Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/05/2022

Thủ tướng Việt Nam tới Mỹ : quan hệ Việt-Mỹ, Biển Đông và Ukraine

Trần Tô Hiệu

Vấn đề Ukraine trong chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Mỹ

Có phải Việt Nam đang "quay xe" trong lập trường đối với cuộc chiến của Nga ở Ukraine, sau khi tuyên bố viện trợ nhân đạo cho Kiev ? Sự chuẩn bị kỹ càng cho chuyến công du của Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN và thăm nước Mỹ trong tuần tới có phải là chỉ dấu của những thay đổi trong tương lai ?

pmc1

Thủ tướng Phạm Minh Chính trong cuộc gặp với Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris ở Hà Nội hôm 25/8/2021 - Reuters

Diễn văn khai mạc Hội nghị Trung ương 5 của Đảng cộng sản Việt Nam do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trình bày trước 200 Ủy viên trung ương hầu như không đề cập gì đến cục diện khu vực và quốc tế. Cuộc xâm lăng của Nga đối với Ukraine đang chấn động cả địa cầu, có khả năng làm thay đổi Trật tự thế giới trong cả khu vực lẫn trên toàn cầu, nhưng đối với Việt Nam, cho đến trước Hội nghị Trung ương 5, hình như cuộc chiến ấy xẩy ra tận Châu Phi hoặc trên Sao Hỏa. Tuy nhiên, với việc Thủ tướng Nhật Bản đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam hai ngày, 30/04 và 01/05, Việt Nam bước đầu tỏ ra có một số điều chỉnh. Chiến tranh Ukraine là một trong những chủ đề trọng tâm trong chuyến thăm. Lãnh đạo chính phủ hai nước Nhật – Việt đã cùng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc "ngừng bắn ngay lập tức" tại Ukraine và kêu gọi "không sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt". Đặc biệt, nhân chuyến thăm của Thủ tướng Nhật, Việt Nam tuyên bố hỗ trợ nhân đạo cho Ukraine 500.000 USD. Khoản viện trợ nhân đạo này cho Ukraine sẽ được tiến hành thông qua các tổ chức nhân đạo quốc tế" (1).

Thông tin trên được Thủ tướng Phạm Minh Chính công bố với báo chí sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại Hà Nội vào ngày 1/5. Ngoài ra, "Việt Nam đã bày tỏ quan điểm toàn diện về vấn đề nhân đạo tại Ukraine, sẵn sàng đóng góp tích cực cho các hoạt động nhân đạo, tiến trình ngoại giao, đối thoại và đàm phán", tờ Zing News dẫn lời Thủ tướng Việt Nam nói vào sáng 1/5. Để có thể hình dung về quy mô, RFA so sánh số tiền này bằng với trị giá của số trang thiết bị y tế mà Hà Nội gửi cho Bắc Kinh hồi tháng 2 năm 2020 để đối phó với dịch Covid-19. Trong khi đó, Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc thông báo cung cấp hỗ trợ nhân đạo trị giá 2,37 triệu USD trong hai lần cho Ukraine. Đài Loan quyên góp 20 triệu đô la cho những người tị nạn, chủ yếu là từ công chúng, và nước này có kế hoạch giải ngân thêm 12 triệu USD nữa.

Tuy nhiên, có những ý kiến cho rằng, Việt Nam cố tình hạ thấp tầm quan trọng chuyến thăm Hà Nội của Thủ tướng Kishida. Một ngày trước khi Thủ Tướng Nhật đến Việt Nam, ngày 29/4, Bộ Công an thông báo đã có quyết định khởi tố, lệnh bắt bị can với doanh nhân có quan hệ rất gần gũi với các giới ở Nhật, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC). Toàn bộ hành tung của bà Nhàn, ở Việt Nam đều đã tỏ tường, thậm chí đã cho công bố trên mạng xã hội từ cách đây năm rưỡi. Vậy tại sao không lùi quyết định giải tán "Đế chế AIC Group" thêm vài ngày nữa theo phép xã giao thông thường (2) ? Chỉ có thể giải thích điều này : Cuộc "giáp la cà" trên thượng tầng đang vào hồi kịch tính, đến mức đương kim Thủ tướng Phạm Minh Chính, vốn từng là Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản, cũng không thể can ngăn cụ Tổng trì hoãn việc "tung chưởng". Quyền lợi dân tộc – quốc gia lúc này cũng không bằng lợi ích cá nhân, lợi ích phe nhóm khi vào phút quyết định !

Chính vì có những ý kiến khác nhau trong nội bộ lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam, một số quan ngại xuất hiện khi Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu đoàn quan chức cấp cao của Việt Nam tới Washington vào tuần tới để tham gia "Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt Mỹ - ASEAN". Hậu quả trực tiếp của việc Nga xâm lược Ukraine sẽ chi phối các cuộc tham vấn song phương với những người đồng cấp Mỹ. Từ khi Nga tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược đối với Ukraine, các động thái ngoại giao của Việt Nam đều đi ngược lại đa số các thành viên trong ASEAN. Cho đến nay, Việt Nam đã bỏ phiếu trắng và chống đối với tất cả các phiếu bầu của Liên Hợp Quốc về vấn đề này, và không có khả năng ủng hộ các lệnh trừng phạt nhắm vào Moscow. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn cho phép các phương tiện truyền thông nhà nước đưa tin công khai về cuộc chiến (ngay cả khi tránh dùng từ "xâm lược"), thể hiện sự thông cảm đáng kể đối với chính nghĩa của Ukraine trong phần lớn công chúng Việt Nam.

Theo David Brown, một nhà ngoại giao Hoa Kỳ đã về hưu, việc Thủ tướng Việt Nam có mặt tại Washington có thể làm dấy lên bình luận tiêu cực. Những người đối thoại gay gắt có thể đặt vấn đề, tại sao Mỹ không trừng phạt vụ Hà Nội mua các hệ thống vũ khí của Nga và chỉ trích việc Hà Nội không tham gia bỏ phiếu lên án cuộc chiến của Putin ở Liên Hiệp quốc. Thủ tướng Chính và các đồng sự phải nói năng cẩn thận ở Washington. Ở đó, sự chú ý vẫn được tập trung vào cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Sẽ là khôn ngoan nếu ông Chính thể hiện sự đồng cảm thật sự với Ukraine và tỏ sự thất vọng với Nga, một người bạn đáng tin cậy lâu năm của chế độ Hà Nội, đã "đi chệch hướng". Thủ tướng Chính cũng nên khẳng định một cách thẳng thắn và dứt khoát rằng, Việt Nam đã dựa vào các hệ thống vũ khí mua của Moscow để bảo vệ lợi ích của mình trước những phần tử hiếu chiến ở Bắc Kinh (3). 

Tuy nhiên, có những giới hạn thực tế về mức độ mà Việt Nam có thể xa lánh Nga mà không ảnh hưởng đến an ninh của chính nước này. Hơn 80% thiết bị quân sự của Việt Nam là do Liên Xô hoặc Nga sản xuất. Việt Nam phải đối mặt với cả sự cưỡng bức trên biển và biên giới trên bộ với Trung Quốc, nơi mà nó coi là một mối đe dọa lâu dài. Việt Nam đã đẩy lùi một cuộc xâm lược của Trung Quốc qua biên giới vào năm 1979 và duy trì một loạt các cuộc giao tranh với Trung Quốc trong thập kỷ tiếp theo, cả dọc theo biên giới và ở quần đảo Trường Sa. Hà Nội phải đối mặt với những thách thức thường xuyên trong vùng xám từ hải quân, lực lượng bảo vệ bờ biển và dân quân của Trung Quốc có thể leo thang bất cứ lúc nào và phải bảo vệ gần 50 tiền đồn biệt lập ở Trường Sa được đề phòng để chống lại cuộc xâm lược hoặc phong tỏa tiềm tàng. Việc xâm lược Ukraine khiến Nga trở thành một trách nhiệm chiến lược đối với Việt Nam, và Hà Nội biết điều đó. Do đó, Việt Nam đang đẩy nhanh việc đa dạng hóa hoạt động mua sắm quân sự của mình, như cách Việt Nam đã làm kể từ khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014. Đây sẽ là một quá trình rút ra từ từ và là một quá trình sẽ góp phần làm sâu sắc hơn nữa quan hệ an ninh Việt - Mỹ. Tuần tới đây, Thủ Tướng Chính phải thuyết phục Washington chấp nhận rằng Hà Nội không thể mạo hiểm nền an ninh của mình bằng cách công khai lên án Moscow (4). 

Nhân kỷ niệm sự kiện 30/4/1975, phát biểu trên tờ Tiền Phong, Thượng tướng Nguyễn Chí Vinh có nhắc lại lịch sử cuộc chiến tranh diễn ra từ sau năm 1954 – 1975 : "Chiến thắng của Việt Nam đã mang lại cho dân tộc ta, cũng như cho thế giới một bài học rằng : Với cuộc chiến tranh xâm lược, với một dã tâm thôn tính của nước ngoài thì không có con đường nào khác là phải dùng bạo lực của chính nghĩa để đẩy lùi bạo lực phi nghĩa, làm thất bại cuộc chiến tranh phi nghĩa. Lịch sử chỉ ra rằng, không có cuộc chiến tranh xâm lược nào mà nước bị xâm lược có thể giữ được độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và hoà bình bằng sự thoả thuận, nhân nhượng" (5). Thiết nghĩ khi tướng Vịnh nhấn mạnh, "với một đội quân xâm lược… không có con đường nào khác là phải dùng bạo lực của chính nghĩa để đẩy lùi bạo lực phi nghĩa", thì trong sâu thẳm tình cảm, đáng ra Việt Nam phải ngầm ủng hộ quân đội và nhân dân Ukraine. Dư luận nóng lòng chờ kết quả chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Chính để đánh giá xem khi nào thì Việt Nam lên án cuộc xâm lăng của Nga, từ bỏ lập trường "trung lập" trong cuộc chiến Nga - Ukraine và sẽ tuyên bố, đấy là cuộc chiến tranh xâm lược ?

Trần Tô Hiệu

Nguồn : VOA, 10/05/2022

Tham khảo :

1. https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-donates-usd-500000-to-ukraine-05022022093153.html

2. https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/who-causes-trouble-for-pm-05022022104205.html

3. https://baotiengdan.com/2022/05/08/chuyen-hanh-huong-te-nhi-cua-thu-tuong-viet-nam/

4. https://www.csis.org/analysis/us-vietnam-partnership-complex-world

5. https://tienphong.vn/thuong-tuong-nguyen-chi-vinh-viet-nam-khong-chon-phe-viet-nam-doc-lap-post1433614.tpo

**********************

Thủ tướng Việt Nam nêu lập trường về quan hệ Việt-Mỹ, Biển Đông và Ukraine

VOA, 11/05/2022

Trong bài phát biểu dài khoảng 40 phút tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) vào chiều ngày 11/5 (giờ miền đông nước Mỹ), Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc đi nhắc nhiều lần lại rằng "lòng tin, chân thành và trách nhiệm" là chìa khoá để xây dựng mối quan hệ Việt - Mỹ và để giải quyết các vấn đề toàn cầu bao gồm đại dịch Covid-19 tranh chấp ở Biển Đông và cuộc chiến đang diễn ra ở Nga-Ukraine.

pmv2

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính phát biểu tại CSIS / CSIS

Tôn trọng hệ thống chính trị

"Trong trong ba thập kỷ sau khi bình thường hóa, chúng ta chứng kiến sự phát triển phi thường của mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Mối quan hệ đó đã nảy nở và đơm hoa kết trái, có thể nói là nhờ nỗ lực của cả hai bên, được vun đắp bằng sự chân thành, tin cậy và tinh thần trách nhiệm, sự thông cảm, chia sẻ và tôn trọng lẫn nhau, phù hợp với lợi ích và mong muốn của hai đất nước, hai dân tộc và nhân dân". - ông Chính mở đầu cho bài phát biểu.

Về quan hệ Việt - Mỹ, ông Chính cho biết cả hai nước đã vượt qua những khác biệt và đạt được những nguyên tắc nền tảng chung cho mối quan hệ này. Điều đó được đưa ra trong Tuyên bố về Tầm nhìn chung Việt Nam - Hoa Kỳ, nhân chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào năm 2015. Tuyên bố nhấn mạnh việc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau.

Theo ông Chính, Quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia được thể hiện trên lĩnh vực kinh tế, Hoa Kỳ là thị trường lớn thứ hai của Việt Nam. Năm ngoái, bất chấp khó khăn do Covid-19, kim gạch thương mại Việt - Mỹ vẫn đạt gần 112 tỷ đô la Mỹ, tăng gần 280 lần so với năm 1995, khi hai nước mới bắt đầu bình thường hoá quan hệ. 

Trong bài phát biểu của mình, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng đề cập đến việc hai bên cần duy trì sự chân thành, tôn trọng và trách nhiệm trong việc giải quyết các vấn đề hậu chiến tranh, mà ông cho là có thể hàn gắn vết thương lòng cho nhân dân hai nước và là "cơ hội cho mối quan hệ giữa hai bên lên tầm cao mới" :

"Trong khi Việt Nam đang thực hiện các mục tiêu phát triển, thì hai nước đang đứng trước những cơ hội mới để nâng mối quan hệ này lên tầm cao hơn, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, giáo dục và đào tạo, chống biến đổi khí hậu và dịch bệnh và mối quan hệ giữa con người với con người".

Giới chức Mỹ đã nhiều lần đề nghị phía Việt Nam đưa mối quan hệ từ đối tác toàn diện lên đối tác chiến lược toàn diện nhưng Hà Nội vẫn chưa đồng ý. Trong khi đó, các quan chức ngoại giao của Việt Nam vẫn nói rằng quan hệ thực chất giữa hai nước cũng tương tự như đối tác chiến lược rồi, chỉ khác ở cái tên.

Tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông là trách nhiệm chung

Trong bài phát biểu của mình, ông Phạm Minh Chính cũng không quên đề cập đến vấn đề Biển Đông mà ông chia làm hai vấn đề chính bao gồm tranh chấp chủ quyền và tự do hàng hải và hàng không.

Biển Đông là vùng biển mà Trung Quốc đòi chủ quyền đến gần 90% diện tích và là nơi có nhiều căng thẳng trong thời gian gần đây giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, bao gồm Việt Nam. Ông Chính tuyên bố về lập trường của Việt Nam trên Biển Đông rằng :

"Việt Nam không chọn phe nào cả, mà chọn sự công lý, công bằng và sự tốt đẹp. Dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc".

Chính vì lẽ đó, trong việc giải quyết các tranh chấp, xung đột ở khu vực, Việt Nam luôn tìm cách duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình bằng cách đối thoại, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982. Việt Nam ủng hộ sự hiệu quả và việc chấp hành đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (gọi tắt là DOC). 

Khi nói đến sự an toàn và an ninh của hàng hải và hàng không, ông Chính dẫn chứng rằng 60% thương mại hàng hải đi qua Châu Á và Biển Đông, vì vậy, bảo vệ an toàn cho các tuyến hàng hải trọng yếu này là trách nhiệm của tất cả các quốc gia trên thế giới.

Khẳng định lập trường về Ukraine

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề cập đến cuộc chiến Nga - Ukraine. Đây cũng là một khác biệt trong chính sách giữa Mỹ và Việt Nam. Trong khi Mỹ ủng hộ Ukraine, lên án Nga, Chính phủ Việt Nam duy trì lập trường trung lập, không lên án Nga, thể hiện qua hai lần bỏ phiếu trắng và một lần bỏ phiếu chống ở Liên Hiệp Quốc cho các nghị quyết lên án Nga xâm lược Ukraine.

"Liên quan đến vấn đề Ukraine. Việt Nam ủng hộ lập trường của Hoa Kỳ, sẵn sàng tham gia vào các nỗ lực và sáng kiến của cộng đồng quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đối thoại giữa các bên liên quan để tìm kiếm giải pháp lâu dài, bền vững.

Việt Nam luôn nhất quán tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, cũng như lợi ích hợp pháp và giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực".

Ông Chính đồng thời nhắc lại số tiền Việt Nam đã viện trợ nhân đạo 500.000 USD cho Ukraine được phía Việt Nam tuyên bố nhân chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Fumio Kishida tới Hà Nội hồi tuần trước. 

Theo lịch trình, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính sẽ có chuyến thăm và làm việc tạo Mỹ kéo dài bảy ngày, bắt đầu từ ngày 11/5. Ông Chính sẽ tham gia Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Hoa Kỳ lần thứ hai vào hai ngày 12 và 13/5.

Cùng ngày ông Chính khởi hành đi Mỹ, tù nhân lương tâm là Hồ Đức Hoà, bị tuyên án 13 năm tù giam vào năm 2013, và bà Trần Thị Thúy, từng thụ án tám năm tù giam và mãn án hồi năm 2018 cùng được sang Hoa Kỳ dưới sự bảo trợ của đảng Việt Tân.

Việt Nam chưa đưa ra lý do vì sao cả hai người đấu tranh cho nhân quyền này được sang Mỹ, đặc biệt là ông Hồ Đức Hoà còn đang chịu án ở năm thứ 11.

Nguồn : VOA, 11/05/2022

**********************

Chuyến hành hương đến Washington của thủ tướng Việt Nam

David Brown, VNTB, 09/05/2022

Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu đoàn quan chức cấp cao Việt Nam tới Washington vào tuần tới. Trước khi tham gia "Hội nghị thượng đỉnh Á Châu đặc biệt " vào ngày 12-13/5 của Tổng thống Joe Biden, hậu quả của việc Nga xâm lược Ukraine sẽ rất có thể chi phối các cuộc tham vấn song phương với các đối tác Mỹ.

pmc4

Thử nghiệm đối ngoại lớn nhất của Phạm Minh Chính

Chiến tranh của Putin đã làm lung lay một giả định cơ bản về tư thế phòng thủ của Việt Nam : rằng Nga sẽ vẫn là một nhà cung cấp đáng vũ khí cần thiết đáng tin cậy cho Việt Nam để ngăn chặn sự xâm lược của Trung Quốc. Cuộc chiến đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho mối quan hệ đôi bên cùng có lợi của Nga với Việt Nam.

Mối quan hệ có từ thời Liên Xô viện trợ cho chế độ cộng sản Hà Nội chiến đấu giành độc lập và sau đó để thống nhất đất nước dưới sự cai trị của Cộng sản. Nga vẫn được vinh danh tại Hà Nội là nhà viện trợ kinh tế hào phóng cả chục năm sau chiến tranh khi Việt Nam cố xây dựng một nền kinh tế chỉ huy kiểu Liên Xô. Bây giờ Việt Nam đã tiến nhanh lên trong vài thập niên : sau khi tái định thành công kinh tế của Việt Nam là nền kinh tế "thị trường – xã hội chủ nghĩa" nhưng thận trọng với tham vọng của Trung Quốc, lãnh đạo Việt Nam đã chọn dựa vào Moscow với các hệ thống vũ khí công nghệ cao tương đối rẻ tiền, như tàu chiến, máy bay chiến đấu, tàu ngầm tấn công và tên lửa phòng thủ bờ biển.

"Giấc mơ Trung Hoa" của Tập Cận Bình là cơn ác mộng của Việt Nam, một mối đe dọa mà Hà Nội đã đối phó bằng cách xây dựng năng lực ngăn chặn, tôn trọng và nhấn mạnh lợi ích kinh tế chung. Đó là một chiến lược cổ xưa có hiệu quả khi Trung Quốc có hành động thái quá, và một tập hợp các chính sách đã cho phép Việt Nam hiện đại duy trì một mối quan hệ xây dựng khiêm tốn với quốc gia láng giềng khổng lồ .

Tuy nhiên giờ đây Hà Nội không còn đảm bảo có trong tay một bộ hệ thống vũ khí của Nga. Trong tương lai gần, Việt Nam sẽ gần như không thể mua vũ khí của Moscow mà không vi phạm ‘các biện pháp trừng phạt thứ cấp’. Hà Nội dường như đã hiểu ra điều đó. Phạm Minh Chính được cho là đã đồng ý vào ngày 30 tháng 4 với Fumio Kishida, thủ tướng mới của Nhật Bản, rằng "ở bất kỳ khu vực nào, việc thay đổi hiện trạng bằng vũ lực là không thể chấp nhận được".

Phạm Minh Chính và các đồng chí của ông ta sẽ phải rất cẩn thận ở Washington. Chú ý là có thông tin về cuộc khủng hoảng Ukraine. Nhiều người đang chỉ đạo cuộc đối đầu ủy nhiệm với Nga lại thiếu đánh giá về lợi ích Châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ. Để hỗ trợ Ukraine, Việt Nam (vì những lý do chính đáng của mình) đã không hợp tác với những người bạn khác của Mỹ, và điều đó không phù hợp với những người theo chủ nghĩa hướng trọng tâm Châu Âu trong chính sách đối ngoại của Mỹ.

Chính sự hiện diện của thủ tướng Việt Nam tại Washington có thể thúc đẩy các ý kiến tiêu cực. Những người đàm phán hăng hái có thể chất vấn tại sao Mỹ không nên trừng phạt Hà Nội vì mua các hệ thống vũ khí của Nga và chỉ trích việc Hà Nội không tham gia các cuộc bỏ phiếu của Liên hợp quốc lên án chiến tranh của Putin.

Phạm Minh Chính được coi là có thể là một người kế nhiệm khả dĩ cho Nguyễn Phú Trọng bất cứ khi nào Tổng Bí Thư 78 tuổi quyết định nghỉ hưu hoặc, cũng có khả năng, một cú đột quỵ khác khiến Trọng không thể tiếp tục công việc. Các cuộc họp ở Washington là phép thử đối ngoại lớn nhất của Phạm Minh Chính cho đến nay ; đồng chí và đối thủ của ông ta sẽ theo dõi kỹ lưỡng.

‘Cẩn thận’ không phải là không nói gì. Phạm Minh Chính sẽ khôn ngoan khi thể hiện sự thông cảm thực sự với Ukraine và thất vọng đối với Nga, một người bạn đáng tin cậy trong trước đây của Hà Nội, đã "đi trật đường ray". Phạm Minh Chính nên thẳng thắn và hối tiếc xác nhận rằng Việt Nam đã dựa vào các hệ thống vũ khí được mua từ Moscow để bảo vệ lợi ích của mình chống lại các phần tử liều lĩnh ở Bắc Kinh. Phạm Minh Chính có thể nói rằng hy vọng Mỹ có thể giúp giải quyết vấn đề này.

Chính quyền Biden tự hào về "chủ nghĩa thực tế thực dụng", nhưng người Mỹ dường như bị ám ảnh với việc giả vờ không liên kết lâu nay của Việt Nam. Bất chấp hợp tác song phương sâu rộng và ngày càng tăng nhằm làm lu mờ tham vọng của Bắc Kinh ở Biển Đông, họ đã thúc ép Hà Nội nâng cấp quan hệ song phương với Mỹ. Họ nói mối quan hệ phải ‘chiến lược‘, chứ không chỉ là ‘toàn diện’. 

Giả định rằng Bộ Chính trị của Việt Nam đã xử lý những tác động của cuộc chiến của Putin đối với Ukraine, một tuyên bố chung rằng Việt Nam và Mỹ từ nay trở đi là ‘đối tác chiến lược’ sẽ là một điều dễ dàng cho Hà Nội.

Có thể Tổng thống Biden và những người đàm phán khác sẽ thúc giục Việt Nam ngừng mua vũ khí do Nga cung cấp và phục vụ. Đáp lại, Phạm Minh Chính có thể chỉ ra điều hiển nhiên : nếu Washington muốn Hà Nội không mua vũ khí của Nga, thì Hoa Kỳ nên giúp Việt Nam tìm kiếm và tài trợ cho các biện pháp tăng cường năng lực bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền như Ukraine.

Ấn Độ cũng phụ thuộc đáng kể vào vũ khí Nga. Có lẽ Mỹ có thể thúc đẩy hợp tác ba bên để đáp ứng nhu cầu bảo trì và giúp cả Việt Nam và Ấn Độ xác định và vượt qua các thách thức mua sắm quốc phòng trong tương lai.

Nếu Washington và Hà Nội đồng ý nâng cấp quan hệ chiến lược cũng như toàn diện, điều quan trọng là cả hai phải hành động phù hợp trong tất cả các lĩnh vực. Việt Nam vẫn là một trong 11 quốc gia mà Mỹ chỉ định là một nền kinh tế phi thị trườngNhãn quan đó đúng là một phần tư thế kỷ trước nhưng bây giờ là vô lý ; Việt Nam nên bị hủy bỏ nền kinh tế phi thị trường.

Về phía Việt Nam, có một khiếu nại thương mại cần phải điều tra khẩn cấp, là tấm pin mặt trời được cho là được sản xuất tại Trung Quốc và sau đó đánh bóng một chút ở Việt Nam hoặc các khu vực khác của Đông Nam Á, rồi được xuất khẩu sang Mỹ. Nếu đúng — và có vẻ đúng là vậy — những quốc gia thông đồng đó có nguy cơ bị trừng phạt nặng nề. Ở đây một lần nữa, Phạm Minh Chính nên chuẩn bị sẵn. Nếu thực sự các nhà xuất khẩu Việt Nam đã nằm trong số những nhà xuất khẩu liên quan đến các thiết bị cho pin mặt trời do Trung Quốc sản xuất, Việt Nam nên đóng cửa chúng ngay.

David Brown

Nguyên tác : Viet Premier’s Delicate Pilgrimage to Washington, Asia Sentinel, 06/05/2022

Nguồn : VNTB, 09/05/2022

David Brown, một nhà ngoại giao Mỹ đã nghỉ hưu, là cộng tác viên lâu năm của Asia Sentinel.

Quay lại trang chủ
Read 312 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)