Tiếng không vang vọng trong lương tâm
Trần Quốc Việt, 20/05/2022
Tiếng vang của tiếng búa kết thúc phiên tòa xử em Nguyễn Mai Trung Tuấn đã và đang vang dội trong lòng của mọi người. Bốn năm sáu tháng tù cho em tưởng như bốn năm sáu tháng tù cho chính chúng ta. Con số thời gian ấy như lưỡi dao lam rạch lên lương tâm của những người Việt ở mọi nơi.
Em Nguyễn Mai Trung Tuấn trong phiên toà sơ thẩm. Ảnh : báo Thanh Niên
Em sẽ mất vĩnh viễn tuổi thơ còn lại ở trong tù. Và nhà tù có thể sẽ hắt bóng đen tối vĩnh viễn lên tương lai đạo đức, tâm hồn, và nhân cách của em sau này.
Chế độ đã gây ra tội ác lớn đối với cả một gia đình lương thiện chỉ vì muốn cướp mảnh đất giúp họ sinh sống lương thiện. Gia đình tan nát trong cảnh lao tù, tuổi thơ bị thất học và băng hoại. Xã hội sẽ thêm những dân oan mới và thời đại Hồ Chí Minh càng rực rỡ và lấp lánh hơn với một lớp vàng óng ánh kết tinh từ chính bao đau thương và nước mắt của gia đình họ.
Đỉnh cao tội ác này và biết bao nhiêu tội ác khác của chế độ khiến ta nhớ lại lời của nhà văn Pháp Honoré De Balzac rằng đằng sau gia sản bất chánh là tội ác. Trùng trùng tội ác đã đúc dày thêm những gia sản lớn đồ sộ và nguy nga của những kẻ đã phủ lương tâm và nhân tính của mình dưới tấm thẻ đảng đỏ như màu của tội ác.
Khi ta nhìn thấy gia sản của những kẻ cướp có giấy phép ở Việt Nam ta hãy hình dung trong tâm tưởng mình hình ảnh những gia đình bị chia lìa, bị tan nát trong cảnh oan khuất hay tù tội và hình ảnh những em bé thất học lang thang khắp đầu đường xó chợ để kiếm sống, đặc biệt hình ảnh những em Tuấn bị cướp tuổi thơ, tương lai, và tâm hồn trong trắng ở trong nhà tù. Và rồi chúng ta nhận thức rằng cuộc đời này không thể xây dựng mãi trên bao bất công và tội ác mà chế độ đã gây ra cho đồng bào mình. Chúng ta hãy bước ra khỏi đời riêng vô cảm để cùng nhau kêu lên một tiếng không với bất công đầy phẫn nộ và vang vọng thật to không dứt qua những hành lang quyền lực của lương tâm cá nhân để bày tỏ sự phản kháng trước cơn mưa bất công cứ rơi mãi không ngừng trên những số phận như số phận của gia đình em hôm nay và biết đâu trên số phận của chúng ta và con cháu chúng ta ngày mai.
Những cánh chim non trong giông bão cuộc đời
Đời sống đạo đức ở Việt Nam đang sụp đổ. Biết bao nhiêu cảnh tàn ác diễn ra hầu như hàng ngày từ cảnh những người thân giết hại lẫn nhau đến rất nhiều những cảnh tàn ác khác diễn ra ở xã hội bên ngoài. Đỉnh cao mới nhô lên của ngọn núi tàn ác sững sững ngày càng lớn ấy ngay trong lòng xã hội là việc những người giữ trẻ hành hạ dã man những em bé bị nhiễm HIV tại một trung tâm nuôi trẻ ở Thủ Đức.
Các em bị nhiều người coi sóc hành hạ trong bữa ăn trưa. Những người lớn này hành hạ những trẻ em vốn đã rất bất hạnh ngay từ lúc chào đời bằng những cú tát, đập, đá, giật tóc, béo tai và những hành động tàn ác khác tưởng không còn gì để nói. Ai đã giết chết trong lòng họ lương tâm lẫn niềm yêu thương tối thiểu của một con người ? Những bữa ăn trưa uất nghẹn với nước mắt nhiều hơn canh ấy sẽ hắt bóng ác mộng lên cuộc đời rất mỏng manh của các em, rồi những lằn roi tâm lý và tinh thần ấy sẽ in hằn mãi lên cuộc đời các em và xã hội.
Người ta đánh giá xã hội qua cách đối xử với người già và trẻ em. Theo cách đánh giá này xã hội Việt Nam đang ở dưới đáy của nền văn minh đạo đức và tinh thần của con người. Trẻ em mất tuổi thơ, người già mất tuổi bình an xế chiều. Và chúng ta từ từ mất đi lương tâm và nhân tính vào xã hội ngày càng hung tợn và tàn ác. Cuối cùng lòng người còn lạnh hơn cả băng tuyết vĩnh cửu.
Phẫn nộ để làm gì ? Để thay đổi xã hội bằng cách thay đổi thể chế đã khai sinh và gieo mầm cái ác trong suốt hơn nửa thế kỷ qua. Để cứu phần còn lại của lương tâm và nhân tính trong tâm hồn mình. Để thấy bóng mát quý giá của giáo đường và mái chùa che chở tâm hồn con người trong thời mạt pháp vô đạo này. Để trồng lại những ốc đảo tâm hồn giữa sa mạc chói chang của vô cảm và thờ ơ. Để bớt nước mắt và thêm tiếng cười cho bao kiếp người hôm nay và ngày mai.
Hãy thương lấy các em, những con chim non mồ côi chưa biết bay trong giông bão tàn ác của cuộc đời. Thương các em là thương cho con đã sinh ra và chưa sinh ra của chúng ta và thương chính mình. Khởi đi từ thương yêu ấy là hành động tập thể để thay đổi xã hội. Chế độ đã từ bỏ từ lâu huyễn mộng biến chúng ta thành những người cộng sản. Niềm hy vọng cuối cùng cho sự tồn tại của họ là muốn chúng ta cam phận tuyệt vọng và cuối cùng buông xuôi lương tâm và nhân tính của mình cho cuộc sống sinh vật nhọc nhằn và quay cuồng-cuộc tồn tại dưới đáy nền văn minh tinh thần và đạo đức.
Nhưng từ đây và từ dưới đáy tối đen của tuyệt vọng và cam phận này chúng ta hãy vươn lên để thấy bình minh của tương lai-nơi người thương người, nơi những cánh chim non háo hức bay vào bầu trời yêu thương trong xanh và bao la.
Trần Quốc Việt
(20/05/2022)
********************
Đừng nhân danh trẻ em để làm điều ác
Vaclav Havel, UN World Summit forr Children, 30/09/1990
Lời giới thiệu : Vaclav Havel (1936-2011) đọc bài diễn văn sau tại cuộc hội nghị thượng đỉnh thế giới về trẻ em do Liên hiệp Quốc tổ chức. Đây là một trong những bài diễn văn hay nhất và xúc động nhất trong hội nghị và được nhiều báo trên thế giới trích đăng lại.
Biết bao nhiêu cái ác người ta đã phạm phải nhân danh trẻ em !
Thành phố New York, 30 tháng Chín, 1990
Trong suốt hàng chục năm qua tôi đã nhìn thấy cả hàng ngàn lần những cái lưng khom xuống ở nước tôi, lưng khom vì lợi ích của con cái. Cả ngàn lần tôi nghe nhiều người biện minh thân phận nô lệ của họ cho chế độ mà họ căm ghét bằng lập luận rằng họ làm như thế chỉ vì con cái : để nuôi con, để cho con được ăn học đến nơi đến chốn, để có tiền cho con đi nghỉ mát ở biển.
Cả ngàn lần tôi nghe rất nhiều người quen cũng như người lạ thổ lộ với tôi rằng họ toàn tâm toàn lòng đứng về phía chúng tôi, tức về phía những người được gọi là những nhà bất đồng chính kiến, nhưng họ đã phải ký vào những bản kiến nghị do chính quyền toàn trị tổ chức nhằm chống lại chúng tôi chỉ vì lý do duy nhứt là họ có con cái nên vì thế không thể nào phản kháng dù lòng họ rất muốn. Như vậy nhân danh con cái họ làm những điều vô đạo và họ phục vụ cái ác vì lợi ích của con cái.
Nhưng tôi còn thấy những hành động vô đạo hơn rất nhiều, ước gì chỉ nhìn thấy trên phim ảnh hay trên truyền hình. Tôi thấy Hitler thân mật vẫy tay với những bé gái cuồng tín của Đoàn Thanh niên Hitler ; tôi thấy đao phủ Stalin hôn em bé mang khăn quàng đỏ của đội thiếu niên cộng sản, em bé mà cha mẹ chết trong các trại tù như biết bao nhiêu người khác ; tôi thấy Gottwald, Stalin của Tiệp Khắc, cười đùa với những trẻ em làm việc trong hầm mỏ, những người xây dựng chủ nghĩa xã hội mà về sau sẽ bị tàn phế ; tôi thấy tổng thống Iraq Hussein xoa đầu con cái của những con tin của ông, những con tin mà bây giờ ông nói sẵn sàng ra lệnh bắn chết.
Tôi đã trải nghiệm qua và biết ở Tiệp Khắc hàng ngàn người đã bị đày đọa trong các trại tập trung cộng sản, hàng trăm người trong số họ bị hành quyết hay bị tra tấn đến chết, và tất cả điều này để chỉ vì hạnh phúc giả dối của những thế hệ chưa chào đời trong thiên đường giả dối nào đấy.
Biết bao nhiêu cái ác người ta đã phạm phải nhân danh trẻ em !
Nhưng tôi cũng đã trải nghiệm một điều hoàn toàn khác, dù chỉ mới cách gần đây vài tháng, cách đây một năm, cách đây hai năm. Tôi đã trải nghiệm cuộc nổi loạn tuyệt vời của con cái chống lại sự dối trá mà cha mẹ họ đã phục vụ vì lợi ích của chính con cái của họ. Cuộc cách mạng chống toàn trị của chúng tôi -ít nhất vào lúc bắt đầu- là cuộc cách mạng của con cái. Họ là những học sinh trung học, học sinh các trường dạy nghề, thanh niên, biểu tình trên đường phố. Họ biểu tình khi cha mẹ họ vẫn còn sợ hãi, sợ cho con và cho mình. Cha mẹ nhốt con ở trong nhà, và vào những ngày cuối tuần đưa con đi ra khỏi thành phố. Nhưng rồi họ bắt đầu biểu tình cùng với con mình trên đường phố. Trước tiên vì sợ cho con, về sau vì sự nhiệt tình hăng say của con cái đã truyền sang cha mẹ. Con cái đã khiến cha mẹ trở thành những người tốt hơn. Con cái đã chứng minh cha mẹ họ đang sống giả dối và buộc cha mẹ phải đứng về phía sự thật.
Còn con cái của những nhà bất đồng chính kiến thì sao ? Mặc dù họ không được học hành và phải chịu đựng những lần cha mẹ bị bắt giam và bị trấn áp, nhưng họ không oán trách cha mẹ mà còn đem lòng kính trọng. Tấm gương đạo đức khích lệ con cái nhiều hơn những lợi ích bắt nguồn từ cái lưng khom.
Trẻ em ở nước chúng tôi đã chứng minh rằng tư tưởng chính trị hy sinh sự thật vì con cái là sai. Họ nổi loạn chống lại những bậc cha mẹ ủng hộ tư tưởng chính trị sai trái này ; họ gia nhập thiểu số những người ngay chính từ đầu đã tin tưởng chắc chắn rằng cha mẹ nuôi dạy con cái tốt nhất nếu cha mẹ không tìm ra đủ mọi cớ và không nói láo mà thay vào đó sống chân thật và như thế trở thành tấm gương sáng cho con noi theo.
Cộng đồng quốc tế đã đạt thành tựu chưa từng có. Trong vòng vài tháng, đa số các nước đã tham gia vào một hiệp ước quốc tế cực kỳ tốt, rõ ràng, và đầy đủ nhằm bảo vệ trẻ em. Như tất cả mọi người, tôi vui mừng trước thành tựu này và tự hào rằng tôi có vinh dự ký vào hiệp ước thay mặt nước tôi vào sáng hôm nay.
Tuy nhiên, đồng thời tôi không tin hiệp ước này hay bất kỳ văn kiện quốc tế tương tự nào khác có thể bảo vệ trẻ em khỏi bị sự bảo vệ giả dối, tức là, khỏi bị cha mẹ làm những điều ác nhân danh con cái và vì lợi ích của con cái - cho dù họ làm như vậy do thực tâm, do dối mình, hay do cố tình dối trá và hiệp ước này cũng không thể nào ngăn cản được cha mẹ không hại chính họ thậm chí còn hơn họ hại con cái.
Tương tự như bất kỳ luật lệ nào, hiệp ước này chỉ có thể đạt được ý nghĩa và tầm quan trọng thật sự nếu hiệp ước tồn tại song hành với ý thức đạo đức thật sự, ở đây tôi muốn nói đến ý thức đạo đức của các bậc làm cha mẹ.
Ta không thể đưa ý thức đạo đức ấy vào luật. Tuy nhiên, nếu như được, tôi sẽ thêm một điều khoản vào hiệp ước tôi đã ký vào sáng nay. Điều khoản này ghi rằng cấm cha mẹ và người lớn nói chung, nhân danh trẻ em và vì lợi ích của trẻ em, để nói láo, phục vụ chế độ độc tài, chỉ điểm, khom lưng, khiếp sợ các bạo chúa, hay phản bội bạn bè và lý tưởng. Và điều khoản còn cấm tất cả những kẻ giết người và những nhà độc tài xoa đầu trẻ em.
Vaclav Havel
Nguyên tác : The United Nations World Summit for Children, New York, September 30, 1990. Tựa đề của người dịch.
Trần Quốc Việt dịch
**********************
Chỉ đơn giản thế thôi
Michael Garofalo, National Public Radio, 28/03/2018
Julio Diaz có một thói quen hàng ngày. Mỗi tối, sau chuyến tàu điện một tiếng đồng hồ người nhân viên công tác xã hội 31 tuổi thường xuống cách Bronx một ga, chỉ để ăn ở quán anh thích.
Nhưng một tối vào tháng trước, khi Diaz bước xuống chuyến tàu số 6 vào sân ga gần như trống vắng, buổi tối ấy đã diễn ra bất ngờ.
Anh đang đi đến cầu thang thì một thiếu niên bước đến gần và rút dao ra.
"Em muốn tiền của tôi, vì vậy tôi đưa ví của tôi cho em và nói, ‘Cầm lấy đi’", Diaz nói.
Khi thiếu niên bắt đầu bỏ đi, Diaz nói với em, "Chờ một chút. Em còn quên cái này. Nếu em đi cướp người ta cả đêm nay, em cũng cần nên lấy áo khoác của anh đây để mặc cho đỡ lạnh".
Kẻ muốn cướp nhìn người sắp thành nạn nhân với ánh mắt như muốn hỏi "chuyện gì đây ?", Diaz nói. "Em hỏi tôi, ‘Tại sao anh làm như vậy ?’"
Diaz đáp : "Nếu em liều mất tự do của mình chỉ vì vài đồng bạc, thì anh nghĩ chắc em thật sự rất cần tiền. Còn anh, anh chỉ muốn ăn tối thôi và nếu em thật sự muốn đi ăn với anh… Này, anh rất hoan hỷ đấy".
"Tôi chỉ cảm thấy có thể em thật sự cần giúp đỡ", Diaz nói.
Diaz nói anh và thiếu niên đi đến quán và ngồi ở góc riêng.
"Quản lý ghé đến, những người rửa chén ghé đến, những người phục vụ ghé đến chào hỏi", Diaz nói. Chú nhóc nói đại loại, "Anh biết tất cả mọi người ở đây. Chắc anh là chủ quán này ?"
"Không, anh chỉ ăn thường xuyên ở đây", Diaz nói anh bảo thiếu niên. "Em nói, ‘Nhưng anh tử tế với cả người rửa chén nữa’".
Diaz đáp, "Thế em không được dạy dỗ em nên tử tế với tất cả mọi người sao ?"
"Có, nhưng em chẳng nghĩ người ta thật sự cư xử như thế", thiếu niên nói.
Diaz hỏi em muốn gì ở trên đời. "Em có vẻ mặt gần như buồn bả", Diaz nói.
Thiếu niên không thể trả lời Diaz - hay em không muốn trả lời.
Khi giấy tính tiền đến, Diaz bảo thiếu niên, "Này, anh nghĩ em sẽ phải trả tất cả tiền ăn này vì em giữ tiền của anh nên anh không thể trả được. Vậy nếu em trả lại ví cho anh, anh sẽ sung sướng đãi em một bữa".
Thiếu niên "thậm chí chẳng nghĩ ngợi gì đến chuyện ấy" và trả ví lại, Diaz nói. "Tôi cho em 20 đô… tôi nghĩ có thể số tiền ấy có thể giúp em phần nào. Tôi không biết".
Diaz nói để đổi lại yêu cầu em cho anh cái gì đấy -con dao của thiếu niên- "và em trao dao cho tôi".
Về sau, khi Diaz thuật lại cho mẹ chuyện xảy ra, bà nói, "Con là loại người mà giả như ai hỏi giờ con, con sẽ cho họ đồng hồ".
"Tôi chỉ nghĩ nếu ta đối xử tốt với mọi người, ta chỉ có thể hy vọng họ đối xử tốt lại với ta. Chỉ đơn giản thế thôi trong cuộc đời phức tạp này".
Michael Garofalo
Nguyên tác : A Victim Treats His Mugger Right, Morning Edition, National Public Radio, 28/03/2018. Tựa đề của người dịch
Trẻ con đã quay lại trường, một niên khóa mới vừa bắt đầu. Một facebooker tên là Ngọc Vinh vừa kể trên trang facebook của mình rằng đứa con trai – học sinh một trường cấp hai thuộc loại nổi tiếng tại Sài Gòn - không được dự lễ khai giảng. Facebooker này phỏng đoán, có thể vì sân trường quá nhỏ, chứa không nổi 3.000 đứa học trò cùng với đủ loại khách phải mời, thành ra Ban Giám hiệu buộc phải ra lệnh, chỉ có cán bộ các lớp mới được dự lễ khai giảng.
Vụ sàn tầng một của trường cấp hai và ba Đống Đa, tọa lạc tại phường 7, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng chiều 26 tháng 8 coi như đã được giải quyết xong (?). Các em học sinh đã được cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Lâm Đồng (danviet.vn)
Vinh tâm sự, ông thấy thương cho thằng con mình và bạn bè của nó khi chúng không được hưởng không khí náo nức mà thế hệ của ông từng được hưởng trong ngày khai trường vì đó là ngày đầu tiên gặp lại bạn bè, thầy cô sau ba tháng hè.
Theo lời Vinh thì dù không được dự lễ khai giảng nhưng con của ông và bạn bè của nó chẳng buồn chút nào bởi thật ra, chúng đã phải đến trường, đã gặp lại nhau từ 11 tháng 8, trước lễ khai giảng hơn ba tuần. Cũng vì vậy, Vinh băn khoăn, không hiểu những lễ khai giảng được tổ chức đồng loạt trên toàn quốc vào ngày 5 tháng 9 hàng năm để làm gì và dành cho ai ?
Không ít người cám ơn Vinh vì facebooker này đã nói thay điều họ nghĩ, một số người khác cung cấp thêm tên của những ngôi trường ở Sài Gòn mà trẻ con không được dự lễ khai giảng vì lý do tương tự…
***
Cũng nhân mùa khai trường, Michael Le – một facebooker sống tại Mỹ ôn lại chuyện cách nay mười năm, lúc cha con ông mới tới Mỹ định cư. Theo lời Michael thì lúc đó vì còn "chân ướt, chân ráo", lạ lẫm với đủ thứ trên "đất khách, quê người" nên cha con ông thường xuyên vừa cuốc bộ, vừa dùng xe bus và đi lạc. Mỗi khi phải cùng đứa con gái chín tuổi băng qua những xóm vắng, xóm nghèo, mà chỉ nhìn vẻ bề ngoài đã đủ thấy ngại, Michael lại nhủ với lòng là nếu có ai đụng tới con gái mình, ông sẽ "thí mạng cùi" để bảo vệ bé.
Sống thêm một thời gian nữa ở Mỹ Michael mới ngộ ra, chẳng những không cần thủ thế - sẵn sàng liều chết để bảo vệ con mình mà kiếm một đứa trẻ, đồng hành với nó là cách tốt nhất, giúp mình tránh được cả phiền toái lẫn nguy hiểm khi cần phải băng qua các khu vực phức tạp. Dẫu "coi Trời bằng vung" nhưng du đãng ở Mỹ không bao giờ, chính xác là không dám đụng tới trẻ con. Cảnh sát Mỹ không bao giờ chậm trễ và sẽ làm tới nơi, tới chốn nếu có một đứa trẻ gặp nguy hiểm hay bị quấy nhiễu.
***
Vụ sàn tầng một của trường cấp hai và ba Đống Đa, tọa lạc tại phường 7, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng chiều 26 tháng 8 coi như đã được giải quyết xong. Mười đứa trẻ lớp 6 rơi từ tầng một xuống tầng trệt, ba trong số này bị trọng thương là chuyện nhỏ. Chuyện bảy năm qua, Ban Giám hiệu trường cấp hai và ba Đống Đa cảnh báo, vật nài xin sửa chữa ngôi trường đã 60 tuổi nhưng không có bất kỳ viên chức hữu trách nào thèm đoái hoài, cuối cùng dẫn tới tai nạn như đã kể cũng là chuyện nhỏ.
Trách nhiệm cá nhân đối với những chuyện nhỏ như thế đã được ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng phủi sạch. Báo chí Việt Nam đồng loạt loan báo, ngay sau khi tai nạn xảy ra, ông Việt đã đến bệnh viện thăm lũ trẻ đang được cấp cứu tại đó, chỉ đạo hỗ trợ cho gia đình mỗi đứa trẻ năm triệu đồng, "chỉ đạo bệnh viện huy động y, bác sĩ tập trung cứu chữa".
Cũng theo báo chí Việt Nam, ngay sau khi mười đứa trẻ thọ nạn, Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Lâm Đồng đã lập tức "đến hiện trường để ghi nhận thực tế", "cử cán bộ đến bệnh viện để động viên, thăm hỏi gia đình và các em gặp nạn", hứa "sẽ phối hợp với cơ quan chuyên môn kiểm tra lại tất cả các phòng học tại trường Đống Đa, sau đó sẽ tiến hành sửa chữa các phòng học xuống cấp", hứa sẽ phối hợp với các cơ quan hữu trách "kiểm tra lại một số trường lâu năm trên địa bàn tỉnh để có hướng chỉ đạo, xử lý".
Tương tự, chính quyền thành phố Đà Lạt đã yêu cầu các trường trong thành phố này "khẩn trương kiểm tra tình trạng cơ sở vật chất phục vụ việc học tập, giảng dạy và hoạt động hành chính tại trường, nếu có dấu hiệu xuống cấp, không bảo đảm an toàn thì tuyệt đối không được bố trí giảng dạy hoặc phục vụ bán trú".
Thế là xong !
Thực tế cho thấy, nếu chẳng may cả mười học sinh lớp sáu của trường cấp hai và ba Đống Đa cùng thiệt mạng vào chiều 26 tháng 8 thì ngoài chuyện hỗ trợ nhiều hơn để mai táng, hệ thống công quyền cũng chỉ chuyển động đến mức đó rồi thôi !
Trong số hàng chục ngàn cơ quan truyền thông, bao gồm đài phát thanh, đài truyền hình, báo in, báo điện tử tại Việt Nam dường như chỉ có tờ Lao Động thắc mắc về trách nhiệm cá nhân của các viên chức hữu trách ở Lâm Đồng. Chỉ có tờ Lao Động so sánh chuyện bảy năm qua, chính quyền tỉnh Lâm Đồng không chi đồng nào để sửa chữa trường cấp hai và ba Đống Đa nhưng sẵn sàng bỏ ra 1.014 tỉ đồng để xây dựng Trung tâm Hành chính tỉnh Lâm Đồng. Theo tờ báo này thì lúc đầu, chi phí dự trù cho việc xây dựng Trung tâm Hành chính tỉnh Lâm Đồng chỉ có… 504 tỉ nhưng vì qui mô của nó quá lớn nên cả chính quyền tỉnh Lâm Đồng lẫn chính phủ Việt Nam đã đồng ý điều chỉnh chi phí đầu tư thành 1.014 tỉ đồng
Theo tờ Lao Động thì nhân dân và phụ huynh không thể giải thích được, tại sao bên cạnh những trung tâm hành chính ngàn tỷ lại là những ngôi trường chờ đổ hoặc xiêu vẹo, rách nát ? Đã đành xây dựng phải theo kế hoạch song chẳng lẽ kế hoạch cho trung tâm hành chính cả ngàn tỷ thì có còn một ngôi trường sắp đổ thì không ?... Dẫu chính đáng nhưng tại Việt Nam, với một hệ thống công quyền và các viên chức như vẫn thấy, những thắc mắc ấy rõ ràng là… "lạc điệu" nên chính tờ báo này tự dự đoán : "Sẽ chẳng có ai chịu trách nhiệm. Dứt khoát là vậy !".
Chẳng riêng Lâm Đồng, tỉnh và thành phố nào ở Việt Nam cũng vậy.
Hồi trung tuần tháng 7, báo chí Việt Nam đồng loạt loan tin, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình đã bỏ phiếu thông qua Dự án xây dựng quần thể tượng đài Hồ Chí Minh tại thành phố Đồng Hới do chính quyền tỉnh Quảng Bình đệ trình. Theo đó, chính quyền tỉnh Quảng Bình sẽ giao cho một công ty có tên là Sơn Hải 36 héc ta đất ở thành phố Đồng Hới và công ty này sẽ bỏ ra 128 tỉ đồng để thực hiện Dự án xây dựng quần thể tượng đài Hồ Chí Minh.
Ông Hoàng Đăng Quang, Bí thư tỉnh Quảng Bình, khẳng định, quần thể tượng đài Hồ Chí Minh là nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân trong toàn tỉnh.
Tuy không có bằng chứng nào cho thấy quần thể tượng đài Hồ Chí Minh thật sự là nguyện vọng của hơn 800.000 dân Quảng Bình nhưng giả dụ họ thật sự mong đợi một công trình như vậy thì lẽ nào Đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Bình không biết cân phân thiệt – hơn giữa quần thể tượng đài với chuyện khoảng 6.000 đứa trẻ chưa có chỗ học hành tử tế, phải học lớp ghép (ghép hai, thậm chí ba lớp ở các bậc khác nhau vào một phòng học), học nhờ, học tạm trong những nơi không thể gọi là trường ?
Lẽ nào Đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Bình không biết lượng định tác động thực – hư giữa quần thể tượng đài với 3.000 giáo viên đang cần nơi trú ngụ đểcó thể yên tâm trong việc dạy dỗ đám trẻ con vùng sâu, vùng xa ?
Từ lúc nào bày tỏ lòng biết ơn lãnh tụ trở thành đương nhiên được miễn trừ liêm sỉ - không có tiền, đem đất đổi "quần thể tượng đài Hồ Chí Minh" rồi ngửa tay xin thiên hạ đủ thứtừ trường mẫu giáo, tiểu học tới xe cấp cứu, các thiết bị y tế phổ dụng khác ?
***
Phàm đã từng sống tại Việt Nam thì ai cũng đã từng nghe, từng thấy khẩu hiệu "Tất cả vì tương lai con em chúng ta". Thế nhưng đang có nhầm lẫn lớn về đại từ "chúng ta". "Chúng ta" không phải là tất cả mọi người. "Chúng ta" chỉ là thiểu số rất nhỏ trong khối hàng trăm triệu người đang sống tại Việt Nam.
Con em "chúng ta" sẽ không bao giờ phải đu dây qua suối, không phải lội sông đến trường, không phải gửi thân học ở những chỗ không đáng gọi là học đường. Nếu chưa thể đi du học, chỗ của con em "chúng ta" sẽ là những ngôi trường đầy đủ tiện nghi hiện đại, giáo viên giỏi nhất. Con em "chúng ta" cũng đã được qui hoạch để đảm nhận những vị trí giúp chúng có thể tiếp tục duy trì các đặc quyền, đặc lợi của gia tộc "chúng ta".
Không hội đủ những định đề đó thì đừng huyễn hoặc, tự xếp mình vào nhóm "chúng ta". Phải ý thức đó chỉ là "chúng mày". "Tất cả vì tương lai con em chúng ta" rõ ràng là rất thật. Nếu không thuộc nhóm "chúng ta" thì mặc xác chúng mày và tất nhiên, mặc xác con em chúng mày.
Trân Văn
Nguồn : Thiên Hạ Luận, VOA, 07/06/2017
Trẻ em Việt Nam - Ảnh minh họa.
Nếu bạn là con gái, đến tuổi đôi mươi, đã lập gia đình, hẳn là đã và đang suy nghĩ hoặc bị hối thúc chuyện sinh con đẻ cái. Quan trọng hơn, có một niềm mong mỏi thường được nhắc nhở là sinh được bé trai kháu khỉnh cho họ nhà chồng. Nguyên do thì đơn giản và dễ hiểu là để nối dõi tông đường, gia phả họ hàng có người chăm sóc, cha mẹ không lo sợ cô đơn khi đến tuổi gần đất xa trời. Nàng nào sinh con trai đầu thì được khen là con dâu khéo. Các cô gái cứ đến tuổi cưới xin là nơm nớp lo sợ, nhưng liệu rằng đó chỉ đơn giản là nỗi phiền muộn bị người đời đánh giá hay lo lắng tủn mủn của bản thân ? Liệu có ai thực sự quan tâm về môi trường, xã hội mà đứa con mình sinh ra sẽ lớn lên và trưởng thành ?
Sáng sớm nay thức giấc, ngay lập tức đập vào mắt tôi là bản tin thời sự về một cô bé gái 3 tuổi bị một ông cụ tuổi gần 80 xâm hại tình dục. Vụ này được phát hiện từ tháng 3 năm 2015 nhưng cho đến nay, bước sang đầu năm 2017, sau những cố gắng không ngừng của người cha cô bé, lão già kia mới chính thức bị khởi tố. Trong suốt cuộc điều tra, bị cáo đã khước từ đơn gọi điều tra với lý do bệnh tật liệt giường. Khi gia đình nạn nhân sang tận nhà để hỏi thăm thì lại viện cớ đi vắng. Thời gian từ đó đến nay đủ để một danh hài nổi tiếng Việt Nam sang xứ tư bản bày trò ấu dâm, đã bị bắt giữ và trở về quê hương kịp ăn Tết. Còn nhớ một vụ tương tự tại Vũng Tàu mà người mẹ cũng cố hết sức mình để giành công lý cho con gái 6 tuổi của mình sau khi em bị xâm hại bởi một người hàng xóm 76 tuổi nhưng không có kết quả. Tới nay gia đình đã chuyển sang nước ngoài sinh sống. Có thể thấy xã hội chúng ta vẫn còn hết sức coi nhẹ vấn đề xâm hại tình dục. Việc một cô gái bị đụng chạm giữa chốn đông người ngay lập tức bị cáo buộc rằng do cô ăn mặc quá mỏng manh, bắt mắt, không một câu hỏi nào được nêu lên về nhân cách của con yêu râu xanh kia. Trên thực tế, đây là một vấn đề xã hội chung trên toàn thế giới, nhưng sự khác biệt là ở chỗ xã hội nào đặt vấn đề và đấu tranh đến cùng. Tôi dùng cụm từ "đấu tranh đến cùng" để nhấn mạnh vào sự quyết liệt bền bỉ, không khoan nhượng, không tha thứ và lãng quên.
Tại Hàn Quốc, các kênh truyền hình quốc gia đã cho chiếu đi chiếu lại Silenced, một bộ phim dựa trên một câu chuyện có thật về một số giáo viên lạm dụng tình dục các em học sinh có khuyết tật tại một ngôi trường ở thành phố Gwangju và che giấu hành vi đó trong một thời gian dài, làm dư luận hết sức phẫn nộ. Hope cũng là một bộ phim cùng đề tài, nhưng tập trung vào nỗi đau người cha dành cho cô con gái bị xâm hại của mình. Được biết trước khi bắt tay vào làm bộ phim này, đạo diễn Lee Joon-ik đã bị nhiều người phản đối vì họ cho rằng không nên khơi lại một vết thương trong quá khứ. Hai bộ phim đều được sản xuất trong thời gian gần đây, ngay lập tức được xem là một trong những tác phẩm điện ảnh xuất sắc về đề tài hiện thực xã hội tại Hàn Quốc. Năm 2015, tại Mỹ, Brock Turner, một sinh viên đại học Stanford, đã bị khởi tố vì có hành vi đồi bại với một nữ sinh khác khi nạn nhân bị bất tỉnh. Mức phạt 6 tháng tù giam và 3 năm tại ngoại vì lý do là vận động viên bơi tiềm năng của đội tuyển quốc gia đã gây nên một làn sóng phản đối từ người dân bang Calilornia cũng như toàn nước Mỹ.
Đó là cách mà người dân ở những xã hội tiên tiến phản ứng với nạn xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em - gay gắt, quyết liệt và không môt chút khoan dung mà không cần biết kẻ phạm tội là ông già lụ khụ, nghèo nàn hay nhân tài trẻ sáng giá của đất nước. Khi một vấn đề xã hội được đánh giá có ảnh hưởng nhân văn, luật pháp không phải là hình thức giải quyết duy nhất. Điện ảnh, báo chí, truyền hình, mạng xã hội cùng các tổ chức quốc gia và Liên Hiệp Quốc đóng một vai trò tích cực để truyền tải thông tin đến công chúng. Thử ngẫm lại vụ về Minh Béo khi danh hài này vĩnh viễn bị ghi tên trong sổ đen của sở xuất nhập cảnh Mỹ, bị trục xuất vĩnh viễn khỏi quốc gia này. Nhưng kỳ lạ thay, sau khi về tới Việt Nam, một tội phạm lại được chào đón như minh tinh màn bạc và được kêu gọi tha thứ cũng như ủng hộ hết mình, khiến anh này phần nào phấn khởi, ngỏ lời cảm ơn sâu sắc. Chúng ta, không hề có một ý niệm đấu tranh, thay vào đó là thái độ tung hê, thậm chí là trục lợi khi các trang báo đói tin liên tục cập nhật từng hình ảnh, từng lời nói, ngay từ cái bước chân đầu tiên của Minh Béo tại sân bay. Từ đó tôi chợt ngẫm ra một điều, không sinh con trên đất nước này là một điều may mắn, cho cả những người phụ nữ và cả những đứa trẻ, bởi để chúng lớn lên trong một xã hội bại hoại về nhân phẩm như vậy là điều tàn nhẫn.
Hoàng Giang
Nguồn : VOA tiếng Việt, 10/01/2017