Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

13/06/2022

Đối thoại Shangri-la 2022 : Phát biểu của Việt Nam và Trung Quốc

Diễm Thi - Nguyễn Nam

Mâu thuẫn trong phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam và Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-la 2022

Diễm Thi, RFA, 14/06/2022

"Tôi xin nhấn mạnh lại rằng, nền quốc phòng của Việt Nam là nền quốc phòng mang tính chất hòa bình và tự vệ. Tăng cường tiềm lực quốc phòng để bảo vệ Tổ quốc. Việt Nam chủ trương tăng cường khả năng quốc phòng bằng nội lực và điều kiện, khả năng của mình, không tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống lại nước kia, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế".

shangrila1

Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam - AFP

Đó là phát biểu của Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam tại Đối thoại Shangri-La năm 2022 diễn ra từ ngày 10 đến ngày 12/6 vừa qua.

Phát biểu của ông Phan Văn Giang một lần nữa cho thấy Hà Nội kiên định với chính sách ‘bốn không’ của quốc phòng Việt Nam. Chính sách này được chuyển từ chính sách ‘ba không’ từ năm 2019.

Trung tá Vũ Minh Trí, từng công tác tại Cục Kỹ thuật,Tổng cục 2, Bộ Quốc phòng  cho rằng, trước đây Việt Nam từng đem hàng chục vạn quân sang Campuchia đánh nhau ; từng cho Liên Xô đặt căn cứ quân sự ở Cam Ranh… sau đó lại thay đổi bằng chính sách ‘ba không, ‘bốn không’ :

"Trong khi tình hình không có gì thay đổi lớn, mối đe dọa từ các thế lực thù địch theo như người ta nói càng ngày càng tăng lên, nhưng mà lại không cần liên minh quân sự với ai thì tôi thấy đây là một cái chuyện không có căn cứ thực tiễn, kể cả về mặt lý luận.

Thứ hai, chính sách liên minh quân sự nó chỉ là một phần của chính sách đối ngoại của quốc gia mà thôi. Từ khoảng 30 năm nay, Việt Nam cứ nói đi nói lại là muốn làm bạn với tất cả các nước. Tôi thấy đó là chuyện rất là không tưởng, bởi vì trên thế giới có gần 200 quốc gia với chế độ chính trị, quan điểm chính trị, thể chế chính trị rất khác nhau, thậm chí có nước còn đối chọi với nhau đánh nhau như Nga và Ukraina hiện nay. Do đó, muốn làm bạn với tất cả các nước là chuyện không thể vì như thế là không bao giờ có bạn thực sự.

Tôi thấy chính sách ngoại giao muốn làm bạn với tất cả các nước và chính sách ba không, bốn không, năm không của Việt Nam là rất tào lao và có hại về nhiều mặt. Điều đó khiến cho Việt Nam không thực sự có một đồng minh nào đáng tin cậy. Về mặt ngoại giao, về mặt đối ngoại, về mặt quân sự của Việt Nam bây giờ thật sự hết sức đáng lo ngại".

Cũng tại Đối thoại Shangri-La năm 2022, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa nói rằng Bắc Kinh và Hà Nội đang có mối quan hệ rất tốt đẹp và khẳng định Trung Quốc chưa bao giờ xâm chiếm lãnh thổ nước nào.

shangrila2

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa. AFP

Khi bà Bích Trần, một đại diện của Việt Nam nhắc lại lịch sử Trung Quốc từng nhiều lần xâm lược Việt Nam và đặt ra câu hỏi, liệu điều khẳng định của ông Ngụy Phượng Hòa có là "lời hứa của Trung Quốc sẽ không xâm lấn lãnh thổ nước khác trong tương lai hay không", thì ông Ngụy trả lời : "Tôi là một người anh tốt và một người bạn tốt với Bộ trưởng của Việt Nam. Do đó với những gì đã xảy ra trong quá khứ, tôi nghĩ rằng bạn cần phải đọc về lịch sử".

Một số người quan tâm cho rằng, cách nói của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc là ‘xảo ngôn’ và không tôn trọng người đồng nhiệm Việt Nam.

Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc nêu quan điểm của ông với RFA :

"Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa vẫn tiếp tục xảo ngôn khi nói rằng, trong lịch sử Trung Quốc chưa bao giờ đi xâm chiếm lãnh thổ nước nào. Rõ ràng đây là luận điệu xuyên suốt của nhà nước Trung Quốc hiện nay. Họ chối bỏ tất cả các cuộc xâm lược của họ trong quá khứ cũng như trong hiện tại".

"Nhìn lại lịch sử Việt Nam chúng ta thấy, chưa có một sứ thần Việt Nam nào mà phải chịu nhục khi bị đối phương hạ nhục tại hội nghị hoặc là đi sứ. Nếu sự thật là Trung Quốc phát biểu những vấn đề đó trước Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam mà Việt Nam không có một phát ngôn để trả đũa thì tôi không thể hiểu nổi cái thái độ của Việt Nam.

Còn vấn đề quan điểm của Việt Nam là tôn trọng luật pháp quốc tế, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, ủng hộ chính nghĩa bằng luật pháp quốc tế, bằng hiến chương Liên Hợp Quốc, bằng luật biển LHQ 1982… thì tôi hoàn toàn ủng hộ vì tôi là thế hệ đã đi qua chiến tranh. Tôi không muốn chiến tranh, tôi cũng không muốn đất nước này có chiến tranh vì chiến tranh là phải trả giá. Nhưng việc bị Trung Quốc gài thế nói giọng kẻ cả, giọng ban ơn, nói giọng đàn anh mà chúng ta không phản ứng là một vấn đề rất khó hiểu".

Ông Đinh Kim Phúc nhắc lại những xâm chiếm biển đảo Việt Nam khi hai đảng cộng sản Trung Quốc và Việt Nam coi nhau như ‘môi với răng’. Chẳng hạn như Trung Quốc đã chiếm phần phía đông của quần đảo Hoàng Sa từ năm 1956 khi chính quyền Sài Gòn khi đó chưa có đủ điều kiện quản lý khu vực này từ thực dân Pháp trao lại. Rồi đến năm 1974 Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm luôn phía tây quần đảo Hoàng Sa. Năm 1988, Trung Quốc tiếp tục chiếm bảy đảo trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Đây không phải lần đầu tiên Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Nguỵ Phượng Hòa tuyên bố nước này chưa bao giờ xâm lược nước khác. Tại Đối thoại Shangri-La năm 2019 tại Singapore, vị bộ trưởng này phát biểu : "Trong suốt 70 năm qua kể từ ngày thành lập nước, Trung Quốc chưa bao giờ phát động một cuộc chiến hay xung đột, hay xâm lược quốc gia khác hay lấy dù chỉ một tấc đất của nước khác… Lịch sử đã chứng minh và sẽ tiếp tục chứng minh là Trung Quốc sẽ không theo con đường của những cường quốc tìm kiếm việc bá quyền khi mình lớn mạnh. Bá quyền không phù hợp với những giá trị và quyền lợi quốc gia của Trung Quốc".

Về vấn đề Biển Đông, Thượng tướng Nguỵ Phượng Hòa khẳng định việc Trung Quốc xây lấp các đảo và quân sự hóa khu vực Biển Đông là thuộc quyền chủ quyền của Trung Quốc và hoàn toàn vì mục đích tự vệ.

Trên thực tế, Trung Quốc đã dùng vũ lực xâm chiếm hoặc xâm phạm vùng biển/lãnh thổ trên biển của Việt Nam, Philippines, Indonesia và Malaysia.

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 14/06/2022

*************************

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam phát biểu gì tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 19 ?

Nguyễn Nam, VNTB, 13/06/2022

Đối thoại Shangri-La là nơi cung cấp một diễn đàn nhỏ và gắn kết để các đại biểu phát biểu ý kiến cũng như trao đổi suy nghĩ về các vấn đề an ninh và quốc phòng trong khu vực.

shangrila3

Lấy sức mạnh đấu sức mạnh trên căn cứ thượng tôn luật pháp quốc tế.

Đây cũng là cơ hội cho các cuộc gặp gỡ song phương và đa phương giữa các nguyên thủ và quan chức nhằm thắt chặt quan hệ đối tác, đàm phán cơ hội hợp tác hoặc giải quyết những bất đồng.

Tại phiên toàn thể thứ 4, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, tướng Phan Văn Giang đã có bài phát biểu về chủ đề : "Tăng cường khả năng quốc phòng để bảo vệ Tổ quốc".

Không ngại cứng rắn với Trung Quốc ?

Bộ trưởng Phan Văn Giang cho rằng, trong khi xu thế hòa bình, hợp tác phát triển luôn là mong muốn chung của nhân loại, thì cạnh tranh chiến lược, mâu thuẫn, xung đột lợi ích, tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ giữa các quốc gia vẫn tiếp tục xảy ra. Do vậy, việc nâng cao năng lực quốc phòng để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình thực sự là đòi hỏi tất yếu khách quan của mỗi quốc gia, dân tộc.

shangrila4

Bài phát biểu của tướng Phan Văn Giang, hiểu theo nghĩa nào đó, dường như gián tiếp nói với người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc rằng Việt Nam sẵn sàng đẩy mạnh hơn nữa mua sắm vũ khí để "chơi tới cùng" nếu như chủ quyền quốc gia bị đe dọa.

Trước đó, phía đoàn Trung Quốc có phát ngôn khiêu khích rằng : "Nếu bất cứ ai dám chia cắt Đài Loan khỏi Trung Quốc, quân đội Trung Quốc chắc chắn sẽ không ngần ngại bắt đầu một cuộc chiến bất kể giá nào". Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phương Hoà cũng nói rằng Trung Quốc cam kết sẽ "đập tan bất kỳ âm mưu độc lập nào trên đảo Đài Loan và kiên quyết giữ vững sự thống nhất của đất mẹ".

Trong quá khứ, Trung Quốc từng xem Việt Nam là quốc gia chư hầu của họ và tham vọng Bắc thuộc lần nữa đã không hề giấu diếm.

Rộng đường dư luận, xin đăng toàn văn bài phát biểu của tướng Phan Văn Giang, chỉ lược bớt các phần nghi thức "kính thưa", với phần đặt tít tựa phụ của biên tập viên trang Việt Nam Thời Báo :

"Chúng ta đã và đang chứng kiến một thế giới, với nhiều diễn biến, biến động khó lường. Trong khi các vấn đề an ninh phi truyền thống ngày càng xảy ra nhiều hơn, hậu quả nặng nề hơn, đòi hỏi cộng đồng quốc tế cần chung tay góp sức để ứng phó thì các vấn đề an ninh truyền thống còn nhiều phức tạp, có nguy cơ xảy ra ở một số nơi, một số khu vực.

Trong khi xu thế hòa bình, hợp tác phát triển luôn là mong muốn chung của nhân loại, thì cạnh tranh chiến lược, mâu thuẫn, xung đột lợi ích, tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ giữa các quốc gia vẫn tiếp tục xảy ra. Do vậy, việc nâng cao năng lực quốc phòng để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình thực sự là đòi hỏi tất yếu khách quan của mỗi quốc gia, dân tộc.

"Bảo vệ tổ quốc", không kèm thêm "xã hội chủ nghĩa" như trước nữa

Xưa nay, sinh tồn luôn là bản năng của tự nhiên và của con người. Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc luôn là sự nghiệp sống còn của mỗi quốc gia. Việt Nam đã trải qua nhiều thập kỷ chiến tranh tự vệ nên thấu hiểu sự tàn phá và hậu quả của xung đột, bạo lực. Vì vậy, chúng tôi chủ trương xây dựng quân đội, xây dựng tiềm lực quốc phòng đủ mạnh để tăng cường khả năng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia, dân tộc ; đồng thời thực hiện trách nhiệm nghĩa vụ quốc tế cao cả.

Quân đội nhân dân Việt Nam từ nhân dân mà ra và là đội quân của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Kế thừa và phát huy tinh thần yêu nước, tinh hoa nghệ thuật quân sự, được sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, trải qua gần 80 năm xây dựng và trưởng thành, quân đội Việt Nam cùng nhân dân Việt Nam đã giành được nhiều thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.

Hiện nay, Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xung kích trong ứng phó với nhiều thách thức an ninh phi truyền thống, đặc biệt là công tác cứu hộ, cứu nạn, phòng chống thiên tai, ứng phó với đại dịch Covid-19 ; cử lực lượng tham gia các hoạt động Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, bước đầu đạt nhiều thành tựu nổi bật, được cộng đồng quốc tế tôn vinh, ghi nhận.

Quốc phòng Việt Nam là nền quốc phòng toàn dân, mang tính chất hòa bình, tự vệ ; tích cực, chủ động, kiên quyết, kiên trì ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh.

Mục tiêu xuyên suốt của quốc phòng Việt Nam là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc ; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc ; giữ vững ổn định chính trị, môi trường hòa bình để xây dựng, phát triển đất nước. Cam kết thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ quốc tế cao cả, mong muốn đóng góp cho hòa bình, thịnh vượng, hợp tác phát triển chung của khu vực và thế giới.

Không chỉ hiện đại hóa khí tài

Quan điểm của Việt Nam, tăng cường tiềm lực quốc phòng là nâng cao sức mạnh tổng hợp của toàn quân, toàn dân và toàn thể hệ thống chính trị ; nâng cao sức mạnh tổng hợp toàn diện, cả tiềm lực chính trị, tinh thần, tiềm lực kinh tế, khoa học công nghệ ; chứ không đơn thuần là nâng cao sức mạnh quân sự.

Việt Nam chủ trương tăng cường khả năng quốc phòng không đơn thuần là mua sắm, sản xuất, hiện đại hóa vũ khí trang bị, mà là nâng cao sức mạnh quốc phòng trên nhiều phương diện ; xây dựng tiềm lực quốc phòng, quân sự theo chiến lược thống nhất, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, khả năng tác chiến và trình độ, năng lực của lực lượng vũ trang. Tăng cường khả năng quốc phòng thể hiện cả ở xây dựng tổ chức, biên chế, trang bị, nghệ thuật quân sự, khoa học kỹ thuật, cơ sở bảo đảm hậu cần thường xuyên được duy trì, hoàn thiện và không ngừng phát triển, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, trước tiên và then chốt là xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị, tinh thần, với quan điểm "người trước, súng sau" ; có chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu cao, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống quân sự, quốc phòng.

Hai là, xây dựng Quân đội hiện đại về tổ chức, biên chế theo hướng tinh, gọn, mạnh, có cơ cấu hợp lý giữa các thành phần lực lượng, phù hợp với vũ khí, trang bị, nghệ thuật tác chiến. Tập trung xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, cả lực lượng chính quy, lực lượng thường trực, lực lượng dự bị động viên và lực lượng dân quân, tự vệ, là nhân tố quyết định để phát huy sức mạnh tổng hợp của nền quốc phòng toàn dân.

Ba là, nghiên cứu phát triển khoa học, lý luận, nghệ thuật quân sự Việt Nam tiên tiến, hiện đại, phù hợp với chiến lược quốc phòng, chiến lược quân sự với các hình thức tác chiến trong thời đại công nghệ phát triển như ngày nay.

Bốn là, phát triển nền công nghiệp quốc phòng hiện đại, lưỡng dụng, tự cường và mở rộng hợp tác quốc tế với các đối tác tiềm năng. Bộ Quốc phòng Việt Nam chủ trương phát triển nền công nghiệp quốc phòng không chỉ phục vụ mục đích quân sự, mà còn phục vụ nhu cầu dân sinh, với các công nghệ, sản phẩm lưỡng dụng ; như thế, vừa đáp ứng yêu cầu tăng cường khả năng quốc phòng để làm tròn nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, vừa góp phần phát triển kinh tế-xã hội, phục vụ đời sống nhân dân, theo đúng quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh : "Quân đội nhân dân Việt Nam là đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất". Bộ Quốc phòng Việt Nam đang chuẩn bị tổ chức Triển lãm công nghiệp quốc phòng vào cuối năm nay, với mong muốn đối tác các nước có thể gặp gỡ, giao lưu và mở ra các cơ hội hợp tác cùng phát triển.

Năm là, để tăng cường khả năng quốc phòng, đương nhiên không thể thiếu hiện đại hóa vũ khí, trang thiết bị quân sự. Tuy nhiên, Việt Nam luôn chủ trương chỉ tập trung hiện đại hóa vũ khí, trang bị quân sự để phục vụ mục đích bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình.

Tôi xin nhấn mạnh lại rằng, nền quốc phòng của Việt Nam là nền quốc phòng mang tính chất hòa bình và tự vệ. Tăng cường tiềm lực quốc phòng để bảo vệ Tổ quốc.

Việt Nam chủ trương tăng cường khả năng quốc phòng bằng nội lực và điều kiện, khả năng của mình, không tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống lại nước kia, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Lấy sức mạnh đấu sức mạnh trên căn cứ thượng tôn luật pháp quốc tế

Việt Nam chủ trương tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, tăng cường xây dựng lòng tin chiến lược với các nước ; luôn mong muốn mở rộng hợp tác quốc phòng, để nâng cao khả năng bảo vệ Tổ quốc, cùng nhau giải quyết các thách thức an ninh chung, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, hợp tác cùng có lợi, vì lợi ích chung của thế giới, khu vực và cộng đồng quốc tế. Suốt dọc chiều dài lịch sử, dân tộc Việt Nam đã phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh tự vệ, chịu nhiều đau thương, mất mát. Cho đến tận ngày nay, khi chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, những hậu quả và di chứng chiến tranh để lại vẫn còn là một gánh nặng đối với đất nước chúng tôi.

Việt Nam thấu hiểu giá trị của hòa bình, mong muốn duy trì và quyết tâm gìn giữ hòa bình đất nước, quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia, dân tộc. Chúng tôi cũng khao khát thế giới, khu vực, mọi quốc gia, dân tộc đều được hưởng hòa bình, tự do, ấm no, hạnh phúc.

Quý vị đều biết, Việt Nam luôn kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bình đẳng, cùng có lợi ; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ ; mong muốn là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Đối với tranh chấp về chủ quyền trên Biển Đông, chúng tôi kiên trì, kiên quyết nguyên tắc giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia ; tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, cam kết thực thi nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và mong muốn hướng tới xây dựng một Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất và có tính pháp lý rõ ràng hơn.

Minh bạch năng lực quốc phòng

Tăng cường năng lực quốc phòng, nếu không minh bạch, sẽ rất dễ dẫn đến nghi kỵ, hiểu lầm ; nếu không vì mục đích chính nghĩa, rất dễ kéo theo chạy đua vũ trang.

Hệ lụy là, lòng tin chiến lược giữa các quốc gia suy giảm, cạnh tranh chiến lược gia tăng, nguy cơ đối đầu hiện hữu, an ninh truyền thống phức tạp, chiến tranh, xung đột tiềm ẩn, khó lường. Mặt khác, chạy đua vũ trang tất yếu sẽ tiêu tốn nguồn lực quốc gia, mà lẽ ra, có thể sẽ tốt hơn nếu những nguồn lực quốc gia ấy được dành cho phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết các mối đe dọa an ninh phi truyền thống để chăm lo đời sống và hạnh phúc của người dân.

Trên tất cả là hòa bình, hợp tác và phát triển, đây luôn là lợi ích, là nguyện vọng chính đáng, là mong ước tương lai chung của các quốc gia, dân tộc. Tôi chắc chắn rằng, ai trong chúng ta cũng luôn mong chờ một thế giới không tiếng bom, đạn ; mong gương mặt vui cười trên mỗi trẻ thơ, mong tất cả mọi người trên thế giới cùng chung sống trong hạnh phúc và hòa bình.

Với Việt Nam chúng tôi, xây dựng và tăng cường khả năng quốc phòng không gì khác mục đích này – Để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình, bảo vệ cuộc sống ấm no, hạnh phúc của người dân. Chúng ta mong muốn thế giới, khu vực hòa bình, chúng ta sẽ cần đến sự tin cậy chính trị và lòng tin chiến lược, cần đến sự hợp tác phát triển, trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng nguyên tắc, chuẩn mực, luật pháp, các cam kết và cơ chế hợp tác, quốc tế.

Tôi cho rằng, các diễn đàn quốc tế như Đối thoại Shangri-La luôn là cơ hội để chúng ta gặp nhau, để cùng nhau chia sẻ, hiểu nhau, và tin tưởng nhau hơn ; để mở ra các cơ hội thiết lập quan hệ, hợp tác cùng phát triển ; vì một thế giới hòa bình, vì thịnh vượng của mỗi quốc gia, dân tộc".

Nguyễn Nam ghi

Nguồn : VNTB, 13/06/2022

Quay lại trang chủ
Read 320 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)