Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

08/05/2022

Bằng tiến sĩ cấp phát ở Việt Nam còn giá trị gì ?

Thái Hạo, Nguyễn Văn Tuấn, Mai Lan

'Tiến sĩ giấy', xử lý sao ?

Thái Hạo, Nông Nghiệp, 08/05/2022

Phải làm gì đây với những 'luận án' và những chủ nhân của nó mà giờ đã 'lỡ' thành 'tiến sĩ' ? Đó là một câu hỏi nghiêm túc.

tiensi01

Luận án tiến sĩ "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" – Tranh minh họa / Báo Tuổi trẻ

Sau khi thông tin về luận án tiến sĩ "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" được phát tán và bình phẩm rầm rộ trên mạng xã hội cũng như báo chí nhà nước thì người ta còn khui ra rất nhiều những luận án khác nữa với những "đề tài" dễ… gây cười không kém. Tuy nhiên, sau tiếng cười chua chát ấy, bất cứ ai có lòng với nền giáo dục và tương lai đất nước đều không thể giấu nổi sự lo lắng và cả giận dữ.

Cứ cho rằng dư luận trên mạng xã hội có thể là cảm tính, nhưng một khi những người như PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn (Đại học Quốc gia Hà Nội) đánh giá rằng "Xét cả về tính học thuật hay thực tiễn, đề tài chưa đạt yêu cầu. Không biết lý do vì sao mà người hướng dẫn nghiên cứu lại đồng ý và hội đồng thẩm định lại thông qua đề tài như vậy" (vtc.vn) thì vấn đề chất lượng của nó là thật sự đáng báo động, chứ không phải là như ông Viện trưởng Viện Khoa học Thể dục thể thao nói là "Mạng xã hội đang làm quá lên" !

Nhân dân đặt câu hỏi : phải làm gì đây với những "luận án" và những chủ nhân của nó mà giờ đã "lỡ" thành "tiến sĩ" ? Đó là một câu hỏi nghiêm túc.

Có thể lập hội đồng thẩm định lại/bảo vệ lại đối với những luận án loại này không ?

Nếu trường hợp luận án không được thông qua thì giải quyết ra sao ? Có thể tước bằng tiến sĩ của những tác giả luận án đó không ? Ai sẽ phải chịu trách nhiệm về những tổn thất mọi mặt cho nghiên cứu sinh trong suốt mấy năm đó để có cái bằng tiến sĩ kia ?

Có hay không những khuất tất, tiêu cực đằng trong quá trình thực hiện, bảo vệ và công nhận kia ? Nếu có thì xử lý ra sao với những người hướng dẫn, với hội đồng và các cấp có liên quan ?

Tất cả những câu hỏi loại này được đặt ra là trên cơ sở một nguyên tắc hệ trọng và bất di bất dịch sau đây : không thể chấp nhận những "luận án rởm" và những "tiến sĩ giấy". Nếu không có những xử lý thích đáng như hủy bỏ kết quả bảo vệ và tước học vị tiến sĩ nếu luận án không đảm bảo chất lượng thì đó chính là việc sản xuất và tiêu thụ hàng giả một cách công khai, chà đạp lên pháp luật. Và như chúng tôi đã chỉ ra ở hai bài viết liền trước, chấp nhận những món hàng giả này là đang trực tiếp phá hủy nền học vấn, sự trong sạch cùng tính công bằng ; chấp nhận nghĩa là công khai sỉ nhục những "tiến sĩ thật", phá hủy các nền tảng cơ bản nhất của một quốc gia.

Nelson Mandela, Tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử Nam Phi và là người anh hùng chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apartheid, phát biểu trong chuyến thăm trường đại học Nam Phi rằng : "Để phá hủy bất kỳ quốc gia nào, không cần phải sử dụng đến bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa. Chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong các kỳ thi của sinh viên. Bệnh nhân chết dưới bàn tay các bác sĩ của nền giáo dục ấy. Các tòa nhà sụp đổ dưới bàn tay các kỹ sư của nền giáo dục ấy. Tiền bị mất trong tay các nhà kinh tế và kế toán của nền giáo dục ấy. Nhân loại chết dưới bàn tay các học giả tôn giáo của nền giáo dục ấy. Công lý bị mất trong tay các thẩm phán của nền giáo dục ấy. Sự sụp đổ của giáo dục là sự sụp đổ của một quốc gia".

Và cũng chính ông đã nói : "Giáo dục là vũ khí mạnh nhất để chúng ta thay đổi thế giới".

Chừng đó đã đủ để chúng ta thấy nạn bằng cấp giả/dỏm không phải chỉ là câu chuyện của đương sự với các nhà quản lý ; rộng lớn, nó liên quan trực tiếp tới số phận của cả một quốc gia mà ở đó không một công dân nào có thể vô sự và vô can. Vì thế, đòi hỏi về việc làm trong sạch hệ thống giáo dục ấy là đòi hỏi chính đáng và dứt khoát phải được thi hành.

Tóm lại, đây không phải là một chuyện ồn ào trên mạng xã hội, càng không phải là một vụ "khủng hoảng truyền thông". Đây là một sự việc nghiêm trọng và cần phải làm sáng tỏ. Tất cả các bên có liên đới phải chịu trách nhiệm trước pháp luật (tức là chịu trách nhiệm trước nhân dân), từ đó mà thiết định lại một nền học vấn tử tế, lành mạnh và tiến bộ.

Thái Hạo

Nguồn : Nông Nghiệp online, 08/05/2022

***************************

Những luận án 'salami'

Nguyễn Văn Tuấn, Tuổi Trẻ online, 07/05/2022

Câu chuyện 'phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức' là một sự thất bại trong việc gác cổng học thuật. Thất bại đó bắt nguồn từ sự ngộ nhận về tri thức khoa học, về bản chất của một luận án tiến sĩ...

tiensi02

Những luận án tiến sĩ với tiêu đề na ná như nhau khiến dư luận đặt câu hỏi về giá trị của học vị tiến sĩ và trình độ của hội đồng giám khảo. – Tranh minh họa / Báo Tuổi Trẻ

Những ngày qua, những luận án tiến sĩ với tiêu đề na ná nhau như "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức" và "Đảng bộ tỉnh lãnh đạo xây dựng tổ chức cơ sở đảng" làm cho công chúng có lý do đặt câu hỏi về tiêu chuẩn của học vị tiến sĩ và vai trò của những người gác cổng học thuật.

Văn bằng tiến sĩ có nguồn gốc từ phương Tây và các thiết chế học thuật phương Tây có đề ra những quy trình và tiêu chuẩn cho các nghiên cứu cấp tiến sĩ.

Theo đó, một nghiên cứu cấp tiến sĩ phải thể hiện một hay vài đóng góp quan trọng và nguyên thủy trong một lĩnh vực khoa học. 

"Quan trọng" ở đây hiểu theo nghĩa kết quả nghiên cứu có tác động tích cực, như làm thay đổi nhận thức về một vấn đề, làm thay đổi chính sách hay mở ra một địa hạt nghiên cứu mới. Tính "nguyên thủy" hiểu theo nghĩa nghiên cứu phải có cái mới : mới về ý tưởng, phương pháp, dữ liệu hay cách diễn giải dữ liệu. Nói tóm lại, một nghiên cứu cấp tiến sĩ phải sản sinh ra tri thức khoa học vừa mới vừa quan trọng.

Một tri thức được xem là khoa học phải đáp ứng 3 tiêu chuẩn : phổ quát, khái quát hóa và tái lập. Tri thức khoa học được đúc kết từ dữ liệu thực tế và dữ liệu phải được thu thập bằng phương pháp khoa học. Những luận án vừa đề cập trên tuy có vài dữ liệu và đưa ra một số kiến nghị nhưng đó không phải là tri thức khoa học.

Cần phải nói thêm để nhấn mạnh rằng những dữ liệu được thu thập từ một phong trào hay được tổng kết từ một chương trình hành động theo một chính sách công nào đó không thể xem là "dữ liệu khoa học". Những luận văn được viết từ những dữ liệu như thế không thể xem là nghiên cứu khoa học, vì những dữ liệu đó không thể đúc kết thành tri thức khoa học. 

Thế nhưng trên thực tế, nhiều báo cáo như vậy đã được hoán chuyển thành những luận án tiến sĩ !

Những luận án có nội dung na ná nhau như trên thường được đề cập đến như là một dạng "Khoa học salami" (salami science). Giống như cây xúc xích salami (một loại nem chua ở phương Tây) được cắt ra thành nhiều lát mỏng, và các lát đều giống nhau về chất liệu cũng như hình thể, chủ đề "phát triển môn cầu lông cho công nhân viên chức" hay môn nào đó nữa có thể viết thành những luận án giông giống nhau về nội dung, chỉ khác nhau ở địa phương thực hiện. Đó là một dạng "khoa học salami" và dĩ nhiên đó là một vi phạm về đạo đức khoa học.

Theo tôi thấy Việt Nam rất cần cải cách hệ thống đào tạo tiến sĩ và nên bắt đầu bằng tiêu chuẩn cho một học vị tiến sĩ. Hiện nay có nhiều người hiểu sai lệch về học vị tiến sĩ và xem các báo cáo tổng kết như là một luận án tiến sĩ.

Thế nào là một học vị tiến sĩ và những tiêu chuẩn nào cần thiết cho một học vị tiến sĩ ? Năm 1987, một nhóm nhà khoa học trong lĩnh vực sinh học phân tử đã ngồi lại với nhau, vạch định ra những tiêu chuẩn cụ thể cho một học vị tiến sĩ trong lĩnh vực này. 

Sau thêm 2 năm tham khảo từ nhiều nhóm nghiên cứu trên khắp thế giới, năm 1989 họ hoàn tất một bản thảo về các tiêu chuẩn cho học vị tiến sĩ. Năm 1999 các tiêu chuẩn này lại được sửa đổi chút ít và công bố trên các tập san khoa học liên quan và được các chuyên ngành khác chấp thuận về nguyên tắc.

Theo đó, các tiêu chuẩn cho một tiến sĩ bao gồm 2 nhóm liên quan đến kiến thức và kỹ năng. Kiến thức bao gồm am hiểu về khoa học và kiến thức chuyên sâu về một lĩnh vực. Kỹ năng bao gồm kỹ năng phát hiện vấn đề, kỹ thuật thiết kế và thử nghiệm khoa học, kỹ năng phân tích và kỹ năng truyền thông (kể cả xuất bản khoa học). Các tiêu chuẩn này có thể dùng làm khung tham khảo để thiết lập một bộ tiêu chuẩn tiến sĩ ở Việt Nam.

Công bằng mà nói câu chuyện "phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức" xảy ra là một sự thất bại trong việc gác cổng học thuật. Thất bại đó bắt nguồn từ sự ngộ nhận về tri thức khoa học, về bản chất của một luận án tiến sĩ và thiếu một bộ tiêu chuẩn cho một tiến sĩ, đó là chưa nói đến chuyện tiêu cực hay cơ chế dung dưỡng việc "làm đẹp" cho cái ghế bằng những học vị, học hàm. Nhưng đó cũng là một cơ hội để cải cách hệ thống đào tạo tiến sĩ đúng với chuẩn mực quốc tế.

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn

Nguồn : Tuổi Trẻ Online, 07/05/2022

*********************

Tiến sĩ – học vị hay giấy thông hành

Thái Hạo, Nông Nghiệp online, 07/05/2022

Chỉ khi con đường học vấn không còn bị vấy bẩn và bôi nhọ bởi những thứ giả danh, thì lúc đó mới hi vọng về một sự chấn hưng thật sự trong giáo dục.

tiensi03

Cuối năm 2020 tôi nghỉ việc, rời khỏi môi trường giáo dục. Lúc ấy, nhiều thầy cô và bè bạn đã khuyên tôi tiếp tục học lên tiến sĩ để trở lại với công việc chữ nghĩa và nghiên cứu trong một môi trường phù hợp hơn. Tôi đã suy nghĩ nghiêm túc về những đề nghị này.

Một người thầy thậm chí còn nhiệt tình thu xếp cho tôi gặp người của phòng đào tạo sau đại học của một trường đại học lớn ở miền Trung để tôi bàn về việc học tiến sĩ. Có nhiều anh em đang công tác ở các môi trường học thuật cũng mở lời, sẵn sàng giúp tôi bước chân vào chinh phục học vị cao nhất này.

Đương lúc đó, một người thầy khác công tác tại một đại học ở Hà Nội mà tôi vốn chưa từng gặp mặt đã nhắn tin nói với tôi rằng, muốn tôi về chỗ thầy để cùng làm việc, nhưng trước tiên để thầy lên phòng đào tạo đặt vấn đề xem sao. Chiều hôm ấy, thầy nhắn lại, họ đòi có bằng tiến sĩ… Và ngậm ngùi khuyên tôi hãy gắng học lấy tấm bằng ấy.

"Có bằng tiến sĩ", đúng thôi, giảng dạy đại học thì yêu cầu đó là hợp lý. Vấn đề ở chỗ không phải là yêu cầu cao hay thấp, có tiến sĩ hay chưa có tiến sĩ mà là điều sau đây : tất cả những người đã đề nghị và tha thiết giúp đỡ tôi đều nói "đó là giấy thông hành". Xin lưu ý, tất cả những người ấy đều thực học, là "tiến sĩ thật" và nghiêm túc trong lao động khoa học mà tôi vốn kính nể.

Thế nhưng, với bối cảnh hiện tại, việc học lên tiến sĩ trong cái nhìn của họ thì chỉ là để vượt qua hàng rào "kiểm duyệt", cầm trong tay một tấm giấy để ĐƯỢC làm chuyên môn. Đó là một sự chua chát, vì họ vốn không coi thường học vị tiến sĩ, nhưng trong hoàn cảnh vàng thau lẫn lộn, yêu cầu về một mảnh bằng giữa sự lộn xộn ấy lại không thể coi thường. Chúng ta phải nghe thấy nỗi đau của họ, rằng "học cho xong, để làm việc của mình".

Khi mà tấm bằng danh giá nhất, bằng tiến sĩ, đã chỉ còn là một chiếc vé lên tàu, là một cái giấy thông hành, và việc sở hữu nó là một điều bất đắc dĩ thì chúng ta phải hiểu rằng nó đã thành một sự cản trở chứ không phải là điều kiện nữa. Khi mà ngay cả những người nghiêm túc nhất cũng đã coi tấm bằng tiến sĩ là một sự đối phó để có cơ hội được làm khoa học thì chúng ta phải hiểu chất lượng của nó đã thê thảm đến thế nào.

Họ không còn niềm tin vào chất lượng đào tạo đã đành mà còn phải từ bỏ luôn cả niềm tự hào của bản thân về học vị cao nhất mà mình đang sở hữu. Mọi lời khuyên của họ đối với tôi đều không phải là cần học lên tiến sĩ để đủ trình độ làm việc, mà là để có thể được bước vào một chỗ nào đó, có điều kiện mà làm khoa học. Như thế mới thấy cái thực tế về việc đào tạo, tuyển dụng ở ta đã trở nên trớ trêu và thảm hại như thế nào. Trong những cách nói đó luôn muốn diễn tả cái ý rằng, học xong rồi thì cất vô tủ và quên nó đi, coi như hết "nợ đời" !

Hãy hình dung, khi mà việc tốt nghiệp một học vị nào đó (cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ) chỉ là để lấy một tấm vé thì nó khác với việc học để có trình độ đến thế nào. Để có vé thì có rất nhiều cách, từ nhờ người học hộ, "đi đêm", cho đến mua bán ; nhưng học để có trình độ thì chỉ có một, là học thật, không còn cách nào khác.

Người ta dựng lên những hàng rào pháp lý nhưng lại không đủ khả năng/không đủ trách nhiệm để bảo vệ cái hàng rào ấy cũng như giám sát nó. Thế là bên cạnh vài người đã qua được bằng chính năng lực của mình thì không ít kẻ đã chui qua, thậm chí cắt lưới để chuồn sang. Bằng tiến sĩ, thay vì thấy rằng đó là một thử thách chuyên môn và phải rèn luyện để có đủ khả năng mà nhảy qua thì giờ đây nó trở thành một chướng ngại vật trong hành trình học vấn mỗi người.

Thái độ của những nhà khoa học và những người trí thức chân chính đối với tấm bằng tiến sĩ như tôi đã nhắc ở trên đã gián tiếp phản ánh một thực tế trái ngang, một thái độ chua chát và sự vùng vẫy trước "tấn trò đời" học vị ấy. Họ không còn tin vào nó nữa nhưng lại vẫn phải chấp nhận, thậm chí động viên người khác gắng mà sở hữu cho được. Sau tất cả những điều ấy là một sự tha thiết được làm việc và cùng nhau làm việc, hòng hi vọng có thể mang lại chút giá trị gì đó cho xã hội.

Trở lại, tôi đã quyết định, quyết định không dấn bước vào con đường khoa bảng ấy nữa. Với tất cả những gì đang bày ra, tôi chợt thấy may mắn nhưng lại cũng không thể vui, vì mình đã chọn dừng lại. Con đường học tiến sĩ không những là một cuộc đầu tư tiền bạc thực sự mà những người ít điều kiện khó lòng kham nổi bởi những thứ "phi học thuật" trong đó ; hơn thế, nó còn mở ra cả một viễn tượng với chông gai trùng trùng phía trước trong một cơ chế xin – cho điển hình cùng với tình trạng mất tự do trong nghiên cứu…

Đến bao giờ mà chân ngụy phân minh, đến bao giờ mà những người làm khoa học chân chính không còn phải chua chát lo đối phó với cơ chế nhiễu nhương nữa, đến bao giờ mà con đường học vấn dù vẫn luôn gian nan nhưng không còn bị vấy bẩn và bôi nhọ bởi những thứ giả danh…, thì đó là lúc chúng ta mới có quyền hi vọng về một sự chấn hưng thật sự trong giáo dục và ở các nền tảng xã hội cơ bản khác, đủ để làm chân móng cho toàn bộ sự kiến tạo nên tương lai.

Thái Hạo

Nguồn : Nông nghiệp Việt Nam, 07/05/2022

**********************

‘Làm’ cái tiến sĩ để bổ sung lý lịch ‘thăng quan’ ?

Mai Lan, VNTB, 05/05/2022

12.000 tỷ đồng chi cho 9.000 tiến sĩ, vị chi, mỗi tiến sĩ cần 1,33 tỷ đồng. Như vậy, để có một tiến sĩ người nông dân sẽ tốn cỡ chừng 665 con heo, hay tương đương 88 con bò (?!)

tiensi04

46 đời tổng thống Mỹ chỉ có một người có trình độ tiến sĩ.

Đó là câu chuyện thời giá hồi giữa tháng 11/2017, thông tin từ bản dự thảo đề án có tổng kinh phí 12.000 tỷ đồng, với mục tiêu chính là trong vòng 8 năm (2018 – 2025) đào tạo, thu hút khoảng 9.000 tiến sĩ cho các trường đại học được báo chí đăng tải. Dòng tít ngắn gọn : "Chi 12.000 tỷ đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ" nhanh chóng tạo "bão" trong dư luận, nhất là trên mạng xã hội.

Rất đơn giản, mỗi một giáo sư vừa là CEO (tổng giám đốc) phòng thí nghiệm của mình, vừa chính là con bò vắt ra… tiền cho trường/ viện nơi nhận đào tạo ra các tiến sĩ.

Vào khoảng đầu tháng 4/2016, cả xã hội nóng lên bởi câu chuyện "lò sản xuất tiến sĩ" ở Học viện Khoa học xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) với phép tính "cứ một ngày một tiếng 15 phút ra một tiến sĩ" mà tới nay nhiều người vẫn còn nhắc tới, và đang trở lại thành thời sự khi cuối tháng 4/2022, Thanh tra Chính phủ vừa ban hành kết luận thanh tra công tác quản lý tài chính, tài sản công, thực hiện các dự án đầu tư, tổ chức hợp tác nghiên cứu, đào tạo, liên kết đào tạo và cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam giai đoạn 2015 – 2019.

Thanh tra Chính phủ nêu ra một số vi phạm như : Quy trình đào tạo thạc sĩ thiếu quy định chi tiết về đối tượng, điều kiện dự thi, điều kiện bảo vệ luận văn, thâm niên công tác, thiếu quy định về trình độ ngoại ngữ trước khi bảo vệ luận văn ; không ban hành chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ.

Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ thiếu quy định về kinh nghiệm quản lý và thâm niên công tác theo yêu cầu của từng ngành đào tạo, không quy định cụ thể về thời gian làm việc chuyên môn. Đặc biệt, tại chương trình đào tạo thạc sĩ của Học viện Khoa học xã hội thiếu nội dung về chuẩn đầu ra của từng chuyên ngành, còn trường hợp giảng viên hướng dẫn vượt số học viên cùng thời gian, học viên đăng ký ngành này nhưng được cấp bằng của ngành khác.

Thanh tra Chính phủ còn phát hiện một số hồ sơ học viên chương trình đào tạo còn thiếu sót, có trường hợp giảng viên không đủ điều kiện tham gia hội đồng chấm luận văn thạc sĩ. Trong đó Thanh tra kết luận : "Có nghiên cứu sinh đề xuất đề tài nghiên cứu không nằm trong danh mục nghiên cứu. Sổ cấp phát văn bằng còn tẩy xóa, sửa chữa, thiếu thông tin về nghiên cứu sinh".

Có một thực tế là sở dĩ nhiều người đổ xô đi học thạc sĩ, tiến sĩ có duyên cớ từ việc đánh giá, bổ nhiệm cán bộ hiện nay vẫn chủ yếu dựa vào bằng cấp. Đây không còn là một "luật ngầm" trong công tác đánh giá, bổ nhiệm cán bộ, mà đã được luật hóa trong các Luật Công chức và Luật Viên chức cũng như các văn bản liên quan. Cả hai luật này đều có các điều khoản quy định về những ưu tiên, đặc cách đối với đối tượng có bằng cấp cao như thạc sĩ và tiến sĩ.

Một người bạn học thuở hoa niên với người viết, hiện là giáo sư bậc đại học ở Mỹ (người bạn này là ‘dân vượt biên’ sau biến cố tháng 4/1975), có thời gian về giảng dạy ở trường Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh theo một chương trình hợp tác quốc tế gì đó, kể rằng ở xứ người để làm nghiên cứu sinh thì với sinh viên đến từ Việt Nam thường hay nhận lời khuyên chân tình vầy, "Ở đây người ta không quan tâm tới giải pháp cho Việt Nam. Chúng tôi quan tâm tới cái gì đúng cho mọi quốc gia, mọi nơi, mọi lúc".

Phần lớn tiến sĩ – trong tiếng Anh là Doctor of Philosophy, hay viết tắt là PhD, được xem là bằng cấp cao nhất trong lĩnh vực học thuật, tại các nước phát triển sẽ trở thành giảng viên đại học, thực chất bao hàm hai nhiệm vụ : tạo ra tri thức (nghiên cứu) và truyền bá tri thức (dạy học). Chính điều này làm cho giảng viên đại học khác với giáo viên các bậc dưới – những cấp mà họ chỉ cần tập trung vào việc dạy.

Cũng có số ít tiến sĩ sau đó ra làm trong doanh nghiệp, nhưng các doanh nghiệp không thực sự cần tấm bằng tiến sĩ. Họ cần người làm thực tế, tính toán và hành động để đạt mục tiêu cụ thể của doanh nghiệp.

"Hồi mới trở lại Việt Nam, tôi rất ngạc nhiên khi nghe rằng những vị chính khách như tổng bí thư, một số bộ trưởng được giới thiệu kèm học vị tiến sĩ, thậm chí còn luôn cả học hàm giáo sư.

Rồi tôi bỏ công tìm hiểu thì không thấy họ tham gia giảng dạy ở các trường đại học nào, chuyên ngành hẹp là gì ? Chính điều này nên rất khó trách các quan chức cấp nhỏ hơn đang ráng kiếm cái văn bằng công nhận tiến sĩ !" – người bạn học cũ, nhận xét và lưu ý rằng, 46 đời tổng thống Mỹ chỉ có một người có trình độ tiến sĩ.

Còn ở Việt Nam, số lượng người làm cơ quan quản lý, làm hành chính có học vị tiến sĩ đang quá nhiều.

Mai Lan

Nguồn : VNTB, 05/05/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thái Hạo, Nguyễn Văn Tuấn, Mai Lan
Read 388 times

1 comment

  • Comment Link Hoàng Trường Sa vendredi, 13 mai 2022 00:29 posted by Hoàng Trường Sa

    Theo ngu ý của tui thì điều đáng buồn là quý vị Tiến sĩ thật trong nước quá hèn, không dám lên tiếng chống lại việc cho ra đời các lò ấp những vị Tiến sĩ giấy này để bảo vệ giá trị đích thực của hai chữ Tiến sĩ. Nếu cứ mũ ni che tai như ri thì rồi đây nền giáo dục VN sẽ đi về đâu? Đã là Tiến sĩ thì mình phải có chút dũng cảm để đánh giá đúng sai trước mọi vấn đề chứ. Mình đâu có câm, mù, điếc, cái chi mô! Rõ chán!

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)