Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

23/06/2022

Tăng lương tối thiểu "đuổi theo" lạm pháp như nhiệm vụ chính trị

Phạm Quý Thọ

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022 quy định mức lương tối thiểu vùng tăng thêm 6% so với mức hiện hành đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Theo đó, ở vùng I lương tối thiểu tăng thêm 260.000 đồng (11 USD) lên thành 4.680.000 đồng/tháng… và ở vùng IV tăng thêm 180.000 đồng (7 USD) lên 3.250.000 đồng/tháng. Đợt tăng lương tối thiểu lần này là biểu tượng mang tính chính trị khi Quyết định được đưa ra đúng vào thời điểm Thủ tướng Phạm Minh Chính đối thoại trực tuyến với người lao động sáng ngày 12/6. Kể từ 2011 thêm một lần nữa tăng lương tối thiểu thường niên nhằm ‘đuổi theo’ lạm phát và, hơn thế, nhiệm vụ chính trị của chính sách luôn được đề cao thay vì được sử dụng như một phép thử can thiệp thị trường lao động.

tang1

Công nhân may khẩu trang tại nhà máy Maxport ở Hà Nội hôm 21/9/2021 - AFP

‘Đuổi theo’ lạm phát

Tăng lương tối thiểu lần này trong bối cảnh lạm phát tăng cao. Chỉ số giá tiêu dùng CPI của Quý I/2022 tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 0,81%. Nguyên nhân là do tăng giá xăng dầu, giá gas, giá thuê nhà ở, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo. Dự kiến CPI tiếp tục tăng trong Quý II và cả năm 2022. Còn có dự đoán khác nhau, nhưng việc kiềm chế lạm phát dưới 4% theo chỉ tiêu đặt ra của Quốc hội 15 được nhận định là có thể đạt, thậm chí được ca ngợi là ‘nỗ lực’ điều hành kinh tế, nhưng nó không thể phản ánh thực tế giá cả tiêu dùng tăng nhanh sau dịch.

Những lao động chỉ biết sống dựa vào lương, xa quê, không được hỗ trợ từ người thân, gia đình đang vật lộn với sinh hoạt hàng ngày. Đã bảy đợt giá xăng tăng liên tục từ đầu năm, lên trên 50%, các mặt hàng thực phẩm cũng theo đó tăng vọt, ngay cả giá trứng tưởng chừng bình ổn nhất cũng đã tăng… khiến các gia đình phải cắt giảm và xem xét lại cách chi tiêu chỉ tập trung vào ăn uống... Các báo Nhà nước đã ‘mạnh dạn’ phản ánh thực trạng "Giá cả tăng cao, lạm phát đang "ngấm rất sâu" vào đời sống người lao động" (Dân trí, 26/4/22), "47% người lao động phải vay tiền sinh hoạt, khám chữa bệnh" (DT, 10/6/22) ; "Khoảng 11% công nhân thường xuyên phải vay tiền để sinh hoạt" (Zing, 10/6/22) ; "Thu nhập công nhân không đủ sống" (Đại đoàn kết, 11/6/22)…

Đợt tăng lương tối thiểu lần này mang tính chất động viên mà không thể khỏa lấp những hậu quả do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, đặc biệt là đợt dịch thứ tư vào cuối năm 2021 làm xáo trộn, suy giảm số và chất lượng lao động, việc làm và cuộc sống người lao động nói chung và của khu vực này nói riêng, đặc biệt trầm trọng đối với thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành, nơi tập trung lực lượng lao động vãng lai đông đảo. Các luồng di cư bắt buộc, ‘trốn chạy’ của hàng chục vạn lao động, học sinh từ vùng dịch về quê gây nên thảm cảnh khó khăn vật chất, tốn thất về thể chất và tổn thương tinh thần. Ngoài thực trạng trên, cho đến nay, khi đại dịch lắng xuống, rất nhiều số liệu liên quan còn bỏ ngỏ : số lao động bị chết vì dịch hay bị nhiễm dịch, số ngày nghỉ bệnh vì dịch, số tiền bảo hiểm chi trả, những thiệt hại vật chất, số lượng lao động mà các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh… thiếu hụt là bao nhiêu ?

Nhiệm vụ chính trị

Tăng lương tối thiểu được thực hiện lần đầu tiên vào năm 2011 với mục đích chính là "đuổi theo" biến động giá cả nửa cuối năm 2011 (CPI tháng 10/2021 tăng 17,05% và cả năm 2011 tăng 18,13%), giảm thiểu khó khăn cho người lao động. Sau đó nó trở thành chính sách điều chỉnh thường niên, mặc dù lương tối thiểu vùng trung bình tăng lên liên tục, nhưng mức tăng đã giảm dần đến năm 2019 do chỉ số CPI dần được kiềm chế. Tuy nhiên, đến nay xu hướng tăng mức lương tối thiểu đang trở lại.

Cơ chế Hội đồng Tiền lương quốc gia (Đại diện ba bên : Nhà nước là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ; Người lao động là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Giới chủ là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) có thực hiện nhiệm vụ chính trị là tham mưu về biên độ tăng làm căn cứ cho Chính phủ quyết định mức và thời điểm tăng lương tối thiểu. Thông thường mỗi bên đề xuất mức tăng và nêu lý lẽ bảo vệ. Mặc dù còn ý kiến khác nhau, chẳng hạn, một số hiệp hội doanh nghiệp có công văn gửi Chính phủ kiến nghị lùi thời điểm tăng lương sang đầu năm sau để các doanh nghiệp có thêm thời gian chuẩn bị, nhưng cuối cùng thì mức tăng thêm 6% vào ngày 1/7 đã là quyết định chính sách.

Mặc dù việc xác quyết tức thì thời điểm thực thi tăng lương tối thiểu, nhưng khó có thể làm dịu đi sự chỉ trích về sự chậm trễ, lúng túng trong việc triển khai hỗ trợ người lao động chịu ảnh hưởng từ đại dịch. Năm 2020, khi dịch vừa diễn ra, gói hỗ trợ này đã được nói đến, nhưng đã không triển khai hiệu quả trong thực tế. Năm 2022 nó đã trở thành một chính sách lớn, một nội dung của chương trình phục hồi kinh tế được Quốc hội thông qua, nhưng việc thực hiện vẫn khó khăn. Nguyên nhân, một mặt, do sự phức tạp cư trú của lao động tự do, nhưng mặt khác do các thủ tục rườm rà, phức tạp về quản lý hành chính dân cư vì mục đích chính trị thay vì kinh tế như trường hợp này.

Can thiệp thị trường

Lương tối thiểu là một phương tiện can thiệp thị trường và, việc sử dụng nó mang nhiều ý nghĩa, dù còn gây tranh cãi về quan điểm và học thuật trong những điều kiện áp dụng khác nhau, nhưng đối với thực tế Việt Nam cách tiếp cận với công cụ này mang nặng tính chính trị, thực hiện nhiệm vụ chính trị theo chỉ đạo của Đảng cộng sản, hơn là kinh tế. Chẳng hạn, cả ba đại diện của Hội đồng tiền lương quốc gia cũng là những "người của Đảng", thậm chí tổ chức này có thể làm triệt tiêu các phản ứng khác từ phía người lao động. Rõ ràng, đây không phải là lý do trì hoãn ban hành Luật biểu tình, để thực thi quyền hội họp, biểu đạt ôn hoà chính đáng được ghi nhận trong Hiến pháp.

Về nguyên lý, Tiền lương tối thiểu luôn được xác định dựa vào mức sống tối thiểu dựa trên rổ hàng hoá thiết yếu. Ngoài ra, lý luận tái sản xuất sức lao động giản đơn và mở rộng được cho là của K. Mác, vốn chỉ thích hợp trong nền kinh tế tập trung, được đưa ra như cơ sở cho việc tính toán. Tuy nhiên, trong điều kiện thị trường giá cả luôn biến động khiến mức tăng không đồng hành với mức tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI theo thời điểm khiến chỉ tiêu này trở nên tương đối, nghĩa là xác định chính xác mức tăng là không thể. Trên thực tế, mức tăng này thường là đại lượng trung bình, dung hoà ý kiến khác biệt mang tính ‘chuyên gia’ của ba đại diện của Hội đồng tiền lương quốc gia. Và, trong bối cảnh đặc thù chống dịch như ‘thời chiến’ khi thực hiện chiến lược Zero - Covid nó đã khác đi và, mức 6% giảm hẳn đi ý nghĩa thực tế.

Chính sách tăng lương tối thiểu, ở một vài quốc gia phát triển có hẳn Luật lương tối thiểu, được thực hiện để can thiệp thị trường lao động mà một trong mục đích chính là bảo vệ người lao động, mà cách thực hiện như một phép thử xác định giá nhân công hay giá cả sức lao động. Vấn đề đặt ra không những chỉ là tăng thế nào và xu hướng tăng mà còn hiệu ứng lan tỏa của nó như thúc đẩy hay kìm hãm tăng trưởng, thu hẹp hay mở rộng khoảng cách giàu nghèo…

Ở Việt Nam có thể nêu hai ví dụ để minh hoạ cho phép thử can thiệp thị trường lao động. Trước hết, giá nhân công thấp là một lợi thế để thu hút vốn đầu tư thâm dụng lao động để gia công trong các ngành dệt may, da giày, lắp ráp…, nhưng xu hướng tăng thế nào khi vốn nhân lực được cải thiện và, hơn thế để thu hút vốn đầu tư cho các lĩnh vực có tỷ lệ sử dụng chất xám lớn. Vậy xu hướng tăng giá nhân công thế nào để duy trì lợi thế cạnh tranh đồng thời đáp ứng cải thiện chất lượng vốn nhân lực.

Hai là, đặc điểm sơ khởi, hỗn hợp và đang chuyển đổi của thị trường lao động xác định tính khả thi và hiệu lực của chính sách tiền lương tối thiểu. Đối tượng thụ hưởng của chính sách này được ghi là "người lao động làm việc theo hợp đồng lao động", nhưng tỷ lệ số lao động thực sự được thụ hưởng luôn ở mức thấp, đặc biệt ở khu vực phi chính thức còn lớn. Ngoài ra, trong các đơn vị sự nghiệp công lập đang trong quá trình thực hiện chính sách tự chủ tài chính dễ phát sinh tâm lý "bất bình" với những lao động hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Cần có cách tiếp cận đúng đắn và vận dụng chính sách lương tối thiểu để nâng cao tính khả thi và hiệu lực của nó gắn với việc tạo dựng một thị trường lao động mở, hài hoà để thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế phải được xác định là một trọng tâm trong cải cách thể chế. Đó cũng là kết luận của bài viết.

Phạm Quý Thọ

Nguồn : RFA, 23/06/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Quý Thọ
Read 309 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)