Nếu Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị bắt, các thỏa thuận vũ khí giữa Israel và Việt Nam có nguy cơ bị hủy bỏ
Yossi Melman, VNTB, 03/05/2022
Xuất khẩu an ninh quốc phòng của Israel sang Việt Nam đã tăng mạnh trong những năm gần đây nhưng hiện có thể phải đối mặt với những khó khăn sau khi lệnh bắt giữ đối với một phụ nữ trung gian quan trọng trong các thỏa thuận được tiến hành gần đây.
Vụ bắt giữ có thể gây rắc rối cho xuất khẩu quốc phòng của Israel sang Việt Nam.
Cuối tuần trước, Hà Nội đã tiến hành khám xét căn hộ của nữ doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Nhàn – là người chủ chốt thúc đẩy và môi giới các giao dịch vũ khí giữa Israel và Việt Nam trong thập niên qua – đồng thời ban hành lệnh bắt vắng mặt, cáo buộc bà Nhàn gian lận và vi phạm lòng tin. Bà Nhàn đã sang Châu Âu trước khi vụ việc xảy ra.
Trong 15 năm qua, với dân số gần 100 triệu người, Việt Nam trở thành thị trường quan trọng cho các ngành công nghiệp an ninh của Israel. Hai nước đã ký một thỏa thuận bảo mật vào năm 2011 giúp củng cố mối quan hệ an ninh, và một phái đoàn cấp cao của Israel đã đến thăm Việt Nam khoảng ba năm rưỡi trước. Trong 10 năm qua, Lực lượng Quốc phòng Israel và Bộ Quốc phòng Việt Nam đã cử tùy viên quân sự và đại diện bán hàng đến làm việc tại Đại sứ quán Israel ở Hà Nội.
Các thỏa thuận đạt được có giá trị hơn một tỷ USD, và một trong những thỏa thuận lớn nhất hiện nay là bán vệ tinh gián điệp "Ofek" (Horizon) do Israel Aerospace Industries (IAI) sản xuất cho tình báo quân sự Việt Nam. Thỏa thuận trực tiếp với Bộ Quốc phòng Việt Nam sẽ mang lại khoảng 550 triệu đô la. Vài tháng trước, một phái đoàn của IAI đã ký một thỏa thuận về phần kỹ thuật nhưng chưa đạt thoả thuận về tài chính. Tập đoàn Thales có trụ sở tại Pháp đang cạnh tranh với IAI về hợp đồng vệ tinh và đã cố hết sức để giành được hợp đồng này.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã sang Châu Âu hơn một năm trước và hiện bị nghi ngờ gian lận, vi phạm lòng tin và gian lận giá thầu thiết bị y tế trị giá khoảng 7 triệu đô la.
Tuy nhiên, một nguồn tin Việt Nam quen thuộc với tình hình cho biết lý do thực sự khiến bà Nhàn bị bắt giữ là do tham dự vào các thỏa thuận quân sự. Nguồn tin nhấn mạnh rằng một lý do cho việc bắt giữ là tranh giành quyền lực ở Việt Nam giữa thủ tướng đương nhiệm, Phạm Minh Chính, Tổng bí thư Đảng Cộng sản sắp từ chức Nguyễn Phú Trọng, Bộ trưởng Công an, Đại tướng Tô Lâm và Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhà từng được coi là rất thân cận với thủ tướng.
Một loạt các vụ mua bán vũ khí
Thỏa thuận vũ khí lớn nhất giữa hai nước cho đến nay có trị giá hơn nửa tỷ đô la được thực hiện năm năm trước, khi Rafael Advanced Defense Systems bán ba hệ thống phòng không di động – tên lửa đất-đối-không Spyder. Công ty Israel hoạt động lâu nhất ở Việt Nam là công ty Verint. Verint bắt đầu bán các thiết bị nghe lén và tình báo cho lực lượng an ninh Việt Nam khoảng 20 năm trước có trị giá khoảng 30 triệu đô la.
Trong các thỏa thuận khác gần đây, IAI bán kiến thức về nâng cấp xe tăng và tên lửa với giá hàng chục triệu đô la ; công ty tình báo mạng Cellebrite đã ký hợp đồng với Bộ Công an Việt Nam trong một thoả thuận khác ; và chủ sở hữu của Israel Weapons Industries, Samy Katsav, đã thành lập một nhà máy lắp ráp súng trường tấn công tại Việt Nam Tavor với chi phí khoảng 100 triệu đô la.
Các hiệp ước bổ sung giữa công ty hàng không vũ trụ và quốc phòng Elbit cho Hải quân Việt Nam gồm khoảng 60 triệu đô la cho hệ thống kiểm soát và giám sát, và khoảng 30 triệu đô la thiết bị mạng và liên lạc. IAI bán thêm ba xe không người lái Heron với giá khoảng 140 triệu đô la, và các công ty con của IAI bán các hệ thống radar với giá khoảng 150 triệu đô la và 60 xe bọc thép với giá 20 triệu đô la.
Một công ty khác của Israel là Ness cũng bán các sản phẩm trong đó có sản xuất hệ thống giám sát trên không tại Việt Nam trị giá hàng chục triệu đô la.
Yossi Melman
Nguyên tác : Israel-Vietnam Arms Deals at Risk after Arrest Warrant Against Key Middlewoman, Haaretz, 01/05/2022
********************
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn trong con mắt báo chí nhà nước (*)
Thu Hà, VNTB, 04/5/2022
Còn nhớ thời điểm năm 2015, Đề án "Thí điểm mô hình đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục tiểu học từ lớp một đến lớp 3 tại Thành phố Hồ Chí Minh năm học 2014 – 2015" được vẽ ra như sau : Toàn bộ sách giáo khoa (SGK) truyền thống được đưa vào sách điện tử dưới dạng 3D kết hợp với âm thanh, hình ảnh được cài đặt vào máy tính bảng.
Theo đó mỗi học sinh tiểu học bị ép mua một máy tính bảng dùng thay cho sách giáo khoa.
Nguyễn Thị Thanh Nhàn kẻ chủ mưu và đứng sau đề án bắt học sinh mua máy tính bảng sặc mùi tiền ?
Nếu dự án được thông qua, mỗi em học sinh sẽ phải mua một máy tính bảng với giá cắt cổ lên đến 3 triệu đồng. Trên thực tế, giá trị thực của loại máy này chỉ vào khoảng 500 – 700 ngàn/máy.
Cũng theo đề án, kinh phí thực hiện là khoảng 4.000 tỷ đồng cho 327.127 học sinh từ lớp một đến lớp 3, trong đó có 5.334 học sinh thuộc diện chính sách sẽ do ngân sách nhà nước chi.
Đề án này vừa đưa ra đã tạo nên làn sóng phản đối dữ dội từ phía dư luận. Lí do là Việt Nam và các nước trên thế giới đang cố hạn chế trẻ nhỏ sử dụng nhiều màn hình điện tử vì nó gây hại đến sức khỏe tâm thần của trẻ.
Theo đề án, kinh phí để thực hiện là 4.000 tỷ đồng, một số tiền rất lớn. Và ai cũng hiểu, nếu nó được triển khai thì lợi lộc đem về cho những người liên quan là không nhỏ.
Và với đề án sử dụng máy tính bảng cho việc học tập của con trẻ, ai cũng thấy phảng phất đâu đây câu nói mà xuất hiện nhiều trong vài năm nay : "Muốn ăn phải vẽ ra dự án".
Khi vụ việc được phanh phui, dư luận tiếp tục đổ dồn sự chú ý về phía bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc Tế (AIC), trực thuộc bộ Giao thông vận tải.
Công ty AIC của bà Nhàn được cho là thủ phạm đã ‘xúi dại’ và móc nối với sở Giáo dục và đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện dự án ‘sặc mùi tiền’ như trên. Khi được thông qua, AIC sẽ là công ty nhập khẩu loại máy tính bảng này về để ‘chặt chém’ các em học sinh.
Dĩ nhiên, sự tham lam đến mức lú lẫn trước đồng tiền của đám quan chức trong sở Giáo dục và đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh là quá rõ ràng.
Ít ai biết được rằng, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn nổi tiếng ở Bắc Ninh với cái tên "Nhàn đấu", ám chỉ biệt tài đấu thầu chắc chắn là trúng của bà ta, và trở thành siêu lừa có hạng.
AIC thành lập Công ty cổ phần Bất động sản AIC để ôm hai dự án lớn hàng chục hecta ở thành phố Hà Nội rồi sau đó bỏ hoang từ đó đến nay, gây kiện tụng và phẫn nộ trong dân.
Năm 2010, UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại xã Nam Sơn cho AIC theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) với kỳ vọng sẽ giải quyết được bài toán quá tải rác thải sinh hoạt kéo dài nhiều năm. Nhưng sau khi ôm đất vàng của thành phố và ôm đất lúa của người dân để phân lô bán nền hoặc bỏ hoang, rồi tháo chạy, không thực hiện dự án, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã gây ra nhiều bức xúc cho chính quyền sở tại và người dân.
Năm 2013, AIC ăn được phi vụ khổng lồ, khi nhập 150 lò đốt rác thải cũ của Nhật với tổng giá 45.000 USD, nhưng bán cho các bệnh viện làm lò đốt rác thải y tế, tổng thu khoảng 300 tỷ đồng.
Tháng 9/2013, một phi vụ lừa thành công nữa của AIC. Nguyễn Thị Thanh Nhàn thầu "Xây dựng lắp đặt vận hành nhà máy rác thải An Khê" tổng vốn đầu tư cho nhà máy là 117 tỉ đồng.
Nhà máy xây dựng xong, không hoạt động được, do máy móc cũ hư hỏng. AIC và Nhàn ôm gần 120 tỷ bỏ chạy, để lại chủ đầu tư là UBND thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai một đống sắt bỏ hoang từ đó đến nay.
Trong một dự án đấu thầu xử lý rác thải ở tỉnh Sơn La, khi công ty AIC bị đánh rớt do giá bỏ thầu cao gấp 3 lần so với giá trúng thầu của một công ty khác tại Nghệ An, bà Nhàn đã lập tức gọi điện thoại đến một ‘ông lớn’ ở trung ương nhờ "can thiệp".
Cú điện thoại của ‘ông lớn’ đủ sức dằn mặt ban quản lý đấu thầu. Kết quả AIC lại trúng thầu ở dự án này.
Ai ‘chống lưng’ cho bà Nhàn và AIC ?
‘Ông lớn’ ở đây không ai khác chính là đồng chí X – tức đương kim thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thời điểm đó.
Từ hồi còn làm trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, bà Nhàn có mối quan hệ rất thân thiết với đồng chí X.
Khi đồng chí X vươn đến một tầm cao hơn thì bà Nhàn cũng có một vị trí khá vững chắc sau lưng.
Quyền lực của người phụ nữ này cũng tỷ lệ thuận với sự lên cao của đồng chí X. Bên cạnh việc thu tóm các thế lực trong ủy ban, công an, Phật giáo… bà Nhàn còn được bảo kê bởi một số nhà báo "ruột", cụ thể là một số nhân vật có máu mặt ở tòa soạn báo Dân Trí, Pháp Luật Việt Nam.
Những năm 2006/2007, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn là một cái tên khá hot với báo chí và truyền thông trong nước.
Trở lại với chiến dịch PR cho AIC trong dự án bán máy tính bảng, nhiều phóng viên tại một số báo cũng vào cuộc. Phóng viên Thanh Bình (báo Dân Trí) có bài "Nữ doanh nhân có tầm nhìn tiên phong" vào tháng 1/2014, sau đó báo Pháp Luật Việt Nam dẫn về.
Để vận động cho chiến dịch này, AIC đã lên kế hoạch đưa một số hiệu trưởng trường tiểu học và các quan chức Sở Giáo dục và đào tạo và phóng viên báo Pháp Luật Việt Nam đi tham quan Hàn Quốc, mục đích nhằm ‘bôi trơn’ dự án.
Những tưởng dự án này sẽ được thông qua trơn tru, nhưng không ngờ nó bị phản đối từ nhiều phía khiến Sở Giáo dục và đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh buộc phải chối bỏ việc có liên quan đến AIC.
Thêm một lần nữa, phóng viên AP báo Pháp Luật Việt Nam phải nhảy vào cứu bồ bằng bài phỏng vấn sặc mùi tuyên truyền cho AIC.
Quyết tâm bảo vệ dự án này bằng mọi giá, nhà báo LTTL đã ra mặt trên mạng xã hội bằng cách kêu gọi công an vào cuộc khi đọc được những bài viết trái chiều về Nguyễn Thị Thanh Nhàn.
Nguyễn Thị Thanh Nhàn và AIC không chỉ dừng lại ở xuất khẩu lao động. Bà ta cho lập hàng chục công ty con trên toàn quốc, tạo thành AIC Group. Lĩnh vực mà Nhàn công khai công bố nhúng tay vào không khác gì một chính phủ thu nhỏ : Bất động sản ; Y tế ; Giáo dục ; Dạy nghề ; Đào tạo nhân lực ; Xử lý ô nhiễm và kiểm soát môi trường ; Chống biến đổi khí hậu ; Khoa học công nghệ ; Giao thông ; Công nghệ thông tin ; Phòng cháy chữa cháy ; Đầu tư ; Tư vấn ; Tài chính ngân hàng ; Xuất khẩu lao động.
Tham vọng của Nguyễn Thị Thanh Nhàn đúng là không có điểm dừng. Ngàn tỷ, học hàm, học vị "đụng nóc nhà" vẫn chưa đủ. Năm 2017, Nhàn chạy để Tạp chí Forbes Việt Nam đưa tên mình vào danh sách công bố "50 Phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2017", xếp trong "top 10" cùng các chính trị gia là Ủy viên Bộ chính trị Nguyễn Thị Kim Ngân, Tòng Thị Phóng, Trương Thị Mai.
Nguyễn Thị Thanh Nhàn đi đâu cũng "nổ" tung trời, rằng AIC Group khai dân trí Việt Nam, mở cánh cửa quốc gia thông minh. Báo chí thổi AIC Group thành doanh nghiệp tiên phong trong việc cung cấp các thiết bị, giải pháp công nghệ phục vụ cho quá trình chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh cho các địa phương, đơn vị.
Nhờ vậy, khắp 63 tỉnh thành và các bộ ban ngành trải thảm đón Nguyễn Thị Thanh Nhàn đến xây dựng và bấm nút "đề án thông minh công nghệ 4.0". Đơn giản nơi nào cũng muốn địa phương, đơn vị mình "thông minh", không ai muốn "lú". Cứ thế ngàn tỷ khắp mọi miền tự nguyện vào túi, vì thế chỉ buôn nước bọt, mà Nguyễn Thị Thanh Nhàn tự tin phấn đấu đạt doanh thu 1,2 tỷ USD/ năm.
Và nhờ sự "giúp đỡ" bảo kê của các "anh đại, chị đại" mà Nguyễn Thị Thanh Nhàn vẫn thắng thầu rất nhiều các dự án trăm tỷ, ngàn tỷ trên khắp đất nước.
– Tại Hà Nội : 41 tỷ. AIC trúng gói thầu số "Mua sắm thiết bị học tập" từ Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội.
– Tại Thành phố Hồ Chí Minh : Đề án "Thí điểm mô hình đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục tiểu học từ lớp một đến lớp 3 tại Thành phố Hồ Chí Minh năm học 2014/2015" với kinh phí thực hiện là 4.000 tỉ đồng. AIC của Nhàn nhập laptop của Trung Quốc giá 900 ngàn về bán chi dự án 5 triệu/cái. Như vậy vốn bỏ ra tầm 500 triệu, thu về 4.000 tỷ, người ta ước tính Nhàn đã "xơi" được 3.500 tỷ.
– Tại Bắc Ninh : 99 tỷ. Gói thầu "Mua sắm thiết bị tin học và thiết bị phòng học đa năng trang bị cho các trường học".
– Tại Sơn La : 11 tỷ. Gói thầu lắp đặt "Nâng cấp hệ thống xử lý chất thải y tế Bệnh viện".
– Tại Tây Ninh : 99 tỷ. Gói thầu thuộc dự án : "Nâng cấp, cải tạo hệ thống xử lý chất thải y tế tại bệnh viện".
– Tại Đồng Nai : 64 tỷ. Gói thầu "Xây dựng Hệ thống xử lý chất thải y tế cho các Trung tâm y tế, phòng khám".
Cũng cần nói thêm, năm 1993 Nguyễn Thị Thanh Nhàn kết hôn, sinh được hai cô con gái. Đa mang và để rảnh tay "ngoại giao", bà ta ly dị thẳng thừng người chồng ở quê nhà. Từ đó, đi đâu Nhàn cũng bóng gió nói về các mối quan hệ "nghiêng trời", cùng dáng dấp những người đàn ông quyền lực trong bóng tối…
Thế nhưng, có một điều người dân ở những nơi Nhàn đã đi qua đều cho rằng, những phi vụ lọc lừa kiếm tiền trên sức khỏe của dân, sự hình thành nhân cách và tri thức của học sinh, là kiểu kiếm tiền khốn nạn, tồi tệ và vô đạo nhất.
Những kẻ ngồi trên "đỉnh cao chói lọi" bán rẻ lương tâm, câu kết nhau hút máu nhân dân, làm nghèo đất nước, kéo đất nước đi thụt lùi, sớm muộn gì cũng sẽ trả giá cho tội lỗi của mình.
Thu Hà
(*) Tựa do VNTB đặt
************************
Chuyện chưa kể về Viện sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn
Hồ Thu Thủy, Gia Đình Việt Nam, 27/10/2017
Nghiệp làm báo đã cho tôi những chuyến đi, qua đó tôi biết thêm nhiều nơi, gặp được nhiều người. Nhưng ấn tượng nhất vẫn là những lần được gặp, trò chuyện với doanh nhân, viện sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn.
Từ cô học trò nghèo trở thành Doanh nhân rồi Viện sĩ- Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch HĐQT,TGĐ Công ty CP tiến bộ Quốc tế (AIC).
Nhắc đến Viện sĩ, Doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Nhàn hẳn nhiều người đã biết đến chị qua các đợt trao giải thưởng Sao Đỏ, Bông hồng vàng hằng năm, hay trên chương trình Người đương thời của VTV3…
Những gia đình có con em đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, hẳn cũng biết tiếng vị giám đốc này, bởi số lao động mà AIC đã và đang quản lý ở nước ngoài đã lên tới hơn 50 ngàn người. Nếu tra google bạn sẽ gặp tới hơn 734 ngàn kết quả trong vòng 0,48 giây với tên Nguyễn Thị Thanh Nhàn.
Trong lĩnh vực giáo dục, AIC đã đồng hành cùng các đề án lớn như Đề án ngoại ngữ quốc gia; Đề án đổi mới dạy nghề; Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Hỗ trợ đầu tư vào kênh truyền hình Giáo dục Quốc gia VTV 7 nhằm hiện thực hóa mục tiêu “xã hội học tập”, rút ngắn khoảng cách tiếp cận giáo dục cho từng người dân nghèo Việt Nam ở các vùng sâu, vùng xa, miền núi hải đảo...
Chính vì vậy mà nhiều năm qua, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã được nhiều người nhất là các bạn trẻ tin yêu, ngưỡng mộ. Trong đợt vinh danh doanh nhân hằng năm, Nguyễn Thị Thanh Nhàn bao giờ cũng là một ngôi sao sáng. Mới đây nhất chị được Tạp chí Forbes vinh danh là một trong 20 doanh nhân ảnh hưởng nhất Việt Nam 2017.
Mẹ đặt tên con là Nhàn mà vất vả
Sinh năm 1969, tại Thuận Thành, Bắc Ninh, với mong ước con gái sau này sẽ được sung sướng, an nhàn, mẹ chị đã đặt tên con gái mình là Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Nhưng dường như cuộc đời lại không chiều lòng người, từ nhỏ đến tận bây giờ, Nguyễn Thị Thanh Nhàn vẫn cứ tất bật, lo toan với công việc, đem niềm vui chia sẻ cho mọi người, mọi nhà.
Tốt nghiệp Đại học Sư phạm, gác lại ước mơ làm cô giáo, Nguyễn Thị Thanh Nhàn học tiếp Đại học Ngoại ngữ rồi Ngoại thương. Để có kiến thức về quản trị kinh doanh, tài chính, kế toán, thương mại, ngoại ngữ, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã phải học rất nhiều. Với chị, học có thể ở mọi lúc, mọi nơi, những lúc ngồi trên ô tô, trên máy bay… Vì vậy mà bây giờ chị sử dụng thông thạo cả tiếng Anh, Trung, Nga và Nhật.
Năm 2015, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam đã trao giải thưởng viện sĩ có thành tích xuất sắc nhất giai đoạn 2004-2014, và ngôi sao Vernadski cho viện sĩ, tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty CP tiến bộ Quốc tế (AIC). Đây là người phụ nữ đầu tiên của khu vực châu Á được Viện Hàn lâm quốc tế về các nghiên cứu hệ thống Liên bang Nga (IASS) trao tặng.
Được biết, giải thưởng viện sĩ có thành tích xuất sắc nhất, 10 năm IASS mới xét thưởng 1 lần, nhằm vinh danh các nhà khoa học có thành tích xuất sắc và có những cống hiến, đóng góp đặc biệt trong lĩnh vực khoa học trên toàn thế giới. Giải thưởng ngôi sao Vernadski là phần thưởng Viện IASS dành cho những nhà khoa học xuất sắc trong mọi lĩnh vực.
Đước biết, 10 năm qua, Viện sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn và các cộng sự của chị tại AIC đã nỗ lực đưa 32 công nghệ tiên tiến nhất thế giới về ứng dụng thành công tại Việt Nam. Trong đó có việc ứng dụng công nghệ để xử lý nước thải trong các bệnh viện và đô thị; ứng dụng công nghệ mới để làm sạch đất nông nghiệp bị ô nhiễm, tồn dư thuốc trừ sâu và hóa chất dioxin; ứng dụng các công nghệ mới để nâng cao chất lượng đào tạo, ứng dụng các thành tựu công nghệ tin học…
Với chị, áp lực đến từ nhiều phía: những hợp đồng ký với đối tác, áp lực từ phía gia đình vì không thể dành đủ thời gian cần thiết cho những người thân; những khó khăn thuộc về giới như sức khỏe… Nhưng chị luôn quan niệm phải sống tốt, tự mình nỗ lực sống tốt hơn nữa và điều quan trọng là giữ uy tín, đã hứa thì phải cố gắng làm bằng được. Bí quyết thành công của chị là trọng chữ tín và rèn chữ nhẫn.
Người phụ nữ luôn vì mọi người
Trong hành trình của những chuyến công tác, chị luôn đầy ắm những yêu thương, khi thì quà cho người cần giảm béo như tôi, khi thì bình sữa cho đứa em mới sinh, khi thì chiếc túi, đôi giày cho cô bạn, khi cả những cánh buồm, con ngựa cho người đang nuôi những ước mơ về phía trước...
Viện sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn trong lễ ký kết chuyển giao công nghệ mới của Nhật Bản hỗ trợ nông nghiệp Việt Nam
Nhiều người nhận những món quà nho nhỏ nhưng chứa đầy những ân tình, bởi lịch làm việc của Nguyễn Thị Thanh Nhàn luôn dày đặc, kín mít, những món quà nhỏ ấy được mua giữa lúc chị chờ làm thủ tục ở các sân bay. Còn nhớ, có lần tại Đài Loan, chị đi đòi nợ cho những hợp đồng xuất khẩu lao động, trên ô tô, chị hỏi cậu nhân viên, bức tranh sơn mài để tặng đối tác đã đem lên chưa, khi biết quên, chị yêu cầu nhân viên xuống xe quay về khách sạn lấy rồi đuổi xe đem theo. Sau buổi làm việc tôi mới biết, nhờ có bức tranh ấy, chạm vào tim của một người cha yêu quý đứa con gái nhỏ vô bờ bến, mà đối tác đã thanh toán mọi nợ nần với công ty.
Cũng lại một lần đi công tác cùng chị, tôi một người đàn bà khó ngủ hơn, được chị nhờ xếp lại hành lý để mai về. Lại những món quà cho người ở nhà, cho bạn bè sẽ gặp vào những ngày sắp tới, tôi loay hoay giữa đống đồ, bỏ hết hộp, để xếp sao cho gọn nhất. Tỉnh dậy chị nhìn tôi, ôi… hộp của đôi giày đâu rồi chị, tôi chỉ vào đống bìa cát tông kế bên...
Kênh truyền hình VTV7 có sự đóng góp lớn của Công ty CP Tiến bộ quốc tế AIC và Viện sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn
Nguyễn Thị Thanh Nhàn bảo, chị vuốt thẳng ra cho em những cái hộp đó, rồi xếp chúng vào một vani nhé, đôi giày ấy em mua tính tặng cho chị A, nếu kg không có hộp sẽ không đẹp chị ạ, cái này định, cái này ... Một hành động nhỏ thôi, nhưng quả là bài học lớn suốt những năm tháng sau này trên đường đời của tôi. Và vì thế, dù gặp hay không gặp, tôi luôn ngưỡng mộ nữ Doanh Nhân, Viện sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn bởi, trăm công ngàn việc, mà toàn những việc lớn, nhưng dường như người đàn bà bé nhỏ ấy vẫn không bỏ qua những điều nhỏ nhất trong đời thường, luôn tận tâm cống hiến và đem niềm vui đến cho mọi người.
Tôi biết, chuyện xôn xao về dự án đuổi chim ở sân bay, sách giáo khoa điện tử cho học sinh thời gian gần đây với Công ty AIC và Nguyễn Thị Thanh Nhàn mọi người đều không hiểu đúng về bản chất của sự việc. Người phụ nữ này chỉ mong những điều tốt đẹp nhất với mọi người, đặc biệt là con trẻ, bởi chị cũng có 2 cô con gái đẹp như thiên thần đã trải qua những ngày tháng trĩu nặng trên vai với cái cặp sách nặng hàng chục kg. Nhưng chị bảo, chị chỉ ai cần hiểu thì hiểu, không thanh minh...
Nguyễn Thị Thanh Nhàn luôn là người phụ nữ khiêm tốn, kín tiếng trước truyền thông nhưng lại là người kiến tạo nên những đổi thay mang nhiều giá trị cho cộng đồng và xã hội, Với Nguyễn Thị Thanh Nhàn, danh hiệu, giải thưởng không phải mục tiêu hướng tới, khát vọng của chị là đưa được nhiều nhà đầu tư lớn về Việt Nam, chuyển giao được nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến trên thế giới về Việt Nam, giúp ích được nhiều hơn nữa cho cộng đồng.
Hồ Thu Thủy
Nguồn : Gia Đình Việt Nam, 20/10/2017