba là một số nước khác vì lợi ích của mình, đã không lên án Putin. Tuy Mỹ, Châu Âu và một số nước đã phản ứng gay gắt với Nga, nhưng "các nước phương Nam" không muốn theo phương Tây.

Theo Alexander Gabuev, "kế hoạch hòa bình" của Trung Quốc "là cái lá nho" che đậy sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với Nga, bị phương Tây bác bỏ. Mục đích của Bắc Kinh là tạo dư luận cho rằng Trung Quốc đã đưa ra một "kế hoạch hòa bình" để hai bên xem xét, nhưng đã bị phương Tây bác bỏ. Nói cách khác, đây chỉ là một nước cờ nhỏ nhằm dọn đường cho giai đoạn "trước đàm phán", trong một ván bài lớn và lâu dài của Bắc Kinh nhằm làm thay đổi trật tự thế giới.

Quá trình đàm phán

Theo Thomas Pickering (cựu thứ trưởng ngoại giao và đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc), không có cuộc chiến tranh nào kết thúc mà không có hậu quả chính trị. Cuộc chiến tranh Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Cả hai bên đều cho rằng "còn quá sớm cho ngoại giao". Chiến tranh thường kết thúc với ba giai đoạn đàm phán: một là "chuẩn bị trước"; hai là trước đàm phán; và ba là đàm phán.

Giai đoạn "chuẩn bị trước" thường để thu xếp các bất đồng nội bộ và kết nối với các bên liên quan. Giai đoạn "trước đàm phán" thường để chuẩn bị cho đàm phán chính thức, như xác định thời gian, địa điểm, và những người tham gia. Giai đoạn ba để đàm phán trực tiếp (thường được gắn với các hoạt động ngoại giao). Các yếu tố như bối cảnh chính trị, các đòn bẩy, và thực tế diễn ra trên chiến trường, đều góp phần tác động tới quá trình chuẩn bị đàm phán.

Hiện nay, Tổng thống Putin của Nga và Tổng thống Zelensky của Ukraine đều muốn giành chiến thắng trên chiến trường. Cơ hội đàm phán chỉ mở ra khi nào triển vọng quân sự của Nga suy giảm. Các cơ hội đó chỉ thực sự xuất hiện khi nào hai bên sẵn sàng đàm phán, hoặc là tín hiệu giả khi hai đối thủ tìm cách đánh lừa nhau. Hiện nay, mục tiêu của bên này còn vượt xa những gì mà bên kia sẵn sàng chấp nhận. Đối với Nga, phải kiểm soát được Ukraine. Đối với Ukraine, Nga phải trả lại tất cả các vùng họ chiếm đóng.

Chuẩn bị trước không đòi hỏi các bên phải nhất trí hoàn toàn với nhau về các vấn đề thực chất. Cũng không cần các bên phải thỏa thuận với nhau, mà chỉ cần thông cảm với sự khác biệt của các bên (ở Mỹ) như Hội đồng An ninh Quốc gia, Bộ Ngoại Giao, Bộ Quốc Phòng để sẵn sàng đàm phán. Các nhà ngoại giao Mỹ thường nói rằng trong bất kỳ cuộc đàm phán nào, cần phải giải quyết tới 60% những khác biệt giữa các bên trong chính quyền và đội đàm phán. Sự hòa hợp của các bên không chỉ có ích mà còn là thiết yếu.

Hiện nay, Mỹ vẫn đang trong giai đoạn đầu để chuẩn bị đàm phán. Các nhà lãnh đạo thế giới đang gia tăng kêu gọi hòa bình. Washington và các bên thứ ba bắt đầu tiếp xúc không chính thức và bí mật với các bên khác để đánh giá thái độ của họ về ngoại giao. Những cố gắng để thu xếp các vấn đề nội bộ là vô cùng cần thiết để chuẩn bị chiến lược. Nhưng điều này là một thách thức khó lường và dễ thay đổi.

Giai đoạn trước đàm phán nhằm giúp Nga và Ukraine đàm phán trực tiếp. Phía Mỹ cần nhấn mạnh với các đồng nghiệp Nga và Ukraine rằng kết quả quân sự sẽ mất nhiều thời gian, tốn kém, và không chắc chắn. Ngoại giao là cách đảm bảo hơn để đạt được mục đích mong muốn. Cần xúc tiến "đàm phán sơ bộ" nhằm trao đổi về lập trường, ý tưởng, và thúc đẩy các tiếp xúc trực tiếp. Các bên thứ ba được Nga và Ukraine chấp nhận, có thể gặp riêng lãnh đạo của hai bên để thăm dò ý tưởng, mục tiêu và thái độ.

Tăng cường đàm phán trực tiếp, với sự giúp đỡ của bên thứ ba (như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ). Bắt đầu giai đoạn trước đàm phán với khuôn khổ không chính thức, có thể thúc đẩy quá trình đàm phán tiến triển. Tuy đàm phán không chính thức là một công cụ hữu ích, nhưng nếu lạm dụng cách này quá nhiều, có thể làm phức tạp thêm vấn đề. Mở cửa cho nhiều bên thứ ba tham gia sẽ tạo cơ hội cho họ can thiệp, có thể kéo dài đàm phán và dễ gây ra hiểu lầm, như một quả bom nổ chậm có thể phát nổ bất cứ lúc nào, làm hỏng việc.

Các bên có sẵn sàng chuyển từ giai đoạn "trước đàm phán" sang giai đoạn "đàm phán" sẽ phụ thuộc một phần vào các sự kiện diễn ra trên chiến trường và một phần vào nhận thức ai thắng, ai thua. Các bên thứ ba tham gia đàm phán có thể đóng vai trò thiết yếu trong việc đảm bảo quá trình hòa bình đi đúng hướng. Một khi các bên đã nhất trí về tiến trình đàm phán trực tiếp, thì khó khăn sẽ bắt đầu. Việc giữ bí mật nội bộ là rất cần thiết để đàm phán trực tiếp, nhưng điều này không phải dễ đạt được.

Ukraine có vị trí quan trọng như cái cầu nối giữa EU và Nga. Ukraine cũng cần một khuôn khổ để tái thiết sau chiến tranh, tái định cư cho người dân, chống tham nhũng, và đảm bảo quy chế bình đẳng cho cả hai nhóm người nói tiếng Ukraine và tiếng Nga. Trong bối cảnh đó, Quebec là một mô hình hữu ích để Ukraine tham khảo. Tuy trưng cầu dân ý không phải là cách tốt nhất, nhưng người dân Ukraine cần được bỏ phiếu riêng rẽ tại Donbas và Crimea, xem họ muốn là một phần của Nga hay của Ukraine, hay khu tự trị ở mỗi nước.

Một điều khó nhất trí hơn là quy chế về an ninh: Liệu Ukraine có nên gia nhập NATO hay là nên gia nhập Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể của các nước Liên Xô cũ? Liệu Ukraine có nên quyết định điều đó bằng trưng cầu dân ý để phản ánh đúng nguyện vọng của người dân, với thời hạn mười năm? Thách thức lớn nhất, nhưng lại được giải quyết cuối cùng, là vấn đề lãnh thổ. Cách an toàn nhất và công bằng nhất để giải quyết tranh chấp lãnh thổ là hỏi người dân xem họ muốn là một phần của Nga hay của Ukraine.

Donbass và Crimea sau đó sẽ bỏ phiếu trưng cầu dân ý để xác định xem họ muốn gắn với Nga hay với Ukraine, trong vòng năm hay bảy năm tới. Tuy Nga và Ukraine chưa sẵn sàng đàm phán trực tiếp, nhưng với sự thận trọng và kín đáo, Mỹ và các bên thứ ba khác cần thúc đẩy giai đoạn "chuẩn bị trước" và bắt đầu giai đoạn "trước đàm phán". Họ cần xây dựng lòng tin, thuyết phục các bên chấp nhận thực tế khắc nghiệt, tháo gỡ các trở ngại cho tiến bộ ngoại giao. Nếu không, Nga và Ukraine có thể bị xô đẩy vào cái vòng xoáy nguy hiểm.

Quyết định của ICC

Quyết định của ICC là một đòn hiểm đúng lúc Tập Cận Bình đến Nga gặp Putin. Không chỉ Putin bị mất uy tín mà Tập cũng bị mất uy tín, nếu ủng hộ "tội phạm chiến tranh". Ukraine đã cảnh báo dư luận "đừng rơi vào cái bẫy của Trung Quốc". Trong bối cảnh hiện nay, chuyến thăm của Tập không phản ánh nguyện vọng hòa bình, mà "muốn có vai trò trong việc dàn xếp hậu chiến". Trung Quốc chỉ muốn ngừng xung đột có lợi cho Nga.

ICC đã từng ra lệnh bắt Tổng thống Muammar Gaddafi (Libya), Tổng thống Omar al-Bashir (Sudan), và xử cựu Tổng thống Laurent Gbagbo (Bờ Biển Ngà). Nhưng đây là lần đầu tiên, nguyên thủ quốc gia của một cường quốc là thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bị ICC ra lệnh bắt giữ.

Trước mắt, quyết định của ICC đối với Tổng thống Putin và Maria Lvova-Belova (phụ trách quyền trẻ em của Nga) vì tội bắt cóc hàng vạn trẻ em Ukraine để tẩy não, tuy chưa tác động đến cuộc gặp Tập-Putin, hay lập trường của Bắc Kinh đối với Nga, nhưng là một đòn tâm lý nặng nề đối với tinh thần chiến đấu của quân đội Nga trên chiến trường. Về lâu dài, tuy Putin có thể vẫn an toàn ở Nga, nhưng đây là một đòn cân não và lâu dài đối với người Nga nói chung và Putin nói riêng, nếu muốn đến thăm các nước khác.

Ngay sau lệnh của ICC, Tổng thống Biden nói ông tin rằng quyết định của ICC đối với Putin là "chính đáng", và nhấn mạnh rằng Putin "rõ ràng đã phạm tội ác chiến tranh" vì đã ra lệnh xâm lược Ukraine.  Về cuộc gặp Tập-Putin, Chính quyền Biden tin rằng Trung Quốc muốn có vai trò hòa giải giữa Nga và Ukraine. Nhưng sau phán quyết của ICC, phải soi kỹ vai trò đó của Trung Quốc.

Hầu hết các cơ quan báo chí của Việt Nam đều đưa tin về quyết định của ICC, nhưng thận trọng và tránh tỏ thái độ, chỉ nhấn mạnh lập trường chính thức của Nga là "không công nhận thẩm quyền của ICC và coi bất kỳ tuyên bố nào của ICC là không có hiệu lực pháp lý". Phản ứng đó của Việt Nam là dễ hiểu, nhưng so với phát biểu gần đây của tướng Nguyễn Chí Vịnh (23/2) thì yếu hơn nhiều. Việc yêu hay ghét ai là quyền của cá nhân, nhưng trong thái độ ứng xử đối với cuộc chiến tranh Ukraine, thì phải đặt lợi ích quốc gia lên trên hết.

Theo báo chí (24/2/2023), tướng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng ai phát động chiến tranh thì người đó phải kết thúc. Đến nay, Việt Nam không dám chỉ đích danh "Nga xâm lược". Trong lần bỏ phiếu ngày 23/2 về nghị quyết của Liên Hiệp Quốc yêu cầu Nga rút quân khỏi Ukraine, Việt Nam tiếp tục bỏ phiếu trắng (trong số 193 nước, có 141 nước bỏ phiếu thuận, 32 nước bỏ phiếu trắng, 7 nước bỏ phiếu chống, và 13 nước không bỏ phiếu).

Trước mắt, Trung Quốc đang hưởng lợi do chiến tranh Ukraine. Về lâu dài, Trung Quốc không thể để mất "cái bánh tái thiết Ukraine", nhưng "cái bánh tái thiết nước Nga" còn lớn hơn nhiều. Sau một năm chiến tranh ác liệt, nước Nga đang bị kiệt quệ, thiếu cả đạn lẫn tiền. Chiến tranh càng kéo dài thì Nga càng kiệt quệ, và càng phải lệ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc, như một con nợ lớn. Nói cách khác, Trung Quốc có cơ hội lớn, không chỉ củng cố được an ninh về phía bắc, mà còn thâu tóm được nguồn tài nguyên khổng lồ của Nga.

Tướng Mark Milley (Chủ tịch hội đồng tham mưu liên quân) nói với các bộ trưởng quốc phòng NATO: "Nga đã thua về chiến lược, về chiến dịch và chiến thuật". Có ba kịch bản: một là Ukraine thắng và đuổi quân Nga khỏi lãnh thổ Ukraine; hai là Nga thắng và Ukraine trở thành một phần Liên bang Nga; ba là một giải pháp được quốc tế đảm bảo. Đại sứ Úc John McCarthy gợi ý một thỏa thận như Simla Agreement (1972) giữa Ấn Độ và Pakistan tại Kashmir.

Ngoài ra còn một kịch bản khác là chiến tranh có thể mở rộng thành xung đột không mong muốn giữa Nga và NATO, với nguy cơ chiến tranh hạt nhân. Lâu nay, quan điểm của Putin là nếu không làm chủ được Ukraine thì nước Nga không còn là một cường quốc. Nga có nguy cơ trở thành một cường quốc khu vực, nhưng có khả năng đe dọa hủy diệt hạt nhân. Là sỹ quan KGB, Putin biết khai thác tối đa hiệu quả tâm lý của trò chơi "bên miếng hố chiến tranh". Đó là nước cờ hiệu quả trong thế bí.

Henry Kissinger đã nói từ năm ngoái, "kết thúc chiến tranh, phải có chỗ cho Ukraine và phải có chỗ cho Nga". Ông cũng thừa nhận rằng Nga có thể tự tách mình khỏi Châu Âu. Nhưng liệu Nga có còn tồn tại như một cường quốc hay không? Theo học giả Walter Russell Mead, hậu quả của việc đó rất lớn, xô đẩy Nga vào khủng hoảng bản sắc với hệ quả chính trị khó lường. Một nước Nga suy tàn có thể nguy hiểm hơn một nước Nga đang trỗi dậy.

Các học giả Nga cho rằng chúng ta đang chứng kiến "sự giẫy chết kéo dài" của đế quốc Nga. Đó là "sự sụp đổ hoàn toàn của mọi thứ ở Nga" vì dưới thời Putin, "tương lai của nước Nga đã bị cắt cụt". Theo Paul Dipp, một nước Nga bị suy yếu nghiêm trọng, cô lập và nhỏ hơn có thể trở nên nguy hiểm hơn cho thế giới, dù kết cục của chiến tranh Ukraine sẽ thế nào đi nữa.

Nguyễn Quang Dy

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 24/03/2023

Tham khảo

1. What Putin Got Right, Stephen Walt, Foreign Policy, February 15, 2023.

2. How will the war in Ukraine end? Paul Dipp, ASPI, 23 February 2023.

3. How the World Changed in the Year Since Russia’s Invasion of Ukraine, Yasmeen Serhan, Time, February 22, 2023.

4. Ukraine War One Year On: The Lessons for Australia, John McCarthy, Asialink, 1 Mar 2023.

5. The Russia That Might Have Been, Alexander Gabuev, FA, March 13, 2023.

6. How to Prepare for Peace Talks in Ukraine, Thomas Pickering, FA, March 14, 2023.

7. How a warrant for Putin puts new spin on Xi visit to Russia, Matthew Lee, AP, Mar 19, 2023.

8. What does the ICC arrest warrant mean for Putin? Anthony Deutsch and Stephanie Van Den Berg, Reuters March 19, 2023.

9. Putin and Xi: authoritarian bros, John Pietro, Spectator, March 21, 2023.

10. China is already bankrolling Putin’s war in Ukraine, Ian Williams, Spectator, March 21, 2023.

Additional Info

  • Author Nguyễn Quang Dy
Published in Diễn đàn

Một căn cứ quân sự Nga bị drone Ukraine tấn công, 3 người chết

Thùy Dương, RFI, 26/12/2022

Hãng tin Nga TASS, trích dẫn bộ quốc phòng, cho biết lực lượng phòng không Nga vào 1 giờ 35 sáng hôm 26/12/2022, giờ địa phương, đã bắn hạ một drone của Ukraine khi drone này bay ở tầm thấp đến gần một căn cứ không quân ở miền nam Nga. Các mảnh vỡ drone rơi xuống khiến 3 kỹ thuật viên Nga thiệt mạng.

uk1

Ảnh bộ quốc phòng Nga phổ biến : Một máy bay ném bom chiến lược Nga Tu-95 đang chuẩn bị cất cánh từ căn cứ Engels gần sông Volga, Nga, ngày 24/01/2022 AP

Bộ quốc phòng Nga khẳng định không có máy bay nào bị hư hại. Trên mạng xã hội, thống đốc vùng Saratov, Roman Busargin, trấn an dân chúng, khẳng định "hoàn toàn không có mối đe dọa nào" đối với cư dân trong vùng và cũng không một cơ sở hạ tầng dân sự nào bị hư hại sau vụ tấn công. Hiện giờ Kiev vẫn chưa bình luận về vụ tấn công bằng drone.

Đây là lần thứ 2 trong vòng 1 tháng căn cứ quân sự Engels của Nga, vùng Saratov, nằm cách Ukraine hơn 600km, bị tấn công bằng drone. AFP nhắc lại, hôm 05/12, Moskva tố Ukraine dùng drone tấn công căn cứ không quân Angels và một căn cứ khác trong vùng Riazan của Nga. Các vụ tấn công vào căn cứ Engels là các vụ tấn công nhắm sâu nhất vào lãnh thổ Nga kể từ khi Ukraine bị quân Nga xâm lược hồi cuối tháng 02/2022.

Tehran : Phương Tây công nhận hiệu quả của drone Iran

Hôm 25/12, theo Le Figaro, một quan chức cấp cao của Iran khẳng định các cáo buộc của Tây phương về việc Nga sử dụng drone do Iran chế tạo trong chiến tranh Ukraine đa phần là sai và là "một phần của cuộc chiến tâm lý của kẻ thù", ý nói đến Mỹ và các đồng minh của Washington, nhưng cũng chứng tỏ hiệu quả của drone Iran và trình độ cao của Tehran trong lĩnh vực chế tạo thiết bị này.

Tướng Mohammad Bagheri, được hãng tin Iran Tasnim trích dẫn, nhấn mạnh quân đội Iran sẽ tiếp tục phát triển drone và hợp tác với các nước khác, và khẳng định "các hệ thống drone của chúng tôi xếp hạng cao trên thế giới về độ chính xác, độ bền, sức hoạt động liên tục, khả năng vận hành và khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau".

Thùy Dương

**************************

Chiến tranh Ukraine : Putin tuyên bố có cách "hóa giải" tên lửa Patriot

Trọng Thành, RFI, 23/12/2022

Trong cuộc họp báo trực tuyến hôm 22/12/2022, tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sẽ "có cách hóa giải" hệ thống tên lửa phòng không tối tân Patriot mà Mỹ vừa quyết định cấp cho Ukraine. Lãnh đạo Nga cũng khẳng định Moskva sẽ đạt được mục tiêu trong cuộc chiến tranh tại Ukraine, bất chấp các hậu thuẫn của Hoa Kỳ cho Kiev.

uk2

Hệ thống tên lửa Patriot tại sân bay Sliac, Slovakia, ngày 06/05/2022. Reuters - Radovan

Theo hãng tin Reuters, ông Putin một mặt khẳng định hệ thống tên lửa Patriot là loại vũ khí "lạc hậu", không hiệu quả bằng hệ thống tên lửa Nga S-300, mặt khác ông bảo đảm là Quân đội Nga sẽ "có cách hóa giải" hệ thống vũ khí này. Nguyên thủ quốc gia Nga cũng quy trách nhiệm kéo dài chiến tranh tại Ukraine cho phía Ukraine và đồng minh, với việc cung cấp hệ thống vũ khí phòng không. Theo tổng thống Nga, Moskva luôn muốn "kết thúc chiến tranh sớm nhất có thể", và sẵn sàng để ngỏ cửa cho giải pháp "ngoại giao".

Trước cuộc họp báo của tổng thống Nga, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitri Peskov, trong một cuộc họp báo qua điện thoại cũng truyền đi cùng một thông điệp : Chính Hoa Kỳ khiến cho chiến tranh kéo dài tại Ukraine, nhưng Moskva chắc chắn sẽ đạt được mục tiêu.

Ngay sau cuộc họp của tổng thống Nga, từ Washington, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã lên án điện Kremlin không có bất cứ một nỗ lực "đáng kể" nào để hướng đến việc chấm dứt chiến tranh "bằng con đường ngoại giao".

Về phần tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky đã trở về từ Mỹ qua ngả Ba Lan. Trong chặng dừng chân ít giờ, tổng thống Ukraine đã hội kiến đồng nhiệm Ba Lan Andrzej Duda. Nguyên thủ Ukraine khẳng định thành công của chuyến đi Mỹ, đặc biệt với việc Hoa Kỳ chấp nhận cung cấp hệ thống tên lửa Patriot. Cho đến nay, Washington mới chỉ cung cấp hệ thống tên lửa tối tân này cho rất ít quốc gia đồng minh, như Nhật Bản, Đức và Israel.

Cũng ngày hôm qua, vào lúc tổng thống Ukraine lên đường trở nước, Thượng Viện Mỹ đã phê chuẩn gói trợ giúp Ukraine tổng trị giá 45 tỉ đô la. Theo AFP, kế hoạch viện trợ này sẽ sớm được Hạ Viện Mỹ phê chuẩn.

Trọng Thành

Additional Info

  • Author Thùy Dương, Trọng Thành
Published in Quốc tế

Ukraine làm tê liệt cỗ máy chiến tranh của Putin

Vũ Quang, Thoibao.de, 08/12/2022

Ukraine đã làm tê liệt cỗ máy chiến tranh của Putin bằng các cuộc tấn công vào máy bay ném bom hạt nhân, soái hạm và những cây cầu quý giá

putin1

Vladimir Putin đi kiểm tra thiệt hại của cây cầu ang đầu của Nga ở Crimea

Ukraine đã xóa sổ thành công phần lớn bộ máy chiến tranh của Nga, làm bẽ mặt bạo chúa Putin bằng ang loạt đòn tấn công chính xác.

Trong khi người Nga báo cáo số người chết lên tới mốc 100.000, một số cuộc tấn công có chủ đích đã hạ gục cơ sở hạ tầng quân sự và các mục tiêu dân sự của Putin.

Những người đứng đầu Điện Kremlin dự kiến ​​s chiếm được Ukraine ch trong vài ngày, tin rng Tổng thống Zelensky sẽ bỏ chạy và hệ thống phòng thủ của Ukraine sẽ sụp đổ.

Thay vào đó, khi cuộc xâm lược của Nga bước sang tháng thứ 10, quân đội của Putin đang ở thế bế tắc và nền kinh tế của ông đang suy sụp.

Hôm thứ Hai, hai máy bay ném bom hạt nhân Tu-95 của Putin đã bị nổ tung trong một cuộc tấn công vào một căn cứ không quân an ninh cao của Nga cách biên giới Ukraine ang ang dặm.

Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy cuộc chiến đang phản tác dụng đối với Nga và chính nước này hiện đang trở thành mục tiêu cho các cuộc không kích.

Mặc dù có vẻ như chắc chắn rằng cuộc chiến sẽ tiếp tục sang năm tới, nhưng không rõ quyết tâm của Nga có thể duy trì được bao lâu nữa, khi điều kiện sống của người dân Nga ngày càng tồi tệ.

Đây là cách Ukraine làm đảo lộn tình thế và gây chiến với Nga.

Tinh thần lính Nga sa sút

Theo Ukraine, số lính Nga chết trận kể từ tháng 2 là hơn 90.000.

Hãng truyền thông độc lập của Nga iStories, trích dẫn các nguồn tin của Điện Kremlin, đã đưa tin vào tháng 10 rằng ít nhất 90.000 binh sĩ đã chết, bị thương nặng hoặc bị loại khỏi vòng chiến đấu.

Điện Kremlin cũng được cho là đã mất ít nhất 5.900 phương tiện bọc thép bảo vệ (APV), 2.900 xe ang và 281 máy bay.

Ngoài ra, hơn 1.900 hệ thống pháo đã bị xóa sổ, chiếm khoảng 1/3 tổng kho của Nga.

Không có gì đáng ngạc nhiên, tinh thần đang ở mức thấp nhất mọi thời đại và các báo cáo về cuộc binh biến đang gia ang.

Những nỗ lực huy động quần chúng của Putin chỉ nhấn mạnh rằng ông ta phải buộc những người Nga bình thường tham gia cuộc chiến của mình, không giống như những người Ukraine đã sẵn sàng đăng ký bảo vệ đất nước của họ.

Nguồn cung cấp tốt hơn

Một số quốc gia hiện đang cung cấp cho Ukraine trực tiếp thiết bị quân sự hoặc gián tiếp đào tạo.

Hoa Kỳ đã chấp thuận cho các phi công Ukraine được huấn luyện sử dụng máy bay chiến đấu F-15 và F-16.

Trong vòng 6 tháng tới, lực lượng không quân Ukraine sẽ sử dụng máy bay chiến đấu của phương Tây.

Vương quốc Anh đã dẫn đầu trong việc vận chuyển thiết bị đến Ukraine, từ tên lửa phòng không đến đạn dược, đồng thời cung cấp thông tin tình báo cho Kiev thông qua việc sử dụng các phi vụ máy bay giám sát thường xuyên.

Đức và Mỹ đều đang tranh luận về việc có nên gửi xe ang tới Ukraine hay không, trong khi một số quốc gia Đông Âu cũng cung cấp thiết bị cho nước láng giềng.

Mặt khác, danh sách đồng minh của Nga ngày càng bị thu hẹp.

Ngoài máy bay không người lái Kamikaze do Iran cung cấp, nước này ngày càng phụ thuộc vào các thiết bị lạc hậu.

Đòi lại lãnh thổ

Nơi từng tưởng chừng như Ukraine có thể rơi vào tay Nga trong vài ngày, giờ đây phần lớn đất nước đã trở lại dưới sự kiểm soát của Kiev.

Một loạt các cuộc phản công thành công đã chứng kiến Kharkiv ở phía đông bắc phần lớn trở về tay Ukraine.

Cuộc tấn công "cơ hội" này bắt đầu khi Nga di chuyển phần lớn lực lượng của mình về phía nam Kherson, để lộ mặt trận phía đông.

Giờ đây, các lãnh thổ Ukraine tuyên bố là một phần của Nga chỉ vài tháng trước đang bị lực lượng của Putin bỏ rơi.

Vào thời điểm đó, Putin tuyên bố rằng các vùng lãnh thổ mới sẽ vẫn là của Nga "mãi mãi".

Nhưng vào tháng trước, quân đội Nga đã buộc phải đầu ang thành phố trọng điểm Kherson sau một cuộc tấn công dữ dội của Ukraine.

Thiệt hại cơ sở hạ tầng

Ukraine đã nhắm mục tiêu thành công một số phần cơ sở hạ tầng quan trọng của Nga, từ các tuyến giao thông đến các căn cứ quân sự.

Với cuộc tấn công vào cây cầu Kerch vào tháng 10, dự án ang đầu của Putin nối Nga với lãnh thổ Crimea bị sáp nhập bất hợp pháp đã tan thành mây khói.

Cây cầu Kerch phát nổ trong một quả cầu lửa bí ẩn giết chết ba người, trong một đòn đầu cơ giáng vào nỗ lực chiến tranh của Putin và một sai sót nghiêm trọng trong tình báo Nga.

Các biểu tượng bị sỉ nhục

Vào tháng 4, tàu tuần dương tên lửa hạng nhất Moskva của Nga đã bị hạ gục bởi một loạt tên lửa Neptune bất ngờ được phóng từ bờ biển vào tháng 4, giết chết 40 thủy thủ và làm bị thương 200 người.

Con tàu – được cho là bất khả xâm phạm – đã đóng một vai trò nguy hiểm trong cuộc chiến bằng cách bắn phá các thị trấn của Ukraine từ các vị trí trên biển trước khi nó bị đánh chìm, gần Đảo Rắn.

Đoạn phim cho thấy con tàu Moskva dài 611 ft với khói bốc lên từ nó và một chiếc tàu kéo cứu hộ gần đó.

Tàu Moskva đã trở thành huyền thoại trong số những người bảo vệ Ukraine sau khi một nhóm lính biên phòng bị tiêu diệt bằng súng nói rằng "Tàu chiến Nga, tự biến đi !" khi nó ra lệnh cho họ đầu ang.

Một trong những bất ngờ lớn nhất của cuộc chiến là việc Nga không giành được ưu thế trên không trước Ukraine.

Sự kết hợp của các phi công chưa qua đào tạo, kênh liên lạc và thông tin tình báo kém, và các khẩu đội tên lửa đất đối không chết người của phương Tây đã khiến các kế hoạch của Nga bị thổi bay khỏi bầu trời diễn ra ang ngày.

Vào tháng 3, các bức ảnh cho thấy xác máy bay Nga đang bốc cháy và khuôn mặt kinh hoàng của các phi công của Putin khi họ bị binh lính và dân thường bắt giữ sau khi nhảy ra khỏi máy bay.

Putin bị đe dọa

Khi chiến lược chiến tranh của Vlad bị bại lộ, ông ta ngày càng phải đối mặt với sự tấn công từ mọi phía.

Một bên là những người Nga bình thường không muốn chiến tranh ảnh hưởng đến cuộc sống ang ngày của họ, ngay cả khi họ ủng hộ nó nói chung.

putin0

Putin ngày càng phải đối mặt với sự tấn công từ mọi phía.

Khi nền kinh tế Nga ngày càng chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc chiến của Putin và số người chết ang lên, họ có thể ngày càng vỡ mộng với sự lãnh đạo của Putin.

Mặt khác, những người theo đường lối cứng rắn muốn Putin tiến xa hơn, đưa cuộc chiến tới Ukraine và NATO và làm ang khả năng xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân.

Nhiều blogger quân sự đã công khai chỉ trích chiến lược xâm lược của Putin và các tướng lĩnh của ông ta.

Vũ Quang (Tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 08/12/2022

*************************

Các căn cứ quân sự trên lãnh thổ Nga liên tục bị tấn công bằng drone

Thùy Dương, RFI, 06/12/2022

Một kho chứa nhiên liệu trong một căn cứ quân sự của Nga tại vùng Kursk, miền tây, sát với biên giới Ukraine hôm 06/12/2022 đã bốc cháy do bị trúng drone của Ukraine. Hôm qua, 2 căn cứ không quân khác ở miền trung nước Nga cũng đã bị tấn công.

nga1

ImageSat International công bố những hình ảnh cho thấy một vụ nổ tại căn cứ không quân Dyagilevo ở Nga. (ImageSat quốc tế)

Hãng tin Nga RIA cho biết lính cứu hỏa vẫn đang tiếp tục dập lửa, đám cháy hiện đã lan rộng ra 500m2. Thống đốc vùng Kursk của Nga, Roman Starovoyt, hôm nay thông báo trên mạng Telegram là vụ tấn công không có thiệt hại về nhân mạng, đám cháy đã được dập, các lực lượng khẩn cấp đã được điều đến hiện trường. Nhà chức trách cũng đã triệu tập cuộc họp của ủy ban chống khủng bố.

Thông báo của thống đốc vùng Kursk của Nga được đưa ra trong bối cảnh Bộ Quốc phòng Nga tối hôm qua 05/12 khẳng định 2 căn cứ không quân của Nga ở Riazan và Saratov, miền trung đất nước, đã bị tấn công bằng drone vào sáng hôm qua, khiến 3 người chết và 4 người bị thương. Hai phi cơ của Nga bị hư hại.

Drone do chính Ukraine chế tạo?

Bộ Quốc Phòng Nga tố cáo đó là các vụ tấn công “khủng bố” và cho biết các drone bay ở tầm thấp và đã bị bắn hạ. Theo AFP, thông cáo của Bộ Quốc phòng Nga khẳng định chính quyền Kiev đã cố thực hiện các vụ không kích bằng drone được thiết kế từ thời Liên Xô và tìm cách phá hỏng các máy bay tầm xa của quân Nga, những phi cơ đã được dùng để oanh kích nhiều cơ sở hạ tầng năng lượng trên lãnh thổ Ukraine trong những tuần qua. Serhiy Zgurets, nhà phân tích quân sự Ukraine, cho biết các căn cứ không quân bị nhắm bắn là những căn cứ duy nhất của Nga có khả năng tiếp nhận các oanh tạc cơ mà quân Nga đã dùng để ném bom Ukraine.

New York Times trích dẫn một quan chức Ukraine cho biết drone tham gia vào cuộc tấn công vào 2 căn cứ quân sự nói trên đã được phóng đi từ lãnh thổ Ukraine và ít nhất 1 vụ oanh kích đã có sự trợ giúp của lực lượng đặc nhiệm có mặt gần căn cứ quân sự của Nga. Thế nhưng, chính quyền Kiev hiện vẫn chưa trực tiếp nhận trách nhiệm về các vụ tấn công này.

Còn tại Nga, trên mạng xã hội, nhiều người bình luận rằng nếu các lực lượng Ukraine có thể tấn công vào sâu trong lãnh thổ Nga thì cũng có thể tấn công tới tận thủ đô Matxcơva. Căn cứ không quân Engels ở vùng Saratov nằm cách lãnh thổ Ukraine 600km và căn cứ không quân Diaguilevo trong vùng Riazan nằm cách thủ đô Matxcơva 200km.

Thùy Dương

************************

Có báo cáo về các vụ nổ tại hai sân bay quân sự ở Nga

BBC, 05/12/2022

Một số người đã thiệt mạng trong các vụ nổ tại hai sân bay quân sự của Nga, theo các báo cáo.

nga2

Hình ảnh vệ tinh dường như cho thấy các máy bay ném bom của Nga tại căn cứ không quân Engels

Một xe bồn chở nhiên liệu đã phát nổ khiến 3 người thiệt mạng và 6 người bị thương tại một sân bay gần thành phố Ryazan, phía đông nam thủ đô Moscow, truyền thông nhà nước Nga đưa tin.

Hai người khác được cho là đã bị thương trong vụ nổ ở một sân bay ở vùng Saratov.

Hiện chưa rõ nguyên nhân gây ra các vụ nổ. Cả hai khu vực đều cách biên giới Ukraine hàng trăm km.

Các máy bay ném bom chiến lược tầm xa của Nga được cho là đang đóng tại căn cứ không quân Engels ở vùng Saratov.

Thống đốc vùng Saratov cho biết lực lượng an ninh đang kiểm tra cái mà ông gọi là "các báo cáo về một sự cố tại các cơ sở quân sự".

Các báo cáo này - về hai vụ nổ tại hai địa điểm quân sự khác nhau - sẽ làm dấy lên suy đoán rằng Ukraine có thể đứng đằng sau, phóng viên BBC News tiếng Nga Steven Rosenberg nói.

Ukraine chưa đưa ra bình lun chính thc nào.

Tuy nhiên, cố vấn tổng thống Mykhaylo Podolyak dường như ám chỉ đến các sự cố được báo cáo trong một tweet viết rằng : "Nếu một thứ gì đó được phóng vào không phận của [một] quốc gia khác, thì sớm hay muộn các vật thể bay không xác định sẽ quay trở lại điểm khởi hành".

Hình ảnh vệ tinh được chụp từ Chủ Nhật dường như cho thấy một phi đội lớn máy bay ném bom hạng nặng của Nga tại căn cứ không quân Engels.

Chúng cho thấy những thứ dường như là máy bay ném bom chiến lược Tu-160 và Tu-95, mà có khả năng bắn tên lửa hành trình - một trong những vũ khí được sử dụng trong các cuộc tấn công vào Ukraine.

nga3

Các khu vực căn cứ quân sự cách biên giới Ukraine hàng trăm cây số

nga4

Các vụ nổ xảy ra sau khi hình ảnh vệ tinh được công bố vào tuần trước cho thấy hoạt động gia tăng của máy bay quân sự tại căn cứ không quân Engels.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã được thông báo về hai sự cố này, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết.

Khi được yêu cầu bình luận về hai vụ nổ, ông Peskov nói trong cuộc họp báo với giới truyền thông hôm thứ Hai rằng ông không có thông tin về các vụ việc và chỉ xem tin tức về chúng trên truyền thông.

Trong khi đó, Ukraine cho biết Nga đã tiến hành một đợt tấn công tên lửa mới vào nước này, với báo động trên không được ban bố ở Kyiv và ở hầu hết các khu vực.

Nguồn : BBC, 05/12/2022

*************************

Nga tiếp tục bắn phá hệ thống điện của Ukraine

Chi Phương, RFI, 06/12/2022

Đăng ngày: 06/12/2022 - 11:35Sửa đổi Hôm 06/12/2022, Ukraine đang nỗ lực sửa chữa hệ thống điện bị hư hại sau loạt tên lửa mới của Nga vào hôm qua. Người dân Ukraine hiện phải sống trong cảnh chiến tranh không điện, không nước, trong băng giá miền Đông Âu.

555555555555555555555555555

Người dân chuẩn bị thức ăn trên một con phố ở thị trấn Irpin, tây bắc Kiev, Ukraine, ngày 04/12/2022. AFP – Dimitar Dilkoff

Theo AFP, lãnh đạo của công ty năng lượng Ukrenergo cho rằng đây là hành động cố ý, "để khiến người Ukraine ngày càng lầm than". Dự báo thời tiết cho biết vào hôm nay và ngày mai, nhiệt độ có thể xuống thấp kỷ lục ở Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tố cáo Nga đã "chọn thời điểm để gây thiệt hại tối đa cho hệ thống năng lượng của Ukraine". Sau hàng loạt vụ pháo kích kể từ mùa thu cho đến nay, gần một nửa cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine đã bị hư hại. 

Từ Kiev, thông tín viên RFI Stéphane Siohan ghi nhận các khó khăn dân Ukraine đang gánh chịu :

"Theo tôi, tình hình khá tế nhị, khó khăn cho dù có thể còn tồi tệ hơn. Vì sao ư ? Bởi vì theo chính quyền Ukraine, lực lượng phòng không đã bắn chặn được 60 trong tổng số 70 tên lửa được bắn vào nước này. Đây là một con số lớn, nhưng điều đó cũng có nghĩa là có những tên lửa đã bắn trúng mục tiêu, nhất là ở vùng Kiev, vùng Vinnytsia ở miền trung, và thành phố Odessa ở miền nam.

Ngay chiều hôm qua, công ty cung cấp năng lượng Ukrenergo đã cắt điện khẩn cấp ở nhiều khu vực để ổn định lại lưới điện, và để duy trì cân bằng giữa sản xuất và tiêu thụ. Kết quả là ngày hôm qua, phần lớn thành phố Kiev chìm trong bóng tối. Nước cũng bị cúp ở Odessa và Zaporijia. Đêm qua, tại thủ đô Kiev, nhiệt độ đã xuống khoảng âm 10°C.

Trong những ngày sắp tới, các nhà sản xuất điện sẽ ưu tiên cung cấp cho các cơ sở hạ tầng của đất nước. Tình hình của người dân sẽ tiếp tục cực kỳ căng thẳng."

Chi Phương

***********************

Chiến tranh Ukraine : Tại Bakhmut, Nga có thể đã mất từ 50 đến 100 lính mỗi ngày

Minh Anh, RFI, 05/12/2022

Chiến sự vẫn diễn ra dữ dội ở mặt trận miền Đông Ukraine, nhất là tại Bakhmut. Theo phát ngôn viên quân đội Ukraine, tại chiến trường này, mỗi ngày Nga mất khoảng từ 50-100 quân trong các cuộc giao tranh nhằm chiếm thành phố Bakhmouth, vùng Donbass, phía đông Ukraine. 

6666666666666666666666

Lính cứu hỏa Ukraine đang dập lửa, trong khi quân Nga vẫn đang tấn công gần Bakhmut, vùng Donetsk, ngày 06/11/2022 via Reuters - Ukrainian Armed Forces

Theo Le Monde, phát biểu trên kênh truyền hình hôm Chủ Nhật, 04/12/2022, ông Serhi Cheravaty, phát ngôn viên quân đội Ukraine còn cho rằng số lính Nga bị thương thường nhật cũng nằm trong khoảng này. Ông thừa nhận "tình hình chiến trường là hết sức khó khăn" nhưng hiện tại lực lượng Ukraine kháng cự được với các cuộc tấn công. 

Hiện tại, Moskva không thông báo cũng không bình luận gì về số thương vong của quân đội Nga trên chiến trường. 

Hôm nay, theo bản tin thường nhật của Bộ Quốc phòng Anh, nhịp độ hoạt động của các chiến đấu cơ chiến thuật của Nga trên không phận Ukraine "đã giảm hẳn đáng kể", xuống còn "vài chục phi vụ mỗi ngày" thay vì là 300 lượt, mức cao nhất trong tháng 3/2022. 

Trong cuộc xung đột này, Nga cũng đã bị thiệt mất 60 chiến đấu cơ. Theo nhận định của Bộ Quốc phòng Anh, số lượng các chiến dịch không quân giảm mạnh rất có thể là hệ quả của mối nguy cao từ hệ thống phòng không Ukraine, hạn chế số giờ bay cho chiến đấu cơ Nga và do điều kiện thời tiết xấu.

Trong lãnh vực nhân đạo, văn phòng tổng chưởng lý Ukraine hôm nay cho biết : cuộc chiến do Nga phát động nhắm vào Ukraine đã giết chết 443 trẻ em và làm 851 em khác bị thương nặng. Các vùng Donetsk, Kharkiv, Kiev… là những khu vực có số thương vong cao nhất, trên 100 em. 

Toretsk : Thành phố mỏ than "chết dần" vì lạnh

Chính quyền Kiev hôm qua cũng cho biết thêm là hơn 500 địa phương vẫn chưa có điện sau các vụ oanh kích của Nga nhắm vào các cơ sở năng lượng Ukraine. Tại thành phố Toretsk, ở vùng Donbass, các trận oanh kích càng lúc càng dữ dội và dày đặc hơn. Người dân khu khai thác than đá, vốn chiếm đến 30% hoạt động kinh tế vùng, ngày nay phải sống trong cảnh tăm tối và giá rét do Nga nhắm bắn phá mọi điểm cơ sở năng lượng, buộc nhiều người dân phải bỏ chạy. 

Từ Toretsk, đặc phái viên đài RFI Clea Broadhurst gởi về bài phóng sự : 

"Ngày mai, sếp tôi thế nào cũng đập tôi thành mảnh vụn, ông ấy biết là giới báo chí đang ở đây". 

Một điều bị cấm nói liên quan đến các khu mỏ đang bao trùm thành phố Toretsk như vị quản đốc này xác nhận ngay tại một trong số hai lối vào khu mỏ cuối cùng vẫn còn hoạt động trước khi có chiến tranh. 

Hai khu mỏ này đã ngừng khai thác than sau các vụ oanh kích của Nga. Nhưng vì lý do an toàn, các thợ mỏ phải bơm nước ra ngoài để tránh cho khu mỏ bị ngập nước đến mức không bao giờ có thể hoạt động trở lại. 

Bà Tatiana đã 65 tuổi, lưng đã còng, đang đẩy một chiếc xe nhỏ chở các chiếc thùng rỗng. Bà sẽ đi lấy nước từ một bể chứa nước chung. Bà làm việc tại khu mỏ này được 37 năm.

Bà giải thích : "Nếu họ không bơm nước ra, thành phố sẽ bị tiêu tan. Nước sẽ tràn ra khắp nơi, cuốn đi không riêng gì thành phố chúng tôi. Hoàn cảnh chúng tôi thật sự là khó khăn. Khai thác than, là miếng cơm của chúng tôi. Giờ thì không thể khai thác được nữa…".

Những mỏ than ở Toretsk là lá phổi nuôi sống thành phố, nơi được một phần lớn người dân xem như là ngôi nhà thứ hai. Ngày nay, giống như Nelya, họ cảm thấy bị bỏ rơi tại thành phố này. 

Bà nói : "Một số người nói rằng chúng tôi là những người đòi ly khai, rằng chúng tôi mong đợi nước Nga. Nhưng chúng tôi đâu có mong đợi nước Nga. Họ không hiểu là lương hưu của tôi chỉ có 55 euro mỗi tháng. Tôi chẳng thể đi đâu được hết. Tình trạng ở đây là hỗn loạn, vô chính phủ, chẳng còn ai nữa cả. Các mỏ than không còn hoạt động nữa, đây là một thành phố chết. Sẽ chẳng có ai đến sửa chữa thành phố đâu !" 

Không điện, không nước từ nhiều tháng qua, thành phố mỏ than đang chết lịm dần…"

Minh Anh

Additional Info

  • Author Vũ Quang, Thùy Dương, BBC tiếng Việt, Chi Phương, Minh Anh
Published in Diễn đàn

Iran sẽ cung cấp tên lửa và bán thêm drone cho Nga

Trọng Nghĩa, RFI, 19/10/2022

Iran đã cam kết cung cấp cho Nga một số loại tên lửa địa đối địa và thêm nhiều drone. Theo hãng tin Anh Reuters ngày 18/10/2022, hai quan chức cao cấp và hai nhà ngoại giao Iran đã xác nhận nguồn tin trên, từng được nhật báo Mỹ The Washington Post tiết lộ ngày 16/10.

iran1

Ảnh do lực lượng Vệ Binh Cách Mạng Iran công bố : Các tên lửa Iran sản xuất trong cuộc tập trận ngày 17/10/2022 ở phía tây bắc Iran. AP

Theo Reuters, Nga và Iran đã đạt được thỏa thuận mua bán vũ khí kể trên ngày 6/10 nhân chuyến thăm Moskva của phó tổng thống thứ nhất Iran, ông Mohammad Mokhber, cùng với hai quan chức cấp cao của lực lượng Vệ binh cách mạng và một quan chức của Hội đồng An ninh quốc gia tối cao Iran.

Một trong 2 nhà ngoại giao Iran cho biết nguyên văn như sau : "Nga đã yêu cầu thêm nhiều drone và tên lửa đạn đạo của Iran với độ chính xác được cải thiện, bao gồm tên lửa Fateh và Zolfaghar".

Một quan chức phương Tây nắm rõ vấn đề đã xác nhận thông tin này, giải thích rằng Iran và Nga đã đạt được thỏa thuận về việc cung cấp tên lửa đạn đạo địa đối địa tầm ngắn, bao gồm cả loại Zolfaghar.

Cho dù Bộ Quốc phòng Nga vẫn phủ nhận thông tin, nhưng thực tế cho thấy là Iran đã chuyển giao cho Moskva loại drone Shahed, đang được Nga sử dụng trên chiến trường Ukraine.

Thậm chí, theo tiết lộ của nhật báo Mỹ The New York Times, Iran còn cử cán bộ đến vùng Crimea để huấn luyện quân đội Nga sử dụng các loại drone mà Moskva đặt mua. Các huấn luyện viên này thuộc lực lượng Vệ binh cách mạng Iran và được bố trí ở những nơi xa tiền tuyến.

NATO sẽ cung cấp cho Ukraine thiết bị gây nhiễu để chống drone

Trong bối cảnh Quân đội Nga tăng cường sử dụng drone để đánh vào các cơ sở Ukraine, Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO dự kiến ​​cung cp hàng trăm thiết bị gây nhiễu tín hiệu cho Ukraine để giúp chống lại mối đe dọa từ các loại drone.

Phát biểu nhân một hội nghị ở Berlin, tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết các hệ thống này "sẽ giúp đối phó với mối đe dọa cụ thể từ máy bay không người lái, tất nhiên bao gồm cả các loại drone do Iran sản xuất…"

Theo ông Kyrylo Budanov, giám đốc tình báo quân sự Ukraine, Iran đã cung cấp cho Nga lô hàng đầu tiên bao gồm 1.750 chiếc drone loại Shahed, và Moskva đã đặt mua thêm nhiều lô khác.

Theo Bộ Ngoại giao Ukraine, trong 10 ngày qua, hơn 100 chiếc drone "cảm tử" do Iran chế tạo đã tấn công các nhà máy điện, nhà máy xử lý nước thải, các tòa nhà dân cư, cầu cống và các mục tiêu khác ở các khu đô thị Ukraine.

Liên Hiệp Quốc : Anh, Pháp và Mỹ sẽ đưa vấn đề drone Iran ra trước Hội đồng Bảo an

Theo Reuters, các nguồn tin ngoại giao cho biết Anh, Pháp và Mỹ có kế hoạch nêu lên các vụ chuyển giao vũ khí từ Iran sang Nga tại cuộc họp kín của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vào hôm nay, 19/10.

Đối với Ukraine, việc Iran cung cấp drone cho Nga đã vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an về việc chuẩn y thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Tehran.

13 drone bị bắn rơi vùng Mikolaiv

Trên chiến trường, drone "cảm tử" do Iran chế tạo tiếp tục được Quân đội Nga sử dụng. Trong một tin nhắn Telegram vào hôm nay, 19/10, ông Vitali Kim, thống đốc vùng Mykolaiv cho biết là trong đêm hôm qua, rạng sáng hôm nay, vùng Mykolaiv đã hai lần bị drone Shahed-136 của tấn công, và 13 chiếc đã bị bắn rơi.

Vào hôm qua, 18/10, Bộ Tổng tham mưu Ukraine khoe rằng lực lượng của Kiev đã bắn hạ được 38 chiếc Shahed-136 trong số 43 chiếc do quân đội Nga tung ra để tấn công trong vòng 24 tiếng đồng hồ.

Về phần mình, tổng thống Ukraine Zelensky khẳng định rằng việc Nga phải "cầu cứu" Iran là "sự công nhận của Điện Kremlin về sự phá sản quân sự và chính trị của họ".

Trọng Nghĩa

**********************

Mỹ đe dọa trừng phạt quốc gia, doanh nghiệp hợp tác với chương trình drone Iran

Trọng Thành, RFI, 18/10/2022

Sau các vụ tấn công tại Ukraine bằng drone, bị tình nghi do Iran sản xuất, hôm 17/10/2022, Hoa Kỳ đe dọa trừng phạt các nước, các doanh nghiệp hợp tác với chính quyền Tehran trong chương trình chế tạo drone.

iran2

Một kho chứa các loại drone của Iran, ngày 28/05/2022. AP

Theo AFP, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ, Vedant Patel, trong buổi họp báo hàng ngày, nhấn mạnh là "liên minh Iran - Nga đang được củng cố cần phải coi là một hiểm họa nghiêm trọng với đối với toàn thế giới", và Hoa Kỳ "sẽ không lưỡng lự khi sử dụng các biện pháp trừng phạt nhắm vào những người chịu trách nhiệm chính". Trừng phạt không chỉ nhắm vào giới chức Iran mà "tất cả những ai có các hoạt động phối hợp với Iran trong việc phát triển drone, hoặc tên lửa đạn đạo, hoặc tham gia vào việc vận chuyển các vũ khí của Iran sang Nga".

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết thêm là việc Moskva phải sử dụng đến các vũ khí của Iran cho thấy quân đội Nga đang chịu một "áp lực ghê gớm", sau nhiều thất bại tại Ukraine, buộc Moskva phải tìm mua cả các nguồn vũ khí với chất lượng "ít đáng tin cậy" như của Iran. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel thông báo, nhiều drone Iran bán cho Nga bị trục trặc, theo tin tức tình báo.

Đài France 24 dẫn lại thông tin của Washington Post, công bố hôm Chủ nhật 16/10, theo đó Iran có thể chuẩn bị cung cấp nhiều tên lửa tầm ngắn cho Nga, như Fateh-110 và Zolfaghar, có thể tấn công các mục tiêu tương ứng là 300 km và 700 km.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, trong một buổi trao đổi với báo giới tại Đại học Stanford, California, hôm qua, cũng ghi nhận việc quân đội Nga gia tăng tấn công vào các cơ sở hạ tầng dân sự, nhà máy điện, bệnh viện… là "một dấu hiệu cho thấy sự tuyệt vọng của Nga".

Trọng Thành

Additional Info

  • Author Trọng Nghĩa, Trọng Thành
Published in Quốc tế
Trang 1 đến 3