Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

31/05/2017

Moody's hạ điểm trái phiếu Trung Quốc

Nguyễn Xuân Nghĩa

Mười ngày sau khi lãnh đạo Bắc Kinh long trọng giới thiệu dự án Con Đường Tơ Lụa Mới, thì công ty tính điểm tín dụng Moody’s Investors Service đã hạ điểm trái phiếu của Trung Quốc vì mối ưu tư về gánh nợ quá cao của kinh tế Trung Quốc.

traiphieu1

Một nhà đầu tư sử dụng điện thoại di động để kiểm tra các chỉ số chứng khoán tại một công ty chứng khoán ở Bắc Kinh vào ngày 3 tháng 1 năm 2017.  AFP photo

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. 10 ngày sau khi lãnh đạo Bắc Kinh tổ chức hội nghị quốc tế về Sáng Kiến Nhất Đới Nhất Lộ thì lần đầu tiên từ gần 30 năm qua, công ty Moody’s Investors Business lại hạ điểm trái phiếu của Trung Quốc vào ngày Thứ Tư 24. Lý do nêu ra là vì tình trạng nợ nần quá cao của kinh tế Trung Quốc. Thưa ông, chúng ta nên hiểu diễn biến này như thế nào ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Trước tiên, tôi xin được nói về bối cảnh của việc lượng cấp tín dụng. Khi cần vay tiền qua phát hành trái phiếu, là giấy nợ, thì một doanh nghiệp, địa phương hay quốc gia mời một cơ quan lượng giá độc lập vào tìm hiểu chi tiết về kinh tế, kế toán, tài chánh, tổ chức..., để thẩm định khả năng trả nợ - hay rủi ro trễ hạn, vỡ nợ. Cơ quan này xếp hạng trái phiếu qua hai chục cấp cao thấp. Sự thẩm định ấy cho phép một bên là khách nợ cùng ngân hàng trung gian giúp họ phát hành trái phiếu, bên kia chủ nợ, tức là người mua trái phiếu dễ ngã giá về tiền lãi qua đấu thầu. Nếu an toàn thì tính lãi nhẹ, nếu rủi ro thì đòi phân lời (yield) đắt hơn để ngừa bất trắc. Thế giới có ba công ty lượng cấp lớn nhất và chiếm 95% thị trường xếp hạng là Standard & Poor’s, Moody’s và Fitch Ratings. Tuần qua, Moody’s hạ hai loại trái phiếu dài hạn của Trung Quốc, bằng nội tệ và ngoại tệ, xuống một cấp, từ cao tới thấp là cấp thứ sáu. Trái phiếu trên thị trường Hong Kong cũng bị giảm một hạng vì mối quan hệ với kinh tế Trung Quốc. Thật ra, lý do hạ điểm này chẳng gây ngạc nhiên vì đã hiển nhiên từ mấy năm nay, đó là gánh nợ quá lớn và tăng quá nhanh của Trung Quốc. Tuy nhiên, vì kinh tế cũng là chính trị mà phúc trình của Moody’s lại bỏ qua động lực chính trị của gánh nợ, là điều chúng ta sẽ cùng tìm hiểu.

Nguyên Lam : Nếu vậy thì xin ông trình bày cho yếu tố chính trị đó.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi xin được nhắc lại là đầu Tháng Năm, Moody’s có báo cáo về nạn "ngân hàng chui" hay shadow banking của Trung Quốc là khi chính quyền muốn kiểm soát tín dụng ngân hàng thì nhiều nơi lại tìm cách vay tiền ngoài ngoài biên chế, là không ghi vào bảng kết toán sổ sách ngân hàng. Lượng tiền đó gây thêm rủi ro mà chưa ai biết được là lên tới bao nhiêu tỷ bạc trong khi tổng số tín dụng đã lên tới 283% của Tổng sản lượng. Trong các nước đang phát triển, Trung Quốc thuộc loại mắc nợ nhiều và nhanh nhất.

Trên đại thể chính trị thì lãnh đạo Bắc Kinh muốn cùng lúc ba điều bất khả, là 1/ duy trì được đà tăng trưởng tạm khả quan để tránh thất nghiệp và động loạn ; 2/ ổn định kinh tế và xã hội ; 3/ mà vẫn cải cách cơ chế như đảng đã đề ra sau Đại hội 18 vào năm 2012. Từ bối cảnh đó ta thấy mục tiêu dài hạn lồng vào yêu cầu ngắn hạn là tăng trưởng sản xuất là điều rất khó. Mục tiêu dài hạn là tái phân lợi tức để lấy tiêu thụ nội địa làm lực đẩy thay cho đầu tư và xuất khẩu. Chiến lược ấy được nêu ra từ gần năm năm qua mà chưa thành, trong khi kinh tế lại lệ thuộc quá nhiều vào khu vực gia cư địa ốc.

Nguyên Lam : Xin ông đi từng bước trong chuỗi vấn đề quả thật là phức tạp này. Thưa ông vì sao kinh tế Trung Quốc lại lệ thuộc quá nhiều vào khu vực gia cư địa ốc ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Lý do kinh tế là xứ này không có nơi đầu tư hấp dẫn trong khi nhà nước lại kiểm soát tài chính để tránh nạn thất thoát tư bản. Vì vậy tư bản dư dôi mới dồn vào thị trường bất động sản và thổi lên trái bóng đầu cơ là làm giá nhà đất gia tăng. Lý do chính trị là nhà nước cũng muốn khuyến khích khu vực nhà đất vì giúp cho ngành xây cất và tránh thất nghiệp. Một lý do chính trị còn kỳ đặc hơn là đảng viên cán bộ lại có quyền quản lý và mua bán đất đai để kiếm tiền bỏ túi. Hậu quả là đảng Cộng sản phải bơm tiền yểm trợ các doanh nghiệp kém hiệu năng và mắc nợ quá nhiều. Nếu các doanh nghiệp xây cất nhà cửa vỡ nợ hay sụp đổ thì khủng hoảng có thể bùng nổ. Đâm ra yêu cầu dài hạn là cải cách cơ chế và tiết giảm tín dụng vô giá trị kinh tế lại đi ngược mục tiêu chính trị là ổn định và việc chuyển hướng cứ bị đình hoãn mãi.

Bài toán nan giải

Nguyên Lam : Thính giả của chúng ta có thể ngạc nhiên vì cứ nghe nói kinh tế Trung Quốc đứng hạng nhì thế giới về sản lượng chỉ sau nước Mỹ - và thực tế đang là hạng nhất Đông Á với sáng kiến về Con Đường Tơ Lụa mới. Vậy mà bên trong lãnh đạo của họ lại có nhiều bài toán nan giải tới bất ngờ. Thưa ông, vì sao lại như vậy ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Việc Moody’s vừa hạ điểm trái phiếu của Trung Quốc thật ra là cơ hội cho thế giới nhìn lại, vì nền kinh tế tưởng như lớn lao này mà gặp khủng hoảng thì các nước khác cũng bị ảnh hưởng. Bây giờ tìm hiểu tại sao thì ta thấy ra tính chất duy ý chí của lãnh đạo Bắc Kinh, họ tưởng là có thể phối hợp được mọi chuyện nhưng trung ương chẳng thể điều động được các địa phương mà cũng chẳng sai khiến được thị trường. Các doanh nghiệp nhà nước và công ty đầu tư loại hương trấn do chính quyền địa phương thành lập vẫn vay tiền của ngân hàng quốc doanh và các ngân hàng tài trợ theo diện chính sách. Chính sách đó là bơm tiền cho doanh nghiệp tạo ra việc làm bất kể lời lỗ lại còn gây ra các tệ nạn cấu kết, tham nhũng và hủy hoại môi sinh. Từ cả chục năm nay, Bắc Kinh muốn sửa mà chưa nổi. Ngày nay, nếu để trái bóng đầu cơ bất động sản xì hay bể, tức là giá nhà đất sụt, thì nhiều công ty vỡ nợ và ngân hàng phá sản. Việc chuyển hướng cho nền kinh tế ít lệ thuộc vào thị trường bất động sản và lấy tiêu thụ nội địa làm đòn bẩy thì cũng chẳng xong vì sức tiêu thụ quá thấp khiến doanh nghiệp tân lập sẽ thiếu khách hàng. Đấy là một vòng luẩn quẩn nên họ vẫn cần xuất khẩu.

CHINA-STOCKS

Một nhà đầu tư sử dụng điện thoại di động để kiểm tra các chỉ số chứng khoán tại một công ty chứng khoán ở Bắc Kinh vào ngày 3 tháng 1 năm 2017. AFP photo

Nguyên Lam : Nói đến xuất khẩu là nói đến thị trường bên ngoài thì Bắc Kinh đã vận động hay mua chuộc nhiều quốc gia qua đầu tư, tài trợ tín dụng hoặc xây dựng hạ tầng mà nổi bật nhất là Con Đường Tơ Lụa hay Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á. Như vậy, thưa ông, nội tình kinh tế xã hội rối ren bên trong có là trở ngại quốc tế cho giới lãnh đạo Bắc Kinh không ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chúng ta nên để ý tới các biến cố chẳng ngẫu nhiên tại Đông Á. Thứ nhất, Trung Quốc đang có tranh chấp chủ quyền với xứ Philippines và Tháng 10 năm ngoái, Chủ tịch Tập Cận Bình hứa đầu tư vào xứ này một ngân khoản lên tới 24 tỷ đô la trong mục tiêu kéo Philippines ra khỏi ảnh hưởng của Hoa Kỳ. Tuần qua, Tổng thống Rodrigo Duterte của Philippines lại thăm Liên bang Nga và dù chưa thấy lợi lộc vì Nga chẳng có gì để làm quà thì ông Duterte vẫn có thể chứng tỏ tính chất độc lập của mình giữa ba cường quốc là Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nga. Thứ hai, chẳng rõ là ai lại tiết lộ nội dung cuộc điện đàm vào ngày 29 Tháng Tư giữa Tổng thống Donald Trump của Mỹ với ông Duterte. Qua tiết lộ ấy, ta thấy Tổng thống Phi ủng hộ quan điểm của Tổng thống Mỹ về vụ Bắc Hàn và lại còn tự đề nghị làm trung gian với Chủ tịch Trung Quốc về những yêu cầu của ông Trump !

Chuyện thứ ba, cũng ngày Thứ Tư 24 vừa qua là việc Hoa Kỳ đưa chiến hạm vào phạm vi 12 hải lý của vùng Đá Vành Khăn trong quần đảo Trường Sa, cách đảo Palawan của Philippines có 250 cây số. Đây là khu vực Bắc Kinh cưỡng đoạt của Phi từ năm 1994 và gặp phán quyết bất lợi của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực vào Tháng Bảy năm ngoái. Ba biến cố ấy cho thấy việc Bắc Kinh tính mua chuộc Philippines chưa có kết quả. Đã vậy, Tổng thống Duterte còn ban bố tình trạng khẩn cấp trên đảo Mindanao vì nạn khủng bố phất cờ của lực lượng xưng danh Nhà Nước Hồi Giáo ISIS nên càng tiến gần tới mục tiêu diệt trừ ISIS của Hoa Kỳ. Nạn khủng bố ISIS tại Đông Nam Á còn nhắc đến sự bất trắc của khu vực sẽ thực hiện Sáng Kiến Đới Lộ của Bắc Kinh. Đâm ra việc Moody’s hạ điểm trái phiếu Trung Quốc xảy ra vào thời điểm bất lợi cho uy tín của lãnh đạo Bắc Kinh.

Nguyên Lam : Đấy cũng là lúc các nước Đông Nam Á theo dõi chuyến thăm viếng Hoa Kỳ của Thủ tướng Việt Nam vào ngày Thứ Tư 31 này. Thưa ông, đây là một cấp lãnh đạo đầu tiên của Hiệp hội ASEAN gặp Tổng thống Hoa Kỳ, ông dự đoán gì ở cuộc thăm viếng này ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chúng ta khó biết được, nhưng cùng Philippines, Việt Nam cũng đang có tranh chấp về chủ quyền biển đảo với Trung Quốc và được lãnh đạo Bắc Kinh o bế mua chuộc nhăm ly gián tập thể ASEAN. Với dáng khật khùng và phát ngôn gây khó chịu, ông Duterte vừa khéo cho thấy khả năng vận dụng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc để bảo vệ độc lập. Trong khi đó, Chính quyền Trump có chủ trương dứt khoát hơn về quyền lưu thông tự do trên vùng biển Đông Nam Á, qua lời phát biểu của hai Tổng trưởng Ngoại giao và Quốc phòng là ông Rex Tillerson và James Mattis. Không chỉ phát biểu, tuần qua Hoa Kỳ còn có hành động cụ thể là lần đầu tiên kể từ Tháng 10 năm ngoái đưa chiến hạm vào vùng biển bị Trung Quốc chiếm đọat và quân sự hóa các bãi cạn. Đấy là quyết định của Mỹ nhằm bác bỏ quan điểm của Bắc Kinh và trấn an các nước Đông Nam Á. Hôm Thứ Năm 25, Bắc Kinh tố giác quyết định của Hoa Kỳ và còn dọa ngưng đàm phán với nhóm ASEAN về quy tắc hành xử trên vùng biển đang có tranh chấp. Vì những diễn biến ấy, tôi thiển nghĩ hoàn cảnh này lại thuận lợi cho Việt Nam hơn trước nếu Hà Nội thật sự muốn bảo vệ chủ quyền và nền độc lập. Nhìn xa hơn vậy thì Hà Nội còn có thể nêu ra quan điểm tiêu biểu cho cả khối ASEAN để tạo ra tư thế cho mình, nhưng có lẽ đấy là điều hơi lạc quan !

Trở về chuyện nợ nần thì Việt Nam nên chú ý tới bài học của xứ láng giềng Trung Quốc. Về chính sách kinh tế quốc gia thì đi vay là tiêu trước và sau này phải trả cho nên tiêu vào việc gì thì có lợi hơn cả để còn trả nợ ? Về chính sách quản lý công trái thì cần luật lệ và sổ sách phân minh của các loại nợ ai, vay để làm gì, với hiệu suất ra sao, ai bảo lãnh và ai sẽ phải trả ? Về tổ chức thì Việt Nam vẫn chưa có một cơ quan thống nhất để quản lý các loại công trái nên sẽ còn bị bất ngờ. Dù chưa nguy ngập như Trung Quốc, Việt Nam cũng đã vay quá nhiều và quá nhanh, cho nên nghĩa vụ hoàn trả công trái đang thu hẹp khả năng xoay trở của nhà nước.

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về cuộc phỏng vấn kỳ này.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 31/05/2017

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Xuân Nghĩa
Read 992 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)