Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

20/04/2022

Đừng nhân danh trẻ em để làm điều ác

Trần Quốc Việt, Vaclav Haven, Michael Garofalo

Tiếng không vang vọng trong lương tâm

Trần Quốc Việt, 20/05/2022

Tiếng vang của tiếng búa kết thúc phiên tòa xử em Nguyễn Mai Trung Tuấn đã và đang vang dội trong lòng của mọi người. Bốn năm sáu tháng tù cho em tưởng như bốn năm sáu tháng tù cho chính chúng ta. Con số thời gian ấy như lưỡi dao lam rạch lên lương tâm của những người Việt ở mọi nơi.

treem1

Em Nguyễn Mai Trung Tuấn trong phiên toà sơ thẩm. Ảnh : báo Thanh Niên

Em sẽ mất vĩnh viễn tuổi thơ còn lại ở trong tù. Và nhà tù có thể sẽ hắt bóng đen tối vĩnh viễn lên tương lai đạo đức, tâm hồn, và nhân cách của em sau này.

Chế độ đã gây ra tội ác lớn đối với cả một gia đình lương thiện chỉ vì muốn cướp mảnh đất giúp họ sinh sống lương thiện. Gia đình tan nát trong cảnh lao tù, tuổi thơ bị thất học và băng hoại. Xã hội sẽ thêm những dân oan mới và thời đại Hồ Chí Minh càng rực rỡ và lấp lánh hơn với một lớp vàng óng ánh kết tinh từ chính bao đau thương và nước mắt của gia đình họ.

Đỉnh cao tội ác này và biết bao nhiêu tội ác khác của chế độ khiến ta nhớ lại lời của nhà văn Pháp Honoré De Balzac rằng đằng sau gia sản bất chánh là tội ác. Trùng trùng tội ác đã đúc dày thêm những gia sản lớn đồ sộ và nguy nga của những kẻ đã phủ lương tâm và nhân tính của mình dưới tấm thẻ đảng đỏ như màu của tội ác.

Khi ta nhìn thấy gia sản của những kẻ cướp có giấy phép ở Việt Nam ta hãy hình dung trong tâm tưởng mình hình ảnh những gia đình bị chia lìa, bị tan nát trong cảnh oan khuất hay tù tội và hình ảnh những em bé thất học lang thang khắp đầu đường xó chợ để kiếm sống, đặc biệt hình ảnh những em Tuấn bị cướp tuổi thơ, tương lai, và tâm hồn trong trắng ở trong nhà tù. Và rồi chúng ta nhận thức rằng cuộc đời này không thể xây dựng mãi trên bao bất công và tội ác mà chế độ đã gây ra cho đồng bào mình. Chúng ta hãy bước ra khỏi đời riêng vô cảm để cùng nhau kêu lên một tiếng không với bất công đầy phẫn nộ và vang vọng thật to không dứt qua những hành lang quyền lực của lương tâm cá nhân để bày tỏ sự phản kháng trước cơn mưa bất công cứ rơi mãi không ngừng trên những số phận như số phận của gia đình em hôm nay và biết đâu trên số phận của chúng ta và con cháu chúng ta ngày mai.

treem2

Những cánh chim non trong giông bão cuộc đời 

Đời sống đạo đức ở Việt Nam đang sụp đổ. Biết bao nhiêu cảnh tàn ác diễn ra hầu như hàng ngày từ cảnh những người thân giết hại lẫn nhau đến rất nhiều những cảnh tàn ác khác diễn ra ở xã hội bên ngoài. Đỉnh cao mới nhô lên của ngọn núi tàn ác sững sững ngày càng lớn ấy ngay trong lòng xã hội là việc những người giữ trẻ hành hạ dã man những em bé bị nhiễm HIV tại một trung tâm nuôi trẻ ở Thủ Đức.

Các em bị nhiều người coi sóc hành hạ trong bữa ăn trưa. Những người lớn này hành hạ những trẻ em vốn đã rất bất hạnh ngay từ lúc chào đời bằng những cú tát, đập, đá, giật tóc, béo tai và những hành động tàn ác khác tưởng không còn gì để nói. Ai đã giết chết trong lòng họ lương tâm lẫn niềm yêu thương tối thiểu của một con người ? Những bữa ăn trưa uất nghẹn với nước mắt nhiều hơn canh ấy sẽ hắt bóng ác mộng lên cuộc đời rất mỏng manh của các em, rồi những lằn roi tâm lý và tinh thần ấy sẽ in hằn mãi lên cuộc đời các em và xã hội.

Người ta đánh giá xã hội qua cách đối xử với người già và trẻ em. Theo cách đánh giá này xã hội Việt Nam đang ở dưới đáy của nền văn minh đạo đức và tinh thần của con người. Trẻ em mất tuổi thơ, người già mất tuổi bình an xế chiều. Và chúng ta từ từ mất đi lương tâm và nhân tính vào xã hội ngày càng hung tợn và tàn ác. Cuối cùng lòng người còn lạnh hơn cả băng tuyết vĩnh cửu.

treem3

Phẫn nộ để làm gì ? Để thay đổi xã hội bằng cách thay đổi thể chế đã khai sinh và gieo mầm cái ác trong suốt hơn nửa thế kỷ qua. Để cứu phần còn lại của lương tâm và nhân tính trong tâm hồn mình. Để thấy bóng mát quý giá của giáo đường và mái chùa che chở tâm hồn con người trong thời mạt pháp vô đạo này. Để trồng lại những ốc đảo tâm hồn giữa sa mạc chói chang của vô cảm và thờ ơ. Để bớt nước mắt và thêm tiếng cười cho bao kiếp người hôm nay và ngày mai.

Hãy thương lấy các em, những con chim non mồ côi chưa biết bay trong giông bão tàn ác của cuộc đời. Thương các em là thương cho con đã sinh ra và chưa sinh ra của chúng ta và thương chính mình. Khởi đi từ thương yêu ấy là hành động tập thể để thay đổi xã hội. Chế độ đã từ bỏ từ lâu huyễn mộng biến chúng ta thành những người cộng sản. Niềm hy vọng cuối cùng cho sự tồn tại của họ là muốn chúng ta cam phận tuyệt vọng và cuối cùng buông xuôi lương tâm và nhân tính của mình cho cuộc sống sinh vật nhọc nhằn và quay cuồng-cuộc tồn tại dưới đáy nền văn minh tinh thần và đạo đức.

Nhưng từ đây và từ dưới đáy tối đen của tuyệt vọng và cam phận này chúng ta hãy vươn lên để thấy bình minh của tương lai-nơi người thương người, nơi những cánh chim non háo hức bay vào bầu trời yêu thương trong xanh và bao la.

Trần Quốc Việt

(20/05/2022)

********************

Đừng nhân danh trẻ em để làm điều ác

Vaclav Havel, UN World Summit forr Children, 30/09/1990 

Lời giới thiệu : Vaclav Havel (1936-2011) đọc bài diễn văn sau tại cuộc hội nghị thượng đỉnh thế giới về trẻ em do Liên hiệp Quốc tổ chức. Đây là một trong những bài diễn văn hay nhất và xúc động nhất trong hội nghị và được nhiều báo trên thế giới trích đăng lại.

treem4

Biết bao nhiêu cái ác người ta đã phạm phải nhân danh trẻ em !

Thành phố New York, 30 tháng Chín, 1990

Trong suốt hàng chục năm qua tôi đã nhìn thấy cả hàng ngàn lần những cái lưng khom xuống ở nước tôi, lưng khom vì lợi ích của con cái. Cả ngàn lần tôi nghe nhiều người biện minh thân phận nô lệ của họ cho chế độ mà họ căm ghét bằng lập luận rằng họ làm như thế chỉ vì con cái : để nuôi con, để cho con được ăn học đến nơi đến chốn, để có tiền cho con đi nghỉ mát ở biển.

Cả ngàn lần tôi nghe rất nhiều người quen cũng như người lạ thổ lộ với tôi rằng họ toàn tâm toàn lòng đứng về phía chúng tôi, tức về phía những người được gọi là những nhà bất đồng chính kiến, nhưng họ đã phải ký vào những bản kiến nghị do chính quyền toàn trị tổ chức nhằm chống lại chúng tôi chỉ vì lý do duy nhứt là họ có con cái nên vì thế không thể nào phản kháng dù lòng họ rất muốn. Như vậy nhân danh con cái họ làm những điều vô đạo và họ phục vụ cái ác vì lợi ích của con cái.

Nhưng tôi còn thấy những hành động vô đạo hơn rất nhiều, ước gì chỉ nhìn thấy trên phim ảnh hay trên truyền hình. Tôi thấy Hitler thân mật vẫy tay với những bé gái cuồng tín của Đoàn Thanh niên Hitler ; tôi thấy đao phủ Stalin hôn em bé mang khăn quàng đỏ của đội thiếu niên cộng sản, em bé mà cha mẹ chết trong các trại tù như biết bao nhiêu người khác ; tôi thấy Gottwald, Stalin của Tiệp Khắc, cười đùa với những trẻ em làm việc trong hầm mỏ, những người xây dựng chủ nghĩa xã hội mà về sau sẽ bị tàn phế ; tôi thấy tổng thống Iraq Hussein xoa đầu con cái của những con tin của ông, những con tin mà bây giờ ông nói sẵn sàng ra lệnh bắn chết.

Tôi đã trải nghiệm qua và biết ở Tiệp Khắc hàng ngàn người đã bị đày đọa trong các trại tập trung cộng sản, hàng trăm người trong số họ bị hành quyết hay bị tra tấn đến chết, và tất cả điều này để chỉ vì hạnh phúc giả dối của những thế hệ chưa chào đời trong thiên đường giả dối nào đấy.

Biết bao nhiêu cái ác người ta đã phạm phải nhân danh trẻ em !

Nhưng tôi cũng đã trải nghiệm một điều hoàn toàn khác, dù chỉ mới cách gần đây vài tháng, cách đây một năm, cách đây hai năm. Tôi đã trải nghiệm cuộc nổi loạn tuyệt vời của con cái chống lại sự dối trá mà cha mẹ họ đã phục vụ vì lợi ích của chính con cái của họ. Cuộc cách mạng chống toàn trị của chúng tôi -ít nhất vào lúc bắt đầu- là cuộc cách mạng của con cái. Họ là những học sinh trung học, học sinh các trường dạy nghề, thanh niên, biểu tình trên đường phố. Họ biểu tình khi cha mẹ họ vẫn còn sợ hãi, sợ cho con và cho mình. Cha mẹ nhốt con ở trong nhà, và vào những ngày cuối tuần đưa con đi ra khỏi thành phố. Nhưng rồi họ bắt đầu biểu tình cùng với con mình trên đường phố. Trước tiên vì sợ cho con, về sau vì sự nhiệt tình hăng say của con cái đã truyền sang cha mẹ. Con cái đã khiến cha mẹ trở thành những người tốt hơn. Con cái đã chứng minh cha mẹ họ đang sống giả dối và buộc cha mẹ phải đứng về phía sự thật.

Còn con cái của những nhà bất đồng chính kiến thì sao ? Mặc dù họ không được học hành và phải chịu đựng những lần cha mẹ bị bắt giam và bị trấn áp, nhưng họ không oán trách cha mẹ mà còn đem lòng kính trọng. Tấm gương đạo đức khích lệ con cái nhiều hơn những lợi ích bắt nguồn từ cái lưng khom.

Trẻ em ở nước chúng tôi đã chứng minh rằng tư tưởng chính trị hy sinh sự thật vì con cái là sai. Họ nổi loạn chống lại những bậc cha mẹ ủng hộ tư tưởng chính trị sai trái này ; họ gia nhập thiểu số những người ngay chính từ đầu đã tin tưởng chắc chắn rằng cha mẹ nuôi dạy con cái tốt nhất nếu cha mẹ không tìm ra đủ mọi cớ và không nói láo mà thay vào đó sống chân thật và như thế trở thành tấm gương sáng cho con noi theo.

Cộng đồng quốc tế đã đạt thành tựu chưa từng có. Trong vòng vài tháng, đa số các nước đã tham gia vào một hiệp ước quốc tế cực kỳ tốt, rõ ràng, và đầy đủ nhằm bảo vệ trẻ em. Như tất cả mọi người, tôi vui mừng trước thành tựu này và tự hào rằng tôi có vinh dự ký vào hiệp ước thay mặt nước tôi vào sáng hôm nay.

Tuy nhiên, đồng thời tôi không tin hiệp ước này hay bất kỳ văn kiện quốc tế tương tự nào khác có thể bảo vệ trẻ em khỏi bị sự bảo vệ giả dối, tức là, khỏi bị cha mẹ làm những điều ác nhân danh con cái và vì lợi ích của con cái - cho dù họ làm như vậy do thực tâm, do dối mình, hay do cố tình dối trá và hiệp ước này cũng không thể nào ngăn cản được cha mẹ không hại chính họ thậm chí còn hơn họ hại con cái.

Tương tự như bất kỳ luật lệ nào, hiệp ước này chỉ có thể đạt được ý nghĩa và tầm quan trọng thật sự nếu hiệp ước tồn tại song hành với ý thức đạo đức thật sự, ở đây tôi muốn nói đến ý thức đạo đức của các bậc làm cha mẹ.

Ta không thể đưa ý thức đạo đức ấy vào luật. Tuy nhiên, nếu như được, tôi sẽ thêm một điều khoản vào hiệp ước tôi đã ký vào sáng nay. Điều khoản này ghi rằng cấm cha mẹ và người lớn nói chung, nhân danh trẻ em và vì lợi ích của trẻ em, để nói láo, phục vụ chế độ độc tài, chỉ điểm, khom lưng, khiếp sợ các bạo chúa, hay phản bội bạn bè và lý tưởng. Và điều khoản còn cấm tất cả những kẻ giết người và những nhà độc tài xoa đầu trẻ em.

Vaclav Havel

Nguyên tác : The United Nations World Summit for Children, New York, September 30, 1990. Tựa đề của người dịch.

Trần Quốc Việt dịch

**********************

Chỉ đơn giản thế thôi

Michael Garofalo, National Public Radio, 28/03/2018

Julio Diaz có một thói quen hàng ngày. Mỗi tối, sau chuyến tàu điện một tiếng đồng hồ người nhân viên công tác xã hội 31 tuổi thường xuống cách Bronx một ga, chỉ để ăn ở quán anh thích. 

treem05

Nhưng một tối vào tháng trước, khi Diaz bước xuống chuyến tàu số 6 vào sân ga gần như trống vắng, buổi tối ấy đã diễn ra bất ngờ. 

Anh đang đi đến cầu thang thì một thiếu niên bước đến gần và rút dao ra.

"Em muốn tiền của tôi, vì vậy tôi đưa ví của tôi cho em và nói, ‘Cầm lấy đi’", Diaz nói. 

Khi thiếu niên bắt đầu bỏ đi, Diaz nói với em, "Chờ một chút. Em còn quên cái này. Nếu em đi cướp người ta cả đêm nay, em cũng cần nên lấy áo khoác của anh đây để mặc cho đỡ lạnh". 

Kẻ muốn cướp nhìn người sắp thành nạn nhân với ánh mắt như muốn hỏi "chuyện gì đây ?", Diaz nói. "Em hỏi tôi, ‘Tại sao anh làm như vậy ?’" 

Diaz đáp : "Nếu em liều mất tự do của mình chỉ vì vài đồng bạc, thì anh nghĩ chắc em thật sự rất cần tiền. Còn anh, anh chỉ muốn ăn tối thôi và nếu em thật sự muốn đi ăn với anh… Này, anh rất hoan hỷ đấy". 

"Tôi chỉ cảm thấy có thể em thật sự cần giúp đỡ", Diaz nói. 

Diaz nói anh và thiếu niên đi đến quán và ngồi ở góc riêng. 

"Quản lý ghé đến, những người rửa chén ghé đến, những người phục vụ ghé đến chào hỏi", Diaz nói. Chú nhóc nói đại loại, "Anh biết tất cả mọi người ở đây. Chắc anh là chủ quán này ?" 

"Không, anh chỉ ăn thường xuyên ở đây", Diaz nói anh bảo thiếu niên. "Em nói, ‘Nhưng anh tử tế với cả người rửa chén nữa’".

Diaz đáp, "Thế em không được dạy dỗ em nên tử tế với tất cả mọi người sao ?" 

"Có, nhưng em chẳng nghĩ người ta thật sự cư xử như thế", thiếu niên nói. 

Diaz hỏi em muốn gì ở trên đời. "Em có vẻ mặt gần như buồn bả", Diaz nói. 

Adorable boy on a railway station, waiting for the train

Thiếu niên không thể trả lời Diaz - hay em không muốn trả lời. 

Khi giấy tính tiền đến, Diaz bảo thiếu niên, "Này, anh nghĩ em sẽ phải trả tất cả tiền ăn này vì em giữ tiền của anh nên anh không thể trả được. Vậy nếu em trả lại ví cho anh, anh sẽ sung sướng đãi em một bữa". 

Thiếu niên "thậm chí chẳng nghĩ ngợi gì đến chuyện ấy" và trả ví lại, Diaz nói. "Tôi cho em 20 đô… tôi nghĩ có thể số tiền ấy có thể giúp em phần nào. Tôi không biết". 

Diaz nói để đổi lại yêu cầu em cho anh cái gì đấy -con dao của thiếu niên- "và em trao dao cho tôi". 

Về sau, khi Diaz thuật lại cho mẹ chuyện xảy ra, bà nói, "Con là loại người mà giả như ai hỏi giờ con, con sẽ cho họ đồng hồ". 

"Tôi chỉ nghĩ nếu ta đối xử tốt với mọi người, ta chỉ có thể hy vọng họ đối xử tốt lại với ta. Chỉ đơn giản thế thôi trong cuộc đời phức tạp này". 

Michael Garofalo

Nguyên tác : A Victim Treats His Mugger Right, Morning Edition, National Public Radio, 28/03/2018. Tựa đề của người dịch 

Trần Quốc Việt dịch

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trần Quốc Việt, Vaclav Haven, Michael Garofalo
Read 635 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)