Chào mừng đến với Chiến tranh Lạnh thế kỷ 21 !
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có bốn tính toán sai lầm lớn trước khi tiến hành cuộc xâm lược Ukraine. Ông đánh giá quá cao năng lực và hiệu quả quân sự của lính Nga, đồng thời đánh giá quá thấp ý chí kháng cự và quyết tâm chống trả của người Ukraine. Ông cũng sai khi cho rằng một phương Tây bị phân tâm sẽ không thể đoàn kết về mặt chính trị nếu phải đối mặt với cuộc tấn công của Nga, ngoài ra, Châu Âu và các đồng minh Châu Á của Mỹ sẽ không bao giờ ủng hộ các biện pháp trừng phạt sâu rộng về tài chính, thương mại, và năng lượng chống lại Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres tại Điện Kremlin ở Moscow vào ngày 26/4/2022. Vladimir Astapkovich/Sputnik/ AFP
Nhưng Putin đã đúng về một điều : Ông đoán chính xác rằng cái mà tôi gọi là "Phần còn lại của Thế giới" – nghĩa là những nước "phi phương Tây" – sẽ không lên án hay áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Nga. Vào ngày chiến tranh nổ ra, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng phương Tây đảm bảo rằng Putin sẽ trở thành "kẻ bị bài xích trên trường quốc tế" – nhưng đối với phần lớn thế giới, Tổng thống Nga không hẳn là một người bị bài xích.
Trong thập niên vừa qua, Nga đã vun đắp quan hệ với các quốc gia ở Trung Đông, Châu Á, Mỹ Latinh, và Châu Phi – những khu vực mà Nga đã rút khỏi sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991. Và Điện Kremlin đã liên tục lấy lòng Trung Quốc kể từ sau vụ sáp nhập Crimea vào năm 2014. Khi phương Tây tìm cách cô lập Nga, Bắc Kinh đã can thiệp để hỗ trợ Moscow, bao gồm cả việc ký kết thỏa thuận đường ống dẫn khí khổng lồ Power of Siberia.
Kể từ khi chiến tranh bắt đầu, Liên Hiệp Quốc đã bỏ phiếu ba lần : hai lần lên án cuộc xâm lược của Nga và một lần để đình chỉ nước này khỏi Hội đồng Nhân quyền. Các nghị quyết này đã được thông qua. Nhưng nếu chúng ta tính tổng cộng dân số ở những quốc gia bỏ phiếu trắng hoặc phiếu chống, con số có thể lên tới hơn một nửa dân số thế giới.
Nói tóm lại, thế giới không thống nhất về quan điểm rằng cuộc xâm lược của Nga là phi lý, và không có một phần đáng kể của thế giới sẵn sàng trừng phạt người Nga vì hành động của họ. Thậm chí, một số quốc gia còn đang tìm cách thu lợi từ tình hình hiện tại của Nga. Việc "Phần còn lại" chần chừ không muốn làm suy giảm mối quan hệ với nước Nga của Putin sẽ gây khó khăn cho khả năng của phương Tây trong việc quản lý quan hệ với đồng minh và các nước khác, không chỉ ngay bây giờ mà còn cả khi chiến tranh đã kết thúc.
Dẫn đầu "Phần còn lại" từ chối lên án Nga là Trung Quốc. Nếu không có sự ngầm định rằng Trung Quốc sẽ hỗ trợ Nga trong bất cứ việc gì họ làm, Putin đã không xâm lược Ukraine. Được ký khi Putin đến thăm Bắc Kinh vào lúc Thế vận hội Mùa đông bắt đầu, Tuyên bố chung Nga-Trung ngày 04/02 đã ca ngợi quan hệ đối tác "không giới hạn" giữa hai nước và cam kết đẩy lùi bá quyền phương Tây. Theo lời Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không được thông báo về kế hoạch xâm lược Ukraine của Putin khi hai người gặp nhau tại Bắc Kinh. Putin thực sự đã nói gì với Tập – dù chỉ là một cái nháy mắt, hay một điều gì đó rõ ràng hơn – chúng ta có lẽ sẽ chẳng bao giờ biết được.
Tuy nhiên, dù người ta cố gắng giải thích tuyên bố đó theo cách nào, vẫn không thể phủ nhận rằng Trung Quốc đã hỗ trợ Nga kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu. Bắc Kinh bỏ phiếu trắng trong những lần Liên Hiệp Quốc lên án Nga, và bỏ phiếu chống lại nghị quyết đình chỉ nước này khỏi Hội đồng Nhân quyền. Truyền thông Trung Quốc nhắc lại, một cách gần như y nguyên, các nội dung tuyên truyền của Nga về "phi phát xít hóa" và phi quân sự hóa Ukraine, đồng thời đổ lỗi cho Mỹ và NATO trong cuộc chiến. Họ thậm chí còn đặt câu hỏi : liệu vụ thảm sát ở Bucha có thực sự do quân đội Nga gây ra hay không, và đã kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra độc lập.
Nhưng có vài điều còn mơ hồ trong quan điểm của Trung Quốc. Nước này đã kêu gọi chấm dứt các hành động thù địch, và nhắc lại rằng họ tin tưởng vào sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của tất cả các quốc gia – bao gồm cả Ukraine. Trung Quốc cũng là đối tác thương mại hàng đầu của Ukraine, và Ukraine là một phần của dự án Vành đai và Con đường, thế nên Bắc Kinh không thể chấp nhận sự tàn phá kinh tế mà Ukraine đang phải trải qua.
Tuy nhiên, Tập đã chọn đồng minh với ‘đồng chí độc tài’ Putin, và cả hai chia sẻ những bất bình sâu sắc trước một trật tự thế giới do Mỹ thống trị, mà họ tin rằng đã bỏ qua lợi ích của họ. Hai nhà lãnh đạo quyết tâm tạo ra một trật tự toàn cầu hậu phương Tây, dù họ có suy nghĩ khác nhau về việc trật tự này sẽ trông như thế nào.
Đối với Trung Quốc, đó sẽ là một trật tự dựa trên luật lệ nơi Trung Quốc nắm giữ vai trò thiết lập chương trình nghị sự lớn hơn nhiều so với hiện tại. Mặt khác, đối với Putin, đó lại là một trật tự thế giới nhiều rắc rối, ít luật lệ. Cả hai quốc gia đều dị ứng với những lời chỉ trích mà phương Tây dành cho hệ thống trong nước và hồ sơ nhân quyền của họ. Trung Quốc và Nga đều cần có nhau trong nhiệm vụ chung là làm cho thế giới trở thành một nơi an toàn cho chế độ chuyên chế. Tập không muốn thấy Putin bị đánh bại. Do đó, dù Trung Quốc không thoải mái khi chứng kiến quy mô bạo lực và sự tàn bạo tại Ukraine, cũng như nguy cơ leo thang thành một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn, họ vẫn không sẵn sàng lên tiếng chống lại Nga.
Tuy nhiên, các tổ chức tài chính lớn của Trung Quốc cho đến nay vẫn tuân thủ các lệnh trừng phạt của phương Tây. Xét cho cùng, quan hệ kinh tế của Trung Quốc với Châu Âu và Mỹ chiếm tỷ trọng lớn hơn nhiều so với Nga. Hơn nữa, xét đến các biện pháp trừng phạt sâu rộng của phương Tây đối với Nga, Bắc Kinh hẳn đang tự hỏi phản ứng của phương Tây sẽ thế nào khi họ xâm lược Đài Loan. Chắc chắn là, Trung Quốc đang nghiên cứu kỹ lưỡng các lệnh trừng phạt.
Một nước chủ chốt khác chống lại việc chỉ trích Nga là Ấn Độ, nền dân chủ lớn nhất thế giới, và là đối tác của Mỹ trong nhóm Đối thoại An ninh Bốn bên, tức Bộ Tứ, cùng với Nhật Bản và Australia. Ấn Độ bỏ phiếu trắng trong cả ba nghị quyết của Liên Hiệp Quốc và đã từ chối trừng phạt Nga. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gọi các báo cáo về hành vi tàn bạo đối với dân thường ở Bucha, Ukraine là "rất đáng lo ngại", và đại sứ Ấn Độ tại Liên Hiệp Quốc cho biết nước này "dứt khoát lên án [các] vụ sát hại này và ủng hộ lời kêu gọi điều tra độc lập". Nhưng cả Modi và vị đại sứ đều không đổ lỗi cho Nga về vụ việc này.
Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar nói Nga là một "đối tác rất quan trọng trong nhiều lĩnh vực", và Ấn Độ sẽ tiếp tục mua vũ khí và dầu mỏ từ Nga. Trên thực tế, hai phần ba kho vũ khí của Ấn Độ đến từ Nga, và Ấn Độ chính là khách hàng vũ khí hàng đầu của Moscow. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland đã thừa nhận rằng một phần nguyên nhân xuất phát từ việc Washington hạn chế cung cấp vũ khí cho Ấn Độ – một nhà lãnh đạo "phong trào không liên kết" trong Chiến tranh Lạnh. Mỹ hiện đang dự tính hợp tác quốc phòng mạnh mẽ hơn với Ấn Độ.
Modi có một số lý do để từ chối lên án Nga. Và Trung Quốc là lý do lớn nhất. Ấn Độ coi Nga là một bên cân bằng quan trọng chống lại Trung Quốc, và người Nga đã giúp xoa dịu căng thẳng Trung-Ấn sau các vụ đụng độ biên giới hồi năm 2020. Hơn nữa, truyền thống trung lập và hoài nghi của Ấn Độ đối với Mỹ trong Chiến tranh Lạnh đã khiến công chúng Ấn Độ có cái nhìn thiện cảm đáng kể đối với Nga. Trong tương lai, Ấn Độ sẽ phải cân bằng giữa quan hệ an ninh truyền thống với Nga và quan hệ đối tác chiến lược mới với Mỹ trong Bộ Tứ.
Một trong những thành công chính sách đối ngoại lớn của Putin trong thập niên qua là việc Nga quay trở lại Trung Đông, tái lập quan hệ với các quốc gia mà nước Nga thời hậu Xô-viết đã rút khỏi, và thiết lập quan hệ mới với các quốc gia trước đây không có quan hệ với Liên Xô.
Nga hiện là cường quốc lớn duy nhất từng nói chuyện với tất cả các quốc gia trong khu vực Trung Đông – từ các quốc gia do người Sunni lãnh đạo như Ả Rập Saudi, đến các quốc gia do người Shiite lãnh đạo như Iran và Syria, và thậm chí là Israel – đồng thời có quan hệ với mọi phe trong mọi cuộc tranh chấp. Bằng chứng cho thành tựu Trung Đông đã xuất hiện ngay khi chiến tranh Nga-Ukraine bùng nổ.
Dù hầu hết các nước Ả Rập đã bỏ phiếu lên án cuộc xâm lược của Nga trong lần bỏ phiếu đầu tiên của Liên Hiệp Quốc, nhưng Liên đoàn Ả Rập gồm 22 thành viên sau đó đã không làm như vậy nữa. Nhiều quốc gia Ả Rập đã bỏ phiếu trắng đối với nghị quyết đình chỉ Nga tham gia Hội đồng Nhân quyền. Các đồng minh của Mỹ bao gồm Ả Rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ai Cập, và Israel đã không áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Hơn nữa, Putin và Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman đã nói chuyện hai lần kể từ khi chiến tranh bắt đầu.
Quan điểm của Israel phần lớn được xác định bởi sự ủng hộ của Nga đối với chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad tại Syria, nơi mà lực lượng Nga lẫn Iran đang hiện diện. Israel đã đàm phán một thỏa thuận giảm xung đột với Nga, cho phép nước này tấn công các mục tiêu Iran ở Syria. Israel lo ngại rằng việc đối kháng với Nga có thể gây nguy hiểm cho khả năng bảo vệ biên giới phía bắc của họ. Nước này đã thành lập một bệnh viện dã chiến và gửi các hỗ trợ nhân đạo khác đến Ukraine – nhưng họ không gửi vũ khí. Thậm chí, đã có lúc Thủ tướng Israel Naftali Bennett đảm nhận vai trò hòa giải giữa Nga và Ukraine, nhưng những nỗ lực của ông đã không thành công.
Đối với nhiều nước Trung Đông, lập trường của họ đối với Nga cũng được hình thành bởi sự hoài nghi rằng Mỹ đôi khi là một đối tác không đáng tin cậy trong khu vực, và sự khó chịu trước những chỉ trích của Mỹ về hồ sơ nhân quyền của họ. Quốc gia duy nhất thực sự thân Nga là Syria với nhà lãnh đạo Assad, người vốn dĩ đã bị lật đổ từ lâu nếu không có sự hỗ trợ quân sự của Nga.
Việc người Nga trở lại Châu Phi trong những năm gần đây và sự hỗ trợ mà tập đoàn lính đánh thuê Wagner dành cho các nhà lãnh đạo đang gặp khó khăn trong khu vực đã tạo ra một lục địa mà đa phần đều từ chối lên án hoặc trừng phạt Nga. Hầu hết các nước Châu Phi đều bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu lên án sự xâm lược của Nga, và nhiều nước đã bỏ phiếu chống việc đình chỉ Nga tham gia Hội đồng Nhân quyền. Nam Phi, một thành viên dân chủ của Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS, cũng không hề chỉ trích Nga.
Đối với nhiều nước Châu Phi, Nga được coi là người thừa kế của Liên bang Xô Viết, nước đã hỗ trợ họ trong các cuộc đấu tranh chống thực dân. Liên Xô là nhà bảo trợ lớn của Đại hội Dân tộc Phi trong thời kỳ apartheid, và giới lãnh đạo Nam Phi hiện tại cảm thấy biết ơn người Nga. Tương tự như ở Trung Đông, thái độ thù địch đối với Mỹ cũng đóng vai trò nhất định trong việc định hình quan điểm của người Châu Phi về cuộc xâm lược.
Ngay cả ở sân sau của Mỹ, Nga cũng có những đội cổ vũ của riêng mình. Cuba, Venezuela, và Nicaragua đã ủng hộ Moscow – đúng như dự kiến – nhưng những nước khác cũng từ chối lên án cuộc xâm lược. Brazil, một thành viên BRICS, tuyên bố giữ lập trường "không thiên vị", và Tổng thống Jair Bolsonaro đã đến Moscow thăm Putin ngay trước khi chiến tranh nổ ra, và tuyên bố rằng mình "đoàn kết với Nga". Brazil hiện vẫn phụ thuộc nhiều vào phân bón nhập khẩu từ Nga.
Đáng lo ngại hơn là Mexico đã từ chối tham gia cùng Mỹ và Canada trong mặt trận chung Bắc Mỹ và từ chối lên án cuộc xâm lược. Đảng Morena của Tổng thống Andrés Manuel López Obrador thậm chí còn tổ chức Nhóm nghị sĩ hữu nghị Mexico-Nga tại hạ viện nước này vào tháng 3, mời đại sứ Nga đến phát biểu trong cuộc họp. Chủ nghĩa chống Mỹ theo phong cách cánh tả truyền thống những năm 1970 có thể giải thích một phần lớn lý do việc nước này ủng hộ Nga, và nó mang đến cho Nga những cơ hội mới để gieo rắc bất hòa ở phương Tây.
"Phần còn lại" có thể đại diện cho hơn một nửa dân số thế giới, nhưng đó là nửa nghèo hơn, gồm nhiều quốc gia kém phát triển hơn. Tổng hợp GDP, sức mạnh kinh tế, và sức mạnh địa chính trị của phương Tây vượt xa ảnh hưởng của những quốc gia từ chối lên án cuộc xâm lược hoặc trừng phạt Nga.
Tuy nhiên, sự chia rẽ hiện tại giữa phương Tây và phần còn lại của thế giới sẽ định hình bất kỳ trật tự thế giới nào xuất hiện sau khi chiến tranh kết thúc. Hai quốc gia quan trọng khi đó sẽ là Trung Quốc và Ấn Độ, những người sẽ đảm bảo rằng Putin không bị bài xích bởi quốc tế sau khi xung đột kết thúc. Thật vậy, Indonesia, nước chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh G-20 tiếp theo vào tháng 11, cho biết họ hoan nghênh sự hiện diện của Putin. Tuy nhiên, họ cũng đã gửi lời mời tới Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky.
Sau khi cuộc chiến tàn khốc này chấm dứt, Mỹ sẽ tăng cường hiện diện quân sự ở Châu Âu, và có khả năng sẽ đóng quân vĩnh viễn tại một hoặc nhiều quốc gia ở sườn phía đông của NATO. Nếu một trong những mục tiêu lâu dài của Putin là làm suy yếu NATO, thì cuộc chiến chống Ukraine của ông đã dẫn tới điều hoàn toàn ngược lại, không chỉ giúp hồi sinh liên minh mà còn mang lại cho nó mục đích mới sau Afghanistan, và thậm chí mở rộng nó, nếu xét đến khả năng Thụy Điển và Phần Lan gia nhập. NATO sẽ quay trở lại với chính sách tăng cường ngăn chặn Nga chừng nào Putin còn nắm quyền, và có thể sẽ kéo dài cả sau khi ông đã rời nhiệm sở, tùy thuộc vào việc nhà lãnh đạo tiếp theo của Nga là ai.
Nhưng trong phiên bản Chiến tranh Lạnh thế kỷ 21 này, các nước phi phương Tây sẽ từ chối chọn phe, như cái cách mà nhiều nước đã từng làm trong Chiến tranh Lạnh trước đây. Phong trào không liên kết của những năm Chiến tranh Lạnh sẽ xuất hiện trở lại dưới một hình thức mới. Lần này, "Phần còn lại của thế giới" sẽ duy trì quan hệ với Nga ngay cả khi Washington và các đồng minh coi Putin như một kẻ bị bài xích.
Nền kinh tế Nga sẽ bị suy giảm, và nếu nước này thành công trong việc tạo ra "mạng Internet có chủ quyền", họ sẽ đi ngược chiều xu hướng hiện đại hóa và ngày càng trở nên phụ thuộc vào Trung Quốc. Nhưng họ vẫn sẽ là nước mà một số lượng đáng kể các quốc gia khác vui lòng duy trì quan hệ – và sẽ luôn cẩn trọng để không làm phật ý Moscow.
Angela Stent
Nguyên tác : "The West vs. the Rest", Foreign Policy, 02/05/2022
Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 19/05/2022
Angela Stent là nghiên cứu viên cao cấp không thường trú của Viện Brookings, và là tác giả cuốn sách "Putin’s World : Russia Against the West and With the Rest".