Tên đường mang tên Gia Long cần được trả lại cho Sài Gòn, cũng như trả lại tên cho ngôi trường áo tím Gia Long của một thời vang bóng.
Saigon 1908 - Rue Lagrandière - Trước 1975 là đường Gia Long, nay là Lý Tự Trọng
Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đang nghiên cứu để đưa tượng Trần Nguyên Hãn (đang tạm đặt ở công viên Phú Lâm từ 12/2014) về lại nguyên quán – ngay vòng xoay trước chợ Bến Thành. Việc phải lẽ này, đặt trong chuỗi tôn tạo tượng Đức Thánh Trần và tái an vị lư hương, phục dựng đình An Khánh, tái lập nút giao thông "bùng binh cây liễu" ở Lê Lợi – Nguyễn Huệ… với mục tiêu (tái) tạo lập không gian văn hóa – kiến trúc tổng thể khu vực lõi trung tâm thành phố ; là điều thuận hợp. Thuận thiên, hợp lòng người.
Sự hiện diện của một "vùng ký ức" ngay giữa lòng đô thị hiện đại không chỉ là phép kiến trúc chuẩn mực mà, quan trọng là phép ứng xử có trước có sau, biết mình biết người, khôn ngoan, tỉnh thức.
Trong phép ứng xử đó cho thấy có lẽ đã đến lúc trả lại tên đường Gia Long như từng trả lại tên đường Lê Văn Duyệt ở Sài Gòn.
Một sự kiện thời sự vừa diễn ra, đó là nhân kỷ niệm 220 năm ngày vua Gia Long thống nhất đất nước và đặt niên hiệu Gia Long, vừa qua tại Nhà hát Bến Xuân, 51 Văn Thánh, thành phố Huế, Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề Công lao và những đóng góp quan trọng về mặt lịch sử của Hoàng đế Gia Long.
Tham dự tọa đàm, đã có 33 tham luận từ các nhà nghiên cứu, tập trung vào các chủ đề : khẳng định Nguyễn Ánh – Gia Long có công lao to lớn là hoàn thành công cuộc thống nhất đất nước, khai sinh nước Việt Nam, khôi phục vương triều Nguyễn ; vua Gia Long là người đặt nền móng cho các chính sách nội trị, ngoại giao của triều Nguyễn ; vua Gia Long đã có công lớn trong việc xác lập chủ quyền biển đảo của Việt Nam mang tính pháp lý quốc tế cao…
Các tham luận tại tọa đàm cơ bản thống nhất nhận định vua Gia Long đã có công đặt tên Việt Nam là quốc hiệu, có công lao lớn thống nhất quốc gia trên lãnh thổ rộng lớn tương ứng với lãnh thổ hiện nay.
Vua Gia Long đã xây dựng một cơ chế quân chủ tập quyền mạnh mẽ với một bộ máy hành chính và một thiết chế vận hành quy củ, chặt chẽ. Hoàng đế Gia Long còn đặt nền móng cho việc phát triển kinh tế, luật pháp, văn hóa, xã hội…, xây dựng kinh đô Huế. Dưới triều đại của mình, ông tiếp tục xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Theo các nhà nghiên cứu, công lao to lớn của vua Gia Long đã đi vào lịch sử, những di sản văn hóa mà thời kỳ lịch sử đó đã tạo dựng nên mãi mãi trường tồn. Đó là bộ phận quan trọng của di sản văn hóa dân tộc, luôn giữ vai trò động lực tinh thần của công cuộc phục hưng dân tộc, của sự phát triển bền vững đất nước hiện nay.
Vì vậy, cần phải trả lại tính chân xác công lao của Hoàng đế Gia Long trong lịch sử Việt Nam.
Ông Phan Thanh Hải, giám đốc Sở Văn hóa – thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết với 18 năm ở ngôi hoàng đế, vua Gia Long đã có những đóng góp to lớn cho lịch sử phát triển của đất nước và dân tộc, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hùng mạnh trong khu vực lúc bấy giờ. Vua Gia Long cũng là vị vua cho xây dựng hệ thống kiến trúc kinh thành Huế tồn tại cho đến ngày hôm nay và được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Theo ông Hải, với những công trạng trên, vua Gia Long xứng đáng được tôn vinh ở địa phương và tầm quốc gia nhưng trước hết là ngay trên vùng đất Thừa Thiên Huế – nơi triều Nguyễn đã để lại những kho tàng di sản vô cùng lớn mà ngày nay chúng ta đang kế thừa.
Còn theo theo nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Trung Tiến, chuyên gia nghiên cứu về chủ quyền biển đảo, nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Huế, thì chủ quyền biển đảo của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa thời Gia Long trị vì đã được thể hiện rõ trên các bản đồ địa lý và ấn bản của Đức, Ý và Scotland, cũng như của Mỹ.
Theo ông Nguyễn Quang Trung Tiến, vào thời vua Gia Long, ngoài sự kiện nhà nước Việt Nam đã chính thức chiếm hữu quần đảo Hoàng Sa năm 1816, xác lập cơ sở pháp lý vững chắc về chủ quyền quốc gia trước cộng đồng quốc tế, và được nhiều nước trên thế giới lần lượt công nhận, thì cũng có khá nhiều ấn bản quốc tế cùng thời gian đó đề cập và công nhận chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
"Các ấn bản quốc tế công nhận chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam xuất hiện khá nhiều dưới thời vua Gia Long trị vì, đã góp phần chứng minh rằng ngay từ trước sự kiện năm 1816, thế giới đã thừa nhận việc tiến hành tổ chức khai thác các nguồn lợi ở quần đảo Hoàng Sa của người Việt Nam và quá trình xác lập, thực thi chủ quyền của các thực thể nhà nước ở Việt Nam đối với quần đảo này, bao gồm cả Trường Sa, đã diễn ra lâu đời, từ thời các chúa Nguyễn đầu thế kỷ XVII, trải qua triều Tây Sơn rồi đến vương triều Nguyễn", ông Tiến nhấn mạnh.
Ở Sài Gòn, sau năm 1975, hầu hết bảng tên những con đường mang tên các nhân vật lịch sử có liên quan đến chính quyền Nguyễn Ánh, Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức… như Phan Thanh Giản, Lê Văn Duyệt, Võ Tánh, Ngô Tùng Châu, Trương Tấn Bửu, Trương Minh Giảng, Đỗ Thành Nhân, Petrus Ký, thậm chí cả Phan Đình Phùng đều bị tháo gỡ xuống, thay vào đó là tên những nhân vật đương đại…
Trước tháng 4/1975 ở Sài Gòn có hai con đường cùng mang tên Gia Long, là một ở trung tâm thành phố tại quận 1, và một ở tại quận Gò Vấp ; đường ở quận 1 đổi là đường Lý Tự Trọng, còn ở quận Gò Vấp nay là đường Nguyễn Văn Nghi – danh nhân này là đại thần nhà Lê trung hưng trong lịch sử Việt Nam.
Trên con đường Gia Long ở quận 1 còn có dinh Gia Long – nơi mà nếu xét về những sự kiện xảy ra thì có lẽ không có tòa dinh thự nào lại chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng trong hơn một thế kỷ của Sài Gòn như tòa dinh thự ấy.
Vua Gia Long xứng đáng được tôn vinh vì những cống hiến của ông cho lịch sử dân tộc và cho sự phát triển trường tồn của đất nước. Tên đường mang tên Gia Long cần được trả lại cho Sài Gòn, cũng như trả lại tên cho ngôi trường áo tím Gia Long của một thời vang bóng.