Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

02/06/2022

Công tác từ thiện giả và thật

Trần Quốc Việt, Konrad Bercovici

Nghĩ về từ thiện

Trần Quốc Việt, 02/06/2022

Từ thiện dưới chế độ cộng sản, xét cho cùng, tốt nhất là chỉ mang tính chắp vá, còn tệ nhất là kéo dài bất tận thực trạng mà càng ngày chỉ càng gây đau khổ thêm. Vì lẽ đó người làm từ thiện cao cả nhất chính là người góp phần đấu tranh để tiêu diệt cội nguồn chung của mọi tội ác và đau khổ ấy. Cội nguồn ấy không gì khác hơn là chế độ cộng sản toàn trị.

nguctu1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà người dân vùng lũ lụt Quảng Bình nhân danh chính phủ nhưng với tên của mình. (Ảnh : Dân trí)

Cộng sản là con buôn. Ngày xưa họ đem xương máu và lòng yêu nước của dân chúng để đánh đổi lấy cái gọi là "độc lập". Theo cách buôn như vậy, họ xâm chiếm miền Nam với bao núi xương sông máu. Rồi hòa bình họ buôn người qua thảm cảnh thuyền nhân chấn động lương tâm thế giới. Hôm nay họ buôn người qua cái gọi là "xuất khẩu lao động" và buôn sinh mạng của dân chúng qua việc phá rừng, phá núi, hút cát, tàn phá môi trường. Lũ lụt hôm nay chỉ là điểm đến tất yếu của quá trình buôn bán không ngừng ấy. Họ giống như tên cướp "cứu vớt" thiếu nữ bị tên cướp khác cưỡng hiếp, rồi sau đấy được quyền hãm hiếp thiếu nữ ấy mỗi ngày.

Thiếu nữ ấy chính là nước Việt chúng ta. Còn tên cướp "cứu người" chính là Đảng cộng sản Việt Nam.

Ta nên cứu trợ những nạn nhân bão lụt hiện nay hay giúp đỡ những cảnh đời khốn khó. Nhưng ta nên thấu hiểu cội nguồn của bao đau khổ chung chính là chế độ cộng sản mà mỗi ngày tồn tại của họ là mỗi ngày họ gieo mầm vô vàn hạt giống đau khổ trong xã hội hiện nay và tương lai.

Người mà chúng ta nên tưởng đến và giúp đỡ nhiều nhất về tinh thần lẫn vật chất chính là những người bất đồng chính kiến, những người đấu tranh cùng gia đình họ. Họ là những anh hùng của lương tâm. Họ là những người làm từ thiện chính trị cao cả nhất với cái giá phải trả là sinh mạng, tù đầy, gia đình khốn khổ, và tương lai bấp bênh cho con cái.

Tổ quốc của con buôn là nơi cho họ cơ hội kiếm tiền bất chấp tất cả. Và khi đất ấy không còn màu mỡ và bị ô nhiễm nặng nề, họ bỏ đi đến phương trời khác để thụ hưởng của cải phi nghĩa. Cho nên ta phải giành lại tổ quốc càng sớm càng tốt từ tay cộng sản trước khi quá muộn.

Tình cảnh lũ lụt hiện nay là lời nhắn gởi đến không chỉ con tim mà còn là trí óc của mọi người Việt Nam. Hãy giúp đỡ những nạn nhân bão lụt nhưng không quên tình cảnh của gia đình của những người tù lương tâm trong tù-những người đang chặn đứng cơn lũ đỏ đang nhấn chìm Việt Nam trong biển cả khổ đau và nô lệ.

Trần Quốc Việt

(02/06/2022)

*********************

Đóng góp vì một xã hội nhân đạo

The Christian Science Monitor, Trần Quốc Việt dịch 

Lời người dịch : Vào tháng Tư 1974 nhà văn Nga lưu vong Alexander Solzhenitsyn lập ra "Quỹ xã hội Nga" nhằm giúp đỡ những tù nhân chính trị và gia đình của họ. Suốt trong thời gian tồn tại từ 1974 đến 1979 quỹ này đã luôn luôn giúp đỡ và khích lệ rất nhiều cho phong trào dân chủ trong nước. Nhà văn Solzhenitsyn nhất quyết đóng góp tất cả toàn bộ số tiền nhuận bút của tác phẩm Quần Đảo Ngục Tù của ông cho quỹ và giao cho người bạn thân và cũng là nhà bất đồng chính kiến rất nổi tiếng ở trong nước, Alexander Ginzburg, trông coi. 

Trung bình mỗi năm quỹ tương trợ tù nhân chính trị này giúp đỡ gần 1.000 gia đình với một số tiền bằng "mức lương trung bình hàng năm". KGB bắt Alexander Ginzburg bốn lần và cuối cùng kết án ông 8 năm tù vào năm 1977 và đày ông đến những trại tù hà khắc nhất ở Liên Xô. Tuy nhiên tiếp bước chân ông những người khác đã can đảm đứng ra gánh vác trách nhiệm quản lý quỹ. Lần lượt tất cả họ đều bị bắt và bị đày đọa trong tù. 

Sự tồn tại không gián đoạn trong thời gian dài của quỹ tương trợ tù nhân chính trị này là một minh chứng cho "sức mạnh đạo đức vẫn luôn luôn tồn tại trong lòng nhân dân Nga" để từ đấy khích lệ sự lớn mạnh không ngừng của phong trào nhân quyền và góp phần làm sụp đổ chế độ cộng sản toàn trị ở Liên Xô. (TQV)

nguctu2

Nhà bất đồng chính kiến Alexander Ginzburg

Nói chung người dân Xô Viết không ủng hộ các nhà bất đồng chính kiến ở trong nước. Họ coi những nhà bất đồng chính kiến là những kẻ gây rối. Cho nên tin tức tiết lộ rằng hàng trăm tù nhân chính trị Xô Viết và gia đình của họ đã nhận được sự giúp đỡ tài chính đáng kể từ những người ủng hộ bên trong Liên Xô khiến mọi người kinh ngạc. Điều này chứng tỏ ít nhiều có sự đoàn kết chính trị và sự thương cảm dành cho những con người can đảm đấu tranh cho nhân quyền. 

Nhà văn lưu vong Alexander Solzhenitsyn lập ra quỹ tương trợ này dành cho các nhà bất đồng chính kiến. Alexander Ginzburg, một nhà bất đồng chính kiến ở Liên Xô và cũng là bạn của nhà văn, quản lý quỹ nhưng mới đây ông đã bị KGB bắt và hiện đang ở tù. Gần 270.000 rúp (độ 360.000 đô la) đã được phân phát cho những nạn nhân của chế độ, khoảng một phần tư số tiền này đã được quyên góp bí mật ngay bên trong Liên Xô. Năm ngoái gần 630 gia đình đã được giúp đỡ, ít hơn so với năm 1975 vì KGB theo dõi gắt gao. 

Không khó hiểu tại sao nhà cầm quyền Kremlin đã đả kích công khai hoạt động tương trợ này. Họ không thể nào mà không khó chịu khi các công dân Xô Viết, đặc biệt giới trí thức, đang âm thầm chấp nhận bao rủi ro để giúp đỡ các tù nhân chính trị và gia đình của họ mặc dù chính những công dân này là những người chưa từng bao giờ lên tiếng phản kháng. 

nguctu3

Rõ ràng, cho dù nhà cầm quyền Kremlin trấn áp tàn bạo phong trào bất đồng chính kiến nhỏ bé này như thế nào đi nữa, cho dù họ bắt giam bao nhiêu nhà hoạt động nhân quyền đi nữa, cho dù họ trục xuất bao nhiêu nhà báo Tây phương đi nữa, họ cũng không thể nào bóp nghẹt những tiếng nói phản kháng ngày càng dâng cao- hay bóp chết niềm khao khát của càng ngày càng nhiều người về một xã hội nhân đạo. 

The Christian Science Monitor

Nguyên tác : "Russian help their dissidents", The Christian Science Monitor, 07/02/1977. Tựa đề của người dịch.

Trần Quốc Việt dịch

******************

Cái lò 

Konrad Bercovici - Trần Quốc Việt dịch 

Ngày trước có một người rất giàu và lại có lòng thương người. Khi ông mất, ông để lại nhiều vàng cho người em để người em tùy ý xử dụng, và ủy thác cho người em thêm một số vàng nữa để giúp đỡ người nghèo khó.

nguctu4

Ông dặn dò trong di chúc :

"Em hãy xây một ngôi nhà lớn và đặt một cái lò lớn trong nhà và nhớ thường xuyên đốt lò. Ngoài cửa em treo một tấm bảng viết bằng sơn đỏ những lời sau : ‘Những ai nghèo khó, xin hãy bước vào đây để sưởi ấm ; những ai đói, xin hãy bước vào đây để dùng bát rượu ấm và bánh mỳ.’ Đây sẽ là tượng đài của anh. Anh không muốn em dựng bia trên mộ anh. Cát bụi trở về cát bụi, nhưng linh hồn anh sẽ sống mãi trong lòng tri ân của người nghèo".

Ông thanh thản qua đời. Họ chôn cất ông dưới một gốc cây tại một nơi vắng vẻ.

Rồi người em thuê thợ nề và thợ mộc xây một cái nhà lớn bằng đá, như lời anh dặn trong di chúc. Khi ngôi nhà làm xong người em gọi một người thợ sơn đến sơn những chữ thật lớn màu đỏ để từ rất xa người ta cũng nhìn thấy lời của người anh viết : "Những ai nghèo khó, xin hãy bước vào đây để sưởi ấm ; những ai đói, xin hãy bước vào đây để dùng bát rượu ấm và bánh mỳ".

Mọi người ai ai cũng đều khâm phục nghĩa cử này và nhiều người giàu khác lập sẵn di chúc để giúp đỡ người nghèo, để họ sống mãi trong lòng tri ân của người nghèo.

Ngày hôm sau, khi cái lò lớn được đặt trong nhà, người em của người quá cố mở toang cửa nhà mới để mời những người giàu vào dự tiệc. Tất cả mọi người trong bữa tiệc đều ca tụng người quá cố đã có lòng hảo tâm đối với người nghèo.

Vào ngày thứ ba, họ mở cửa nhà ra để đón người nghèo vào. Năm ấy ngẫu nhiên xảy ra nạn dịch châu chấu ăn sạch lúa trên đồng, đến nỗi có rất nhiều người lâm vào cảnh đói kém phải tha phương cầu thực. Họ đi ngang qua tấm bảng màu đỏ liền ghé vào để sưởi ấm và ăn uống, và dù lúc ấy bao đau khổ chất chứa trong lòng, họ vẫn bày tỏ lòng biết ơn đối với người quá cố.

Nhiều bát rượu và nhiều ổ bánh mỳ đã được mang ra cho người nghèo dùng. Nhưng người em tham lam chỉ muốn giữ lại mọi thứ cho riêng mình, cho nên ngày đêm thường nghĩ cách làm sao mà vẫn làm đúng theo di chúc của anh và theo tấm bảng ngoài cửa nhưng không phải cho người nghèo bánh mỳ và rượu nữa. Người em đọc lại di chúc và ma quỷ xui khiến ông cứ nghĩ về cái từ "lò", và con quỷ trong lòng ông nói : "Lò -lò-lò sẽ cứu ông".

Lòng tham càng khiến cho người em thêm sáng suốt cho nên sáng hôm sau ông dậy sớm và đốt lò rực cháy rồi đóng hết tất cả cửa và cửa sổ lại. Khi người nghèo vào sưởi ấm họ lại phải chạy ra khỏi nhà ngay vì quá nóng, cho nên thay vì biết ơn họ lại nguyền rủa người quá cố đã xảo quyệt dụ họ vào nhà, chỉ để tra tấn họ bằng sức nóng trong phòng. Họ vẫn chưa nếm rượu và chưa chạm vào bánh mỳ.

Người nghèo nói với nhau :

"Chẳng lẽ chúng ta bị trừng phạt chỉ vì châu chấu ăn hết lúa của chúng ta hay sao ?"

Từ đấy người ta gọi ngôi nhà ấy là "Nhà của Quỷ". Người lang thang thà chịu lạnh cóng ở ngoài đồng tuyết phủ, người nghèo thà chết đói trong túp lều của mình, chứ họ không lấy bánh mỳ. Một ngày nọ, một đứa bé kêu lên : "Hãy nhìn kìa ! Hãy nhìn tấm bảng đi ! Những chữ đỏ được viết bằng máu đấy".

Từ đấy người đời lãng quên nấm mồ hiu quạnh của một con người giàu lòng thương người.

Trên một con đường vắng vẻ có một ngôi nhà, nơi người nghèo không dám bước vào, và có quỷ đứng trên cái lò lớn trong nhà cứ cười vang mãi. Và mỗi khi người ta hỏi tại sao nó cười, quỷ liền nhe răng đáp : "Đây là cái nhà tốt nhất mà con người đã từng xây cho ta ở".

Konrad Bercovici

Nguyên tác : "Crimes of Charity", nhà xuất bản Alfred A. Knoff, năm 1917, trang 3-5

Trần Quốc Việt dịch

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trần Quốc Việt, The Christian Monitor, Konrad Bercovici
Read 816 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)