Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

28/02/2024

Chiến tranh Ukraine : Liên Âu nên hay không nên vào cuộc ?

Tổng hợp

Phương Tây nhất loạt bác khả năng đưa quân đến Ukraine theo ý tưởng của tổng thống Pháp

Anh Vũ, RFI, 28/02/2024

Phát biểu của tổng thống Pháp Emmanuel Macron " không loại trừ" khả năng trong tương lai đưa quân đội của phương Tây đến Ukraine để hỗ trợ Kiev chống Nga xâm lược đã làm dấy lên làn sóng phản ứng ngay lập tức từ trong nước Pháp đến hàng loạt các nước đồng minh.

ueuk1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và đồng nhiệm Ukraine Volodymyr Zelensky, điện Elysée, Paris, ngày 16/02/2024. AFP – Thibault Camus

Nếu như Ukraine đánh giá phát biểu của tổng thống Macron là "một tín hiệu tốt" thì lãnh đạo các nước đồng minh tích cực hậu thuẫn nhất cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga, từ Washington qua Luân Đôn đến Berlin trong ngày hôm qua đã lần lượt lên tiếng tỏ thái độ hoặc nghi ngại hoặc bác bỏ thẳng thừng.

Tại Washington, lần lượt các phát ngôn viên Nhà Trắng, bộ ngoại giao, bộ Quốc Phòng đã lên tiếng trong các cuộc họp báo ngày hôm qua. Phó phát ngôn viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ, Adrien Watson khẳng định : "Tổng thống Biden đã rất rõ ràng về việc Hoa Kỳ sẽ không đưa binh sĩ đến chiến đấu ở Ukraine".

Một quan chức của NATO xác nhận với AFP rằng : "NATO và các đồng minh đã hỗ trợ quân sự chưa từng có cho Ukraine. Chúng tôi đã làm việc đó từ năm 2014 và chúng tôi đã tăng tốc sau cuộc xâm lược của Nga trên quy mô lớn. Nhưng không có một dự định đưa quân chiến đấu của NATO đến chiến trường Ukraine".

Cùng ngày, một loạt các nước Châu Âu, như Tây Ban Nha, Ý, Ba Lan, Cộng Hòa Séc hay Hungary... đều đã lên tiếng khẳng định tiếp tục ủng hộ Ukraine bằng phương tiện, vũ khí khí tài nhưng không có chuyện đưa quân đến chiến đấu.

Phản ứng gay gắt và mạnh mẽ nhất có lẽ là từ Đức. Báo chí và chính giới đã liên tiếp có những bình luận tiêu cực xung quanh phát ngôn của tổng thống Pháp.

Thông tín viên Pascal Thibault tại Berlin tường trình :

Kênh truyền hình Nhà nước ARD bình luận cay nghiệt rằng đó là "một ý đồ đánh lạc hướng, muốn che đậy sư yếu kém trong chính sách Ukraine của Paris". Nhật báo bảo thủ Frankfurter Allgemeine chạy tựa chính "ông ta không nghiêm túc". Báo chí Đức đã đồng thanh phản ứng sau tuyên bố của tổng thống Pháp. 

Ông Emmanuel Macron bị chỉ trích đơn phương phát ngôn. Rộng hơn, các bình luận nhấn mạnh và lấy làm tiếc về việc các bất đồng giữa Berlin và Paris bị phơi bày.

Thủ tướng Scholz, hôm thứ Hai tại Paris, không phát biểu gì. Hôm qua, ông đã bác bỏ giả thuyết của tổng thống Pháp. Ông nói : "Những gì chúng ta đã quyết định với nhau ngay từ đầu có giá trị cho tương lai. Sẽ không có quân trên bộ được các quốc gia Châu Âu hay thành viên của NATO đưa đến Ukraine".

Là người vẫn thường bị chỉ trích tại Đức cũng về hồ sơ Ukraine, ông Olaf Scholz lần này được toàn thể chính giới đồng tình. Hai chuyên gia quốc phòng của đảng Xanh và đảng Dân chủ-Thiên Chúa giáo đánh giá là phát biểu của ông Emmanuel Macron nhằm để che đậy vấn đề chủ chốt là cung cấp bổ sung vũ khí cho Ukraine. Phe cực hữu và cực tả cùng quan điểm lên án nguy cơ làm leo thang xung đột.

Anh Vũ

***************************

Tổng thống Macron gợi ý điều quân đến Ukraine, các đồng minh NATO bác bỏ

Lipika Pelham & Lou Newton, BBC, 28/02/2024

Một số quốc gia NATO, gồm Mỹ, Đức và Anh, đã bác bỏ khả năng điều động lục quân đến Ukraine sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố "không nên loại trừ điều gì".

ueuk2

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu hôm thứ Hai 26/2 : "Không nên loại trừ điều gì. Chúng ta sẽ làm mọi thứ để nước Nga không thể chiến thắng cuộc chiến tranh [Ukraine] này".

Ông Macron nói "không có sự đồng thuận" về việc đưa binh sĩ phương Tây đến Ukraine.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã cảnh báo về một cuộc xung đột trực tiếp nếu quân đội NATO được điều động tới Ukraine.

Quân Nga gần đây đã có thêm bước tiến tại Ukraine và Kyiv cũng đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp cần có thêm vũ khí.

Ông Macron phát biểu trong cuộc họp báo vào tối thứ Hai (26/2) rằng : "Chúng ta không nên loại trừ khả năng có những nhu cầu an ninh đòi hỏi yếu tố điều động [binh sĩ].

"Nhưng tôi đã nói với qúy vị rất rõ ràng rằng về việc nước Pháp duy trì lập trường của mình như thế nào, đó là lập trường mơ hồ chiến lược mà tôi hậu thuẫn".

Nhà lãnh đạo Pháp phát biểu tại Paris, hiện đang chủ trì một cuộc họp để giải quyết khủng hoảng nhằm mang đến sự hậu thuẫn dành cho Ukraine, với sự tham dự của những người đứng đầu quốc gia ở Châu Âu, cũng như Mỹ và Canada.

Cuộc xâm lược tổng lực nhằm vào Ukraine do Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động hiện đã bước sang năm thứ ba và chưa có dấu hiệu nào cho thấy cuộc chiến tranh lớn nhất tại Châu Âu kể từ Thế chiến II sẽ sớm chấm dứt.

Bình luận của ông Macron đã dẫn đến phản ứng từ các quốc gia thành viên của Châu Âu và NATO.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tin rằng "con đường đến chiến thắng" là viện trợ vũ khí "để binh sĩ Ukraine có vũ khí và đạn dược mà họ cần để bảo vệ chính mình", theo một thông cáo của Nhà Trắng.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố không có sự thay đổi nào trong lập trường đã được đồng thuận, rằng sẽ không có quốc gia Châu Âu hoặc NATO nào đưa quân đến Ukraine.

Người phát ngôn của Thủ tướng Anh Rishi Sunak nói Anh không có kế hoạch về việc huy động quân sự quy mô lớn đến Ukraine vượt quá số ít quân nhân phụ trách huấn luyện cho lực lượng Ukraine.

Văn phòng Thủ tướng Ý Giorgia Meloni nói sự ủng hộ của Ý "không bao gồm sự hiện diện binh lính từ các quốc gia Châu Âu hoặc NATO trên lãnh thổ Ukraine".

Đại diện Kremlin, ông Peskov, đã gọi lời đề nghị của ông Macron là "một yếu tố mới rất quan trọng" và cho biết thêm điều này tuyệt đối không nằm trong lợi ích của các quốc gia thành viên NATO.

"Trong trường hợp đó, điều chúng ta có thể thấy không phải là có xảy ra hay không, mà là chắc chắn sẽ xảy ra [một sự xung đột trực tiếp]", ông nói.

Trước đó, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã bác bỏ việc cân nhắc liệu có đưa binh sĩ đến Ukraine hay không, mặc dù ông khẳng định liên minh này sẽ vẫn tiếp tục hậu thuẫn Ukraine, quốc gia không phải là thành viên NATO.

Lập trường này đã được một số quốc gia thành viên NATO hưởng ứng, bao gồm Tây Ban Nha, Ba Lan và Czech.

Nga có nguồn đạn pháo và lực lượng quân đội lớn hơn nhiều so với Ukraine, quốc gia vốn đang phải rất phụ thuộc vào nguồn khí tài hiện đại do các đồng minh phương Tây cung cấp, đặc biệt là từ Mỹ.

Cuộc họp 'căng thẳng nhất'

Hôm thứ Ba 27/2, ông Biden đã hối thúc các lãnh đạo trong Quốc hội Mỹ phê chuẩn gói viện trợ trị giá 95 tỷ USD, bao gồm 60 tỷ USD dành cho Ukraine, trong cuộc họp ở Phòng Bầu dục.

Gói viện trợ này đã trải qua một cuộc vật lộn khó khăn tại Hạ viện Mỹ. Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson đã giữ vững lập trường trong cuộc họp, khẳng định trước hết phải có thêm các cải cách liên quan đến vấn đề biên giới.

Ông Johnson đã tuyên bố khủng hoảng tại biên giới Mexico-Mỹ là ưu tiên của ông và ông Biden đã đề xuất gói viện trợ này sẽ bao gồm các đề xuất cải cách biên giới - nhưng Đảng Cộng hòa không khoan nhượng.

Lãnh đạo phe Đa số Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer nói đây là một cuộc họp ở Phòng Bầu dục "căng thẳng nhất" mà ông đã từng tham gia.

Mỹ cho đến nay vẫn là quốc gia viện trợ quân sự lớn nhất dành cho Ukraine và đã cam kết 45 tỷ USD tính đến ngày 15/1, theo dữ liệu của Viện Kiel.

Đức xếp thứ hai trong với các cam kết trị giá 17,7 tỷ euro, xét trong cùng thời kỳ, theo sau là Anh với 9,1 tỷ euro viện trợ quân sự.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tham dự một cuộc họp ở Paris hôm thứ Hai (26/2) qua video và ông nói rằng "việc chúng ta cùng nhau làm tất cả để chống lại sự áp bức của Nga đã mang đến nền an ninh thật sự cho các quốc gia của chúng ta trong các thập niên tiếp theo".

Lipika Pelham & Lou Newton

Nguồn : BBC, 28/02/2024

***************************

Tổng thống Pháp "không loại trừ" việc Châu Âu đưa quân đến Ukraine trong tương lai

Trọng Thành, RFI, 27/02/2024

Tại hội nghị bàn về yểm trợ Ukraine chống quân Nga xâm lược ở Paris hôm 26/02/2024, tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố Châu Âu không loại trừ bất cứ nỗ lực nào, kể cả việc đưa các lực lượng Châu Âu đến Ukraine trong tương lai, bởi thắng lợi của Nga trực tiếp đe dọa an ninh của châu lục. Cũng trong dịp này, nguyên thủ Pháp thông báo một số nước Châu Âu quyết định thành lập một liên minh hỗ trợ Kiev về "tên lửa tầm trung và tầm xa".

ueuk3

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu trong cuộc họp báo tại điện Elysée, Paris, ngày 26/02/2024, nhân hội nghị bàn về yểm trợ Ukraine chống quân Nga xâm lược. AP - Gonzalo

Tổng thống Emmanuel Macron phát biểu : "Hiện tại chưa có được đồng thuận về quyết định việc chính thức đưa các lực lượng Châu Âu đến Ukraine, nhưng với đà diễn biến hiện nay, không thể loại trừ bất cứ điều gì. Chúng tôi sẵn sàng làm tất cả để Nga không thể thắng trong cuộc chiến này. Chúng tôi có niềm tin vững chắc là thất bại của Nga là cần thiết để bảo đảm an ninh và sự ổn định của Châu Âu".

Hiện tại đã có 8 liên minh hậu thuẫn Ukraine và cần phải củng cố các liên minh này để cung cấp vũ khí đạn dược cho Kiev. Tổng thống Pháp thông báo các nước đồng minh quyết định lập liên minh thứ 9, hỗ trợ Ukraine "tấn công sâu trong lòng địch, cụ thể là với tên lửa và bom tầm trung và tầm xa".

Về việc đưa quân sang Ukraine, theo AFP, tổng thống Pháp khẳng định thực hiện "chiến lược mập mờ". Trong khi đó, thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson, hôm nay 27/02, cho biết hiện tại chính quyền Kiev "chưa yêu cầu" các nước Châu Âu đưa quân tham chiến. Nhưng ông cũng không loại trừ khả năng này. Tuy nhiên, không dễ dàng có được sự đồng thuận của Châu Âu về việc này. Tại Paris, hôm qua, thủ tướng Slovakia Robert Fico, có lập trường thân Nga, tuyên bố, bất luận thế nào chính phủ nước này cũng không đưa binh sĩ tới Ukraine.

Về phía Nga, phát ngôn viên điện Kremlin hôm nay cảnh báo việc đưa đưa binh sĩ đến Ukraine "hoàn toàn không phục vụ lợi ích của Châu Âu", đồng thời nhấn mạnh là chỉ riêng việc nêu lên khả năng này cũng đã là "một yếu tố mới rất quan trọng" đối với cuộc xung đột đang diễn ra.

Khoảng 15 nước Châu Âu sẵn sàng chi tiền mua vũ khí ngoài Châu Âu cho Ukraine

Theo Le Monde, cũng sau hội nghị hôm qua ở Paris, thủ tướng Cộng Hòa Séc Petr Fiala tuyên bố khoảng 15 quốc gia sẵn sàng tham gia sáng kiến của Praha mua đạn pháo sản xuất ngoài Châu Âu, giúp Ukraine. Thủ tướng Mark Rutte cho biết Hà Lan sẽ đóng góp hơn 100 triệu euro.

Về phần mình, thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa thông báo các bộ trưởng Quốc Phòng Châu Âu trong 10 ngày tới sẽ đưa ra một kế hoạch cụ thể nhằm tăng cường khả năng cung cấp đạn dược cho Kiev.

Trọng Thành

***************************

Chiến tranh Ukraine : Quân đội Nga tuyển dụng người Ấn Độ đưa ra mặt trận

Minh Anh, RFI, 28/02/2024

Ngày 26/02/2024, chính quyền New Dehli xác nhận Nga đã tuyển dụng nhiều công dân Ấn Độ để chiến đấu ở chiến trường Ukraine. Thông tin này được đưa ra vào lúc thân nhân những người này lo lắng không nhận được tin tức từ họ. New Dehli đang đàm phán với Moskva để hồi hương số công dân này.

ueuk4

Tại chiến trường vùng Donetsk, đông Ukraine, ngày 23/02/2024. Ảnh chụp một nhóm binh sĩ Ukraine. AFP – Anatolyi Stepanov

Từ New Dehli, thông tín viên đài RFI Sebastien Farcis tường thuật :

Hồi cuối năm rồi, chàng trai trẻ Mohammed Sufiyan được tuyển dụng với tư cách chỉ là nhân viên bảo vệ bình thường của quân đội Nga. Anh đến Moskva với hy vọng có được một mức lương cao. Nhưng nhanh chóng, họ trao vũ khí cho anh để chiến đấu ở mặt trận chống quân đội Ukraine. Hiện giờ, gia đình anh rất lo lắng vì họ không còn nhận được tin tức của anh nữa, theo như lời kể từ Imran, người anh trai với hãng thông tấn ANI của Ấn Độ.

"Một người Ấn Độ khác đến từ vùng Kashmir, đang có mặt ở đó, cho biết anh trai của tôi bị bắn vào chân và không thể đi lại được nữa. Nhưng chúng tôi cũng không biết gì thêm từ hai tháng nay. Những nhân viên đến tuyển mộ đã không nói với anh rằng anh sẽ ra chiến trường".

Theo một điều tra của tờ báo The Hindu, khoảng một trăm người Ấn Độ có lẽ đã được quân đội Nga thuê như là nhân viên bảo vệ với hợp đồng một năm. Nhiều người trong số họ có lẽ đã bị đẩy ra mặt trận và có nhiều người đã bị thương. Trước các áp lực từ gia đình, ngoại trưởng Ấn Độ hôm thứ Hai, 26/02, thông báo ông đã có cuộc hội đàm với các đồng nhiệm Nga và nhiều người Ấn Độ dường như đã được giải ngũ.

Minh Anh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Anh Vũ, Lipika Pelham & Lou Newton, Trọng Thành, Minh Anh
Read 276 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)