Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

28/07/2024

Chiến tranh Ukraine : Nga bên ngoài cương, bên trong sợ bị bỏ rơi

RFI - VOA

Ngoại trưởng Nga tin Trung Quốc không "thay lòng đổi dạ"

Trọng Thành, RFI, 28/07/2024

Ngày 27/07/2024, trong cuộc gặp người đồng cấp Trung Quốc, ngoại trưởng Nga tin tưởng là lập trường của Bắc Kinh về xung đột Nga - Ukraine không thay đổi. Tuyên bố được ông Serguei Lavrov đưa ra vào lúc ngoại trưởng Ukraine trong chuyến công du Trung Quốc trong tuần qua khẳng định Bắc Kinh đã gửi một "tín hiệu rõ ràng" thừa nhận chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Thực hư ra sao ?

ngauk1

Lãnh đạo ngoại giao Ukraine, Dmytro Kuleba (trái) và ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (P) tại Quảng Châu, ngày 24/07/2024. AP

Theo AFP, trả lời báo giới bên lề hội nghị ngoại trưởng ASEAN mở rộng tại Vientiane, Lào, ông Lavrov thông báo đã nêu vấn đề này với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi), và ông "cảm thấy" phía Trung Quốc không hề thay đổi quan điểm. Đối với ngoại trưởng Nga, lập trường của Bắc Kinh là đàm phán về một giải pháp hòa bình cho chiến tranh Ukraine chỉ có thể diễn ra khi "điều kiện cho đàm phán" được tất cả các bên chấp thuận. Mà đối với Nga, "điều kiện tiên quyết" là Kiev phải chấp nhận nhượng lại chủ quyền của bốn tỉnh miền đông và đông nam cho Moskva.

Lãnh đạo ngoại giao Nga cũng mỉa mai là Kiev "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" : tổng thống Ukraine tuyên bố sẵn sàng thương lượng trong lúc ngoại trưởng Ukraine thì lại nói điều ngược lại (là Kiev không thể bị ép buộc phải thương lượng với Nga). Ông Lavrov khẳng định "thành thật mà nói, tôi không thèm quan tâm đến các phát biểu của họ".

Cho đến nay, chế độ Putin duy trì quan hệ hợp tác được coi là mật thiết với Bắc Kinh, đặc biệt kể từ cam kết "tình hữu nghị không giới hạn" mà tổng thống Nga và chủ tịch Trung Quốc đưa ra ít tháng trước khi Moskva phát động cuộc chiến xâm lược Ukraine, cuối tháng 2/2024. Bắc Kinh được coi là một chỗ dựa vững chắc cho cuộc xâm lược Ukraine của Nga, đặc biệt với việc cung cấp các mặt hàng "lưỡng dụng", có thể dùng cho mục tiêu quân sự, vốn liên tục bị các đồng minh của Ukraine lên án. Bắc Kinh chưa bao giờ lên án Moskva xâm lược, và cũng chưa bao giờ trực tiếp đòi hỏi Nga tôn trọng chủ quyền của Ukraine. Trước chuyến công du của ngoại trưởng Kuleba, tổng thống Ukraine đã cực lực lên án Trung Quốc phá hoại hội nghị quốc tế vì hòa bình cho Ukraine tại Thụy Sĩ, hồi tháng 6/2024.

Ngoại trưởng Ukraine khen Trung Quốc không đứng về phe Nga

Trên thực tế, phát biểu của ngoại trưởng Ukraine, bị lãnh đạo ngoại giao Nga bác bỏ, đáng được chú ý. Phát biểu này được đưa ra vào lúc ông Dmytro Kuleba đang có chuyến công du Trung Quốc bốn ngày. Đây là chuyến đi đầu tiên của một lãnh đạo cấp cao Ukraine đến Trung Quốc kể từ đầu chiến tranh.

Ngay trước khi ngoại trưởng Trung Quốc sang Lào dự hội nghị, hai ông Vương Nghị và Dmytro Kuleba đã có cuộc hội đàm hơn 3 giờ tại Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông hôm 24/07.  Báo Hồng Kông South China Morning Post (SCMP) hôm 26/07, trong bài "Vì sao lãnh đạo ngoại giao Ukraine gặp ông Vương Nghị tại Quảng Đông ?", dẫn lời nhà ngoại giao từ Kiev, trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo Ukraine TSN. Theo đó, Bắc Kinh rõ ràng đang hướng đến các giải pháp bền vững cho xung đột, chứ "không phải giải pháp nhất thời". Ông Kuleba thuật lại quan điểm của Vương Nghị : chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine là "không gì lay chuyển", và Bắc Kinh không đứng về phe Nga hay phe Ukraine, mà xem xét vấn đề theo các lợi ích quốc gia của mình.

Vì sao là Quảng Đông ?

Theo SCMP, ngoại trưởng Ukraine còn dùng những lời lẽ như sau để đề cao quan điểm của phía Trung Quốc : "Những ai tin rằng Bắc Kinh đứng về phía Nga hay về phía Ukraine đã mắc phải sai lầm nghiêm trọng, hoặc chỉ nhìn nhận một cách hời hợt về tầm nhìn chiến lược của Trung Quốc đối với diễn biến tình hình thế giới, chứ không chỉ riêng về Ukraine".

SCMP dẫn lại quan điểm của một số nhà quan sát, trong đó có ông Wang Yiwei, giáo sư quan hệ quốc tế Đại học Nhân dân (Bắc Kinh), theo đó, địa điểm Quảng Châu – "ít long trọng" hơn Bắc Kinh - đã được hai bên lựa chọn, để cho phép Trung Quốc và Ukraine có thể khôi phục quan hệ. Trước chiến tranh, Trung Quốc vốn là đối tác kinh tế số một của Ukraine, và Ukraine là một trong những nước đầu tiên tham gia dự án Con đường Tơ lụa của Trung Quốc.

Quảng Đông, tỉnh có nền kinh tế mạnh nhất của Trung Quốc, được lựa chọn, bởi đây có thể là địa điểm thuận lợi cho các đối thoại "thoải mái" giữa hai bên và không gây ấn tượng là Trung Quốc bắt đầu nghiêng về phía Ukraine. Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình cũng không gặp ngoại trưởng Ukraine trong dịp này.

"Tín hiệu" công nhận chủ quyền Ukraine cùng lúc với biện pháp siết xuất khẩu "hàng lưỡng dụng" ?

Trong khi đó, nhà nghiên cứu Björn Alexander Düben, một chuyên gia về Trung Quốc và Nga, không hề lạc quan về chuyến đi Trung Quốc đầu tiên của một quan chức cấp cao Ukraine đối với triển vọng hòa bình cho Ukraine. Trong một bài viết trên The Diplomat (Chuyến đi của ông Kuleba có mở ra một chương mới cho quan hệ Ukraine - Trung Quốc hay không ?), ông nhấn mạnh đến việc cho đến gần đây Bắc Kinh vẫn cố tình không muốn có các quan hệ cấp cao với Kiev. Đại sứ Ukraine tại Trung Quốc, kể từ khi được bổ nhiệm mùa hè năm ngoái đến tháng 3/2024 vừa qua, chỉ có một vài cuộc họp với đối tác Trung Quốc. Ngoại trưởng Ukraine trong chuyến công du này chỉ được phép gặp duy nhất một quan chức Trung Quốc cao cấp là ông Vương Nghị.

Tuy nhiên, vẫn theo chuyên gia Björn Alexander Düben, có vẻ như bối cảnh tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chững lại và nhiều trừng phạt từ phía phương Tây có phần đang làm Bắc Kinh thay đổi chính sách. Đầu tháng 7 này, Bắc Kinh đã ban hành "một số biện pháp kiểm soát xuất khẩu bổ sung đối với nhiều loại sản phẩm và hàng hóa lưỡng dụng, có thể được sử dụng trong ngành công nghiệp quân sự". Một số công ty Trung Quốc, bao gồm một nhà sản xuất khí hóa lỏng quan trọng trong dự án khí đốt hóa lỏng LNG 2 ở Bắc Cực của Nga (Arctic LNG 2), đã tuyên bố sẽ cắt giảm hoạt động tại Nga.

Theo Björn Alexander Düben, chuyến công du Trung Quốc của Kuleba không hề là một "bước tiến quyết định", nhưng cũng có lý do để Kiev hy vọng Bắc Kinh sử dụng "một số đòn bẩy" với Nga để thúc đẩy một kết thúc hòa bình cho cuộc chiến ở Ukraine.

Trọng Thành

**************************

Nga : Kho dầu ở Kursk bốc cháy sau cuộc tấn công bằng drone của Ukraine

AP, VOA, 28/07/2024

Ba bồn chứa tại một kho chứa dầu ở khu vực Kursk của Nga đã bốc cháy vì một cuộc tấn công bằng drone (máy bay không người lái) do Ukraine phát động, Quyền Thống đốc khu vực này, ông Alexei Smirnov, cho biết hôm 28/7.

ngauk2

Drone của Ukraine tấn công vào một nhà máy lọc dầu của Nga. [Ảnh minh họa]

Ông Smirnov cho biết trên ứng dụng nhắn tin Telegram rằng đám cháy ở một trong các bồn chứa nhanh chóng được dập tắt, nhưng 82 lính cứu hỏa đã tham gia cố gắng dập lửa ở hai bồn chứa còn lại bằng cách sử dụng 32 thiết bị.

Ông Smirnov cho biết rằng máy bay không người lái cũng làm hư hại một số tòa nhà dân cư trong khu vực, khiến một người bị thương.

Cả hai bên đều phủ nhận việc nhắm mục tiêu vào dân thường trong cuộc chiến mà Nga phát động chống lại nước láng giềng nhỏ hơn vào tháng 2 năm 2022.

Bộ Tổng Tham mưu của Kyiv hôm 28/7 cho biết rằng lực lượng Ukraine đã tấn công kho dầu Polevaya ở khu vực Kursk, dẫn đến "các vụ nổ mạnh" và hỏa hoạn và vẫn đang đánh giá toàn bộ tác động của cuộc tấn công.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết trên Telegram rằng hệ thống phòng không của nước này đã phá hủy hai máy bay không người lái trên khu vực Kursk.

Reuters không thể xác minh độc lập các báo cáo khác nhau này.

Kyiv cho biết các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng, quân sự và giao thông của Nga là để đáp trả việc Moscow tiếp tục tấn công lãnh thổ Ukraine.

AP

Nguồn : VOA, 28/07/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Thành, AP
Read 196 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)