Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/06/2022

Tác động của bàn cờ Ukraine sau 100 ngày

Nguyễn Quang Dy - Lynn Huỳnh

Nga xâm lược Ukraine đã làm cho nhiều người Việt bị sốc, vì Việt Nam có quan hệ tốt với cả Nga và Ukraine. Khi Nga đã trở thành kẻ xâm lược và tội đồ quốc tế, thì Việt Nam khó duy trì cân bằng với cả hai bên, tuy Nga vẫn là nước cung cấp vũ khí chủ yếu để răn đe Trung Quốc. Trong khi đó, bàn cờ Ukraine đang đảo lộn trật tự thế giới.

100ngay0

Tuy lực lượng Nga mạnh hơn Ukraine, nhưng sau 100 ngày vẫn không giành được thắng lợi mà càng sa lầy vào cuộc chiến tranh hao binh tổn tướng. Đến nay, Nga đã mất 1/3 lực lượng và 12 tướng,

Sau hơn hai năm vật lộn với đại dịch corona, các nước phải làm quen và chung sống với một thế giới "hậu Covid". Nay chiến tranh Ukraine đã vượt qua 100 ngày, các nước cũng phải làm quen và chung sống với một thế giới "hậu Ukraine" và "hậu Putin". Đó là một thế giới biến đổi khó lường, "trong một kỷ nguyên hoàn toàn mới" (Kissinger).

Tác động tới Việt Nam

Trước mắt, Việt Nam ở trong tình thế khó xử về ngoại giao, phải đối phó bằng một thái độ lấp lửng để tránh phải lên án Nga trong khi dư luận ủng hộ Ukraine. Tuy Việt Nam hai lần bỏ phiếu trắng về Nga-Ukraine và một lần bỏ phiếu chống nghị quyết Liên Hiệp Quốc loại Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền (HRC), Việt Nam đã viện 500.000 USD cho Ukraine.

Theo Lê Hông Hiệp (ISEAS), "Lập trường của Việt Nam về Ukraine hơi thiếu nhất quán". Thứ nhất, Nga là đồng minh truyền thống của Việt Nam. Thứ hai, Nga cung cấp cho Việt Nam 80% vũ khí chủ yếu. Thứ ba, Nga là đối tác dầu khí của Việt Nam tại Biển Đông. Việt Nam không thể công khai lên án Moscow (1).

Trước mắt, Hà Nội vẫn duy trì chính sách "Ba không Một nếu" và chưa sẵn sàng nâng quan hệ với Mỹ lên "đối tác chiến lược". Nhưng cuộc khủng hoảng Ukraine là một cơ hội tốt để Việt Nam đánh giá lại quan hệ với Nga. Để đối phó tốt hơn với các rủi ro tiềm năng, Việt Nam cần đa dạng hóa nguồn cung cấp vũ khí, để giảm lệ thuộc vào Nga.

Trừng phạt kinh tế của phương Tây có hại cho Nga và nhiều nước khác như Việt Nam, vì kinh tế mở phụ thuộc vào thương mại. Dự trữ ngoại tệ của Nga do 6 nước nắm là Trung Quốc : 17,7 % ; Pháp : 15,6 % ; Nhật : 12,8 % ; Đức : 12,2 % ; Mỹ : 8,5 % ; Anh : 5,8 %, IMF & BIS : 6,4 %. Các nước (trừ Trung Quốc) đã phong tỏa tài sản Nga (330 tỷ USD). 

Về nhập khẩu vũ khí Nga, Việt Nam xếp thứ 5 trên thế giới và xếp thứ 1 trong khu vực. Việt Nam cần đa dạng hóa nguồn vũ khí để giảm lệ thuộc vào Nga. Một là Mỹ có thể áp dụng luật CAATSA với Việt Nam. Hai là Ukraine làm cho Nga và Trung Quốc gắn bó hơn. Ba là phụ tùng vũ khí Nga ngày càng khan hiếm, như động cơ cho Gepard.

Kế hoạch hiện đại hóa quân đội Việt Nam đã chậm lại từ năm 2016. Tuy Việt Nam đa dạng hóa nguồn vũ khí để giảm thiểu rủi ro, nhưng thay thế vũ khí Nga không phải dễ. Một là ngân sách quốc phòng hạn hẹp. Hai là vũ khí phương Tây đắt hơn. Ba là để hội nhập vũ khí của phương Tây với hệ thống vũ khí sẵn có của Nga đòi hỏi nhiều thời gian.

Theo SIPRI, vũ khí của Nga gồm 6 tàu ngầm Kilo 636 ; 4 tàu hộ tống Gepard 3.9 ; 36 chiến đấu cơ đa năng Su-30MK2 ; 2 khẩu đội tên lửa phòng thủ bờ biển K-300P Bastion, chiếm 7,4 tỷ USD trong số 9,07 tỷ USD (1995-2021), từ 90% (1995-2014) còn 68,4% (2015-2021). Của Israel 13,7%, Belarus 5,7%, Nam Hàn : 3,3%, Mỹ : 3%, Hà Lan : 2,4% (2). 

100ngay1

Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm năm 2016 cho biết rằng Việt Nam đã đặt mua và đã được Nga giao 3 hệ thống tên lửa đất đối không Pechora (ảnh).

Việt Nam và Đài Loan

Sau hai tháng tốc chiến (blitzkrieg) thành tốc bại (blitzfail) Nga buộc phải rút khỏi Kiev và phía Bắc để tập trung vào mặt trận phía Đông trong giai đoạn hai. Trong "sương mù chiến tranh" (fog of war) do tuyên truyền và thông tin thất thiệt, chưa có dấu hiệu kết thúc chiến tranh. Graham Allison (Harvard) nói : "kết thúc chiến tranh khó hơn nhiều so với khởi chiến" (3).

Do không chiếm được Kyiv, mục tiêu ngắn hạn của Nga là kiểm soát Luhansk, Donetsk, cầu nối với Crimea qua biển Azov, và Kherson ở phía tây Crimea. Để tránh thất bại, Putin có thể dọa dùng vũ khí không thông thường. Tuy lực lượng Nga mạnh hơn Ukraine, nhưng sau 100 ngày vẫn không giành được thắng lợi mà càng sa lầy vào cuộc chiến tranh hao binh tổn tướng. Đến nay, Nga đã mất 1/3 lực lượng và 12 tướng, trong khi Ukraine vẫn đứng vững và từng bước giành thắng lợi, tuy vẫn chưa thấy "ánh sáng ở cuối đường hầm".

Trước khi Nga xâm lược (24/2) tướng Mark Milley (tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ) cho rằng Kyiv sẽ sụp đổ trong 72 giờ. Nhưng sau ba tháng, Milley đã thay đổi quan điểm và tuyên bố : "các nước lớn không thể xâm lược và hủy diệt các nước nhỏ yếu". Về kết cục chiến tranh, Milley nói : "người Ukraine sẽ quyết định kết thúc cuộc chiến trong phạm vi Ukraine". Gần đây, thắng lợi của Ukraine trên chiến trường làm cho nhiều người ở Washington có tâm trạng hứng khởi, muốn tranh thủ cơ hội giáng cho Nga một đòn quyết định.

Theo Derek Grossman (RAND), Trung Quốc dễ gây chiến với Việt Nam hơn là với Đài Loan. Trong tương lai gần, Việt Nam dễ bị tổn thương hơn là Đài Loan. Các "sự cố" xảy ra trên Biển Đông có thể lan tới biên giới đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc. Nói cách khác, kịch bản Trung Quốc đánh Việt Nam dễ xảy ra hơn là Đài Loan (4).

Việt Nam và Đài Loan đứng trước đe dọa từ Trung Quốc nên diễn biến tại Ukraine sẽ tác động tới tương lai Việt Nam và Đài Loan, cũng như diễn biến tại Điện Biên Phủ đã tác động tới tương lai của Algeria. Nói cách khác, tương lai khu vực không chỉ phụ thuộc vào nhận thức về mối đe dọa của Trung Quốc mà còn về răn đe thế nào (5).

Bình luận về cuộc tập trận giữa Nga và Việt Nam gần đây, Derek Chollet (cố vấn Ngoại trưởng Mỹ) nói với VOA (29/4) : "Hiện nay, Nga là đối tác kém hấp dẫn hơn nhiều so với bốn tháng trước đây" nên "Việt Nam cần đánh giá lại quan hệ với Nga", và "Mỹ sẵn sàng làm đối tác". Tuy nhiên vì lợi ích an ninh của mình, Việt Nam không muốn làm mất lòng Nga. Đó là một thực tế mà nhiều nước khu vực phải cân nhắc, trong đó có Việt Nam.

Ấn Độ Dương - Thái Bình Dơng

Theo đại sứ Úc John McCarthy, "Úc sẽ gặp rủi ro nếu không gắn bó với khu vực". Trong đối ngoại, lập trường về Ukraine được hình thành không chỉ bởi các nguyên lý của phương Tây mà còn bởi lập trường xuyên Đại Tây Dương. Ông cảnh báo : "Về ý thức hệ, chúng ta là phương tây, nhưng chính sách đối ngoại của chúng ta không nên xa rời khu vực Châu Á-Thái Bình Dương" và "Chính sách về Ukraine của phương Tây có lỗ hổng chiến lược ở khu vực" (6).

Ông Anthony Albanese đã trở thành Thủ tướng Úc (21/5), đã đến Tokyo dự họp cấp cao QUAD (23/5). Trước mắt, chính phủ Công Đảng chắc sẽ duy trì lập trường quốc tế. Sau cấp cao Mỹ-ASEAN (13/5), Tổng thống Biden đã đến Hàn Quốc và Nhật (20-24/5) để họp cấp cao QUAD và công bố "Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" (IPEF). Biden còn tuyên bố sẵn sàng bảo vệ Đài Loan (7).

Ý tưởng về IPEF đã được Biden đưa ra lần đầu tại Hội nghị cấp cao Đông Á (10/2021). Đây là tiền đề cho không gian tự do, rộng mở, phát triển bền vững và dung nạp, tạo điều kiện cho các nước cùng hợp tác. Đó là khuôn khổ cho một khu vực hòa bình và thịnh vượng, dựa trên bốn trụ cột quan trọng để thiết lập các quy tắc mới cho tự do thương mại và kinh tế kỹ thuật số, thúc đẩy hợp tác trên chuỗi cung ứng, thiết lập các cam kết mới về biến đổi khí hậu và ngăn chặn rửa tiền hay hối lộ(8).

Nói cách khác, các trụ cột mà IPEF đưa ra mang tính định hướng theo các nguyên tắc tin cậy, bền vững, xanh, sạch, số, phù hợp với định hướng phát triển của Việt Nam. Tuy đây mới là bước đầu, nhưng trong thời gian tới, chắc chắn các nước sẽ phải chuẩn bị tích cực để chủ động đề xuất ý tưởng của mình, thể hiện lợi ích quốc gia cũng như khu vực. Trong tương lai, chắc Mỹ phải quay trở lại với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cả về địa chiến lược lẫn địa kinh tế, vì cộng lại 13 nước thành viên thì GDP của họ chiếm 40% GDP thế giới.

Trong khi Singapore lên án Nga xâm lược và trừng phạt kinh tế Nga thì các nước ASEAN khác, trong đó có Việt Nam, Indonesia, Malaysia, không lên án Nga. Cuối năm nay, Indonesia sẽ chủ trì họp G-20, Thailand sẽ chủ trì họp APEC, Cambodia sẽ chủ trì họp ASEAN và EAS. Nhiều nước không muốn Nga dự các cuộc họp đó, làm chủ nhà khó xử. Đây là cơ hội tốt để Nhật phát huy vai trò tích cực dàn xếp trong khu vực, vì được tin cậy (9).

Sau khi Thủ tướng Nhật Kishida Fumio đến thăm Việt Nam (30/4), Hà Nội đã quyết định viện trợ nhân đạo cho Ukraine 500.000 USD. Tuy là một khoản viện trợ khiêm tốn, nhưng đó là một động thái quan trọng chứng tỏ Việt Nam điều chỉnh lập trường đúng lúc, trước khi Thủ tướng Phạm Minh Chính đi Mỹ (11-17/5) để họp cấp cao Mỹ-ASEAN (12-13/5). Trong khi chiến dịch "đốt lò" chống tham nhũng tăng cường trước và sau Trung ương 5 (4-10/5), Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chắc sẽ tiếp tục cầm quyền đến năm 2023 hoặc 2026.

Tuy ông Phạm Minh Chính là một trong hai ứng cử viên hàng đầu để thay ông Trọng, nhưng đang đứng trước các thách thức mới sau khi nữ doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Nhàn (chủ tịch AIC) bị truy tố ngay trước Hội nghị Trung ương 5. Tuy quan hệ Mỹ-Việt được cải thiện trong thời Biden, nhưng lập trường bất nhất của Hà Nội về Ukraine là một vấn đề. Chuyến đi Mỹ của Phạm Minh Chính là một cơ hội tốt để Hà Nội làm rõ lập trường. Tuy Hà Nội chưa sẵn sàng nâng quan hệ hai nước lên đối tác chiến lược, nhưng chỉ là vấn đề thời gian.

Mỹ và đồng minh

Theo Biden, Mỹ muốn thấy Ukraine dân chủ, độc lập, có chủ quyền và thịnh vượng, với phương tiện răn đe hiệu quả để bảo vệ mình chống xâm lược. Mỹ cung cấp cho Ukraine các loại vũ khí chính xác và hiện đại gồm tên lửa chống tăng Javelin, và tên lửa chống máy bay Stinger. Nhưng Mỹ không muốn chiến tranh giữa NATO và Nga, không muốn trực tiếp tham gia xung đột bằng cách đưa quân Mỹ tới chiến đấu ở Ukraine hoặc bằng tấn công quân Nga. Hiện Mỹ không thấy dấu hiệu Nga có ý định dùng vũ khí hạt nhân ở Ukraine. Putin không ngờ phương Tây đoàn kết và phản ứng mạnh như vậy. Ông đã nhầm (10).

Washington cam kết giúp Ukraine về lâu dài, trong khi Nga bị cô lập, nghèo đi, và bị NATO bao vây, sẽ suy yếu về quân sự như một tội đồ bị thế giới ruồng bỏ. Chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi đã đến Kyiv gặp tổng thống Zelensky và tuyên bố : "Mỹ sẽ đứng bên Ukraine cho đến khi thắng lợi". Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin nói : "Chúng tôi muốn thấy Nga suy yếu tới mức không thể xâm lược Ukraine". Tuần trước, Biden đã chuẩn chi tiếp 40 tỷ USD, trong đó có 20 tỷ USD cho viện trợ quân sự. Washington đã viện trợ tổng cộng 54 tỷ USD để Ukraine tiếp tục chiến đấu trong những tháng tới(11).

Putin muốn phân hóa phương Tây và ngăn NATO tiến về phía Đông, nhưng qua cuộc xâm lược Ukraine, ông đã giúp phương Tây đoàn kết hơn bao giờ hết, và thúc đẩy Phần Lan và Thụy Điển quyết định gia nhập NATO. Trong khi đó, các nước như Đức, Thụy Sỹ, và Đan Mạch đang thay đổi thái độ cứng rắn hơn đối với Nga. Tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, việc Putin bắt tay với Tập Cận Bình đã làm cho Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, và Hàn Quốc tăng cường liên kết với Mỹ để đối phó bằng cách thể chế hóa QUAD, AUKUS và IPRF. Trong khi phương Tây tăng cường liên kết, thì liên minh Nga-Trung vẫn "đồng sàng dị mộng".

Nguyễn Quang Dy

Nguồn : Viet-studies, 09/06/2022

Chú thích :

(1) Le Hong Hiep, "PM Chinh Goes to Washington Equal Importance of Foreign and Domestic Goals",  Fulcrum, May 17, 2022

(2) Le Hong Hiep, "Will Vietnam Be Able to Wean Itself Off Russian Arms ?",  Fulcrum, April 4, 2022

(3) Graham Allison, "Piercing the Fog of War", National Interest, March 24, 2022

(4) Derek Grossman, "Ukraine conflict echoes loudest in Vietnam, not Taiwan",  Nikkei, March 21, 2022

(5) Yuval Noah Harari, "What’s at stake in Ukraine is the direction of human history",  Economist, February 9, 2022

(6) John McCarthy "The Perils of an Atlantic Outlook", Asialink, 12 April 2022

(7) Andrew RestucciaPeter Landers and Ken Thomas, "Biden’s Asia Trip Shows Challenges in Uniting Region", Wall Street Journal, May 24, 2022

(8) Diệu Thúy, "Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương : Gắn kết Mỹ với khu vực, Tuần Việt Nam phỏng vấn đại sứ Phạm Quang Vinh", VietnamNet, 26/5/2022

(9) Huong Le Thu, "Japan’s Crucial Role in Southeast Asia amid the Ukraine War", CSIS, April 22, 2022

(10) Joseph Biden, "What America Will and Will Not Do in Ukraine", New York TimesMay 31, 2022

(11) Felicia Schwartz and Amy Kazmin, "What is America’s end game for the war in Ukraine ?", Financial Times, May 29 2022

Tham khảo :

1. What’s at stake in Ukraine is the direction of human history, Yuval Noah Harari, Economist, February 9, 2022

2. Ukraine conflict echoes loudest in Vietnam, not Taiwan, Derek Grossman, Nikkei Asia, March 21, 2022

3. Piercing the Fog of War, Graham Allison, National Interest, March 24, 2022

4. Will Vietnam Be Able to Wean Itself Off Russian Arms ? Le Hong Hiep, Fulcrum, April 4, 2022 

5. The Perils of an Atlantic Outlook, John McCarthy, Asialink, April 12, 2022

6. Japan’s Crucial Role in Southeast Asia amid the Ukraine War, Huong Le Thu, CSIS, April 22, 2022

7. PM Chinh Goes to Washington Equal Importance of Foreign and Domestic Goals, Le Hong Hiep, Fulcrum, May 17, 2022

8, Biden’s Asia Trip Shows Challenges in Uniting Region, Andrew Restuccia Peter Landers  and Ken Thomas , WSJ, May 24, 2022

9. What is America’s end game for the war in Ukraine ? Felicia Schwartz and Amy Kazmin, Financial Times, May 29 2022

10. President Biden : What America Will and Will Not Do in Ukraine, Joseph Biden, New York Times, May 31, 2022

11. Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương : Gắn kết Mỹ với khu vực, Tuần Việt Nam phỏng vấn đại sứ Phạm Quang Vinh, 26/5/2022

**********************

Trên 100 ngày chiến sự Nga – Ukraine

Lynn Huỳnh, VNTB, 06/06/2022

Tin tức từ báo chí phương Tây cho biết quân đội Ukraine tuyên bố một số đơn vị Nga đã chịu tổn thất ít nhất 50% nhân lực, vũ khí và thiết bị ở khu vực xung quanh thành phố Popasna thuộc Luhansk, cách thành phố Severodonetsk khoảng 50 km về phía Tây Nam, trong lúc lực lượng Nga đang cố tiến quân từ nhiều hướng nhằm tìm cách kiểm soát thêm khu vực.

100ngay03

Xe tăng của Nga bị phá hỏng trong quá trình chiến đấu ở làng Dmytrivka gần thủ đô Kiev của Ukraine. (Ảnh: AP) 

Trong một diễn biến liên quan, cố vấn tổng thống Ukraine Alexey Areshtovich cho rằng vẫn có khả năng nước này sẽ sử dụng các hệ thống rốc két tầm xa Mỹ cung cấp để tấn công mục tiêu tại bán đảo Crimea.

"Crimea là của chúng tôi. Nó thuộc về Ukraine và họ biết điều đó. Vì vậy, rốc két sẽ bay sang Crimea gấp đôi nếu cần thiết", ông Areshtovich nói, ngầm công nhận rằng Ukraine đã tấn công các mục tiêu tại Crimea. Sở dĩ có tuyên bố này vì để nhận được các hệ thống rốc két phóng loạt tân tiến của Mỹ, Ukraine đã cam kết rằng sẽ không sử dụng để tấn công mục tiêu trong lãnh thổ Nga. Và vì Ukraine không công nhận Crimea là lãnh thổ Nga, nên chuyện Kyiv sẽ sử dụng các hệ thống rốc két để tấn công vùng này không vi phạm cam kết.

Kẻ tám lạng, người nửa cân. Bộ Quốc phòng Nga cho biết quân Nga cũng sử dụng tên lửa để tấn công một trung tâm huấn luyện pháo binh ở khu vực Sumy của Ukraine. Moskva cũng tấn công và phá hủy một tiền đồn của "lính đánh thuê nước ngoài" ở khu vực Odessa.

"Các tên lửa phóng từ trên không có độ chính xác cao đã tấn công một trung tâm huấn luyện pháo binh của Ukraine, nơi các hướng dẫn viên nước ngoài có mặt, trong khu định cư Stetsovka của khu vực Sumy" – người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov nói.

Ông Igor Konashenkov cho biết các hướng dẫn viên nước ngoài đã sử dụng trung tâm này để huấn luyện cho người Ukraine về cách sử dụng pháo M777 155 mm. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga cho biết từ đầu "chiến dịch quân sự" ở Ukraine vào ngày 24-2 đến nay, lực lượng vũ trang Nga đã tiêu diệt 187 máy bay, 1.104 máy bay không người lái, 3.406 xe tăng và xe bọc thép, 466 hệ thống phóng tên lửa của Ukraine.

Lãnh vực tâm lý chiến, báo chí phương Tây cho hay cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev hăm he rằng, "không ai được quên" về các tình huống có thể buộc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân, nhưng cũng nhấn mạnh rằng "không ai muốn chiến tranh hạt nhân".

Trong cuộc phỏng vấn với báo chí, ông Dmitry Medvedev, hiện đảm nhiệm cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, được cho là đã phát biểu : "Khi mọi người nói rằng điều gì đó là không thể bởi vì nó không bao giờ có thể xảy ra, họ đã luôn luôn sai". Ông lưu ý, thế giới từng chứng kiến việc sử dụng vũ khí hạt nhân.

Đề cập đến học thuyết hạt nhân của Nga, ông Medvedev chỉ ra, tổng tư lệnh (tổng thống) Nga có thể ra lệnh tấn công hạt nhân trong một số tình huống như Nga hoặc cơ sở hạ tầng quan trọng của nước này bị tấn công hạt nhân. "Hoặc có thể có một lý do khác – trong trường hợp Nga bị tấn công bằng vũ khí thông thường, nhưng cuộc tấn công này có tính chất đe dọa đến sự tồn tại của đất nước. Không ai được quên điều này" – cựu Tổng thống Medvedev cảnh báo.

Quan chức Nga kêu gọi các quốc gia khác đưa ra quyết định khi tính tới tất cả các tình huống thực tế như các khuyến cáo mà ông đưa ra, và cũng nhấn mạnh "không ai muốn một cuộc chiến tranh hạt nhân".

Kiev đã xác nhận sẽ nhận được nhiều bệ phóng tên lửa HIMARS từ Washington. Những hệ thống này có khả năng phóng tên lửa phòng không có khả năng triển khai các tên lửa đạn đạo chiến thuật có tầm bắn lên tới 300km.

Khi Nhà Trắng đàm phán với Ukraine để cung cấp cho nước này hệ thống tên lửa dẫn đường chính xác và mạnh nhất của Mỹ, Tổng thống Joe Biden đã nhấn mạnh rằng người đồng cấp Volodymyr Zelensky đồng ý về một giới hạn. Đó là không được bắn vào lãnh thổ Nga, bất kể đối mặt với sự khiêu khích nào.

"Ukraine đã đảm bảo với chúng tôi rằng họ sẽ không sử dụng hệ thống này để tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga", Ngoại trưởng Antony J. Blinken nói với các phóng viên trong một gặp gỡ hồi đầu tháng 6-2022.

Lynn Huỳnh

Nguồn : VNTB, 06/06/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Quang Dy, Lynn Huỳnh
Read 331 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)