Nghi vấn hai quan chức là Đinh Tiến Dũng và Nguyễn Xuân Phúc đã có chủ ý riêng của lợi ích nhóm khi ban hành Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, và trước đó là Nghị định 163/2018/NĐ-CP.
Hai ông Đinh Tiến Dũng và Nguyễn Xuân Phúc - Ảnh minh họa
Cả hai nghị định kể trên đều cùng nội dung là quy định về việc chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam, và việc chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Cả hai nghị định này không điều chỉnh việc chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng tại thị trường trong nước theo quy định của Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14.
Và câu chuyện bắt đầu từ chuyện "không điều chỉnh…" đó.
Ở Nghị định 153/2020/NĐ-CP và Nghị định 163/2018/NĐ-CP đều có chung "Điều 5. Nguyên tắc phát hành và sử dụng vốn trái phiếu" có một nội dung mà thời gian qua các doanh nghiệp đã vận dụng để ‘gom vốn’ đưa đến những đe dọa đổ vỡ được bắt đầu được dư luận biết đến từ bê bối trong trúng giá thầu đất đai ở khu đô thị Thủ Thiêm.
Nội dung như sau :
"1. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và đảm bảo khả năng trả nợ.
2. Mục đích phát hành trái phiếu bao gồm : để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư ; tăng quy mô vốn hoạt động ; cơ cấu lại nguồn vốn của chính doanh nghiệp hoặc mục đích phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Doanh nghiệp phải nêu cụ thể mục đích phát hành tại phương án phát hành theo quy định tại Điều 13 Nghị định này và công bố thông tin cho nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu. Việc sử dụng vốn huy động từ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp phải đảm bảo đúng mục đích theo phương án phát hành và nội dung công bố thông tin cho nhà đầu tư.
3. Đối với phát hành trái phiếu xanh, ngoài các quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, nguồn vốn từ phát hành trái phiếu phải được hạch toán, quản lý theo dõi riêng và giải ngân cho các dự án thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường, dự án mang lại lợi ích về môi trường theo phương án phát hành đã được phê duyệt".
Một báo cáo do Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi ký phát hành vào tháng mười năm ngoái, cho biết, ở 10 tháng đầu năm 2022, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt 328,9 ngàn tỉ đồng, giảm 25,2% so với cùng kỳ năm 2021 và có xu hướng giảm dần qua các quý.
Số liệu đáng lưu ý tiếp theo là 46,48% trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phát hành có tài sản đảm bảo. Tỷ lệ 53,52% không có tài sản đảm bảo, chủ yếu là trái phiếu của các tổ chức tín dụng. Các tổ chức tín dụng là nhóm phát hành lớn nhất chiếm 41,34% tổng khối lượng phát hành. Các doanh nghiệp bất động sản chiếm 28,27% và xây dựng 7,8%.
Cuối cùng, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp mua lại trước hạn 152,2 ngàn tỉ đồng tăng 49,6%.
Theo ông Chi, Bộ Tài chính đánh giá sau vụ việc sai phạm tại Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát, thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện đang gặp khó khăn, khối lượng phát hành mới sụt giảm, nhà đầu tư bán lại trước hạn nhiều, khối lượng mua lại lớn. Tin đồn khó khăn của một số tập đoàn cũng ảnh hưởng đến thị trường.
Vấn đề lớn nhất ở đây của quy định "Doanh nghiệp phát hành trái phiếu theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và đảm bảo khả năng trả nợ", đó là ở Việt Nam lâu nay đi tìm thông tin tài chính và chuyện làm ăn minh bạch của các doanh nghiệp là một nan đề.
Khi các vụ án tham nhũng được công khai trên báo chí, người dân mới biết được trong chừng mực theo ý đồ từ cơ quan điều tra, đó là những ai thuộc nhóm "sân sau" chống lưng cho các doanh nghiệp đang nổi đình nổi đám trên thương trường.
Sở dĩ gọi là "trong chừng mực theo ý đồ", vì như vụ đại án Việt Á chẳng hạn, đến nay vẫn chưa thấy công khai cổ đông cụ thể nào đang sở hữu 80% vốn ở Việt Á…
Hàn Lam
Nguồn : VNTB, 12/02/2023