Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

29/05/2022

Bóng Việt Á vẫn còn đè nặng trên cơ chế mua sắm tài sản công

Tử Long, Lê Hoàng, Hà Nguyên, Cát Tường

Trung tâm mua sắm tài sản công sẽ giúp tránh các phiên bản Việt Á trong tương lai ?

Tử Long, VNTB, 29/05/2022

Trung tâm mua sắm tài sản công sẽ có quy chế phối hợp với các cơ sở y tế trong mua sắm, sử dụng và điều phối.

vieta1

Mới đây, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh gửi Thường trực UBND Thành phố Hồ Chí Minh, đề xuất lập trung tâm mua sắm tập trung thuốc và thiết bị y tế trực thuộc UBND Thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động song song Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản (Sở Tư pháp).

Trước đó năm 2014, Thành phố Hồ Chí Minh từng có Trung tâm mua sắm hàng hóa và tài sản công của ngành y tế (thuộc Sở Y tế), để cung ứng và điều phối thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị. Sở Y tế là chủ đầu tư, phê duyệt hồ sơ mời thầu, lựa chọn nhà thầu. Giai đoạn 2014-2016, trung tâm này tổ chức 6 gói thầu thuốc với hơn 5.600 mặt hàng trị giá 20.200 tỷ đồng ; 9 gói thầu vật tư y tế với gần 4.200 mặt hàng trị giá hơn 2.800 tỷ đồng và 12 gói thầu trang thiết bị trị giá gần 370 tỷ đồng…

Theo Sở Y tế, ưu điểm của đấu thầu tập trung là công khai, minh bạch, hạn chế sai sót, giảm lãng phí, danh mục mua sắm và giá hợp lý, thống nhất. Song thời điểm đó, trung tâm chưa độc lập với cơ sở y tế nên khó đảm bảo tính khách quan. Nhân sự thực hiện chỉ 18 người so với nhu cầu là 30, hầu hết kiêm nhiệm…

Đến tháng 10/2017, trung tâm này bị giải thể. Từ đó đến nay, 78 đơn vị y tế công của thành phố tự mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế với tổng giá trị 14.000 tỷ đồng. Việc tự mua sắm giúp các đơn vị chủ động, song gặp nhiều hạn chế như : phê duyệt danh mục mua sắm, họp hội đồng khoa học công nghệ chưa thực chất ; thẩm định giá gói thầu chưa đầy đủ ; giá trúng thầu chênh lệch nhiều so với giá nhập khẩu…

Theo Sở Y tế, kết quả khảo sát nhanh giám đốc các đơn vị trực thuộc Sở Y tế cho thấy, 91,5% ý kiến trả lời đều đồng ý với đề xuất lập trung tâm mua sắm tập trung thuốc và thiết bị y tế trực thuộc UBND Thành phố Hồ Chí Minh.

Trung tâm mua sắm tập trung Thành phố Hồ Chí Minh phải đảm bảo mang tính chuyên nghiệp với quy mô đủ lớn, hoạt động độc lập, khách quan, không kiêm nhiệm để đáp ứng nhu cầu mua sắm của ngành y tế.

Các mặt hàng cần mua sắm tập trung bao gồm : thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. Trong đó, danh mục hàng hóa mua sắm tập trung thực hiện theo lộ trình thời gian để đảm bảo đơn vị luôn được cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Có quy chế phối hợp giữa Trung tâm mua sắm tập trung Thành phố Hồ Chí Minh với các cơ sở y tế trong việc mua sắm, sử dụng và điều phối.

Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh thì đấu thầu tập trung giai đoạn 2014-2016 có những hạn chế cụ thể như, trung tâm mua sắm chưa thực sự là một trung tâm độc lập với các cơ sở y tế và Sở Y tế ; Chưa đảm bảo tính khách quan khi tổ chức mua sắm do nhân sự thực hiện gói thầu (đánh giá, thẩm định) chỉ là nhân sự kiêm nhiệm của Sở Y tế (Giám đốc Sở Y tế kiêm nhiệm Giám đốc Trung tâm mua sắm, các Trưởng phòng kiêm nhiệm tổ trưởng tổ thẩm định, tổ chuyên gia), nhân sự kiêm nhiệm của các đơn vị ; Nguồn nhân lực của Trung tâm mua sắm định biên 30 người (thực tế chỉ 18 người) không tương xứng với quy mô mua sắm tập trung của toàn ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh.

Điều này dẫn đến thời gian thực hiện mua sắm kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn của đơn vị, buộc các bệnh viện phải tổ chức mua sắm bằng phương thức khác.

Ngoài ra còn có nguy cơ nhà thầu trúng thầu không cung ứng kịp hàng hóa dẫn đến các bệnh viện cũng phải tổ chức mua sắm bằng phương thức khác. Điều này gây khó khăn cho bệnh viện khi thanh toán bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, bệnh viện sử dụng rất ít vật tư y tế trúng thầu vì không phù hợp với đặc thù ở mỗi bệnh viện (không ký hợp đồng hoặc sử dụng rất ít hàng hóa trúng thầu).

Trong ba năm tổ chức mua sắm tập trung trang thiết bị y tế toàn ngành nhưng chỉ mua sắm được 19 xe cứu thương nên nhiều trang thiết bị ở các đơn vị bị hư hỏng, xuống cấp và thiếu so với nhu cầu, đã ảnh hưởng đến công tác khám, chữa bệnh của bệnh viện.

Tử Long

Nguồn : VNTB, 29/2022

***************************

Nguyễn Thanh Long bị vây tứ phía, Nguyễn Phú Trọng đang quăng chài tóm cá to ?

Vụ công ty Việt Á như vết dầu loan, lần lượt lần lượt từng người từng người nối đuôi nhau xộ khám. Tưởng rằng câu kết với mọi tỉnh thành để kết bè lớn thì sẽ an toàn, nhưng hiện tại cho thấy mafia Bộ Y tế giờ không còn an toàn nữa.

vieta02

Thông tin bắt 5 quan chức CDC Đắk Lắk (Vietnam.Biz, 27/05/2022)

Ngày 27/5, báo chí nhà nước đồng loạt đưa tin về việc khởi tố, bắt tạm giam giám đốc và 4 quan chức CDC Đắk Lắk liên quan vụ mua sắm kit xét nghiệm Việt Á. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, họ đã ra quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Trịnh Quang Trí – giám đốc CDC Đắk Lắk – do vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại đơn vị này.

Cùng chịu chung số phận với ông Trí còn có ông Trần Thanh Mỹ, trưởng phòng tài chính – kế toán ; ông Đặng Minh Tuyết, phó trưởng khoa xét nghiệm ; bà Trần Thị Nguyên Hằng, nhân viên khoa xét nghiệm ; bà Trần Thị Mai Anh, nhân viên khoa dược.

Ngoài 5 quan chức tại CDC Đắk Lắk, cơ quan công an cũng khởi tố bị can đối với bà Đinh Lê Lê Na, nhân viên kinh doanh của Công ty Việt Á tại Đắk Lắk và Tây Nguyên, để điều tra về cùng hành vi nêu trên. Trong đó, Cơ quan Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Đắk Lắk quyết định bắt tạm giam đối với 3 người gồm : ông Trịnh Quang Trí, ông Trần Thanh Mỹ và bà Trần Thị Nguyên Hằng.

Vụ công ty Việt Á cho đến nay, người bị bắt rất nhiều, rải rác khắp các tỉnh thành và còn đang tiếp tục. Đây được xem như là tấm lưới mà ông Nguyễn Phú Trọng đang quăng ra để vây bắt những nhân vật cộm cán ở vị trí cao hơn. Bộ Y tế là nơi đang xảy ra tiêu cực rất lớn, cái ung nhọt lớn chưa từng có đang sắp nổ tung.

Đáng chú ý là ngày 25/5, Bộ Công an thông báo đã bắt một phó phòng của Bộ Y tế liên quan vụ Việt Á – Nguyễn Huỳnh. Theo kết luận của cơ quan Cảnh sát Điều tra thì tội của ông này là lợi dụng vị trí công tác can thiệp để kít xét nghiệm của Công ty Việt Á được cấp số đăng ký lưu hành trái quy định. Ông Nguyễn Huỳnh bị buộc tội "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ), quy định tại khoản 3 điều 356 bộ luật Hình sự năm 2015.

vieta03

Thông tin bắt ông Nguyễn Huỳnh (VietnamNet, 25/05/2022)

Theo Bộ Công an, cơ quan này đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ án "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, đưa hối lộ, nhận hối lộ" xảy ra liên quan Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á.

Được biết, ông Nguyễn Huỳnh là Thư ký của ông Bộ trưởng Bộ Y tế. Ông này đã lợi dụng chức vụ và quyền hạn can thiệp và tác động đến ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, trình, ký đề xuất Bộ Y tế ban hành Quyết định cấp Số đăng ký lưu hành kít xét nghiệm cho Công ty Việt Á trái quy định của pháp luật.

Là thư ký của ông Bộ trưởng, Nguyễn Huỳnh làm sao tự ý quyết định những công việc quan trọng mà không có ý kiến của Bộ trưởng được. Việc bắt ông Nguyễn Huỳnh cho thấy, ông Nguyễn Phú Trọng từ chỗ bủa vây tứ phía giờ là tiến sát nách ông Nguyễn Thanh Long.

vieta4

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long - Ảnh minh họa

Người dân Việt Nam cần ông Nguyễn Phú Trọng ra tay xử lý thật nghiêm ông bộ trưởng Bộ Y tế này, bởi một con người nắm sức khỏe tòa dân mà cấu kết với gian thương trục lợi toàn dân trong lúc người dân phải vất vả đối phó với dịch dã là một điều không thể chấp nhận được. Ông Nguyễn Phú Trọng đã từng "giơ cao đánh khẽ" bà Nguyễn Thị Kim Tiến thì nay người dân không muốn điều đó lặp lại với ông Nguyễn Thanh Long.

Trước mắt, ngành y đang bị đào xới tìm bắt những con sâu, tuy nhiên "sâu chúa" nằm ở Bộ Y Tế thì ông Trọng chưa thực sự chạm đến. Nếu không tóm được "sâu chúa" này, người dân sẽ khổ dài dài mà không biết cầu cứu được ai.

Lê Hoàng (Tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 228/05/2022

**********************

Dựa hơi quan thầy ?

Hà Nguyên – Cát Tường, VNTB, 27/05/2022

Thư ký riêng của nguyên thứ trưởng Y tế vừa bị bắt tạm giam vì liên quan đến đại án Việt Á.

vieta5

Kít xét nghiệm cho Công ty Việt Á - Ảnh minh họa

Giới thiệu – Can thiệp – Tác động

Kết quả điều tra xác định trong quá trình Bộ Y tế tiếp nhận, thẩm định hồ sơ xin cấp Số đăng ký lưu hành kít xét nghiệm cho Công ty Việt Á, theo đề nghị của Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Á, phía ông Nguyễn Huỳnh, Phó Trưởng phòng Quản lý giá, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế đã có hành vi lợi dụng vai trò là thư ký của ông Nguyễn Thanh Long – thời kỳ ông Long làm Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế (khi đó người phụ trách chung Bộ Y tế là phó thủ tướng Vũ Đức Đam), giới thiệu, can thiệp và tác động đến ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế trình, ký đề xuất Bộ Y tế ban hành Quyết định cấp Số đăng ký lưu hành kít xét nghiệm cho Công ty Việt Á trái quy định của pháp luật.

Ngày 24/5/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với ông Nguyễn Huỳnh về Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, quy định tại Khoản 3 Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng kiêm Người phát ngôn Bộ Công an, cho giới truyền thông biết như sau : Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Đưa hối lộ, Nhận hối lộ xảy ra tại Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á.

Ông Nguyễn Minh Tuấn là người ký văn bản đề ngày 2/7/2021 gửi các sở y tế, bệnh viện, viện trực thuộc bộ, trong đó có nội dung giới thiệu bộ kit xét nghiệm Việt Á ở vị trí số 1, với khả năng cung ứng 3 triệu kit xét nghiệm/tháng, giá 470.000 đồng/kit.

Đầu tháng 11/2021, Ủy ban kiểm tra Trung ương đã kết luận một loạt dấu hiệu sai phạm của Ban cán sự Đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016 – 2021, trong đó, có những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến việc cấp phép nhập khẩu thuốc, thực hiện liên doanh liên kết, đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao.

Sau gần nửa năm khởi tố vụ án, hàng loạt giám đốc CDC các địa phương bị khởi tố, bắt tạm giam đều liên quan đến Công ty Việt Á như Hải Dương, Bắc Giang, Bình Dương, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Bình Phước, Nam Định, Hà Giang…

Ông Nguyễn Huỳnh bị cáo buộc theo nội dung của Khoản 3 Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Như vậy có nghĩa ông Nguyễn Huỳnh đối mặt mức án nặng nề là từ 10 đến 15 năm tù, ngoài ra còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Vì sao không là điều luật hình sự 358 ?

Diễn biến vụ án tính đến hiện tại cho thấy ông Nguyễn Huỳnh còn dấu hiệu vị phạm vào Điều 358. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi. Mức án của tội danh này có thể từ 20 năm đến chung thân.

Xâu chuỗi tình tiết cho thấy các khả năng như sau : Qua gợi ý của nhân vật chóp bu nào đó am tường về thủ tục hành chánh trong ngành y tế, ông Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Á đã gặp gỡ với ông Nguyễn Huỳnh khi ấy là thư ký của Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế. Lúc đó bộ này khuyết bộ trưởng chính danh, và được Phó thủ tướng Vũ Đức Đam kiêm nhiệm tư cách quản lý chung.

Việc "phải quấy" giữa Phan Quốc Việt với ông Nguyễn Huỳnh đã đưa đến việc ông Huỳnh "tác động" với ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế trình, ký đề xuất Bộ Y tế ban hành Quyết định cấp Số đăng ký lưu hành kít xét nghiệm cho Công ty Việt Á trái quy định của pháp luật.

Theo thủ tục hành chánh thì Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn lúc đó đang chịu trách nhiệm điều hành phòng chống dịch Covid tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành đang bùng dịch mạnh, là người ký ban hành quyết định cấp Số đăng ký lưu hành kít xét nghiệm cho Công ty Việt Á.

Như vậy nếu chỉ dừng ở các hành vi thể hiện trên giấy tờ pháp lý, thì không chỉ ông Nguyễn Huỳnh, mà cả ông Nguyễn Thanh Long và ông Vũ Đức Đam đều là ngoại phạm.

Nói thêm, trước khi giữ chức Phó trưởng phòng Quản lý giá, ông Nguyễn Huỳnh có thời gian ngắn giữ chức Phó văn phòng của Cục Quản lý dược. Xét về mối quan hệ giữa cơ quan hành chánh trong Bộ Y tế, chức vụ của ông Huỳnh thấp hơn ông Tuấn.

Đáng chú ý, các hành vi nêu trên của bị can Nguyễn Huỳnh xảy ra từ năm 2020. Tại thời điểm này, ông Nguyễn Huỳnh còn chưa từng giữ các chức vụ như đã nêu trên mà chỉ là một chuyên viên bình thường tại Bộ Y tế, và là thư ký riêng của ông Nguyễn Thanh Long.

Có người nhắc, liên quan chuyện bắt bớ ‘kiểu như vầy’, ngày 22/7/2020 nhà chức trách bắt ông Nguyễn Anh Ngọc, thư ký của ông Nguyễn Đức Chung – nguyên chủ tịch UBND thành phố Hà Nội. Một tháng 6 ngày sau, đến 28/8/2020 thì bắt ông Nguyễn Đức Chung.

Tính đến ngày 26/5/2022, trong những người bị khởi tố liên quan vụ Việt Á nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19, có 4 quan chức thuộc Bộ Y tế, Bộ Khoa học và công nghệ và 16 lãnh đạo, cán bộ trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh, sở y tế các tỉnh, thành.

Hà Nguyên – Cát Tường

Nguồn : VNTB, 27/05/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Tử Long, Lê Hoàng, Hà Nguyên, Cát Tường
Read 351 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)