Lời tòa soạn : Cách đây hơn tròn 6 năm, từ ngày 6 đến 26/4/2016, cá ở một số lồng nuôi và cá tự nhiên chết hàng loạt tại khu vực biển Vũng Áng (Hà Tĩnh). Tiếp theo sau là hiện tượng cá chết hàng loạt trôi dạt vào vùng biển phía bắc miền Trung Việt Nam : Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam-Đà Nẵng. Thảm họa này gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt của ngư dân, đến những hộ nuôi thủy sản ven bờ, ảnh hưởng đến du lịch biển, nói chung là cuộc sống của cư dân miền Trung. Vụ việc chấn động nhân tâm này đã ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng chục triệu người Việt, khiến công chúng trong cả nước đi từ bất ngờ đến hoang mang lo lắng và phẫn nộ.
Chính quyền cộng sản Việt Nam đã làm gì để bảo vệ cuộc sống của đồng bào miền Trung và môi trường ? Im lặng và bối rối.
Trong hai ngày 21 & 22/4/2016, người đứng đầu guồng máy cầm quyền Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, đã chỉ đến thăm và kiểm tra tiến độ thực hành của dự án Formosa Hà Tĩnh ở Vũng Áng. Ai cũng nghĩ người đứng đầu hệ thống chính trị ở Việt Nam sẽ đi thăm hỏi, động viên hàng vạn đồng bào bỗng nhiên bị lâm vào cảnh dở sống dở chết trước khi đưa ra những quyết sách hợp tình, hợp lý nhằm giải quyết hậu quả, ổn định tình hình. Nhưng không, trong suốt hai ngày đó, ông Trọng đã không một lời nói về thảm họa khủng khiếp đó và cũng không một lời hỏi thăm dân tình đang khốn khổ vì cá chết và ô nhiễm môi trường.
Rời khỏi Hà Tĩnh, ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục im ắng về vụ việc. Phải chờ đến ngày 30 tháng 6, Hà Nội mới dám tổ chức họp báo, công bố nguyên nhân cá chết là do chất thải gây ô nhiễm từ Công ty trách nhiệm hữu hạn Hưng Nghiệp Formosa vượt quá nồng độ cho phép. Và hơn ba tháng sau, trong Hội nghị tổng kết công tác bầu cử đại biểu Duốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp diễn ra ngày 18/7, lần đầu tiên ông Trọng mới nhắc đến sự vụ đang khiến dư luận sục sôi nhưng cho một mục đích khác : "Sự cố cá chết gây khó khăn cho công tác… bầu cử" (!). Câu phát ngôn lạnh lùng, vô cảm đó nhanh chóng trở thành đề tài đàm tiếu của dân chúng.
Thật ra vụ Formosa này chỉ là một trong nhiều trường hợp gây ô nhiễm môi trường ở Việt Nam. Nhiều nhà máy sản xuất hóa chất, phân bó, giấy và thép có vốn đầu tư nước ngoài, phần lớn đến từ Trung Quốc, đã và đang tàn phá môi trường và sinh thái Việt Nam. Hãy cùng nhau lên tiếng ngăn chặn tiến trình tàn phá đất nước này.
Chúng tôi giới thiệu sau đây bài viết của Trần Quốc Việt về vu Formosa Hà Tĩnh. (Nguyễn Văn Huy)
Cá chết trắng ở dọc bờ biển Hà Tĩnh sau khi Formosa Hà Tĩnh xả chất thải ra môi trường biển. Ảnh : Xuân Đức.
----------------------------
Formosa không sai !!!
Formosa không sai khi xây dựng nhà máy thép tại Vũng Án vì đây là một trong những "chủ trương lớn của Đảng".
Formosa không sai khi đưa đường ống xả thải khủng ở dưới biển ra thật xa bờ vì làm đúng theo lời Đảng khuyên hãy "vươn ra biển lớn".
Formosa không sai khi không công bố sự thật về nguyên nhân cá chết vì làm theo đúng lời dạy của Lê Nin, một trong những đại tổ phụ của Đảng, là "Nói sự thật là thói quen tiểu tư sản. Ngược lại, nói láo thường được biện minh bởi mục đích của nói láo".
Formosa không sai khi gây ra thảm họa môi trường biển vì noi gương tinh thần kiên cường ngày xưa của Đảng là phải chiến thắng cho được "dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn".
Formosa không sai khi không tin biển đã chết, mà cho dù biển chết chăng nữa thì họ luôn luôn tin Đảng có thể tạo ra biển khác như Đảng có thể tạo ra mặt trời thứ hai :
"Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ".
Formosa không sai khi tin người dân Việt Nam sẽ không bao giờ đói khổ do biển chết bởi vì Đảng từng dạy nhân dân Việt Nam rằng "Với sức người sỏi đá cũng thành cơm".
…
Tóm lại Formosa không sai gì. Đảng không sai gì. Chỉ có nhân dân ta là lú lẫn, nóng vội và sai lầm khi muốn biết ngay bây giờ sự thật về cá chết. Sự thật ấy sẽ công bố vào ngày Việt Nam có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện mà họ nói không biết trăm năm tới nữa có được hay không. Còn bây giờ hãy sống và chết như Đảng và Formosa đã lập trình.
Cá chết hàng loạt ở miền Trung đã làm người dân gặp điêu đứng
Chính trong lúc này chúng ta cần bên nhau hơn bao giờ hết
Formosa là phép thử lương tâm người Việt. Hầu như đa số mọi người cúi đầu cam phận trước thảm họa môi trường sinh tồn ghê gớm nhất và toàn diện nhất trong lịch sử nước nhà. Phép thử cho kết quả rằng chúng ta gần như chấp nhận phải sống với Formosa như đang phải sống với vô vàn những cơn lũ đang tàn phá đất nước này. Khác biệt chăng là Formosa có lẽ là cơn lũ lớn nhất chung cuộc kết liễu Việt Nam. Thay vì để mình bị chết đắm trong cơn lũ tuyệt vọng và vô cảm của cá nhân, hơn bao giờ hết chúng ta lúc này phải cần sát cánh bên nhau cho cuộc đấu tranh sinh tồn chung bởi lẽ đơn giản Formosa còn nước Việt mất. Nhân quyền, dân chủ, và tự do còn có nghĩa gì khi người hưởng những giá trị này là những thế hệ bị ung thư, tàn phế, và khuyết tật bẩm sinh ở trên đất nước mà những ông bà, cha mẹ, và anh chị thế hệ trước đã buông xuôi và ngoảnh mặt.
Dân chúng trong xã hội ngày nay ở Việt Nam chẳng khác gì những người mà nhà văn Lỗ Tấn ngày trước đã nhìn thấy trong xã hội Trung Quốc đương thời :
"Dân mà còn ngu muội, hèn nhát thì dù thân thể có khỏe mạnh, cường tráng chăng nữa, cũng chỉ có thể làm thứ người mà người ta đưa ra chém đầu thị chúng và làm thứ người đứng xem cuộc thị chúng vô vị như thế kia mà thôi. Còn như đau ốm mà có phải chết đi ít nhiều thì chưa hẳn đã là bất hạnh".
Còn gì buồn hơn và bi kịch bằng khi Formosa giết biển cả và gây ra bao thảm cảnh cho hàng triệu đồng bào mà đa số dân chúng nước ta chỉ biết khoanh tay đứng nhìn như đứng xem cuộc hành quyết thị chúng tuy họ có thể lờ mờ nhận thức rằng ngày nào đấy họ rốt cuộc cũng sẽ đứng vào vị trí của nạn nhân hôm nay dưới ánh đao của đao phủ. Món quà lớn nhất chúng ta dâng lên Formosa, xét cho cùng, chính là sự cam phận và vô cảm ấy của chính chúng ta.
Nếu chúng ta tuyệt vọng thì hãy đấu tranh theo kiểu tuyệt vọng như hình ảnh vài nhóm người tổ chức các cuộc xuống đường kiểu du kích vừa qua. Ba bốn người lẻ loi bước trên phố xá nóng bức đông người qua lại để hô vang khẩu hiệu "Formosa cút xéo khỏi Việt Nam". Dòng xe cộ chạy qua họ, dăm ánh mắt tò mò ngoái nhìn lại. Chỉ thế thôi, không một tiếng vang hưởng ứng. Ta nhìn cảnh này mà thấy ứa nước mắt, nhưng Formosa và bạo quyền nhìn cảnh này mà thấy hân hoan và tự tin cho sự vững chắc của tiền đồ của họ.
Nhưng cuộc đấu tranh chung này không phải là cuộc đấu tranh của tuyệt vọng hay hy vọng mà là cuộc đấu tranh của bản năng sinh tồn của toàn thể dân chúng trước bước đường cùng chung. Vì thế sinh lộ duy nhất mở ra cho chúng ta chính là cuộc đấu tranh của đa số dân chúng đồng loạt phản kháng Formosa liên tục không ngừng nghỉ dưới nhiều hình thức đấu tranh cá nhân và tập thể khác nhau.
Hãy hình dung bàn cân mà một bên là Formosa và một bên là hàng triệu người Việt Nam xuống đường liên tục để phản kháng hành động diệt chủng của họ. Nếu 90 triệu người tham gia vào cuộc đấu tranh thì sức nặng của Formosa cuối cùng chỉ là gam bất chấp những kẻ đồng mưu đứng sau lưng họ còn sức nặng của chúng ta là tấn. Trước cán cân như thế, Formosa sẽ sớm bị hắt bay ra khỏi Việt Nam một sớm một chiều.
Bước khởi đầu của cuộc đấu tranh chung là mọi người phải đồng hành với nhau. Những bàn chân cùng đi chung hướng sẽ tạo ra hy vọng và rồi mở ra con đường hồi sinh cho biển và con người Việt Nam như Lỗ Tấn từng nói : "Ta không thể nói hy vọng tồn tại hay không thể nói hy vọng không tồn tại. Hy vọng giống như những con đường trên mặt đất. Vì thật ra khởi đầu mặt đất không có đường, nhưng nhiều người đi lại thì thành con đường".
Chúng ta có quyền hy vọng
Con đường sinh tồn và hy vọng của Việt Nam sẽ không chấm dứt ở đây với các thế hệ chúng ta và con cháu mà sẽ tiếp tục kéo dài mãi mãi khi những đôi chân đồng loạt bước ra từ trái tim riêng yêu nước xuống con đường đồng hành chung của cả dân tộc mà rất nhiều thế hệ tiền nhân đã trả giá đắt để đi qua trong suốt hơn bốn ngàn năm sinh tồn đầy bao thăng trầm.