Tỷ giá USD tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào – bán ra : 22.550 đồng – 23.050 đồng.
Ngày 18/05/2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD ở mức : 23.140 đồng, giảm 20 đồng so với phiên ngày hôm qua.
Việc giảm mạnh giá mua ngoại tệ cho thấy tiền đồng Việt Nam đang lên giá so với USD. Khi đó, Ngân hàng Nhà nước mua vào với giá rẻ, tăng dự trữ ngoại hối. Tuy nhiên, điều này khả năng sẽ tạo bất lợi cho xuất khẩu của Việt Nam. Và dĩ nhiên là ở chiều ngược lại, điểm tích cực khi đồng Việt Nam lên giá là sẽ tạo thuận lợi cho hàng nhập khẩu, cũng như giảm bớt rủi ro cho các nhà đầu tư nước ngoài khi quyết định rót vốn vào Việt Nam.
Một điểm được chú ý nữa là, nếu như thời gian qua từng có việc Ngân hàng Nhà nước áp dụng mua ngoại tệ theo phương thức kỳ hạn, với kỳ hạn 6 tháng, lượng Việt Nam đồng cung ứng mua ngoại tệ sẽ rải dần ra thị trường, thì nay áp dụng với phương thức mua giao ngay, lượng tiền Việt Nam đồng cung ứng sẽ trực tiếp chảy ra thị trường.
Rất có thể, động thái này phản ánh kết quả mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ trong việc gỡ mác "thao túng tiền tệ" cách đây ít lâu.
Về mặt kinh tế, theo đánh giá của các chuyên gia, tiền đồng lên giá so với USD giúp Ngân hàng Nhà nước tăng mua dự trữ ngoại hối với giá rẻ. Ngược lại, điều này sẽ khiến khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, đồng nội tệ của các nước có cạnh tranh hàng xuất khẩu với Việt Nam, điển hình như Trung Quốc, đều đã lên giá mạnh so với USD.
Cùng với chuyện tiền đồng Việt Nam lên giá còn là việc lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng đã nhích lên từ 0,1 – 0,3%/năm từ đầu tháng 5 này.
Sacombank đã công bố biểu lãi suất huy động mới, theo đó lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng tăng lên 3,7%/năm, 6 tháng tăng lên 4,7%/năm. Ở kỳ hạn huy động 12 tháng, lãi suất tăng lên 5,8%/năm, và mức lãi suất huy động cao nhất là 6,3%/năm ở kỳ hạn 36 tháng.
Theo biểu lãi suất áp dụng từ ngày 9-5 tại Ngân hàng Nam Á, mức lãi suất huy động tiền gửi tại quầy kỳ hạn 3 tháng ở mức 3,95%/năm, kỳ hạn 6 và 9 tháng lần lượt ở mức 5,60%/năm và 5,9%/năm. Ở kỳ hạn 12 tháng lãi suất là 6,4%/năm và cao nhất là 6,7%/năm ở kỳ hạn từ 18 đến 23 tháng.
Các kỳ hạn trên 24 tháng tại Ngân hàng Nam Á lãi suất lại giảm dần, và chỉ còn 5,9%/năm ở kỳ hạn 36 tháng. Ở biểu lãi suất huy động tiền gửi trực tuyến tại ngân hàng này, dù chưa điều chỉnh nhưng lãi suất cao nhất lên đến 7,4%/năm ở các kỳ hạn từ 16 đến 36 tháng.
SHB cũng tăng mạnh lãi suất huy động thêm khoảng 0,2-0,4%/năm. Với kỳ hạn 36 tháng khi gửi tại quầy, lãi suất tăng 0,4%/năm lên 6,5-6,6%/năm. Tại kỳ hạn 12 tháng, lãi suất huy động của SHB tăng từ 5,7-5,8%/năm lên 6,1-6,2%/năm.
Đối với hình thức gửi online, lãi suất cũng tăng khá mạnh.
Trước đó, Eximbank đã tăng lãi suất tiền gửi online lên cao nhất 6,5%/năm, tăng khoảng 0,2%/năm so với trước, áp dụng cho khách hàng gửi từ 15 tháng trở lên.
Ngân hàng Bản Việt (VietCapitalBank) cũng vừa tăng lãi suất huy động lên mức cao nhất là 7%/năm ở kỳ hạn 24 tháng theo hình thức trực tuyến. Nếu gửi tại quầy, mức lãi suất ở kỳ hạn 24 tháng chỉ 6,8%/năm.
Giữa tháng 4, VPBank từng tăng lãi suất huy động thêm từ 0,3-0,6%/năm. ABBank cũng tăng lãi thêm 0,4-0,5%/năm cho các kỳ 6, 9 và 12 tháng.
Diễn biến trên thị trường vốn cho thấy đúng là với các doanh nghiệp đang rất lo ngại về xu hướng lãi suất tăng. Bởi trong khi đang gặp khó khăn về dòng tiền, giờ họ lại phải gánh thêm chi phí. Hầu hết doanh nghiệp vừa phục hồi sau đại dịch vẫn còn rất yếu, nếu chi phí tăng cao sẽ dẫn đến thu hẹp hoạt động, không dám nghĩ đến mở rộng đầu tư, tăng sản xuất.
Trong khi đó, gói hỗ trợ 2% vốn vay được Chính phủ ban hành từ đầu năm 2022 đến nay vẫn chưa đi vào thực tế. Doanh nghiệp đang khát vốn rẻ tìm không ra, vẫn phải chờ đợi. Lãi suất ngân hàng lại rục rịch tăng. Đợi tới khi lãi suất tăng cao, mới đi vào thực hiện thì có khi hiệu quả không còn…
Dường như việc kỳ vọng về sự hồi phục kinh tế sau dịch Covid sắp bị giáng một đòn mạnh từ chuyện lãi suất, và với việc làm hàng xuất khẩu qua chuyện đồng Việt Nam lên giá.