Tổng thống Biden nói ông có tình cảm đặc biệt đối với Việt Nam
VOA, 13/05/2022
Khi tiếp Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính vào tối ngày 12/5 tại Nhà Trắng, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden bày tỏ tình cảm đặc biệt ông dành cho đất nước và con người Việt Nam. Dịp này, hai nhà lãnh đạo bày tỏ sự đồng tình về việc tôn trọng độc lập và chủ quyền của các quốc gia.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đón Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tại Nhà Trắng ngày 12/5/2022. Photo US Embassy in Hanoi.
Thủ tướng Chính gặp Tổng thống Biden trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-ASEAN diễn ra tại thủ đô Washington từ ngày 12-13 tháng 5.
Ông Biden cho biết ông luôn dành nhiều tình cảm cho Việt Nam và con người Việt Nam, và trong thời gian là thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, ông và người đồng nghiệp quá cố John McCain đã vận động để tăng cường mối quan hệ của Hoa Kỳ với Việt Nam, truyền thông Việt Nam dẫn lời ông Biden nói.
"Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ là một mối quan hệ đặc biệt", cổng thông tin Chính phủ Việt Nam viết. "Hai nước đã vượt qua quá khứ đau thương của chiến tranh, cùng nhau hợp tác, thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện phát triển ngày càng thực chất, hiệu quả trên mọi lĩnh vực", trang này dẫn lời ông Chính nói.
Tổng thống Biden tiếp các nhà lãnh đạo ASEAN ngày 12/5/2022.
Tổng thống Joe Biden nhất trí với Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị giữa các quốc gia, không sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình các tranh chấp, xung đột, trên cơ sở luật pháp quốc tế, vẫn theo Cổng thông tin Chính phủ.
Ông Chính chuyển lời mời thăm Việt Nam từ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, ông Biden nói rằng sẽ thu xếp thăm Việt Nam vào thời gian phù hợp.
Cuộc gặp ngắn giữa ông Biden với ông Chính diễn ra khi người đứng đầu Nhà Trắng tổ chức chiêu đãi các nhà lãnh đạo ASEAN, trong đó Việt Nam là một thành viên.
Hôm 12/5, ông Biden lời hứa chi 150 triệu đôla cho cơ sở hạ tầng, an ninh, phục hồi đại dịch và các nỗ lực khác nhằm chống lại ảnh hưởng của đối thủ Trung Quốc trong khu vực, theo Reuters.
Chính quyền của ông Biden hy vọng những nỗ lực tài trợ này sẽ cho các nước thấy rằng Washington vẫn tập trung vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và thách thức lâu dài của Trung Quốc, là đối thủ cạnh tranh chính của Washington.
*************************
Thứ trưởng Mỹ Sherman nêu vấn đề nhân quyền với phái đoàn Việt Nam
VOA, 13/05/2022
Bà Wendy Sherman, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 12/5 nêu vấn đề nhân quyền với Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hà Kim Ngọc, hối thúc Hà Nội tuân thủ các cam kết quốc tế về quyền con người.
Nhân quyền, từ lâu đã là vấn đề nhạy cảm nhất trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, và hai bên thường có các phát biểu bất đồng do tồn tại các khác biệt, dù đã qua hơn 25 lượt đối thoại thường niên về nhân quyền.
Thứ trưởng Ngoại giao Sherman đã nêu lên vấn đề nhân quyền và "tầm quan trọng của việc Việt Nam thực hiện các nghĩa vụ và cam kết quốc tế về quyền con người", Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price cho biết vào tối ngày 12/5, giờ miền đông Hoa Kỳ.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nêu vấn đề nhân quyền với Thứ trưởng Hà Kim Ngọc, cựu Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, người đang tháp tùng Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính trong chuyến công du tại thủ đô Washington tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ-ASEAN từ ngày 12-13/5.
Dự kiến vào sáng ngày 13/5, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính, theo thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ. Không rõ liệu ông Blinken sẽ đề cập vấn đề nhân quyền với ông Chính hay không.
Giới tranh đấu cho nhân quyền Việt Nam tin rằng chính phủ Hoa Kỳ luôn đặt vấn đề nhân quyền là một trong những ưu tiên trong quan hệ đối ngoại với Việt Nam, với việc Washington liên tục thúc ép Hà Nội thả tù nhân chính trị.
Từ Đức, Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, nói với VOA rằng việc Hà Nội vừa phóng thích tù nhân lương tâm Hồ Đức Hòa, cho phép ông và cựu tù nhân Trần Thị Thúy đi tị nạn ngay trong chuyến công du Mỹ của phái đoàn ông Chính cho thấy sự "mặc cả ngầm" luôn tiếp diễn giữa hai quốc gia cựu thù, và rằng phía Mỹ dường như chưa hài lòng với con số tù nhân được phóng thích quá ít từ phía Việt Nam.
Ông Đài nói :
"Trong hai năm qua, Hoa Kỳ liên tục vận động để các tù nhân lương tâm được trả tự do trong nước hoặc được đi tị nạn chính trị ở nước ngoài, nhưng phía Việt Nam hoàn toàn từ chối.
"Cho đến khi ông Phạm Minh Chính có chuyến đi sang Hoa Kỳ thì phía Việt Nam mới trả tự do cho tù nhân lương tâm Hồ Đức Hòa và cho cựu tù nhân Trần Thị Thúy đi tị nạn chính trị tại Hoa Kỳ.
"Đây là một động thái sau nhiều nỗ lực từ phía Mỹ mà theo tôi là chưa đáp ứng được mong muốn từ phía Hoa Kỳ".
"Đây là một sự mặc cả đi lại giữa hai bên. Vấn đề này còn tùy thuộc vào sự cứng rắn của phía Hoa Kỳ".
Luật sư Đài kỳ vọng rằng phía Hoa Kỳ nên dứt khoát trong vấn đề "mặc cả" này và đặt gắn điều kiện nhân quyền, trả tự do cho tù nhân lương tâm với các vấn đề khác như viện trợ phát triển, hỗ trợ kinh tế, viện trợ nhân đạo, thương mại song phương...
Trong khi phái đoàn của Thủ tướng Chính gặp gỡ chính giới và tham gia các hoạt động khác nhau trong suốt chuyến công du kéo dài 7 ngày tại Hoa Kỳ, cộng đồng người gốc Việt tại khu vực thủ đô Washington DC và San Francisco ở bang California dự kiến tổ chức các buổi tình kêu gọi Hà Nội tôn trọng nhân quyền, phóng thích tù nhân lương tâm.
Hàng năm Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố báo cáo về tình hình nhân quyền Việt Nam, theo đó cho rằng chính quyền Việt Nam bắt bớ tùy tiện những người lên tiếng ôn hòa bảo vệ nhân quyền, vi phạm quyền tự do phát biểu, tự do báo chí.
Bộ ngoại giao Việt Nam thường lên tiếng phản bác các báo cáo này, cho rằng nhận định của phía Mỹ là "không khách quan", "không phản ánh tình hình thực tế tại Việt Nam".
Phía Việt Nam nói việc tôn trọng và bảo vệ nhân quyền là một chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước, nói thêm rằng "Việt Nam không chỉ coi bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và tiếp cận thông tin là những nghĩa vụ theo các Điều ước quốc tế về quyền con người mà thực chất xuất phát từ chính lợi ích mang lại cho phát triển đất nước".
*******************
HRW kêu gọi thúc đẩy nhân quyền, dân chủ tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN
VNTB, 12/05/2022
Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt Hoa Kỳ-ASEAN vào ngày 12 tháng 5 năm 2022 sẽ khuyến khích các lãnh đạo chuyên quyền trừ khi hội nghị trực tiếp đối mặt với tình trạng nhân quyền và dân chủ tồi tệ hơn trong khu vực, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết hôm nay trong một bức thư gửi chủ nhà hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Hoa Kỳ Joseph Biden. Các lãnh đạo của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng nên thừa nhận sự thất bại của khối ASEAN trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nhân quyền và nhân đạo ở Myanmar kể từ cuộc đảo chính quân sự tháng 2 năm 2021.
Tổng thống Biden nên đề cập những vấn đề chính với các lãnh đạo khu vực ASEAN
John Sifton, giám đốc vận động Châu Á thuộc tổ chức Quan sát Nhân quyền cho biết : "Chính quyền Biden sẽ cần phải thuyết phục các lãnh đạo độc tài của khối ASEAN tại hội nghị thượng đỉnh rằng tương lai cuối cùng của liên minh phụ thuộc vào cải cách dân chủ. Mối quan hệ Mỹ-ASEAN cần phải trung thực và trực tiếp đề cập đến tình trạng nhân quyền đang xấu đi và sự thụt lùi dân chủ trong khu vực".
Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, sự phát triển của cai trị độc tài ở khu vực ASEAN đang diễn ra trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc ngày càng cố hết sức làm suy yếu các biện pháp bảo vệ nhân quyền.
Quan chức Hoa Kỳ nên nói chuyện cởi mở, thẳng thắn và công khai về các mối quan tâm cụ thể trong các cuộc họp song phương với các thành viên ASEAN và trong các tuyên bố với truyền thông về hội nghị thượng đỉnh, Human Rights Watch cho biết. Chính quyền Biden có thể làm như vậy một cách đáng tin cậy và hiệu quả nhất bằng cách tập trung vào các tình huống thực tế ở mỗi quốc gia, đồng thời thừa nhận nhiều thiếu sót trong hồ sơ nhân quyền của Hoa Kỳ cũng như những nỗ lực và thách thức của chính phủ Hoa Kỳ trong việc khắc phục chúng.
Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, lạm dụng nhân quyền gia tăng ở các nước ASEAN trong những năm gần đây. Quân đội Myanmar đã sử dụng biện pháp tàn bạo hàng loạt đối với người Hồi giáo Rohingya và các nhóm sắc tộc khác, cùng những người biểu tình chống đảo chính. Cuộc "chiến chống ma túy" của Tổng thống sắp mãn nhiệm Philippines Rodrigo Duterte đã dẫn đến hàng ngàn vụ hành quyết không qua xét xử.Chính phủ độc đảng của Việt Nam đã hiện tăng cường đàn áp ra và bắt giam hơn 150 nhà bất đồng chính kiến. Chính quyền Campuchia đang tiến hành xét xử hàng loạt, nhiều vụ xử vắng mặt, các nhân vật chính trị đối lập.
Mỹ nên thúc ép các thành viên ASEAN từ bỏ cách tiếp cận "năm điểm thuận" thất bại đối với cuộc khủng hoảng ở Myanmar. Các thành viên ASEAN cùng chí hướng như Malaysia, Indonesiavà Singapore, nên tham gia vào những nỗ lực quốc tế phối hợp để quân đội hướng tới cải cách, như tăng hạn chế đối với nguồn thu ngoại tệ và mua vũ khí. Mỹ và các nước ASEAN này nên phát triển một cách tiếp cận rõ ràng, có thời hạn để gây áp lực buộc quân đội chấm dứt các hành vi lạm dụng, như ra tín hiệu ủng hộ các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với doanh thu từ dầu và khí đốt cùng một nghị quyết của Hội đồng Bảo an về việc ban hành lệnh cấm vận vũ khí toàn cầu.
"Thảo luận về các mối quan tâm nhân quyền khu vực tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN sẽ gửi thông điệp rằng nhân quyền và thúc đẩy dân chủ là rất quan trọng trong việc tạo ra phản ứng đa phương đối với các cuộc tấn công của chính phủ Trung Quốc vào hệ thống nhân quyền quốc tế", Sifton nói.
VNTB
Nguồn : https://www.hrw.org/news/2022/05/10/us-asean-promote-rights-democracy-summit
**********************
Phạm Minh Chính : "Tôi sẵn sàng đối thoại bất cứ ai trên thế giới về dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam !"
RFA, 13/05/2022
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam có phát biểu như vừa nêu hôm 12/5 (giờ Hoa Kỳ) trước các doanh nghiệp Mỹ trong buổi làm việc do Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC) và Phòng Thương mại Mỹ (USCC) tổ chức.
- VGP
"Chúng tôi mong các đối tác, doanh nghiệp Mỹ tiếp tục đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội.
Tôi sẵn sàng đối thoại bất cứ ai trên thế giới về kinh tế Việt Nam, về dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam.
Chúng ta cởi mở, chân thành để làm việc. Khi hợp tác với nhau thì lợi ích hài hoà mà rủi ro phải cùng nhau chia sẻ", mạng báo Thanh Niên trích nguyên văn lời ông Chính nói.
Chính quyền Việt Nam trả tự do cho tù nhân chính trị Hồ Đức Hòa từ trại giam khi đang thụ án 13 năm tù giam và lên đường sang Mỹ hôm 11/5 cùng thời gian với chuyến đi dự hội nghị Thượng đỉnh ASEAN-Mỹ của ông Chính.
Báo chí nhà nước Việt Nam hoàn toàn không đề cập đến thông tin này. Tuy nhiên chỉ một ngày sau đó, báo Nhà nước Việt Nam cho biết Cơ quan An ninh điều tra Long An bắt tạm giam đối với bà Cao Thị Cúc, chủ hộ của Tịnh thất Bồng Lai, với cáo buộc tội danh "lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân".
Tịnh thất Bồng Lai là một nhóm những người theo đạo Phật và tu tại gia.
Trong vụ này, đến nay đã có năm người bị khởi tố với cùng tội danh, trong đó ông Lê Tùng Vân (90 tuổi) được tại ngoại để điều tra do tuổi cao, sức khỏe yếu.
Đã có một số ý kiến cho rằng việc khởi tố và bắt giam nhóm người này thuộc Tịnh thất Bồng Lai là đàn áp tôn giáo.
Trong bài nói chuyện trước các doanh nghiệp Mỹ, ông Chính cũng cho rằng sau gần 30 năm bình thường hóa quan hệ thì hai nước trải qua nhiều thăng trầm, chua cay, đắng ngọt đủ cả và đến nay hai bên đang bước vào giai đoạn quả ngọt.
*******************
Thủ tướng Chính : Việt Nam quan tâm đến khuôn khổ kinh tế Biden, nhưng cần nghiên cứu chi tiết
VOA, 12/05/2022
Hôm 11/5, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính cho biết Hà Nội quan tâm đến việc giúp Hoa Kỳ thực hiện các mục tiêu của khuôn khổ kinh tế đề xuất cho Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhưng cần thời gian để nghiên cứu chi tiết, theo Reuters.
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính.
Thủ tướng Chính, hiện đang ở thủ đô Washington để tham dự cuộc họp thượng đỉnh hai ngày giữa Tổng thống Joe Biden và các nhà lãnh đạo Đông Nam Á bắt đầu vào 12/5, cho biết ông đã có các cuộc thảo luận về Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) của Tổng thống Joe Biden với các quan chức Hoa Kỳ trước đó hôm 11/5.
"Chúng tôi muốn làm việc với Hoa Kỳ để hiện thực hóa bốn trụ cột của sáng kiến đó", ông Chính nói trong một phiên hỏi-đáp sau khi có bài phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở thủ đô Washington.
Ông cho biết các trụ cột đó là ổn định chuỗi cung ứng, nền kinh tế kỹ thuật số, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và trụ cột thứ tư liên quan đến lao động, thuế và chống tham nhũng.
Ông nói : "Những điều này rất quan trọng đối với Hoa Kỳ, đối với Việt Nam và các quốc gia khác".
Tuy nhiên, ông Chính cho biết "các yếu tố cụ thể" của sáng kiến này vẫn chưa được làm rõ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và ông Gregory B. Poling tại phiên hỏi - đáp tại Trung tâm CSIS ở thủ đô Washington ngày 11/5/2022. Photo : Chụp từ CSIS.
"Chúng tôi sẵn sàng tham gia thảo luận với Hoa Kỳ để làm rõ bốn trụ cột này sẽ cần những gì và khi điều đó được làm rõ, chúng tôi sẽ thảo luận những điều đó", ông nói thêm. "Chúng tôi cần thêm thời gian để nghiên cứu sáng kiến này và xem nó đòi hỏi những gì".
Trong thời gian qua, các nước Châu Á thất vọng trước việc Hoa Kỳ chậm trễ trong việc trình bày chi tiết các kế hoạch tham gia kinh tế với khu vực này kể từ khi cựu Tổng thống Donald Trump từ bỏ hiệp ước thương mại khu vực vào năm 2017, bỏ ngỏ lĩnh vực này cho đối thủ của Hoa Kỳ là Trung Quốc.
Tại một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến với các lãnh đạo ASEAN vào tháng 10 năm ngoái, Tổng thống Biden cho biết Washington sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán về việc phát triển Khuôn khổ IPEF, nhằm mục đích thiết lập các tiêu chuẩn khu vực cho sự hợp tác.
Trong tuần này, Đại sứ Nhật tại Washington cho biết IPEF có thể sẽ được chính thức ra mắt khi ông Biden thăm Nhật Bản vào cuối tháng 5, nhưng các chi tiết đó vẫn đang được thảo luận.
Các nhà phân tích và các nhà ngoại giao cho biết chỉ có hai trong số 10 quốc gia ASEAN - Singapore và Philippines - dự kiến sẽ nằm trong nhóm các quốc gia ban đầu đăng ký đàm phán IPEF.
Ông Chính ca ngợi sự tiến triển của mối quan hệ giữa Hà Nội với Hoa Kỳ trong những thập kỷ gần đây và sự bùng nổ thương mại song phương lên tới gần 112 tỷ đôla mỗi năm, mặc dù ông nói rằng hai bên cần thúc đẩy hợp tác hơn nữa để giải quyết các vấn đề còn lại sau Chiến tranh Việt Nam.
**********************
Thủ tướng Việt Nam gặp Bộ trưởng Tài chính, Thương mại Mỹ
VOA, 12/05/2022
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính hôm 11/5 đã có các cuộc gặp với các quan chức tài chính và thương mại Hoa Kỳ trong ngày làm việc đầu tiên sau khi đặt chân tới Mỹ để tham dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen.
Theo Cổng thông tin chính phủ Việt Nam (VGP), trong cuộc trao đổi với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, ông Chính "cảm ơn sự ủng hộ" của bà "đối với việc thúc đẩy quan hệ hợp tác tài chính tiền tệ và kinh tế - thương mại thời gian qua", đồng thời "khẳng định hợp tác trong lĩnh vực này đã có bước phát triển tích cực, góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác toàn diện hai nước".
Tin cho hay, ông Chính cũng "mong Hoa Kỳ chia sẻ kinh nghiệm phát triển thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản một cách lành mạnh, an toàn, minh bạch, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô".
Cùng ngày, Thủ tướng Chính cũng có cuộc gặp với Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo, trong đó ông cũng cảm ơn phía Mỹ "thúc đẩy trao đổi thương mại giữa hai nước thời gian qua cũng như tháo gỡ kịp thời các vấn đề vướng mắc theo hướng không làm gián đoạn thương mại giữa hai nước".
VGP cũng dẫn lời ông Chính "bày tỏ mong muốn quan hệ thương mại hai nước tiếp tục phát triển hài hòa và bền vững, thời gian tới tập trung vào đa dạng hóa cung ứng, chuyển đối số thương mại trong đầu tư, thúc đẩy khoa học công nghệ và những lĩnh vực mà Hoa Kỳ có thế mạnh và Việt Nam có tiềm năng".
Cổng thông tin chính phủ Việt Nam cũng dẫn lời ông Chính "đánh giá cao những phát triển vượt bậc trong quan hệ kinh tế - thương mại hai nước, trong đó kim ngạch thương mại 2 chiều từ 400 triệu USD năm 1995 lên gần 112 tỷ USD vào năm 2021 mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh".
Viết trên Twitter sau cuộc gặp, Bộ trưởng Raimondo nói rằng bà và ông Chính "thảo luận về mối quan hệ thương mại Mỹ - Việt, Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và chuyến làm việc của phái đoàn thương mại sắp tới trong đó có các chặng dừng chân ở Việt Nam".
Theo Reuters