Xa là Tân Cương. Cách đây gần một tháng Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi chính quyền Trung Quốc hãy thả tất cả những người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương ra khỏi các trại cải tạo mà hiện nay ước tính giam giữ đến cả triệu người. Cả một dân tộc bị đặt dưới camera giám sát. Một quần đảo ngục tù thật sự, nơi cứ mỗi cây số có từ bốn đến năm chốt gác công an, nơi mỗi nhà người Duy Ngô Nhĩ phải nhận một cán bộ chủ yếu gốc Hán vào ở trong nhà để dạy con họ học tiếng Hán (Quan Thoại), nơi tháp giáo đường bị phá tan, nơi trường học không còn dạy tiếng Duy Ngô Nhĩ... Tân Cương đang chịu quá trình Hán hóa tuyệt đối.
Những thiếu niên Hồi giáo mỉm cười trước bức tượng tôn vinh Mao Trạch Đông, được dựng lên trong Công viên Nhân dân rộng lớn của thành phố Kashgar (Tân Cương) để nhắc nhở cộng đồng người Uyghur uy quyền của Bắc Kinh trong tỉnh Tân Cương. Ảnh chụp ngày 17/09/2003 : © Frederic J. Brown / AF
Gần là Campuchia. Mới đây tờ Asia Sentinel đăng bài tựa đề "Hán hóa Campuchia". Bài báo viết hiện nay "khuynh hướng 'Trung Hoa hóa' hay Hán hóa đã và đang diễn ra mãnh liệt đến mức Campuchia dường như đang trở thành một tỉnh của Trung Quốc". Câu kết của bài là "Nhưng chung cuộc, Campuchia có vẻ sẽ bị Trung Quốc sáp nhập, và quá trình này đã ở vào giai đoạn cuối rồi".
Nhà hàng, phòng trà, sòng bạc của người Trung Quốc mọc lên như nấm trong Thành phố Sihanoukville
Ngay trước mặt ta là một quê hương đang tan rã. Việt Nam trên đà tự diệt qua số người chết vì tai nạn giao thông và ung thư ngày càng cao. Việt Nam trên đà tan rã toàn diện từ môi trường đến luật pháp đến giáo dục. Xã hội Việt Nam tan rã về tinh thần khi con người không còn biết xấu hổ, đạo lý biến mất. Thời này quỷ sống chung với người. Tà quyền không ngừng thi hành chính sách ngu dân hóa và ru ngủ bao thế hệ, đặc biệt lớp trẻ, trong lời ca, tiếng hát, bóng đá, game, show, pháo bông, thi hoa hậu... Qua đấy chế độ ra sức tầm thường hóa con người và nô lệ hóa tinh thần họ. Tan rã cá nhân và xã hội chỉ là vấn đề thời gian. Không ai giết chúng ta chỉ chúng ta không biết chúng ta đang trong quá trình tự diệt trên toàn xã hội.
Chúng ta tồn tại chỉ trong thời hiện tại. Chúng ta bị cắt đứt với quá khứ và không thấy tương lai khi đường chân trời của chúng ta bị giới hạn bởi bao thú vui vật chất tầm thường mà chung cuộc hủy diệt tinh thần con người. Cho nên chúng ta thấy mà không thấy, và chúng ta trở nên vô cảm. Chúng ta khiếp sợ trước bạo lực của chế độ quá lâu cho nên chúng ta mặc nhiên học cách hợp lý hóa sợ hãi để trút bỏ lương tâm và từ bỏ trách nhiệm công dân trước thời thế. Cho nên chúng ta không nhận thấy họa mất nước ở ngay sau lưng và bóng địa ngục ở cuối đường số phận, mà chính chúng ta đang tự đi đến.
Sinh viên thi đua uống bia và nhậu nhẹt trong khu vực làng đại học Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh - Ảnh : Quang Định
Nhà văn Albert Camus viết "Cuộc sống không có giá trị trừ phi cuộc sống có thể hướng về tương lai, có thể chín muồi và tiến bộ. Cuộc sống tựa vào tường là cuộc sống của con chó". Trên tinh thần ấy nhiều người thuộc nhiều thế hệ trong chúng ta đã sống và đang sống càng ngày càng giống chó chỉ vì, xét cho cùng, tất cả chúng ta đều là nạn nhân của chế độ và nạn nhân của sợ hãi truyền kiếp.
Có hai con đường trước mặt ta.
Không làm gì hết, tức chấp nhận thực tại trong tuyệt vọng và cam phận. Đây là sự chọn lựa giúp chúng ta quên lãng trong khi hát những bản nhạc thời thượng như "Đắp mộ cuộc tình" hay "Duyên phận". Chấp nhận thực tại là góp phần với Trung Quốc và tà quyền đắp mộ lên tương lai Việt Nam và mở đường cho số phận lệ thuộc của những thế hệ người Việt cuối cùng trước khi chung cuộc bị đồng hóa trong địa ngục trần gian của quá trình Hán hóa, mà Tân Cương ngày hôm nay chỉ là bóng mờ nhạt so với những gì chúng ta tất yếu sẽ gặp phải về sau. Hay chúng ta vùi thân và tinh thần trong những cuộc bia rượu triền miên. Rồi như Lưu Linh, ta khinh miệt tất cả và "coi sự đời giống như cánh bèo trên sông". Những cánh bèo trên dòng nước bẩn sẽ làm chìm đắm tương lai sinh tồn của cả dân tộc.
Ngược lại với con đường chết về tinh thần ấy là con đường vươn lên từ tuyệt vọng. Gandhi nói với dân Ấn : "Chúng ta đang đau khổ. Chúng ta có hai cách, đấu tranh bạo động hay bất bạo động. Nếu chúng ta đấu tranh bạo động chúng ta sẽ bị giết như ruồi - đến hàng triệu người ; chúng ta thiếu sức khỏe, đạn dược, và súng ống. Còn chúng ta đấu tranh bất bạo động chúng ta ít ra cũng có cơ hội chiến thắng".
Với hàng triệu người nhìn thấy tương lai và số phận đang giăng mây đen vần vũ đáng sợ trên bầu trời tương lai thì hy vọng hồi sinh sẽ xuất hiện dưới những bước chân đồng hành xuống đường ngày hôm nay của tập thể những nạn nhân tự gánh lấy trách nhiệm công dân để cứu mình và cứu nước. Con đường thứ hai này là con đường dũng khí vượt qua dùi cui, nắm đấm, thương tích và nhà tù, nhưng dù sao cũng là con đường hy vọng còn hơn con đường đi qua lời ca và men rượu dưới sự khuyến khích không ngừng của chế độ.
Đừng bị ru ngủ trong những thú vui mở đường vào kiếp nô lệ. Đừng cam phận làm những cánh bèo trôi trên những dòng nước đen. Đừng phí thân sống như những con chó bị lùa vào chân tường và không có chút tương lai.
Hãy xuống đường cho mình và cho Việt Nam hôm nay và ngày mai. Đừng để vuột mất cơ hội chiến thắng có lẽ biết đâu duy nhất và cuối cùng này trước khi quá muộn.
Trần Quốc Việt
(25/05/2022)