Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

02/06/2022

"Lợi ích nhóm" trong biên soạn sách giáo khoa

Mai Lan

Hồ sơ : Dấu hiệu "lợi ích nhóm" trong biên soạn sách giáo khoa ở Việt Nam

Sách giáo khoa và giáo dục trở thành… cần câu (!?)

sach1

80 triệu USD cho chuyện đổi mới sách giáo khoa

Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang có chất vấn gửi đến Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ về chi phí cho xây dựng chương trình sách giáo khoa.

Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu thì, "Khi Bộ tham mưu cho Chính phủ khái toán kinh phí cho chương trình đổi mới giáo dục, Quốc hội khóa XIII là 462 tỷ đồng, hiện nay trên thực tế đã chi trả bao nhiêu tiền từ ngân sách quốc gia mà vay từ World Bank để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, biên soạn một cuốn sách giáo khoa, tài liệu và tổ chức tập huấn ?".

Trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, Chính phủ phê duyệt dự án đổi mới chương trình sách giáo khoa tổng thể là 80 triệu USD, trong đó 77 triệu vay vốn ODA còn 3 triệu USD đối ứng.

Trong cấu phần dành cho biên soạn một bộ sách giáo khoa như thiết kế ban đầu, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo Chính phủ và Chính phủ đã báo cáo Quốc hội là không sử dụng khoản tiền này nữa. Do vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lại 16,5 triệu USD xây dựng bộ sách giáo khoa và để trong tài khoản của World Bank. Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa sử dụng số tiền này.

Về số tiền còn lại xây dựng chương trình, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết Bộ đã triển khai xây dựng chương trình và các hoạt động phát triển chương trình tổng thể và môn học.

Cho đến tháng 12/2020 dự kiến tiêu 12 triệu USD, như vậy là hơn 200 tỷ. Số tiền còn lại sau khi rà soát tất cả những chi phí không thiết thực liên quan đến tập huấn, tăng cường không hiệu quả, đặc biệt mùa Covid vừa rồi, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ trả lại Chính phủ, tổng cộng 29,7 triệu USD. Số tiền tiết kiệm sẽ được chi vào những khoản thực thi.

Những hạng mục bạc triệu đô-la ?

Liên quan đến khoản tiền 16 triệu USD để Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn một bộ sách giáo khoa, trao đổi với báo chí, bà Trần Thị Mỹ An, chuyên gia giáo dục cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB), cho biết như cam kết với Chính phủ Việt Nam, một trong những hoạt động hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông là biên soạn một bộ sách giáo khoa tương ứng với chương trình giáo dục phổ thông mới.

"Vào tháng 5/2019, Chính phủ Việt Nam thông báo nhiều nhà xuất bản đã biên soạn nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau cho nhiều môn học. Do đó, để tránh chồng chéo và đỡ lãng phí nguồn lực, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng WB đã thống nhất ngừng tự biên soạn bộ sách giáo khoa và tập trung nguồn lực cho việc thẩm định.

Khoản tiền 16 triệu USD hiện vẫn nằm trong tài khoản của WB. Chúng tôi vẫn đợi đề xuất chính thức của Chính phủ Việt Nam tới WB về việc sử dụng số tiền này vào một số mục tiêu của dự án sắp tới nhằm nâng cao hiệu quả của giáo dục thông qua việc cải tiến chương trình và sách giáo khoa" – bà Mỹ An cho hay.

Theo báo cáo ngày 23/03/2020 của Chính phủ gửi Quốc hội, nguyên nhân Bộ Giáo dục và Đào tạo không tổ chức biên soạn được bộ sách giáo khoa mà Nghị quyết 88 giao là bởi vì không có tác giả.

Vụ việc có thể diễn nôm thế này : Tháng 1/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo khởi động dự án vay WB 77 triệu USD để đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Số tiền đó được chia làm 4 cấu phần. Phần 1 trị giá 16,4 triệu USD hỗ trợ phát triển chương trình, gồm xây dựng chương trình tổng thể, chương trình môn học và thực hiện chương trình.

Phần 2 trị giá hơn 20 triệu USD gồm hỗ trợ biên soạn và thực hiện sách giáo khoa, chi 4,5 triệu USD mua sách cho học sinh vùng khó khăn và 16 triệu USD cho việc biên soạn một bộ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện.

Phần 3 trị giá 37,5 triệu USD nhằm hỗ trợ đánh giá và phân tích kết quả học tập để liên tục cải tiến chương trình và chính sách giáo dục phổ thông, trong đó, 18,5 triệu USD dành cho việc xây dựng Trung tâm Quốc gia Phát triển Bền vững chất lượng Giáo dục phổ thông và Trung tâm Quốc gia Khảo thí ngoại ngữ.

Phần 4 trị giá gần 3 triệu USD là chi phí cho việc quản lý dự án. Tuy nhiên, sau đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo không thu hút được chuyên gia, tác giả biên soạn sách ; các bộ sách giáo khoa được xã hội hoá hoàn toàn.

"Chuẩn" của WB khác với "chuẩn" của Hà Nội ?

Theo quy định của WB, việc tuyển chọn tác giả phải được thực hiện thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi.

Việc tổ chức đấu thầu cần có đủ căn cứ pháp lý để xây dựng cơ cấu, thành phần, số lượng tác giả và biên tập viên kèm theo kinh phí biên soạn đối với từng môn học, hoạt động giáo dục theo chương trình nên chỉ có thể tiến hành sau khi các chương trình môn học đã được ban hành.

Ngay sau khi ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới vào ngày 26/12/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức đấu thầu tuyển chọn tác giả, nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau nên không tuyển chọn được đủ số lượng tác giả, trong đó nguyên nhân chính là hầu hết các chuyên gia có kinh nghiệm đã sớm ký hợp đồng với các nhà xuất bản và triển khai biên soạn sách giáo khoa.

Tới thời điểm Bộ Giáo dục và Đào tạo mời thầu, các nhà xuất bản đã có một số bản mẫu lớp 1 được chuẩn bị gần như hoàn tất, sẵn sàng để thẩm định và phê duyệt đưa vào sử dụng.

Đến ngày 26/2/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tổ chức đấu thầu lần 2 để tuyển chọn tác giả biên soạn, ứng viên nộp hồ sơ đăng ký tham gia đã đáp ứng yêu cầu về số lượng chủ biên, tác giả, biên tập viên cần tuyển chọn để tổ chức biên soạn sách giáo khoa lớp 1, lớp 2 và lớp 6.

Tuy nhiên, việc thương thảo để ký hợp đồng chưa thành công do các tác giả yêu cầu nhuận bút lâu dài mà yêu cầu này thì Bộ Giáo dục và Đào tạo không đáp ứng được.

Thời điểm đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng hầu hết các ứng viên nộp hồ sơ tuyển chọn tác giả đều đang thực hiện hợp đồng biên soạn sách giáo khoa với các nhà xuất bản và đã hoàn thành bản mẫu lớp 1, chuẩn bị hoàn thành bản mẫu lớp 2, lớp 6. Vì vậy, các ứng viên không thể ký hợp đồng với Bộ để biên soạn từ đầu một bộ đầy đủ sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12.

Như vậy nếu so với các yêu cầu đặt ra của WB cho thấy rất khó đáp ứng, vì vậy Bộ Giáo dục và Đào tạo thay mặt Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa và trường hợp có ít nhất 1 bộ sách bảo đảm chất lượng được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt thì Bộ không tổ chức biên soạn một bộ sách sử dụng ngân sách nhà nước nữa.

Khoản kinh phí 16 triệu USD dự kiến để biên soạn sách giáo khoa vẫn trong tài khoản của WB.

Nhìn từ giác độ quản trị hành chính công, thì nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn sách giáo khoa như tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 88, thì sẽ tăng cơ hội lựa chọn cho người dân khi mua được sách giáo khoa giá rẻ hơn, khi khâu biên soạn đã được kinh phí nhà nước chi trả, khiến giá sách giảm đáng kể.

Thay lời kết

Vì sao đặt vấn đề với lợi ích nhóm ở vụ việc biên soạn sách giáo khoa như tóm tắt ở trên ?

Dễ hiểu, một khi việc biên soạn sách giáo khoa là do các nhà xuất bản chi tiền mời chuyên gia viết, biên tập, thẩm định nội bộ, chỉnh sửa sau đó mới đem đi thẩm định. Đây là hoạt động kinh doanh có lãi của doanh nghiệp. Mà đã kinh doanh thì bắt buộc phải tìm mọi cách để có lời.

Nói thêm, theo một nguồn tin khả tín cho biết, việc tập huấn sách giáo khoa được giao cho các nhà xuất bản chịu trách nhiệm từ in ấn tài liệu đến tập huấn phương pháp giảng dạy. Trong khi đó phần gọi là "tập huấn về chương trình cho giáo viên" đã có kinh phí được tính trong tổng thể ở con số 80 triệu USD như đã nói ở phần đầu bài viết này.

Mai Lan

Nguồn : VNTB, 02/06/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Mai Lan
Read 412 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)