Bầu cử tổng thống Mỹ và tương lai Ukraine
Le Figaro ngày 29/07/2024 chạy tít trang nhất "Tương lai Ukraine bị ngưng đọng theo cuộc bầu cử tổng thống Mỹ". Trong khi chiến trường không có mấy biến chuyển, mọi sáng kiến chính trị, ngoại giao đều tạm ngưng trong khi chờ đợi kết quả cuộc song đấu giữa Kamala Harris và Donald Trump.
Ảnh minh họa : Một dây chuyền sản xuất đạn 155 ly tại Scranton, Pennsylvania, Hoa Kỳ, ngày 16/04/2024. Reuters - Kevin Lamarque
Chiến trường Ukraine gần như đóng băng
Cứ mỗi bốn năm, tất cả những hồ sơ quốc tế lớn đều được phủ lên một lớp băng, chỉ tan ra khi tên người chủ mới của Nhà Trắng được biết. Những bất ngờ liên tiếp trong chiến dịch bầu cử Mỹ và tình hình u ám trên chiến trường làm lớp băng này càng dày hơn thường lệ - ngoại trừ tại Crimea, nơi mà Ukraine tiếp tục tảo thanh, hầu như đã đuổi được toàn bộ Hạm đội Hắc Hải.
Quân Nga dù rất nỗ lực mặc cho số tử trận mỗi ngày từ 1.000 đến 1.200 lính ở đỉnh điểm trận Kharkiv, vẫn không xuyên phá được, chỉ gặm nhấm đất từ từ. Và không có vũ khí mầu nhiệm nào thay đổi được tình thế - theo chuyên gia Tatiana Kastoueva của IFRI. Từ đầu năm, phương Tây tỏ ra chần chừ. Viện trợ Mỹ còn tùy thuộc vào chiến thắng của đảng Dân Chủ, còn Châu Âu biết rằng không thể thay chân.
Giám đốc IFRI Thomas Gomart nhận định, Nga gặp khó trên chiến trường nhưng thắng lợi về ngoại giao với "các nước phương Nam". Nhiều nước lên án cuộc xâm lăng nhưng lại không trừng phạt Nga. Moskva kéo dài được cuộc chiến là nhờ có sự hỗ trợ về vũ khí, thiết bị quân sự của Trung Quốc, Iran và Bắc Triều Tiên ; còn về kinh tế Kremlin né được cấm vận nhờ ba nước trên cùng với Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ.
Những "ổ khóa" được Biden đặt sẵn để bảo vệ Kiev
Trong bối cảnh trên, tổng thống Volodymyr Zelensky, mà uy tín không còn ở đỉnh cao như trước, đề nghị hội nghị hòa bình lần tới có sự tham gia của Nga - một hội nghị theo điều kiện của Ukraine. Không có chuyện chấp nhận từ bỏ chủ quyền bốn vùng lãnh thổ bị Nga chiếm bất hợp pháp và Crimea, cũng như việc gia nhập NATO – vì như vậy có nghĩa là đầu hàng. Quan điểm của ông được 83% dân chúng ủng hộ. Theo Le Figaro, với đề xướng này, tổng thống Ukraine vừa đánh tan tuyên truyền của Moskva rằng ông là trở ngại cho hòa bình, vừa tìm kiếm thêm ủng hộ của phương Nam, đồng thời đặt Nga trước trách nhiệm.
Nếu Donald Trump đắc cử, hầu như chắc chắn Ukraine sẽ bị ảnh hưởng. Chính quyền Biden đã đặt sẵn vài ổ khóa phòng hờ việc quay ngược chính sách đối ngoại, và luật ngày 16/12/2023 quy định nếu muốn đột ngột rời NATO phải có sự đồng ý của ít nhất 2/3 Thượng Viện. Tại hội nghị thượng đỉnh ở Washington, các đồng minh cũng đã "NATO hóa" các kênh viện trợ quân sự để bảo vệ Ukraine. Nhưng Donald Trump vẫn có thể rời xa dần NATO, chần chừ trong việc áp dụng Điều 5. Joe Biden có lẽ là một trong những người đại diện cuối cùng cho khuynh hướng truyền thống coi trọng quan hệ với Châu Âu. Ở Hoa Kỳ, thế hệ mới nhìn sang Châu Á, hay chỉ chú tâm đến nội tình nước Mỹ.
Để Ukraine rơi vào tay Putin là xúi giục Trung Quốc chiếm Đài Loan
Trong bài xã luận "Cái giá của hòa bình", Le Figaro nhận xét tuy quen thuộc với những sự kiện quốc tế, Volodymyr Zelensky rốt cuộc từ chối không đến Paris dự lễ khai mạc Thế vận hội. Có lẽ ông nghĩ rằng không khí lễ hội quá tương phản với những gì mà các chiến binh đang phải chịu đựng ở Ukraine, vốn không hề biết đến "ngưng bắn thế vận".
Con đường dẫn đến chiến thắng ngày càng bất định, người dân cảm thấy mỏi mệt, và một mùa đông trong bóng tối, giá lạnh đang chờ đón. Vladimir Putin, vốn trông cậy vào sự nản chí của phương Tây, có thể xoa tay hài lòng. Viễn cảnh Donald Trump quay lại, cộng thêm chủ trương biệt lập của J. D. Vance, gợi ra cái giá mà phương Tây phải trả để mang lại hòa bình. Trump nói rằng chỉ cần 24 giờ, có thể hiểu ngầm rằng qua việc buộc Kiev phải nghe theo mệnh lệnh Kremlin. Còn Vance, chỉ mới chập chững về các vấn đề quốc tế, đòi " reset" (tái lập quan hệ) với Moskva, để tập trung đối phó với Trung Quốc.
Phải chăng ông ta không biết số phận của Đài Loan và thái độ Bắc Kinh tùy thuộc vào sự ủng hộ Ukraine của phương Tây ? Từ bỏ hồ sơ này sẽ bị coi là dấu hiệu yếu đuối, với hậu quả cũng tai hại như vụ rút khỏi Afghanistan, được Putin cho là bật đèn xanh cho việc tấn công Ukraine. Đối với Châu Âu, thúc giục Kiev thương lượng đồng thời khóa chiếc vòi viện trợ sẽ là thảm họa địa chính trị. Chỉ có một nền hòa bình công chính cho Ukraine mới bảo đảm được sự thăng bằng trước trục Nga-Trung. Và hồi kết cho cuộc chiến chỉ có thể đạt được với điều kiện : vô cùng kiên quyết trước Putin.
Bốn yếu tố cần thiết cho Zelensky nếu đàm phán
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn Le Monde, tổng thống Phần Lan Alexander Stubb, vốn là người ủng hộ Ukraine, cho rằng đã đến lúc khởi đầu đàm phán. Ông khẳng định thương lượng không có nghĩa là phải nhượng bộ. Zelensky cần có bốn yếu tố trong tiến trình này. Trước hết là các lãnh thổ đang bị Nga chiếm, chỉ mình ông có thể quyết định. Tiếp theo, Ukraine cần bảo đảm an ninh, phương Tây có thể giúp qua các hiệp định song phương và sắp tới là việc gia nhập NATO, Liên Hiệp Châu Âu (EU). Thứ ba là truy tố các tội phạm chiến tranh Nga và cuối cùng Zelensky cần được hỗ trợ để tái thiết đất nước.
Rõ ràng là Nga phải rút quân khỏi Ukraine, nhưng theo ông Stubb, đây không phải là điều kiện tiên quyết. Đang trong thế mạnh trước Nga, nếu muốn chấm dứt chiến tranh, Tập Cận Bình có thể gọi điện cho Putin để nói "Vậy đủ rồi !". Thực tế là 141 nước đã lên án việc Nga xâm lăng Ukraine tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, nhưng chỉ có khoảng 40 nước trừng phạt Moskva, trong số đó không có quốc gia nào ở Châu Mỹ la-tinh và Châu Phi. Tại Châu Á, chỉ có Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore áp dụng trừng phạt.
Tổng thống Phần Lan không quá lo sợ trước viễn cảnh Donald Trump chiến thắng. Hoa Kỳ là đồng minh quá quan trọng, nên vì lợi ích của đất nước, cần phải thích ứng với người đứng đầu nước Mỹ dù là ai. Nếu nhìn một cách lạc quan, Trump có lý khi buộc Châu Âu phải tăng ngân sách quân sự. Năm 2014, chỉ có 3 nước dành 2% GDP cho quốc phòng, nhưng nay con số này đã là 23. Trên thực tế, Trump đã gia tăng sự hiện diện của Mỹ tại Châu Âu trong nhiệm kỳ của ông. Tuy vẫn chủ trương biệt lập, nhưng siêu cường Mỹ vẫn cần Châu Âu để phát huy sức mạnh ở Trung Đông, Châu Á và Châu Phi. Kể cả Donald Trump.
Nguồn lực đang cạn dần
Tiền tuyến dần rạn vỡ trước sức ép của quân Nga, nhiều nơi chỉ vì Ukraine không có đủ nhân lực để trấn giữ, theo nhận xét của Le Figaro. Trên chiến trường, hai bên đều lo đón đầu sự xuất hiện của F-16. Không quân Ukraine tất bật chuẩn bị các căn cứ. Lâu nay Kiev vẫn chia nhỏ lực lượng, các phi cơ thường xuyên thay đổi địa điểm. Nhưng việc bảo trì F-16 cần những cơ sở hạ tầng đặc thù và phi đạo hoàn hảo, những hoạt động này có thể bị tình báo địch nhận ra. Những tuần lễ gần đây Nga liên tục tấn công vào các căn cứ không quân của Ukraine như Starokostiantyniv hay Myrhorod.
Phóng sự của Le Monde cho biết việc tìm diệt drone Nga là thách thức lớn nhất của Ukraine hiện nay. Lực lượng hùng hậu những cỗ máy do thám của Nga có mặt khắp nơi khiến khó thể che giấu vũ khí và các chiến binh, cũng như việc chuẩn bị vào trận. Trong khi đó, nguồn tiền đóng góp của người dân giảm dần. Một người lính ở Kharkiv cho biết họ rất cần xe hơi để chuyển đạn dược : mỗi hộp đạn nặng 16 ký, các chiến binh phải đi hai, ba cây số trong đêm để tải đạn ra mặt trận. Không có xe cơ giới, họ đành phải chuyển đạn bằng xe đạp.
Paris chấp nhận thử thách
Về Thế vận hội Paris 2024, bên cạnh những khen ngợi về lễ khai mạc, cũng có không ít chỉ trích về một số điểm trong chương trình. Xã luận của Le Monde cho rằng "Chấp nhận thách thức, ‘Paris vẫn là lễ hội’". Hồi năm 2008, Trung Quốc đã tránh mưa bằng cách bắn lên trời hàng trăm hỏa tiễn chứa hóa chất để đuổi đi những đám mây đe dọa lễ khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh. Hôm thứ Sáu 26/07, Paris đã để tự nhiên, nhưng trận mưa trút xuống sông Seine không làm giảm đi nhiệt tình của các vận động viên lẫn nghệ sĩ.
Lần đầu tiên trong lịch sử Thế vận hội được tổ chức bên ngoài sân vận động, lại bị phá hoại, Paris vẫn vượt qua thách thức. Tờ báo hoan nghênh 2.000 diễn viên, các thần tượng thể thao tham gia chương trình, hàng mấy chục ngàn người Pháp và người ngoại quốc, lực lượng an ninh với nụ cười thường trực và trao đổi bằng tiếng Anh, đã đội mưa dọc theo bờ sông Seine chào đón vận động viên các nước.
Lễ khai mạc thế vận bị chỉ trích vì drag-queen nhại "Tiệc ly"
Nhưng hoạt cảnh nhại lại bức tranh "Tiệc ly" (Cène/Ultima Cena) nổi tiếng đã làm dấy lên một làn sóng chỉ trích trong và ngoài nước Pháp. Trong khi tờ báo thiên tả Libération bênh vực, nhật báo công ciáo La Croix chỉ đề cập một cách nhẹ nhàng, còn nhật báo cánh hữu Le Figaro thuật lại đầy đủ các phản ứng.
Trọng tâm của những phê phán là việc đặt DJ Leslie Barbara Butch, một nhà đấu tranh LGBT và là người đồng tính nữ, ngồi ở vị trí giữa chiếc bàn dài với hào quang trên đầu như Chúa Giêsu, hai bên là mười mấy drag-queen, như mười hai thánh tông đồ trong bức tranh bậc thầy của Leonardo da Vinci. Trước quy mô của cuộc tranh luận, các nhà tổ chức Paris 2024 đành lên tiếng xin lỗi, nói rằng "không có ý định thiếu tôn trọng trước các nhóm tôn giáo".
Giám đốc nghệ thuật Thomas Jolly biện minh là ông không lấy cảm hứng từ Tiệc ly - bữa tiệc cuối cùng giữa Chúa Giêsu và các tông đồ trước khi bị đóng đinh trên thập giá - mà từ Dionysos, thần của lễ hội và rượu vang. Nhưng drag-queen Piche, người tham gia hoạt cảnh, thì đó là nhằm "mang lại một cái nhìn mới", và phàn nàn đã có nhiều màn diễn lại nhưng không bị chỉ trích như giới LGBT.
Làm tổn thương người Công giáo, nhưng liệu có dám với Hồi giáo ?
Ngay khi buổi lễ chưa kết thúc, trên mạng xã hội đã sôi sục. Marion Maréchal, chính khách cực hữu viết trên X : "Gởi đến tất cả những người Công giáo trên thế giới đang xem lễ khai mạc và cảm thấy bị lăng nhục khi các drag-queen chế giễu Tiệc ly, nên biết rằng đó không phải là nước Pháp đang nói với các bạn". Lãnh tụ cực tả Jean-Luc Mélenchon dù không chỉ trích việc báng bổ, đặt câu hỏi : "Gây tổn thương cho các tín đồ để làm gì ?".
Hôm sau, Hội đồng giám mục Pháp tỏ ý tiếc về "sự quá đáng và khiêu khích", giám mục Emmanuel Gobilliard chuyên trách trong Thế vận hội nói rằng ông cảm thấy bị thương tổn sâu sắc. "Quyền báng bổ, không sao cả, nhưng trong khuôn khổ một vở kịch thông thường tại nhà hát". Nhiều người bất bình vì diễn ra trong tầm vóc toàn cầu của sự kiện. Tương tự đối với nhiều đại diện của giáo hội các nước. Linh mục Guillermo Serra ở Madrid cho biết rất ngạc nhiên, và tự hỏi liệu có dám hành động tương tự với Coran và Mahomet hay không, rõ ràng là không.
Bên kia Đại Tây Dương, chủ tịch Hội đồng giám mục Mỹ Andrew Cozzens tố cáo một màn trình diễn "thô bỉ", trong khi có liên quan đến Bí tích Thánh Thể rất thiêng liêng của người Công giáo. Vẫn ở nước ngoài, đến lượt những người không theo đạo cũng lên tiếng, được Le Figaro trích dẫn. Ngoài tỉ phú Elon Musk, chủ tịch Hạ Viện Mỹ Mike Johnson tố cáo : "Cuộc chiến chống lại đức tin và các giá trị truyền thông nay không còn giới hạn nào nữa". Ông kết luận bằng một câu của Thánh Gioan trong Kinh Thánh : "Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không thắng nổi ánh sáng".
Thụy My