Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

26/05/2022

Thượng đỉnh Tự do tôn giáo quốc tế và tự do tôn giáo ở Việt Nam

Nguyễn Đình Thắng - Hồ Đức Hòa

Phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng về Hội nghị Thượng đỉnh về Tự do tôn giáo

Quang Nguyên, VNTB, 26/05/2022

Hội nhập thế giới để thay đổi Việt Nam

Lời giới thiệu : Chúng tôi giới thiệu bài phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch BPSOS, về ý nghĩa của Hội nghị thượng đỉnh về Tự do tôn giáo quốc tế, sẽ tổ chức ở thủ đô Hoa Kỳ ngày 28 – 30 tháng 6 tới đây. Những điểm chính được trình bày trong bài phỏng vấn :

- Sách lược của BPSOS từ năm 1998 là giúp người dân trong nước "chạy đua" với nhà nước về hội nhập quốc tế bằng cách tạo cơ hội và cung cấp phương tiện để người dân trong nước nhập vào các "sân chơi" quốc tế, nơi mà luật chơi bình đẳng và công minh… Khi người dân trong nước, kết hợp với đồng bào của họ ở hải ngoại, hội nhập càng sâu, càng rộng với quốc tế thì họ sẽ cân bằng được sự thất thế ở sân chơi nội địa.

- Quốc hội Hoa Kỳ thông qua luật tự do tôn giáo quốc tế năm 1998, và trong thời gian dài Hoa Kỳ đơn phương lên tiếng bảo vệ tự do tôn giáo toàn cầu… Có thể nói, mục đích của chúng tôi là : "Những người yêu tự do (tôn giáo) toàn thế giới, đoàn kết lại !"

- Hội nghị thượng đỉnh về Tự do tôn giáo quốc tế là môi trường quy tụ các lực lượng quần chúng toàn thế giới để chung sức bảo vệ và phát huy tự do tôn giáo toàn cầu, đặc biệt ở những nơi tôn giáo thường xuyên bị bách hại như ở Việt Nam. 

Phái đoàn Việt Nam tham gia năm nay sẽ gồm 60 người đến từ nhiều tiểu bang Hoa Kỳ và một số quốc gia ngoài Hoa Kỳ, đông gấp 4 số người tham gia hội nghị lần đầu, tổ chức tháng 7 năm 2021 cũng ở Washington DC. Phái đoàn năm nay sẽ bao gồm các chức sắc và tín đồ Cao đài, Phật giáo, Phật giáo Hòa hảo, Công giáo, Tin lành Tây Nguyên, Tin lành Hmong và các người quan tâm đến nhân quyền ở Việt Nam.

"Chúng tôi kêu gọi người Việt tham gia sự kiện quan trọng này để giúp các cộng đồng tôn giáo ở Việt Nam hòa nhập vào một phong trào toàn thế giới", Tiến sĩ Thắng nói.  

Ghi danh tham dự hội nghi : The IRF Summit 2022

IRF Summit Website

Sự vắng mặt của người tham dự chính là lời tố cáo hùng hồn nhất về chính sách đàn áp tôn giáo của chế độ ở Việt Nam.

VNTB : Kính chào Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng Tổng Giám Đốc kiêm CEO của tổ chức BPSOS.

Chúng tôi được biết vào cuối tháng 6 năm nay, hội nghị thượng đỉnh về tự do tôn giáo thế giới sẽ họp tại thủ đô Washington, Hoa Kỳ và ông là một thành viên trong ban tổ chức, xin Tiến sĩ vui lòng cho độc giả VNTB biết qua về hội nghị và vai trò của ông trong ban tổ chức.

Nguyễn Đình Thắng : Đây là hội nghị thượng đỉnh lần 2 về tự do tôn giáo quốc tế. Lần đầu, hội nghị được tổ chức vào tháng 7 năm ngoái cũng ở thủ đô Hoa Kỳ với gần một nghìn người tham gia ; họ đến từ rất nhiều quốc gia trên thế giới. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và cựu Ngoại Trưởng Mike Pompeo cũng tham gia phát biểu. 

BPSOS là một đối tác tổ chức hội nghị và tôi ở trong Ban chỉ đạo của hội nghị, đặc trách bộ phận Chiến dịch toàn cầu cho các Tù nhân lương tâm và tôn giáo.

VNTB : Hội nghị này có thể tác động thế nào đến vấn đề tự do tôn giáo bị xâm phạm ở một số quốc gia và đặc biệt của Việt Nam ?

Nguyễn Đình Thắng : Hội nghị thượng đỉnh về Tự do tôn giáo quốc tế là môi trường quy tụ các lực lượng quần chúng toàn thế giới để chung sức bảo vệ và phát huy tự do tôn giáo toàn cầu, đặc biệt ở những nơi tôn giáo thường xuyên bị bách hại như ở Việt Nam. 

Đây là mũi nhọn thứ tư trong một sách lược lớn, được khởi xướng cách đây 12 năm. Mũi nhọn thứ nhất, qua hình thức các bàn tròn đa tôn giáo, quy tụ các cá nhân và tổ chức chuyên đấu tranh cho tự do tôn giáo. Mũi nhọn thứ hai, qua tập hợp của các nghị sĩ ở nhiều quốc gia, quy tụ các nhà làm chính sách. Mũi nhọn thứ ba quy tụ các chính quyền quan tâm đến tự do tôn giáo, mà sản phẩm là liên minh gồm 36 quốc gia.

Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua luật tự do tôn giáo quốc tế năm 1998, và trong thời gian dài Hoa Kỳ đơn phương lên tiếng bảo vệ tự do tôn giáo toàn cầu. Bốn mũi nhọn kể trên có mục đích huy động lực lượng toàn cầu để sát cánh với Hoa Kỳ. Có thể nói, mục đích của chúng tôi là : "Những người yêu tự do (tôn giáo) toàn thế giới, đoàn kết lại !".

VNTB : Chúng tôi được biết tổ chức BPSOS đã bênh vực và giúp đỡ nhiều trường hợp vi phạm nhân quyền, nhân đạo trên thế giới, cứu người vượt biển, cứu nạn nhân bị buôn người, bênh vực nhân quyền ở Việt Nam v.v. Những năm gần đây, chúng tôi thấy BPSOS tích cực nhiều về đấu tranh cho tự do tôn giáo cho Việt Nam và thế giới, xin Tiến sĩ cho biết lý do ?

Nguyễn Đình Thắng : Thực ra BPSOS đã đấu tranh cho tự do tôn giáo, mà đúng ra là tự do tôn giáo hay niềm tin, từ rất sớm. Chúng tôi đã tích cực vận động cho Luật Tự do Tôn giáo quốc tế năm 1998. Liền sau đó chúng tôi đã làm việc chặt chẽ với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ để khai thác luật này. Đến nay đã gần ¼ thế kỷ rồi.

Chúng tôi chọn lĩnh vực tự do tôn giáo hay niềm tin vì 3 lý do. Thứ nhất, nó là một "gói quyền" chứ không chỉ là một quyền đơn lẻ. Nó bao hàm quyền tự do biểu đạt, tự do hội họp, tự do lập hội, tự do đi lại, và nhiều nữa. Nếu khai mở được quyền tự do tôn giáo thì tự động khai mở được nhiều quyền tự do khác. Thứ hai, tuyệt đại đa số người Việt Nam đều có một tôn giáo hay một niềm tin ; nếu khai mở được quyền này thì sẽ đem lại lợi ích cho toàn dân. Thứ ba, đây là lĩnh vực có thể huy động được sự yểm trợ của quốc tế, mà bốn mũi nhọn kể trên là ví dụ điển hình.

VNTB : Chúng tôi được biết hội nghị thượng đỉnh về tư do tôn giáo có mời nhiều người từ nhiều quốc gia khác đến tham dự. Ban tổ chức có dự định mời khách tham dự từ Việt Nam không ?

Nguyễn Đình Thắng : Người Việt Nam chắc chắn sẽ có tiếng nói tại hội nghị này bằng nhiều cách. Trước hết, chúng tôi có mời một số người đến từ Việt Nam. Kế đến, có không ít nhân chứng của sự đàn áp tôn giáo ở Việt Nam hiện có mặt ở Thái Lan như những người tị nạn ; một số cũng sẽ tham dự hội nghị. Cuối cùng, các cộng đồng tôn giáo ở Việt Nam đều có đồng đạo ở hải ngoại, đặc biệt ở Hoa Kỳ ; họ lên tiếng hộ cho những người ở trong nước. 

Trong nhiều năm, BPSOS đã chuẩn bị cho sự kết hợp giữa người trong và ngoài nước qua công thức "kết nghĩa". Mỗi cộng đồng ở trong nước đều có những người ở ngoài nước, thường là cùng tôn giáo nhưng không nhất thiết, kết nghĩa bền chặt và dài lâu. Những người này am tường tình hình y như chính họ là người đang ở trong nước và do đó có đầy đủ kiến thức và thẩm quyền để nói lên sự thật ở Việt Nam tại hội nghị thượng đỉnh.

Nhìn rộng hơn, sách lược của BPSOS từ năm 1998 là giúp người dân trong nước "chạy đua" với Nhà nước về hội nhập quốc tế bằng cách tạo cơ hội và cung cấp phương tiện để người dân trong nước nhập vào các "sân chơi" quốc tế, nơi mà luật chơi bình đẳng và công minh. Không những vậy, cộng đồng người Việt ở hải ngoại có tiềm năng chủ động trên các "sân chơi" quốc tế.

Năm 1986, chế độ cộng sản Việt Nam đề ra chính sách "đổi mới" – mặc nhiên thừa nhận rằng nhắm mắt bám đuôi đàn anh Liên Xô và Trung Quốc là đi vào chỗ chết. Để sống còn, họ phải hội nhập thế giới tự do. Tuy nhiên, Nhà nước chỉ muốn họ hội nhập còn người dân thì bị cấm. Họ sợ người dân hội nhập sâu và rộng với thế giới tự do thì sẽ "diễn biến hòa bình". Ông Nguyễn Văn Linh, người chủ xướng đổi mới, từng phát biểu "mở cửa thì gió mát vào và ruồi muỗi cũng vào theo" và do đó phải dựng cửa lưới để chặn lại.

Giúp người dân hội nhập quốc tế thật nhanh và thật ồ ạt nằm trong sách lược của chúng tôi từ cuối thập niên 1990. Khi người dân trong nước, kết hợp với đồng bào của họ ở hải ngoại, hội nhập càng sâu, càng rộng với quốc tế thì họ sẽ cân bằng được sự thất thế ở sân chơi nội địa.

Đấy cũng là lý do mà phái đoàn người Việt tham dự hội nghị kỳ này, sẽ khoảng 60 người, có lẽ là phái đoàn quốc gia đông đảo nhất.

VNTB : Việt Nam là một quốc gia độc tài, chính quyền Việt Nam vi phạm nhân quyền, vi phạm quyền tự do tôn giáo trầm trọng. Thưa Tiến sĩ Thắng, ông có thể cho biết khả năng chính phủ Việt Nam chấp nhận cho những người ban tổ chức mời dự hội nghị đi ?

Nguyễn Đình Thắng : Trên sân chơi quốc tế, Việt Nam không thể hành xử tuỳ tiện như ở trong nước. Chúng tôi đã cài họ vào thế bất khả kháng. 

Nếu họ ngăn chặn không cho người ở trong nước tham gia hội nghị thì điều này sẽ trở thành một đề tài nóng và chế độ sẽ bị lên án ở ngay hội nghị. Trong khi đó, tất cả những gì người ở trong nước muốn nói, cần nói đều vẫn sẽ được trình bày ở hội nghị bởi những người kết nghĩa với họ. 

Chúng tôi ước lượng khoảng một nghìn lãnh đạo các tôn giáo, lãnh đạo của hàng trăm tổ chức tôn giáo và tổ chức nhân quyền sẽ tham dự hội nghị. Nhiều giới chức chính quyền Hoa Kỳ và của 35 quốc gia liên minh với Hoa Kỳ để bảo vệ tự do tôn giáo toàn cầu sẽ có mặt tại hội nghị, cũng như giới truyền thông. Bị lên án trong môi trường đó không tốt chút nào cho Việt Nam. Cản chặn không cho người dân tham gia trở thành lợi bất cập hại. 

VNTB : Thưa Tiến sĩ, chúng tôi nghĩ những người được mời sẵn sàng đi tham gia hội nghị dù phải tốn tiền, mất thì giờ và có thể gặp rắc rối với chính quyền miễn là họ có thể đến hội nghị nói lên được tiếng nói của họ, của cộng đồng với thế giới. Qua hiểu biết của Tiến sĩ, xin ông cho biết trở ngại thường gặp của họ bởi phía chính quyền Việt Nam gây ra. Trong trường hợp đó họ nên làm gì ?

Nguyễn Đình Thắng : Tôi đoán trước phần lớn người ở trong nước sẽ bị chặn ở phi trường với đủ mọi lý do. Như đã trình bày, điều này sẽ không ảnh hưởng đến thông điệp của họ vì đã có người khác nói thay cho họ ở hội nghị. Và chính sự vắng mặt của họ sẽ tạo được chú ý hơn là có mặt. Chúng ta cứ hình dùng những chiếc ghế trống có treo hình của người vắng mặt. Đó sẽ không là hình ảnh tốt đẹp cho Việt Nam.

Đối với bản thân những người bị chặn lại thì họ cần làm ngay bản báo cáo gửi Liên Hiệp Quốc, chính phủ Hoa Kỳ và các chính phủ trong liên minh 36 quốc gia kể trên. Chúng tôi đã phân bổ sẵn người viết báo cáo. Khi mà nhà nước Việt Nam ngăn cản thì có nghĩa là có điều phải giấu giếm, không muốn thế giới biết. Khi làm vậy thì nhà nước Việt Nam vi phạm nguyên tắc căn bản của Liên Hiệp Quốc là không được bịt miệng nhân chứng. Trong trường hợp đó, chính Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc sẽ lên tiếng. 

VNTB : Có thể một vài người lo ngại khi đi họp về bị chính quyền làm khó, hay thậm chí bị bắt giữ. Tiến sĩ thấy sao về chuyện này ? Nếu họ bị làm khó dễ, hay bị bắt, ban tổ chức hội nghị có can thiệp hay giúp đỡ họ cách nào ?

Nguyễn Đình Thắng : Việc bắt giữ hoặc đe dọa có thể xảy ra. Chúng tôi luôn luôn căn dặn người ở trong nước muốn tham gia thì phải lường trước tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Nếu họ vẫn quyết tâm tham gia thì chúng tôi mới gửi thư mời. Thường, những người này đã từng bị tù đày, bị tra tấn nhưng họ không thối chí vì niềm tin tôn giáo vững mạnh. Càng chịu sức ép từ chính quyền, niềm tin ấy càng được tôi luyện, bản lĩnh càng rắn rỏi. 

Mặt khác, chúng tôi vẫn ở trong tư thế sẵn sàng vận động quốc tế can thiệp. Chẳng hạn, Mục sư Tin lành Tây Nguyên A Đảo, một cựu tù nhân lương tâm tôn giáo, chuẩn bị đi sớm để tham gia hội nghị nhưng không chỉ bị chặn ở phi trường mà còn bị câu lưu 2 ngày để khảo tra và sau đó bị cấm cung ở nhà, ngày nào cũng có công an đến nhà canh chừng để không liên lạc được với ai. Dù vậy, chúng tôi vẫn có đủ thông tin để báo cáo với Liên Hiệp Quốc, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, và quốc tế nói chung. 

Ban tổ chức hội nghị thượng đỉnh đã lên tiếng và Dân biểu Glenn Grothman, người đỡ đầu Mục sư A Đảo khi còn trong tù trước đây, cũng đã lên tiếng. Chúng tôi cũng đã báo động Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Nếu cuối cùng, vị mục sư này vẫn bị cấm xuất ngoại và bị quản chế tại gia thì việc này sẽ là một điểm nóng tại hội nghị thượng đỉnh. Vô hình trung, sự vắng mặt của vị mục sư này chính là lời tố cáo hùng hồn nhất về chính sách đàn áp tôn giáo của chế độ ở Việt Nam.

VNTB : Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng.

Quang Nguyên thực hiện

Nguồn : VNTB, 26/05/2022

******************

Quyền tôn giáo trong trại giam bị siết chặt từ năm 2020 !

RFA, 25/05/2022

Tù nhân lương tâm Hồ Đức Hòa, người bị kết án 13 năm tù với cáo buộc ‘Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’, đang thụ án đến năm thứ 11 thì được trả tự do và đưa đến Mỹ hôm 11/5 vừa qua, ngay trước chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính. Ông đã dành cho RFA cuộc phỏng vấn đặc biệt, để nói về thực tế khắc nghiệt trong trại giam tù chính trị ở Việt Nam.

tongiao2

Tù nhân lương tâm Hồ Đức Hòa tại Hoa Kỳ. Hình do ông Hồ Đức Hòa cung cấp

RFA : Xin chào ông, trước hết xin cám ơn ông đã dành cho RFA cuộc phỏng vấn và chúc mừng ông được trả tự do để sang đến Mỹ. Ông có thể cho biết cảm giác khi đặt chân đến Hoa Kỳ ?

Hồ Đức Hòa : Trước hết tôi xin gửi lời chào đến quý đài và quý độc giả, ngay từ khi tôi đặt chân xuống đất Mỹ tự do, điều đầu tiên là tôi nhớ đến là mẹ tôi… tôi nhớ tới bố quá cố của mình. Bố đã mất khi tôi ở trong tù… Tôi nhớ đến đứa em của mình cũng đã mất khi tôi ở trong tù… Tôi nhớ những người đã đồng hành với tôi và vận động cho tôi được trả tự do và tôi nhớ đến những tổ chức, những người đã tiếp nhận tôi sang Mỹ. Đó là Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Hoa Kỳ. Nhân đây tôi muốn gửi lời cảm ơn, tri ân cũng như cầu nguyện và chúc bình an tới những ai tôi quen biết cũng như không quen biết đã luôn đồng hành với tôi cho đến lúc tôi được trả tự do. Tôi không biết lấy gì để trả ơn, tôi chỉ nguyện xin Thiên Chúa trả ơn bội hậu và chúc bình an cho quý vị.

RFA : Dạ trở lại với thời gian bị cầm tù ở Việt Nam, bị chuyển trại giam nhiều lần thì ông thấy thực tế các trại giam đó ra sao ? Tình hình các tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm ở đó như thế nào ?

Hồ Đức Hòa : Trên thực tế, tôi đã bị chuyển đến bốn nơi giam giữ, trong đó có ba nơi là tạm giam, một nơi là trại giam. Nơi đầu tiên mà tôi tới đó là trại tạm giam B34 ở Sài Gòn, thứ hai là trại 34 ở Hà Nội và thứ ba là trại tạm giam tại tỉnh Nghệ An có tên là trại tạm giam Nghi Kim. Nơi thứ tư là nơi tôi ở cuối cùng và ở lâu nhất là trại giam Nam Hà ở tỉnh Hà Nam. Theo tôi thấy và chứng kiến được trong bốn nơi đó thì trại tạm giam Nghệ An là nơi tồi tệ nhất trong bốn nơi tôi bị giam giữ, ở đó họ đối xử với tù nhân rất tệ về nước uống và chế độ cũng vậy. Nơi tôi ở là khu tù chính trị, tức là nơi dành riêng đặc biệt với những khu khác. Ngay từ khi tôi đến thì khu này đã bị phân biệt đối xử, chúng tôi phải ở buồng nhỏ chật hẹp, nóng, toilet không khép kín… có nghĩa là toilet nằm sát cạnh chỗ nằm của chúng tôi. Nước tắm thì rất là bẩn, mỗi lần tắm là bị ngứa và đau mắt, chúng tôi đã đề nghị rất nhiều, có việc đề nghị được đáp ứng, nhưng có nhiều vấn đề cho đến bây giờ chúng tôi cũng không được đáp lại sự cải thiện nào.

RFA : Ông có thể cho biết các trại giam đối xử với tù nhân có tôn giáo như ông chẳng hạn ra sao ? Ví dụ như có được nhận Kinh sách ? Yêu cầu được thực hành tín ngưỡng có được đáp ứng ?

Hồ Đức Hòa : Trên thực tế, ngay từ khi tôi vào các trại tạm giam thì họ đều cho nhận sách Kinh thánh và cho đọc hằng ngày cho đến khi vào trại tạm giam Nam Hà thì đến năm 2020 họ bắt đầu siết chặt lại. Tôi kết luận rằng vấn đề tôn giáo, quyền tôn giáo ở trại giam Nam Hà ngày càng bị siết chặt, chỉ được đọc một ngày một tuần vào chủ nhật. Chỉ vì tôi đòi hỏi được đọc Kinh thánh hàng ngày mà tôi bị lập biên bản vi phạm nội qui của trại giam. Sau đó tôi đã tuyệt thực 10 ngày đã đòi hỏi việc đọc Kinh thánh hàng ngày. Bởi vì theo tôi, vấn đề tôn giáo hoặc đọc Kinh thánh chính là quyền, chứ không phải là ân huệ xin cho. Nhưng cuối cùng họ cũng không thay đổi việc siết chặt đối với người có tôn giáo. Trong thời gian tôi tuyệt thực phản đối, sức khỏe tôi rất là yếu và từ đó sức khỏe của tôi xuống cấp trầm trọng hơn.

tongiao3

Tù nhân lương tâm Hồ Đức Hòa (giữa) kh vừa đến Hoa Kỳ. Hình do ông Hồ Đức Hòa cung cấp.

RFA : Ông có thể chia sẻ thêm về việc đấu tranh đòi hỏi quyền lợi trong trại giam của các tù nhân khác, cho đến nay có đạt thêm kết quả gì không ạ ?

Hồ Đức Hòa : Ngay từ khi bước chân vào các trại giam thì chúng tôi luôn luôn đòi hỏi các vấn đề mà nó phi lý hoặc không đúng với quy định của trại giam. Có vấn đề họ đáp ứng được, nhưng có nhiều vấn đề đến bây giờ vẫn chưa đáp ứng được đó là quyền đọc Kinh thánh của tù nhân trong trại giam trong bảy ngày. Vấn đề thứ hai là nước bẩn khi tắm làm ngứa và đau mắt anh em nào cũng thế. Vấn đề thứ ba là toillet nằm trong khu giam, khi có người dùng thì những người còn lại trong buồn đều phải hưởng cái khí không dễ chịu gì. Thứ tư là chúng tôi đề nghị được chuyển sang một cái buồng lớn hơn, thoáng hơn để chúng tôi có điều kiện không khí và ánh sáng thì những vấn đề tôi nêu đó vẫn chưa có gì thay đổi cho đến lúc tôi được thả tự do. Trong đó tôi thấy quan trọng nhất là vấn đề Kinh thánh là rất cần nhưng mà vẫn không được.

RFA : Ngoài ra, những tù nhân được gọi là ‘mồ côi’, tức người thiểu số hay người không được thăm nuôi thì như thế nào ạ ?

Hồ Đức Hòa : Đúng rồi, người ‘mồ côi’ là người không có thân nhân thăm nuôi, không có ai quan tâm chăm sóc hay rất ít. Những người đó chỉ dựa vào khẩu phần ăn của trại phát hoặc các chế độ của trại phát cho mình mà thôi, không dựa vào vào đâu được. Mà anh biết đấy, dinh dưỡng mà trại phát cho tù nhân thì chắc chắn là không đủ dinh dưỡng, trong khi đó tù nhân phải làm việc hàng ngày. Thức ăn hàng ngày thì có ngày tạm được, có ngày không có hay có rất ít, không đủ dinh dưỡng. Bởi thế những người đó sức khỏe càng ngày càng yếu đi. Những người không có người thăm nuôi cũng có người kinh và đa số là anh em dân tộc thiểu số… họ cũng bị kết án về chính trị. May thay, ở trong đấy có một số người có lòng, họ có chia sẻ phần ăn của mình cho cho những người mà không có người thăm nuôi, nhưng chỉ mang tính động viên chứ không đủ… Đó là vấn đề các tù nhân ‘mồ côi’ phải chịu đựng cho đến lúc này.

RFA : Nếu có một lời nhắn nhủ cho những người còn ở lại Việt Nam, những người tranh đấu cho dân chủ tại Việt Nam, thì ông muốn nhắn gửi gì ạ ?

Hồ Đức Hòa : Ngay khi được tự do, trong đầu tôi luôn hiện lên hình ảnh những người tù mà tôi biết hay không biết đang bị giam cầm ở nhà tù Việt Nam. Người tôi có thể liệt kê đầu tiên đó là anh Lê Đình Lượng, anh Nguyễn Năng Tĩnh, anh Phạm Văn Trội đang ở cùng tôi, anh Nguyễn Văn Nghiêm đang ở với tôi, anh Nguyễn Viết Dũng cũng đang ở với tôi, anh Võ Quang Thuận cũng đang ở với tôi… Trước khi tôi bước chân sang Mỹ, đây là những người mà tôi biết, ngoài ra còn nhiều người mà tôi không biết… Tôi muốn nhắn nhủ tới các anh rằng các anh cứ yên tâm giữ gìn tinh thần và sức khỏe, chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục đồng hành kêu gọi và cầu nguyện cho các anh. Đặc biệt là vận động cho các anh được tự do, nhất là những người đang bị bệnh nặng hoặc bị một tình trạng nguy hiểm nào đó, để các anh được quan tâm hơn, sớm tự do về chữa bệnh. Tôi sẽ cầu nguyện cho các anh và chúc các anh luôn giữ gìn được tinh thần và sức khỏe trong môi trường khắc nghiệt đấy.

RFA : Bây giờ sang Mỹ, trước mắt ông có kế hoạch sẽ làm gì không ạ ?

Hồ Đức Hòa : Như mọi người biết, lần này tôi sang Mỹ vấn đề chính là vì sức khỏe. Sức khỏe tôi bị suy sụp đi xuống khá trầm trọng từ năm 2017 cho đến giờ, bởi thế khi bước chân tới Mỹ tôi chưa có dịp lên sóng để mà nói lời cảm ơn đến quý khán thính giả. Hôm nay tôi cảm thấy khá hơn một chút… cho nên tôi mới mới có điều kiện để nói lời cảm ơn và chia sẻ đôi chút về nhà tù Việt Nam. Kế hoạch của tôi trước nhất và quan trọng nhất chắc chắn là về sức khỏe và tĩnh dưỡng để hồi phục lại tinh thần cũng như thể chất. Tôi cũng đã có đặt lịch để đi bệnh viện vào thứ năm tuần này để được thăm khám.

RFA : Cám ơn ông rất nhiều vì đã dành cho RFA cuộc phỏng vấn hôm nay. Mong ông luôn khoẻ mạnh và mau chóng hòa nhập cuộc sống mới.

Nguồn : RFA, 25/05/2022

**************************

Đàn áp tôn giáo ở Việt Nam trong chương trình nghị sự Thượng đỉnh Tự do tôn giáo quốc tế

RFA, 25/05/2022

Phái đoàn Việt Nam sẽ nêu thực trạng tự do tôn giáo ở Việt Nam trước cộng đồng quốc tế, đồng thời vận động cho ba tù nhân lương tâm là ông Nguyễn Bắc Truyển, Nguyễn Văn Hóa và nhà truyền đạo người Thượng Y Pum Bya, tại Hội nghị Thượng đỉnh về Tự do tôn giáo năm 2022 từ ngày 28-30/6, tại thủ đô Washington DC, Hoa Kỳ.

tongiao4

Ông Nguyễn Bắc Truyển và Nguyễn Văn Hóa - Ảnh minh họa - RFA

Đàn áp tôn giáo tràn lan ở Việt Nam

Ông Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc tổ chức BPSOS, nói như vậy với RFA và cho biết thêm rằng hội nghị về Tự do tôn giáo năm nay sẽ quy tụ khoảng 1.200 người từ các tổ chức xã hội dân sự khắp Thế giới. Ngoài ra, cũng có giới chức cao cấp như Ngoại trưởng Hoa Kỳ hoặc Thứ trưởng các quốc gia khác như Anh quốc, Pháp… cũng sẽ đến dự.

Theo ông Thắng, đại diện Việt Nam sẽ có những hoạt động chính như phát động chiến dịch toàn cầu đòi tự do cho các tù nhân lương tâm tôn giáo mà cụ thể là Nguyễn Bắc Truyển, Nguyễn Văn Hóa và Y Pum Bya ; vận động quốc tế đẩy lùi chính sách kích động hận thù và bạo lực nhắm vào các cộng đồng tôn giáo độc lập với nhà nước Việt Nam ; vận động quốc tế yểm trợ các "đại sách lược" của các tín đồ Cao Đài và các tín đồ Tin Lành Tây Nguyên :

"Lý do mà chúng tôi đưa ra chiến dịch toàn cầu cho các tù nhân lương tâm tôn giáo này là vì vấn đề đàn áp tôn giáo tràn lan trên thế giới cũng như ở Việt Nam, và quần chúng nói chung thì rất khó để có thể liên tưởng được.

Chi bằng chúng tôi chọn ra một số khuôn mặt tiêu biểu để nói lên được cái quy mô, mức độ nghiêm trọng của vấn đề đàn áp tôn giáo, và không có gì nghiêm trọng hơn là có những người bị tra tấn, tù đày, không những một lần mà còn nhiều lần, chỉ vì đứng lên đòi công lý, tranh đấu cho quyền tự do tôn giáo của chính mình hoặc là của những người đồng đạo mà phải chịu cảnh tù đày".

Cả ba người mà ông Nguyễn Đình Thắng nêu tên đều đang là tín đồ theo các tôn giáo khác nhau, và đang bị bỏ tù vì đấu tranh cho các quyền cơ bản, trong đó có quyền Tự do tôn giáo Tín ngưỡng.

Ông Nguyễn Bắc Truyển là tín đồ Phật giáo Hòa Hảo. Ông bị bắt vào năm 2017 và đang thụ án 11 năm tù giam với cáo buộc "Hoạt động nhằm lật đổ Chính quyền Nhân dân". Nguyễn Văn Hóa theo đạo Công giáo, ông bị bắt vào năm 2017, sau khi tham gia đưa tin về các sự kiện liên quan đến thảm họa Formosa xả thải gây ô nhiễm môi trường biển ở bốn tỉnh miền Trung Việt Nam hồi năm 2016. Ông hiện đang chịu án bảy năm tù giam.

Đe dọa, sách nhiễu thân nhân của tù nhân tôn giáo

Ông Y Pum Bya, một nhà truyền đạo Tin Lành người Thượng tại Đắk Lắk, đã bị tuyên án 14 năm tù giam và năm năm quản chế vào năm 2018. Đây là lần thứ ba ông Y Pum Bya bị bắt giam vì những nỗ lực thực hành nghi thức và niềm tin tôn giáo của mình.

Sau khi ông Y Pum Bya bị bắt, vợ và các con của ông liên tục bị sách nhiễu, triệu tập lên làm việc và đe dọa sẽ bắt bỏ tù các thành viên khác trong gia đình. Quá hoảng sợ, vợ của ông là bà Nie phải bỏ lại nhà cửa, trốn sang Thái Lan vào tháng 10/2020, theo lời chỉ dẫn của một người quen :

"Công an Việt Nam căng thẳng lắm. Nó đàn áp tôn giáo của mình, không cho mình sinh hoạt. Mình không chịu đựng được nữa, sợ bị bắt như chồng, chị sợ lắm !" - bà Nie nói với phóng viên RFA

Vừa đặt chân đến đất Thái, bà Nie bị bắt giữ vì không có giấy tờ hợp pháp. Cảnh sát Thái có gợi ý trả hai mẹ con về lại Việt Nam nhưng bà không đồng ý. Sau đó, bà bị chuyển qua Trung tâm Giam giữ người nhập cư trái phép (IDC) ở Thái Lan, rồi được hướng dẫn làm hồ sơ xin tị nạn gởi Liên Hiệp Quốc (UN) ở Bangkok :

"Công an (cảnh sát - pv) Thái Lan hỏi là có muốn về Việt Nam không. Chị bảo là không muốn về, chị sợ lắm ! Chị nói là do chính quyền Việt Nam đàn áp tôn giáo, không cho phép sinh hoạt, cho nên chị chạy sang Thái Lan. Cả hai mẹ con không muốn về. Họ nói muốn gặp UN thì phải lên ở IDC".

Hiện nay, hai mẹ con bà Nie đã có được quy chế tị nạn. Bà nói ở Thái không được đi làm kiếm tiền hợp pháp, nhưng ít ra cũng không canh cánh nỗi sợ bị bỏ tù như lúc ở quê nhà :

"Qua bên Thái Lan này đi đâu cũng sợ lắm, sợ công an (cảnh sát - PV) Thái Lan bắt lại, con trai không dám đi làm, chỉ đi làm đủ ăn thôi.

Nhưng ở bên này vẫn được hơn, ở bên Việt Nam công an bắt bỏ tù, nhưng bên này thì có UN bảo lãnh ra được".

tongiao5

Ảnh minh họa : một người Thượng ở Tây Nguyên chắp tay khấn sau khi đi ra khỏi rừng ở tỉnh Ratanakiri, Campuchia, nơi những người Thượng chạy lánh nạn từ Việt Nam sang hôm 22/7/2004. Reuters

Bà Huệ, chị của Nguyễn Văn Hóa nói với RFA rằng ở trong tù, để có được Kinh thánh, thánh giá và tràng hạt là cả một quá trình đấu tranh suốt gần hai năm, trong thời gian đó, Hóa đã nhiều lần bị đánh đập, cùm chân hay biệt giam trong thời gian dài :

"Hóa có yêu cầu gửi tràng hạt hoặc kinh thánh. Trước đây họ (cán bộ trại giam - PV) gây khó khăn rất nhiều, người nhà gửi vào đều bị trả lại. Đến thời điểm này thì Hóa đã được nhận rồi.

Khoảng năm 2019 thì Hóa xảy ra rất nhiều vấn đề, như là tuyệt thực, bị đánh đập rồi bị biệt giam, bị cùm chân… Đến thời điểm này cũng đã hơn hai năm rồi".

Cập nhật tình hình của em trai mình với RFA, bà Huệ nói hiện Hóa đang bị nóng gan, viêm gan, có làm đơn yêu cầu được chữa trị nhưng chưa được giải quyết :

"Lần gặp mới nhất là vào ngày 12/4, hiện tại đang bị tình trạng nóng gan, viêm gan cho nên bị nổi mụn. Hóa cũng làm đơn yêu cầu cho Hóa đi khám ở bệnh viện nhưng cho đến nay trại vẫn chưa giải quyết.

Những lá thư, lá đơn mà em viết về cho gia đình, khoảng trên 20 lá thư thì hiện tại là trại giam vẫn đang giữ, không gửi cho gia đình, cũng như không gửi lại cho Hóa".

Trong thời gian tới, tổ chức chuyên hoạt động về quyền Tự do Tôn giáo BPSOS sẽ thực hiện một số chiến dịch, như viết thư cho Chủ tịch nước, Thủ tướng Việt Nam… yêu cầu trả tự do cho tất cả các tù nhân tôn giáo. Ông Thắng nói :

"Chúng tôi sẽ viết những bưu thiếp gửi vào tận nhà tù cho Nguyễn Bắc Truyển, Nguyễn Văn Hóa và ông Y Pum Bya. Chúng tôi sẽ có những cuộc họp báo và vận động những những nhân sỹ nổi tiếng quốc tế lên tiếng cho từng cá nhân một và cứ như vậy tiếp tục…".

Nguồn : RFA, 25/05/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Đình Thắng, Quang Nguyên, Hồ Đức Hòa, RFA tiếng Việt
Read 551 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)