Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

20/05/2022

Có thật Việt Nam không chọn phe, chỉ chọn chính nghĩa ?

Hiền Vương, Nguyễn Huỳnh, RFA

"Rửa mặt" cho Việt Nam

Hiền Vương, VNTB, 20/05/2022

Nói đến tình thế tương quan tại Ukraine, cần cảm ơn Phần Lan, Thụy Điển, bởi họ đã nhanh chóng lột mặt nạ của Putin khi nộp đơn xin gia nhập NATO, đồng thời cũng "rửa mặt" cho Việt Nam về cái gọi là "chính sách 3 không".

chonphe1

Chính phủ Phần Lan cho biết họ phải gia nhập NATO "ngay lập tức" trong bối cảnh nước này lo ngại về vấn đề an ninh tăng cao kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Putin phát động xâm lược Ukraine với đủ lý do : Nato tiến sát cửa nhà mình, phi quân sự hóa, phi phát xít hoá… Ban đầu, vài ông tướng tá hết thời tại Việt Nam cũng vào hùa vỗ tay tán dương cứ như Putin là cha già dân tộc của mình vậy.

Mà thôi, cứ cho là như thế đi. Vậy việc tiếp theo mà Putin cần làm là thôi ngay cái màn dọa dẫm, cứ kéo ngay quân sang chính phục Phần Lan và Thụy Điển, hốt cho trọn mẻ, rồi kỷ niệm chiến thắng diễu binh dưới cờ búa liềm cho thêm phần hoành tráng một thể.

Người Việt không bao giờ sợ kẻ thù xâm lăng biến họ thành nô lệ, mà chính họ tự nô lệ mình trước khi kẻ thù tràn sang, đó mới là điều đáng sợ nhất.

Trở lại với câu chuyện NATO và cuộc xâm lược Ukraine của Putin.

Ngày 24/2/2022, trước khi triển khai các hoạt động quân sự đối với Ukraine, Tổng thống Putin đã có bài phát biểu dài hơn một giờ đồng hồ trên truyền hình và truyền thông quốc tế, lý giải nguyên nhân để Nga triển khai "chiến dịch quân sự đặc biệt". Trên cơ sở tổng hợp nguồn tư liệu và bài phát biểu của Tổng thống Putin, phía Học viện Chính trị Công an nhân dân (Bộ Công an) đã đưa ra những biện giải sau đây :

Về phương diện an ninh quốc gia, NATO không ngừng phát triển về hướng Đông, áp sát biên giới Nga là một đe dọa của nước này. Theo ông Putin, sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, ngày càng nhiều nước ở Đông Âu gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), thúc đẩy liên minh mở rộng dần về phía Đông.

Ba nước cộng hòa vùng Baltic từng thuộc Liên Xô, gồm Estonia, Latvia và Litva, đã tham gia khối quân sự này năm 2004. Từ năm 2008, NATO bày tỏ ý định trao tư cách thành viên cho Ukraine và thực tế, Ukraine cũng đã thể hiện sự mong muốn ra nhập NATO. Nga coi đây là hành động vượt "lằn ranh đỏ", đe dọa an ninh của mình.

Sự mở rộng về phía đông của NATO là mối đe dọa hiện hữu và viễn cảnh Ukraine gia nhập liên minh quân sự của phương Tây là "hành vi thù địch".

Người đứng đầu nước Nga từng nhiều lần nhấn mạnh quan điểm "Ukraine không chỉ là quốc gia láng giềng, mà là một phần không thể thiếu trong lịch sử, văn hóa và tinh thần của Nga". Cũng từ đó, Nga yêu cầu NATO rút toàn bộ binh sĩ và vũ khí khỏi những nước gia nhập liên minh NATO sau năm 1997, gồm Ba Lan, Estonia, Litva, Latvia và các nước vùng Balkan.

Moskva cũng muốn NATO ngừng mở rộng về phía đông, không kết nạp Ukraine vào khối và không diễn tập quân sự tại Ukraine, Đông Âu, Trung Á và các nước vùng Kavkaz nếu chưa có sự đồng thuận từ Nga.

Tuy nhiên, Mỹ và các đồng minh thuộc NATO thẳng thừng từ chối những đề xuất an ninh mà Nga cho là "cốt lõi". Đây chính là "xung đột" căn bản mà hai bên chưa thể tìm được tiếng nói chung và dẫn tới việc Nga đi trước một bước tiến hành "chiến dịch quân sự đặc biệt", triển khai các lực lượng quân sự đối với Ukraine trong những ngày vừa qua.

Các lập luận qua quan sát ở trên của Học viện Chính trị Công an nhân dân (Bộ Công an), xem chừng chỉ đúng thời gian đầu, vì đến hôm 12-5, chính phủ Phần Lan cho biết họ phải gia nhập NATO "ngay lập tức" trong bối cảnh nước này lo ngại về vấn đề an ninh tăng cao kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Tuy nhiên trong bài phát biểu tại cuộc họp thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể, Tổng thống Nga nhấn mạnh việc hai nước Bắc Âu trở thành thành viên NATO "không phải mối đe dọa trực tiếp đối với Nga… nhưng việc mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự tới những vùng lãnh thổ này chắc chắn sẽ kích động phản ứng của Moscow".

Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể là một liên minh quân sự bao gồm các nước Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan.

Trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cảnh báo phương Tây rằng Moscow sẽ không "đơn giản ngồi im" với việc NATO mở rộng gần biên giới của mình. RiaNovosti dẫn lời ông Ryabkov khẳng định Phần Lan và Thụy Điển "không nên ảo tưởng" rằng Nga sẽ khoanh tay đứng nhìn việc NATO tiếp tục mở rộng về phía lãnh thổ nước này. "Brussels, Washington và các nước NATO khác cũng đừng ảo tưởng", quan chức Nga tuyên bố.

Ông Ryabkov gọi quyết định của Phần Lan và Thụy Điển về việc gia nhập liên minh NATO do Mỹ dẫn đầu là "một sai lầm nghiêm trọng với hậu quả sâu rộng". "Mức độ căng thẳng quân sự nói chung sẽ tăng lên, khả năng dự đoán chiến lược trong lĩnh vực quân sự sẽ giảm sút", ông Ryabkov cảnh báo.

Thế nhưng tin tức rò rỉ về cuộc điện đàm hôm 15/5 với Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Moscow "không có mối đe dọa nào đối với an ninh của Phần Lan". Hai nước có chung đường biên giới dài 1.300 km.

Nôm na, ông Putin của hôm nay khác hẳn hôm 24-2 là ông cho rằng Phần Lan và Thụy Điển nếu có gia nhập NATO, thì không phải mối đe dọa với Nga.

Nếu trở thành thành viên thứ 31 của NATO, Phần Lan sẽ được hưởng lợi từ Điều 5 Hiến chương NATO – một nguyên tắc về phòng thủ tập thể, quy định bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào nhằm vào một hay một số thành viên của liên minh đều được coi là cuộc tấn công vào toàn bộ liên minh.

Ủy ban quốc phòng của Quốc hội Phần Lan cho biết, gia nhập NATO là lựa chọn tốt nhất để nước này đảm bảo an ninh quốc gia. Theo các nhà ngoại giao Châu Âu, Phần Lan có thể gia nhập liên minh này nhanh chóng ngay sau khi nộp đơn vì đã trang bị các khí tài quân sự phù hợp với các đồng minh phương Tây và cũng đáp ứng nhiều tiêu chí thành viên.

Hiền Vương

Nguồn : VNTB, 20/05/2022

**********************

Việt Nam theo đuổi chủ nghĩa đa phương

Nguyễn Huỳnh, VNTB, 19/05/2022

Những cam kết của Việt Nam

Tiếp tục chuyến công tác dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Mỹ, thăm, làm việc tại Mỹ và Liên Hiệp Quốc (Liên Hiệp Quốc), sáng ngày 16/5 (giờ địa phương), tại trụ sở Liên Hiệp Quốc Thành phố New York Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp với Phó Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc, Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

chonphe4

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam cam kết mạnh mẽ đối với chủ nghĩa đa phương.

Tại cuộc gặp Phó Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc, bà Amina Mohammed, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục phát huy vai trò, đóng góp tích cực và xây dựng hơn nữa vào công việc chung của Liên Hiệp Quốc ở cả 3 trụ cột an ninh – chính trị, phát triển và quyền con người.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam cam kết mạnh mẽ đối với chủ nghĩa đa phương và một trật tự thế giới dựa trên luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hiệp Quốc, ủng hộ vai trò trung tâm của Liên Hiệp Quốc trong hệ thống quản trị toàn cầu, cho rằng cần có cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, toàn diện để xử lý các thách thức chung như dịch bệnh, biến đổi khí hậu.

Việt Nam cũng ủng hộ tăng cường quan hệ giữa Liên Hiệp Quốc, nghị viện các quốc gia thành viên và Liên minh Nghị viện thế giới để tranh thủ được sự ủng hộ của kênh lập pháp đối với chương trình nghị sự của Liên Hiệp Quốc.

Thắc mắc : Việt Nam làm thế nào để thực hiện cam kết đối với chủ nghĩa đa phương, khi mà Tổng bí thư Đảng luôn đưa ra yêu cầu về "định hướng xã hội chủ nghĩa" ?

Thế nào là chủ nghĩa đa phương ?

Trong "Sách trắng Chủ nghĩa Đa phương" của Chính phủ Liên bang Đức, công bố hồi tháng 5 năm ngoái thì theo lời giới thiệu của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Heiko Maas, Sách trắng được Chính phủ Liên bang công bố muốn đặc biệt làm rõ, trật tự đa phương có thể được điều chỉnh phù hợp với những thách thức và điều kiện của thế kỷ 21 như thế nào và nước Đức muốn đóng góp gì vào việc đó.

Trung tâm điểm là tư tưởng định hướng về một "Chủ nghĩa Đa phương vì con người" với mục tiêu cải thiện điều kiện sống cụ thể của con người ở Đức, Châu Âu và trên khắp thế giới. Đồng thời chủ nghĩa này cũng mở rộng cho sự hợp tác của các nhân tố mới, như các nước Nam bán cầu, các tổ chức quốc tế và xã hội dân sự (1).

Trước hết, về mặt lý thuyết, trên thế giới đã có nhiều nhà khoa học nghiên cứu về chủ nghĩa đa phương với những cách tiếp cận khác nhau.

Theo tài liệu lưu hành nội bộ của Học viện Ngoại giao Việt Nam, đầu tiên là cách tiếp cận dưới góc độ học thuyết, ý thức hệ. Các nhà khoa học như James A. Caporaso khẳng định chủ nghĩa đa phương là một niềm tin cho rằng các hoạt động nên được tổ chức dựa trên một cơ sở mang tính phổ quát toàn cầu (hoặc ít nhất là nhiều bên) đối với một nhóm nước nào đó, chẳng hạn như nhóm các nền dân chủ.

Đó cũng có thể là một niềm tin về cách thức thế giới hoạt động hoặc là một kỳ vọng rằng thế giới nên được vận hành theo một cách thức nhất định. Theo đó, chủ nghĩa đa phương là một ý thức hệ được thiết kế để thúc đẩy các hoạt động đa phương. Nó tổng hòa các nguyên tắc mang tính kỳ vọng, việc vận động chính sách cũng như các niềm tin thực tế.

Trong khi đó James Scott lại giải thích rằng chủ nghĩa đa phương nhìn chung được coi là tổng hòa những yếu tố hoặc các nguyên tắc định tính nhất định định hình nên đặc điểm của sự dàn xếp hoặc thể chế. Những nguyên tắc này là sự không thể tách rời của lợi ích giữa những bên tham gia, là một cam kết có đi có lại và là một hệ thống giải quyết tranh chấp nhằm thực hiện một phương thức, hành vi cụ thể.

Dưới góc độ thể chế, John Gernard Ruggie cho rằng chủ nghĩa đa phương hàm ý chỉ những dàn xếp mang tính thể chế có vai trò xác định và bình ổn quyền sở hữu/ chủ quyền của các quốc gia, kiểm soát và giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quá trình phối hợp.

Thể chế chủ nghĩa đa phương khác với các hình thức khác bởi ba đặc điểm : sự không thể chia tách, các nguyên tắc hoạt động phổ quát và sự tương hỗ (có đi có lại) lâu dài. Sự không thể chia tách thể hiện ở phạm vi (về địa lý lẫn chức năng) mà chi phí và lợi ích được phân bổ khi một hành động được bắt đầu trong hoặc giữa các đơn vị cấu thành.

Nguyên tắc ứng xử phổ quát thường xuất hiện dưới hình thức các quy chuẩn chung hoặc là các hình thức phổ quát trong việc ứng xử với tất cả các quốc gia khác, thay vì phân biệt trong quan hệ với từng trường hợp trên cơ sở của sở thích cá nhân, tình huống ngoại lệ hoặc một sự đối xử đặc biệt được quy định trước. Sự tương hỗ lâu dài khiến các chủ thể kỳ vọng sẽ đạt được lợi ích trong thời gian dài và trên nhiều vấn đề thay vì ăn xổi ở thì.

Joseph Nye cũng có những ý tưởng tương đồng với John Gernard Ruggie khi cho rằng "chủ nghĩa đa phương là nói về các cơ chế, trong đó các quốc gia thống nhất về một số dạng hành động chung, qua đó giảm thiểu các "chi phí giao dịch" khi phải chung tay xử lý các vấn đề chung thông qua việc tuân thủ ba nguyên tắc chính : (i) không phân biệt (non – discrimination), nghĩa là các quốc gia tham gia phải được đối xử như nhau ; (ii) không phân chia (indivisibility), nghĩa là các thành viên tham gia phải là chủ thể có chủ quyền đơn nhất ; (iii) tương hỗ (diffuse reciprocity), nghĩa là các bên liên quan phải có nghĩa vụ giữ vững các chuẩn mực chung trong hợp tác.

Thay lời kết

Thể chế / tổ chức đa phương khác với thể chế của chủ nghĩa đa phương là sự thể hiện của hai cấp độ hoạt động quốc tế liên quan đến nhau. Các tổ chức đa phương tập trung chú ý vào các yếu tố tổ chức chính thức của đời sống quốc tế và được đặc trưng bởi các trụ sở cố định có địa chỉ bưu chính riêng biệt với các nhân viên và ban thư ký thường trực.

Còn các thể chế, thiết chế của chủ nghĩa đa phương thì có thể tồn tại dưới hình thức các tổ chức cụ thể nhưng ý nghĩa của nó sâu rộng hơn. Thiết chế đa phương hình thành và tạo ra các thói quen, thực tiễn, ý tưởng và chuẩn mực ít mang tính chính thức và chuẩn hóa của xã hội quốc tế.

Từ những tóm lược như trên cho thấy rất cần một tuyên bố về "Sách trắng Chủ nghĩa Đa phương" của Việt Nam, vì ở đây là vấn đề cần hiểu ra sao về dân chủ và thực hành dân chủ trong điều kiện một đảng cầm quyền ở Việt Nam ?

Nguyễn Huỳnh

Nguồn : VNTB, 19/05/2022

(1) The Fedral Government, "A Multilateralism for the People" (Gemeinsam für die Menschen), Federal Government White Paper, May 2021

********************

Có đúng Việt Nam ‘chọn chính nghĩa, không chọn phe’ ?

RFA, 16/05/2022

Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến làm việc ở Mỹ mới đây khẳng định Việt Nam ‘chọn chính nghĩa, không chọn bên.’

chonphe2

Bảng kết quả bỏ phiếu thông qua Nghị quyết loại Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ở New York hôm 7/4/2022.  Reuters

Ông Phạm Minh Chính tuyên bố như vừa nêu khi có bài phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ - CSIS vào cuối tuần trước.

Cụ thể, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói : ‘Trong một thế giới đầy biến động, cạnh tranh chiến lược và nhiều sự lựa chọn, Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải…’

Tuyên bố của ông Chính vào thời điểm Nga đang tiến hành cuộc xâm lược Ukraine làm dư luận đặt câu hỏi liệu có đúng Việt Nam chỉ chọn chính nghĩa, không chọn phe ?

Nhà báo Nguyễn Vũ Bình, từng công tác tại Tạp Chí Cộng sản, nói với RFA hôm 16/5 :

"Đúng là ông Thủ tướng nói vậy, nhưng thực chất là Việt Nam có chọn phe, bởi vì chính nghĩa thì phải đứng về phía Ukraine, còn Nga xâm lược Ukraine thì làm sao là chính nghĩa. Thế mà khi Liên Hiệp Quốc có mấy cuộc họp lên án cấm vận Nga thì ổng đều Việt Nam đều bỏ phiếu trắng và phiếu chống, thế là ổng chọn bên Nga chứ không phải chọn chính nghĩa. Chính nghĩa thì phải chọn Ukraine, một quốc gia đang có chủ quyền thì bị Nga xâm lược. Ổng nói một chuyện, còn thực tế là chuyện khác, đấy là đặc trưng của quan chức cộng sản và nhà nước cộng sản".

Nga chính thức tiến hành cuộc xâm lược Ukraine từ rạng sáng 24/2/2022, đánh dấu bước leo thang lớn đối với xung đột Nga-Ukraine bắt đầu từ năm 2014.

Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào đầu tháng 3 năm 2022 đã bỏ phiếu lên án cuộc chiến xâm lược của Nga và yêu cầu nước này rút quân khỏi Ukraine. Tuy nhiên với sự đồng thuận gần như đa số của các nước thì Việt Nam đã bỏ phiếu trắng cả hai lần bỏ phiếu.

chonphe3

Một người đàn ông đi giữa những ngôi nhà bị phá hủy trong cuộc không kích của Nga vào thành phố Bila Tserkva, miền trung Ukraine vào ngày 8 tháng 3 năm 2022. Aris Messinis / AFP.

Trả lời RFA hôm 16/5 từ Na Uy, Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ cho rằng, thực ra mà nói các phát biểu của giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam hầu như không có giá trị về mặt uy tín mấy trên trường quốc tế. Đó là bởi vì họ có một truyền thống nói một đằng làm một nẻo. Ông Vũ dẫn chứng :

"Câu phát biểu của ông Phạm Minh Chính rằng chọn chính nghĩa chứ không chọn bên là một minh chứng rõ rệt cho chuyện này. Lấy ví dụ rằng trong cuộc chiến giữa Nga và Ukraine chẳng hạn, giữa một bên là Nga ngang nhiên xâm lược một nước có chủ quyền là Ukraine và Ukraine ra sức cầu cứu sự viện trợ của thế giới để chống đỡ bọn xâm lược. Nếu giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam chọn chính nghĩa hẳn họ đã chọn lên án hành vi xâm lược của Nga. Trái lại, họ không những không lên án Nga mà việc bỏ phiếu của họ ở Liên Hiệp Quốc càng thể hiện rằng họ chọn đứng cùng một chiến tuyến với Nga".

Theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, câu phát biểu không chọn bên của ông Chính một lần nữa khẳng định lập trường đi dây giữa hai phe độc tài và dân chủ của giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam. Giới lãnh đạo đảng Cộng sản sẽ tiếp tục duy trì mối quan hệ thân thiết với giới lãnh đạo độc tài ở Nga và Trung Quốc nhằm hỗ trợ những tiếng nói chung của phe độc tài ở các diễn đàn Liên Hiệp Quốc, nhưng mặc khác, giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy những mối quan hệ với Mỹ để tranh thủ những lợi ích về kinh tế và dùng Mỹ như là một đối trọng có thể hỗ trợ vị trí của mình nhằm đối chọi lại sự chèn ép của Trung Quốc khi cần thiết. Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ nói tiếp :

"Tuy vậy, trước sự cạnh tranh quyết liệt hơn giữa hai phe dân chủ, dẫn đầu bởi Mỹ, và phe độc tài, dẫn đầu bởi Nga và Trung Quốc, cuối cùng giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam bắt buộc phải chọn phe. Phe dân chủ với tiềm lực kinh tế và quân sự mạnh mẽ sẽ thắng thế. Những lãnh đạo cộng sản có hiểu biết tất sẽ biết rằng chọn lựa tốt nhất là đứng về phe thắng cuộc. Mà để đứng về phe thắng cuộc họ buộc phải dân chủ hóa hệ thống chính trị nhằm cho phép sự xuất hiện hệ thống đa đảng và thực thi bầu cử tự do".

Vào ngày 7/4/2022, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã bỏ phiếu khai trừ Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ) với các cáo buộc nước này vi phạm nhân quyền ở Ukraine, theo đó có 93 phiếu thuận, 24 phiếu chống và 58 phiếu trắng. Việt Nam lần này nằm trong số những nước bỏ phiếu chống lại nghị quyết của Mỹ để loại Nga ra khỏi HĐNQ.

Giáo sư Nguyễn Đình Cống từ Hà Nội hôm 16/5 cho rằng :

"Khái niệm Chính nghĩa tưởng rằng đã rõ ràng nhưng vẫn mơ hồ. Một việc, người này cho là chính nghĩa nhưng người khác bảo không phải thì sao. Thí dụ một số người cho rằng Chủ nghĩa Mác Lê, ủng hộ Putin đánh Ukraine, quốc hữu hóa đất đai, đàn áp người bất đồng chính kiến v.v… là rất chính nghĩa, có thật vậy không ?Thế mà nhiều lãnh đạo của Việt Nam đang hết sức thực hành, bảo vệ và kiên trì những thứ đó".

Thứ hai theo Giáo sư Cống, ông Chính là Thủ tướng, lời nói của ông là quan trọng, ông có thể chọn Chính nghĩa nhưng chưa phải là Việt Nam chọn, vì đất nước này đang bị áp đặt chế độ Đảng trị. Ông Chính muốn chọn được chính nghĩa hợp với lòng dân và xu thế tiến bộ, thì Giáo sư Cống cho rằng ông Chính còn phải đấu tranh để thắng được các lực lượng bảo thủ, và liệu ông Chính có thắng được họ không ? Giáo sư Nguyễn Đình Cống nói tiếp :

"Thư ba, giữa nói và làm. Một số lãnh đạo của Việt Nam thường chọn được câu hay để nói, nhưng phần nhiều họ làm ngược lại. Nhân dân Việt Nam thấy được một số việc làm tốt của ông Chính và đang theo dõi những việc làm tiếp theo của ông".

Trước cuộc bỏ phiếu ngày 7/4/2022, Nga đã cảnh báo những nước bỏ phiếu thuận và bỏ phiếu trắng sẽ bị coi là một ‘cử chỉ không thân thiện’ và gây ra hậu quả cho quan hệ song phương. Có lẽ chính vì vậy mà Việt Nam đã bỏ phiếu chống lại Nghị quyết khai trừ Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Vậy với các phiếu trắng và phiếu chống như vừa nêu thì có phải Việt Nam chọn chính nghĩa, không chọn bên ?

Nguồn : RFA, 16/05/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hiền Vương, Nguyễn Huỳnh, RFA
Read 385 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)