Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

20/05/2022

Tại sao Việt Nam vẫn chưa có hòa giải và hòa hợp dân tộc ?

Lynn Huỳnh, RFA, Nguyễn Khoa

Dân tộc Việt Nam có thực sự ‘là một’ như lời ông Phạm Minh Chính ?

RFA, 20/05/2022

Cuộc gặp của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính với một số người Việt diễn ra vào tối ngày 17/5/2022, tại thành phố San Francisco, bang California Hoa Kỳ.

dantoc1

Cuộc gặp của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính với một số người Việt diễn ra vào tối ngày 17/5/2022, tại thành phố San Francisco, bang California Hoa Kỳ. Courtesy chinhphu.vn

Dù có hơn hai triệu người Việt sinh sống tại Mỹ, nhưng một số người gặp ông Thủ tướng đã được cho là đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ. Tại cuộc gặp, ông Chính nói đại dịch càng khẳng định truyền thống của dân tộc Việt Nam là càng khó khăn, càng nỗ lực, càng đoàn kết... đồng thời ông nhắc lại lời ông Hồ : ‘Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi’.

Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ nhận định với RFA hôm 20/5 :

"Ông Chính nói "nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một" đó là nhìn theo quan điểm của những người cộng sản. Còn thực tế thì nếu nhìn từ góc độ cai trị và quản trị thì có hai nước Việt Nam : một nước Việt Nam của những người cộng sản mà ở đó họ nhận được những đặc quyền, được hưởng nhiều bổng lộc, được ưu tiên nắm quyền hành, và độc quyền cai trị đất nước ; và một nước Việt Nam của những người không cộng sản, họ bị cai trị, hầu như không nắm quyền gì, và luôn nơm nớp lo sợ bị giới cầm quyền hỏi thăm.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, giới lãnh đạo Đảng Cộng sản không bao giờ muốn nhắc đến thực tế này. Họ mượn chiêu bài đấu tranh giai cấp để giành lấy quyền lực, và sau khi có quyền lực thì quay lại dùng việc phân biệt giai cấp để cai trị nhân dân. Ông Vũ nói tiếp :

"Dù nắm quyền cai trị nhân dân nhưng các lãnh đạo cộng sản luôn cố gắng xây dựng một sự đoàn kết với giới bị trị bởi họ biết rằng giới bị trị luôn đông đảo hơn giới cai trị. Và nếu người dân bị trị mà cùng đoàn kết với nhau để đòi thay đổi thì chắc chắn giới cai trị sẽ nhanh chóng mất quyền lực và quyền lợi".

Nhiều người cho rằng, không thể có phương thức đại đoàn kết chung quanh một đảng, vì dân tộc luôn có sự khác biệt. Đại đoàn kết là phải chấp nhận khác biệt. Nhà nước Việt Nam nếu chấp nhận sự khác biệt thì không cần kêu gọi đại đoàn kết.

dantoc2

Hình minh họa : Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn Việt Nam gặp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ở Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 13/5/2022. AFP.

Trở lại với câu lặp lại lời ông Hồ Chí Minh của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc gặp gỡ với một số người Việt ở San Francisco, bác sĩ Đinh Đức Long, một Đảng viên đã rời khỏi Đảng, khi trả lời RFA hôm 20/5, cho rằng :

"Câu này không phải của ông Phạm Minh Chính, mà là của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói năm 1946, trước khi lên đường đi Pháp dự Hội nghị Fontainebleau. Khi đó ông gởi thư cho đồng bào miền Nam nói ‘sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một’. Vì lúc đấy Nam bộ là thuộc địa của Pháp, họ muốn tách miền Nam ra, và cuộc đấu tranh của cụ Hồ là để chống lại điều đó. Bây giờ các lãnh đạo có nhắc lại chỉ làm theo lời ông Hồ. Trên thực tế họ có làm thật, vì dù bất cứ ai, cấp bậc nào mà đi sai đường lối, muốn chia rẽ nước Việt Nam, muốn đặt địa phương mình ra ngoài sự lãnh đạo của trung ương, lập tức sẽ bị trừng phạt ngay. Đó là điều chắc chắn họ làm, ngay trong nội bộ họ, còn đối với kẻ thù họ còn làm mạnh hơn".

Liên quan đến vấn đề đối xử với người Việt thuộc chế độ Việt Nam Cộng Hòa hiện sống ở hải ngoại, liệu có được chính quyền cộng sản đối xử công bằng như lời các lãnh đạo ? Bác sĩ Đinh Đức Long nói :

"Cá nhân tôi thấy đúng là họ làm như thế, nhưng vấn đề thực hiện thì muốn vỗ tay phải có hai bàn tay, không ai vỗ tay một bàn tay. Phía họ nói như vậy còn phía người Việt ở hải ngoại có chấp nhận hay không ? Có hợp tác hay không là tùy từng người. Hoàn toàn đúng là có sự khác nhau nhưng tùy từng người. Nước Đức thống nhất thì cũng phân biệt đối xử huống gì cộng sản, nhưng mức độ khác nhau. Thứ hai là tùy thuộc vào từng con người cụ thể, có những người vẫn hợp tác và ngược lại có những người trong nội bộ cộng sản nhưng người ta cũng lại bỏ. Cho nên tôi nghĩ đó là chuyện bình thường của xã hội, nhưng nhiều người lại thổi phồng lên. Nhiều khi tôi cho rằng đó là đặc tính của dân tộc Việt Nam, tức là ‘được làm vua thua làm giặc’, mình phải hiểu nó chỉ khác nhau mức độ. Tóm lại khi xung đột lợi ích sẽ giết nhau, nếu không giết được nhau thì bắt tay hợp tác chung sống".

Nếu các vị lãnh đạo thật sự muốn 'Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một'... thì người cầm quyền là phía phải đi trứơc, phải quên đi quá khứ để mở đường cho những người đã vì lý do chính trị mà phải bỏ nước ra đi... Chứ không thể cứ ra sức đàn áp, bắt bớ người bất đồng chính kiến trong nước... rồi trước các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao Việt Nam đến các nước phương Tây, thì chính quyền Hà Nội thường trả tự do cho những người bị bỏ tù vì bất đồng chính kiến... và coi đó như là một cuộc mặc cả.

Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc khi trao đổi với RFA hôm 20/5 từ Sài Gòn, nhận định :

"Giới lãnh đạo hay nhầm lẫn giữa người Mỹ gốc Việt, Việt kiều hay du học sinh... Do đó đa số họ hay gọi những người Việt sinh sống ở hải ngoại dù có quốc tịch của nước sở tại hay không, hay sang làm ăn buôn bán... đều là Việt kiều. Như vậy không đúng tính chất và đặc điểm của từng cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Chúng ta đều thấy rằng giữa người Việt trong nước và người Việt hải ngoại, nhất là cộng đồng người Việt rời bỏ đất nước từ năm 1975 thì người ta mang một ý thức hệ khác và đại đa số họ tự nhận là cộng đồng người Việt Quốc gia Hải ngoại chứ không phải người Việt một cách chung chung, để họ phân biệt giữa người Việt Quốc gia và người Việt Cộng sản".

Theo nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, do cuộc chiến tranh ở Việt Nam kéo dài quá lâu đã để lại hệ quả là hàng triệu người Việt phải bỏ đất nước ra đi và nó đã đưa đến sự nghi kỵ bắt nguồn từ những chính sách mới của chính quyền mới sau 30/4/1975. Ví dụ như bắt đi tù cải tạo, đánh tư sản, cải tạo công thương nghiệp miền Nam, chế độ lý lịch trong học tập... thì hố sâu ngăn cách giữa người Việt và người Việt đã qua 47 năm cũng khó hàn gắn, trong khi giữa Mỹ và Việt Nam là những cựu thù thì lại bắt đầu nhích lại gần nhau, để phát triển đất nước và xây dựng mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp. Ông Phúc nói tiếp :

"Bởi vậy, mỗi lần đặt vấn đề với người Việt trong nước và người Việt hải ngoại thì nó lại thêm một lần nhức nhối cho dân tộc Việt Nam này. Tôi cũng nói thẳng, nhiều lãnh đạo Việt Nam đi ra nước ngoài nhất là sang Mỹ, chưa ai dám mời cộng đồng người Việt Quốc gia ở Mỹ để mà đối thoại để cho hai bên thông cảm lẫn nhau. Và tôi cũng chưa thấy một quan chức Việt Nam nào dám bước ra vùng Little Sài Gòn để tìm gặp cộng đồng người Việt Quốc gia để mà đối thoại".

Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc cho rằng, chính vì những ngăn cách đó càng làm cho sự chia rẻ giữa người Việt trong nước và người Việt ở nước ngoài ngày càng sâu sắc. Và quan trọng nhất theo ông Phúc, đó là vấn đề ý thức hệ và vấn đề điều hành đất nước hiện nay, khiến một số người Việt ở hải ngoại không đồng ý với những khuyết điểm, những vấn đề... đáng lẽ không phải xảy ra ở trong đất nước này.

Nguồn : RFA, 20/05/2022

************************

Hòa hợp, hòa giải dân tộc : xin đừng nói suông

Lynn Huỳnh, VNTB, 15/05/2022

Kể từ thời điểm sau 1975, hòa hợp – hòa giải dân tộc là một vấn đề mà chính quyền Việt Nam luôn quan tâm, chú trọng. Bởi, dù rất nỗ lực trong công cuộc hòa hợp – hòa giải, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, song, vẫn còn đó không ít thành phần dường như mang tư tưởng của chủ nghĩa cực đoan đối với những kiều bào, nhất là những ca sĩ từng hát những bài nhạc trước 1975, về nước.

dantoc3

Vẫn còn đó những người mang tâm lý của kẻ thắng cuộc, mỉa mai, "đá xéo" những đồng bào nước ngoài về nước

Sự việc ca sĩ Đan Nguyên về Việt Nam trong chương trình thiện nguyện Dan Nguyen Foundation vừa có chuyến thăm và tặng quà cho các nghệ sĩ lão thành tại Viện dưỡng lão nghệ sĩ – quận 8 và trẻ em mồ côi ở Làng trẻ em SOS Gò Vấp – quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 05/5 vừa qua, đã ít nhiều tạo nên một số dư luận.

Theo trang thông tin điện tử tỉnh Lâm Đồng, nói về vấn đề này, đã đăng lại một thông tin đầy vẻ hả hê :

(trích) "…Đặc biệt, Đan Nguyên từng tuyên bố CHỪNG NÀO CỘNG SẢN CÒN THÌ SẼ KHÔNG QUAY TRỞ VỀ VIỆT NAM.

Tuy nhiên, như những kẻ khác là Chế Linh, Khánh Ly, Ngọc Huyền, Bằng Kiều, Phương Dung thì Đan Nguyên cũng "làm trái lời thề" của bản thân mình và tìm cách quay trở về Việt Nam khi mới đây một số phương tiện thông tin đại chúng đã đăng tải những hình ảnh về câu chuyện trở về Việt Nam của Đan Nguyên vào hôm ngày 05/5/2022 tại Tp Hồ Chí Minh…".

Về làm từ thiện, giúp đỡ trẻ em, người lớn tuổi và bài viện dẫn lại có mùi vị của sự răn đe : "…Nhưng Đan Nguyên hay những kẻ khác hãy nhớ rằng, Việt Nam là một đất nước có chủ quyền, có quốc ca, quốc kỳ chính thức, có luật pháp nghiêm minh ; việc tuyên truyền, chống phá chế độ dưới bất kỳ hình thức nào cũng là vi phạm pháp luật". (hết trích)

Hay như tác giả của một bài viết trong một nhóm trên mạng xã hội, "…Tuy nhiên, những kẻ chống cộng cực đoan như Đan Nguyên thì không ! Báo Tuổi Trẻ cũng chẳng có lý do gì để tung hô Đan Nguyên…".

"Báo chí không phải là cái lò cổ vũ mà tung hô này, tung hô nọ. Báo chí chỉ đơn thuần là đưa tin. Người ta về Việt Nam làm từ thiện, thì báo chí đưa tin. Sao gọi là tung hô ?", một độc giả thắc mắc.

Cũng xin được nói thêm, trong một phát biểu rất đúng đắn ngày 27/1/2019, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đối với đất nước và dân tộc Việt Nam, bà con kiều bào dù ở bất cứ nơi đâu luôn luôn là một phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc.

Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói : "Tổ quốc và Chính phủ luôn luôn nhớ thương các đồng bào, như bố mẹ thương nhớ các người con đi vắng. Đó là nhân tâm thiên lý, đó là tình nghĩa một nhà". Nêu những thành tựu đã đạt được trong năm qua, theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, đạt được những kết quả nêu trên, trước hết là do ý Đảng hợp với lòng dân, là sức mạnh đoàn kết, thống nhất cao, là sự nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, trong đó có sự đóng góp quý báu và rất quan trọng của cộng đồng người Việt Nam ta đang sinh sống, làm việc và học tập ở nước ngoài.

Trước đó, ngày 15/2/2014, theo một bài báo được ký bởi bút danh Từ Lương, thì đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, trong thành công chung của đất nước có sự đóng góp không nhỏ của cộng đồng hơn 4 triệu kiều bào ta đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài.

Bà con kiều bào là một bộ phận máu thịt không thể tách rời của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là nguồn lực về trí tuệ và có đóng góp kinh tế không nhỏ cho đất nước với hơn 300.000 người có trình độ đại học trở lên và đã chuyển về Việt Nam 11 tỷ USD trong năm 2013 (tương đương với số vốn đăng ký của các nước đầu tư vào Việt Nam năm 2013).

Có thể nói, dẫu chưa biết rõ ràng mục đích của ca sĩ Đan Nguyên về Việt Nam để biểu diễn hay làm gì ? Song, với việc anh ghé và hỗ trợ, mang yêu thương đến Viện dưỡng lão nghệ sỹ, là một điều tốt.

Thế nhưng, cái điều tốt ấy, lại bị một số thành phần có ý định gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc lên tiếng phê bình, nhìn dưới góc độ của kẻ thắng cuộc, dạy đời thiên hạ. Điều đó, liệu có đang đi ngược lại với những gì cụ Tổng cùng nhiều quan chức khác đang dày công xây dựng ? Điều đó có nên chăng ?

dantoc4

Cảnh tay bắt mặt mừng trong tinh thần hòa giải hòa hợp dân tộc của những người lính 2 đầu chiến tuyến năm 1975 nay còn không ?

Đã ngót nghét hơn 47 năm trôi qua, đã có những lời kêu gọi đến từ nguyên thủ quốc gia của Việt Nam, đã được hải quan cho nhập cảnh theo đúng quy định pháp luật, song, vẫn còn đó những đối tượng mang tâm lý của kẻ thắng cuộc, mỉa mai, "đá xéo" những đồng bào nước ngoài về nước, thì mong gì đến câu chuyện gọi là hòa hợp, hòa giải dân tộc ?

Lynn Huỳnh

Nguồn : VNTB, 16/05/2022

********************

Hà Nội và người Việt hải ngoại vẫn đi lạc nhau và mắng nhau

Nguyễn Khoa, Viet-studies, 14/05/2022

Thủ tướng Việt Nam, ông Phạm Minh Chính, đang có mặt ở Hoa Kỳ, dự thượng đỉnh Mỹ ASEAN (tổ chức các quốc gia Đông Nam Á) trong hai ngày 12 và 13/5/2022. Ông Chính cùng phái đoàn cũng sẽ xúc tiến các hoạt động thương mại tại California trong vài ngày sau đó.

nguoiviet2

Các giới chức ngoại giao Việt Nam lẫn các nhà lãnh đạo của họ đánh giá khá thấp cộng đồng người Việt tại Mỹ.

Bài viết này không bàn về những chuyện "vĩ mô" mà các nhà ngoại giao Việt Nam nói riêng, các nhà lãnh đạo Việt Nam nói chung đang phải bối rối đối đầu xung quanh cuộc chiến Ukraine, mối tình cũ dần nhạt nhòa của họ với nước Nga, quan hệ ngày càng mạnh về lợi lộc với người Mỹ,… vì chuyện vĩ mô này người ta đã bàn tán dễ đã có cả trăm bài, từ ngày Nga tấn công Ukraine đến nay.

Tôi muốn quan sát mối qua hệ giữa nhà chức trách Hà Nội và những người anh em của họ, cộng đồng người Việt tại Mỹ, ít nhất là bề mặt quan hệ truyền thông của họ với nhau.

Đầu tiên xin nói đến hai kênh truyền thông được sự hậu thuẫn về tài chánh của chính phủ Mỹ là VOA và RFA. Thực ra hai kênh này không phải là kênh của cộng đồng người Việt tại Mỹ, nhưng từ lâu rồi, vô hình chung họ được cộng đồng người Việt xem là tiếng nói của cộng đồng, và có lẽ các công chức nhà báo của RFA và VOA cũng xem mình là "của cộng đồng". Thực ra cũng khó cho họ, vì hầu như họ hoàn toàn không tiếp cận được "phía bên kia" để xem phía bên kia nói gì.

RFA có bài tường thuật về một cuộc biểu tình trước tòa Bạch Ốc vào ngày 13/5/2022, để phản đối ông Phạm Minh Chính, cũng như đòi hỏi nhân quyền cho Việt Nam. Một số nhân vật quen thuộc như ông Hoàng Tứ Duy của đảng Việt Tân, ông Võ Minh Hữu… trả lời phóng viên RFA. Theo phóng viên này thì có khoảng 100 người tham gia biểu tình, nhưng xem rõ những hình ảnh mà họ chụp được, cũng như từ một số người thạo tin từ thủ đô Hoa Kỳ, tôi cho rằng số người tham gia có lẽ chỉ hơn 50.

Trước đó, ông Phạm Minh Chính có phát biểu tại một think tank của Mỹ là Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) vào ngày 11/5, thì RFA cũng có bài tường trình. Tôi cứ tưởng đấy là bài tường trình, nhưng bấm vào thì tôi không nghe giọng thổ âm Thanh Hóa của ông Thủ tướng, mà là một… người nào đấy.

VOA thì tường trình một chuyện khác nhẹ nhàng hơn, từ phòng… zoom. Đó là cuộc họp trực tuyến nhân ngày nhân quyền Việt Nam 11/5, cũng là ngày ông Phạm Minh Chính phát biểu tại CSIS, một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Tường trình qua zoom của VOA, dù đỡ nhọc hơn, có vẻ nặng ký hơn RFA vì có một số dân biểu, thượng nghị sĩ Mỹ, cũng như các viên chức cấp thấp trong chính phủ. Về phía người Việt, thì ta lại thấy xuất hiện các nhân vật rất quen thuộc từ hơn… 40 năm nay. Cũng có một số người còn trẻ, rất thành thạo trong việc… chào cờ, cũng như thành lập các hội đoàn, mà hoạt động của nó thì khó mà đánh giá.

Không rõ vì lý do gì, đến sáng ngày 14/5/2022, cả RFA và VOA đều không đề cập đến cuộc gặp, dù là bên lề nhưng hết sức quan trọng, giữa cố vấn an ninh tổng thống Mỹ Jake Sullivan và ông Phạm Minh Chính. Cuộc gặp gỡ kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ, do phía Việt Nam tổ chức.

Trong bài "Thách thức đầy khó khăn của người Việt chống cộng tại Mỹ " (Viet Studies 18/2/2022), tôi có đề cập đến một bữa tiệc do cơ quan ngoại giao Hà Nội tổ chức vào ngày Tết năm Nhâm Dần, 2022, ngay tại… thánh địa của người Việt tị nạn cộng sản là thành phố Westminster, quận Cam, California. Bữa tiệc có đến khoảng 200 người Việt tham dự. Một sự kiện động trời như vậy mà không có một tờ báo, một trang tin Việt ngữ nào ở hải ngoại đưa tin, kể cả hai bậc "trưởng thượng" là RFA và VOA nói trên. Tôi đành phải kết luận là công cuộc chống cộng của người Việt tại Mỹ sẽ gặp vô vàn khó khăn tới đây.

Thế nhưng "phía bên kia" thì sao ?

Theo lý lẽ thông thường thì với tình hình "phe địch" xìu xìu ển ển như vậy thì phe ta phải thừa thắng xông lên, nhưng chuyện như thế đã không xảy ra, ít nhất về mặt truyền thông, trong những ngày giữa tháng 5 này. Các nhà lãnh đạo, cũng như các viên chức ngoại giao Việt Nam không có một cuộc trả lời báo chí nào (tôi không tính bài diễn văn của thủ tướng Chính tại CSIS, cũng như các bài gọi là phỏng vấn của báo chí chính thống trong nước), kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine xảy ra. Mà ngay cả khi bỏ qua vụ Ukraine rất đau đầu và bối rối, họ cũng không phát biểu gì cả với báo chí ngoại quốc về quan hệ Việt Mỹ, về chiến lược biển Đông, v.v. và v.v., mà tôi chắc chắn rằng các tờ báo lớn từ Đông sang Tây đều có yêu cầu.

Thay vào đó, theo những người thạo tin từ Việt Nam, thì phái đoàn của thủ tướng Chính lại mời một số… YouTuber Việt kiều !

Các YouTuber này nổi lên từ độ 5, 6 năm nay, nhờ vào các loại tin giật gân, đôi khi là tin vịt, nhất là trong thời kỳ trước cuộc bầu cử Mỹ cuối năm 2020. Họ câu được khách nhờ những cái gọi là tin như vậy, và khá lên trông thấy nhờ tiền quảng cáo của YouTube. Một số YouTuber Việt kiều khá thân với giới ngoại giao Việt Nam, qua những chuyến đi… "hướng về tổ quốc" do Hà Nội tổ chức.

Nếu tin về các YouTuber này là có thật, thì nó củng cố ý kiến cho rằng vào năm 2020-2021, nhà cầm quyền Hà Nội đã cho các YouTuber Việt kiều thả sức tung tin vịt về bầu cử Mỹ vào trong nước, qua đó góp phần hạ cấp các định chế dân chủ Mỹ.

Thực ra thái độ của những người cộng sản Việt Nam nói riêng, cộng sản nói chung vốn kín kẽ đối với các cơ quan truyền thông phương Tây, không có gì là mới. Các viên chức ngoại giao của họ không thể "tự tung tự tác" như các viên sứ thần phương Tây, mà họ phải tuân theo cái gọi là dân chủ tập trung, phải chờ chỉ thị trong nước từ các ban đối ngoại của đảng cộng sản. Đôi khi cũng có những ngoại lệ như là các ông bà Hồ Chí Minh, Lê Đức Thọ, Nguyễn Thị Bình… đã từng trả lời báo chí phương Tây nhanh chóng. Hồi năm 2014, người ta cũng từng thấy ông đại sứ Việt Nam tại Mỹ là Nguyễn Quốc Cường trả lời kênh CNN.

Nếu như sự kín kẽ của những người cộng sản đối với truyền thông phương Tây, vì lý do hệ thống chính trị của họ, là điều khá dễ hiểu, thì việc họ tiếp cận truyền thông… YouTube Việt kiều thì hơi khó hiểu. Họ hy vọng gì ? Họ nghĩ là hơn 2 triệu người Việt tại Mỹ sẽ được các YouTube Việt kiều này dẫn dắt ?

Tôi cho là các giới chức ngoại giao Việt Nam lẫn các nhà lãnh đạo của họ đánh giá khá thấp cộng đồng người Việt tại Mỹ. Làm sao có thể đánh giá cộng đồng này qua đám đông ngày càng thưa thớt những người Việt biểu tình ? Mà cộng đồng này cũng không phải là những con số hàng trăm ngàn subscribers các kênh YouTube Việt kiều (một số đông trong các subscribers này là người trong nước).

Trong hơn 10 năm qua khá đông người Việt trẻ tuổi bước vào dòng chính của chính trị Mỹ, và các giới chức ngoại giao Việt Nam hầu như hoàn toàn không có tiếp xúc gì với họ. Những người Việt trẻ tuổi thành công trong kinh doanh và kỹ thuật tại Mỹ, đặc biệt là California, cũng bắt đầu thành lập các tổ chức dấn thân vào xã hội và chính trị Mỹ. Các vị dân cử gốc Việt này, các nhóm thanh niên Mỹ gốc Việt thành đạt này, dù không bao giờ biểu tình và chào cờ, chính là tương lai của cộng đồng người Việt tại Mỹ, chứ không phải là đám đông hàng ngày say sưa các kênh YouTube Việt kiều.

Tôi có cảm giác như những ngày trên đất Mỹ của phái đoàn thủ tướng Việt Nam vào tháng năm này giống như một dư âm thất lạc của ngày… 30/4. Cả hai phía đều đi lạc. Ta thử đặt các nhân vật hiện tại vào một đẳng thức :

RFA + VOA + Biểu tình <> Ngoại giao Hà Nội + YouTubers Việt kiều

Quả là hết sức thú vị, và… lạc lõng.

Nguyễn Khoa

Nguồn : Viet-studies, 14/05/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Lynn Huỳnh, RFA, Nguyễn Khoa
Read 643 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)