Ngày sinh của rắn
Trần Quốc Việt, 19/05/2022
Một người Việt ra bờ biển sớm mai mùa đông
Thấy biển đỏ như máu.
Một người Việt lên non đầu xuân, nhìn xuống
Thấy sông đầy nước mắt.
Một người Việt ra đồng vào đầu thu
Thấy xương phơi trắng đồng.
Một người Việt ra phố vào đầu hạ
Thấy máu loang khắp phố phường
Dưới bóng cờ đỏ
Mừng ngày sinh của rắn.
Trần Quốc Việt
(19/05/2022)
********************
"Con chó khát máu đã chết"
Abner J. Mikva, Chicago Daily News, 9/9/1969.
Tổng thống Truman vừa tuyên bố Hitler cuối cùng đã chết thì vào ngày hôm sau cơ quan lập pháp của tiểu bang Illinois phấn khởi thông qua nghị quyết này : "Chúng tôi do đó tuyên dương Hitler vì một hành động tốt trong đời hoạt động của ông... và lên án ông sao không chết quách cách đây 56 năm".
Tin Hồ Chí Minh từ trần đăng trên báo New York Times ngày 4/9/1969 - Ảnh minh họa
Còn Đài phát thanh Anh mừng sự kiện này khi trích dẫn lời của Shakespeare : "Chúng ta đã chiến thắng, con chó khát máu đã chết".
Mọi người đều hân hoan. Người lạ mua rượu đãi nhau, mừng, hớn hở. Bao người trên đường phố với vẻ mặt tươi cười rạng rỡ lúc bàn tán về chuyện này. Tất cả họ đều đồng ý rằng con quỷ ấy chết thật là đáng kiếp.
Phản ứng cũng giống như vậy, tuy ở mức độ nhỏ hơn, khi Mussolini bị hành hình. Còn khi Tojo cố gắng tự tử, người ta hy vọng ông vẫn còn sống, và ông còn sống thật, vì họ muốn thấy ông bị treo cổ, và cuối cùng ông bị treo cổ thật.
Tại sao lại không vui mừng chứ ? Ngoài chiến thắng hoàn toàn nước thù địch ra thì chẳng có gì phấn khởi cho bằng cái chết của kẻ lãnh đạo của nước thù địch.
Vì thế tôi không thể nào chờ để đi ra khu trung tâm thành phố sau khi tôi mở đài và nghe tin Hồ Chí Minh đã chết.
Nhét confetti và kèn giấy vào túi quần, đội chiếc mũ rơm đỏ-trắng-xanh, và ngâm nga những bản nhạc của George M. Cohan, tôi bắt đầu lên đường để hòa mình vào sự bộc phát của lòng yêu nước mà tôi chắc chắn sẽ tràn ngập ở khu trung tâm.
Lạ thay, tôi chẳng thấy những đám đông hân hoan tập trung ở ngã tư đường State và đường Madison. Phố xá vẫn bình thường tưởng như không có gì tuyệt vời đã xảy ra.
Còn trong các quán bar, chẳng ai làm dấu hiệu chữ "V" bằng tay, hay uống rượu mừng, hay hát "Hãy yêu nhau đi trên cỏ xanh"...
Vì vậy tôi vội vã đến văn phòng để đọc báo và để biết chắc rằng mình đã không hiểu sai lời của xướng ngôn viên.
Không sai. Rành rành trên giấy trắng mực đen kia. Chẳng còn nghi ngờ gì nữa, Hồ đã chết.
Tôi tưởng ít ra sẽ có sự mãn nguyện khi đọc về cái chết của con quỷ tàn ác này. Tôi bắt đầu tìm kiếm những bài báo trích dẫn lời của những người lãnh đạo chúng ta nói về cái chết của Hồ là chiến thắng rất lớn cho tự do ; về tại sao chết là cực kỳ tốt cho con bạch tuộc cộng sản này mà đã ra sức tiêu diệt chúng ta bằng những cái vòi cộng sản quốc tế. Tôi muốn đọc thích thú những bài xã luận mà nói thế giới ngày nay bây giờ có thể bớt lo lắng một chút, và con người khủng khiếp này đã để lại những trang sử đẫm máu.
Nhưng tình huống lại càng trở nên khó hiểu.
Tổng thống Mỹ thậm chí cũng không bình luận gì về cái chết của Hồ. Hầu như không ai trong chính quyền nói gì. Không có những nghị quyết châm biếm được các cơ quan lập pháp thông qua ở bất kỳ nơi đâu.
Lại càng kỳ lạ hơn nữa là nhiều bài báo và xã luận còn cho ông là "George Washington đối với hàng triệu người Việt".
Một bài xã luận bàn về "cuộc đấu tranh quyết liệt và kiên trì của ông trong hơn 30 năm để giải phóng toàn cõi Việt Nam ra khỏi sự đô hộ của nước ngoài".
Một phóng viên chiến trường dày dạn đã kinh qua chiến trường ác liệt trong hơn hai năm đã tả Hồ là người "có chòm râu, đáng kính trọng, bậc tiền bối, nhân từ, giống như người ông với các cháu".
Còn tờ báo biểu lộ lòng yêu nước nhất trong thành phố mà tôi hy vọng sẽ bày tỏ bằng lời niềm vui trước cái chết của ông thì lại không viết một lời xã luận nào.
Hầu như lời bình khe khắt duy nhất mà tôi có thể tìm thấy thì lại là một sự thật rất hiển nhiên rằng ông là một tay cộng sản gộc. Nhưng cả điều này cũng được làm cho xoa dịu bớt qua lời nhận xét rằng Hồ là người Việt quốc gia hơn là người cộng sản.
Một điều tưởng như rất khó tin nhưng không có cách nào tránh được : Hồ dường như nghe ra có vẻ tốt hơn những người ở bên phe ta.
Đó là lòng yêu nước gì vậy ? Chỉ riêng lương tri thôi cũng đủ mách cho ta biết rằng ông là ma quỷ của bóng tối cực ác. Nếu không thì tại sao chúng ta lại giết đến hàng trăm ngàn người theo ông, và qua đó đã mất đi 30.000 người của chính mình. Nếu nhiều người theo ông xấu xa đến mức còn đáng bị giết như thế thì ta hãy hình dung xem ông, lãnh tụ của họ, là con người như thế nào.
Hơn nữa, việc chúng ta tham chiến ở Việt Nam lâu hơn chúng ta tham chiến trong Đệ nhị Thế chiến nên là bằng chứng hiển nhiên rằng ông có lẽ là kẻ ác nhất trên thế giới, vì nếu như ông không ác nhất thì tại sao chúng ta lại không đánh kẻ ác nhất ?
Lần tới khi chúng ta tham chiến trong cuộc chiến tranh hạn chế, tôi hy vọng chúng ta sẽ tìm thấy một kẻ lãnh đạo đáng ghét hơn. Dù sao, chúng ta thật sự có tự do chọn lựa.
Abner J. Mikva (Dân biểu Mỹ)
Nguyên tác : "We've Run Out of "Bad Guys", Chicago Daily News, 9/9/1969. Tựa đề tiếng Việt của người dịch.
Trần Quốc Việt dịch
*************************
Con rắn vô ơn
Basset Digby, The Living Age, 18/02/1922
Ngày xưa có một ông già người Kirghiz cỡi lạc đà đi xuống biên giới Turkestan và thấy một con rắn sắp bị con cò bắt ăn. Con rắn rất khiếp sợ, nên cầu khẩn ông cứu mạng.
V
Hình Hồ Chí Minh trên bìa báo Time ra ngày 16 tháng 7 năm 1965.
"Được rồi", người Kirghiz nhân hậu nói xong liền từ trên lạc đà bước xuống. Ông đuổi còn cò đi chỗ khác, rồi nhặt con rắn lên bỏ vào một trong những cái túi da nhỏ mà ông luôn luôn mang bên mình.
"Mmmmmmm", con rắn nói.
"Chẳng hiểu gì hết !", người Kirghiz đáp. "Làm ơn nói to lên nào, chứ đừng nói lầm bầm trong miệng".
"Thì ông cũng phải ghé tai lại gần hơn chứ", con rắn nói. "Chẳng lẽ ông tưởng ông nghe được tôi nói qua cái túi dày này hay sao... Con cò bay đi rồi chứ ?".
"Đúng", người Kirghiz đáp.
"Ông có thật sự, tuyệt đối, hoàn toàn chắc chắn rằng con cò đã bay đi rồi chứ ?", con rắn hỏi.
"Đúng", người Kirghiz đáp.
"Ông thật sự hoàn toàn xác tín rằng chuyện con cò bay đi không phải là ảo tưởng mơ hồ phải không nào ?", con rắn hỏi dai.
"Đúng", người Kirghiz đáp. Ông cũng chẳng biết hơn gì ta nghĩa của tất cả những từ dài ngoằng này, nhưng ông là người già chín chắn, nên luôn luôn thường nói "đúng" để tránh chuyện lời qua tiếng lại.
"Thế thì thả tôi ra đi ; trong này tối bưng, ngột ngạt và khó chịu quá!", con rắn nói.
Người Kirghiz mở dây buộc quanh miệng túi, thả nó ra.
Ra ngoài nắng con rắn nháy mắt một lát. Rồi nó quay sang ân nhân mình nói :
"Bây giờ tôi sẽ cắn lạc đà và ông, cả hai các ngươi ! Ông chắc chắn sẽ ngã ra chết !".
"Tại sao ?", ông già hỏi. "Ta có hại gì mi đâu !".
"Trái lại ông làm ơn cho tôi là đằng khác. Còn nếu ông hại tôi thì tôi mới sợ ông".
"Bất công quá !", ông già người Kirghiz nói. "Tuy nhiên, tôi sẵn sàng chấp nhận tất cả những sắc thái triết học mới này. Chúng ta hãy tiếp tục đi, và trên đường đi chúng ta sẽ hỏi ý kiến của kẻ khác về chuyện này".
Con rắn đồng ý. Chẳng bao lâu họ gặp con bò liền kể cho con bò nghe hết mọi chuyện. Con bò nói :
"Con rắn hoàn toàn đúng đấy. Bọn con người các ông cũng cư xử giống như nó vậy thôi. Các ông cũng lấy oán trả ơn. Chẳng hạn, hãy nhìn tôi đây. Mười hai năm trời tôi phục vụ cho cùng một người chủ. Mỗi năm tôi vẫn đẻ ra cho hắn con bê, và tôi còn cho hắn sữa để nuôi bản thân hắn và gia đình nữa. Nhưng giờ tôi già rồi họ chẳng cần đến tôi nữa. Mới hôm qua gã đồ tể đến nắn tôi và bóp tôi. Họ sẽ bán tôi để mổ thịt. Tôi biết mà".
"Ông bây giờ thấy tôi đúng chứ !", con rắn nói vẻ rất thích thú, nhưng ông già người Kirghiz yêu cầu nó chờ cho tới khi họ hỏi ý kiến người nào khác.
Trên con đường xa xăm họ đi ngang qua dưới bóng cây du rất lớn, và nhờ cây giải quyết vụ bất đồng giữa họ.
"Tôi đứng đây một mình giữa thảo nguyên", cây du đáp. "Trong suốt trăm năm tôi tỏa những nhánh cây rậm rạp đầy lá ra để che bóng mát cho bao khách qua đường nghỉ chân ở đây. Nhưng không có một ai trong tất cả bọn họ khi nhìn thân cây vững chắc và các nhánh cây đẹp đẽ của tôi mà lại không ao ước xẻ tôi ra làm ván và xà nhà để đem bán. Những ngày tới sẽ có người đến đốn hạ tôi rồi xẻ tôi ra từng mảnh. Chẳng lẽ tôi làm tất cả những điều tốt suốt bao lâu nay chỉ để được trả ơn như vậy sao ?".
"Ông đã nghe con bò kể chuyện", con rắn nói. "Ông đã nghe cây du kể chuyện. Thôi đi. Đừng phí thời gian của chúng ta nữa. Tôi đang phải vội đây. Từ giờ đến xế chiều tôi cắn ba người nữa còn ông đã thật sự đến số rồi". Nhưng ông già van nài nó hãy chờ cho tới lúc họ nghe xem một ý kiến nữa thôi. Thế rồi cả hai đi tiếp.
Chẳng bao lâu họ gặp con chồn già quỷ quyệt. Họ kể cho con chồn nghe chuyện bất đồng của họ và mọi sự xảy ra như thế nào.
"Ta không thể nói cho hai bên biết ta nghĩ gì cho tới khi ta thấy chính xác câu chuyện này bắt đầu như thế nào đã", con chồn nói. "Con rắn hãy bò lại vào cái túi đi, lúc ấy ta mới thấy rõ rắn được cứu ra như thế nào chứ".
Con rắn mới bò nửa chừng vào cái túi. Rồi nó dừng lại.
"Nhanh lên ! Bò tiếp ! Cậu làm ơn bò một mạch vào bên trong đi !", con chồn vừa nói vừa chọc con rắn để thúc giục nó. "Nhớ bò hẳn vào tận bên trong đấy nhé, và không được lòi một tí gì cái đuôi ra bên ngoài !". Con rắn rất hậm hực, nhưng nó đã vào bên trong túi và cuộn tất cả cái đuôi lại bên trong.
"Đến đây thì được rồi", con chồn vừa nói vừa nhăn trán lại trông có vẻ rất thông thái. "Bây giờ, người Kirghiz kia, ông đã bỏ nó vào túi đúng như thế. Rồi kế tiếp ông làm gì ? Có phải ông lấy dây buộc chặt miệng túi lại phải không ?".
"Đúng, tôi quả làm như vậy", người Kirghiz đáp.
"Được, vậy hãy làm lại cho ta thấy", con chồn nói tiếp. "Tòa phải hoàn toàn biết rõ sự việc liên quan trực tiếp đến cáo trạng".
Ông già người Kirghiz buộc chặt miệng túi lại.
"Ông biết đập lúa, phải không ?", con chồn hỏi.
"Nhưng ở đây tôi đâu có lúa má gì mà đập !", người Kirghiz đáp.
"Thôi đập con rắn vậy", con chồn khuyên. "Bây giờ nó không thể nào ra cắn ông được".
"Tôi không bao giờ nghĩ đến điều ấy !", ông già người Kirghiz cười nói. Và nhặt lấy một tảng đá to và phẳng, ông ném nó lên cái túi và đè bẹp con rắn vô ơn dẹp lép như cái bánh.
"Cảm ơn, chồn", người Kirghiz nói.
"Không có chi", con chồn lịch sự đáp lại.
Rồi ông già lại leo lên lạc đà và đi tiếp xuống biên giới Turkestan.
Bassett Digby
Nguyên tác : "The Ungrateful Snake, A Siberian Folk Tale", The Living Age, 18/02/1922, pp. 428-429
Trần Quốc Việt dịch