Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

18/06/2022

Đài Loan : Tập Cận Bình bối rối giữa hòa và chiến

Minh Anh - Thanh Hà

Trung Quốc đối với Đài Loan : Hòa bình hay Chiến tranh ?

Minh Anh, RFI, 16/06/2022

Cuộc chiến tại Ukraine do Nga tiến hành khiến thế giới đổ dồn về một điểm nóng tiềm tàng khác tại Châu Á : Đài Loan. Mỹ và Trung Quốc những ngày gần đây đã có những trao đổi gay gắt xung quanh vấn đề Đài Loan. Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa, tại Đối thoại An ninh Shangri-La, ngày 12/06/2022, cứng rắn nhắc lại : Bắc Kinh "sẽ đánh đến cùng" nếu Đài Loan tuyên bố độc lập.

tqdl1

Ảnh bìa Tạp chí Diplomatie N° 113, 2022 : "Taïwan, la menace chinoise" (Đài Loan, mối đe dọa Trung Quốc).  © Revue Diplomatique

Hòn đảo tự trị này là chiếc gai trong quan hệ Mỹ - Trung. Một ngày sau phát biểu của ông Ngụy Phượng Hòa, Mỹ và Trung Quốc hôm thứ Hai 13/6 lại có những lời cảnh cáo lẫn nhau tại Luxembourg, trong cuộc gặp giữa cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan và người đồng cấp Trung Quốc Dương Khiết Trì, ủy viên Bộ Chính trị, phụ trách đối ngoại của đảng cộng sản Trung Quốc. Cùng ngày, Bắc Kinh tuyên bố "có chủ quyền, quyền chủ quyền và tài phán tại eo biển Đài Loan". Washington thứ Tư, 15/6, lên tiếng phản đối, khẳng định eo biển này là vùng biển quốc tế, tầu thuyền phải được tự do đi lại.

Đài Loan và một quá khứ lịch sử phức tạp

Chưa có lúc nào tình hình tại khu vực eo biển Đài Loan lại nóng bỏng như hiện nay. Bắc Kinh từ nhiều thập niên qua không ngừng đe dọa hòn đảo tự trị, luôn bị xem như là một "tỉnh phản nghịch" cần phải được đưa trở về với "đất mẹ". Nhưng trong nhãn quan thế giới, đảo Đài Loan với diện tích 36.000 km vuông, chỉ bằng một nửa nước Ireland, nhưng dân số đông gấp năm lần, từ lâu là một đối tượng của mọi sự thắc mắc : Đài Loan có phải là một Nhà nước độc lập ? Hòn đảo này có thuộc về Trung Quốc hay không ?

Trả lời RFI Tiếng Việt, ông Hugo Billard, giáo sư ngành Sử - Địa và Địa Chính Trị, trường trung học Saint-Michel-de-Picpus, trước hết nhắc lại mọi rắc rối địa chính trị ngày nay là hệ quả của một quá khứ lịch sử phức tạp :

"Trong giai đoạn 1683-1895, đảo Đài Loan thuộc về Trung Quốc. Đến năm 1895, có một hiệp ước mà ngày nay mọi người đã quên vì có liên quan đến một cuộc chiến tranh giữa Nhật Bản và Trung Quốc mà người ta gọi Chiến Tranh Nhật – Trung lần thứ nhất. Và tại Shimonoseki năm 1895, việc chuyển giao quyền kiểm soát đảo Đài Loan từ Trung Quốc sang Nhật Bản đã được ký kết. Và như vậy trong giai đoạn 1895-1945, đảo Đài Loan nằm dưới sự kiểm soát của Nhật Bản.

Rồi vào năm 1945, tất nhiên vì bại trận, đảo Đài Loan lại trở về dưới sự kiểm soát của Trung Quốc và đến năm 1949, tại Bắc Kinh, Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Năm 1971, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã chấp thuận cho Trung Quốc thay thế Đài Loan ở Hội đồng Bảo anvà sự thay thế này kể từ đó tiếp tục đặt ra rắc rối trên bình diện thế giới về việc làm sao biết được ai thuộc về ai và bên nào là một nước Trung Hoa duy nhất".

Tuy chưa bao giờ tuyên bố độc lập, và dù đã "bị đuổi" ra khỏi Hội đồng Bảo an, với hệ quả kèm theo là những mối bang giao thiết lập được trong vòng 20 năm (1949-1971) lần lượt "rơi rụng" dần trước sức ép từ Trung Quốc, Đài Loan vẫn được Mỹ hậu thuẫn về khí tài để phòng vệ. Washington từng xem hòn đảo này như là một đồng minh trong cuộc chiến chống cộng sản, và giờ đây là một "chốt chặn" ngăn cản Trung Quốc bành trướng sức mạnh hải quân ra ngoài Thái Bình Dương.

Thế nên, với Trung Quốc, việc Hoa Kỳ - kể từ khi Joe Biden nhậm chức – tiếp tục các nỗ lực hậu thuẫn Đài Loan, từ việc cung cấp vũ khí cho đến các chuyến thăm cấp cao, ủng hộ Đài Loan gia nhập trở lại các định chế quốc tế hay công khai thừa nhận can thiệp quân sự trên đảo… chẳng khác gì là một hành động khiêu khích mạnh mẽ.

"Một nước Trung Hoa duy nhất" : Tàn dư của Quốc Dân Đảng ?

Còn tại Mỹ, câu hỏi liệu Washington có nên từ bỏ chính sách "mơ hồ chiến lược" đối với Đài Bắc đang trở nên gay gắt, nhưng chính quyền Joe Biden kiên quyết duy trì chiến lược này như là nền tảng cho chính sách của Mỹ đối với Đài Loan. Quan trọng hơn nữa, Washington vẫn tuân thủ chính sách "Một nước Trung Hoa duy nhất" thừa nhận "quan điểm" của Bắc Kinh cho rằng Đài Loan là một phần của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, nhưng lại không thừa nhận rằng Đài Loan thật sự là một phần của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (tức khẳng định rằng nguyên tắc "Một nước Trung Hoa duy nhất" đã được thực hiện)1.

Nhưng nguyên tắc "Một nước Trung Hoa duy nhất" đó, đối với người dân Đài Loan ngày nay, là "tàn dư" của Quốc Dân Đảng, thời Tưởng Giới Thạch độc tài cầm quyền cho đến cuối những năm 1970-1980, theo như nhận định của nhà nghiên cứu về Quan hệ Quốc tế và các vấn đề chiến lược Châu Á, Valérie Niquet, Quỹ Nghiên cứu Chiến lược (FRS) với đài RFI : 

"Đây cũng chính là điểm chung duy nhất giữa Trung Quốc Mao Trạch Đông cũng như là Trung Quốc ngày nay với Quốc Dân Đảng : Đó là có một nước Trung Hoa duy nhất. Thời đó, do ít có tiếng nói bày tỏ chính kiến, hòn đảo cũng chưa có một chút dân chủ nào, và do vậy, điều đó chẳng đặt ra vấn đề gì trong một chừng mực nào đó là cả hai bên đều nhất trí về tính duy nhất này của Trung Quốc và người ta đã không đặt ra câu hỏi trên với người dân (…)".

Ngày nay, Đài Loan là một nền dân chủ và chính trong bản sắc Đài Loan, chiều kích dân chủ của chế độ chính trị Đài Loan, theo tôi, là một yếu tố mang tính hoàn toàn thiết yếu vượt ra ngoài cả bản sắc Đài Loan nguyên thủy, bao gồm cả hậu duệ của những người đến đảo từ năm 1949, tỵ nạn cùng với Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch. Trong số con cháu của những người đó, nhiều người trẻ ngày nay tự coi mình như là người Đài Loan. Cũng đặc thù chính trị này của hòn đảo đã tạo nên sự khác biệt hoàn toàn với Bắc Kinh".

"Một quốc gia, hai chế độ" : Một đề xuất đã lỗi thời ?

Theo thống kê năm 1994, 26% số cư dân Đài Loan được hỏi tự nhận như là người Trung Quốc, thì nay chỉ còn chưa tới 5% vào năm 2020. Ngược lại, tỷ lệ những người tự cho là người Đài Loan thì tăng từ 20-77% theo số liệu năm 2020. Mathieu Duchatel, giám đốc chương trình Châu Á, Viện Montaigne trên đài RFI nhấn mạnh cùng với những thay đổi cảm nhận trong lòng xã hội Đài Loan là sự biến mất của kịch bản "Một quốc gia, hai chế độ".

"Đúng là kịch bản này hoàn toàn không còn nghe nói đến nữa trên chính trường Đài Loan. Không một ai còn bảo vệ ý tưởng đó nữa cả và thậm chí là từ những năm 1990, vào thời điểm dân chủ hóa ngay khi Đặng Tiểu Bình đưa ra công thức này, chúng chưa bao giờ hấp dẫn đối với người dân Đài Loan cả. Tôi cho rằng ý tưởng "Một Quốc gia, Hai chế độ" phụ thuộc nhiều vào việc Đài Loan có đồng nhất hóa với ý tưởng chỉ tồn tại "một nước Trung Hoa duy nhất" hay không. Và ý tưởng này đã bị tan vỡ đôi chút cùng với tiến trình dân chủ hóa (…)".

Một mặt Trung Quốc gia tăng sức ép quân sự, mặt khác sử dụng mọi phương tiện để gây ảnh hưởng lên tất cả các chính đảng có lập trường gần gũi với Bắc Kinh, đặc biệt là Quốc Dân Đảng, vốn dĩ vẫn chia sẻ với Trung Quốc nguyên tắc cơ bản về "một nước Trung Hoa duy nhất". Theo bà Valérie Niquet, đây chính là chiếc lõi của mọi sự căng thẳng giữa một bên là Đài Loan mang tư tưởng độc lập, cùng với bà Thái Anh Văn và bên kia là Trung Quốc :

"Đó chính đồng thuận nổi tiếng 1992, vốn dĩ chưa bao giờ thật sự là một dồng thuận, mà chỉ là một tuyên bố miệng nhằm tạo thuận lợi cho quan hệ đôi bờ eo biển năm 1992, và đồng thuận này tuyên bố rằng chỉ có một nước Trung Quốc duy nhất. Quốc Dân Đảng rõ ràng coi Trung Quốc này là Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan). Trong mọi trường hợp có hai cách diễn giải. Còn Bắc Kinh cho rằng đó là một sự thừa nhận thực tế Đài Loan là một phần của Trung Quốc, do vậy thuộc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Tuy nhiên, bà Thái Anh Văn bác bỏ đồng thuận này và thậm chí còn phản đối sự tồn tại của đồng thuận đó".

Đối sách của Trung Quốc với Đài Loan : Hòa hay Chiến ?

Giờ đây, trong thời kỳ cạnh tranh gay gắt giữa các cường quốc, Đài Loan ngày càng chiếm một vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Sự hậu thuẫn của Washington đối với Đài Bắc càng lớn bao nhiêu, thì Bắc Kinh càng lo lắng bấy nhiêu.

Tại Trung Quốc, có câu nói rằng "khi sự hợp nhất trong hòa bình không có hy vọng đạt được, thì sự hợp nhất đó cũng chẳng đến một cách ngẫu nhiên". Do vậy, Trung Quốc đánh giá giải pháp chính trị duy nhất còn lại là thực hiện một chiến dịch hăm dọa và cưỡng ép để đi đến sự hợp nhất.

Trong toàn cảnh này, các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) trong một nghiên cứu tập hợp nhiều tác giả đăng trên trang mạng nhận định giữa việc "ngăn chặn Đài Loan đi đến độc lập" và "xúc tiến hợp nhất" đây sẽ là một thách thức nội tại cho Trung Quốc.

Về mặt lý thuyết, hai lịch trình này sẽ bổ sung cho nhau nếu như người dân Đài Loan trung lập. Nhưng vì người Đài Loan không mong muốn hợp nhất với một nước Trung Quốc do đảng cộng sản kiểm soát, và khao khát một nền độc lập với điều kiện không trả một cái giá nào, Bắc Kinh cho rằng phải dùng đến hành động dọa dẫm và cưỡng ép để tránh Đài Loan trượt theo con đường đòi độc lập.

Đương nhiên, Trung Quốc có thể làm cho người dân Đài Loan khiếp hãi tránh xa nền độc lập, nhưng cách tiếp cận này cũng làm "lụi tàn" mọi ham muốn được hợp nhất (có nghĩa là bị Trung Quốc "nuốt chửng") của người dân Đài Loan.

Cũng theo các nhà nghiên cứu của IISS, có nhiều lý do giải thích cho việc Trung Quốc chưa dùng đến vũ lực. Thứ nhất, Bắc Kinh không chấp nhận có một thất bại quân sự. Sự hủy diệt lẫn nhau với Mỹ liên quan đến Đài Loan hiển nhiên cũng không nằm trong lợi ích của đảng cộng sản.

Thứ hai, vào lúc đại hội đảng cộng sản đang đến gần, ông Tập Cận Bình có thể chưa sớm tấn công Đài Loan, và có nhiều khả năng ông tập trung vào việc duy trì ổn định. Thứ ba, việc ông Eric Chu được bầu chọn làm chủ tịch Quốc Dân Đảng làm dấy lên lại hy vọng một trào lưu ủng hộ hợp nhất sẽ hồi sinh trong kỳ bầu cử tổng thống Đài Loan năm 2024.

Dù vậy, các tác giả cũng nhìn nhận, hòa bình và sự ổn định mong manh của eo biển Đài Loan có nguy cơ bị xáo trộn bởi hai kịch bản. Thứ nhất là một cuộc xung đột vô tình, hay một sự leo thang căng thẳng bùng phát do những biến cố trên thực địa. Nếu Bắc Kinh và Washington quan tâm đến việc kiểm soát leo thang, họ có thể sử dụng đến những đường dây nóng để liên lạc và hạ nhiệt căng thẳng. Nhưng không có gì bảo đảm là điều này sẽ xảy ra.

Kịch bản thứ hai là Trung Quốc tăng tốc mở rộng kho vũ khí hạt nhân. Theo các đánh giá hiện tại, Trung Quốc có thể chưa nhắm đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân, nhưng ưu tiên phát triển một lượng vũ khí đủ để răn đe Hoa Kỳ can thiệp quân sự trong trường hợp họ tấn công bất ngờ Đài Loan.

Minh Anh

Nguồn : RFI, 16/06/2022

***********************

Đổ bộ Đài Loan, giải pháp quá tốn kém cho Trung Quốc ?

Thanh Hà, RFI, 18/06/2022

Vào lúc Bắc Kinh khẳng định "chiến đấu đến cùng" tìm mọi cách ngăn cản Đài Loan tuyên bố độc lập, ở Đài Bắc Bộ Quốc phòng ý thức được rằng "nếu phải đọ sức với Trung Quốc về mặt quân sự, Đài Loan không có một cơ hội nào". Nhưng theo giới quan sát "xâm chiếm Đài Loan sẽ là một giải pháp tốn kém" đối với Trung Quốc.

tqdl2

Cuộc tập trận Hán Quảng, chống cuộc đổ bộ của pháo binh Đài Loan, tại bờ biển Bình Đông Huyền tại bờ biểu Bình Đông Huyền, ngày 16/09/2021.  AP

Hãng tin Pháp AFP hôm 17/06/2022 dẫn lời nhà sử học tại đảo Bành Hồ/ Penghu của Đài Loan, ông Cheng Ing Jin tin rằng, tựa như Ukraine trước sức mạnh của quân đội Nga hiện nay, "những người lính Đài Loan sẽ bảo vệ tổ quốc đến cùng". Nếu lính Trung Quốc đổ bộ lên Đài Loan thì cũng sẽ "sa lầy" như quân Nga ở Ukraine.

Yếu tố địa hình, địa lý là một đồng minh khác của Đài Loan. Một báo cáo của Học viện Hải quân Mỹ đánh giá Trung Quốc "rất khó" điều tàu lội nước đổ bộ lên Đài Loan. Nếu Bắc Kinh chọn giải pháp này, thì vì lý do thời tiết, chiến dịch đó chỉ có thể diễn ra hai lần trong năm là vào giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 7 và sau đó là khoảng tháng 10.

Ngoài ra, Đài Loan có nhiều đảo nhỏ bao bọc xung quanh, một trong số đó là Bành Hồ. Đây là nơi Đài Loan đã trang bị ra-đa và hệ thống tên lửa tầm xa có độ chính xác cao. Chuyên gia James Char, khoa Nghiên cứu Quốc tế đại học Rajaratnam của Singapore cho rằng "ngay giai đoạn đầu, phía Trung Quốc sẽ hứng chịu nhiều thiệt hại nghiêm trọng".

Ian Easton, tác giả "The Chinese Invasion Threat" cùng với một cộng sự lưu ý, đảo Đài Loan chỉ có 14 bãi biển để có thể đưa quân đổ bộ vào nhưng chung quanh những bãi biển đó là những vách núi rất khó để đối thủ của Đài Loan hy vọng làm chủ tình hình.

Bonny Lin, giám đốc chương trình China Power Project thuộc trung tâm nghiên cứu chiến lược CSIS của Mỹ bồi thêm "đấy chỉ là một phần của vấn đề". Không dễ tiến quân vào những khu vực ẩm ướt, vào những vùng núi và đông dân cư.

Rõ ràng khi so mối tương quan lực lượng, thì cán cân nghiêng hẳn về phía Bắc Kinh. Theo báo cáo 2021 của Lầu Năm Góc, Đài Loan chỉ có vỏn vẹn chưa đầy 90.000 quân, so với ở phía bên kia bờ eo biển, lực lượng của Trung Quốc gồm hơn một triệu người. Nếu như Trung Quốc có đến 6.300 chiến xa thì Đài Loan chỉ có thể trông cậy vào khoảng 800 chiếc. Khối lượng máy bay chiến đấu của Trung Quốc cao gấp bốn lần so với của Đài Loan.

Nhưng Washington phải nhìn nhận rằng Trung Quốc có đội tàu hải chiến hùng hậu nhất thế giới. Tàu của Trung Quốc "càng lúc càng hiện đại và hoạt động có hiệu quả".

Thanh Hà

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Minh Anh, Thanh Hà
Read 369 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)