Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

23/06/2022

Nguyễn Phú Trọng có thật đau xót khi cho đàn em đốt đồng chí của mình ?

BBC tiếng Việt

Phát biểu ‘nhân văn, nhân đạo’, mang tính ‘lý luận về chống tham nhũng’ của ông Nguyễn Phú Trọng

BBC tiếng Việt, 23/06/2022

Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam nói phải xử lý công tác phòng chống tham nhũng "rất kiên trì, nhân văn, có lý có tình".

nhanvan1

Một vài quan chức cấp cao bị khai trừ khỏi Đảng trước khi bị đưa ra tòa xét xử gồm : ông Nguyễn Đức Chung, Nguyễn Bắc Son, Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Tất Thành Cang, Trương Minh Tuấn

Vào sáng 23/6, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội thuộc Đơn vị bầu cử số 1, Thành phố Hà Nội, tiếp xúc cử tri các quận : Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng để báo cáo kết quả kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV.

BBC ghi lại toàn văn phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi tiếp xúc cử triHà Nội ngày 23/6, trong phần ông nói về việc kỷ luật, xử lý hình sự hai ông Nguyễn Thanh Long và Chu Ngọc Anh.

"Xung quanh công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, rồi xử lý tiêu cực, thì các bác, các đồng chí biết là vừa rồi như các bác nói đấy, bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội và phê chuẩn đề nghị cách chức Bộ trưởng Bộ y tế. Kỷ luật cả đồng chí Chu Ngọc Anh, đang là Chủ tịch của thành phố chúng ta đây. Trước đây anh này công tác ở bên bộ khoa học, bị kỷ luật là vì lỗi từ trước.

Với tinh thần hôm trước tôi đã nói rồi, là chúng ta phải xử lý công tác phòng chống tham nhũng, rất kiên trì, rất là nhân văn, có lý có tình. Làm rất có bài bản và hết sức thuyết phục.

Vừa rồi, các bác, các đồng chí biết, hai đồng chí này đều là ủy viên trung ương đảng. Không những ủy viên một khóa đâu. Mà vừa rồi khai trừ ra khỏi Đảng. Đã từng là bộ trưởng, rồi về làm chủ tịch UBND Thành phố chúng ta, mà vừa rồi khai trừ ra khỏi đảng, cách chức. Còn anh Long, cũng là ủy viên trung ương đảng, bộ trưởng bộ y tế. Đang lúc dịch dã thế này, tập trung chống dịch, vậy mà tại sao bị kỷ luật, cũng khai trừ ra khỏi đảng, cách chức bộ trưởng. Và bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội.

Làm một cách rất bài bản, nghiêm túc. Rất nhân văn. Tôi nói, nhân văn, nhân đạo, nhân ái, nhân tình. Chứ không phải ghét bỏ gì cả. Các bác thấy bây giờ quy trình : Lúc đầu là Ủy ban kiểm tra trung ương kiểm tra, xem xét, dự kiến thi hành kỷ luật về đảng. Sau khi có kết luận của Ủy ban kiểm tra, dự kiến kỷ luật, và các cơ quan bên hành chính phải làm tiếp, là bước thứ hai. Kỷ luật về hành chính.

Sau hành chính, bước thứ ba mới là thi hành về hình sự. Tôi nói đây là tổng kết gần như mang tính lý luận.

Rất ngắn. Trong có một ngày rưỡi, chiều hôm trước Bộ Chính trị họp, xem xét hai trường hợp này. Cái này không có gì bí mật, tôi xin báo cáo công khai để các bác, các đồng chí biết. Đã thảo luận rất kỹ. Và 100% biểu quyết phiếu kín yêu cầu kỷ luật, phải khai trừ ra khỏi đảng, và cách tất cả các chức.

Hôm sau, triệu tập họp Trung ương bất thường. Ban Chấp hành Trung ương họp, thảo luận, hoàn toàn nhất trí với ý kiến của Bộ Chính trị. Và Ban Chấp hành Trung ương cũng bỏ phiếu, các đồng chí dự rất biết. Gần như tuyệt đối, hoàn toàn đồng ý là phải khai trừ ra khỏi đảng.

Nhưng đây mới là mức kỷ luật về Đảng.

Ngay sáng ngày hôm sau, họp Quốc hội, đưa ra Quốc hội, bãi miễn tư cách đại biểu Quốc hội.

Đồng thời Chính phủ tối mới phải họp, đề nghị với Quốc hội cho bãi miễn, cách chức luôn cả bộ trưởng bộ y tế, mặc dù tình hình chống dịch đang phức tạp thế này. Nhưng chúng ta vẫn kiên quyết.

Cả hai lúc đầu thì cũng chưa phải nhận thức hết đâu. Nhưng cuối cùng đều nhận thức được, và hứa hẹn sẽ sửa chữa thế này, thế khác.

Bây giờ chúng ta phòng chống tham nhũng là như thế. Sau khi mất hết cả chức trung ương, chức bộ trưởng rồi, ngay chiều hôm ấy, cơ quan công an mới khởi tố, bắt tạm giam để tiếp tục điều tra. Làm rất là bài bản. Và hiện nay còn đang trong giai đoạn tiếp tục điều tra chứ chưa xử lý hình sự".

Ở đoạn khác trong buổi nói chuyện, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói :

"Cái quan trọng nữa, một bài học chung, để răn đe, cảnh tỉnh, cảnh báo những người khác đừng đi vào vết xe đổ ấy. Cái này nói mãi rồi, chứ không phải thích thú gì kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình. Thậm chí rất đau xót như nhiều lần tôi nói rồi. Nhưng mà buộc phải làm.

Nói như Bác Hồ là, cắt bỏ một vài cái cành cây nó sâu mọt, để cứu cả cái cây. Chứ nếu không, nó lan ra thì rất là nguy hiểm. Nước nào cũng có chuyện cả"…

Ở một đoạn nữa, ông Nguyễn Phú Trọng nói về công tác chọn cán bộ :

"Chuẩn bị người thay, lại phải chọn người cho đúng, chính xác. Chứ không thể vội vàng, lại đưa một người nào đó lên để kế tục ngay. Mà nếu không chín chắn, không chính xác, nhỡ tiêu cực thì sao. Cho nên hiện nay Hà Nội cũng chưa có chủ tịch chính thức, phải không ạ. Phải chọn người cho đúng. Quan trọng vẫn là công tác cán bộ".

Nguồn : BBC, 23/06/2022

**********************

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và những lần "đau xót khi kỷ luật đồng chí"

BBC, 23/06/2022

Trong cuộc tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng ngày 23/6, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam tiếp tục nói rằng ông "thấy đau xót" nhưng phải cắt những "cành cây sâu mọt". Ý ông Trọng muốn nhắc đến việc kỷ luật Chủ tịch Thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh và Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thành Long.

nhanvan2

Cả hai ông đều từng là ủy viên trung ương trước khi bị khai trừ Đảng đầu tháng Sáu vì liên quan đại án Việt Á.

"Hai đồng chí này đều là ủy viên trung ương đảng, vừa qua đều đã bị khai trừ ra khỏi Đảng và cách chức một số chức khác. Sau khi có kết luận của Uỷ ban Kiểm tra, kỷ luật Đảng làm trước, kỷ luật hành chính tiếp theo, rồi mới đến kỷ luật hình sự", VOV trích lời ông Nguyễn Phú Trọng.

Theo người đứng đầu Đảng cộng sản, quy trình kỷ luật này đã "gần như thành lý luận về phòng, chống tham nhũng, thành bài học để giai đoạn sắp tới tiếp tục làm thế nào cho tốt".

Ngoài ra, với công cuộc "đốt lò" tiếp tục lan rộng, Đảng cộng sản Việt Nam cũng đang thành tập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tiêu cực cấp tỉnh.

Cho đến nay, mới chỉ có Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tiêu cực Trung ương cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu.

Ông Trọng nói 'đau xót' nhưng vẫn 'phải cắt cành sâu mọt'

Ông Trọng nói việc kỷ luật nhằm mục đích khiến các đương sự nhận ra sai sót, khuyết điểm đồng thời làm bài học răn đe, cảnh tỉnh người khác đừng đi vào vết xe đổ.

"Không thích thú gì việc kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, thậm chí rất đau xót, nhưng buộc phải làm. Như Bác Hồ đã nói, phải cắt bỏ một cành cây sâu mọt để cứu cả cây", ông Trọng nói trước cử tri.

Tuy nhiên, một số người chỉ trích tự hỏi có bao nhiêu "cành cây sâu mọt" khi chỉ riêng vụ Việt Á đã liên quan tới hàng chục quan chức ngành y tế từ Trung ương đến địa phương, trải dài từ bắc vào nam.

Bê bối Việt Á xảy ra trong giai đoạn 2020-2021, tức là trong thời gian chiến dịch "đốt lò" của ông Nguyễn Phú Trọng diễn ra rầm rộ.

Đây không phải lần đầu tiên Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam dùng hai từ "đau xót" để nói về việc kỷ luật đồng chí của mình.

Tại hội nghị của Chính phủ với các địa phương tháng 12/2020, ông Nguyễn Phú Trọng lúc ấy vừa là Tổng bí thư Đảng cộng sản vừa là Chủ tịch nước nói : "Không thích thú gì khi phải kỷ luật của mình mà rất khổ tâm, đau xót. Nhưng vì sự tiến bộ chung, vì mong nhiều người không mắc sai phạm, chúng ta phải kỷ luật, kỷ luật vài người để cứu muôn người".

Trước đó, ngày 12/10/2019, tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, khi nói về việc thi hành kỷ luật hơn 70 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý kể từ đầu nhiệm kỳ khóa XII, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu :

"Thật đau xót, nhưng không thể không làm, không có cách nào khác ! Tất cả là vì sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của nhân dân. Đây là bài học sâu sắc, bài học đắt giá cho tất cả chúng ta".

Hay như việc tiến hành xử lý kỷ luật ông Đinh La Thăng hồi năm 2017, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi đó nói tại buổi tiếp xúc cử tri Hà Nội ngày 23/6 rằng : "Tôi nói nhiều lần là chẳng thích thú gì kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, thậm chí là rất day dứt, đau xót, nhưng phải kỷ luật thôi và vi phạm pháp luật thì phải xử lý".

Tuy nhiên, nhiều người từ lâu cho rằng việc cắt vài "một cành cây sâu mọt" không cứu được cả cây vì tham nhũng có thể đã ăn sâu vào hệ thống chính quyền.

Trả lời BBC từ năm 2019, ông Nguyễn Quang A, sống ở Hà Nội, nói :

"Bản thân bộ máy này đẻ ra tham nhũng, hay nói là cái lò này là lò đẻ ra tham nhũng thì phải vứt cái lò đẻ ra tham nhũng này đi, chứ không phải là đốt những kẻ tham nhũng, bởi vì không bao giờ đốt hết được cả, hết tên này thì nó sẽ sinh ra tên khác".

Đại án Việt Á diễn ra từ năm 2020-2021 cho thấy những cảnh báo từ chiến dịch "đốt lò" của ông Trọng không thể ngăn một số quan chức Việt Nam "nhúng chàm".

Hôm 21/6, trong một buổi gặp cử tri ở thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì, cử tri Lê Đắc Bình nói :

"Lò thì rất nóng rồi mà không đốt được hết, các vụ việc vẫn cứ phát sinh. Nhận xét cuối năm đồng chí nào cũng hoàn thành xuất sắc mà cháy nhà mới ra mặt chuột. Đề nghị các đại biểu Quốc hội kiến nghị, khi xem xét công tác cán bộ Trung ương là phải xem xét từ bé đến lớn chứ không dĩ hòa vi quý".

Kỷ luật quan chức

Một trong những quan chức mới nhất bị đề nghị kỷ luật là ông Nguyễn Thành Phong, nguyên Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2016-2021.

Hôm 22/6, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ra thông báo về sai phạm của Ban cán sự Đảng UBND Thành phố Hồ Chí Minh và những quan chức liên quan.

Theo họ, Ban cán sự đảng UBND thành phố Hồ Chí Minh đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc ; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, để UBND Thành phố và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong quản lý tài chính, tài sản nhà nước ; xảy ra nhiều vụ án, vụ việc trên địa bàn Thành phố ; nhiều tổ chức đảng, đảng viên bị xử lý kỷ luật ; nhiều cán bộ, đảng viên trong đó có cả lãnh đạo chủ chốt của UBND Thành phố và các sở, ngành,… bị xử lý hình sự.

Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng, khó khắc phục, làm thất thoát rất lớn tài sản, ngân sách của Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy và chính quyền địa phương.

Dưới thời ông Nguyễn Thành Phong làm chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh, hàng loạt quan chức và cựu quan chức bị truy tố hình sự như ông Trần Vĩnh Tuyến (Phó chủ tịch UBND Thành phố), ông Trần Trọng Tuấn (nguyên Giám đốc Sở Xây dựng), hàng loạt lãnh đạo của Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI).

Trước đó, hai cựu ủy viên trung ương đảng Nguyễn Thanh Long (Bộ trưởng Y tế) và Chu Ngọc Anh (Chủ tịch Hà Nội) bị khởi tố bị can và bắt tạm giam vì vi phạm quy định của Đảng và gây thất thoát tài sản nhà nước trong vụ Việt Á.

Nguyên Thứ trưởng Khoa học Công nghệ Phạm Công Tạc cũng bị khởi tố và bắt tạm giam cùng tội danh.

Hàng loạt giám đốc CDC nhiều tỉnh, thành phố từ bắc vào nam cũng vướng lao lý do thông đồng với Việt Á nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19 để hưởng hoa hồng.

Trong vụ án ở Cục lãnh sự liên quan đến việc công dân Việt Nam ở nước ngoài phải mua "vé giải cứu giá cao", thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng, Cục trưởng Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan và nhiều đồng phạm đang bị tạm giam để điều tra.

Đầu năm 2018, trả lời phỏng vấn, ông Nguyễn Phú Trọng nói : "'Lò' nóng lên là do tất cả cùng vào cuộc, cùng quyết tâm 'đốt lò' để đẩy lùi tham nhũng".

Các vụ điều tra, kỷ luật diễn ra từ cuối năm 2021 tới giữa năm nay cho thấy "lò chống tham nhũng" của ông Nguyễn Phú Trọng vẫn đang đỏ lửa.

Nguồn : BBC, 23/06/2022

*************************

Vì sao Đảng cộng sản khai trừ quan chức tham nhũng rồi mới để tòa xử ?

BBC, 23 tháng 6 2022

Nhận xét với BBC News tiếng Việt về vấn đề tham nhũng tại Việt Nam hiện nay, nhà sử học, cựu Đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc nói phần lớn sai phạm là từ quan chức : "Chỉ có điều ở Việt Nam mình khôn ngoan hơn đó là khai trừ khỏi Đảng trước khi ra vành móng ngựa".

nhanvan3

Sự kiện Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh, cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Phạm Công Tạc bị xử lý hôm 7/6 gây rúng động dư luận về quy mô tham nhũng của các quan chức cấp cao. Cả ba ông đều bị khai trừ khỏi Đảng, cách chức, trước khi bị khởi tố, bắt tạm giam.

"Báo Tuổi trẻ từng giật tít lấy ca từ trong bài hát L'Internationale [Quốc tế ca] - Đấu tranh này là trận cuối cùng - khi viết về phong trào chống tham nhũng. Tôi nghĩ là đúng, nếu không đấu tranh chống tham nhũng, chống nội xâm thì chính Đảng không còn lý do để tồn tại nữa", ông Dương Trung Quốc nói với BBC hôm 17/6.

Còn Luật sư, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trần Quốc Thuận nói với BBC hôm 9/6 : "Tôi nghĩ xét về mức độ nghiêm trọng của sự việc, cần phải có án tử hình. Cho tới nay, hai quan chức đầu não có sai phạm nghiêm trong như vậy, gây thiệt hại tới mạng người nhưng chưa thấy lãnh đạo ở cấp cao hơn đứng ra xin lỗi người dân".

Nạn tham nhũng trong nội bộ Đảng

Bàn về những sai phạm về tham nhũng, ông Dương Trung Quốc nhận định với BBC :

"Cách đây 15 năm khi có luật chống tham nhũng, tôi là người lên tiếng việc chính đặc thù Việt Nam với Đảng lãnh đạo toàn diện, nên tất cả quan chức hoặc người có quyền mà có thể tác động vào tài sản công đều là Đảng viên. Rõ ràng tới bây giờ, càng ngày càng thấy điều đó ứng nghiệm vào đời sống, phần lớn những người sai phạm về tham nhũng đều là quan chức, thuộc nội bộ Đảng cả. Điều đó là sự thật và người ta cũng chứng kiến chính Đảng cũng phải thanh lọc nội bộ mình thì mới giữ được vai trò lãnh đạo".

Hồi đầu năm 2021, tại buổi họp báo sau khi Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng cộng sản Việt Nam bế mạc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cập đến vấn đề tham nhũng trong nội bộ trung ương Đảng cộng sản Việt Nam.

"Người nắm trong tay tiền của rất dễ không chỉ tham nhũng mà còn tiêu cực và lợi ích nhóm. Tham nhũng mới là một vế, chúng ta phải nói đầy đủ là chống tham nhũng và tiêu cực. Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được phát động từ năm 2013, khi tôi được phân công làm Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng của Đảng. Từ đó đến nay, liên tục có những vụ việc được xử lý liên quan đến Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, thậm chí thu hồi tài sản lên tới hàng triệu USD", báo Công an Nhân dân thuật lại lời ông Trọng.

Tiếp đó, ông Trọng nhắc đến một "trường hợp hối lộ, xách vali tiền đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để biếu xén, lấp liếm".

"Đồng chí cán bộ kiểm tra mở vali xem đã thấy toàn tiền USD. Tôi yêu cầu khóa vali lại, niêm phong và lập biên bản", ông Nguyễn Phú Trọng được báo Công an Nhân dân trích lời.

Trước khi bị khai trừ khỏi Đảng và bị bắt tạm giam, cả ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long đều là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa XIII.

Trong nghiên cứu có tên "The perpetuation of bribery-prone relationships : A study from Vietnamese public official" đăng trên 'Public Administration and Development, nhóm tác giả nói về quan hệ dễ trao và nhận hối lộ không ngừng của giới chức Việt Nam.

Nhóm tác giả cũng nhận định rằng các quan chức Việt Nam thường trải qua một "sự đánh giá tính toán", trải qua một mức độ khó chịu nhất định về cảm xúc và sau đó sử dụng các chiến lược hợp lý hóa để quyết định xem có tham gia vào một cuộc trao đổi hay một mối quan hệ dễ dẫn đến hối lộ hay không. Quá trình tâm lý này khác biệt ở giai đoạn khởi đầu và giai đoạn kết thúc của một mối quan hệ dễ bị hối lộ.

Ông Trần Quốc Thuận nói với BBC hồi cuối tháng 5/2022 :

"Tham nhũng tại Việt Nam như một con virus nó ăn sâu vào tế bào của Đảng cộng sản, từ trên xuống dưới, nó còn tệ hơn cả đại dịch Covid nữa. Do đó phải giải quyết tận gốc, vận động toàn nguồn lực để đối phó vấn đề này thì đất nước mới có thể vươn lên được. Không giải quyết được thực trạng này thì Việt Nam khó cất cánh được".

Thanh tẩy 'đúng quy trình' ?

Theo các nhà quan sát, trước mỗi cuộc bắt bớ các quan chức cấp cao ở Việt Nam, thường có một bước được gọi là "dọn đường dư luận" - tức làm truyền thông, chuẩn bị tinh thần cho người dân về vụ bắt giữ.

Bước "chuẩn bị dư luận" này được thực hiện đầu tiên qua những tin hành lang, tin đồn về việc sai phạm của "người này, người kia". Sau đó, tin tức được củng cố trên mặt báo chí chính thống trong nước. Ví dụ như vụ việc gần nhất của ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long, báo chí Việt Nam đưa tin rầm rộ về "phiên họp bất thường của Trung ương Đảng" vào chiều tối ngày 6/6/2022.

Ngay sau đó, Đảng quyết định "khai trừ" hai nhân vật này, theo cách mà ông Dương Trung Quốc mô tả "Việt Nam mình khôn ngoan hơn đó là khai trừ khỏi Đảng trước khi ra vành móng ngựa".

Tiếp đến, Quốc hội tiến hành bãi nhiệm hai ông Long và Anh ngay ngày hôm sau - 7/6/2022, tước quyền Đại biểu quốc hội, dọn đường cho việc bắt giữ, khám xét vì Đại biểu quốc hội vốn có quyền miễn trừ.

Chỉ khoảng chín tiếng sau khi bị cách chức và bãi nhiệm tư cách Đại biểu quốc hội, hai cựu quan chức nói trên bị truy tố tội danh và bắt tạm giam - tức cùng trong ngày 7/6.

Quy trình khai trừ khỏi đảng, bãi nhiệm tư cách Đại biểu quốc hội, cách chức rồi khởi tố, bắt tạm giam xảy ra y hệt với ông Đinh La Thăng - người từng có chân trong Bộ Chính trị khóa XII và là cựu Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.

Luật sư Phùng Thanh Sơn bình luận với BBC :

"Tôi nghĩ nội bộ Đảng đã điều tra hết rồi, việc khai trừ, bãi nhiệm rồi tới bắt giam, khởi tố, xử án chỉ là làm cho đúng quy trình tố tụng mà thôi. Dĩ nhiên về mặt khoa học pháp lý thì nó không ổn nhưng về mặt Đảng lãnh đạo toàn diện thì việc này là phù hợp. Bởi nó cho thấy Đảng 'chủ động' làm trong sạch bộ máy của mình chứ không phải vì chịu sức ép của xã hội mà hành động".

Tham nhũng là 'đặc tính cố hữu' ?

Hôm 16/6, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường chia sẻ với báo chí Việt Nam rằng khi trung ương họp hội nghị bất thường để kỷ luật các ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã "rất nghẹn ngào" khi nói về thành tích ngành y tế và nhấn mạnh nguyên tắc của Đảng là "kỷ luật sắt nên không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Ai vi phạm là phải bị xử lý".

Các vụ xử, kỷ luật Đảng đối với ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long và trước đó là Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Lê Thanh Hải, Nguyễn Bắc Son…, được cho là hiếm có trong lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam.

Xếp hạng Chỉ số nhận thức về tham nhũng (Corruption Perceptions Index - CPI) năm 2021 cũng cho thấy Việt Nam có những bước tiến bộ, xếp thứ 87 trên 180 nước, tăng 17 hạng so với năm 2020.

nhanvan4

Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International - TI) công bố một chỉ số nhận thức tham nhũng (Corruption Perceptions Index - CPI) hàng năm, Việt Nam tăng 17 hạng vào năm 2021 so với năm 2020

Tuy nhiên, Tiến sỹ Nguyễn Quang A cho rằng, việc bắt bớ mới nhất này chỉ là thanh trừng trong nội bộ Đảng.

"Tham nhũng là bản chất, là đặc tính cố hữu của hệ thống này - một hệ thống không có cái gọi là nhà nước pháp quyền, luật trị hay thượng tôn pháp luật. Luật pháp là phải nghiêm minh với tất cả mọi người, mọi cơ quan và không ai có thể ngồi xổm lên pháp luật được. Nhưng nếu làm đúng thế và quy vào tội tham nhũng thì trong bộ máy này, không ai mà không bị đi tù. Cho nên, chuyện "đốt lò" hay "đả hổ diệt ruồi" không giải quyết được vấn đề cơ bản của tham nhũng".

Trong nghiên cứu ra mắt năm 2017 của Vũ Anh Đào, làm ở Victoria University of Wellington, New Zealand bằng tiếng Anh có tựa đề "Tiền là tiên là phật : Investigating the Persistnece of Corruption in Vietnam", tác giả nhận định điều tự :

"Bằng chứng chỉ ra cách thức hoạt động của tham nhũng vặt, tham nhũng lớn hoặc tham nhũng chính trị trong hệ thống, đã phần nào giúp giải thích tình trạng tham nhũng dai dẳng ở Việt Nam, vì hầu như tất cả mọi người trong hệ thống đều tham gia đưa và nhận hối lộ, và họ có lý do để làm như vậy. Hơn nữa, quan chức chính phủ có xu hướng nghĩ rằng, ngừng làm như vậy có nghĩa là bị loại trừ khỏi hệ thống".

Nghiên cứu của Vũ Anh Đào dựa vào tài liệu, dữ liệu mà cô phỏng vấn người dân Việt Nam và giới chuyên gia trong nước ở lĩnh vực chống tham nhũng, bao gồm chính trị gia, quan chức chính phủ cấp cao, nhà báo, học giả, tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ.

Theo kết quả nghiên cứu trên, "thực tế, hầu hết những người được phỏng vấn cho rằng các nhà lãnh đạo Việt Nam nhận thức rõ điều gì tốt và không tốt cho đất nước, tuy nhiên, họ vẫn muốn duy trì thể chế hiện tại và hệ thống phức tạp vì lợi ích của họ".

"Họ nhấn mạnh rằng, bản chất của hệ thống chính trị cộng sản này là nhằm thu lợi nhuận tối đa bằng cách lợi dụng hệ thống khó hiểu. Theo họ, gốc rễ của vấn đề là ở chính chế độ. Nó là chế độ độc tài toàn trị và thể hiện qua sự can thiệp của các nhà lãnh đạo vào bất cứ điều gì duy trì đặc quyền của giới lãnh đạo".

Đồng quan điểm, ông Quang A cho rằng, so với ông Đinh La Thăng thì ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long "không ăn thua".

"Ông Thăng còn là Ủy viên Bộ Chính trị - cơ quan đầu não, gồm những cán bộ chủ chốt của Đảng, Nhà nước - thì có bớt sai phạm về tham nhũng không. Muốn bớt tham nhũng, tôi nói bớt, chứ không phải diệt vì tham nhũng ở đâu cũng có, thì cần quản trị nhà nước tốt, luật pháp nghiêm minh. Còn luật pháp tùy tiện, cơ quan tư pháp cũng là cánh tay của Đảng, Đảng muốn thế nào thì tòa án xử như thế thì sự tùy tiện này đẻ ra tham nhũng ở quy mô tràn lan".

Luật sư Phùng Thanh Sơn nhận xét : "Những gì mà Đảng đã và đang làm chỉ là cuộc "tiểu phẫu" ở tay, chân thôi chứ muốn làm một cuộc "đại phẫu" cắt đi tế bào ung thư tham nhũng thì Đảng không thể tự làm được. Giống bác sĩ không thể tự mổ não, nội tạng của mình mà phải nhờ đến bác sĩ khác. Muốn xử lý triệt để tham nhũng thì phải sử dụng một lực lượng khác ngoài ĐCS, đó là người dân".

Ông Dương Trung Quốc lý giải với BBC : "Trong việc khống chế dịch Covid, rõ ràng ta thấy nảy sinh rất nhiều sai phạm đánh trực tiếp vào đội ngũ lãnh đạo. Nhưng thật ra tham nhũng chỉ là biểu hiện, nó đặt ra hàng loạt vấn đề cần phải thay đổi, cụ thể là thay đổi trong Đảng cầm quyền và cho thấy hậu quả là vô trách nhiệm với tính mạng của người dân".

Trong khi đó, tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vào ngày 27/4 tại Trụ sở Trung ương Đảng. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo nói công tác phòng, chống tham nhũng vừa qua "đã đưa thêm yếu tố tiêu cực vào chứ không phải chỉ có phòng, chống tham nhũng", theo Báo Chính phủ.

Ông Trọng nói các tiêu cực chủ yếu là sự suy thoái về phẩm chất, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

"Các vụ án đã được xử lý nghiêm nhưng cũng rất nhân văn, tài sản thu hồi lớn, nhưng cái lớn nhất vẫn là củng cố, tăng thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị", Báo chính phủ trích lời Tổng bí thư.

Nguồn : BBC, 23/06/2022

***********************

Cựu chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung được giảm án 'do nộp thêm 15 tỷ đồng và nhận trách nhiệm'

BBC, 22/06/2022

Sau khi nộp toàn bộ 25 tỷ đồng để khắc phục hậu quả cùng với việc nhận trách nhiệm của người đứng đầu, cựu chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung được giảm 3 năm tù so với mức án ban đầu.

nhanvan5

Bị cáo Nguyễn Đức Chung tại phiên tòa. (Ảnh: Người Lao Động)

Chiều 22/6, Tòa án nhân dân cấp cao Hà Nội tuyên án cựu chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung 5 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", trong vụ án mua chế phẩm Redoxy-3C để xử lý ô nhiễm nguồn nước trên địa bàn thủ đô.

Trong một vụ án khác về chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước đã tuyên trước đó, ông Chung bị xử 5 năm tù.

Như vậy, tổng mức hình phạt dành cho bị cáo Nguyễn Đức Chung là 10 năm tù trong hai vụ án.

Nộp tiền 'để được giảm án'

Trong phiên tòa phúc thẩm, chiều 22/6, bị cáo Nguyễn Đức Chung được giảm án 3 năm tù, xuống còn 5 năm.

Trước đó, ông Nguyễn Đức Chung bị tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt 8 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Tòa sơ thẩm cũng buộc bị cáo Chung bồi thường 69% thiệt hại của vụ án, tương đương 25 tỷ đồng. Ông Chung kháng cáo và cho rằng bị kết tội oan.

Trong phiên xử phúc thẩm sáng 21/6, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Đức Chung và giữ nguyên mức án.

Tuy nhiên, đến chiều ngày 21/6, Hội đồng xét xử công bố bị cáo Nguyễn Đức Chung đã bồi thường toàn bộ 25 tỷ đồng trong vụ án.

Tổng số tiền này gồm 10 tỷ do chị gái ông Chung nộp thay ở phiên sơ thẩm, cộng với 15 tỷ do vợ bị cáo nộp thêm sau này, được luật sư bào chữa xuất trình biên lai trong phiên phúc thẩm.

Về số tiền 10 tỷ, trang VnExpress  đưa tin đây là số tiền chị gái "cho ông Chung chứ không đòi lại", dù không nói rõ nguồn gốc số tiền.

Còn số tiền 15 tỷ, bị cáo Chung giải thích vợ ông có được là do gia đình vay mượn bạn bè và người thân.

Trao đổi với BBC News tiếng Việt hôm 9/6, Luật sư Phùng Thanh Sơn - Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Công ty Thế giới Luật pháp cho biết một trong các tình tiết giảm nhẹ đáng lưu ý được quy định tại Khoản 1, Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 là 'người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả'.

Do đó, với việc nộp thêm 15 tỷ bồi thường, tại phiên phúc thẩm, ông Chung được đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao đề nghị tòa xem xét giảm án.

Đồng thời, Viện Kiểm sát cũng đề nghị hủy kê biên 2 căn hộ chung cư và một ngôi nhà, đất của gia đình cựu chủ tịch Hà Nội.

Cùng tội danh với ông Chung trong vụ án mua chế phẩm Redoxy-3C, ông Võ Tiến Hùng, cựu Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thoát nước Hà Nội đã bồi thường 4 tỷ đồng và ông Nguyễn Trường Giang, cựu Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại dịch vụ Arktic cũng bồi thường hơn 7 tỷ đồng.

Vì vậy, Tòa án nhân dân cấp cao Hà Nội cũng giảm án cho bị cáo Giang từ 4,5 năm tù xuống còn 3 năm, bị cáo Hùng từ 4 năm xuống còn 2,5 năm tù.

Trước đó, trong một vụ án khác, xét xử cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường liên quan vụ án buôn bán thuốc chữa bệnh giả xảy ra tại Công ty Việt Nam Pharma, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) và một số đơn vị liên quan, ông Cường cũng đã nộp 1,8 tỷ đồng để khắc phục một phần hậu quả thiệt hại do hành vi không đình chỉ lưu hành thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ gây ra.

Ngày 19/5, Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội tuyên án bị cáo Trương Quốc Cường 4 năm tù về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", thấp hơn mức án được đề nghị ban đầu là 7-8 năm.

'Bất ngờ nhận tội' cũng có thể được giảm án ?

Cũng theo luật sư Phùng Thanh Sơn, một trong những tình tiết giảm nhẹ đáng lưu ý khác là người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải.

Trong giai đoạn xét xử sơ thẩm và hai ngày phúc thẩm, ông Nguyễn Đức Chung được truyền thông trong nước đưa tin là luôn kêu oan, cho rằng việc mua chế phẩm Redoxy-3C là đúng quy định, không gây thiệt hại cho ngân sách, đồng thời cũng không biết Công ty Arktic là công ty của gia đình.

Tuy nhiên, đến cuối phần tranh luận ở phiên phúc thẩm, ông Chung lại thừa nhận trách nhiệm với vai trò người đứng đầu UBND Thành phố Hà Nội, nhận thức rõ trách nhiệm cá nhân cũng như tập thể trong việc mua chế phẩm Redoxy-3C.

Với việc nhận thức được trách nhiệm của người đứng đầu trong việc mua chế phẩm, cùng với việc nộp thêm 15 tỷ đồng để khắc phục hậu quả, ông Chung được đại diện Viện Kiểm sát đề nghị giảm một phần hình phạt, truyền thông trong nước đưa tin.

Tương tự, trong vụ án xét xử cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, truyền thông Việt Nam đưa tin :

"Theo đại diện Viện Kiểm sát, ban đầu ông Cường chỉ thừa nhận trách nhiệm người đứng đầu với ba trong bốn nội dung cáo trạng truy tố. Tuy nhiên, quá trình xét xử, ông Cường thay đổi nhận thức bằng việc 'xin nhận nốt trách nhiệm' với cáo buộc còn lại là 'không đình chỉ lưu hành thuốc giả dù đã nhận được cảnh báo'. Điều này thể hiện bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải…".

Với việc xét tình tiết giảm nhẹ là thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, bị cáo Trương Quốc Cường cũng đã được Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội quyết định giảm án từ mức 7-8 năm tù xuống còn 4 năm.

Nguồn : BBC, 22/06/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: BBC tiếng Việt
Read 367 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)