Quan hệ Việt-Nga là một nạn nhân khác của cuộc chiến Ukraine ?
VOA, 16/06/2022
Cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã làm lung lay giả định cơ bản về thế trận quốc phòng của Việt Nam – rằng người bạn truyền thống Nga sẽ vẫn là nhà cung cấp đáng tin cậy các hệ thống vũ khí quan trọng giúp ngăn chặn sự xâm lược của Trung Quốc, theo nhận định của một cựu quan chức Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Trong bài viết được Viện Nghiên cứu Chính sách Chiến lược Úc (ASPI) đăng tải, tác giả Nguyễn Quang Dy cho rằng việc Nga xâm lược Ukraine khiến Việt Nam rơi vào tình thế khó xử về mặt chính trị và ngoại giao khi quốc gia Đông Nam Á bị kẹt giữa việc cố gắng tránh lên án Nga với việc xoa dịu sự ủng hộ của người dân Việt Nam đối với Ukraine.
Việt Nam hai lần bỏ phiếu trắng để từ chối chỉ trích các hành động của Nga tại Ukraine trong các cuộc bỏ phiếu của Liên Hiệp Quốc, trước khi bỏ phiếu chống lại một nghị quyết của tổ chức liên chính phủ lớn nhất thế giới hồi đầu tháng 4 nhằm đình chỉ Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Nga tiếp tục là nhà cung cấp vũ khí và một đối tác chiến lược trong các nỗ lực của Hà Nội nhằm chống lại mối đe dọa từ Trung Quốc trong khu vực.
Theo ông Dy, người từng làm việc tại Bộ Ngoại giao Việt Nam và có nhiều bài viết cho ASPI và Nghiên cứu Quốc tế, có một số yếu tố ràng buộc Việt Nam với Nga khiến Hà Nội bị tiến thoái lưỡng nan trong việc xử lý cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine. Ngoài việc Nga trong lịch sử là nước ủng hộ chiến lược của Việt Nam, nước này còn chiếm tỷ trọng lớn trong việc kho vũ khí nhập khẩu của quốc gia Đông Nam Á. Bên cạnh đó, Nga là đối tác quan trọng trong các dự án dầu khí của Việt Nam ở Biển Đông.
Số liệu của Viện nghiên cứu Hòa bình Stockhom (SIPRI) cho thấy lượng vũ khí mua từ Nga chiếm hơn 81% tổng lượng nhập khẩu vũ khí của Việt Nam và Hà Nội là nhà nhập khẩu vũ khí lớn thứ 5 toàn cầu của Moscow. Còn số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư được VnEconomy trích dẫn cho thấy Nga có 151 dự án đầu tư vào các lĩnh vực ở Việt Nam, chủ yếu là dầu khí trong đó Vietsopetro là công ty sản xuất ra 1/3 lượng dầu cho cả nước.
Trước mắt, Hà Nội được cho là sẽ duy trì chính sách quốc phòng "bốn không", theo đó tránh tham gia các liên minh quân sự và không đứng về phía nước này chống lại nước khác, không cho nước ngoài đặt các căn cứ quân sự trên đất Việt Nam cũng như không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Theo ông Dy, chính sách này mở rộng ra Biển Đông và tình hình vẫn chưa đến mức nghiêm trọng để phải đoạn tuyệt với công thức chiến lược lịch sử này.
Tuy nhiên theo các chuyên gia và các nhà quan sát, cuộc khủng hoảng Ukraine là cơ hội tốt để Việt Nam đánh giá lại mối quan hệ với Nga cũng như tìm cách đa dạng hóa nguồn cung vũ khí để giảm sự phụ thuộc quá mức vào Nga. Áp lực đối với việc đa dạng hóa nguồn cung vũ khí đã có trong một thời gian dài đối với Việt Nam, trong bối cảnh Trung Quốc bành trướng sức mạnh ở khu vực, nhưng theo ông Dy, áp lực này được thúc đẩy mạnh mẽ bởi cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Việt Nam có thể bị áp chế tài theo Đạo luật Chống lại Kẻ thù của nước Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) nếu tiếp tục là khách hàng mua vũ khí của Nga. Nhưng bên cạnh đó, theo phân tích của ông Dy, cuộc chiến ở Ukraine đã kéo Nga xích gần hơn với Trung Quốc trong khi nhiều phụ tùng thay thế trong các thiết bị vũ khí của Nga, như động cơ của các tàu hộ vệ tên lửa lớp Gepard – trớ trêu thay là được sản xuất ở Ukraine – không còn có sẵn.
Nói với VOA hồi tháng 4, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak, cho rằng nếu Việt Nam tiếp tục mua vũ khí từ Nga thì sẽ có rủi ro về ảnh hưởng trong quan hệ với Mỹ và rằng với biến cố Ukraine, Việt Nam sẽ quyết tâm hơn trong nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung vũ khí của mình ra khỏi sự phụ thuộc vào Nga.
‘Đối tác kém hấp dẫn’
Trước thông tin về cuộc diễn tập quân sự giữa Nga và Việt Nam hồi cuối tháng 4, ông Derek Chollet, cố vấn chính sách cấp cao của Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken, nói rằng Nga "ngày nay là một đối tác kém hấp dẫn hơn nhiều so với thời điểm cách đây 4 tháng". Ông Chollet kêu gọi Việt Nam đánh giá lại mối quan hệ với Nga và cho biết rằng Mỹ "sẵn sàng trở thành một đối tác của họ khi họ xem xét về vấn đề an ninh trong tương lai".
Tuy nhiên, có những giới hạn đối với việc Việt Nam có thể xa dần trong quan hệ với Nga mà không bị ảnh hưởng đến an ninh của chính mình, theo ông Dy. Kế hoạch hiện đại hóa các lực lượng vũ trang của Việt Nam đã chậm lại kể từ năm 2016 và dù quốc gia Đông Nam Á này đã tìm cách đa dạng hóa nguồn cung vũ khí để giảm thiểu rủi ro, thì việc thay thế các thiết bị của Nga là không dễ dàng chút nào. So với các nhà cung cấp khác, vũ khí của Nga có giá rẻ hơn. Quân đội Việt Nam cũng sẽ đối mặt với những thách thức trong việc tích hợp các nền tảng mới có thể thay thế các hệ thống của Nga được sử dụng trong nhiều thập kỷ qua, theo phân tích của ông Dy.
Trong giai đoạn từ 1995 đến 2021, Việt Nam nhập khẩu vũ khí từ Nga trị giá gần 7,4 tỷ USD, theo dữ liệu của SIPRI. Trong vòng 20 năm qua, hơn 61% lượng xuất khẩu quốc phòng của Nga sang Đông Nam Á được đưa tới Việt Nam. Khi những căng thẳng của Việt Nam và Trung Quốc tăng cao ở Biển Đông vào giữa thập niên 1990, Nga trở thành trọng tâm trong quá trình hiện đại hóa các lực lượng vũ trang của Việt Nam. Theo nhà nghiên cứu Ian Storey của ISEAS-Yusof Ishak, Việt Nam sẽ bị phụ thuộc vào Nga về vũ khí, phụ tùng, bảo dưỡng và nâng cấp trong ít nhất hai thập kỷ tới.
Sự phụ nhiều vào vũ khí của Nga, theo ông Dy, đặt ra những thế yếu về chiến lược cho Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh có sự liên kết ngày càng chặt chẽ hơn giữa Nga và Trung Quốc cũng như sự gia tăng cạnh tranh chiến lược ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Nhà phân tích quốc phòng cấp cao của RAND Corporation, Derek Grossman, cho rằng khả năng Trung Quốc gây chiến với Việt Nam cao hơn với Đài Loan. Theo chuyên gia thường có các phân tích về Việt Nam, việc quốc gia Đông Nam Á không có bất cứ một liên minh an ninh nào với bất cứ một cường quốc lớn hay mạng lưới liên minh nào đặt Việt Nam vào thế giống với Ukraine. Ông Grossman cho rằng, có nguy cơ đáng kể về khả năng một "sự cố" ở Biển Đông tràn lên biên giới trên bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Kịch bản đó, theo ông nhà phân tích của RAND, được cho là có nhiều khả năng hơn là một cuộc xâm lượng Đài Loan của Trung Quốc.
Đối với Việt Nam, một quốc gia trung lập trong khu vực, việc ‘xoay trục’ một cách tế nhị mang tính ngoại giao khỏi người bạn truyền thống lâu năm đồng thời là nhà cung cấp vũ khí, là Nga, theo ông Dy, sẽ có lợi cho lợi ích của mình trong việc xây dựng một quân đội hiện đại hơn được đảm bảo bằng các chuỗi cung ứng an toàn.
Nguồn : VOA News, 16/06/2022
**********************
Phiếu ủng hộ của Việt Nam cho Nga và cảnh báo hệ lụy mối quan hệ với Mỹ
VOA, 18/04/2022
Việc Việt Nam bỏ phiếu chống lại nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm đình chỉ Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc được cảnh báo là có thể khiến mối quan hệ của Hà Nội với phần còn lại của thế giới rơi vào lâm nguy.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp đón tại Khu nghỉ dưỡng Biển Đen ở Sochi của Nga ngày 16/9/2018. Sau hai lần bỏ phiếu trắng, Việt Nam quyết định chống lại việc đình chỉ Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc trong cuộc bỏ phiếu hôm 7/4 ở New York.
Ngay trước khi cuộc bỏ phiếu nhằm đình chỉ Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vì những cáo buộc rằng binh lính Nga giết hàng trăm thường dân ở Bucha của Ukraine, Moscowcảnh báo các nước rằng một lá phiếu "đồng ý" hoặc "trắng" đối với sự thúc đẩy của Mỹ để loại bỏ Nga sẽ được coi là một "cử chỉ không thân thiện" và sẽ gây hậu quả cho quan hệ song phương.
Việt Nam, sau hai lần bỏ phiếu trắng vào tháng trước khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc tìm sự đồng thuận để lên án Nga vì cuộc xâm lược ở Ukraine, đã bỏ phiếu chống trong cuộc biểu quyết lần thứ 3, mà Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Linda Thomas-Greenfield gọi là "khoảnh khắc lịch sử". Dù có 24 nước không ủng hộ nghị quyết được Mỹ thúc đẩy hôm 7/4, trong đó có Việt Nam, nhưng có đến 93 quốc gia bỏ phiếu tán thành, vượt quá mức tối thiểu cần thiết 2/3 trong số 193 thành viên của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York – trong đó 58 phiếu trắng không được tính – để đình chỉ Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền của tổ chức liên chính phủ lớn nhất thế giới. Nga trở thành quốc gia thứ hai trong lịch sử, sau Libya, bị loại khỏi hội đồng này.
"Tôi không ngạc nhiên bởi vì Việt Nam có một mối quan hệ lâu dài với Nga kể từ thời chiến tranh (chống Mỹ)", Giáo sư Zachary Abuza của Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ chuyên về chính trị và an ninh Đông Nam Á, nói : "(Việt Nam) có quan hệ ngoại giao với Nga ở mức cao nhất (tức đối tác chiến lược toàn diện) và rõ ràng Nga đóng vai trò quan trọng đối với (Việt Nam) trong việc hiện đại hóa quân sự".
Ngoài Nga, chỉ có Trung Quốc và Ấn Độ là hai đối tác chiến lược toàn diện còn lại của Việt Nam, và Moscow cung cấp phần lớn vũ khí cho Hà Nội trong nhiều thập kỷ qua.
Giải thích về quan điểm của Hà Nội ngay trước cuộc bỏ phiếu hôm 7/4, Đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc Đặng Hoàng Giang nói rằng các quyết định của các cơ quan tổ chức quốc tế cần tuân thủ đúng quy trình, thủ tục hoạt động và mọi quyết định của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc "cần dựa trên thông tin được kiểm chứng".
Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi vụ thảm sát ở Bucha là giả tạo trong khi chính phủ Đức nói có bằng chứng cho thấy quân Nga gây ra vụ thảm sát này. Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi ông Putin là "tội phạm chiến tranh" và kêu gọi xét xử người đứng đầu nước Nga.
Dù khẳng định rằng Việt Nam phản đối mọi hành vi tấn công dân thường, vi phạm luật nhân đạo và nhân quyền quốc tế, nhưng ông Giang, người đứng đầu Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, cho rằng "cần xác minh, kiểm chứng các thông tin gần đây một cách công khai, minh bạch, khách quan, với sự hợp tác của các bên liên quan".
Quyết định của Việt Nam bỏ phiếu chống lại việc đình chỉ Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc được cảnh báo là có thể khiến mối quan hệ của Hà Nội với phần còn lại của thế giới rơi vào thế lâm nguy.
"Việt Nam, bằng cách không chỉ bỏ phiếu trắng mà là bỏ phiếu cho quan điểm của Nga, sẽ gây tổn hại tới các mối quan hệ với Liên Hiệp Châu Âu, Úc, Nhật Bản và Mỹ", Giáo sư Abuza, nhà phân tích hàng đầu về chính trị và an ninh Đông Nam Á, nói. "Và điều này có thể khiến cho Việt Nam mất đi một trong những cuộc gặp mặt bên lề với Tổng thống Biden trong cuộc họp thượng đỉnh Hoa Kỳ-ASEAN đã được lên kế hoạch và nó sẽ không giúp ích gì cho mối quan hệ song phương giữa hai nước".
Thượng đỉnh Hoa Kỳ-ASEAN, ban đầu được dự kiến diễn ra vào cuối tháng 3 nhưng sau đó bị hoãn lại vì thời điểm không phù hợp cho lãnh đạo của khối 10 nước Đông Nam Á cùng tới Washington tham dự, đã được lên kế hoạch lại vào 12-13 tháng sau. Bộ Ngoại giao Việt Nam hồi đầu tháng 3 cho biết Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dự sự kiện theo lời mời của Tổng thống Biden và "sẽ có các hoạt động song phương" tại đây. Các lãnh đạo của khối sẽ gặp mặt trực tiếp Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris tại thượng đỉnh mà giới quan sát xem là nhằm tăng cường mối quan hệ với khối ASEAN để chống lại sự thống trị của Trung Quốc trong khu vực.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Khang, ứng viên tiến sĩ tại Khoa Chính trị học của Trường Đại học Boston, việc Việt Nam bỏ phiếu chống lại việc đình chỉ Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốcdường như sẽ không làm tổn hại đến mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam một cách công khai. Theo ông Khang, Mỹ hạ thấp tác động của quyết định bỏ phiếu "chống" của Việt Nam với sự thấu hiểu rằng Việt Nam đang ở trong một tình thế khó khăn.
Ông Khang đưa ra nhận định này sau khi cố vấn Ngoại trưởng Mỹ Derek Chollet, người vừa có chuyến thăm tới Việt Nam và Philippines trong chuyến công du Đông Nam Á, cho biết rằng Mỹ sẽ không đánh đồng các nước như nhau, nếu có quốc gia bỏ phiếu trắng, vì cuối cùng thì Nga đã bị loại khỏi Hội đồng Nhân quyền.
"Rõ ràng Việt Nam là một nước có một mối quan hệ lâu dài với Liên bang Xô viết và Nga. Quân đội của họ rất khăng khít với quân đội Nga", ông Chollet nói trong một cuộc phỏng vấn vớiThe Diplomat : "Đồng thời, (Việt Nam) đang phải vật lộn với điều này. Họ có thể liên hệ nhiều mặt với hoàn cảnh của người dân Ukraine cũng như sự kiên cường dũng cảm của người dân Ukraine trước sự tấn công dữ dội của một nước láng giềng lớn hơn rất nhiều lần".
Theo Giáo sư Abuza, Mỹ hiểu được rằng Việt Nam có mối quan hệ lịch sử với Nga nhưng Hoa Kỳ có thể thất vọng nếu Việt Nam tiếp tục ủng hộ Nga khi Mỹ đang trở thành đối tác thương mại và an ninh hàng đầu của Việt Nam.
"Mỹ hiểu rằng (Việt Nam) là một nước độc tài và sẽ bỏ phiếu theo những quốc gia độc tài khác", Giáo sư Abuza, tác giả cuốn sách "Đổi mới Chính trị ở Việt Nam Đương đại (Renovating Politics in Contemporary Vietnam)", nói.
Ba lần bỏ phiếu của Việt Nam tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc kể từ khi Nga phát động cuộc chiến tranh ở Ukraine cách đây gần 2 tháng, đều trùng khớp với quyết định của Trung Quốc. Sau hai lần bỏ phiếu trắng, Trung Quốc, nước phản đối các chế tài của Mỹ và phương Tây áp lên Moscow vì cuộc khủng hoảng Ukraine, hôm 7/4 cũng bỏ phiếu chống lại việc loại Nga ra khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
"Chúng tôi không phải là không biết điều đó nhưng chúng tôi muốn nhắc nhở Việt Nam rằng tương lai và sự thịnh vượng kinh tế của (Việt Nam) gắn liền hơn với Mỹ, Liên Hiệp Châu Âu và Nhật Bản", Giáo sư Abazu nhận định và cho rằng ngoài vũ khí ra, Nga "không có ý nghĩa gì với Việt Nam về mặt kinh tế" trong khi Mỹ đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển và thịnh vượng của Việt Nam.
Trong khi thương mại hai chiều giữa Mỹ và Việt Nam đạt hơn 110 tỷ USD vào năm ngoái thì con số này giữa Việt Nam và Nga là 7,1 tỷ USD. Mối quan hệ giữa Hà Nội và Washington trở nên gắn bó hơn trong những năm gần đây khi có những mối quan ngại song trùng trước sức ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc. Việt Nam cũng trở thành một trong những đối tác chiến lược quan trọng nhất của Mỹ trong khu vực để kiềm tỏa sức mạnh của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Vì tầm quan trọng chiến lược của Hà Nội trong chính sách của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nên mặc dù Việt Nam vẫn đang tiếp tục mua vũ khí của Nga, nhưng chính quyền Tổng thống Trump và Biden đã không đưa Hà Nội vào danh sách bị trừng phạt theo Đạo luật Chống lại kẻ thù của nước Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA).
Chính quyền Biden kêu gọi các quốc gia "đứng về phía lẽ phải của lịch sử" khi chọn cách ủng hộ hay chống đối cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine, và theo Giáo sư Abuza, Mỹ có nhiều đòn bẩy để trừng phạt Việt Nam nếu muốn trong khi Nga không thể làm được điều này.
Nguồn : VOA tiếng Việt, 18/04/2022
************************
Chiến tranh Ukraine, chế tài và vũ khí Nga : Việt Nam trong thế kẹt ?
VOA, 11/04/2022
Các chế tài của phương Tây đối với Moscow vì cuộc xâm lược ở Ukraine có thúc đẩy Việt Nam nhanh chóng thoát khỏi sự phụ thuộc vào Vũ khí Nga ?
Chủ tịch nước Việt Nam duyệt đội danh dự trong lễ đặt vòng hoa tại Lăng mộ Những người lính Vô danh tại Moscow hôm 1/12/2021. Nga là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Việt Nam nhưng đang bị các chế tài của phương Tây vì cuộc xâm lược ở Ukraine.
Việt Nam có một mối quan hệ quốc phòng kéo dài hàng thập kỷ với Nga kể từ cuộc Chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Từ năm 1995, sau một thời gian gián đoạn vì Chiến tranh Lạnh, Nga trở lại thành nhà cung cấp vũ khí quan trọng nhất của Việt Nam.
Trong giai đoạn từ 1995 và 2021, Việt Nam nhập khẩu vũ khí trị giá gần 7,4 tỷ USD từ Nga, theothống kê về chuyển giao vũ khí của Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI). Lượng vũ khí mua từ Nga chiếm hơn 81% tổng lượng nhập khẩu vũ khí của Việt Nam.
Việt Nam cũng là quốc gia Đông Nam Á mua nhiều vũ khí nhất từ Nga. Theo dữ liệu của SIPRI, trong vòng 20 năm qua, hơn 61% lượng xuất khẩu quốc phòng của Nga sang Đông Nam Á được đưa tới Việt Nam và Hà Nội là nhà nhập khẩu vũ khí lớn thứ 5 toàn cầu của Moscow.
Khi những căng thẳng của Việt Nam và Trung Quốc tăng cao ở Biển Đông vào giữa thập niên 1990, Nga trở thành trọng tâm trong quá trình hiện đại hóa các lực lượng vũ trang của Việt Nam, theo nhận định của Ian Storey, nhà nghiên cứu cao cấp của Viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore. Trong mộtbài bình luận đăng trên trang web của viện, ông Storey cho rằng những trợ giúp về quân sự của Nga đã giúp biến quốc phòng của Việt Nam thành một trong những lực lượng vũ trang hiện đại và có năng lực nhất ở Đông Nam Á, giúp cho Hà Nội có một sự răn đe, dù còn hạn chế, nhưng đủ mạnh để chống lại Trung Quốc ở Biển Đông.
Với việc tiến hành một cuộc xâm lược bị coi là "vô cớ" trên lãnh thổ Ukraine, Nga đang bị phương Tây, dẫn đầu là Mỹ, và một số quốc gia châu Á áp đặt các chế tài nhằm trừng phạt Moscow. Các ngân hàng lớn của Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT và điều này được xem là sẽ gây khó khăn cho Việt Nam trong việc mua vũ khí của Nga.
"Hệ thống SWIFT là cơ chế chính để chuyển tiền từ Việt Nam sang Nga", Giáo sư Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Úc thuộc Đại học New South Wales cho biết. "Việc Nga bị loại khỏi SWIFT sẽ gây khó khăn cho Việt Nam trong ngắn hạn để đáp ứng các khoản thanh toán đến hạn".
Giáo sư Thayer, chuyên gia phân tích về các vấn đề quốc phòng của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, cho rằng Việt Nam sẽ rất khó thực hiện bất kỳ hoạt động mua vũ khí lớn nào từ Nga cho đến khi cuộc chiến ở Ukraine kết thúc.
Việt Nam và Nga đã có kinh nghiệm này từ năm 2014-2015 khi Nga sáp nhập Crimea và phải chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm ngăn chặn việc chuyển tiền của Nga, theo Giáo sư Thayer. Các chế tài của phương Tây lúc đó, cũng do Mỹ dẫn đầu, cấm cung cấp thăm dò công nghệ dầu khí và tín dụng cho các công ty cùng ngân hàng nhà nước của Nga.
Theo Giáo sư Thayer, Việt Nam và Nga có thể tìm ra các thỏa thuận tạm thời để tạm ngừng hoặc trì hoãn các khoản thanh toán trong lúc đưa ra các phương thức thanh toán thay thế cho các chủ nợ Nga thông qua việc thiết lập tài khoản của nga tại các ngân hàng Việt Nam hoặc thông qua các tổ chức tài chính của Trung Quốc. Ngoài ra, cũng theo chuyên gia phân tích quốc phòng này, Việt Nam và Nga có thể có các thỏa thuận linh hoạt liên quan đến thương mại ngược chiều, như trao đổi hàng hóa hoặc dịch vụ thay cho tiền tệ.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp của ISEAS cũng có nhận định tương tự về cách thức thay thế mà Việt Nam và Nga có thể làm để tiếp tục mua bán vũ khí trong khi Moscow bị các chế tài của phương Tây.
"Trước đây Việt Nam và Nga cũng đã từng có việc buôn bán theo kiểu hàng đổi hàng, tức là bây giờ không thanh toán được bằng đồng rúp hay đồng đô la thì họ vẫn có thể thanh toán qua các (phương thức) như Nga xuất khẩu vũ khí cho Việt Nam và Việt Nam thanh toán cho Nga bằng các mặt hàng khác", Tiến sĩ Hiệp nói.
Còn theo Giáo sư Thayer, các cơ quan quốc phòng Nga có thể mở tài khoản ngân hàng bằng đồng rúp ở Việt Nam và thiết lập cơ chế chuyển tiền, có thể là song phương hoặc có sự tham gia của các bên thứ ba – chẳng hạn như các tổ chức tài chính của Trung Quốc, nước đang ủng hộ Nga và phản đối các chế tài của phương Tây trong cuộc khủng hoảng Ukraine.
Ấn Độ, nước mua nhiều vũ khí nhất của Nga, hiện đang nhập khẩu dầu của Nga bằng đồng rúp.
'Rủi ro với Mỹ'
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng tác động của chế tài phương Tây áp lên Moscow đối với Việt Nam trong việc mua vũ khí của Nga không nên bị phóng đại quá mức bởi Việt Nam trong những năm gần đây đã tìm cách đa dạng hóa nguồn cung vũ khí của mình, một phần trước áp lực từ khả năng bị chế tài từ Hoa Kỳ theo Đạo luật Chống lại kẻ thù của nước Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA).
Theo dữ liệu của SIPRI, vũ khí của Nga chiếm 90% tổng lượng nhập khẩu của Việt Nam trong giai đoạn 1995-2014, nhưng con số này giảm xuống 68,4% trong giai đoạn từ 2015-2021. Những nhà cung cấp vũ khí cho Việt Nam trong giai đoạn sau này gồm có Isreal, Belarus, Hàn Quốc, Mỹ và Hà Lan.
"Các khoản mua sắm vũ khí từ Nga của Việt Nam đã giảm đáng kể từ năm 2015, khi Việt Nam chi 735 triệu USD, xuống 9 triệu USD vào năm 2020 và 72 triệu vào năm 2021", Giáo sư Thayer nói và cho rằng việc sụt giảm này không hẳn là do các vấn đề về ngân sách, như nhiều người giả định, mà là vì Việt Nam không muốn phô trương "để tránh sự tức giận từ phía Đảng Cộng hòa dưới thời Tổng thống Trump, nên không thực hiện bất kỳ giao dịch mua bán (vũ khí) lớn nào".
Tổng thống Donald Trump vào năm 2017 ký ban hành CAATSA, đạo luật liên bang của Hoa Kỳ nhằm áp lệnh trừng phạt vào Iran, Bắc Triều Tiên và Nga. Theo đó những nước mua vũ khí của Nga sẽ bị Mỹ áp chế tài.
Tuy nhiên cả chính quyền Trump và Biden đều miễn trừ Việt Nam, và cả Ấn Độ, khỏi các chế tài của Mỹ mặc dù quốc gia Đông Nam Á tiếp tục nhập khẩu thiết bị quốc phòng từ Nga. Thay vào đó, Mỹ để cho Việt Nam giảm dần việc mua vũ khí và thiết bị quân sự của Nga để tránh bị trừng phạt theo Đạo luật CAATSA trong lúc tăng cường quan hệ an ninh và quốc phòng với Hà Nội để kiềm chế sự ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực.
Nhưng theo Tiến sĩ Hiệp, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam nên cân nhắc lại về việc tiếp tục mua vũ khí từ Nga.
"Nếu Việt Nam tiếp tục mua vũ khí từ Nga thì Việt Nam sẽ có rủi ro là quan hệ với Mỹ sẽ bị ảnh hưởng, và Việt Nam nên chọn cái gì tốt hơn cho mình", Tiến sĩ Hiệp nói. "Trong tương lai, tôi cho rằng, Việt Nam sẽ đẩy mạnh hơn nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung vũ khí của mình ra khỏi Nga. Với biến cố Ukraine lần này, tôi nghĩ Việt Nam sẽ quyết tâm hơn với nỗ lực này".
Dù Việt Nam đã tìm cách đa dạng hóa nguồn cung vũ khí trong những năm qua nhưng theo nhà nghiên cứu Storey, Việt Nam sẽ bị phụ thuộc vào Nga về vũ khí, phụ tùng, bảo dưỡng và nâng cấp trong ít nhất hai thập kỷ tới.
Với mối quan hệ và sự phụ thuộc như vậy vào Nga, Việt Nam đã hai lần bỏ phiếu trắng không lên án Moscow vì cuộc xâm lược ở Ukraine tại các cuộc biểu quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trong tháng trước . Hôm 7/4, Việt Nam đã bỏ phiếu chống lại việc đình chỉ Nga, một trong ba đối tác chiến lược toàn diện của Hà Nội, khỏi Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Hiệp cảnh báo rằng, mối quan hệ ngày càng thân thiết giữa Moscow và Bắc Kinh là một nguồn rủi ro khác khiến Hà Nội phải lưu tâm trong khi tranh chấp Biển Đông ngày càng gia tăng và việc đưa ra các kế hoạch nhằm loại bỏ vũ khí Nga khỏi hệ thống quốc phòng ngày càng trở nên quan trọng đối với Việt Nam.
Nguồn : VOA, 11/04/2022