Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

01/10/2024

Việt Nam khó có thể tránh ‘lợi ích nhóm’ khi xây dựng luật

RFA tiếng Việt

Ông Trần Thanh Mẫn - Chủ tịch Quốc hội Việt Nam mới đây cho rằng việc kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật thời gian qua được đặc biệt chú trọng. Mục tiêu cao nhất của điều này là ngăn ngừa, không để xảy ra tình trạng "tham nhũng chính sách", lồng ghép lợi ích nhóm khi làm luật.

loiichnhom1

Ông Trần Thanh Mẫn - Chủ tịch Quốc hội Việt Nam. AFP.

Luật sư Nguyễn Văn Đài từ Đức quốc hôm 10/01 nói với RFA :

"Điều này không khả thi, bởi vì đối với các nước dân chủ đa đảng thì việc làm luật do Quốc hội làm luật, chứ không giao cho các bộ làm luật. Nhưng ở Việt Nam thì Quốc hội chỉ xem xét và thông qua, công việc xây dựng các văn bản luật là do các bộ chuyên ngành làm. Khi các bộ được giao như vậy thì họ luôn luôn cài cắm lợi ích của họ trong các dự án luật. Và trong quá trình cài cắm đấy, họ lại vận động các đơn vị để ủng hộ cho những lợi ích đó".

Theo Luật sư Đài, với cách làm luật hiện nay mà không cải tiến lại, thì không bao giờ có thể chống được việc cài cắm chính sách trong việc làm luật, do đó dễ dẫn đến nạn tham nhũng. Ông Đài nói tiếp :

"Nạn tham nhũng ở Việt Nam được các nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng cộng sản Việt Nam tự nhận là quốc nạn. Thường tham nhũng đi theo cả ê kíp, nó vừa theo hàng dọc từ trung ương đến địa phương, rồi theo hàng ngang các tỉnh thành phố liên kết với nhau, hay các bộ ngành… Hầu hết các vụ tham nhũng ví dụ như ‘chuyến bay giải cứu’ có đến năm bộ tham gia vào đường dây tham nhũng đấy ; hay vụ kit test Việt Á có đến 61/63 tỉnh thành phố nằm trong cả đường dây như vậy… Cho nên việc tham nhũng theo nhóm là không bao giờ thay đổi được".

Thứ hai, ông Đài cho rằng, hệ thống chính trị vốn bản thân sinh ra tham nhũng rồi, nên cho dù giới lãnh đạo Việt Nam hô hào thế nào… chỉ với mục đích là để đi lừa dối người dân. Chứ còn trong thực chất thì tham nhũng Việt Nam chỉ có thể kết thúc, khi kết thúc chế độ sinh ra tham nhũng.

Thực tế vấn đề này như thế nào ? Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Thanh Hóa khi trả lời RFA liên quan vấn đề cho biết :

"Quốc hội Việt Nam cũng đã nhiều lần sửa đổi, tuy nhiên do các nhóm lợi ích chi phối nên từ luật pháp đến thực thi có nhiều trở ngại và vướng mắc. Với lại hướng dẫn thực thi ở Việt Nam thường chỉ dựa vào nghị định hay thông tư để thực hiện mà Quốc hội lại không giám sát được các vi phạm pháp luật. Cho nên họ lợi dụng những sơ hở của pháp luật để thực hiện lợi ích nhóm là chỗ đó".

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường từ năm 2002 đến năm 2007, khi trả lời RFA cho biết lợi ích nhóm trong luật, thấy rõ nhất là trong luật đất đai :

"Việc cài cắm thì tôi không biết cụ thể thế nào, nhưng nhìn trong luật, nhất là luật đất đai thì điều này thấy rất rõ. Riêng chuyện giá đất phải theo thị trường, rồi những người được Nhà nước giao đất thì cũng phải xác định giá đất phù hợp thị trường mà người đó phải trả... nhưng trên thực tế việc giao đất thường giá thấp hơn thị trường rất nhiều. Việc xác định giá đất do cơ quan Nhà nước tiến hành, và do không quy định chặt chẽ, không quy định thế nào là phù hợp thị trường, thì nó dẫn đến chuyện là giá đất xộc xệch và nhiều người giàu lên nhờ đất".

Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, riêng những ví dụ vừa nêu của ông cũng đủ để kết luận rằng chắc chắn có "cái gì đó" về lợi ích nhóm tác động vào hệ thống pháp luật :

"Nếu không nói là có sự cài cắm lợi ích nhóm vào pháp luật đất đai thì cũng không có thể giải thích bằng con đường nào khác. Chính vì vậy, nếu vạch ra cụ thể quá trình vận động chính sách, vận động pháp luật, để pháp luật cứ mù mờ đi, thì chắc chắn sẽ khó kết luận ai đã làm và làm như thế nào ?"

Không chỉ việc cài cắm lợi ích nhóm, tại Việt Nam thường có chuyện Quốc hội phải thông qua luật mà Bộ chính trị đã quyết. Việc này thể hiện rõ tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc sáng 16 tháng 4 năm 2018 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội lúc đó nói công khai tại nghị trường rằng : "Bộ Chính trị đã kết luận rồi, dự thảo luật không trái Hiến pháp, phải bàn để ra luật chứ không thể không ra luật".

Không phải họ sửa cho người dân, cái sửa này cũng mang tính tạm bợ, bởi vì mỗi lần sửa luật như vậy phải trình Quốc hội mất thời gian… Thế là họ mới ban hành những nghị định, những thông tư… để chữa cháy tạm thời.
-Một Nhà báo ở Việt Nam

Một nhà báo ở Việt Nam không muốn nêu tên vì lý do an toàn hôm 1/10 nhận định với RFA :

"Thứ nhất, soạn luật ở Việt Nam theo nghị quyết đảng chứ không phải từ thực tế đòi hỏi. Thứ hai, Đảng cộng sản Việt Nam thì hầu như không có gì thay đổi, căn bản vẫn dựa trên chủ nghĩa Mác-Lênin. Mà chủ nghĩa Mác-Lênin thì không có chủ trương quản trị xã hội theo luật, mà dựa trên chuyên chính vô sản. Thứ ba, thực tế nửa thế kỷ qua đảng cộng sản Việt Nam không có gì thay đổi về tư tưởng, mà tư tưởng là cái căn bản nhất, quyết định nhất, để soạn luật cũng như hiến pháp".

Thứ tư, theo nhà báo này, luật của Việt Nam có thể nói là toàn bộ dựa trên luật cũ, tức là những bộ luật trước đây… Và mỗi khi thay đổi chỉ sửa những cái bị vướng mắc, chứ không phải sửa dựa trên một hệ tư tưởng mới. Vì vậy nhà báo này cho rằng luật ở Việt Nam dù gọi là mới thì nó vẫn mang tính chắp vá. Ông nói tiếp :

"Thứ năm, vướng mắc trong luật mà khiến họ phải sửa thì là vì do luật được soạn trên trường phái duy ý chí. Tức là họ nghĩ ra cái này, cái kia hay, rồi soạn luật và đem ra thi hành. Vì dựa trên tường phải duy ý chí như vậy, nên bị vướng do chính quá trình thực hiện luật của cơ quan công quyền, chứ không phải là vướng từ người dân. Thành ra khi vướng thì công việc bị ngưng trệ cho bộ máy công quyền, thì họ buộc phải sửa. Chứ không phải họ sửa cho người dân, cái sửa này cũng mang tính tạm bợ, bởi vì mỗi lần sửa luật như vậy phải trình Quốc hội mất thời gian… Thế là họ mới ban hành những nghị định, những thông tư… để chữa cháy tạm thời".

Và như vậy có thể nói cái quan trọng nhất trong việc soạn luật để ngăn ngừa tham nhũng chính sách, thì theo vị nhà báo này là cách tiếp cận sai hoàn toàn vấn đề. Bởi vì luật soạn ra không phải để ngăn ngừa tham nhũng chính sách, mà luật được soạn ra phải có hệ tư tưởng và có giá trị cho thực tế, chứ không phải luật làm chức năng của cảnh sát…. Đây là cách tiếp cận sai hoàn toàn, nó không phải là tinh thần của một nhà chuyên môn soạn luật.

Nguồn : RFA, 01/10/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 109 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)