Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

31/07/2024

Điểm báo Pháp - Nicolas Maduro đang cô độc

RFI tiếng Việt

Bị giới bình dân Venezuela bỏ rơi, Nicolas Maduro đang cô độc

Người dân cả nước Venezuela tiếp tục xuống đường phản đối việc Nicolas Maduro được tuyên bố tái đắc cử tổng thống tuy đối lập khẳng định có những bằng chứng gian lận. Ngay cả giới bình dân trước đây chưa từng biểu tình cũng đã tham gia phong trào phản kháng. Đây là sự kiện được báo chí Pháp ngày 31/07/2024 quan tâm.

nicola1

Thủ lãnh đối lập Venezuela, Maria Corina Machado và ứng cử viên Edmundo Gonzalez trên một xe tải, xung quanh là biển người biểu tình phản đối kết quả bầu cử cho rằng ông Nicolas Maduro đắc cử tổng thống, Caracas, Venezuela, ngày 30/07/2024. AP - Matias Delacroix

Đối lập Venezuela và quốc tế đòi hỏi minh bạch

Le Monde nhấn mạnh đến yêu cầu minh bạch mà nhiều quốc gia đã đưa ra, vì cuộc bầu cử tổng thống Venezuela ngày 28/07 có rất nhiều dấu hiệu gian lận, tuy ông Nicolas Maduro khoe rằng đã "lập được thành tích vẻ vang đánh bại phát-xít".

Từ tối thứ Hai, ứng cử viên đối lập Edmundo Gonzalez Urrutia và người trước đó bị chận không cho ra ứng cử là Maria Corina Machado đã khẳng định trước báo chí rằng họ đang có trong tay 73% tổng số biên bản kiểm phiếu, cho thấy đối lập đạt 6,2 triệu phiếu trong khi tổng thống mãn nhiệm chỉ có 2,7 triệu phiếu. Maduro không thể nào rút ngắn khoảng cách với 27% số phiếu còn lại. Trung tâm Carter, tổ chức duy nhất được phép quan sát, yêu cầu công bố kết quả từng phòng phiếu một trước khi đưa ra ý kiến.

Trong chiến dịch tranh cử, khoảng mấy chục nhà hoạt động và cộng sự của bộ đôi Gonzalez-Machado bị bắt giữ, và vô số biện pháp đe dọa khác đã được thi hành. Cuộc bầu cử cũng có nhiều dấu hiệu bất hợp lệ, và trong số 5 triệu cử tri phải lưu vong vì khủng hoảng kinh tế, chỉ có 69.000 được bỏ phiếu vì bị gây khó dễ. Dù vậy, diễn tiến của chiến dịch cho thấy rõ ràng ứng cử viên đối lập chiếm ưu thế, vì dân chúng đã kiệt quệ sau 25 năm dưới chế độ "xã hội chủ nghĩa" kiểu Chavez.

Nếu không minh bạch tối đa và cho kiểm phiếu độc lập, việc "tái đắc cử" hoàn toàn không mang lại tính chính danh cho Maduro. Theo Le Monde, người dân Venezuela đã chịu nhiều đau khổ, đã đến lúc phải vực dậy nền kinh tế, tái lập tự do và để cho những người di cư trở về quê hương.

Giờ phút quyết định cho nhà độc tài Maduro

Libération nhận định "Giờ của sự thật cho chính quyền Nicolas Maduro" đã đến. Khi tuyên bố chiến thắng dù đối lập phủ nhận và đưa ra bằng cớ, tổng thống mãn nhiệm đã gây ra một làn sóng phản đối mới trên toàn quốc. Sau vài tiếng đồng hồ sững sờ trước sự gian lận trắng trợn này, cơn phẫn nộ của người dân Venezuela bùng lên. Cũng như những nhà độc tài khác, Nicolas Maduro bất chấp những con số, bất chấp thực tế. Người cựu tài xế xe buýt được đào tạo ở La Havana giữ được ghế tổng thống nhờ khủng bố tất cả những ai dám chống lại, dựa vào sự hỗ trợ của quân đội.

Lần này, nếu giới quân nhân có vẻ vẫn còn ủng hộ ông ta, cư dân những khu phố bình dân có thể làm thay đổi tình hình. Vắng bóng trong những đợt biểu tình trước đây, tối thứ Hai họ đã nổi dậy vì quá chán ngán sau những năm dài chịu đựng sự dối trá và tình trạng nghèo khó, trong khi giới lãnh đạo túi đầy tiền từ dầu lửa. Chừng như họ sẵn sàng cho mọi thứ, kể cả nguy cơ thiệt mạng, để lật đổ Nicolás Maduro. Cộng đồng quốc tế có phản ứng khác biệt, giữa các nước ủng hộ truyền thống (Nga, Trung Quốc, Cuba...) và ngày càng nhiều quốc gia  ngờ vực về cuộc bầu cử, đứng đầu là Hoa Kỳ.

Venezuela vốn là nước sở hữu trữ lượng dầu lửa lớn nhất thế giới, nhiều hơn cả Saudi Arabia, nhưng việc quốc hữu hóa lãnh vực dầu khí và cấm vận của Mỹ đã làm yếu đi năng lực khai thác. Một chiến thắng của đối lập sẽ giúp dỡ bỏ trừng phạt, mở cửa đất nước cho các nhà đầu tư phương Tây. Những giờ phút sắp tới mang tính quyết định : nếu quân đội nhường bước cho áp lực của đường phố, Nicolas Maduro sẽ rơi đài. Còn nếu vẫn được quân đội bảo vệ, ông ta sẽ tiếp tục đè bẹp đất nước bằng cả sức mạnh đang có.

Phong trào phản kháng lan rộng trên toàn quốc

Phóng sự của Libération cho biết "Tại Venezuela, phong trào phản kháng Maduro lan rộng". "Tự do ! Tự do !", những tiếng hô liên tục của hàng ngàn người trên mình quấn lá cờ Venezuela, xen giữa tiếng còi xe, tiếng kèn vuvuzela inh ỏi. Một người biểu tình nói với đặc phái viên tờ báo:  "Chính quyền đã đánh cắp cuộc bầu cử, nhưng chúng tôi không để yên, chúng tôi có bằng chứng là họ đã gian lận !". Với chủ trương minh bạch để chống lại sự mù mờ của chế độ, phe đối lập đã thiết lập một nền tảng để kiểm tra lại từng biên bản kiểm phiếu mà họ nhận được.

Eugenio Martínez, một nhà báo chuyên theo dõi bầu cử nhận xét, chỉ trong 24 giờ đối lập đã thực hiện được điều mà Ủy ban bầu cử suốt nhiều năm qua không làm nổi : Một trang web để tham khảo và công bố kết quả từng phòng phiếu một. Nhưng chính quyền đã có cách chống chế, nói là bị tấn công tin học, đồng thời loan báo khởi tố ba nhân vật đối lập với cáo buộc liên quan đến tin tặc. Hôm qua, Freddy Superlano, tổng thư ký đảng Voluntad Popular của cựu tổng thống lâm thời Juan Guaidó đã bị bắt chẳng biết vì tội gì.

Trước đó, hàng trăm ngàn người trẻ trên cả nước - vốn ngày càng ít thấy trong một Venezuela bị chảy máu lao động - trang bị xoong chảo và gậy gộc đã tiến về các trụ sở chính quyền để nói lên sự phẫn nộ và tuyệt vọng. Một phong trào phản kháng chưa từng thấy của giới bình dân vốn ủng hộ Hugo Chávez kể từ khi lên nắm quyền năm 1999. Ít nhất 11 người đã thiệt mạng. Hiện chỉ có cảnh sát đàn áp, còn quân đội vẫn đứng ngoài, dù bộ trưởng quốc phòng đã tuyên bố trung thành với chế độ. Một người biểu tình nói rằng chưa bao giờ Maduro gian lận một cách đáng xấu hổ như vậy, "nhưng lần này ông ta và bạn bè trở nên cô độc". Những hàng dài người xếp hàng trước các siêu thị, không ai biết được những ngày sắp tới sẽ ra sao nên phải lo dự trữ thực phẩm.

Chính quyền Venezuela sợ dân biểu tình hơn bị cấm vận

Les Echos nhận định Venezuela đang trong không khí gần như là nổi dậy. Không chỉ dòng người tuần hành trên đường, mà cơn phẫn nộ đang sôi sục còn được thấy rõ từ những cửa số các tòa nhà, nơi tiếng gõ nồi chảo xen lẫn với tiếng hô "Tự do !". Theo Cơ quan giám sát xung đột Venezuela, có ít nhất 187 cuộc biểu tình nổ ra tại hầu như tất cả các bang. Người biểu tình còn lật đổ nhiều bức tượng của cố tổng thống Hugo Chavez từng được coi là thần tượng – người xúc tiến cuộc cách mạng Bolivar và đã cất nhắc Nicolas Maduro.

Đối với nhà nghiên cứu Thomas Posado của đại học Rouen, chính quyền Maduro sợ những cuộc xuống đường của người dân hơn là trừng phạt của quốc tế. Trả lời Libération, ông Posado cho rằng việc dân chúng biểu tình đông đảo có thể đóng vai trò quan trọng, vì không thể đoán trước những diễn biến. Dân chúng đã quá kiệt lực với nạn lạm phát phi mã làm 8/10 người dân lâm vào cảnh nghèo khó.

Thực ra Maduro bắt đầu có những cải cách xa lạ với cánh tả như đô la hóa nền kinh tế, ưu đãi các công ty ngoại quốc, nhưng chỉ nhằm thu hút đối tác Trung Quốc. Về phía Mỹ, thời Donald Trump đã gia tăng trừng phạt, sau đó đảng Dân Chủ giảm nhẹ vì an toàn năng lượng liên quan đến cuộc chiến tranh ở Ukraine. Nhưng dù chủ nhân sắp tới của Nhà Trắng là ai đi nữa, chính sách của Mỹ vẫn mang tính thực dụng, dầu lửa của Venezuela vẫn là ưu tiên.

"Zero Day", bộ phim Đài Loan đầu tiên về nguy cơ Trung Quốc xâm lược

Tại Châu Á, Le Figaro cho biết trong bộ phim nhiều tập "Ngày Zero", các tác giả muốn đánh động ý thức của người Đài Loan trước nguy cơ quân Trung Quốc đổ bộ lên hòn đảo. Từ năm 1978, cứ vào cuối tháng 7, lại diễn ra những cuộc tập huấn quân sự trên toàn quốc trong năm ngày. Những hồi còi báo động phòng không mở đầu bộ phim Zero Day (tên tiếng Hoa là Linh Nhật Công Kích), lần đầu tiên giả thuyết Trung Quốc xâm lăng được đưa lên màn ảnh. Thời điểm ra mắt dự kiến là năm 2025, nói về cơn ác mộng tệ hại nhất của người Đài Loan : chỉ ít lâu sau cuộc bầu cử tổng thống, quân đội Trung Quốc tấn công hòn đảo.

Chính vào năm 2022 khi Nga xâm lược Ukraine mà đạo diễn La Cảnh Nhâm (Lo Ging Zim) ý thức được một cuộc chiến đang tiến gần với Đài Loan. Mới hôm 11/07, đã phát hiện đến 66 chiến đấu cơ Trung Quốc xung quanh Đài Loan chỉ trong một ngày. Nhà sản xuất Trịnh Tâm Mị (Cheng Hsin Mei) nói tình hình ngày càng căng thẳng, nhưng người dân không ý thức được. Có lẽ họ không muốn nghĩ đến, nhưng bên trong vẫn là nỗi sợ.

Cho đến nay, điện ảnh luôn tránh xa chủ đề vô cùng nhạy cảm này. Nhiều nghệ sĩ, nhà sản xuất và nhà đầu tư từ chối tham gia bộ phim vì sợ mất thị trường Hoa lục ; số người đóng góp thì giấu tên. Phim có ngân sách 230 triệu đô la Đài Loan, tương đương trên 6 triệu euro, trong số nhà đầu tư có tài phiệt chip bán dẫn Tào Hưng Thành (Robert Tsao) - người đã dành gia tài của mình để huấn luyện xã hội dân sự đối phó với chiến tranh. Qua bộ phim giả tưởng này, các tác giả hy vọng tạo điều kiện cho những tiếng nói có thể cất lên trong xã hội.

Sau khi công bố 17 phút trailer trên mạng xã hội, phản ứng của người Đài Loan rất đa dạng : sợ hãi, tỏ tình liên đới, hay cho rằng phóng đại. Chiếc hộp Pandore đã mở ra. Trailer nêu rõ việc Trung Quốc xâm nhập vào nhiều tầng lớp xã hội. Một số cho rằng thất bại là không thể tránh khỏi, sẵn sàng chấp nhận các điều kiện của Bắc Kinh ; số khác chiến đấu đến cùng, người thì chạy trốn. Trịnh Tâm Mị đặt câu hỏi : Nếu chiến tranh nổ ra, thế giới có hiểu rằng đây là một cuộc chiến giữa hai quốc gia, hay cho là một cuộc nội chiến ? Nếu bị coi là nội chiến, Đài Loan sẽ bị cô lập. Tuy vậy bà vẫn lạc quan, không nghĩ rằng khi bị xâm lăng, người Đài Loan sẽ buông vũ khí và đầu hàng.

Sự mất tích bí ẩn của tác giả "Hoàng tử bé"

Trên lãnh vực văn hóa, trong loạt bài mùa hè, Le Figaro đề cập đến những giả thuyết xung quanh cái chết của nhà văn Antoine de Saint-Exupéry, nổi tiếng với các tác phẩm "Bay đêm", "Cõi người ta", "Hoàng tử bé"… Cách đây đúng 80 năm, vào ngày 31/07/1944, Antoine de Saint-Exupéry lúc đó 44 tuổi, đã là nhà văn lừng danh, thực hiện một phi vụ thám sát và không bao giờ trở về. Vào thời đó, người ta không thể biết gì hơn. Trong suốt năm mươi năm sau, mọi nỗ lực tìm kiếm chiếc phi cơ đều hoài công.

Rất nhiều giả thuyết được đưa ra : nhà văn lớn đã tự tử, tự ý bỏ đi, tham gia một âm mưu, bị địch tấn công, ẩn náu ở một nơi nào đó… Cuốn "Hoàng tử bé" được đọc đi đọc lại để tìm kiếm những dấu hiệu mà có thể Saint-Exupéry để lại. Mãi đến ngày 07/09/1998, một ngư dân ở Marseille phát hiện chiếc vòng tay có khắc tên ông, và đến 2004 Không quân Pháp tìm được xác chiếc máy bay dưới đáy biển gần đảo Riou, nhờ nhà khảo cổ Luc Vanrell. Cộng vào đó là lời chứng của Horst Ripper, người phi công Đức đã bắn hạ phi cơ của Antoine de Saint-Exupéry, tuy thiếu bằng cớ cụ thể. Như vậy, nhà văn phi công không gặp nạn, không bay lạc cũng như không tự sát, mà đã hy sinh vì tổ quốc trong cuộc chiến cuối cùng.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 136 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)