Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

31/05/2017

Khâu đít chuột

Từ Thức

Tôi nhớ suốt đời một buổi ngồi coi TV với một gia đình người Pháp. Một phóng sự về ẩm thực Việt Nam. Một ông đầu bếp cầm dao, rạch bụng con rắn quằn quại, lấy máu, uống và mời khách.

ditchuot1

Một ông đầu bếp cầm dao, rạch bụng con rắn quằn quại, lấy máu, uống và mời khách.

Ông ta cười cợt, hãnh diện như vừa thực hiện một kỳ công, trước con mắt hãi hùng của người làm phóng sự. Ông chủ nhà người Pháp nhăn mặt, bà chủ nhà che mắt không dám nhìn. Nếu nền nhà không bằng xi măng, tôi đã đào một cái hố chui xuống cho đỡ xấu hổ. Lại thêm một cơ hội muốn chối không phải là người Việt

Những cảnh bạo lực trong xã hội Việt Nam càng ngày càng nhiều trên Internet, trên Facebook. Những cảnh ẩu đả tàn nhẫn, trẻ em bị đối xử dã man, bị bắt nhịn ăn, phơi nắng, học sinh kéo bầy đánh đập một cách hung bạo một em nhỏ yếu ớt hơn, công an tàn nhẫn với dân thấp cổ bé miệng, người ta chửi nhau thậm tệ, thượng cẳng tay, hạ cẳng chân, sau một tai nạn lưu thông hay một chuyện bất đồng.

Ở các nước Tây phương, thỉnh thoảng người ta đưa những vidéo về cảnh súc vật bị đối xử dã man trong các nhà hỏa lò. Những vidéo này chiếu trên TV gây phẫn nộ, hỏa lò bị đóng cửa, ban giám đốc bị cách chức.

Ở Việt Nam, người ta đưa những hình ảnh tàn bạo, dã man, không phải chỉ giữa người với vật, mà giữa người với người. Và đưa lên Internet, ít khi để tố cáo, nhiều khi để khoe khoang một hành động vẻ vang, anh dũng. Cảnh một tên lỗ mãng, cầm gậy đập đầu con chó dẫy đành đạch, cắt tiết, uống máu trước máy quay phim. Cảnh một đàn xúm lại đạp vào đầu, vào mặt một cô bé, một chú bé gầy yếu. Cảnh ông chủ nắm tay đấm mặt một cô bé sưng vù, trước sự hỗ trợ, tán thưởng của gia đình, vì cô bé ăn trộm tiền, đưa lên facebook, với dòng chữ : "hãy nhớ mặt con chó này". Và thiên hạ chuyển đi, thú vị như chuyển một bài thơ, một tác phẩm nghệ thuật.

Ở những xứ có văn hóa, luật pháp cấm đưa hình, đưa tên những vị thành niên trên báo, dù tội nặng tới đâu. Để đương sự có cơ hội làm lại cuộc đời. Ở Việt Nam, người ta đưa hình những cô gái, nhiều khi vị thành niên, bị bắt về tội mại dâm lên báo, lên mạng, với những lời bình phẩm độc ác, thô bỉ, khiến gia đình nhục nhã và nạn nhân phải tự vẫn. Những cô gái bán mình để nuôi thân, nuôi gia đình ở cái tuổi tại một xứ khác, chắc chắn còn cắp sách đi học, đi coi hát, đi du lịch, chạy nhẩy, cười đùa với bạn bè.

Những người đã rời quê hương từ nhiều năm không tưởng tượng đất nước mình sa đọa đến như vậy. Người Việt có nhiều khuyết điểm, nhưng người ta vẫn nghĩ người Việt bản chất hiền lành, từ tâm, chất phác. Ngay cả cái tính tốt cuối cùng ấy cũng đã mất ? Người ta nói đến một xã hội vô cảm. Ghê rợn hơn cả một xã hội vô cảm, đó là một xã hội bất nhân.

Bất cứ một người bình thường nào, ở một xứ bình thường nào, cũng không có can đảm nhìn những video man rợ trên Internet, Facebook Việt Nam, nhưng người Việt ta coi, dửng dưng, thích thú, đồng lõa. Đối xử với nhau như vậy, trách gì người Tàu đối xử tàn bạo với anh em mình ?

ditchuot2

Bất cứ một người bình thường nào, ở một xứ bình thường nào, cũng không có can đảm nhìn những video man rợ trên Internet, Facebook Việt Nam - Ảnh minh họa An Ninh Thế Giới (23/03/2015)

Lần đầu tôi có cái cảm tưởng ngỡ ngàng khi tiếp xúc với một nhóm học sinh du học. Một nhóm nữ sinh viên khả ái, thông minh, có kiến thức, có kiến thức hơn là tôi nghĩ, với cái thành kiến của những người đứng từ xa nhìn về. Tôi hỏi : các cô nghĩ Việt Nam sẽ có thay đổi gì không. Một cô bé, rất dễ thương, rất lễ độ, trả lời : "Thưa chú, cháu nghĩ đéo có gì thay đổi. Đâu lại vào đó". Hai người sững sờ là tôi và một ông bạn đã xa nhà từ lâu. Những cô bạn của người phát biểu không bày tỏ một chút khó chịu. Đó là chuyện tự nhiên. Chữ "đéo" trở thành một chữ hàng ngày, rất bình thường, như chào ông, chào bà...

Sự bạo hành bắt đầu bằng ngôn ngữ. Tôi không chê trách cô bé. Tôi rùng mình. Nếu sống trong xã hội đó, giờ này tôi cũng ăn nói như vậy. Cũng nói với khách : Dạ, cám ơn, đéo muốn ăn cơm, còn no bụng quá. Tôi nhìn cô bé, rất dễ thương, ái ngại. Chúng ta chỉ là sản phẩm của xã hội, của môi trường sống.

Nhưng đó là chuyện nhỏ, so với cái văn hóa man rợ, người này trèo lên cổ người khác để sống. Hay chỉ để chứng minh mình hiện diện. Đạp mặt người khác chứng tỏ tôi hiện diện. Je cogne donc je suis (1). Tại sao có thể mất nhân tính đến như vậy ? Bởi vì sống trong một xã hội độc tài, suốt đời bị chèn ép, bị áp bức, bị đối xử như con vật, người ta không có cách gì giải tỏa hơn là quay lại hành hạ những người yếu hơn mình. Lại càng kính nể hơn nữa những người sống trong xã hội chụp giựt đó nhưng vẫn giữ cái thiện, giữ lòng nhân ái.

Tất cả những nghiên cứu xã hội đứng đắn đều đi tới kết luận : những người có hành vi bạo hành thường thường đã là nạn nhân của bạo hành. Là nạn nhân, người ta có một trong hai thái độ. Hoặc đứng về phe kẻ yếu, tranh đấu chống bất công, nhưng rất hiếm. Hiếm, bởi vì phải có nghị lực và lòng bao dung phi thường. Hoặc để trả thù đời, trút lên đầu những người yếu hơn mình những cái mình đã phải chịu đựng.

Đó là cái vòng di chuyền luẩn quẩn (cercle vicieux), bệnh hoạn trong một gia đình. Trên tầm vóc quốc gia, một đại họa. Mỗi người theo hay chống chủ nghĩa cộng sản vì những lý do khác nhau. Tôi từ chối chủ nghĩa cộng sản trước hết vì lý do đó : nó làm tiêu tan cái đẹp của một xã hội tử tế. Nó đưa chúng ta lại gần với thú vật. Ở một xã hội văn minh, người ta kính trọng, lễ độ với mọi người, kể cả, nhất là, những người yếu hơn mình.

Trên Internet, người ta dạy cách trừ chuột hữu hiệu nhất, không cần thuốc độc, không cần bẫy. Mổ đít con chuột, cắt tinh hoàn của con vật, thay vào đó hai hạt đỗ tương, rồi khâu lại. Dần dần hạt đậu trương lên, con chuột đau đớn, phát khùng, cắn đồng loại như điên dại. Đám chuột sợ quá, bỏ chạy, nhà hết chuột. Trước đây có một truyện ngắn, rất hay, tựa là "Khâu đít chuột", quên tên tác giả, nói bóng nói gió về một xã hội như vậy.

Người Việt ta là những con chuột bị thiến, bị khâu, nổi khùng, cắn nhau chí choé. Viết mấy dòng này, tôi nghĩ cả tới những người quá khích, chống bạo lực thì ít, chống nhau, hại nhau, chụp mũ nhau thì nhiều.

Chúng ta đều là những con chuột điên cuồng. Bao giờ mới ý thức được mình bị khâu, những người chung quanh cũng chỉ là nạn nhân bị khâu như mình. Và nhận diện những người khâu đít chuột, thực sự là những kẻ làm khổ mình, biến đời mình, đất nước mình thành địa ngục ?

Paris, 31/05/2017

Từ Thức

(1) Je cogne donc je suis. Tôi đánh đập vậy tôi hiện hữu. Nhại câu nổi tiếng của Descartes, "Je pense donc je suis", tôi suy nghĩ, vậy tôi hiện hữu.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Từ Thức
Read 2168 times

1 comment

  • Comment Link Hoang vinh samedi, 03 juin 2017 01:54 posted by Hoang vinh

    Từ cuối thế kỷ 20, việc Việt Nam bế tắc toàn diện về khi hệ thống Cộng Sản tan vỡ.. Việt Nam muốn tiếp tục duy trì sự cai trị đã lộ rõ bản chất chư hầu và che mắt quốc tế bằng hiệp định sơ bộ mật ước thành đô 5/9/1990 với cái gọi là chuyển đổi sang kinh tế thị trường hoang đường để hội nhập thế giới đã làm nảy sinh những nguy cơ xáo trộn lớn đối với Văn hóa Việt Nam. Thực trạng bên trong là thay đổi giá trị văn hoá truyền thống bằng khổng giáo từ 1945. bên ngoài là tư duy văn hoá, lối sống phương Tây áp đảo văn hoá bản địa, sẽ tiêu diệt văn hoá dân tộc bản địa cổ hủ. Với cái gọi là Dân tộc Việt Nam sẽ bị "hoà tan" bởi văn hóa ngoại lai trong khi Khổng giáo phổ cập áp đảo từ 1945, đó đang là một thảm hoạ lớn và cũng là một loại nguyên nhân diệt chủng, diệt vong, ghê gớm đi trước thảm họa mất nước. Trước thực trạng đó, Tuyên giáo Việt Nam tìm cách hướng về bảo lưu các giá trị khổng giáo, tạo ra những cơ hội cho Nho giáo tái sinh. Nho giáo đặt lên là thành phần quan trọng hàng đầu để duy trì cai trị ẩn danh gọi là bản sắc văn hoá Việt Nam, do đó cố tình bảo vệ dưới danh nghĩa truyền thống văn hóa Việt Nam sẽ là điều không thể thực hiện được khi che đậy bằng những gì thuộc về Nho giáo.

    Nhận định: "thời gian gần đây ở Việt Nam, trong xu hướng của việc thực hiện thuyết Mác-Lê, tư tưởng HCM và Phổ cập Khổng giáo chỉ là cái bọc để thể hiện tính chư hầu nô lệ để đánh bóng với cái gọi là để giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống, nhiều yếu tố văn hoá Nho giáo đã được khôi phục và đề cao, thậm chí trong các trường học, khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" đã được coi như một phương châm ứng xử nền tảng của giáo dục. Về mặt triết học, lịch sử Việt Nam đã bị xuyên tạc và xóa bỏ bị mất và thay thể bởi văn hóa Tàu để hán hóa..Nhưng trong tư tưởng, cả xã hội đều thấy các giá trị văn hoá truyền thống dân tộc lấy người Kinh làm chuẩn mực làm phai mờ văn hóa của 53 dân tộc còn lại. Trong đó những nét tích cực của văn hoá Nho giáo ( Tàu) là văn hóa chính thống chỉ xemlà một bộ phận, đã và đang tôn vinh như một trong các phương thức để ứng xử với các dạng văn hoá Tây phương được xem như ngoại sinh, ngoại lai đang du nhập từ làn sóng toàn cầu hóa. Trong khi tuyên giáo đảng chư hầu vẫn tiếp tục lừa bịp Nho giáo là phù hợp với tâm lý chung của cả cộng đồng trên con đường tiến tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

    Nhìn chung trong xã hội hiện nay còn nhiều cổ hủ do tuyên giáo tẩy não nhồi sọ. Những người lấy thần thánh ma quỷ tâm linh cầu tài cầu lộc theo quan điểm dân tộc chủ nghĩa, coi Nho giáo là một thành tố của văn hóa dân tộc, có nhiều điểm tích cực, cần bảo tồn, hướng thứ hai coi Nho giáo là hệ tư tưởng phong kiến Trung Quốc du nhập sang Việt Nam để cai trị người Việt nên cần bài trừ. Một số người theo hướng chủ nghĩa bảo thủ xem Nho giáo là một thành tố văn hóa dân tộc, có lợi cho phát triển kinh tế, ổn định xã hội; những người theo hướng chủ nghĩa tự do chủ trương Nho giáo nên bình đẳng với các hệ tư tưởng khác, bên trong lẫn du nhập từ bên ngoài, tức sự đa nguyên về văn hóa. Một số người thích chủ nghĩa tư bản, coi trọng hội nhập quốc tế, kể cả văn hóa, xem trọng cạnh tranh văn hóa, chủ yếu là văn hoá thị trường. Tuyên giáo cộng sản quan niệm xã hội chủ nghĩa không loại trừ văn hóa đại chúng và đa dạng văn hóa trong thời kỳ quá độ, cũng như các mặt mà họ xem là tích cực của văn hóa phong kiến, tư bản, nhưng vẫn có sự định hướng theo hướng xã hội chủ nghĩa, hiểu theo nghĩa xây dựng "con người xã hội chủ nghĩa", có đủ trình độ, ý thức để tiếp nhận tinh hoa văn hóa nhân loại kể cả phương Đông và phương Tây như phim nghệ thuật, nhạc giao hưởng, opera, các phim, tác phẩm văn học đoạt giải thưởng cao của quốc tế (như Nobel văn học, giải Oscar, Cành Cọ vàng...), và bảo tồn văn hóa dân tộc không trái tôn chỉ xã hội chủ nghĩa; do đó sự tiếp thu Nho giáo ở họ là "gạn đục, khơi trong"[299]. Trong khi bảo tồn văn hóa nước nhà, tiếp thu văn hóa nước ngoài thì phải đồng thời chống cả hai xu hướng cực đoan là sùng ngoại lẫn sùng cổ.
    Kết luận: Ngày nay mang tính toàn cầu hóa trên mọi lĩnh vực khi mội người nối với nhau…Thực tế văn hóa cũng chỉ là hình thực sinh hoạt lập lại hàng ngày cũng như giải quyết các mối liên đới giữa người với người, giữa người với tự nhiên của con người tại các vùng đất khác nhau qua các thời kỳ chỉ mang tính tham khảo có thể bảo tồn hoặc tách lọc..Điều cần thiết nhất là con người cần lấy hạnh phúc của con người làm trọng trên sự tôn trọng lẫn nhau để cùng mưu sinh bảo vệ loài người, bảo vệ môi trường tự nhiên trên công ước lien hiệp quốc về các lĩnh vực để có sự hài hòa phù hợp giữa con người với con người, giữa con người với tự nhiên để tôn trọng sự khác biệt giữa các vùng miền, loài người sinh sống trên mặt đất…

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)