Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

03/06/2022

Luật pháp Đức không quên vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh

Hiếu Bá Linh - Trọng Thành - RFA - VOA - BBC

Đức mới bắt giam một nghi can người Việt trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh

Hiếu Bá Linh, VNTB, 03/06/2022

Sau gần 5 năm vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh xảy ra, một nghi can thứ hai đã bị bắt giữ với cáo buộc hoạt động gián điệp, cũng như hỗ trợ và tiếp tay cho vụ bắt cóc.

Nghi can Lê Tú Anh được cho là người lái chiếc xe bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. 

txt1

Ảnh ghép Trịnh Xuân Thanh và Trung tướng Đường Minh Hưng (phải)

Công dân Việt Nam Lê Tú Anh bị bắt tại thủ đô Praha của Cộng hòa Czech vào ngày 15/04/2022 theo lệnh truy nã châu Âu ra ngày 11/06/2019 cũng như lệnh truy nã của Cộng hòa Liên bang Đức ra ngày 02/11/2017 và hiện đã bị dẫn độ sang Đức hôm qua thứ Tư ngày 01/06/2022.

Lê Tú Anh bị cáo buộc hoạt động gián điệp, theo dõi và được sử dụng làm tài xế cho các hoạt động bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Đây là các hoạt động ở cấp thấp trong hệ thống mật vụ Việt Nam.

Sau 11 tháng đến Đức xin tỵ nạn, Trịnh Xuân Thanh đã bị bắt cóc tại Berlin ngày 23/07/2017 cùng với người tình Đỗ Thị Minh Phương đến từ Việt Nam.

Việc tổ chức vụ bắt cóc được cho là nằm trong tay của Phó Cục trưởng Cục Tình báo Việt Nam Đường Minh Hưng, người đã từ Việt Nam đến Berlin vào thời điểm đó, và cánh tay phải của ông là các sĩ quan tình báo của Đại sứ quán Việt Nam tại Đức.

Lê Tú Anh sinh sống tại Cộng hòa Czech và bị lệnh bắt giam từ đầu tháng 11 năm 2017, nhưng đã kịp thời trốn về Việt Nam giống như Đào Quốc Oai. Khi đó, đồng bọn là Nguyễn Hải Long ở lại, sau đó bị bắt và bị Tòa thượng thẩm Berlin kết án 3 năm 10 tháng tù hồi năm 2018.

Gần 5 năm sau khi gây án, Lê Tú Anh, người hiện đã bị bắt, có lẽ cảm thấy tình hình đã an toàn nên anh ta đã tự ý quay trở lại Praha, nơi sinh sống trước khi gây án.

Lê Tú Anh là nghi can lái chiếc xe bắt cóc Trịnh Xuân Thanh

Ngày 18/07/2017 Nguyễn Hải Long đi thuê một chiếc xe BMW X5 tại Thủ đô Praha của Cộng hòa Czech và giao xe này cho Lê Tú Anh lái sang Berlin cùng với Đào Quốc Oai (cũng là người sinh sống tại Cộng hòa Czech). Sau khi đến Berlin, cả hai đã chạy đến khách sạn "Berlin Berlin" để gặp Trung tướng Đường Minh Hưng và hai trợ lý của ông đang ở khách sạn này từ ngày 16/07/2017. 

Khách sạn "Berlin Berlin" thuận lợi cho việc giám sát theo dõi vì nằm rất gần khách sạn Sheraton, nơi Đỗ Thị Minh Phương và Trịnh Xuân Thanh hẹn hò gặp nhau từ ngày 19/07/2017.

Ngày 19/07/2017 Lê Tú Anh đã lái xe BMW X5 chở Trung tướng Đường Minh Hưng và những người kể trên đến sân bay Tegel của Berlin để chờ máy bay của Đỗ Thị Minh Phương đáp. Sau khi nhìn thấy Đỗ Thị Minh Phương rời phi trường và dùng Taxi đi về khách sạn Sheraton, thì Lê Tú Anh lái xe BMW X5 bám sát phía sau, nhóm bắt cóc đã theo dõi cặp tình nhân Trịnh Xuân Thanh – Đỗ Thị Minh Phương trong mọi chuyển động của hai người này suốt ngày đêm.

txt2

Ngày 20/07/2017 Nguyễn Hải Long đi thuê chiếc xe thứ hai hiệu Volkswagen Multivan T5 và lái sang Berlin. Sau khi đến Berlin, Nguyễn Hải Long đi đến khách sạn "Berlin Berlin" và đã có cuộc gặp ngắn giữa Nguyễn Hải Long, Trung tướng Đường Minh Hưng, Lê Anh Tú và Đào Quốc Oai.

Ngày 21/07/2017 Đại tá tình báo của Đại sứ quán Việt Nam tại Đức Nguyễn Đức Thoa đã đến khách sạn Syller Hof để hỏi đặt 2 phòng. Sau khi đặt phòng, tướng Đường Minh Hưng dọn vào khách sạn này và chỉ thị cho Nguyễn Hải Long và Đào Quốc Oai lái chiếc xe BMW X5 trở lại Praha và ngày hôm sau Long mang xe này trả lại chỗ thuê xe.

Ngày 23/07/2017 tướng Đường Minh Hưng đã rời khách sạn Syller Hof từ sáng sớm. Cuộc bắt cóc đã diễn ra vào lúc 10 giờ 47 phút khi cặp tình nhân đang đi dạo trong công viên Tiergarten giữa trung tâm Berlin. Nhóm bắt cóc đã dùng bạo lực bắt giữ và khiêng Trịnh Xuân Thanh, Đỗ Thị Minh Phương vào trong xe Volkswagen Multivan T5 và chạy vào trong Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin. Và nghi can Lê Tú Anh được cho là người lái chiếc Volkswagen này mang bản số xe của Cộng hòa Czech.

txt3

Theo bộ luật hình sự Đức StGB, với tội trạng hoạt động gián điệp và tiếp tay cưỡng đoạt tự do, nghi can Lê Tú Anh có thể bị kết án lên đến mức 10 năm tù.

Hiếu Bá Linh

Nguồn : VNTB, 03/06/2022

Tham khảo :

https://www.presseportal.de/blaulicht/pm/14981/5238335

https://taz.de/Verschleppung-von-Trinh-Xuan-Thanh/!5858850/

https://www.spiegel.de/politik/deutschland/entfuehrungsfall-in-berlin-vietnamese-nach-deutschland-ausgeliefert-a-f0e6ebf4-dc65-4694-9693-7f9b0124d366

********************

'Bắt cóc Trịnh Xuân Thanh' : Đức bắt thêm nghi phạm người Việt

BBC, 03/06/2022

Năm năm sau cáo buộc Việt Nam "bắt cóc" Trịnh Xuân Thanh ngay ở Berlin, chính phủ Đức vẫn đang điều tra và truy nã những nghi phạm liên quan.

txt1

Trịnh Xuân Thanh - Ảnh minh họa

Văn phòng công tố liên bang Đức hôm 2/6 tuyên bố một người đàn ông Việt Nam đã bị Cộng hòa Czech cho dẫn độ sang Đức để Đức điều tra cáo buộc tham gia vụ "bắt cóc" Trịnh Xuân Thanh.

Chính phủ Đức khẳng định, sau 11 tháng đến Đức xin tỵ nạn, Trịnh Xuân Thanh đã bị bắt cóc tại Berlin ngày 23/7/2017 để đưa về Việt Nam.

Việt Nam cũng luôn khẳng định Trịnh Xuân Thanh đã "đầu thú" để về quy án tại Việt Nam.

Sau khi bị đưa về Việt Nam, ông Trịnh Xuân Thanh đã nhiều lần phải ra tòa, nhận hai án chung thân.

Nghi phạm bị bắt mới nhất

Hôm 2/6, công tố viên tại Đức tiết lộ một người đàn ông Việt Nam, mà Đức chỉ nêu tên là Anh TL, đã được đưa đến Đức từ Cộng hòa Czech sau khi ông ta bị giam giữ ở Prague vào tháng Tư, theo lệnh bắt giữ của Đức và Châu Âu.

Cộng hòa Czech giao người này cho Đức vào ngày 1/6.

Nghi can Anh TL phải đối mặt với những cáo buộc gồm hoạt động gián điệp, giúp đỡ và hỗ trợ việc tước đoạt tự do của người khác.

"Vụ bắt cóc được thực hiện bởi các thành viên của cơ quan mật vụ Việt Nam và các nhân viên của đại sứ quán Việt Nam tại Berlin cũng như một số công dân Việt Nam sống ở Châu Âu, trong số đó có Anh TL," thông cáo từ phía công tố viên Đức cho báo chí biết ngày 2/6.

txt2

Ông Trịnh Xuân Thanh đã 'ra đầu thú' và có đơn 'tự thú' trước chính quyền Việt Nam, theo truyền thông nhà nước.

Nghi can Anh TL "đã tham gia vào việc thực hiện các hoạt động, theo dõi nạn nhân và điều khiển các phương tiện được sử dụng trong điệp vụ", công tố viên cho biết.

Nhắc lại, một năm sau vụ "bắt cóc" Trịnh Xuân Thanh, công dân Việt Nam có tên Long N.H. bị tòa Berlin kết án ba năm 10 tháng tù tội danh hoạt động gián điệp và hỗ trợ công an Việt Nam đột nhập lãnh thổ Đức để bắt cóc người.

txt3

Thông cáo của văn phòng công tố Đức ngày 2/6

Trịnh Xuân Thanh từng nói 'ra đầu thú'

Tối ngày 3/8/2017, trên chương trình thời sự 19h của VTV1, ông Trịnh Xuân Thanh xuất hiện.

Trên VTV1 tối đó, ông Thanh nói : "Tôi thấy lo sợ trước kết luận về vi phạm của tôi và phải chịu trách nhiệm là người đứng đầu trong thua lỗ của PVC. Do lo sợ, suy nghĩ không hết, tôi đã quyết định trốn tại Đức".

"Trong thời gian này cuộc sống trốn tránh, bấp bênh luôn lo sợ. Được sự động viên của gia đình, bạn bè, tôi đã về Việt Nam và ra đầu thú tại cơ quan an ninh điều tra để được hưởng sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước và pháp luật".

"Tôi thấy cần phải về đối diện với sự thật. Thứ hai là cần về gặp lại mọi người đặc biệt là những lãnh đạo để báo cáo nhận khuyết điểm, xin lỗi", ông Trịnh Xuân Thanh nói.

Trước đó, ngày 15/9/2016 Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an Việt Nam ra quyết định khởi tố vụ án hình sự : Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại điều 165 Bộ luật Hình sự đồng thời ra lệnh bắt tạm giam và lệnh khám xét đối với Trịnh Xuân Thanh.

Tuy nhiên ông Trịnh Xuân Thanh đã bỏ trốn.

Ông Trịnh Xuân Thanh có trình độ Đại học kiến trúc, Kỹ sư Quy hoạch đô thị, ngoại ngữ tiếng Nga.

Sinh năm 1966 ở Hà Nội, ông Thanh nguyên là Chủ tịch hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (Tổng công ty PVC).

Đầu tháng 6/2016, ông Trịnh Xuân Thanh, khi đó đang là Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang, được dư luận quan tâm khi báo chí thông tin về việc ông được đưa đón bằng xe tư nhân Lexus LX570 giá 5 tỷ đồng, nhưng gắn biển xanh. Báo chí khi đó cũng nhắc lại tình trạng thua lỗ nặng ở Tổng công ty PVC.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi đó giao 9 cơ quan kiểm tra, kết luận những nội dung mà báo chí nói về ông Thanh.

Trước khi bỏ trốn, ông Thanh sống tại khu đô thị Nam Thăng Long (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ).

Theo cáo buộc của Việt Nam, giai đoạn 2011-2013, ông Thanh cùng lãnh đạo PVC gây thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng.

Hãng tin Đức DW ngày 2/6 cho biết : "Chính phủ Đức coi vụ bắt cóc là xâm phạm chủ quyền quốc gia. Đức cũng từng trục xuất hai nhà ngoại giao Việt Nam vì vụ bắt cóc và bày tỏ phản đối với đại sứ Việt Nam".

Thông cáo của văn phòng công tố liên bang Đức ngày 2/6 nói : "Vào ngày 23 tháng 7 năm 2017, Trịnh Xuân Thanh quốc tịch Việt Nam và người bạn của ông ta đã bị cưỡng bức kéo vào một chiếc xe tải trên đường phố ở Berlin như một phần của chiến dịch của cơ quan mật vụ Việt Nam và sau đó đưa về Việt Nam trái với ý muốn của ông ta".

"Vụ bắt cóc được thực hiện bởi các nhân viên của cơ quan mật vụ Việt Nam và các viên chức của đại sứ quán Việt Nam tại Berlin, cũng như một số công dân Việt Nam sống ở Châu Âu, bao gồm cả các chiếc xe mà Anh TL sử dụng trong chiến dịch này," công tố viên Đức nói.

Trịnh Xuân Thanh nhận hai án chung thân ở Hà Nội

Sáng 8/1/2018, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm bị cáo Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).

Cùng ra tòa lúc đó có cả cựu ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng (sinh năm 1960, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN).

Kết quả, Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội, vào sáng 22/1, đã tuyên phạt ông Đinh La Thăng 13 năm tù về tội Cố ý làm trái, ông Trịnh Xuân Thanh tù chung thân về hai tội tham ô và cố ý làm trái.

Đến sáng 24/1/2018, ông Trịnh Xuân Thanh tiếp tục phải hầu tòa trong vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần bất động sản điện lực dầu khí Việt Nam (PVP Land).

Tòa án Hà Nội, vào sáng 5/2/2018, tuyên án ông Trịnh Xuân Thanh mức án tù chung thân vì vụ án ở PVP Land.

Trịnh Xuân Thanh than khi ra tòa năm 2021

Đến tháng Ba năm 2021, ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh lại tiếp tục phải ra tòa trong vụ án xảy ra tại dự án Ethanol Phú Thọ.

Báo Thanh Niên ngày 10/3/2021 dẫn lời ông Trịnh Xuân Thanh ở tòa : "Tôi có 3 năm rưỡi ngồi trong nhà tù, nghĩ mãi không biết vì sao vụ án này lại được đưa ra xét xử, đặc biệt là với nhà thầu chúng tôi. Rõ ràng đây là dự án thua lỗ do không đủ tiền".

"Tôi nhớ năm 2013, tôi bắt đầu không điều hành nữa nhưng có công văn dừng thi công thì chủ đầu tư phải làm việc với nhà thầu để quyết toán, thanh lý, bồi thường hợp đồng… Tiền lãi vay các ông phải trả sao lại đổ cho nhà thầu chúng tôi. Rồi kéo dài đến năm 2019, khởi tố vụ án rồi bắt đền chúng tôi là không đúng. Chủ đầu tư phải có trách nhiệm từ khi PVC có văn bản dừng thi công...".

Ngày 12/3, tại tòa, theo báo Tuổi Trẻ, ông Xuân Thanh nói : "Tôi đã lãnh án chung thân rồi, bây giờ nhận thêm chục năm nữa cũng không là gì nhưng những đồng nghiệp, cấp dưới của tôi không làm gì sai sao phải ra tòa ?"

Chiều 15/3/2021, tòa án ở Hà Nội tuyên bị cáo Đinh La Thăng 11 năm tù, Trịnh Xuân Thanh 18 năm tù, vì vụ án xảy ra tại dự án Ethanol Phú Thọ.

********************

Một nghi phạm trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh được giao cho Đức

Trọng Thành, RFI, 03/06/2022

Cộng hòa Czech đã giao nộp tư pháp Đức một nghi phạm có tham gia vào vụ an ninh Việt Nam bắt cóc cựu quan chức Trịnh Xuân Thanh năm 2017.

txt4

Ảnh tư liệu : Ông Trịnh Xuân Thanh thời còn tị nạn ở Đức trước khi bị bắt cóc. Ảnh khôn ghi ngày, được công bố hôm 02/08/2017.  dpa/AFP

Theo AFP, cơ quan công tố liên bang Đức ra thông báo hôm qua, 02/06/2022, cho biết nghi phạm Anh T. L. đã bị cảnh sát Cộng hòa Czech câu lưu ngày 15/04/2022 tại Praha. Nghi phạm được giao cho Đức, là nơi đã phát lệnh truy nã. Theo cơ quan công tố liên bang Đức, vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh đã có sự tham gia của các nhân viên an ninh đến từ Việt Nam và nhân viên sứ quán Việt Nam tại Châu Âu. Nghi phạm Anh T. L. bị nghi ngờ đã tham gia vào việc lấy thông tin về các nạn nhân, và làm tài xế cho một số phương tiện trong quá trình diễn ra chiến dịch bắt cóc.

Ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên lãnh đạo tỉnh, cựu lãnh đạo tập đoàn dầu khí PVC, vốn bị chính quyền Việt Nam phát lệnh truy nã năm 2016, do một số cáo buộc tham nhũng. Ông Trịnh Xuân Thanh, bị chính quyền Hà Nội tố cáo biển thủ số tiền tương đương 120 triệu euro, đã bỏ trốn và có ý định xin tị nạn tại Đức. 

Ông Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc cùng với người tình ngày 23/07/2017, ngay giữa ban ngày tại một công viên nổi tiếng ở thủ đô Berlin. Người bị bắt cóc sau đó được đưa đến đại sứ quán Việt Nam tại Đức, trước khi được áp tải qua Bratislava, Moskva, trước khi trở về Hà Nội. Vụ bắt cóc cựu quan chức Trịnh Xuân Thanh, ngay giữa Châu Âu gây chấn động.

Vụ bắt cóc gây khủng hoảng ngoại giao trong quan hệ Việt – Đức. Berlin lên án Hà Nội "xâm phạm" nghiêm trọng chủ quyền. Để trả đũa Đức, đã trục xuất hai nhà ngoại giao Việt Nam, và nhiều lần triệu đại sứ Việt Nam. Trong vụ án bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, một người Việt đã bị kết án gần 4 năm tù tại Đức, hồi 2018.

Trọng Thành

*************************

Mật vụ Việt Nam trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh bị dẫn độ sang Đức

RFA, 02/06/2022

Một nghi phạm trong vụ bắt cóc cựu quan chức dầu khí Việt Nam Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin hồi năm 2017 đã bị dẫn độ sang Đức từ Cộng Hòa Czech.

txt4

Ông Trịnh Xuân Thanh bị dẫn giải ra toà ở Hà Nội hôm 22/1/2018 - AFP

Reuters loan tin ngày 2/6 dẫn thông báo của Văn phòng Công tố Liên bang Đức như vừa nêu.

Nghi phạm mang quốc tịch Việt Nam với tên Anh T.L. được trao cho cơ quan chức năng Đức vào ngày thứ tư 1/6 sau khi bị bắt tại Prague hồi tháng tư vừa qua.

Người này phải đối mặt với những cáo buộc gồm hoạt động gián điệp, giúp đỡ và hỗ trợ việc tước đoạt tự do của người khác.

Vào ngày 23/7/2017, cựu quan chức dầu khí Trịnh Xuân Thanh của Việt Nam bị bắt rồi tống vào một chiếc xe van ngay trên đường phố Berlin cùng với một phụ nữ khác. Sau đó ông bị đưa về Việt Nam và phải ra tòa với bản án chung thân.

Ông Trịnh Xuân Thanh bị tòa án ở Hà Nội cáo buộc gây thất thoát tài sản Nhà nước và quản lý kém tại Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Xây lắp Dầu khí Việt Nam (JSC). Vào thời điểm bị bắt cóc, ông Thanh đang xin quy chế tỵ nạn ở Đức. Vụ bắt cóc này khiến quan hệ song phương Đức- Việt trở nên căng thẳng.

Một năm sau vụ bắt cóc, công dân Việt Nam có tên Long N.H. bị tòa Berlin kết án ba năm 10 tháng tù tội danh hoạt động gián điệp và hỗ trợ mật vụ Việt Nam đột nhập lãnh thổ Đức để bắt cóc người.

Nguồn : RFA, 02/06/2022

**********************

Tòa Đức 'nêu tướng Hưng và nhiều người Việt Nam'

Hôm 25/4/2018, tòa án ở Berlin tiếp tục ngày thứ hai, phiên xử nghi phạm vụ 'bắt cóc Trịnh Xuân Thanh', với bị cáo là ông Long N. H., 47 tuổi, người mang quốc tịch Việt Nam và quốc tịch Czech, thường trú tại Czech trước khi bị bắt và dẫn độ về Đức, 8/2017.

txt5

Trong buổi sáng ngày thứ hai, tòa thẩm vấn ba nhân chứng, những người khai đã chứng kiến trực tiếp vụ bắt cóc hôm 23/7/2017 tại Berlin

Bị cáo Long N. H. bị cáo buộc hai tội danh, gồm tội hoạt động gián điệp cho nước ngoài trên lãnh thổ Đức, và tội hỗ trợ cho vụ bắt cóc nghiêm trọng, tức là vụ bắt cóc có thời gian thực hiện trên một tuần, luật sư Petra Schlagenhauf đại diện cho ông Trịnh Xuân Thanh tại tòa, cho BBC biết.

Trong buổi sáng thứ Tư, tòa tiến hành thẩm vấn ba nhân chứng, gồm một người Pháp, trình bày qua phiên dịch, một người Đức, và một người Thổ Nhĩ Kỳ nói tiếng Đức rất tốt.

Những người này đã trình báo với giới chức rằng họ trực tiếp chứng kiến những gì diễn ra tại vườn thú Berlin hôm 23/7/2017.

Hôm nay, họ ra khai báo trước tòa với tư cách nhân chứng.

Có mặt tại chỗ theo dõi phiên xử, nhà báo tự do Lê Mạnh Hùng cho BBC biết nhân chứng người Thổ Nhĩ Kỳ khai trước tòa rằng khi nhìn thấy những gì xảy ra, ông đã đề nghị người bạn đang đi cùng quay xe đuổi theo chiếc xe van bắt người "cho đến cổng thành Brandenburger Tor thì không theo được nữa".

Người này sau đó đã báo cho cảnh sát, và trong quá trình theo dõi lâu như vậy, nhân chứng đã "nhớ được cả biển số xe, mác xe", nhà báo Lê Mạnh Hùng nói.

Thẩm vấn nhân chứng

Trong phiên tòa sáng nay, tên của tướng Đường Minh Hưng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh Việt Nam được nhắc tới nhiều lần.

"Các nhân chứng được tòa hỏi là họ có quen biết, hay có mối quan hệ gì với bị cáo, với một người đàn ông được hiện đang bỏ trốn, hay với vị tướng Việt Nam được tòa nêu tên hay không, nhằm đảm bảo tính khách quan trong lời khai", nhà báo Lê Mạnh Hùng nói.

txt6

Bị cáo Long N. H và luật sư biện hộ trong phiên xử 25/4/2018

"Theo tôi, đó là thủ tục thẩm vấn thông thường, nhưng cũng cho thấy tính khách quan và nghiêm ngặt của tòa".

"Cả bên công tố, bên tòa án và bên bào chữa cho bị cáo Long đều thẩm vấn, kiểm tra chéo rất kỹ các nhân chứng này".

"Bản thân họ khi khai các chi tiết, thì đúng là bởi từ lúc sự việc xảy ra tới nay đã là một thời gian dài, nên họ miêu tả cũng có một chút khác nhau".

"Những điểm khác nhau như thế đều bị bà chủ tọa hỏi xoáy rất kỹ".

"Luật sư của bị cáo Long cũng đưa ra nhiều câu hỏi để thách thức độ đáng tin cậy của các nhân chứng này".

"Điều khiến tôi ngạc nhiên là sau mỗi lần nhân chứng phát biểu, bà quan tòa đều mời tất cả các nhân chứng, luật sư, công tố, lên để bà cho xem chứng cứ, tài liệu bà có trong tay".

"Các nhân chứng được cho phép nhận diện những người có trong một xấp ảnh mà bà chủ tọa đưa ra, rất nhiều, gồm ảnh những người được cho là có liên quan tới vụ này".

Được biết trong phiên tòa hôm nay có sự hiện diện của hai nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin. Đại diện của phân xã Thông tấn xã Việt Nam tại Berlin cũng có mặt.

Tuy nhiên, không rõ có ai là người đại diện cho cơ quan ngoại giao Việt Nam từ Cộng hòa Czech, hoặc đại diện từ Việt Nam tới dự hay không, nhà báo Lê Mạnh Hùng nói.

Trong phiên xử hôm qua, ngày đầu tiên tòa khai mạc, các đại diện của Đại sứ quán Việt Nam tại Đức cũng có mặt, nhưng "theo tôi biết thì không có ai từ văn phòng lãnh sự của Việt Nam tại Czech hoặc từ nơi khác tới", luật sư Petra Schalagenhauf nói với BBC.

'Bị cáo bình tĩnh, trầm lặng'

txt7

Bị cáo Long N. H bị cơ quan công tố Đức cáo buộc các tội danh hoạt động gián điệp và hỗ trợ vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh

Trong suốt quá trình tòa thẩm vấn nhân chứng, bị cáo Long 'hoàn toàn giữ im lặng', nhà báo Lê Mạnh Hùng cho biết.

"Ông ấy chỉ làm theo những gì nhân viên tòa án yêu cầu và không có ý kiến gì mỗi khi được tòa hỏi".

"Bị cáo giữ thái độ bình thường, không tỏ vẻ hốt hoảng, lo lắng gì. Ông tỏ ra rất trầm lặng".

Trước đó, ông Long được trông đợi sẽ đưa ra lời tuyên bố của mình trong ngày xét xử đầu tiên.

Tuy nhiên, việc đó đã không diễn ra.

Hôm thứ Ba 24/4, luật sư Stephan Bonell biện hộ cho ông Long tuyên bố rằng việc buộc tội thân chủ ông "cần phải được đặt trong bối cảnh chính trị".

Ông chỉ trích chính phủ Đức về việc không cân nhắc các cáo buộc của Việt Nam theo đó nói ông Trịnh Xuân Thanh tham nhũng, cũng như yêu cầu của Hà Nội đòi Berlin trục xuất ông Thanh.

Điều đó khiến Việt Nam, luật sư Bonell lập luận, không còn cách nào khác ngoài việc phải tiến hành vụ bắt cóc, từ đó dẫn đến những việc rắc rối khác.

Luật sư Bonell cũng tuyên bố có thể sẽ cân nhắc việc nộp đơn yêu cầu Thủ tướng Đức Angela Merkel ra làm nhân chứng liên quan tới các vấn đề trên.

txt8

Ông Stephan Bonell là luật sư biện hộ cho ông Long trước tòa án Đức

'Nhiều người liên quan'

Trong phần nội dung cáo trạng được công bố trước tòa trong hôm qua, nhiều cái tên được nêu ra, mà cơ quan công tố Đức nói là có liên quan tới vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh.

BBC được biết những người bị nêu đích danh có ba người được xác định là thuộc cơ quan an ninh Việt Nam, gồm Trung tướng Đường Minh Hưng cùng các ông Le Anh Tu và Vu Quang Dung.

Một người nữa cũng thuộc cơ quan an ninh nhưng được hưởng quy chế ngoại giao là ông Nguyễn Đức Thoa, đại diện Cục tình báo tại Đại sứ quán Việt Nam ở Berlin, bị Đức tuyên bố là người không được hoan nghênh (persona non-grata) và bị buộc phải rời Đức sau khi xảy ra vụ bắt cóc.

Ngoài ra, có một người Việt sống tại Prague, Cộng hòa Czech, Dao Quoc Oai, được nêu tên trong cáo trạng.

Có một số người khác được nhắc tới trong hồ sơ, nhưng không xuất hiện trong nội dung cáo trạng đọc trước tòa trong ngày đầu tiêTrong số họ này, BBC được biết có vợ của tùy viên quân sự tại Đại sứ quán Việt Nam ở Berlin, người cũng đồng thời là nhân viên làm việc tại cơ quan đại diện ngoại giao này, và một viên chức lãnh sự.

Hai phụ nữ này được cho là đã tham gia vào các hoạt động sau khi xảy ra vụ bắt cóc nhằm "đưa cô Thi Minh P. D. [người bị bắt cùng ông Trịnh Xuân Thanh] về Việt Nam", hồ sơ vụ án nói.

Một người khác cũng được nhắc tới trong hồ sơ vụ án là một trong hai người đi cùng chuyến bay đưa cô Thi Minh P. D. về Việt Nam. Chuyến bay diễn ra ngay vào tối Chủ Nhật 23/7/2017, là ngày diễn ra vụ bắt cóc, qua ngả Bắc Kinh. Người này đã bị Đức tuyên bố là người không được hoan nghênh trong tháng 9/2017.

Một người nữa, bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin, được xác định là đã tới lấy hành lý ca cô Thi Minh P. D. ti khách sn, sau khi xy ra v bt cóc.

Ngoài ra, còn có một số người Việt khác nữa chưa được xác định danh tính, bị cho là đã tham gia vào vụ bắt cóc.

Phiên tòa theo kế hoạch sẽ diễn ra trong 21 ngày không liên tục, từ 24/4 đến cuối tháng 8/2018.

Nguồn : BBC, 25/04/2018

********************

Đức 'điều tra tướng công an Việt Nam về vụ bắt cóc ở Berlin'

BBC, 14/03/2018

Truyền thông Đức, gồm cả đài phát thanh quốc tế Deutsche Welle, đưa tin cơ quan công tố liên bang Đức đang tiến hành điều tra một Phó Tổng cục trưởng An ninh, Bộ Công an Việt Nam, người bị cho là đóng vai trò trong vụ 'bắt cóc ở Berlin' hồi tháng Bảy năm ngoái.

Phía công tố Đức từ chối bình luận với báo chí.

txt9

Tòa Đại sứ Việt Nam ở Berlin được báo chí nước này chú ý đến sau vụ Trịnh Xuân Thanh

Trong khi đó, bà Petra Isabel Schlagenhauf, luật sư của ông Trịnh Xuân Thanh tại Đức, nói với BBC rằng cuộc điều tra của cơ quan công tố Đức nhằm vào Trung tướng Đường Minh Hưng 'và những người khác trong vụ bắt cóc thân chủ tôi'.

Theo luật Đức, giới chức sau khi ra cáo trạng sẽ phải chuyển tài liệu này tới cho người bị cáo buộc và luật sư bảo vệ của họ, bà luật sư Petra Schlagenhauf nói.

Bên bị cáo buộc sẽ có một thời gian để nêu quan điểm và cung cấp bằng chứng phản bác.

Sau đó, tòa sẽ tuyên bố mở phiên xét xử và định ngày để nghe lập luận của các bên, bà Schlagenhauf giải thích.

Khác với hai nhà ngoại giao Việt Nam đã bị phía Đức trục xuất trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, bà Schlagenhauf nói rằng về mặt lý thuyết, Đức có thể đòi dẫn độ ông Đường Minh Hưng, người đã rời Berlin về Việt Nam ngay sau vụ bắt cóc.

txt10

Luật sư của ông Trịnh Xuân Thanh tại Đức, bà Petra Isabel Schlagenhauf

Lý do, bà nói, là bởi cảnh sát Đức đã "có đủ bằng chứng cho thấy sự can dự của ông ta trong vụ bắt cóc", và bởi "ông Hưng không được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao tại Đức như những người khác tuy cũng tham gia nhưng lại làm việc cho Tòa Đại sứ Việt Nam tại Berlin".

Tuy nhiên, trên thực tế, bà nói bà không chắc cơ quan công tố Đức có cân nhắc tới khả năng đòi dẫn độ hay không, bởi "Việt Nam sẽ không bao giờ chấp nhận yêu cầu dẫn độ đối với ông Hưng".

"Giữa Việt Nam và Đức chưa có hiệp định tương trợ tư pháp về dẫn độ, cũng chưa có thỏa thuận nào ở cấp thấp hơn về việc dẫn độ".

"Hơn nữa, cũng nên lưu ý rằng mọi yêu cầu dẫn độ đều là quyết định chính trị", bà Schlagenhauf nói và từ chối bình luận thêm về chủ đề này.

'Trực tiếp chỉ huy vụ bắt cóc'

Ông Hưng được cho là đã có mặt ở Berlin một thời gian trong tháng Bảy.

Nay, cơ quan điều tra của Đức tin rằng ông Hưng đã trực tiếp chỉ huy vụ bắt cóc, theo báo chí Đức.

Truyền thông Đức, như các trang Süddeutsche Zeitung, Zeit.de, trích dẫn nội dung cáo trạng đối với ông Nguyễn Hải Long, cho đến nay là người Việt duy nhất bị giới chức Đức truy tố liên quan tới vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, theo đó nói ông Đường Minh Hưng tới Berlin vào thời điểm một tuần trước khi xảy ra vụ bắt cóc.

Ông Hưng đã ở tại khách sạn "Berlin, Berlin" và đã gặp gỡ với đầu mối của cơ quan tình báo tại Tòa Đại sứ Việt Nam.

Báo Tagesschau nói rằng trong tài liệu dày 90 trang của các nhà điều tra Đức, vai trò của ông Hưng và Tòa Đại sứ Việt Nam tại Berlin nay được thể hiện rõ ràng.

Ông Hưng đã gọi hơn 100 cuộc điện thoại di động và gửi các tin nhắn cho những đối tượng khác cùng tham gia vụ bắt cóc để điều phối hoạt động.

txt11

Tagesschau nói rằng trong một tài liệu dày 90 trang của các nhà điều tra Đức, vai trò của ông Hưng và Tòa Đại sứ Việt Nam tại Berlin nay đã được thể hiện rõ ràng

Chỉ hai ngày trước vụ bắt cóc hôm 23/7, ông Hưng đã chuyển chỗ ở, tới khách sạn "Sylter Hof", và từ phòng khách sạn này ông đã "điều hành vụ bắt người".

Ông Hưng "hầu như không rời khỏi phòng cho tới khi xảy ra vụ bắt cóc".

Đối tượng bị bắt cóc đã "ngay lập tức được đưa tới Tòa Đại sứ Việt Nam tại Berlin-Treptow và từ đó được đưa về Việt Nam bằng một ngả nào đó không rõ", Süddeutsche Zeitung tường thuật.

Chính phủ Việt Nam chưa có phản ứng gì về những cáo buộc mới nhất trên truyền thông Đức.

Ảnh hưởng quan hệ song phương

Báo Süddeutsche Zeitung bình luận rằng vụ điều tra mới nhất này cho thấy câu chuyện Trịnh Xuân Thanh đã được đẩy lên một tầm mức chính trị cao hơn.

Sau diễn biến mà phía Đức nói là ông Trịnh Xuân Thanh bị dùng vũ lực bắt đi tại một công viên ở trung tâm Berlin, chính quyền của bà Merkel lên án Việt Nam vi phạm luật quốc tế và chủ quyền của Đức.

Một nhân viên tình báo và một nhà ngoại giao làm việc tại Tòa Đại sứ Việt Nam ở Berlin sau đó đã bị trục xuất.

Đức cũng đòi Việt Nam phải xin lỗi, nhưng yêu cầu này không được Hà Nội đáp ứng.

Vụ việc khiến cho quan hệ song phương giữa hai nước ảnh hưởng nặng nề.

Hôm 22/9, Đức tuyên bố "tạm ngưng quan hệ đối tác chiến lược" với Việt Nam.

Trước đó, lễ kỷ niệm quốc khánh Việt Nam, được tổ chức hôm 31/8/2017 đã không có mặt bất kỳ vị khách Đức nào, trong khi sự kiện tương tự trước đó một năm từng đón tới 400 khách Đức và quốc tế.

Đức cũng đã tạm dừng chế độ cho phép quan chức cao cấp Việt Nam mang hộ chiếu ngoại giao nhập cảnh Đức không cần visa.

Tuy nhiên, cho đến nay, mới chỉ một người Việt bị tạm giam tại Đức liên quan tới vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh.

Ông Nguyễn Hải Long, đã sinh sống tại Cộng hòa Czech nhiều năm, được cho là đã lái chiếc xe trong vụ bắt cóc.

txt12

Trang Zeit.de của Đức có bài dài về vụ 'bắt cóc' ông Trịnh Xuân Thanh từ Berlin đem về Hà Nội

Cơ quan công tố Đức hồi tuần trước buộc tội ông này làm gián điệp và tước đoạt quyền tự do của người khác.

Tuy nhiên, ông Long nói ông vô tội, trong lúc luật sư đại diện nói ông bị 'thí chốt'.

Bà Petra Isabel Schlagenhauf cho BBC biết phiên tòa đối với ông Nguyễn Hải Long có thể sẽ bắt đầu vào cuối tháng Tư 2018 tại Berlin

Bình luận về câu chuyện, một nhà báo tại Berlin cho BBC hay, "báo chí Đức đã đăng tin rộng rãi diễn biến này vốn đã và vẫn tiếp tục là đề tài gây khó khăn cho bang giao giữa hai nước Việt Nam và Đức hiện nay".

"Lối thoát về mặt ngoại giao cho vụ việc dường như vẫn chưa thấy hé lộ.

Với việc hình thành bộ máy lãnh đạo chính phủ mới của Đức, câu hỏi về việc xử lý vụ Trịnh Xuân Thanh sẽ còn là một đề tài tiếp tục nóng".

Cũng trong ngày 14/03, bà Angela Merkel đã tuyên thệ lên làm Thủ tướng Đức thêm một nhiệm kỳ để lãnh đạo chính phủ liên minh CDU-SPD.

Nguồn : BBC, 14/03/2018

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hiếu Bá Linh, Trọng Thành, RFA tiếng Việt, VOA tiếng Việt, BBC tiếng Việt
Read 656 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)