Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

30/07/2024

Điểm báo Pháp - "Chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21"

RFI tiếng Việt

"Chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21" của Maduro không còn thuyết phục dân Venezuela

Ông Nicolas Maduro "đắc cử" ở Venezuela, Thế vận hội Paris là những chủ đề được báo chí đề cập nhiều nhất hôm nay 30/07/2024.

maduro1

Những người biểu tình tại Puerto La Crux, Venezuela gõ xoong chảo phản đối kết quả bầu cử, theo đó tổng thống mãn nhiệm Nicolas Maduro thắng nhà đối lập Edmundo Gonzales. Ảnh chụp ngày 29/07/2024. Reuters - Samir Aponte

Dân chủ giả hiệu của Maduro

Trong bài xã luận "Dân chủ bị coi thường", La Croix ghi nhận ông Nicolas Maduro đã đạt được mục đích : Hội đồng bầu cử quốc gia - định chế dưới sự khống chế của ông - hôm Chủ nhật tuyên bố tổng thống mãn nhiệm đã tái đắc cử, khiến đối lập bị sốc. Ứng cử viên đối lập được cho là đạt 70% số phiếu, nhưng việc kiểm phiếu không minh bạch.

Nhiều nước Châu Âu và Châu Mỹ La-tinh đòi hỏi một cuộc "kiểm tra kết quả vô tư", thế nhưng Nicolas Maduro không có ý định rời bỏ quyền lực. Trong thời gian vận động, ông ta đã hứa hẹn "tắm máu" nếu thất bại. Maduro dùng mọi cách để bám ghế, từ việc dùng tư pháp dưới quyền mình bác hồ sơ của các nhân vật đối lập chủ chốt, đến vận dụng nhiều bộ máy tuyên truyền của nhà nước, bắt bớ nhiều nhà ly khai, không cho các quan sát viên trung lập giám sát. Các thăm dò trước đó đều dự báo một thất bại lịch sử cho Maduro.

Màn dân chủ giả tạo này cho thấy thực chất của chế độ : một liên minh dân sự và quân sự do Hugo Chavez dựng lên từ một phần tư thế kỷ. Hứa hẹn "chủ nghĩa xã hội của thế kỷ 21", Chavez quốc hữu hóa các công ty, gia tăng sự kiểm soát của Nhà nước, quân đội tham gia quản trị. Sau khi ca ngợi "dân chủ tham vấn", chính quyền lại tăng cường quyền hành của trung ương.

Lời hứa về một Nhà nước phúc lợi bị bỏ qua, chế độ lập ra chính sách phân phối theo đối tượng cụ thể để ràng buộc lợi ích. Nguồn lợi dầu khí giảm hẳn do cấm vận của Mỹ và sự bất tài của những người quản lý. Mức sống tồi tệ khiến một phần tư dân số phải lưu vong kiếm sống. Chính vì muốn chấm dứt cảnh tình trạng bất công mà một phần lớn dân chúng muốn thay đổi. Nhưng Nicolas Maduro nằm trong số quan lại nhất định không muốn lắng nghe người dân.

Đối lập tố cáo bị tước đoạt chiến thắng

Les Echos dẫn lời phe đối lập cho rằng Nicolas Maduro đã "đánh cắp" chiến thắng của họ, do ứng cử viên Edmundo Gonzales luôn dẫn trước tổng thống mãn nhiệm 20 điểm trong các cuộc thăm dò trước đó. Ông Maduro không chỉ bị mất điểm nơi các nhóm xã hội ủng hộ đối lập, như giới trẻ và cư dân thành thị, mà cả trong lớp cử tri chủ chốt của ông, như những người trên 60 tuổi và dân nông thôn.

Những nghi ngờ liên quan tới việc chuyển kết quả bằng internet, vì đây là cuộc bỏ phiếu điện tử. Chính Ủy ban bầu cử quốc gia cũng nhìn nhận là có cuộc tấn công vào hệ thống máy tính. Một nhà đối lập sống tại Pháp khẳng định Maduro còn cho cả người chết đi bầu. Người này nói rằng một cô bạn ở Venezuela có người cha đã qua đời nhưng vẫn có tên trong danh sách cử tri. Tối Chủ nhật, xung quanh đại sứ quán Venezuela ở Paris, không khí căng thẳng thêm vì nhân viên sứ quán thông báo sẽ kiểm phiếu vào hôm sau, nhằm đuổi các quan sát viên ra ngoài. Những người này từ chối ra đi thì bị dọa nhốt trong khuôn viên không cho ăn uống.

Quốc tế đã phản ứng ngay trước kết quả công bố. Tổng thống Argentina Javier Milei tuyên bố thằng thừng "Nhà độc tài Maduro hãy ra đi !", trong khi các nước phương Tây sử dụng ngôn từ ngoại giao. Hoa Kỳ, đối tác thương mại lớn nhất của Caracas, có lẽ sẽ tái lập trừng phạt, tuy năm ngoái đã dỡ bỏ với lời hứa một cuộc bầu cử tổng thống "đàng hoàng, minh bạch". Nhà Trắng, Roma, Paris, Madrid, Luân Đôn đều bày tỏ sự ngờ vực, Liên Hiệp Châu Âu (EU) đòi hỏi minh bạch hoàn toàn, có nghĩa là kiểm từng lá phiếu một và có biên bản.

Trầm trọng hơn với Caracas là đa số quốc gia Châu Mỹ la-tinh cho đến nay vẫn thân thiện với Nicolas Maduro từ Chile, Costa Rica, Colombia cho tới Peru, Guatemala, Uruguay đều cho rằng kết quả là gian lận. Ngược lại, các chế độ độc tài cộng sản như Cuba, Nicaragua hoan nghênh Maduro, cũng như các đồng minh truyền thống như Nga, Trung Quốc. Có thể đối lập sẽ kêu gọi xuống đường quy mô trong những ngày tới, với nguy cơ sẽ bị cảnh sát, quân đội đàn áp.

Maduro : "80% người biểu tình là tội phạm, nghiện ma túy"

Đặc phái viên Libération cho biết hôm Chủ nhật khoảng mấy chục ngàn người, chủ yếu từ các khu phố nghèo, đã biểu tình tại các thành phố chính của Venezuela. Đã có một người thiệt mạng ở miền tây.

Sáng sớm thứ Hai, người dân thủ đô Venezuela thức giấc, sững sờ với kết quả Nicolás Maduro thắng cử. Những tiếng gõ nồi xoong, những lời thóa mạ vang lên sau các khung cửa sổ. Mưa bất ngờ xối xả trút xuống thành phố hãy còn vắng vẻ. Thường thì mưa lớn người ta ở nhà, nhưng lần này dù đường phố đã biến thành những con suối, hàng ngàn người tập họp lại để gõ nồi chảo inh ỏi. Tia hy vọng đã biến thành cơn phẫn nộ.

Tại Petare, La Vega, Antímano, San Agustín, Catia… những khu phố ngoại ô bình dân, làn sóng người tiến về các đại lộ ở thủ đô. Ở những thành phố khác, những cuộc biểu tình bộc phát cũng diễn ra. Nicolas Maduro nói rằng "80% người biểu tình là tội phạm", trong số đó nhiều người "đi thẳng từ Mỹ sang", trong tình trạng "phê ma túy" và "vũ trang tận răng". Nhà báo Pháp ghi nhận khi màn đêm buông xuống, mô tô cảnh sát không ngừng tuần tra các khu phố, không khí nồng nặc mùi hơi cay, nhưng cuộc hòa tấu xoong nồi lại tiếp diễn.

Theo Libération, sức mạnh của Nicolas Maduro nằm ở chỗ ông ta luôn bị đánh giá thấp. Tưởng chừng làn sóng biểu tình bị lật đổ năm 2019, nhưng giới quân nhân vẫn trung thành với Maduro. Tổng thống "xã hội chủ nghĩa" thoát nạn với cái giá 15 triệu đô la do Washington treo thưởng, và một cuộc điều tra vì "tội ác chống nhân loại" được Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) khởi động.

Lính đánh thuê Nga thiệt hại nặng ở Mali

Tại Châu Phi, lính đánh thuê Wagner của Nga chịu thất bại cay đắng ở cực bắc Mali. Khoảng mấy chục người lính trong đó có một chỉ huy đã tử trận trong các vụ giao tranh với quân Touareg. Những ngày gần đây, lính đánh thuê Nga ở Sahel đã bị đánh tan tác, trong những trận đụng độ ác liệt nhất kể từ nhiều tháng qua, bắt đầu từ thứ Năm tuần trước.

Hôm đó, một đoàn xe 20 chiếc chở 80 lính đánh thuê Nga và lính thuộc lực lượng Mali (FAMa) xuất phát từ Kidal. Theo hai kênh thân Wagner Rybar và Razgrouzka Wagnera, đó là hoạt động trinh sát dọc biên giới Algeria, hướng về thành phố Tin Zaouatine, thành trì cuối cùng của quân nổi dậy Touareg. Nhiệm vụ này được giao cho nhóm xung kích 13 của Wagner do Sergey Shevchenko chỉ huy.

Đoàn xe dừng lại vì chất nổ, và sau đó trận đánh diễn ra với lực lượng CSP-DPA, một tổ chức tập hợp nhiều phong trào vũ trang Touareg đòi độc lập. Cũng theo các nguồn tin Nga, tuy ban đầu Wagner chiếm lợi thế nhưng bão cát khiến quân nổi dậy gần 1.000 người lật ngược tình thế, nhiều thiết giáp bị phá hủy. Không quân Mali không can thiệp được, một trực thăng MI-24 đã bị bắn trúng. Quân tăng viện Wagner cố giúp rút lui, nhưng bị phục kích với các vũ khí hạng nặng, drone, xe gài chất nổ.

Hai kênh Telegram trên khẳng định vụ tấn công mới không phải do quân nổi dậy CSP, mà là quân thánh chiến JNIM, một phong trào khủng bố có liên hệ với Al-Qaeda. Theo tin đồn đãi, một số chỉ huy Wagner đã bị tiêu diệt, phe Touareg khẳng định đã giết chết "ít nhất 80 lính Nga". Các video cho thấy một số xác chết da trắng và vài chục tù binh được cho là người Nga. Từ khi quân Mali tái chiếm Kidal với sự hỗ trợ của Wagner tháng 11/2023, đây là lần đầu tiên phe Touareg sử dụng những loại vũ khí mới, nhất là drone tự sát, một mối đe dọa mới ở Sahel.

Bộ Tứ lo ngại vì Trung Quốc bành trướng trên Biển Đông

Về tình hình Biển Đông, Les Echos nhận xét sự bành trướng của Bắc Kinh khiến "Bộ Tứ" (QUAD) quan ngại sâu sắc. Họp tại Tokyo, các ngoại trưởng Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ tuyên bố vô cùng lo ngại và phản đối "mọi hành động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực hoặc cưỡng bức".

Tuy không nêu trực tiếp Trung Quốc, nhưng rõ ràng tuyên bố nhắm đến tình hình những tháng gần đây, với một loạt vụ đụng độ giữa tàu Trung Quốc và Philippines. Nhất là về binh lính Philippines trên xác tàu "Sierra Madre" được đánh đắm ở Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) tại vùng đặc quyền kinh tế của Manila, cho dù tuần trước Bắc Kinh và Manila đã đạt được một thỏa thuận làm dịu bớt căng thẳng. QUAD cũng gián tiếp tố cáo các hành động mang tính áp đặt trên Biển Đông. Trước đó ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, bộ trưởng quốc phòng Lloyd Austin và các đồng nhiệm Nhật đã mạnh mẽ lên án Trung Quốc "gây bất ổn", "muốn thay đổi trật tự quốc tế nhằm phục vụ cho lợi ích của mình".

Người Pháp bắt đầu hòa nhịp với Thế vận hội

Liên quan đến Thế vận hội Paris, các báo đều lưu ý đến thời tiết thất thường : sau cơn mưa như trút hôm khai mạc, nay đến nắng nóng gây trở ngại cho việc tập luyện và thi đấu của các vận động viên. Có thể họ sẽ nuối tiếc trận mưa của ngày đầu : Paris và vùng phụ cận được xếp ở mức báo động màu vàng, trong khi nhiều cuộc tranh tài diễn ra ngoài trời. Các ê-kíp khúc côn cầu trên cỏ, bóng chuyền bãi biển, bóng rổ 3 x 3, biểu diễn xe đạp… sẽ phải thi đấu dưới ánh nắng như thiêu đốt. Làng thế vận không trang bị máy lạnh với mục đích bảo vệ môi trường, dù bảo đảm nhiệt độ thấp hơn bên ngoài 6°C, nhưng các đoàn đã đặt mua 2.500 máy lạnh.

Tuy nhiên một không khí vui tươi bao trùm lên thủ đô, nhiều người dân Pháp nay tỏ ra hào hứng với Thế vận hội. Libération đặt câu hỏi, phải chăng dân Paris vốn hay phàn nàn đã đổi ý? Những người than phiền giao thông công cộng đông đảo hơn, giá vé métro tăng, một số trạm bị đóng cửa… nay không còn thấy lên tiếng. Thay vào đó là một tâm trạng hứng khởi.

Tháng 11/2023, một thăm dò của Odoxa cho biết 44% cư dân Paris và vùng phụ cận coi Thế vận hội là "điều tệ hại", lo lắng về giao thông và an ninh, họ muốn rời thủ đô. Trong Thế vận hội 2012 người dân Luân Đôn cũng có tâm trạng tương tự. Nhưng một khi ngày hội thể thao đã bắt đầu, với sự đa dạng văn hóa trên đường phố, rốt cuộc người ta cảm thấy vui thích. Le Monde cho biết ngay cả các vận động viên cũng phải ngạc nhiên về sự cổ động nhiệt thành của khán giả Pháp. Người ta đã biết đến một nước Pháp yêu bóng đá kể từ World Cup 1998, và nay đến lượt một nước Pháp yêu bơi lội, đấu kiếm, judo… Về cơ sở hạ tầng, với Thế vận hội Paris, đầu tư công đã làm thay đổi bộ mặt nhiều nơi, nhưng còn phải chờ thời gian để đánh giá đúng mức.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 162 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)