Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

14/06/2022

Tập Cận Bình dọa đánh, Thái Anh Văn không hiền như ma sơ

Tessa Wong, Minh Anh, Trọng Thành, Trọng Nghĩa

Liệu Mỹ và Trung Quốc đang tiến tới cuộc chiến giành hòn đảo ?

Tessa Wong, BBC, 14/06/2022

Nhiều tuần sau khi Tổng thống Mỹ cảnh báo Trung Quốc về vấn đề Đài Loan, Bắc Kinh đã đưa ra bác bỏ quyết liệt nhất, nói rằng họ sẽ "kiên quyết đập tan bất kỳ nỗ lực nào" nhằm giành độc lập cho Đài Loan.

tqdl1

Ngụy Phượng Hòa, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, đã chỉ trích Mỹ về những bình luận gần đây của họ về Đài Loan

Hôm Chủ nhật, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa về cơ bản cáo buộc Mỹ ủng hộ nền độc lập của hòn đảo, nói rằng Mỹ "vi phạm lời hứa về Đài Loan" và "can thiệp" vào chuyện của Trung Quốc.

"Hãy để tôi làm rõ điều này : nếu bất cứ nước nào dám chia tách Đài Loan khỏi Trung Quốc, chúng tôi sẽ không ngần ngại chiến đấu. Chúng tôi sẽ chiến đấu bằng mọi giá và chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng. Đây là sự lựa chọn duy nhất cho Trung Quốc". ông Ngụy Phượng Hòa nói tại Đối thoại Shangri-la, một hội nghị thượng đỉnh về an ninh Châu Á được tổ chức tại Singapore.

Bình luận của ông Ngụy Phượng Hòa được đưa ra sau thông điệp gần đây của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhắn gửi Trung Quốc rằng nước này đang "đùa với lửa" bằng việc cho máy bay chiến đấu đến gần Đài Loan. Ông thề sẽ bảo vệ hòn đảo bằng quân đội nếu nó bị tấn công.

Đài Loan tự cho mình là quốc gia có chủ quyền nhưng bị Trung Quốc coi là tỉnh ly khai. Tuy nhiên, Đài Loan cũng coi Mỹ là đồng minh lớn nhất của mình và Washington có luật yêu cầu nước này giúp hòn đảo tự vệ.

Các luận điệu leo ​​thang khi Trung Quc liên tiếp c các chiến đấu cơ vào vùng nhn dng phòng không ca Đài Loan - đợt bay xut kích ln nht trong năm ca h ch vào tháng trước - trong khi M đã điu tàu hải quân đi qua vùng biển của Đài Loan.

Vậy phải chăng Mỹ và Trung Quốc đang tiến tới một cuộc xung đột quân sự ?

Cân nhắc kỹ những thiếu sót

Một nỗi lo sợ lớn nhất là liệu chiến tranh có nổ ra nếu Trung Quốc xâm lược Đài Loan. Trước đây, Bắc Kinh từng nói họ có thể giành lại hòn đảo này bằng vũ lực nếu cần thiết.

Nhưng hầu hết các nhà phân tích cho rằng điều này - hiện tại - là không có khả năng xảy ra.

Đã có cuộc tranh luận về việc liệu Trung Quốc có đủ khả năng quân sự để xâm lược thành công hay không, và Đài Loan đã tăng cường đáng kể hệ thống phòng thủ trên không và trên biển.

Nhưng nhiều ý kiến cho rằng Bắc Kinh nhận thấy một động thái như vậy là quá tốn kém và thảm khốc - không chỉ đối với Trung Quốc, mà còn đối với thế giới.

"Có rất nhiều luận điệu, nhưng người Trung Quốc phải cân nhắc kỹ những thiếu sót nếu muốn tiến hành một cuộc xâm lược Đài Loan, đặc biệt là quá giống với cuộc khủng hoảng Ukraine". William Choong, thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, cho biết.

Quan điểm nhất quán của Trung Quốc là tìm kiếm "sự thống nhất hòa bình" với Đài Loan - điều mà Tướng Ngụy Phượng Hòa nhắc lại vào Chủ nhật - và rằng Bắc Kinh sẽ chỉ hành động nếu đối mặt với sự khiêu khích.

Một hành động có thể châm ngòi là Đài Loan chính thức tuyên bố độc lập. Nhưng đây là điều mà Tổng thống Thái Anh Văn đã hết sức tránh, ngay cả khi bà khẳng định họ đã là một quốc gia có chủ quyền.

Hầu hết người Đài Loan ủng hộ lập trường này, vốn được gọi là "duy trì hiện trạng", dù một vài người ngày càng nhấn mạnh rằng họ muốn tiến tới độc lập.

tqdl2

Tổng thống Đài Loan bên một máy phóng tên lửa chống tăng

Tương tự, Mỹ sẽ miễn cưỡng bị kéo vào một cuộc xung đột quân sự tốn kém ở Châu Á, và Mỹ đã nhiều lần ra tín hiệu rằng họ không muốn chiến tranh.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, người cũng tham dự Đối thoại, phát biểu rằng Mỹ không ủng hộ Đài Loan độc lập, cũng như không muốn "một cuộc Chiến tranh Lạnh mới".

"Đôi bên đều kiên định lập trường về Đài Loan. Họ cần trông cứng rắn, họ không muốn bị coi là thụt lại hay lùi bước". Collin Koh, nghiên cứu viên của Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam, nói

"Nhưng đồng thời họ cũng rất lưu tâm về việc nhảy vào một cuộc xung đột toàn diện. Họ đang chăm chú lắng nghe luận điệu của nhau, và cả hai bên đều đang gắng sức kiềm chế rủi ro".

Việc cả tướng Ngụy Phượng Hòa và ông Austin gặp nhau bên lề Đối thoại Shangri-la là một dấu hiệu tích cực, vì điều đó có nghĩa là cả hai bên đều muốn thể hiện rằng "họ vẫn sẵn lòng ngồi xuống đối thoại, đi đến thống nhất, và hòa giải khác biệt". ông Koh nói.

Ông nói, điều này có thể khiến các cuộc thảo luận hiệu quả hơn giữa quân đội hai nước nhằm giảm khả năng xảy ra các tính toán sai lầm trên thực địa làm dẫn đến xung đột, và mang lại một "làn gió mới cho đối thoại" - thứ vốn không có dưới thời chính quyền của Donald Trump.

tqdl3

Những phát biểu gần đây của ông Biden về Đài Loan được một số người coi là sự thay đổi giọng điệu rõ ràng trong chính sách của Hoa Kỳ

Điều đó cho thấy, có khả năng cả Trung Quốc và Mỹ đều sẽ tiếp tục luận điệu của mình trong tương lai gần.

Tiến sĩ Ian Chong, một chuyên gia về Trung Quốc của Đại học Quốc gia Singapore, cho biết Trung Quốc thậm chí có thể đẩy mạnh "chiến tranh vùng xám" nhằm làm kiệt quệ lực lượng quân sự và sự nhẫn nại của Đài Loan - chẳng hạn như điều thêm chiến đấu cơ - hoặc các chiến dịch tin giả.

Đài Loan trước đây đã cáo buộc Trung Quốc tiến hành các chiến dịch tin giả trước cuộc bầu cử của hảo đảo này. Đài Loan sẽ tổ chức các cuộc bầu cử địa phương quan trọng vào cuối năm nay.

Đối với Hoa Kỳ và Trung Quốc, ít nhất hiện thời "không có ý chí chính trị để thay đổi lập trường của mình", đặc biệt là với các sự kiện quan trọng sắp tới - cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ vào tháng 11 và Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 vào nửa cuối năm - thời điểm mà Chủ tịch Tập Cận Bình dự kiến ​​s cng cố hơn nữa quyền lực của ông ta.

Tiến sĩ Chong nói : "Mặt tích cực là không bên nào sẵn sàng leo thang.

"Nhưng không leo thang không có nghĩa là chúng ta sẽ tiến đến một vị trí tốt hơn. Vì vậy, tất cả chúng tôi đều mắc trong thế kẹt này một thời gian".

Tessa Wong

Nguồn : BBC, 14/06/2022

***********************

Mỹ - Đài Loan chuẩn bị mở đối thoại chiến lược

Minh Anh, RFI, 14/06/2022

Trang mạng Nikkei Asia ngày 14/06/2022, trích dẫn các nguồn thạo tin, cho biết Washington và Đài Bắc đang trong giai đoạn chuẩn bị cuối cùng cho một cuộc đối thoại song phương về an ninh chiến lược, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 6/2022 tại Mỹ. 

tqdl4

Ảnh do Bộ quốc phòng Đài Loan công bố : Chiến đấu cơ F-16 của Đài Loan (dưới) áp sát máy bay ném bom H6 của Trung Quốc xâm nhập vùng nhận diện phòng không ADIZ của Đài Loan hôm 10/02/2020. Máy bay F-16 của không quân Đài Loan là do Mỹ cung cấp  © AP

Theo trang tin Nhật Bản này, các quan chức an ninh Mỹ và Đài Loan sẽ thảo luận chi tiết về hợp tác an ninh trong khuôn khổ thường được gọi là "Đàm phán Monterey", mà lần tổ chức gần đây nhất là vào mùa thu 2021, cũng tại Mỹ.

Theo nguyên tắc chung, cả bản kế hoạch lẫn nội dung cuộc đàm phán đều không được công bố. Nhưng theo một trong số nguồn tin, chủ đề chính của đối thoại sắp tới rất có thể sẽ là chương trình hỗ trợ vũ khí của Mỹ cho Đài Loan. Washington đặt mục tiêu ưu tiên bán các loại vũ khí cho phép ngăn chặn hiệu quả các chiến dịch đổ bộ từ Trung Quốc lên đảo Đài Loan. Quốc hội Mỹ cũng xem xét kế hoạch cấp vài tỷ đô la để hỗ trợ tài chính cho Đài Loan mua vũ khí.

Ngoài ra, chính quyền Biden dự định ưu tiên bán các loại vũ khí gọi là "năng lực phi đối xứng", có độ linh hoạt cao, rẻ tiền và hiệu quả trong việc đối phó với các chiến dịch đổ bộ từ Trung Quốc. Cụ thể đó là các loại tên lửa chống hạm và hệ thống phòng không, các hệ thống thu thập thông tin tình báo cần thiết để xác định các chuyển động của đối phương và đưa ra cảnh báo sớm. 

Tuy nhiên, theo Nikkei Asia, chiến đấu cơ F-19 mà chính phủ Mỹ quyết định bán cho Đài Loan có thể không thuộc diện này. Như vậy là tiêu chuẩn cho việc bán các chiến đấu cơ phản lực cho Đài Loan trong tương có thể sẽ được đặt cao hơn. 

Việc ưu tiên bán vũ khí "phi đối xứng", ngoài mục tiêu tăng cường nhanh chóng khả năng ngăn chặn quân đội Trung Quốc đổ bộ, còn nhằm khuyến khích Đài Loan phân bổ ngân sách hiệu quả hơn cho quốc phòng. 

Hoa Kỳ dường như cũng đã chuẩn bị một danh sách các loại vũ khí và hệ thống mà Washington khuyến khích Đài Bắc nên mua, đồng thời chọn khoảng 20 vũ khí và một số trang thiết bị khác làm các mặt hàng ưu tiên để bán cho Đài Bắc. 

Minh Anh

**********************

Đài Loan khẳng định chưa bao giờ là "một phần lãnh thổ của Trung Quốc"

Trọng Thành, RFI, 13/06/2022

Chính quyền Đài Loan đã có phản ứng cứng rắn ngay sau phát biểu của bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc, đe dọa "sẽ chiến đấu đến cùng" để ngăn cản Đài Loan tuyên bố độc lập. Đài Bắc khẳng định Đài Loan chưa bao giờ là "một phần lãnh thổ của Trung Quốc", đồng thời lên án tuyên bố của ông Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe).

tqdl5

Một phụ nữ vẫy cờ Đài Loan trong ngày Quốc Khánh Trung Hoa Dân Quốc ngày 10/10/2021. AP - Chiang Ying-ying

Ngày hôm qua, 12/06/2022, Ủy ban Đại Lục (phụ trách Trung Quốc) của chính phủ Đài Loan ra thông báo khẳng định phát biểu của bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phương Hòa, "đã cho thấy Bắc Kinh là một nguồn gây bất ổn khu vực". Phát biểu của lãnh đạo bộ quốc phòng Trung Quốc được đưa ra tại hội nghị an ninh Châu Á, Đối Thoại Shangri-La, Singapore, hôm qua, 12/06/2022. Thông báo của Ủy ban Đại Lục nhấn mạnh hai vùng lãnh thổ nằm hai bên bờ eo biển Đài Loan trên thực tế không thuộc về nhau và Đài Loan chưa bao giờ thuộc quyền kiểm soát của chế độ cộng sản Trung Quốc.

Thông tín viên Adrien Simorre tường trình từ Đài Bắc :

"Các đe dọa của Trung Quốc tại Shangri-La, trên thực tế đã rất ít được nhắc đến ở Đài Loan. Đài Bắc đã quen với những lời lẽ nạt nộ từ Bắc Kinh và không có ý định tuyên bố độc lập. Chính phủ Đài Loan tự coi đang cầm quyền tại một quốc gia độc lập và quyết tâm bảo vệ nguyên trạng.

Người phát ngôn của bộ Ngoại giao Đài Loan đáp trả : "Tuyên bố của Trung Quốc là vô lý, lãnh thổ Đài Loan chưa bao giờ bị chính quyền Trung Quốc Cộng sản quản lý".

Trang mạng Politico dẫn lời một số nhà ngoại giao cho rằng việc Trung Quốc lên tiếng vừa qua là để phản ứng lại tuyên bố của tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hồi tháng trước ở Tokyo. Nguyên thủ Mỹ ám chỉ rằng Mỹ sẽ can thiệp quân sự bảo vệ Đài Loan, trong trường hợp Trung Quốc xâm lược.

Các phương tiện truyền thông Đài Loan thích làm nổi bật hơn các phát biểu của tổng thống Ukraine Zelensky hôm qua ở Shangri - La. Khi được hỏi về tình hình ở Đài Loan, nguyên thủ Ukraine đã kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp đỡ các nước nhỏ bị đe dọa xâm lược trước khi xung đột bùng phát. Mặc dù ông không đề cập trực tiếp đến Đài Loan, nhưng nhiều người coi đây là thông điệp ủng hộ hòn đảo này. Phái đoàn Trung Quốc hiểu rõ ngụ ý nói trên và ngay lập tức rời khỏi phòng họp để phản đối".

Giới quan sát cũng ghi nhận thái độ cùng lúc cương quyết, nhưng mềm dẻo của Đài Loan. Cũng ngày hôm qua, thủ tướng Đài Loan Tô Trinh Xương (Su Tseng Chang) đã nhắc lại quan điểm mà tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn từng nhiều lần nêu lên : "Miễn là có sự bình đẳng, có đi có lại và không có điều kiện tiên quyết về chính trị, chúng tôi sẵn sàng tỏ thiện chí đối thoại với Trung Quốc". 

Trọng Thành

***********************

Trung Quốc sẽ "chiến đấu đến cùng" để ngăn không cho Đài Loan độc lập

Trọng Nghĩa, RFI, 12/06/2022

Tại hội nghị an ninh Châu Á Đối Thoại Shangri-La ở Singapore, vào hôm 12/06/2022, bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã lại lên tiếng khẳng định rằng Bắc Kinh sẽ "chiến đấu đến cùng" để ngăn không cho Đài Loan tuyên bố độc lập. Tuyên bố này được cho là lời đáp trả chống lại các tố cáo của lãnh đạo Lầu Năm Góc Mỹ Lloyd Austin, tố cáo các hoạt động quân sự "khiêu khích và gây bất ổn" của Bắc Kinh trong khu vực.

tqdl6

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa phát biểu tại Đối thoại an ninh Shangri-la ở Singapore ngày 12/06/2022.  © AP Photo/Danial Hakim

Với một giọng điệu cứng rắn, bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc khẳng định rằng Bắc Kinh "sẽ chiến đấu bằng mọi giá và chiến đấu đến cùng". Theo ông : "Những ai chủ trương Đài Loan độc lập với mục đích phân chia Trung Quốc chắc chắn sẽ không đạt được mục đích của mình. Không nên đánh giá thấp quyết tâm và khả năng của các lực lượng vũ trang Trung Quốc trong việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của mình". 

Ngoài vấn đề Đài Loan, ông Ngụy Phượng Hòa cũng phủ nhận các cáo buộc liên quan đến các hành vi cản trở quyền tự do đi lại trên vùng Biển Đông mà Bắc Kinh tự nhận chủ quyền trên hầu như toàn bộ diện tích. Theo ông, Trung Quốc luôn tôn trọng quyền tự do hàng hải, trong bối cảnh "một cường quốc nhất định từ lâu nay vẫn áp đặt quyền bá chủ trên biển dưới chiêu bài tự do hàng hải", một lời đả kích rõ ràng nhắm vào Hoa Kỳ. 

Theo thông tín viên RFI Stéphane Lagarde tại Bắc Kinh, sách lược của Trung Quốc chính là tự nhận mình là nạn nhân bị Mỹ bức hiếp. 

"Quan điểm của Trung Quốc không hề thay đổi, mà chính là hoàn cảnh đã thay đổi. Đây chính là điều mà Bắc Kinh luôn khẳng định vào lúc mà các nước vùng Châu Á-Thái Bình Dương đang lo ngại trước tình hình căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung liên quan đến Đài Loan. 

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa vào hôm nay đã lợi dụng diễn đàn của Đối Thoại Shangri-La để một lần nữa tố cáo Mỹ và đồng minh bị ông cho là đã "xây dựng những bức tường phân cách trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương", mà nạn nhân là Trung Quốc, đang phải chịu hậu quả của chủ trương thành lập các khối tách biệt trong vùng, ám chỉ đến các liên minh an ninh theo sáng kiến của Mỹ. 

Theo ông Ngụy Phượng Hòa, Hoa Kỳ còn theo đuổi chính sách "đối đầu" trong khi Trung Quốc có đường lối hòa bình, chỉ tìm cách bảo vệ chủ quyền của mình mà thôi. 

Về Đài Loan, theo bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc, chính sách là thống nhất trong hòa bình, nhưng nếu Đài Bắc tuyên bố độc lập, Bắc Kinh sẽ chiến đấu đến cùng để chống lại. 

Sau khi nhấn mạnh làn ranh đỏ nói trên, và sau khi bác bỏ những cáo buộc của Mỹ bị ông đánh giá là "vu khống", ông Ngụy Phượng Hòa đã nhiều lần dùng đến từ "chiến tranh" để nói đến Ukraine, vì bối cảnh quốc tế hiện nay cũng là cuộc xâm lược do Nga tiến hành, và sức kháng cự của Ukraine, một ví dụ cho thấy là việc thống nhất Đài Loan bằng vũ lực không phải là không có rủi ro". 

Trước các lời đe dọa hung hăng của bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc tại Singapore, chính quyền Đài Bắc vẫn giữ bình tĩnh. Vào hôm nay, thủ tướng Đài Loan Tô Trinh Xương (Su Tseng Chang) đã nhắc lại một quan điểm mà tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã nhiều lần công khai tuyên bố : "Miễn là có sự bình đẳng, có đi có lại và không có điều kiện tiên quyết về chính trị, chúng tôi sẵn sàng tỏ thiện chí tham gia đối thoại với Trung Quốc".

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Tessa Wong, Minh Anh, Trọng Thành, Trọng Nghĩa
Read 374 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)