Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

26/06/2022

Đảng muốn giữ tay trên trên mọi lãnh vực

Thới Bình; Liên Trì, Nguyễn Huyền, RFA

Đảng đồng ý "tích tụ đất đai" nhưng không được quyền tư hữu

Thới Bình, VNTB, 26/06/2022

"Quyền sử dụng đất là một loại tài sản và hàng hoá đặc biệt nhưng không phải là quyền sở hữu ; quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất được pháp luật bảo hộ. Người sử dụng đất có quyền và nghĩa vụ sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được Nhà nước giao cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai ; không điều chỉnh lại đất nông nghiệp đã giao cho hộ gia đình, cá nhân ; kịp thời có chính sách phù hợp để đất nông nghiệp được khai thác, sử dụng với hiệu quả cao nhất" – trích Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao" (1).

dang1

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khuyến khích các tổ chức kinh tế tập thể tích tụ đất đai cho sản xuất kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp để hình thành chuỗi sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp quy mô lớn.

Như vậy nên hiểu ra sao về cái gọi là "khuyến khích tổ chức kinh tế tập thể tích tụ đất đai hình thành chuỗi sản xuất lớn" ?

Theo tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), tích tụ đất nông nghiệp là quá trình phân bổ lại các mảnh đất nhằm loại bỏ hạn chế tình trạng manh mún đất đai (2).

Với cách hiểu của FAO, thì đặt trong hoàn cảnh thực tế Việt Nam, tích tụ ruộng đất là sự mở rộng quy mô diện tích đất đai do hợp nhất nhiều thửa lại, đây được xem là cơ sở đầu tiên để phát triển kinh tế hộ gia đình trong thời kỳ quá độ chuyển từ sản xuất nhỏ, tự cung, tự cấp lên sản xuất hàng hóa quy mô lớn thông qua các giao dịch chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất.

Thật ra thì những điều mà ông Tổng bí thư nêu ra khi ký nghị quyết kể trên về chuyện tích tụ ruộng đất đã được thể hiện lần đầu tại Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Khi đó chức Tổng bí thư là ông Nông Đức Mạnh.

Tiếp đến, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31/10/2012 của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XI do tân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, tiếp tục khẳng định sẽ mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp để thích hợp với từng vùng và điều kiện sản xuất. Điều này sau đó đã được cụ thể hóa trong Luật Đất đai năm 2013.

Ngoài ra còn có Quyết định số 1832/QĐ-TTg ngày 18/11/2020 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành khung hành động đổi mới cơ chế, chính sách đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long, đã xác định tích tụ đất nông nghiệp là một chính sách quan trọng, là tiền đề tạo nên sự bức phá trong phát triển nông nghiệp của vùng.

Quan điểm, chủ trương kể trên được đánh giá là thể hiện định hướng đổi mới mở rộng hạn điền cho sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam. Theo đó sự phát triển của kinh tế, những chuyển biến của xã hội Việt Nam hiện nay cho thấy, việc mở rộng tích tụ đất nông nghiệp là xu hướng tất yếu cho sự hình thành và phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp hiện đại.

Thế nhưng trên thực tế thì suốt ngần ấy năm đi qua, những yêu cầu của nghị quyết Đảng vẫn chưa thể thực thi vì hành lang pháp lý là Luật Đất đai không có điều khoản nào điều chỉnh nguyên tắc tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp.

Do vậy đã tạo độ chênh của cung cách quản trị quốc gia bằng nghị quyết Đảng nhưng lại chưa được tương thích với hệ thống pháp luật nhà nước tương ứng ; đặc biệt ở đây là quyền tư hữu đất đai cần làm rõ hơn nữa vì vẫn còn đe dọa của "quốc hữu hóa" với nhân danh phê duyệt quy hoạch như nội dung ghi ở nghị quyết Đảng, "Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được Nhà nước giao cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai".

Rõ ràng là ở đây người đứng đầu Đảng vì vẫn trung thành một điều mơ hồ của "định hướng xã hội chủ nghĩa", nên ở nghị quyết vừa ban hành, xem ra loay hoay chưa giải quyết được gút mắc lâu nay về chính sách đất đai – chẳng hạn vấn đề giá đất, Nhà nước định giá đất nông nghiệp định kỳ hằng năm hay để người dân mua bán theo cung cầu thị trường ?

Thủ tục mua bán đất, nếu đã coi quyền sử dụng đất là quyền tài sản của nông dân, là hàng hóa trên thị trường thì chỉ cần người mua, người bán, người cho thuê, người thuê trao đổi giao dịch với nhau là đủ. Nhưng theo nghị quyết mới nhất của Đảng, thì trong chuyện về tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp, Nhà nước vẫn đứng ra thu hồi của người bán, giao lại cho người mua, thủ tục rất phức tạp, như vậy không hoàn toàn là thị trường.

Nếu đất đai đã là hàng hóa thì cơ quan trung gian giải quyết các mâu thuẫn trong mua bán chuyển nhượng sẽ không thể là chính quyền địa phương.

Muốn có thị trường đất đai cần thành lập ngân hàng đất đai, nông dân có đất đến đó cho thuê đất ; doanh nghiệp, nhà đầu tư cần thuê đất cũng đến ngân hàng đất đai để thuê, đúng đối tượng được thuê nhiều đất, không đúng đối tượng cho thuê ít. Mọi tranh chấp liên quan cần đưa ra tòa án để phân xử.

Mặt khác, khi đã coi quyền sử dụng đất là quyền tài sản của nông dân được lưu thông trên thị trường thì không nên giới hạn về không gian, thời gian, cách thức mua bán theo thị trường.

Có thể có sự can thiệp của Nhà nước ở mức tối giản, theo hướng thủ tục thực hiện phải minh bạch, chi phí thực hiện thủ tục phải bằng 0 hoặc gần như bằng 0, thủ tục thực hiện nhanh chóng, thuận mua vừa bán, giá cả theo cung cầu thị trường. 

Thới Bình

Nguồn : VNTB, 26/06/2022

(1) Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

(2) The design of land consolidation pilot projects in Central and Eastern Europe

********************

Hòa thượng Thích Không Tánh lên tiếng về vụ án tịnh thất Bồng Lai

Liên Trì, VNTB, 26/06/2022

Dự kiến ở ngày cuối cùng của tháng 6, vụ án liên quan đến những người tu hành ở tịnh thất Bồng Lai sẽ xét xử phiên hình sự sơ thẩm theo cáo buộc ở điều 331 Bộ luật hình sự.

dang2

Hòa thượng Thích Không Tánh, Phó Viện trưởng Hội đồng điều hành tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất

Đây là vụ án có hai nguyên đơn là tôn giáo : Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An, và Thượng tọa Thích Nhật Từ, trụ trì chùa Giác Ngộ, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh.

Hòa thượng Thích Không Tánh, Phó Viện trưởng Hội đồng điều hành tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, đã lên tiếng về vụ án này với nhận xét chung nhất đó là "Việt Nam chưa có nhân quyền và tự do tôn giáo, nên thường xảy ra những vi phạm, tranh chấp về nhân sự và cơ sở tôn giáo".

Hòa thượng Thích Không Tánh, nói :

"Tại Việt Nam, nhân quyền không được phổ biến rộng rãi để người dân hiểu rõ và tôn trọng, nên thường xảy ra những sự việc đột nhập gia cư bất hợp pháp và gây thương tích rất đáng tiếc như từng xảy ra tại tịnh thất Bồng Lai, Long An.

Quyền tự do tôn giáo cũng không được tôn trọng tại Việt Nam. Về Phật giáo, chỉ có Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập năm 1981, thành viên của Mặt Trận Tổ Quốc, là được nhà cầm quyền công nhận, còn các giáo hội, Tổ chức Phật giáo khác đều không được công nhận !

Nhà cầm quyền Việt Nam không tôn trọng nhân quyền và tự do tôn giáo, là những quyền được ghi trong Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền và Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính Trị mà Việt Nam đã ký kết tham gia,

Quyền Tự do Tôn giáo được quy định ở điều 18 trong Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền như sau : "Ai cũng có quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm và tự do tôn giáo ; quyền này bao gồm cả quyền tự do thay đổi tôn giáo hay tín ngưỡng và quyền tự do biểu thị tôn giáo hay tín ngưỡng qua sự giảng dạy, hành đạo, thờ phụng và nghi lễ, hoặc riêng mình hoặc với người khác, tại nơi công cộng hay tại nhà riêng".

Còn các quyền căn bản khác được luật pháp minh định như : quyền bất khả xâm phạm về nhà ở và nơi cư trú, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, sức khỏe và tính mạng, quyền bất khả xâm phạm về tài sản… cũng không được tôn trọng tại Việt Nam.

Phật giáo Việt Nam có rất nhiều giáo phái tu tập dưới nhiều hình thức như tăng đoàn xuất gia, cư sĩ tại gia… Vì vậy nên cơ sở tự viện cũng có nhiều loại như chùa, viện, tịnh thất, tịnh xá, am, cốc… Riêng chùa cũng có nhiều loại. Ngoài những ngôi chùa do chư tăng sáng lập, còn có các chùa do các cá nhân và hội Phật tử sáng lập, như chùa Khuôn hội, chùa Chi hội, chùa của Hội Phật học Nam Việt như chùa Xá Lợi ở Sài Gòn… Ngoài ra còn có các cơ sở khác như tịnh thất, Niệm Phật đường… phần lớn đều do cư sĩ tại gia sáng lập để tu học.

Tùy theo tâm lượng chúng sanh, Đức Phật thuyết giáo có nhiều cách, nhiều bậc, nhiều pháp môn, để mỗi người tùy hoàn cảnh, trình độ, căn cơ mà theo đó tu hành. Tất cả chúng sanh bất luận xuất gia hay tại gia, nếu biết tu hành đều được giải thoát.

Tịnh thất Bồng Lai được những vị đang ở trong đó xác định là cơ sở tu tại gia, không phải chùa viện của chư tăng xuất gia, nên các vị đó được sinh hoạt như người thế gian, được quyền lập gia đình, hoạt động nghề nghiệp như thế gian để sinh kế.

Vì tu tại gia, nên có thể cạo tóc hay để tóc, phục sức như thế nào tùy ý, và muốn phát tâm giúp đỡ, nuôi dạy trẻ em cơ nhỡ hay người già cô đơn, như một cơ sở hay trung tâm từ thiện đều được.

Tịnh thất Bồng Lai có những người vừa tu hành vừa làm việc từ thiện, nhân đạo, giúp nuôi các trẻ em mồ côi, cơ nhở có một cuộc sống vui tươi, tốt đẹp, được mọi người xa gần thương mến, đó là việc làm nên khuyến khích, trong lúc những cơ sở từ thiện khác đang quá tải, hoặc còn nhiều khiếm khuyết.

Về hình thức cạo đầu, mặc áo của các vị cư sĩ tu tại gia trong tịnh thất Bồng Lai, giống với chư tăng, không có gì vi phạm, không ai có quyền bắt ép những vị trong tịnh thất Bồng Lai này phải theo giáo hội này hay tổ chức khác, dưới hình thức này hay hình thức khác.

Nhân quyền và tự do tôn giáo cần phải được tôn trọng để mọi người được sống theo ý nguyện chân chính của mình…".

Phiên tòa dự kiến diễn ra từ 8 giờ ngày 30/6/2022 tại tòa án nhân dân huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

6 bị cáo được đưa ra xét xử gồm các ông, bà : Lê Tùng Vân (90 tuổi), Lê Thanh Hoàn Nguyên (32 tuổi), Lê Thanh Nhất Nguyên (31 tuổi), Lê Thanh Tùng Dương (27 tuổi), Lê Thanh Nhị Nguyên (24 tuổi), Cao Thị Cúc (62 tuổi) cùng tội danh "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân".

Thượng tọa Thích Nhật Từ là nguyên đơn, theo quy định của tố tụng thì ông sẽ nhận giấy triệu tập ra tòa để trả lời những câu hỏi từ phía luật sư bào chữa cho các bị cáo.

Liên Trì (lược ghi)

Nguồn : VNTB, 26/06/2022

*********************

Gốc rễ đã mục hay cành cây sâu mọt ?

Nguyễn Huyền, VNTB, 24/06/2022

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết lúc đầu cả ông Nguyễn Thanh Long và Chu Ngọc Anh chưa nhận thức hết sai phạm của mình nhưng cuối cùng đều nhận thức, hứa hẹn sẽ sửa chữa thế này, thế khác.

dang4

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu trước cử tri các quận Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng ngày 23/06/2022 về kết quả kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV.

Đoạn trên là trích tường thuật về hôm sáng 23/6, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu quốc hội thuộc đơn vị bầu cử số 1, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội đã có cuộc tiếp xúc cử tri các quận Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng để báo cáo kết quả kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV.

Báo chí thuật vầy : khi nhắc lại việc xử lý kỷ luật 2 ủy viên trung ương là ông Chu Ngọc Anh – cựu chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội và cựu bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long liên quan vụ án Việt Á, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được tiến hành kiên trì, nhân văn, có lý có tình, làm bài bản, hết sức thuyết phục.

Theo Tổng bí thư, hai cán bộ này đều là ủy viên Trung ương Đảng nhưng vừa qua đều đã bị khai trừ ra khỏi Đảng và cách chức, trong đó ông Nguyễn Thanh Long bị cách chức bộ trưởng Bộ Y tế, bãi nhiệm đại biểu Quốc hội.

Ngay sau khi hai ông này bị xử lý về Đảng, hành chính đã bị cơ quan công an khởi tố, bắt tạm giam để tiếp tục điều tra.

"Mặc dù tình hình chống dịch đang ở giai đoạn phức tạp nhưng chúng ta vẫn kiên quyết xử lý. Cả hai anh lúc đầu chưa nhận thức hết đâu nhưng cuối cùng đều nhận thức, hứa hẹn sẽ sửa chữa thế này, thế khác", Tổng bí thư nêu.

Ông cũng nhắc lại sau khi có kết luận của Ủy ban Kiểm tra, kỷ luật Đảng làm trước, kỷ luật hành chính tiếp theo, rồi mới đến kỷ luật hình sự, gần như thành lý luận về phòng, chống tham nhũng, thành bài học để giai đoạn sắp tới tiếp tục làm thế nào cho tốt, nhất là khi thành lập ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh.

"Trước đây làm không cẩn thận còn rối, nhưng giờ chứng cứ không còn chối đi đâu được, các nhân chứng đã khai báo hết rồi, không thể chối được. Chính bản thân họ cũng nhận ra, xin lỗi Đảng, xin lỗi Tổng bí thư và hứa hẹn thế này, thế khác", Tổng bí thư nhấn mạnh và nêu rõ không thích thú gì việc kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, thậm chí rất đau xót, nhưng buộc phải làm, phải "cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cây".

cui3

Guồng máy Đảng cộng sản Việt Nam hiện nay chỉ đào tạo ra một bầy sâu mọt, khi có tranh chấp quyền lợi bầy sâu này phải tiêu diệt bầy sâu kia để bảo vệ miếng ăn 

Tổng bí thư nói thêm cuối tháng này, trung ương sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng để nhìn lại giai đoạn từ khi thành lập Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Hội nghị nhằm tổng kết kết quả, hạn chế, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm để áp dụng cho giai đoạn mới. Đây là cơ sở để tổ chức hoạt động đồng bộ, thống nhất, hiệu quả từ Ban Chỉ đạo trung ương xuống ban chỉ đạo cấp tỉnh.

Nêu lại ý kiến băn khoăn về việc cách chức nhiều cán bộ lấy đâu người làm, Tổng bí thư khẳng định "con chị nó đi, con dì nó lớn". Vắng ông trưởng, ông phó tạm quyền thay, sau đó phải chọn người cho đúng, chính xác, chứ không vội vàng đưa, bầu người nào đó lên. Nếu không chín chắn, chính xác, nhỡ tiêu cực thì sao.

Ông nói thêm : "Đến nay Hà Nội vẫn chưa có chủ tịch chính thức phải không ? Phải chọn người cho đúng, quan trọng vẫn là công tác cán bộ".

Nếu như những tường thuật với lời dẫn trực tiếp lẫn gián tiếp của báo chí nhà nước là đúng với diễn biến ở cuộc gặp gỡ đó thì xin thưa ở đây cho thấy rất rõ một điều được chính ông Nguyễn Phú Trọng nhắc đến, đó là "xin lỗi Tổng bí thư".

Theo mẫu câu xin lỗi đó, có nghĩa việc đưa ra ý kiến quyết định cuối cùng của bổ nhiệm ai vào chức vụ lãnh đạo gì trong chính phủ, đều đến từ ông Tổng bí thư. Như vậy với việc "cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cây", là một ví von đưa đến phản đề của môn sinh học cấp phổ thông, rằng tại sao không nghĩ đến bộ rễ đã mục ruỗng khiến sâu bệnh ăn lan đến nhiều nơi trên cây ?

Tôi nghĩ là đã hô hào nhà nước pháp quyền, thì có hay không có xã hội chủ nghĩa, tất cả đều phải cứ theo luật pháp mà xử trí, kể cả xử trí người đứng đầu đảng về trách nhiệm công tác cán bộ ; chứ không thể cứ kiểu nhẩn nha "tỉa cành chăm kiểng" như cách hiểu ở trên của ông Tổng bí thư.

Nguyễn Huyền

Nguồn : VNTB, 24/06/2022

************************

Ông Nguyễn Phú Trọng khoe được quan chức tham nhũng xin lỗi ngay sau khi bị bắt

RFA, 24/06/2022

Các quan chức khi ra tòa án xin lỗi người đứng đầu Đảng không phải là chuyện hiếm, từ cán bộ dầu khí trốn chạy Trịnh Xuân Thanh đến Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, và mới đây hai quan chức cấp cao mới bị bắt đã phải làm ngay hành động này. 

dang5

Ông Nguyễn Phú Trọng khoe được quan chức tham nhũng xin lỗi ngay sau khi bị bắt

Báo chí nhà nước hôm 24 tháng 6 đưa tin, Đại biểu quốc hội Nguyễn Phú Trọng kiêm chức Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, có cuộc tiếp xúc cử tri thuộc Đơn bị bầu cử số 1 tại Hà Nội một ngày trước đó. 

Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh Việt Nam vừa tiến hành khai trừ đảng và bắt giam đối với cựu Chủ tịch thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh, và cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long vì các cáo buộc tham nhũng trong đại án Việt Á. 

Đề cập đến các sự việc trên trong cuộc tiếp xúc với cử tri, ông Trọng cho biết là việc xử lý những đồng chí tham nhũng diễn ra một cách "bài bản, nghiêm túc, nhân văn, và nhân đạo" bất chấp tình hình dịch bệnh. 

Ngoài ra, ông này còn khoe rằng đã được hai ông Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long "xin lỗi", và cho rằng việc phải kỷ luật hai quan chức trên là "không thích thú gì" nhưng phải làm để răn đe. 

Với tư cách là người nắm vị trí cao nhất trong Đảng Cộng sản, lại hết lần này tới lần khác hô hào quyết tâm chống tham nhũng, do đó theo lẽ thường thì ông Trọng phải chịu trách nhiệm trước các hành vi tham nhũng mà đảng viên của đảng mình gây ra. 

Nhưng thay vì xin lỗi nhân dân, thì ông này lại khoe khoang là được các đồng chí của mình cầu xin tha thứ. Thái độ trên đã vấp phải sự chỉ trích và chế giễu trên mạng xã hội.

Trả lời phỏng vấn của Đài Á châu Tự do, nhạc sĩ Tuấn Khanh từ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết phản ứng của ông trước thái độ của người đứng đầu đảng cầm quyền:

"Bản thân ông Trọng không xứng đáng trong việc lãnh đạo đất nước ở chỗ là trải qua đại dịch, ông Trọng chưa một lần thừa nhận rằng cuộc lãnh đạo để chống dịch này gây tổn hại và đau thương thế nào đối với Việt Nam. 

Và ông chỉ làm một điều đơn giản thôi, là ông tỏ ra đau xót, xót xa khi những đảng viên của ông ta, là những thành phần thân cận và cai trị, bị loại khỏi hệ thống và bị trừng trị. 

Điều này cho thấy ông Trọng là một nhân vật cục bộ và không có đủ tầm vóc để lãnh đạo đưa đất nước Việt Nam đi tới đâu hết".

Trong khi đó thì ông Nguyễn Sơn, một người dân Hà Nội, thì cho rằng việc đảng cầm quyền không xin lỗi nhân dân khi để xảy ra sai phạm không phải là chuyện mới, nhưng điều đó không có nghĩa là ông chấp nhận thái độ trên của ông Trọng :

"Việc đảng cầm quyền từ trước tới nay không coi người dân ra gì thì nó không có gì mới cả. Họ sợ là khi xin lỗi hay nhận lỗi về mình thì đồng nghĩa là mình sai, mình kém, thì đồng nghĩa là nó sẽ khiến quyền lực của họ suy giảm. Trên các phương tiện truyền thông thì họ không bao giờ có một lời xin lỗi đối với người dân. 

Dĩ nhiên là tôi không thể coi chuyện này là chấp nhận được. Một cái chính phủ như vậy thì không thể gọi là một chính phủ của dân, do dân, vì dân được.

 Đấy là một chính phủ mà họ thâu tóm hết quyền lực, cho nên là họ có xin lỗi hay không thì dân cũng không làm gì được họ".

Ông này cũng cho rằng đáng nhẽ ra ông Nguyễn Phú Trọng phải chịu trách nhiệm liên đới trong việc để cho tình trạng tham nhũng xảy ra, nhưng vì ông ta đóng vai trò "đốt lò" nên thành ra lại được ca ngợi. Hiện tượng này theo ông Sơn là đặc thù chính trị Việt Nam. 

Còn luật sư Nguyễn Văn Đài, một nhà hoạt động dân chủ thì dùng lời lẽ gay gắt hơn để phán ứng lại thái độ của ông Tổng bí thư :

"Với cương vị là một người Việt Nam thì tôi không thể tưởng tượng được tại sao là một con người, mà ông ấy mất hết tính liêm sỉ. 

Ông ta nghĩ rằng là mọi sai phạm của các quan chức dưới thuộc quyền của ông ta, thì không ảnh hưởng gì tới bản thân của ông ta thì điều đấy là không chấp nhận được".

Nguyên do của việc ông Nguyễn Phú Trọng tỏ thái độ không liên quan gì đến những sai phạm mà các đồng chí của mình gây ra là vì đảng cầm quyền không do dân bầu ra, nên người đứng đầu đảng không phải chịu trách nhiệm với cử tri. 

Nguồn : RFA, 24/06/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thới Bình; Liên Trì, Nguyễn Huyền, RFA
Read 372 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)