Ông Trần Thanh Mẫn - Chủ tịch Quốc hội Việt Nam mới đây cho rằng việc kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật thời gian qua được đặc biệt chú trọng. Mục tiêu cao nhất của điều này là ngăn ngừa, không để xảy ra tình trạng "tham nhũng chính sách", lồng ghép lợi ích nhóm khi làm luật.
Ông Trần Thanh Mẫn - Chủ tịch Quốc hội Việt Nam. AFP.
Luật sư Nguyễn Văn Đài từ Đức quốc hôm 10/01 nói với RFA :
"Điều này không khả thi, bởi vì đối với các nước dân chủ đa đảng thì việc làm luật do Quốc hội làm luật, chứ không giao cho các bộ làm luật. Nhưng ở Việt Nam thì Quốc hội chỉ xem xét và thông qua, công việc xây dựng các văn bản luật là do các bộ chuyên ngành làm. Khi các bộ được giao như vậy thì họ luôn luôn cài cắm lợi ích của họ trong các dự án luật. Và trong quá trình cài cắm đấy, họ lại vận động các đơn vị để ủng hộ cho những lợi ích đó".
Theo Luật sư Đài, với cách làm luật hiện nay mà không cải tiến lại, thì không bao giờ có thể chống được việc cài cắm chính sách trong việc làm luật, do đó dễ dẫn đến nạn tham nhũng. Ông Đài nói tiếp :
"Nạn tham nhũng ở Việt Nam được các nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng cộng sản Việt Nam tự nhận là quốc nạn. Thường tham nhũng đi theo cả ê kíp, nó vừa theo hàng dọc từ trung ương đến địa phương, rồi theo hàng ngang các tỉnh thành phố liên kết với nhau, hay các bộ ngành… Hầu hết các vụ tham nhũng ví dụ như ‘chuyến bay giải cứu’ có đến năm bộ tham gia vào đường dây tham nhũng đấy ; hay vụ kit test Việt Á có đến 61/63 tỉnh thành phố nằm trong cả đường dây như vậy… Cho nên việc tham nhũng theo nhóm là không bao giờ thay đổi được".
Thứ hai, ông Đài cho rằng, hệ thống chính trị vốn bản thân sinh ra tham nhũng rồi, nên cho dù giới lãnh đạo Việt Nam hô hào thế nào… chỉ với mục đích là để đi lừa dối người dân. Chứ còn trong thực chất thì tham nhũng Việt Nam chỉ có thể kết thúc, khi kết thúc chế độ sinh ra tham nhũng.
Thực tế vấn đề này như thế nào ? Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Thanh Hóa khi trả lời RFA liên quan vấn đề cho biết :
"Quốc hội Việt Nam cũng đã nhiều lần sửa đổi, tuy nhiên do các nhóm lợi ích chi phối nên từ luật pháp đến thực thi có nhiều trở ngại và vướng mắc. Với lại hướng dẫn thực thi ở Việt Nam thường chỉ dựa vào nghị định hay thông tư để thực hiện mà Quốc hội lại không giám sát được các vi phạm pháp luật. Cho nên họ lợi dụng những sơ hở của pháp luật để thực hiện lợi ích nhóm là chỗ đó".
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường từ năm 2002 đến năm 2007, khi trả lời RFA cho biết lợi ích nhóm trong luật, thấy rõ nhất là trong luật đất đai :
"Việc cài cắm thì tôi không biết cụ thể thế nào, nhưng nhìn trong luật, nhất là luật đất đai thì điều này thấy rất rõ. Riêng chuyện giá đất phải theo thị trường, rồi những người được Nhà nước giao đất thì cũng phải xác định giá đất phù hợp thị trường mà người đó phải trả... nhưng trên thực tế việc giao đất thường giá thấp hơn thị trường rất nhiều. Việc xác định giá đất do cơ quan Nhà nước tiến hành, và do không quy định chặt chẽ, không quy định thế nào là phù hợp thị trường, thì nó dẫn đến chuyện là giá đất xộc xệch và nhiều người giàu lên nhờ đất".
Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, riêng những ví dụ vừa nêu của ông cũng đủ để kết luận rằng chắc chắn có "cái gì đó" về lợi ích nhóm tác động vào hệ thống pháp luật :
"Nếu không nói là có sự cài cắm lợi ích nhóm vào pháp luật đất đai thì cũng không có thể giải thích bằng con đường nào khác. Chính vì vậy, nếu vạch ra cụ thể quá trình vận động chính sách, vận động pháp luật, để pháp luật cứ mù mờ đi, thì chắc chắn sẽ khó kết luận ai đã làm và làm như thế nào ?"
Không chỉ việc cài cắm lợi ích nhóm, tại Việt Nam thường có chuyện Quốc hội phải thông qua luật mà Bộ chính trị đã quyết. Việc này thể hiện rõ tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc sáng 16 tháng 4 năm 2018 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội lúc đó nói công khai tại nghị trường rằng : "Bộ Chính trị đã kết luận rồi, dự thảo luật không trái Hiến pháp, phải bàn để ra luật chứ không thể không ra luật".
Không phải họ sửa cho người dân, cái sửa này cũng mang tính tạm bợ, bởi vì mỗi lần sửa luật như vậy phải trình Quốc hội mất thời gian… Thế là họ mới ban hành những nghị định, những thông tư… để chữa cháy tạm thời.
-Một Nhà báo ở Việt Nam
Một nhà báo ở Việt Nam không muốn nêu tên vì lý do an toàn hôm 1/10 nhận định với RFA :
"Thứ nhất, soạn luật ở Việt Nam theo nghị quyết đảng chứ không phải từ thực tế đòi hỏi. Thứ hai, Đảng cộng sản Việt Nam thì hầu như không có gì thay đổi, căn bản vẫn dựa trên chủ nghĩa Mác-Lênin. Mà chủ nghĩa Mác-Lênin thì không có chủ trương quản trị xã hội theo luật, mà dựa trên chuyên chính vô sản. Thứ ba, thực tế nửa thế kỷ qua đảng cộng sản Việt Nam không có gì thay đổi về tư tưởng, mà tư tưởng là cái căn bản nhất, quyết định nhất, để soạn luật cũng như hiến pháp".
Thứ tư, theo nhà báo này, luật của Việt Nam có thể nói là toàn bộ dựa trên luật cũ, tức là những bộ luật trước đây… Và mỗi khi thay đổi chỉ sửa những cái bị vướng mắc, chứ không phải sửa dựa trên một hệ tư tưởng mới. Vì vậy nhà báo này cho rằng luật ở Việt Nam dù gọi là mới thì nó vẫn mang tính chắp vá. Ông nói tiếp :
"Thứ năm, vướng mắc trong luật mà khiến họ phải sửa thì là vì do luật được soạn trên trường phái duy ý chí. Tức là họ nghĩ ra cái này, cái kia hay, rồi soạn luật và đem ra thi hành. Vì dựa trên tường phải duy ý chí như vậy, nên bị vướng do chính quá trình thực hiện luật của cơ quan công quyền, chứ không phải là vướng từ người dân. Thành ra khi vướng thì công việc bị ngưng trệ cho bộ máy công quyền, thì họ buộc phải sửa. Chứ không phải họ sửa cho người dân, cái sửa này cũng mang tính tạm bợ, bởi vì mỗi lần sửa luật như vậy phải trình Quốc hội mất thời gian… Thế là họ mới ban hành những nghị định, những thông tư… để chữa cháy tạm thời".
Và như vậy có thể nói cái quan trọng nhất trong việc soạn luật để ngăn ngừa tham nhũng chính sách, thì theo vị nhà báo này là cách tiếp cận sai hoàn toàn vấn đề. Bởi vì luật soạn ra không phải để ngăn ngừa tham nhũng chính sách, mà luật được soạn ra phải có hệ tư tưởng và có giá trị cho thực tế, chứ không phải luật làm chức năng của cảnh sát…. Đây là cách tiếp cận sai hoàn toàn, nó không phải là tinh thần của một nhà chuyên môn soạn luật.
Nguồn : RFA, 01/10/2024
Nghi vấn hai quan chức là Đinh Tiến Dũng và Nguyễn Xuân Phúc đã có chủ ý riêng của lợi ích nhóm khi ban hành Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, và trước đó là Nghị định 163/2018/NĐ-CP.
Hai ông Đinh Tiến Dũng và Nguyễn Xuân Phúc - Ảnh minh họa
Cả hai nghị định kể trên đều cùng nội dung là quy định về việc chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam, và việc chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Cả hai nghị định này không điều chỉnh việc chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng tại thị trường trong nước theo quy định của Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14.
Và câu chuyện bắt đầu từ chuyện "không điều chỉnh…" đó.
Ở Nghị định 153/2020/NĐ-CP và Nghị định 163/2018/NĐ-CP đều có chung "Điều 5. Nguyên tắc phát hành và sử dụng vốn trái phiếu" có một nội dung mà thời gian qua các doanh nghiệp đã vận dụng để ‘gom vốn’ đưa đến những đe dọa đổ vỡ được bắt đầu được dư luận biết đến từ bê bối trong trúng giá thầu đất đai ở khu đô thị Thủ Thiêm.
Nội dung như sau :
"1. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và đảm bảo khả năng trả nợ.
2. Mục đích phát hành trái phiếu bao gồm : để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư ; tăng quy mô vốn hoạt động ; cơ cấu lại nguồn vốn của chính doanh nghiệp hoặc mục đích phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Doanh nghiệp phải nêu cụ thể mục đích phát hành tại phương án phát hành theo quy định tại Điều 13 Nghị định này và công bố thông tin cho nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu. Việc sử dụng vốn huy động từ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp phải đảm bảo đúng mục đích theo phương án phát hành và nội dung công bố thông tin cho nhà đầu tư.
3. Đối với phát hành trái phiếu xanh, ngoài các quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, nguồn vốn từ phát hành trái phiếu phải được hạch toán, quản lý theo dõi riêng và giải ngân cho các dự án thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường, dự án mang lại lợi ích về môi trường theo phương án phát hành đã được phê duyệt".
Một báo cáo do Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi ký phát hành vào tháng mười năm ngoái, cho biết, ở 10 tháng đầu năm 2022, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt 328,9 ngàn tỉ đồng, giảm 25,2% so với cùng kỳ năm 2021 và có xu hướng giảm dần qua các quý.
Số liệu đáng lưu ý tiếp theo là 46,48% trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phát hành có tài sản đảm bảo. Tỷ lệ 53,52% không có tài sản đảm bảo, chủ yếu là trái phiếu của các tổ chức tín dụng. Các tổ chức tín dụng là nhóm phát hành lớn nhất chiếm 41,34% tổng khối lượng phát hành. Các doanh nghiệp bất động sản chiếm 28,27% và xây dựng 7,8%.
Cuối cùng, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp mua lại trước hạn 152,2 ngàn tỉ đồng tăng 49,6%.
Theo ông Chi, Bộ Tài chính đánh giá sau vụ việc sai phạm tại Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát, thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện đang gặp khó khăn, khối lượng phát hành mới sụt giảm, nhà đầu tư bán lại trước hạn nhiều, khối lượng mua lại lớn. Tin đồn khó khăn của một số tập đoàn cũng ảnh hưởng đến thị trường.
Vấn đề lớn nhất ở đây của quy định "Doanh nghiệp phát hành trái phiếu theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và đảm bảo khả năng trả nợ", đó là ở Việt Nam lâu nay đi tìm thông tin tài chính và chuyện làm ăn minh bạch của các doanh nghiệp là một nan đề.
Khi các vụ án tham nhũng được công khai trên báo chí, người dân mới biết được trong chừng mực theo ý đồ từ cơ quan điều tra, đó là những ai thuộc nhóm "sân sau" chống lưng cho các doanh nghiệp đang nổi đình nổi đám trên thương trường.
Sở dĩ gọi là "trong chừng mực theo ý đồ", vì như vụ đại án Việt Á chẳng hạn, đến nay vẫn chưa thấy công khai cổ đông cụ thể nào đang sở hữu 80% vốn ở Việt Á…
Hàn Lam
Nguồn : VNTB, 12/02/2023
80 triệu USD cho chuyện đổi mới sách giáo khoa
Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang có chất vấn gửi đến Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ về chi phí cho xây dựng chương trình sách giáo khoa.
Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu thì, "Khi Bộ tham mưu cho Chính phủ khái toán kinh phí cho chương trình đổi mới giáo dục, Quốc hội khóa XIII là 462 tỷ đồng, hiện nay trên thực tế đã chi trả bao nhiêu tiền từ ngân sách quốc gia mà vay từ World Bank để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, biên soạn một cuốn sách giáo khoa, tài liệu và tổ chức tập huấn ?".
Trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, Chính phủ phê duyệt dự án đổi mới chương trình sách giáo khoa tổng thể là 80 triệu USD, trong đó 77 triệu vay vốn ODA còn 3 triệu USD đối ứng.
Trong cấu phần dành cho biên soạn một bộ sách giáo khoa như thiết kế ban đầu, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo Chính phủ và Chính phủ đã báo cáo Quốc hội là không sử dụng khoản tiền này nữa. Do vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lại 16,5 triệu USD xây dựng bộ sách giáo khoa và để trong tài khoản của World Bank. Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa sử dụng số tiền này.
Về số tiền còn lại xây dựng chương trình, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết Bộ đã triển khai xây dựng chương trình và các hoạt động phát triển chương trình tổng thể và môn học.
Cho đến tháng 12/2020 dự kiến tiêu 12 triệu USD, như vậy là hơn 200 tỷ. Số tiền còn lại sau khi rà soát tất cả những chi phí không thiết thực liên quan đến tập huấn, tăng cường không hiệu quả, đặc biệt mùa Covid vừa rồi, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ trả lại Chính phủ, tổng cộng 29,7 triệu USD. Số tiền tiết kiệm sẽ được chi vào những khoản thực thi.
Những hạng mục bạc triệu đô-la ?
Liên quan đến khoản tiền 16 triệu USD để Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn một bộ sách giáo khoa, trao đổi với báo chí, bà Trần Thị Mỹ An, chuyên gia giáo dục cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB), cho biết như cam kết với Chính phủ Việt Nam, một trong những hoạt động hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông là biên soạn một bộ sách giáo khoa tương ứng với chương trình giáo dục phổ thông mới.
"Vào tháng 5/2019, Chính phủ Việt Nam thông báo nhiều nhà xuất bản đã biên soạn nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau cho nhiều môn học. Do đó, để tránh chồng chéo và đỡ lãng phí nguồn lực, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng WB đã thống nhất ngừng tự biên soạn bộ sách giáo khoa và tập trung nguồn lực cho việc thẩm định.
Khoản tiền 16 triệu USD hiện vẫn nằm trong tài khoản của WB. Chúng tôi vẫn đợi đề xuất chính thức của Chính phủ Việt Nam tới WB về việc sử dụng số tiền này vào một số mục tiêu của dự án sắp tới nhằm nâng cao hiệu quả của giáo dục thông qua việc cải tiến chương trình và sách giáo khoa" – bà Mỹ An cho hay.
Theo báo cáo ngày 23/03/2020 của Chính phủ gửi Quốc hội, nguyên nhân Bộ Giáo dục và Đào tạo không tổ chức biên soạn được bộ sách giáo khoa mà Nghị quyết 88 giao là bởi vì không có tác giả.
Vụ việc có thể diễn nôm thế này : Tháng 1/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo khởi động dự án vay WB 77 triệu USD để đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Số tiền đó được chia làm 4 cấu phần. Phần 1 trị giá 16,4 triệu USD hỗ trợ phát triển chương trình, gồm xây dựng chương trình tổng thể, chương trình môn học và thực hiện chương trình.
Phần 2 trị giá hơn 20 triệu USD gồm hỗ trợ biên soạn và thực hiện sách giáo khoa, chi 4,5 triệu USD mua sách cho học sinh vùng khó khăn và 16 triệu USD cho việc biên soạn một bộ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện.
Phần 3 trị giá 37,5 triệu USD nhằm hỗ trợ đánh giá và phân tích kết quả học tập để liên tục cải tiến chương trình và chính sách giáo dục phổ thông, trong đó, 18,5 triệu USD dành cho việc xây dựng Trung tâm Quốc gia Phát triển Bền vững chất lượng Giáo dục phổ thông và Trung tâm Quốc gia Khảo thí ngoại ngữ.
Phần 4 trị giá gần 3 triệu USD là chi phí cho việc quản lý dự án. Tuy nhiên, sau đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo không thu hút được chuyên gia, tác giả biên soạn sách ; các bộ sách giáo khoa được xã hội hoá hoàn toàn.
"Chuẩn" của WB khác với "chuẩn" của Hà Nội ?
Theo quy định của WB, việc tuyển chọn tác giả phải được thực hiện thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi.
Việc tổ chức đấu thầu cần có đủ căn cứ pháp lý để xây dựng cơ cấu, thành phần, số lượng tác giả và biên tập viên kèm theo kinh phí biên soạn đối với từng môn học, hoạt động giáo dục theo chương trình nên chỉ có thể tiến hành sau khi các chương trình môn học đã được ban hành.
Ngay sau khi ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới vào ngày 26/12/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức đấu thầu tuyển chọn tác giả, nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau nên không tuyển chọn được đủ số lượng tác giả, trong đó nguyên nhân chính là hầu hết các chuyên gia có kinh nghiệm đã sớm ký hợp đồng với các nhà xuất bản và triển khai biên soạn sách giáo khoa.
Tới thời điểm Bộ Giáo dục và Đào tạo mời thầu, các nhà xuất bản đã có một số bản mẫu lớp 1 được chuẩn bị gần như hoàn tất, sẵn sàng để thẩm định và phê duyệt đưa vào sử dụng.
Đến ngày 26/2/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tổ chức đấu thầu lần 2 để tuyển chọn tác giả biên soạn, ứng viên nộp hồ sơ đăng ký tham gia đã đáp ứng yêu cầu về số lượng chủ biên, tác giả, biên tập viên cần tuyển chọn để tổ chức biên soạn sách giáo khoa lớp 1, lớp 2 và lớp 6.
Tuy nhiên, việc thương thảo để ký hợp đồng chưa thành công do các tác giả yêu cầu nhuận bút lâu dài mà yêu cầu này thì Bộ Giáo dục và Đào tạo không đáp ứng được.
Thời điểm đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng hầu hết các ứng viên nộp hồ sơ tuyển chọn tác giả đều đang thực hiện hợp đồng biên soạn sách giáo khoa với các nhà xuất bản và đã hoàn thành bản mẫu lớp 1, chuẩn bị hoàn thành bản mẫu lớp 2, lớp 6. Vì vậy, các ứng viên không thể ký hợp đồng với Bộ để biên soạn từ đầu một bộ đầy đủ sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12.
Như vậy nếu so với các yêu cầu đặt ra của WB cho thấy rất khó đáp ứng, vì vậy Bộ Giáo dục và Đào tạo thay mặt Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa và trường hợp có ít nhất 1 bộ sách bảo đảm chất lượng được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt thì Bộ không tổ chức biên soạn một bộ sách sử dụng ngân sách nhà nước nữa.
Khoản kinh phí 16 triệu USD dự kiến để biên soạn sách giáo khoa vẫn trong tài khoản của WB.
Nhìn từ giác độ quản trị hành chính công, thì nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn sách giáo khoa như tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 88, thì sẽ tăng cơ hội lựa chọn cho người dân khi mua được sách giáo khoa giá rẻ hơn, khi khâu biên soạn đã được kinh phí nhà nước chi trả, khiến giá sách giảm đáng kể.
Thay lời kết
Vì sao đặt vấn đề với lợi ích nhóm ở vụ việc biên soạn sách giáo khoa như tóm tắt ở trên ?
Dễ hiểu, một khi việc biên soạn sách giáo khoa là do các nhà xuất bản chi tiền mời chuyên gia viết, biên tập, thẩm định nội bộ, chỉnh sửa sau đó mới đem đi thẩm định. Đây là hoạt động kinh doanh có lãi của doanh nghiệp. Mà đã kinh doanh thì bắt buộc phải tìm mọi cách để có lời.
Nói thêm, theo một nguồn tin khả tín cho biết, việc tập huấn sách giáo khoa được giao cho các nhà xuất bản chịu trách nhiệm từ in ấn tài liệu đến tập huấn phương pháp giảng dạy. Trong khi đó phần gọi là "tập huấn về chương trình cho giáo viên" đã có kinh phí được tính trong tổng thể ở con số 80 triệu USD như đã nói ở phần đầu bài viết này.
"Không để lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ cài cắm vào quá trình xây dựng luật".
Đó là phát biểu của ông Vương Đình Huệ - Chủ tịch Quốc hội Việt Nam tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc hôm 3/11 nhằm triển khai Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV.
Ông Vương Đình Huệ - Chủ tịch Quốc hội Việt Nam phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc hôm 3/11 nhằm triển khai Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV.
Theo ông Huệ, Việt Nam cần một chính phủ liêm chính hành động phục vụ người dân, doanh nghiệp, do đó công tác lập pháp của Quốc hội cũng phải liêm chính.
Thực tế vấn đề này như thế nào ? Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Thanh Hóa khi trả lời RFA cho rằng :
"Quốc hội Việt Nam cũng đã nhiều lần sửa đổi, tuy nhiên do các nhóm lợi ích chi phối nên từ luật pháp đến thực thi có nhiều trở ngại và vướng mắc. Với lại hướng dẫn thực thi ở Việt Nam thường chỉ dựa vào nghị định hay thông tư để thực hiện mà Quốc hội lại không giám sát được các vi phạm pháp luật. Cho nên họ lợi dụng những sơ hở của pháp luật để thực hiện lợi ích nhóm là chỗ đó".
Cũng tại Hội nghị trực tuyến này, các Đại biểu Quốc hội nêu ý kiến nên chấm dứt hiện tượng ‘xếp gạch, đặt chỗ’, đề xuất xây dựng luật, pháp lệnh một cách duy ý chí, không trên cơ sở nhu cầu thực sự, không dựa trên cơ sở bằng chứng, dẫn đến xây dựng luật chắp vá, phải sửa đổi, bổ sung thường xuyên... Nhất là luật đất đai không rõ ràng, các địa phương mỗi nơi áp dụng mỗi kiểu...
Viện dẫn cho việc này, có thể thấy trong thời gian qua rất nhiều vụ án bị khởi tố liên quan đến qui hoạch đất đai. Trong đó có không ít lãnh đạo các địa phương phải hầu toà và lãnh án tù. Đến độ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vào hôm cuối tháng 10 có phát biểu rằng : "người giàu lên nhờ đất rất nhiều, tù tội về đất cũng rất nhiều".
Liên quan đến vấn đề Luật đất đai, nhất là về việc có hay không các ‘nhóm lợi ích’ được cài cắm để chi phối, lũng đoạn thị trường đất đai trong thời gian qua, hôm 4/11, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường, cho hay :
"Việc cài cắm thì tôi không biết cụ thể thế nào, nhưng nhìn trong luật, nhất là luật đất đai thì điều này thấy rất rõ. Riêng chuyện giá đất phải theo thị trường, rồi những người được Nhà nước giao đất thì cũng phải xác định giá đất phù hợp thị trường mà người đó phải trả... nhưng trên thực tế việc giao đất thường giá thấp hơn thị trường rất nhiều. Việc xác định giá đất do cơ quan Nhà nước tiến hành, và do không quy định chặt chẽ, không quy định thế nào là phù hợp thị trường, thì nó dẫn đến chuyện là giá đất xộc xệch và nhiều người giàu lên nhờ đất. Đặc biệt các công ty bất động sản phát triển rất nhiều, rất mạnh, vốn liếng đầu tiên không có gì, nhưng hiện nay đều trở thành các đại gia lớn, và tiền của họ chắc chắn từ đất ra".
Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, riêng những ví dụ vừa nêu của ông cũng đủ để kết luận rằng chắc chắn có "cái gì đó" về lợi ích nhóm tác động vào hệ thống pháp luật. Giáo sư Đặng Hùng Võ nói tiếp :
"Nếu không nói là có sự cài cắm lợi ích nhóm vào pháp luật đất đai thì cũng không có thể giải thích bằng con đường nào khác. Chính vì vậy, nếu vạch ra cụ thể quá trình vận động chính sách, vận động pháp luật, để pháp luận cứ mù mờ đi, thì chắc chắn sẽ khó kết luận ai đã làm và làm như thế nào ? Tôi cho rằng câu chuyện này cũng có nguyên do từ tham nhũng, nhưng cụ thể pháp luật vẫn có nhiều chỗ không mạch lạc, không rõ ràng, áp dụng thế này cũng được, áp dụng thế kia cũng được... Và nó đã tạo ra thị trường bất động sản phát triển quá mạnh ở Việt Nam và thiếu lành mạnh. Việc Đại biểu quốc hội phát biểu có lợi ích nhóm trong làm luật thì tôi cho rằng hoàn toàn có lý, và thể hiện trong hệ thống pháp luật đất đai khá rõ".
Luật của Việt Nam không có tính khoa học
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Trần Văn Sơn, cũng tại cuộc họp diễn ra hôm 3/11 cho rằng, Chính phủ sẽ giao các bộ, ngành đánh giá tính khả thi, hiệu quả thực tế, những nội dung bất cập để đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới luật, pháp lệnh theo nội dung định hướng đã được xác định theo Đề án của Đảng đoàn Quốc hội…
Tuy nhiên, với ý kiến trên của Bộ trưởng Sơn cũng có thể thấy rằng, quá trình sửa đổi, hoàn chỉnh luật sẽ phải qua rất nhiều khâu "thêm, bớt" từ các bộ, ngành, chưa kể mỗi địa phương đánh giá tính khả thi mỗi khác nhau, thì việc ban hành mới luật mới có thể hoàn tất và liệu qua nhiều đánh giá như thế thì văn bản pháp luật có tổng quát, mạch lạc, rõ ràng hơn không ?
Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già, khi trả lời RFA hôm 4/11, cho nhận định thêm xung quanh vấn đề này :
"Thứ nhất, về nguyên tắc soạn luật thì luật soạn ra để phục vụ toàn dân để có một xã hội an hòa, mọi người dân đều tuân thủ theo pháp luật. Trong khi đó chính quyền Việt Nam soạn luật để phục vụ cho sự trường kỳ của chế độ độc đảng toàn trị. Điểm nữa là luật phải được soạn trên tinh thần khoa học mà thôi, nhưng nhà cầm quyền Việt Nam soạn luật dựa trên điều lệ cương lĩnh Đảng, đó là tinh thần chấp hành trước, khiếu nại sau. Vì vậy nó mới sinh ra việc luật dễ dàng bị sửa đổi, đồng thời những văn bản hướng dẫn dưới luật như nấm mọc sau mưa, đưa người dân vào mê hồn trận khi phải thực thi pháp luật".
Vì sao nguyên tắc soạn luật của Việt Nam gây ra những khó khăn như vậy ? Theo nhà báo Nguyễn Ngọc Già, có ba nguyên nhân chính. Thứ nhất là do Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không phải do dân bầu ra, thì tất nhiên các bộ luật không phải phục vụ cho dân. Thứ hai, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam không thể tham khảo cách soạn luật của quốc tế, vì chế độ của họ là chế độ độc đảng toàn trị, trong khi đa số các quốc gia khác là nước tự do đa đảng. Do đó theo nhà báo Nguyễn Ngọc Già, cho dù Việt Nam có cử người đi học thì cũng không thể soạn thảo trên tinh thần phục vụ cho dân được.
Thêm nữa : "...bởi vì kinh tế các nước khác là kinh tế thị trường, trong khi ở Việt Nam là kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa", nhà báo Nguyễn Ngọc Già nhấn mạnh.
Nguyên nhân thứ ba mà nhà báo Nguyễn Ngọc Già đưa ra là tình trạng soạn luật rối rắm ở Việt Nam vì trình độ tiếng Việt của những nhà soạn luật Việt Nam quá yếu kém. Bằng chứng là họ soạn luật với những nội dung, câu chữ mơ hồ... gây tranh cãi... rồi lại quyết định theo cương lĩnh Đảng... nghĩa là thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, chứ không theo khoa học, nên đã gây nên sự nhiễu loạn trong vấn đề soạn luật ở Việt Nam. Nhà báo Nguyễn Ngọc Già nói tiếp :
"Điểm nữa là triết lý soạn luật, đối với thế giới thì triết lý của họ rất đơn giản và thuyết phục, khi một bộ luật của quốc tế được ban hành thì ai cũng hiểu giống nhau, thì đó là nhà soạn luật giỏi. Trong khi triết lý soạn luật của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam lạc lỏng so với thế giới, có nghĩ họ soạn luật ra ai cũng hiểu, nhưng mỗi người một kiểu. Gây ra tình cảnh bát nháo, có lẽ theo họ muốn hiểu thì phải hỏi họ. Tức là một bộ luật soạn ra chỉ được áp dụng đúng theo luật đã soạn, không được vận dụng, sáng tạo... Trong khi đó, đối với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, luật đã ban hành nhưng họ vẫn luôn vận dụng sáng tạo... Chính triết lý đó rất sai, nó góp thêm cho việc soạn luật bất khả thi, trong thực tế là như vậy".
Đối với việc sắp tới Quốc hội Việt Nam sẽ soạn thảo một số Bộ luật nữa, nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng không có một căn cứ nào để ông tin có một sự thay đổi về nội dung cũng như việc thực thi pháp luật ở Việt Nam... vì theo ông, điều căn bản nhất là luật của Việt Nam không có khoa học !
"Lợi ích nhóm", hay "nhóm lợi ích" là những tổ chức cán bộ, đảng viên có chức, có quyền trong Đảng cộng sản Việt Nam đã chia bè, kết phái để cướp cơm dân và bảo vệ độc quyền cai trị cho đảng.
"Nhóm lợi ích" là những tổ chức cán bộ, đảng viên có chức, có quyền trong Đảng cộng sản Việt Nam đã chia bè, kết phái để bảo vệ độc quyền cai trị cho đảng. Ảnh minh họa buổi họp cấp trung ương Đảng cộng sản Việt Nam.
Chúng sinh ra và lớn lên từ Thôn, rồi leo lên Xã trước khi ngoai qua Huyện, ngóc đầu lên Tỉnh để ngênh ngang bước vào Trung ương. Lộ trình quan lộ của "lợi ích nhóm" công khai từ dưới lên trên, từ trung ương xuống cơ sở và từ nhà nước vào doanh nhân, xí nghiệp. Khối doanh nghiệp nhà nước là ổ tham nhũng phá hoại đất nước và phản bội sức lao động của dân lớn nhất nhưng không bị trừng phạt mà còn được bảo vệ bởi các "nhóm lợi ích" trong cơ quan đảng và bộ ngành nhà nước.
Thế nhưng, gần 10 năm qua, kể từ Khóa đảng XI (2011-2016) Ủy ban Kiểm tra Trung ương đảng, Thanh tra Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc và Ban Chỉ đạo trung ương Phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đứng đầu đã không sao vạch được mặt, chỉ ra tên các "nhóm lợi ích" để trừng phạt và tịch thu tài sản trả lại cho dân.
Con số trên 100 cán bộ, đảng viên, có người ở cấp cao đã bị bắt tù, bị truy tố, bắt đền bù tiền thu bất chính từ đầu Khóa đảng XII (từ 2016…) là một "thành tích" được báo, đài đảng tung hô để biểu dương ông Nguyễn Phú Trọng.
Nhưng không ai biết các thủ phạm nổi cộm đã bị ngồi tù như Đinh La Thăng (cựu Ủy viên Bộ Chính trị) ; Nguyễn Bắc Son (cựu Bộ trưởng Thông tin và truyền thông) và Trương Minh Tuấn (cựu Bộ trưởng Thông tin và truyền thông) thuộc "nhóm lợi ích" nào trong đảng.
Hiện nay, trước thềm Đại hội Đảng XIII, dự trù diễn ra đầu năm 2021, một làn sóng "đánh gió" tệ "lợi ích nhóm", hay "nhóm lợi ích" , do Ban Tuyên giáo chủ động, đã bung ra với những quân bài chống "chạy chức", "chạy quyền" và "chạy vào Trung ương" của các phe phái trong đảng.
Việc này cho thấy tình trạng "lợi ích nhóm" vẫn sinh sôi nẩy nở như ong vỡ tổ khắp nơi, khắp chốn và trong mọi lĩnh vực, mọi cửa ngõ ra vào của hệ thống đảng, nhà nước và các doanh nghiệp.
Thậm chí, cả trong báo chí đảng cũng đang chửi xéo, nói xiên về chuyện "lợi ích nhóm" như để tung hỏa mù trong dư luận. Những chuyện báo tống tiền doanh nghiệp, liên kết với nhau viết bài đánh thuê, chém mướn cho nhóm này, phe kia để có lợi cho phe, nhóm trong đảng, hoặc cho chính mình cũng đã được ông Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo công khai răn đe nhiều lần.
Ngoài ra tình trạng báo làm áp phe phổ biến, ai cũng biết như "sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ" của làng báo gọi là "cách mạng" của đảng, tuy nay không còn phổ biến đại trà như mấy năm trước, nhưng cũng vẫn âm thầm và rân ran giao du dưới gầm bàn, hay tại các quán bia ôm thời hội nhập.
Vậy mà Ban Tuyên giáo chỉ dám viết như anh mù sờ voi rằng :
"Lợi ích nhóm" hay "nhóm lợi ích" là một dạng "tham nhũng đặc biệt" cần phải chủ động phòng, chống và ngăn ngừa".
(Tạp chí Tuyên giáo, 20/05/2020)
Tại sao lại gọi tội phạm tham nhũng của các nhóm băng đảng là "một dạng tham nhũng đặc biệt" khi thủ phạm là cán bộ, đảng viên nắm giữ các chức vụ đã nhận hối lộ và đưa hối lộ ?
Lạy ông tôi đây
Vậy những kẻ đã dùng quyền được trao và chức được ban đã lạm dụng địa vị để tổ chức tham nhũng loại "đặc biệt" này như thế nào ?
Tuyên giáo trả lời :
"Lợi ích nhóm/nhóm lợi ích thường liên quan đến người có chức, có quyền khi có sự kết hợp cùng mục tiêu lợi ích, cùng hành động và cùng phân chia lợi ích. Hiểu nguyên nghĩa, thì "đó là lợi ích của một nhóm người gắn kết với nhau, hỗ trợ, móc ngoặc với nhau, giúp đỡ lẫn nhau để cùng nhau có lợi ích và bảo vệ lợi ích đó".
"Lợi ích nhóm/nhóm lợi ích kiểu này được hình thành trên cơ sở cùng mục tiêu trục lợi, kiếm chác, tham nhũng ; lợi dụng sơ hở của các quy định để tạo các mối quan hệ nhằm móc nối kiếm lợi bất chính cho cá nhân và nhóm mình, bất chấp nhân phẩm, đạo đức, pháp luật".
(Tuyên Giáo, 20/05/2020)
Chi tiết hơn, theo tài liệu của Tuyên giáo thì các ngõ ngách ăn bẩn và làm giầu của các "Nhóm lợi ích", hay "Lợi ích nhóm" đã diễn ra như sau :
1) "Diễn ra trong quá trình hoạch định, ban hành và thực thi chính sách về kinh tế - xã hội như quyết định hoặc tổ chức thực hiện gây lãng phí, thất thoát tài chính, tài sản, ngân sách nhà nước, đất đai, tài nguyên ; trong đầu tư công, quản lý và sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản, tài chính, ngân hàng ; tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi ; lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực".
2) "Thao túng trong công tác cán bộ; chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội... Sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi…".
3) "Càng về cuối nhiệm kỳ, những người thuộc "nhóm lợi ích" thường chỉ tập trung giải quyết những vấn đề ngắn hạn trước mắt, có lợi cho mình, nhóm mình; tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc bố trí, sắp xếp vào vị trí có nhiều lợi ích...".
("Thực trạng, xu hướng và giải pháp phòng, chống 'lợi ích nhóm' ở nước ta hiện nay", Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Chương H, 2015, tr.42)
Nội chính nói gì ?
Để biết rõ hơn con mắt đảng tuy đã thấy hết mà vẫn như quáng gà trước một thực trạng tha hóa trong đảng đã hết thuốc chữa, chỉ hai năm sau ngày ông Nguyễn Phú Trọng được tín nhiệm lãnh đạo Khóa đảng XI (từ 2011).
Bài tường trình của Ban Nội chính Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, đề ngày 01/08/2013 viết như sau :
"Hiện nay, ở nước ta, lợi ích nhóm tiêu cực phát triển khá phổ biến, hiện diện ở tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Nhưng, phổ biến nhất, tác hại và nguy hiểm nhất là lợi ích nhóm trong quá trình thực hiện chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội và được thể hiện dưới các dạng sau đây :
- Tạo quan hệ với cấp trên, với cơ quan có thẩm quyền, khi cần thiết có thể "hối lộ" dưới mọi hình thức để giành được kinh phí, đề tài, dự án… cho đơn vị, địa phương v.v… (trong khi có thể bố trí kinh phí, đề tài, dự án cho đơn vị, địa phương khác sẽ có lợi và hiệu quả hơn).
- Tạo quan hệ, móc ngoặc với những người có chức, có quyền quyết định để được bố trí vào các chức vụ mong muốn cho bản thân hoặc cho người thân trong gia đình, trong khi năng lực, phẩm chất không đáp ứng được yêu cầu của vị trí công tác đó.
- Nhà đầu tư, doanh nghiệp tạo quan hệ móc nối với cơ quan, người có thẩm quyền quyết định, hình thành nhóm lợi ích để xây dựng các dự án, chủ trương đầu tư hoặc giành được các dự án "phát triển kinh tế - xã hội" nhằm mục đích kiếm lợi, có chi trả % cho chủ đầu tư, không tính đến hiệu quả đầu tư hoặc hiệu quả thấp, miễn là "có việc" là "có ăn". Người có chức quyền, thoái hóa, biến chất, chỉ chăm lo thu vén lợi ích cá nhân, chỉ phê duyệt cho đơn vị, cá nhân nào biết quan hệ, biết điều, chi trả % đậm hơn.
- Các doanh nghiệp là "sân sau", đồ đệ trung thành của những người có chức, có quyền hình thành nhóm lợi ích, cố kết với nhau để cùng nhau có lợi ích, bảo vệ lợi ích cho nhau. Doanh nghiệp và các đồ đệ trung thành phải chăm lo lợi ích của "sếp" tạo dựng uy tín, lo lót để che chắn khuyết điểm của "sếp", để "sếp" được vào những vị trí công tác mong muốn v.v… Đến lượt "sếp" phải trả ơn, chăm lo lợi ích của các doanh nghiệp, đồ đệ của mình, phê duyệt cho họ những dự án "béo bở", cất nhắc họ vào những vị trí làm việc hứa hẹn nhiều bổng, lộc v.v…
- Một bộ phận cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất trong các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát, cơ quan điều tra v.v… cũng bị móc nối và vì lợi ích vị kỷ của mình hình thành nhóm lợi ích với các cơ quan, cán bộ, công chức là đối tượng thanh tra, kiểm tra, điều tra v.v… để che chắn khuyết điểm, thậm chí làm nhẹ tội cho các đối tượng này.
Những biểu hiện trên đây của lợi ích nhóm tiêu cực đã được Đảng tổng kết thành các hành vi "chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy huân chương"…"và dư luận xã hội đã tổng kết muốn có chức quyền, lợi ích phải có "tiền tệ, quan hệ, hậu duệ, đồ đệ và cuối cùng mới là trí tuệ".
Biết rõ chúng cấu kết, thành hình và moi móc để ăn như vậy mà ông Nguyễn Phú Trọng không tìm ra được những "nhóm con sâu mọt người thật và việc thật" để trừng phạt và lấy lại của ăn cắp mà chỉ biết hô hào:" Kiên quyết chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, bè phái, 'lợi ích nhóm', chạy chức, chạy quyền...".
(Tuyên bố của ông Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Trung ương 12 ngày 11-14/05/2020)
Hay, như Tuyên giáo cũng tát nước theo mưa khi phóng loa : "Đẩy mạnh đấu tranh, phòng, chống chủ nghĩa cá nhân, các biểu hiện bè phái, cánh hẩu, cục bộ, địa phương chủ nghĩa, quan liêu, tham ô, tham nhũng, "lợi ích nhóm" thì những ổ sâu "lợi ích nhóm" hay "nhóm lợi ích" đến bao giờ mới hết tiền nuôi bồ nhí và xây biệt phủ ?
Phạm Trần
(01/07/2020)
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh và những cán bộ cấp cao bị kỷ luật trong những vụ biển thủ, bán khống những công ty quốc doanh cho những nhóm lợi ích để trục lợi làm thất thoát hàng chục ngàn tỷ đồng trong ngân sách quốc gia (19/07/2019).
****************
Đọc thêm :
Chủ động phòng và chống "lợi ích nhóm"
Tạp chí Tổ chức Nhà nước, 20/05/2020
"Lợi ích nhóm" hay "nhóm lợi ích" là một dạng "tham nhũng đặc biệt" cần phải chủ động phòng, chống và ngăn ngừa.
"Lợi ích nhóm" và tác động tiêu cực
"Lợi ích nhóm"/"nhóm lợi ích" thường liên quan đến người có chức, có quyền khi có sự kết hợp cùng mục tiêu lợi ích, cùng hành động và cùng phân chia lợi ích. Hiểu nguyên nghĩa, thì "đó là lợi ích của một nhóm người gắn kết với nhau, hỗ trợ, móc ngoặc với nhau, giúp đỡ lẫn nhau để cùng nhau có lợi ích và bảo vệ lợi ích đó" (1). "Lợi ích nhóm"/"nhóm lợi ích" kiểu này được hình thành trên cơ sở cùng mục tiêu trục lợi, kiếm chác, tham nhũng; lợi dụng sơ hở của các quy định để tạo các mối quan hệ nhằm móc nối kiếm lợi bất chính cho cá nhân và nhóm mình, bất chấp nhân phẩm, đạo đức, pháp luật.
Sinh thời, trong một số bài viết, bài nói của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuy chưa sử dụng khái niệm "lợi ích nhóm"/"nhóm lợi ích", nhưng nội hàm của nó được hiểu là óc địa phương, óc bè phái, địa phương chủ nghĩa, cánh hẩu… và Người cũng cảnh báo, từ khi trở thành Đảng cầm quyền, những vấn nạn này ngày càng phát triển tại các cơ quan công quyền. Cụ thể, theo Người: óc địa phương "là vì cận thị, không xem xét toàn thể. Không hiểu rằng lợi ích nhỏ phải phục tùng lợi ích to, ích lợi bộ phận phải phục tùng ích lợi toàn thể" (2) ; óc bè phái là "ai hợp với mình thì dù người xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau. Ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách gièm pha, nói xấu, tìm cách dìm người đó xuống, họ phải mấy cũng không nghe" (3) ; địa phương chủ nghĩa là "chỉ chăm chú lợi ích của địa phương mình mà không nhìn đến lợi ích của toàn bộ" (4) ; cánh hẩu là : "Ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn… Ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình… Ham dùng những người tính tình hợp với mình" (5), v.v. Những tệ nạn này không chỉ làm "hỏng cả công việc của Đảng" mà còn làm mất đi sự liêm khiết, công bình, chính trực, chí công vô tư của các cơ quan công quyền trong hệ thống chính trị.
Về vấn đề này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ, "lợi ích nhóm" ban đầu chỉ đơn giản là lợi ích cục bộ, móc ngoặc với nhau theo kiểu "ông mất chân giò, bà thò chai rượu", chung nhau làm ăn, đôi bên cùng có lợi. Nhưng rồi, cùng với thời gian, lợi ích cục bộ đó bây giờ không chỉ dừng lại ở quan hệ giữa hai bên, hai người mà đã thành "sự ăn cánh", "đường dây" của một nhóm người mưu lợi ích riêng, làm hại lợi ích chung (7).
Cụ thể và chi tiết hơn, theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ" (Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII), "lợi ích nhóm" :
1) Diễn ra trong quá trình hoạch định, ban hành và thực thi chính sách về kinh tế - xã hội như quyết định hoặc tổ chức thực hiện gây lãng phí, thất thoát tài chính, tài sản, ngân sách nhà nước, đất đai, tài nguyên ; trong đầu tư công, quản lý và sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản, tài chính, ngân hàng ; tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi ; lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực.
2) Thao túng trong công tác cán bộ ; chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội... Sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi…
3) Càng về cuối nhiệm kỳ, những người thuộc "nhóm lợi ích" thường chỉ tập trung giải quyết những vấn đề ngắn hạn trước mắt, có lợi cho mình, nhóm mình ; tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc bố trí, sắp xếp vào vị trí có nhiều lợi ích...
Tất cả những những biểu hiện này đều "tác động tiêu cực đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội trên các phạm vi khác nhau" (8), làm kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế, gây suy đồi về văn hóa, đạo đức xã hội và làm mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Đồng thời, dưới tác động của nền kinh tế thị trường, "lợi ích nhóm" cũng làm cho sự suy thoái đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên diễn ra nhanh hơn; trong đó, lối sống trung thực, chính trực bị lối sống thực dụng "nịnh trên nẹt dưới", chạy theo đồng tiền, sử dụng đồng tiền trong các mối quan hệ để mua bán, đổi chác quyền lợi và danh vọng ngày càng lấn át. Tệ hối lộ, lại quả, "tham nhũng vặt" đã trở nên quen thuộc và xa hơn nữa là những phi vụ làm ăn mờ ám, béo bở, những đường dây chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch lan rộng đã thúc đẩy sự "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
Đi liền cùng đó, "lợi ích nhóm" đã làm cho một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên sống thiếu lý tưởng, hoài nghi vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn, thậm chí thờ ơ, bàng quan trước những thay đổi về đời sống chính trị thế giới và trong nước, vô cảm trước tâm tư, nguyện vọng, đòi hỏi bức xúc của nhân dân; xuyên tạc, phủ nhận, đòi xét lại chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; dẫn đến nhiều địa phương, nhiều cấp ủy không thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, làm trái với nguyên tắc, Điều lệ, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hình thành bè cánh, phe phái trong Đảng, phá vỡ sự đoàn kết thống nhất trong tổ chức, làm suy giảm năng lực lãnh đạo và chiến đấu của tổ chức Đảng, của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Đẩy mạnh phòng, chống "lợi ích nhóm" để đảng trong sạch vững mạnh
Trong những năm qua, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng ; trong đó có phòng, chống và ngăn chặn "lợi ích nhóm" đã được đẩy mạnh. Từ Trung ương đến địa phương, việc nghiêm túc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" (Chỉ thị số 05) đã tạo ra sự chuyển biến sâu sắc từ nhận thức đến hành động của các cấp ủy đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên. Thông qua đó, việc rèn luyện tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ngăn chặn những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ đã đạt được những kết quả tích cực.
Để đẩy mạnh thực hiện xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nhất là phòng và chống "lợi ích nhóm"/"nhóm lợi ích" trước thềm đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, những nhiệm vụ cần tập trung thực hiện là :
Một là, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu các cơ quan ban, ngành chức năng từ Trung ương đến địa phương về tác động và hệ lụy của "lợi ích nhóm" đến tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Trên cơ sở đó, phát huy vai trò, trách nhiệm của từng người, từng cấp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, ban hành và lãnh đạo, tổ chức nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách, nghị quyết, quy định, quyết định của Đảng, Nhà nước, Quốc hội...
Hai là, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ tâm - tầm - tài ; trong đó, chú trọng từ khâu tuyển chọn, tiếp nhận, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đến bố trí, bổ nhiệm, đề bạt, đánh giá, khen thưởng và kỷ luật cán bộ công khai, minh bạch để khắc phục triệt để "lợi ích nhóm" và vấn nạn chạy chức, chạy quyền. Các cơ quan tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ cần thực hiện đúng và tốt về thẩm quyền, chức năng tham mưu trong xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, nghị quyết, chế độ của Đảng, Nhà nước về công tác tổ chức cán bộ ; thực hiện nghiêm túc quy chuẩn, quy trình bổ nhiệm cán bộ và kịp thời đấu tranh chống những biểu hiện cơ hội, "lợi ích nhóm" để xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Ba là, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng ; tăng cường công tác quản lý, giám sát và phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu nói riêng trong mọi mặt công tác, gương mẫu giữa "nói đi đôi với làm" để nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh. Đồng thời, thông qua việc tiếp tục đổi mới công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp gắn với thực hiện tốt học tập, làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để đẩy mạnh đấu tranh, phòng, chống chủ nghĩa cá nhân, các biểu hiện bè phái, cánh hẩu, cục bộ, địa phương chủ nghĩa, quan liêu, tham ô, tham nhũng, "lợi ích nhóm".
Bốn là, phát huy vai trò thông tin, định hướng của các cơ quan truyền thông để đẩy mạnh công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với và học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nâng cao vai trò phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân và nhân dân trong thực thi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và vai trò làm chủ của nhân dân trong giám sát đội ngũ cán bộ, đảng viên. Mỗi cấp ủy, mỗi cán bộ, đảng viên hướng về cơ sở, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, thực hiện có hiệu quả cơ chế dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát; đồng thời, mở rộng các hình thức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với từng đối tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị một cách phù hợp, coi đó là cơ sở để nhận xét, đánh giá, bổ nhiệm cán bộ, thiết thực phòng, chống và ngăn chặn "lợi ích nhóm" trong Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị./.
Theo tuyengiao.vn
Nguồn : Tạp chí Tổ chức Nhà nước, 20/05/2020
Ghi chú :
(1) Nguyễn Văn Mạnh : Một số ý kiến về "lợi ích nhóm" ở Việt Nam hiện nay, Noichinh.vn, ngày 01/8/2013.
(2), (3), (4), (5), (6) Hồ Chí Minh : Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011, t. 5, tr. 296, 88, 87-88, 318, 321.
(7) Nguyễn Phú Trọng : Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt để phát triển đất nước, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2017, tr. 90-91.
(8) Thực trạng, xu hướng và giải pháp phòng, chống "lợi ích nhóm" ở nước ta hiện nay, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2015, tr. 42.
(9) Đảng Cộng sản Việt Nam : Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H, 2016, tr. 202.
Một chuyên gia kinh tế Việt kiều sống ở Mỹ chỉ trích con đường kinh tế Việt Nam giai đoạn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nắm quyền.
Ông Bùi Quang Vinh (trái), nguyên Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, hiện là một thành viên Tổ tư vấn kinh tế và Cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Trong cuộc phỏng vấn với BBC News tiếng Việt tại London, Tiến sĩ Phạm Đỗ Chí, cựu quan chức cao cấp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cũng nói về con đường "Đổi Mới 2".
Đầu tiên, ông kể lại giai đoạn làm việc tại Việt Nam từ 2006 đến 2014, và đã chứng kiến các thay đổi ở Việt Nam khi đó.
Phạm Đỗ Chí : Khi về Việt Nam, ngoài vai trò chuyên gia kinh tế trưởng cho quỹ đầu tư VinaCapital trong một vài năm, và sau đó tôi cũng làm việc cho chương trình USAID với vai trò cố vấn kinh tế cho chương trình này. Và có thời gian tôi đã được mời làm vào ban tham vấn riêng về kinh tế cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Đây là khoảng thời gian lâu dài và hào hứng nhất trong giai đoạn tôi về làm việc ở Viêt Nam. Mình có thể hăng say, muốn đóng góp và mình có cả khả năng để đóng góp. Thế nhưng những điều mình đề nghị đóng góp có được nghe hay không thì lại là chuyện khác. Đây cũng chính là thời gian tôi cảm nhận được sự chua chát bởi những đóng góp cải cách của mình đã bị bỏ ngoài tai.
BBC : Nhưng giai đoạn ông về làm việc tại Việt Nam là giai đoạn hậu thời kỳ Đổi Mới ?
Phạm Đỗ Chí : Những thay đổi thời kỳ ông Dũng, do ảnh hưởng mạnh của các nhóm lợi ích, lại là các chính sách đi ngược thời Đổi Mới trước đó. Thời kỳ có chính sách Đổi Mới thực sự là dưới thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt và tiếp theo bởi Thủ tướng Phan Văn Khải. Phải nói rằng trong 10 năm trước khi ông Dũng lên làm thủ tướng thì chương trình Đổi Mới đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp.
Từ năm 2001 đến 2007 là chính sách kinh tế của Việt Nam là hoàn toàn thất bại và gây ra một loạt các vấn đề lớn cho cả nền kinh tế lẫn tài chính.
Tôi phải thành thật mà nói là nếu người ta có nghe là kinh tế và tài chính Việt Nam bây giờ sắp sụp đổ thì cũng không ngoa vì đó là kết quả của 7 năm thời ông Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng.
Tôi phải thành thật nói vậy. Trong những năm gần đây thì họ cố gắng gỡ rối những vấn đề của thời ông Dũng như nợ xấu ngân hàng, nợ công quốc gia và đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng. Nhưng có chuyện mà không ai có thể phủ nhận khiến kinh tế Việt Nam không thể có bước nhảy vọt là vấn đề tham nhũng.
BBC : Ông có thể nói cụ thể hơn về cái gọi là tham nhũng ?
Phạm Đỗ Chí : Chuyện này tôi nghĩ là đã được báo chí giai đoạn đó hay mới đây trình bày rất đầy đủ nhưng nói một cách tóm tắt với những ví dụ cụ thể nhất mà không ai có thể phủ nhận là những vấn đề như Vinashin, Vinalines gây ra nhưng thâm thủng lớn. Mới đây với những vụ án liên quan tới các ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh ….
Theo tôi thì có lẽ cái vụ lớn nhất chưa được khui ra đủ chính là vấn đề tài nguyên dầu hỏa của Việt Nam đi về đâu. Những vấn đề như Thủ Thiêm thì mình chưa được nghe đầy đủ để biết được cái tầm quan trọng về tài chính nhưng mà có cả các vụ như Mobifone mua AVG chưa kể các vụ án liên quan tới các ngân hàng khác nữa.
BBC : Theo ông nói thì những nhà lãnh đạo hiện nay đang khắc phục những gì được để lại từ giai đoạn đó ? Vậy đà cải cách nếu có là gì ?
Phạm Đỗ Chí : Với bao nhiêu vụ được khui ra mới đây thì đó là vấn đề lớn nhất của phát triển của Việt Nam. Theo tôi nếu không có những cải cách thể chế, hay nói theo kiểu bây giờ là lò đốt tham nhũng, một cách có thật và cụ thể thì khó mà có thể tiếp tục được việc cải cách kinh tế.
Việt Nam đã có những thành công sơ khởi cho giai đoạn khoảng 20 năm cải cách kinh tế nhưng nếu không có cải cách chính trị thì không thể tiếp tục cải cách kinh tế được. Do đó nan đề là sự lựa chọn của các nhà lãnh đạo.
Phải cải cách được thể chế một cách dân chủ thì mới cải cách được kinh tế cho giai đoạn tới. Tức là Đổi Mới lần hai.
Bây giờ để giải quyết tất cả những chuyện này thì cũng không thể dùng một vài biện pháp mà phải là cuộc cải cách thể chế toàn diện và đó là một quyết định chính trị mà đó liệu các nhà lãnh đạo của Việt Nam có dám can đảm lĩnh hội và thực hiện hay không.
Nếu chúng ta không tỉnh ngủ thì không thể giải quyết được những chuyện hiện giờ từ thể chế chính trị lẫn cải cách kinh tế.
Nguồn : BBC tiếng Việt thực hiện
Nếu không có cơ chế ngăn chặn, lợi ích nhóm (tiêu cực) phát triển sẽ làm suy thoái, tha hóa về đạo đức, lối sống của "một bộ phận không nhỏ" cán bộ, đảng viên (đặc biệt là những người có chức, có quyền).
Nhóm lợi ích chính trị và kinh tế
Theo nghĩa rộng, nhóm lợi ích (Interest Groups) là tập hợp các cá nhân có chung quan điểm, mục tiêu hành động đối với từng vấn đề xã hội và cùng nhau hiện thực hóa mục tiêu đó bằng cách tác động đến việc xây dựng chính sách của chính phủ. Theo nghĩa hẹp, nhóm lợi ích là những nhóm vận động hành lang, tác động đến chính phủ nhằm tìm kiếm những đặc quyền, đặc lợi cho phe nhóm của mình trong việc hoạch định và thực thi chính sách.
Ở các nước phương Tây, nhóm lợi ích chính trị được hiểu là tổ chức bao gồm nhiều thành viên của một xã hội có cùng quan điểm, cùng nhu cầu lợi ích chung liên kết với nhau theo một chế độ tự nguyện, hoạt động ảnh hưởng ở mức độ nhất định, phương thức nhất định tác động đến quyền lực nhà nước vì lợi ích, nhu cầu các thành viên của nhóm hoặc phục vụ cho quyền lợi chung của cộng đồng.
Các nhóm lợi ích chính trị là hình thức bổ sung cho quyền đại diện ở nghị viện, là một mắt xích quan trọng trong cơ chế thực hiện và chuyển hóa quyền lực chính trị, giữ vai trò trung gian giữa chính quyền và công dân, phản ánh thái độ của các nhóm người khác nhau trong xã hội đối với nhà nước.
Nhóm lợi ích kinh tế là tổ chức tập hợp tự nguyện của những chủ thể có cùng quan điểm, mục tiêu kinh tế nhằm tác động đến quá trình hoạch định và thực thi chính sách của chính phủ để tìm kiếm lợi ích cho nhóm của mình hoặc lợi ích chung của cộng đồng.
Phương thức hoạt động của nhóm lợi ích chính trị và nhóm lợi ích kinh tế chủ yếu là "vận động hành lang" (với quy trình tìm cách tiếp xúc ; thông tin - thuyết phục các vấn đề đang được yêu cầu ; huy động cử tri - thông qua quan hệ, điện thoại, thư tín, báo chí ; ủng hộ các cuộc vận động bầu cử) ; hoạt động điều trần trước các nhà lập pháp, gửi các kiến nghị, chất vấn hoặc các kết quả nghiên cứu, thông tin đến chính phủ và quan chức có liên quan ; tài trợ cho các ứng cử viên tranh cử vào các cơ quan lập pháp, hành pháp ; tham gia hoặc phản biện các dự án luật…
Nhóm lợi ích (tiêu cực) sẽ kìm hãm sự phát triển của đất nước. Ảnh minh họa
Hai mặt của nhóm lợi ích
Khách quan mà xét, các nhóm lợi ích kinh tế đều có sự tác động tích cực và tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia, đến việc trình hoạch định và thực thi chính sách của chính phủ.
Ở khía cạnh tích cực, các nhóm lợi ích kinh tế cũng đã góp một phần nhỏ vào việc hình thành và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội thông qua những kiến nghị nhiều chính sách quan trọng, kể cả tham gia soạn thảo các dự án luật. Các nhóm lợi ích kinh tế cũng đã cung cấp rất nhiều thông tin quan trọng cho các cơ quan soạn thảo và ban hành chính sách về tính thực tiễn, nhu cầu cấp thiết (thông qua khảo sát của các hiệp hội), các tiêu chuẩn kỹ thuật – pháp lý thuộc lĩnh vực chuyên môn nghề nghiệp.
Các nhóm lợi ích kinh tế còn góp phần làm cho chính sách đi vào thực tiễn cuộc sống và khắc phục sự tha hóa quyền lực của các quan chức thông qua hoạt động giám sát và phản biện xã hội. Điều đó cho thấy không phải tất cả lợi ích nhóm đều xấu, bởi vì trên thực tế có nhiều lợi ích nhóm phục vụ cho lợi ích của cộng đồng như nhóm bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ quyền lợi của nông dân, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…
Ở khía cạnh tiêu cực, khi các nhóm lợi ích bằng mọi cách, thủ đoạn để đạt lợi ích riêng (có tính đặc quyền, đặc lợi) ; xâm phạm nghiêm trọng đến lợi ích chung của cộng đồng, xã hội, quốc gia… thông qua việc lợi dụng quan hệ "thân hữu" (cánh hẩu) để trục lợi chính sách trên các lĩnh vực (nhiều người hay ví von đó là chủ nghĩa tư bản thân hữu - crony capitalism).
Ở lĩnh vực kinh tế, đó là việc trục lợi trong hoạt động quản lý và sử dụng đất đai (trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai ; chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất…) ; trong đầu tư công (trong đầu tư xây dựng cơ bản, đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước, mua sắm tài sản công) ; trong khai thác tài nguyên khoáng sản (từ việc cấp phép đến việc khai thác) ; trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng (liên kết để thâu tóm trái pháp luật các ngân hàng thương mại của một số nhóm cổ đông lớn trong các ngân hàng ; ưu ái trong việc bảo lãnh, cấp tín dụng đối với các doanh nghiệp nhà nước ; thông qua sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng…) ; trong hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước...
Ở lĩnh vực chính trị, đó là hiện tượng lobby việc ban hành nghị quyết, quyết định, kết luận của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp (trên các lĩnh vực quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, giao đất, giao rừng, khai thác khoáng sản..) ; trục lợi trong công tác tổ chức, cán bộ và hoặc động kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán (thể hiện thông qua việc vụ lợi trong hoạt động tham mưu, trong việc tiếp nhận, bố trí công tác, luân chuyển, bổ nhiệm, đề bạt – các biểu hiện về cái gọi là "đúng quy trình" trong thời gian qua là minh chứng điển hình ; dọa dẫm, gợi ý chung chi khi phát hiện có dấu hiệu sai phạm…).
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII cũng đã chỉ rõ các biểu hiện của "lợi ích nhóm" này, như : "…tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc bố trí, sắp xếp vào vị trí có nhiều lợi ích… Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực. Thao túng trong công tác cán bộ ; chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội... Sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi…" [1].
Nguyên nhân của sự hình thành và phát triển "lợi ích nhóm" (tiêu cực) là do chúng ta đang thiếu một hành lang pháp lý để phát huy tính tích cực và hạn chế mặt tiệu cực của lợi ích nhóm ; sự không minh bạch và thiếu tính khoa học trong quy trình hoạch định và thực hiện các chính sách ; hoạt động quản lý quan liêu ; cơ chế "xin – cho" ; thói quen chấp nhận sự cộng sinh và thỏa hiệp với sai trái ; sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và sự yếu kém trong hoạt động của một số tổ chức Đảng ; sự không rõ ràng, rành mạch về thẩm quyền và trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị ; cơ chế giám sát, kiểm soát nhiều khi còn hình thức…
Nếu không có cơ chế ngăn chặn, lợi ích nhóm (tiêu cực) phát triển sẽ kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương, đơn vị, cơ quan ; làm suy thoái, tha hóa về đạo đức, lối sống của "một bộ phận không nhỏ" cán bộ, đảng viên (đặc biệt là những người có chức, có quyền). Điều đó sẽ làm suy giảm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng, chế độ [2].
Hạn chế tiêu cực "lợi ích nhóm"
Để phòng ngừa, hạn chế mặt tiêu cực của "lợi ích nhóm" cần thực hiện đồng bộ các giải pháp :
Xây dựng cơ chế công khai, minh bạch, dân chủ trong hoạch định và thực thi đường lối, chủ trương, chính sách ; xóa bỏ cơ chế "xin – cho", sự độc quyền trên một số lĩnh vực về kinh tế.
Hoàn thiện chính sách, pháp luật của nhà nước nhằm ngăn chặn, phòng ngừa việc lợi dụng kẻ hở của pháp luật để trục lợi ; hoàn thiện các quy định pháp luật về hội, luật vận động hành lang, luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, luật tiếp cận thông tin, luật chống độc quyền.
Xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát người đứng đầu thật rõ ràng, rành mạch. Công khai, minh bạch trong công tác tuyển chọn, tiếp nhận, bố trí công tác, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ và thường xuyên thực hiện công tác luân chuyển cán bộ ở các lĩnh vực, vị trí nhạy cảm.
Xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh ; tăng cường công tác quản lý, giám sát, cán bộ đảng viên (nhất là những người đứng đầu) ; lãnh đạo đấu tranh quyết liệt, có hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, suy thoái về đạo đức lối sống của cán bộ đảng viên ; chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể ; coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh [3].
Thường xuyên giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên ; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập Nghị quyết hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, XII và Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Tăng cường hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân, nâng cao vai trò làm chủ của công dân.
PGS, TS Lê Văn Đính
Trưởng khoa Chính trị học – Học viện Chính trị khu vực III
Nguồn : VietnamNet, 21/04/2017
------
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (Nghị quyết số 4 – NQ/TW) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Hà Nội ngày 30 tháng 10 năm 2016.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội 2016, Trang 68
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Nxb CTQG. Hà Nội 2016, tr 128.
Các doanh nghiệp cho rằng trong Nghị quyết 19 có rất nhiều nhóm thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực xuất nhập khẩu, tiếp cận đất đai, tín dụng... đang khiến họ phải "mòn mỏi" chờ cải cách.
Việc cải thiện môi trường kinh doanh vẫn gặp nhiều rào cản
Doanh nghiệp "vạch" điểm yếu của Nghị quyết 19
Hơn 200 đại biểu đến từ các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp có mặt tại Hội nghị triển khai Nghị quyết 19/2017 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia ngày 10.3. Đại biểu nêu ý kiến về các nhiệm vụ, giải pháp và cách thức thực hiện Nghị quyết 19/2017 ; kết quả và những bài học kinh nghiệm triển khai Nghị quyết 19 trong 3 năm qua.
Trong 3 năm gần đây, thứ hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam liên tục được cải thiện. Năm 2016 đã tăng 9 bậc (từ vị trí 91 lên vị trí 82). Tuy vậy, tốc độ triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong Nghị quyết 19 còn chậm, kết quả đạt được hàng năm chỉ là "một phép cộng đơn giản, tính trên đầu ngón tay" nên nhiều mục tiêu đề ra chưa đạt được. Chưa thu hẹp khoảng cách về chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh so với các quốc gia trong khu vực ASEAN.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh : TN
Ông Đào Huy Giám - Tổng thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) cho biết trong thực thi Nghị quyết 19 còn nhiều bất cập ở từng ngành. Nghị quyết đã nêu rõ thực trạng, tiêu chí cụ thể cần đạt được, nhưng hành động của các cơ quan hữu quan còn lúng túng.
Ông Giám lấy ví dụ cụ thể trong tiến trình thực hiện Nghị quyết 19, yêu cầu điện tử hóa các giao dịch hành chính, thực hiện thủ tục hành chính để tạo môi trường kinh doanh trong sạch, lành mạch, hạn chế các tiếp xúc trực tiếp giữa cơ quan công quyền với người dân, doanh nghiệp và việc đưa vào vận hành Cổng hải quan một cửa quốc gia là trọng tâm.
Tuy nhiên, kết quả chuyển đổi hình thức thực hiện các thủ tục hành chính mảng xuất nhập khẩu từ nộp hồ sơ giấy lên thành hồ sơ điện tử trên Cổng một cửa quốc gia là quá ít, hình thức (chỉ nộp đơn điện tử, nộp trực tiếp bản giấy với bộ hồ sơ còn lại). Doanh nghiệp chưa nhận thấy có động thái nghiên cứu, cải thiện từ phía các bộ chuyên ngành.
"Theo tôi, lợi ích nhóm được nhìn nhận là một trở ngại chính. Gạt bỏ được lợi ích nhóm, hoàn toàn có thể thực hiện tốt được chỉ đạo của Chính phủ ; và cộng đồng doanh nghiệp mong chờ các bộ, ngành chứng minh điều đó", vị này nói.
Nêu một ví dụ khác về những khó khăn mà doanh nghiệp phải gánh, ông Giám cho biết Điều 192 Bộ Luật Hình sự, Thông tư 20 về nhập khẩu xe ô tô ; thuế nhà thầu áp dụng với hàng hóa gửi kho ngoại quan đang gây ra những hậu quả nặng nề với doanh nghiệp kinh doanh kho ngoại quan do sụt giảm lượng hàng hóa gửi từ các doanh nghiệp nước ngoài.
"Hơn thế nữa có bộ, ngành, địa phương vẫn ban hành các chính sách và quy định mới gây khó khăn và tạo gánh nặng rất lớn cho doanh nghiệp. Điều này cho thấy Nghị quyết 19 chưa thật sự được quán triệt như là phương châm của các cấp, ngành, địa phương trong quản lý hướng tới phát triển. Thay vì tầm nhìn để nâng cao năng lực cạnh tranh cho quốc gia, sức cạnh tranh của doanh nghiệp lại là lợi ích cục bộ để biện hộ cho chính sách đi ngược tiến trình chung" đại diện VPSF cho biết
Ông Trần Việt Huy - CEO Công ty cổ phần vận tải và dịch vụ hàng hải TRA-SAS nêu ra 2 vấn đề ảnh hưởng lớn đến môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Thứ nhất là phí cơ sở hạ tầng tại Hải Phòng. Vấn đề này hiện quá bất cập và làm mất lòng tin trong cộng đồng. Phí chồng phí (trong khi xăng dầu có lệ phí giao thông, xe cũng bị lệ phí giao thông, lại còn phí hạ tầng).
Thứ hai là cách áp dụng mới về xác định trị giá hải quan nhằm tính thuế xuất nhập khẩu. Cụ thể, ngành Hải quan xây dựng danh mục hàng hóa nhập khẩu rủi ro về trị giá ; nếu giá nhập khẩu thấp hơn thì doanh nghiệp phải trải qua "quy trình tham vấn phức tạp". Tuy nhiên, theo ông Huy, việc hướng dẫn áp dụng danh mục nêu trên là kéo lùi lại sự minh bạch, công bằng khi tính thuế nhập khẩu, lùi lại thời điểm khi Việt Nam chưa gia nhập WTO với việc sử dụng "Danh mục giá tối thiểu".
Về phía Hiệp hội phân bón Việt Nam, ông Nguyễn Hạc Thúy (Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký hiệp hội) cho biết vấn đề bất cập trong môi trường kinh doanh của doanh nghiệp trong ngành là sự "không ăn khớp" giữa quyết định của Chính phủ và Thông tư của Bộ Công Thương.
Theo ông Thúy, từ năm 1990 đến năm 2000 nước ta xảy ra nhiều cơn sốt nóng và sốt lạnh về phân bón. Lý do nhập khẩu phân bón đều áp dụng giấy phép hạn ngạch đã gây rất nhiều khó khăn cho các thương nhân nhập khẩu, và gây rối loạn thị trường làm thiệt hại nhiều cho nông dân.
Trước tình hình đó, Chính phủ đã có Quyết định 46/QĐ-TTg bãi bỏ giấy phép hạn ngạch nhập khẩu các loại phân bón. Từ đó năm 2000 đến nay, việc nhập khẩu phân bón đã trở nên thông thoáng, nhanh nhạy, tạo nhiều cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp. Đặc biệt cải thiện cơ bản thị trường phân bón lành mạnh.
Tuy nhiên, sau đó Bộ Công thương lại có sáng kiến ban hành Thông tư 35/2014/TT-BCT ngày 15.10.2014 quy định áp dụng chế độ cấp giấy phép nhập khẩu tự động đối với một số mặt hàng phân bón và qui định cảng nhập khẩu.
Nếu thực hiện Thông tư 35 thì vi phạm, trái với Quyết định 46/QĐ-TTg của Chính phủ và thương nhân gặp rất nhiều khó khăn. Không chỉ đi ngược lại quyết định của Chính phủ, quy trình và hồ sơ xin giấy phép nhập khẩu theo Thông tư 35 của Bộ Công Thương còn đẩy thương nhân nhập khẩu vào tình thế phải làm trái luật vì phải hoàn tất thủ tục nhập khẩu đối với nước ngoài trước khi xin phép.
Cần để "tiếng nói" của doanh nghiệp đến Chính phủ
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết 4 năm qua, Chính phủ liên tục ban hành Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, và thực tế cho thấy Việt Nam đã tăng 9 bậc, từ vị trí 91 năm 2016 lên vị trí 82 năm 2017 - vị trí cao nhất mà Việt Nam đạt được trong 10 năm trở lại đây.
Đồng tình với quan điểm của Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, TS.Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thẳng thắn nhìn nhận môi trường kinh doanh của Việt Nam thời gian qua đã có cải thiện nhưng vẫn còn khoảng cách xa so với mục tiêu ASEAN 4 (khoảng thứ 43).
Ghi nhận những kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội và giới chuyên gia, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hồi đáp : Nghị quyết 19 có nhiều yếu tố để gián tiếp giải tỏa những bức xúc hiện nay của doanh nghiệp mà trực tiếp là việc các bộ phải thực hiện. Qua đó, cần cải thiện được môi trường kinh doanh, gỡ khó cho doanh nghiệp thì phải từ bỏ những "lợi ích cục bộ" của bộ, ngành, lợi ích cá nhân của cán bộ thực hiện thì mới có được những chính sách tốt.
"Nếu môi trường kinh doanh không cải thiện vượt lên, cứ tà tà như những năm vừa rồi thì chắc chắn không hài lòng. Vì vậy vấn đề không phải là có làm được không mà phải làm mới cơ hội để thành công". Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh doanh nghiệp có lòng tin để nói ra những bức xúc thì cần có cơ chế để tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp đến với Chính phủ và các bộ, ngành.
"Tuy nhiên, doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp cũng cần phải tin rằng Chính phủ thực sự muốn nghe, không phải nghe để đấy. Có những thắc mắc ở chính sách, văn bản, ở người thực thi cần được doanh nghiệp chỉ ra. Bên cạnh đó, các hiệp hội doanh nghiệp cần có kiến nghị sửa đổi để giúp Chính phủ tiếp thu, điều chỉnh kịp thời hơn". Phó Thủ tướng cho biết.
Tuyết Nhung
Những tòa nhà cao ốc quanh Sài Gòn - Ảnh minh họa.
Mới đây, Văn phòng Chính phủ vừa có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc đầu tư xây dựng công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử của Hà Nội. Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội chỉ đạo tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng công trình cao tầng theo quy hoạch chung xây dựng thủ đô, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử của Hà Nội ; xử lý đúng thẩm quyền, theo đúng quy định của pháp luật. Ông Phúc nhấn mạnh rằng "không vì lợi ích trước mắt, lợi ích nhóm mà quên lợi ích cộng đồng. Nếu không sớm khắc phục thì sau này ngân sách Nhà nước đổ vào không đủ để giải phóng mặt bằng, làm hạ tầng để chống ùn tắc giao thông".
Thật ra vấn nạn cấp phép xây dựng các khu cao ốc tràn lan không phải là mới, nhưng cái mới ở đây có lẽ là việc ông Phúc nhắc đến khái niệm "lợi ích nhóm" vốn khá nhạy cảm và hiếm khi được một quan chức Nhà nước cấp cao nói đến. Việc các thành phố lớn xây dựng cao ốc làm thay đổi diện mạo thành phố, có hiệu ứng tích cực trong việc thu hút đầu tư, phát triển du lịch và thậm chí là tiền đề cho các hoạt động dịch vụ, thương mại phát triển. Tuy nhiên, lợi ích cụ thể, tức "cơm gạo" vào túi của ai và về hiệu quả tổng thể lâu dài ra sao mới là câu hỏi quan trọng.
Không thể phủ nhận một thực tế là "lợi ích nhóm" đã và đang tồn tại ở Việt Nam trong nhiều lĩnh vực và ngay cả trong hoạt động quy hoạch xây dựng các công trình cao tầng ở Hà Nội, mặc dù ông Phúc chỉ nhắc đến chứ không nêu rõ những đối tượng cụ thể. Hiện nay lợi ích trong ngành này tập trung nhiều vào các tập đoàn xây dựng, nhất là khi các khu cao ốc được xây dựng tại những địa điểm đắt địa nhất của thành phố, bất chấp nguy cơ phá vỡ các quy hoạch tổng thể, ảnh hưởng đến hệ thống giao thông, hệ thống tiện ích, các hoạt động giải phóng mặt bằng. Thực trạng này trái ngược hẳn với chủ trương chung là giảm hạ tầng từ vùng trung tâm ra vùng rìa thành phố nhằm giảm tải áp lực phân bố dân cư. Chính Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường, đã trả lời trên báo Dân Việt rằng "Quy hoạch hiện nay đang rất mất cân đối, không bảo đảm được sức tải của không gian. Trong vấn đề này, có biểu hiện là chúng ta chiều theo ý của nhà đầu tư nhiều hơn là bảo vệ cảnh quan đô thị của Hà Nội. Chính vì vậy, có những nơi ở Hà Nội chúng ta chất tải khu chung cư quá nhiều". Vị này giải thích thêm rằng điều này thể hiện sự yếu kém trong cách điều chỉnh quy hoạch của Việt Nam. Phải thừa nhận rằng nhiều khi quy hoạch được ngành chức trách làm tốt, nhưng tới quá trình triển khai, điều chỉnh quy hoạch, cơ quan ban ngành lại chiều theo mong muốn, ý định của nhà đầu tư. Nhiều trường hợp, chính quyền đã cắt đi khá nhiều không gian công cộng, dẫn tới không đảm bảo về hạ tầng, môi trường. Chính vì vậy, không gian và sức chịu tải ở nhiều khu chung cư quá lớn, không đảm bảo được điều kiện sống cho người dân và giao thông đô thị. Làm như vậy có nghĩa là chiều theo lợi ích riêng của các nhà đầu tư nhiều hơn lợi ích chung củ a thành phố. Mở rộng ra có nghĩa là lợi ích của nhà đầu tư được đặt trên lợi ích chung của quốc gia.
Tuy nhiên, nói đi cũng cần nói lại. Việc phát triển cao ốc cũng có thể mang lại những lợi ích mang tính tổng thể nếu nó nằm trong một quy hoạch chung. Lấy ví dụ như Singapore. Đây là quốc gia phát triển hệ thống cao ốc chung cư hiện đại, đi kèm với hệ thống viễn thông, giao thông công cộng, điện-nước... rất tiện dụng. Singapore đã trở thành quốc gia có GDP cao, là trung tâm kinh tế tài chính của Châu Á cũng một phần là nhờ có những quy hoạch đô thị mang tính toàn diện và bền vững, đặt lợi ích của thành phố lên trên tất cả.
Để có một bản vẽ thành phố được quy hoạch chỉnh chu với hệ thống cao ốc đồng bộ với mức dàn trải của dân cư, hệ thống dịch vụ tiện ích, hệ thống giao thông... không phải là quá khó với Việt Nam trước đây, ít nhất là từ sau khi Việt Nam "đổi mới" với sự du nhập của các giá trị tri thức, vốn và nhân lực chất lượng cao từ khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên hơn 30 năm qua, bản quy hoạch tổng thể ấy bị ảnh hưởng bởi nhiều lý do : tư duy quản lý ngắn hạn theo nhiệm kỳ ; sự can thiệp của lợi ích nhóm (mà các vi phạm quy hoạch là những dấu hiệu cụ thể) đã khiến quy hoạch đô thị chung của các thành phố lớn bị vỡ vụn. Người nhìn vào bản vẽ hay người dân sống tại đây thấy mức ảnh hưởng mang tính địa vị và quyền lực của các tập đoàn bất động sản, các ông trùm trong ngành kinh doanh dịch vụ nhà đất, trung tâm thương mại... nhiều hơn là thấy những lợi ích đến với họ (một môi trường giao thông thuận lợi ; hệ thống điện – nước tốt ; môi trường trong lành ; hay thu nhập cải thiện đáng kể...).
Tôi nhớ gió từ sông Sài Gòn. Nhiều năm trước, gió từ sông Sài Gòn vào khu vực trung tâm thành phố như chợ Bến Thành vốn là những cơn gió mát lành xua tan đi cái ngột ngạt của những hoạt động thường nhật. Việc xây dựng những cao ốc chằng chịt thiếu những quy hoạch hiệu quả vừa phá vỡ không gian thóa ng đãng, vừa đang dần dần biến Sài Gòn thành một khối bê tông nóng hừng hực. Phải chăng lợi ích nhóm đang lên ngôi như các cao ốc đang mọc lên như nấm ngoài kia ?
Cao Huy Huân