Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

14/06/2022

Tập huấn về quyền con người cho các Ban biên tập báo chí

RFA tiếng Việt, Lao Động online

Báo nhà nước được tập huấn nhân quyền để bảo vệ đường lối của đảng

RFA, 14/06/2022

Một trong những nội dung của cuộc tập huấn là đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

taphuan1

Buổi tập huấn về quyền con người cho báo chí nhà nước ở tỉnh Ninh Bình báo Ninh Bình

Hôm 13/6, báo Lao Động đưa tin về một cuộc tập huấn về lĩnh vực quyền con người dành cho các cơ quan báo chí được tổ chức tại tỉnh Ninh Bình. 

Sự kiện trên được đồng thực hiện bởi Viện Quyền con người – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Bộ Thông tin và Truyền thông, với chủ đề "Kiến thức về quyền con người cho tổng biên tập, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí". 

Học viên của cuộc tập huấn này gồm các phóng viên, biên tập viên, và cán bộ của các cơ quan báo chí thuộc nhà nước. 

Điều đáng chú ý là thay vì đào tạo báo giới vận dụng chức năng của họ để bảo vệ nhân quyền, thì cuộc tập huấn này lại nhằm mục đích biến nhà báo trở thành công cụ để bảo vệ chế độ trước các chỉ trích từ bên ngoài trong vấn đề quyền con người. 

Cụ thể, nội dung của chương trình tập huấn trên bao gồm việc đào tạo phóng viên cách "nhận diện các luận điệu xuyên tạc về tự do ngôn luận, tự do báo chí" ở Việt Nam. 

Và hướng dẫn báo chí cách "bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng" trong lĩnh vực nhạy cảm ở quốc gia do một mình đảng Cộng sản lãnh đạo.

Chính quyền Việt Nam vẫn phản bác lại các cáo buộc vi phạm nhân quyền bằng cách gọi những tổ chức, cá nhân đưa ra các cáo buộc đó là "thế lực thù địch", hoặc "kém thiện chí". 

Ngoài ra thì các tờ báo cũng như kênh truyền hình quốc doanh cũng được sử dụng để tuyên truyền phản bác lại nhưng cáo buộc vi phạm nhân quyền nhắm vào chế độ. 

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, ông Nguyễn Ngọc Vinh, cựu thư ký toà soạn của báo Tuổi Trẻ, cho biết những cuộc tập huấn như thế này vẫn diễn ra hàng năm, và chỉ nhằm một mục đích là đảm bảo báo giới hoạt động trong khuôn khổ :

"Theo tôi biết thì thỉnh thoảng nhà nước hoặc Đảng tổ chức những hội nghị như vậy, giống như những lớp bồi dưỡng, để khẳng định lại cái đường lối của Đảng trong lĩnh vực báo chí".

Bình luận về việc liệu báo chí có nguy cơ trở thành công cụ của đảng cầm quyền để tuyên truyền trong lĩnh vực nhân quyền thông qua các hoạt động tập huấn này hay không, ông Vinh nói :

"Như chúng ta đã biết, họ đâu cần phải biến báo chí thành công cụ gì đâu, bởi vì trong luật đã nói rõ rồi, báo chí ở Việt Nam là báo chí công cụ, là công cụ của Đảng và Nhà nước.

Chống thế lực thù địch cũng là một mục tiêu mà báo chí phải thực hiện, điều đó đã rõ, những hội nghị đó chỉ nhắc lại và nó nhấn mạnh, chấn chỉnh thêm. Chứ đường lối đưa tin đã thống nhất từ trên xuống dưới rồi. Động tới vấn đề nhân quyền thì phải cẩn trọng, vậy thôi".

Ngoài việc yêu cầu báo chí phải đấu tranh, phản bác lại các cáo buộc vi phạm nhân quyền, một phần nội dung của cuộc tập huấn này cũng yêu cầu báo giới phải thực hiện chức năng định hướng dư luận trong lĩnh vực nhân quyền. 

Về điểm này, ông Nguyễn Ngọc Vinh lấy vụ Đồng Tâm xảy ra hồi tháng 1 năm 2020 để minh họa chức năng định hướng dư luận của báo chí :

"Tôi lấy ví dụ cái chuyện ở Đồng Tâm, khi mà ông Kình bị giết chết thì lúc đầu báo chí không đưa tin, chỉ có mạng xã hội đưa thôi. Nhưng mà khi báo chí tham gia thì báo chí chỉ đưa tin theo một nguồn duy nhất là bên phía công an. 

Báo chí đã gạt bỏ những cái nguồn khác, ví dụ cái nguồn của nhân dân tại chỗ chẳng hạn, cái nguồn của những người chứng kiến, ví dụ thế. Theo đúng tinh thần làm báo thì chúng ta phải lấy nguồn tin từ nhiều nguồn, đó là nguyên tắc của báo chí hiện đại. 

Thế nhưng ở Việt Nam thì báo chí chỉ được phép nói một chiều, nhất là trong những vụ án nhân quyền". 

Với việc báo chí bị kiểm soát và trở thành công cụ của nhà cầm quyền, hậu quả đối với quyền của người dân là rất nghiêm trọng, theo lời một luật sư nhân quyền giấu tên nói với chúng tôi : 

"Trong xã hội tự do dân chủ, báo chí được xem là cơ quan quyền lực thứ tư, là tấm gương phản chiếu việc thực thi chính sách, pháp luật của nhà cầm quyền. 

Trong những xã hội đó báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền tự do, nhân phẩm của người dân. 

Tuy nhiên đối chiếu với tình hình xã hội ở Việt Nam báo chí được xem như là công cụ của nhà cầm quyền, các cơ quan báo chí phải chịu sự kiểm soát của cơ quan tuyên giáo nên họ mất đi tính sáng tạo, phản biện vốn có. 

Báo chí lúc này được xem như là cơ quan ngôn luận của nhà cầm quyền để đàn áp những tiếng nói đối lập, tung tin sai lạc nhằm ly gián, gây hiểu lầm giữa các tầng lớp xã hội, bảo vệ cho giới chóp bu cầm quyền".

Nguồn : RFA, 14/06/2022

***********************

Tập huấn kiến thức về quyền con người cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên

Xuân Hùng & Diệu Anh, Lao Động online, 13/06/2022

Ngày 13/6, tại Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp Bộ Thông tin và truyền thông, tổ chức lớp tập huấn "Kiến thức về quyền con người cho tổng biên tập, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí".

taphuan2

Các đại biểu dự lớp tập huấn "Kiến thức về quyền con người cho tổng biên tập, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí" tại Ninh Bình. Ảnh : NT

Dự lớp tập huấn có : Phó giáo sư tiến sĩ Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Phó giáo sư tiến sĩ Tường Duy Kiên - Viện trưởng Viện Quyền con người - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Phó giáo sư tiến sĩ Đặng Dũng Chí - Giảng viên cao cấp Viện Quyền con người, ông Lê Văn Nghiêm - nguyên Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại (Bộ Thông tin và Truyền thông), cùng đông đảo cán bộ, phóng viên từ nhiều cơ quan báo chí trên cả nước.

Phát biểu tại lễ khai giảng, Phó giáo sư tiến sĩ Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, báo chí đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc thông tin, tuyên truyền trong nước và quốc tế về sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về công tác giáo dục quyền con người.

Từ đó, bảo vệ, bảo đảm và thúc đẩy quyền con người thông qua các phương thức như : truyền thông và định hướng dư luận về quyền con người ; là diễn đàn tự do ngôn luận của người dân ; cung cấp và bảo đảm quyền tiếp cận thông tin; phát hiện, lên án các hành vi vi phạm quyền con người ; nêu gương các điển hình trong đấu tranh bảo vệ quyền con người ; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực quyền con người.

taphuan3

Phó giáo sư tiến sĩ Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu khai giảng lớp tập huấn. Ảnh : NT

Chương trình tập huấn bao gồm 6 chương : Giới thiệu khái quát về quyền con người ; Chuẩn mực và cơ chế quốc tế về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người ; Nhận diện, đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc về tự do ngôn luận, tự do báo chí, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên lĩnh vực quyền con người ở Việt Nam ; Quan điểm, chính sách, pháp luật Việt Nam về quyền con người và tự do báo chí ; Kỹ năng, nghiệp vụ báo chí nhằm thúc đẩy, bảo vệ quyền con người và ngăn ngừa vi phạm quyền con người ở Việt Nam ; Tiếp cận dựa trên quyền trong tác nghiệp báo chí.

Phó giáo sư tiến sĩ Lê Văn Lợi nhấn mạnh, để khóa tập huấn đạt hiệu quả tốt nhất, đề nghị các giảng viên cần truyền tải những thông tin cơ bản và mới nhất về quyền con người, chú trọng phương pháp giảng dạy tích cực ; dành nhiều thời gian để trao đổi, thảo luận ; gợi mở, định hướng, cung cấp tài liệu cho học viên để họ chủ động tiếp cận nội dung quyền con người.

Các học viên tham gia cần tham gia đầy đủ các buổi tập huấn; tích cực phát biểu, thảo luận, chia sẻ để nâng cao hiệu quả các buổi tập huấn; chủ động nghiên cứu tài liệu, trao đổi kinh nghiệm để tích lũy tối đa kiến thức về quyền con người nhằm phục vụ cho việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn.

Thời gian tập huấn diễn ra từ ngày 13-15/6 tại Ninh Bình. Các chuyên đề sẽ do các giảng viên, chuyên gia của Viện Quyền con người - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Bộ Thông tin và truyền thông trình bày.

Xuân Hùng – Diệu Anh

Nguồn : Lao Động online, 13/06/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt, Xuân Hùng,,Diệu Anh
Read 273 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)