Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

01/07/2022

Khánh Ly vẫn là Khánh Ly, chỉ biết hát và bất chấp tất cả

Tâm An, Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm), RFA

Như một lời chia tay : Tấm lòng để làm gì ?

Khánh Ly tại Đà Lạt tối ngày 25/6/2022 như một lời chia tay : Tấm lòng để làm gì ?

Nguồn : Mây lang thang – Wanderling clouds, 25/06/2022

**********************

Tìm đến Khánh Ly như tìm lại một phần ký ức, hoài niệm

Tâm An, Zing, 26/06/2022

Giọng ca "Cát bụi" tâm sự khán giả đến với bà không phải vì giọng hát hay sắc đẹp. Họ tìm đến Khánh Ly như tìm lại một phần ký ức, hoài niệm.

kl1

Khoảng 1.000 khán giả đã sống cùng âm nhạc của Khánh Ly trong gần ba giờ đồng hồ. Trong bầu không khí dễ chịu của Đà Lạt, nữ danh ca đưa người nghe quay lại vùng hồi ức với chuỗi ca khúc nhạc Trịnh, gồm Tình xa, Diễm xưa, Còn tuổi nào cho em, Hạ trắng. Mỗi khi giọng hát của bà cất lên, những tiếng vỗ tay từ dưới hàng ghế khán giả vang không ngớt.

Những tràng pháo tay động viên từ người hâm mộ như tiếp thêm năng lượng cho danh ca 77 tuổi. Khánh Ly nói nhiều khán giả yêu nhạc tìm đến bà không phải vì giọng hát hay sắc đẹp. Họ đến với danh ca như quay về với miền ký ức, hoài niệm. Vì thế, mỗi khi được hát, Khánh Ly đều muốn được cùng khán giả sống trong những khoảnh khắc thăng hoa với âm nhạc.

Danh ca gửi lời tri ân người hâm mộ cũng như mảnh đất Đà Lạt. "Cảm ơn Đà Lạt đã cưu mang tôi 60 năm trước. Chính tại nơi này tôi được gặp định mệnh của đời mình. Tôi không bao giờ quên rằng tôi đã một lần là người của Đà Lạt", Khánh Ly chia sẻ trong đêm nhạc.

kl2

Nghệ sĩ Thanh Thủy là một trong số các khách mời trong đêm nhạc của Khánh Ly. Nữ nghệ sĩ đệm đàn và hòa giọng với danh ca Khánh Ly trong chùm ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Thanh Thủy chia sẻ cô chưa từng nghĩ rằng sẽ có cơ hội biểu diễn cùng thần tượng của mình. Đứng cạnh một Khánh Ly với hơn 60 năm ca hát, Thanh Thủy đã làm tròn vai trò bằng sự nghiêm túc và đam mê đối với âm nhạc. Khoảnh khắc này chị sẽ giữ mãi trong tim. "Điều lớn nhất tôi cảm nhận được từ cô là một trái tim nồng nhiệt, nồng nhiệt với âm nhạc, nồng nhiệt với con người. Tôi vẫn luôn nghĩ rằng sự nồng nhiệt đó dành cho tất cả. Nhưng không ngờ rằng đã có giây phút dù ngắn ngủi, sự nồng nhiệt đó đã dành cho tôi", Thanh Thủy trải lòng.

kl3

Đứng chung sân khấu với danh ca, diva Mỹ Linh cho biết chị xúc động và tự hào. Hai giọng ca đến từ hai thế hệ hòa giọng trong nhạc phẩmTiếng sáo thiên thai (Văn Cao). Khánh Ly chia sẻ bà "ganh tỵ" với những người trẻ như Mỹ Linh. "Em rất giỏi. Trong khi tôi thuộc lớp đi trước ít học hành, không biết nhạc, chỉ biết hát", danh ca quay sang nói với Mỹ Linh.

Cũng trong đêm nhạc, Khánh Ly phản hồi về thông tin giải nghệ. Bà nói: "Tôi cứ nghĩ về chuyện một lúc nào đó không còn hát được nữa vì tuổi tác, thời gian. Mọi người cứ hỏi rằng: 'Khi nào giải nghệ. Tôi không giải nghệ. Vì tôi chỉ có một tiếng hát thôi. Và Chúa cho tôi tiếng hát đó. Nếu tiếng hát của mình mang đến nụ cười cho một ai đó trong cuộc sống thì cũng nên tiếp tục". Danh ca cũng gửi lời xin lỗi khán giả vì ở tuổi 77, giọng hát lẫn phong độ của bà không được như thời hoàng kim.

Khánh Ly tiếp tục thể hiện hai ca khúcKinh khổ và Dấu chân địa đàng. Các khán giả đã ở lại với nữ danh ca đến những giây phút cuối cùng của chương trình để được đến gần bà, bắt tay và chụp ảnh. Dù đã tốn khá nhiều sức cho buổi biểu diễn, gương mặt của Khánh Ly vẫn rạng rỡ. Bà nói trên sân khấu : "Nếu như mai này tôi có chết đi, hãy cứ xem như hôm nay tôi đã nói lời chào với các anh chị rồi".

Trước chia sẻ của Khánh Ly, Mỹ Linh bộc bạch : "Chỉ là tạm biệt thôi, chứ đối với một ca sĩ, khi nào khán giả còn muốn nghe hát thì cứ phải hát thôi".

Tâm An

Nguồn : Zing, 26/06/2022

************************

Khánh Ly với ‘Gia tài của mẹ’ vẫn còn bị chính trị hóa ?

Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm), RFA, 30/06/2022

Nhiều năm nay, việc ca sĩ Khánh Ly trở về hát ở trong nước là một dấu hiệu tích cực không chỉ về hoạt động văn hóa, mà còn về tinh thần hòa giải hòa hợp dân tộc.

khanhly1

Ca sĩ Khánh Ly hát trong một chương trình biểu diễn ở Đà Lạt hôm 25/6/2022 - Lao Động

Trong hành trang của bà, chiếm chủ yếu là các ca khúc Trịnh Công Sơn, cũng tựa như lời nhắn nhủ tới các thế hệ trong và sau chiến tranh, các quan điểm chính trị khác biệt, là hãy cùng nhau hướng tới tương lai hòa bình cho Việt Nam.

Nới trói

Việc những ca khúc trước 1975 ở miền Nam và sau này ở hải ngoại được thoát cảnh "cấp phép" (kiểu nhỏ giọt) là cả một đoạn trường gian nan. Đương nhiên nó liên quan tới việc ca sĩ hải ngoại về nước biểu diễn có thuận lợi hay không.

Đã có nhiều tranh cãi và cả chuyện khôi hài, ví như bài "Nối vòng tay lớn" mà cũng bị liệt vào loại "cấm"  (2017), hay "Con đường xưa anh đi" thì bị cấm vĩnh viễn, dẫn đến lãnh đạo quản lý văn hóa cấp vụ đã phải kiểm điểm, rồi bị "điều chuyển" ngay sau đó.

Nhìn lại, để có bước ngoặt giảm đói nghèo vật chất, nhiều trí thức, nhà kinh tế có tư tưởng tiến bộ đã phải đấu tranh không mệt mỏi mới có được Luật Doanh nghiệp năm 2000, cho phép thành lập doanh nghiệp tư nhân.

Nhưng đói nghèo tinh thần thì cứ dai dẳng, tận 20 năm sau mới được "nới" chút ít, với Nghị định 144, trong đó bỏ quy định cấp phép phổ biến hai loại ca khúc nói trên.

Còn bó

Tuy không còn "trói" như trước với từng ca khúc, nhưng Nghị định 144  lại vẫn "bó" với hoạt động biểu diễn, bằng những quy định cấm khá chung chung (Điều 3). Trong đó, đáng chú ý có Khoản 2, cấm "xuyên tạc lịch sử", hay Khoản 3, cấm "gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước, ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại".

Khi một tổ chức, cá nhân làm thủ tục xin phép biểu diễn tại địa phương, sẽ dễ nảy sinh tình trạng mỗi nơi hiểu theo một cách khác nhau về những quy định "cấm" trong đó, ví như thế nào là "xuyên tạc lịch sử" với một ca khúc ra đời từ rất lâu rồi?

Không những nó làm khó cho người thực thi nhiệm vụ một cách chính trực, mà còn dễ sinh lỗ hổng cho hành vi tiêu cực, hay những quan điểm bảo thủ vẫn muốn níu kéo cơ chế cũ, chỉ sợ trách nhiệm mà coi nhẹ đời sống văn hóa tinh thần của công chúng.

Thực tế…

Thấy ngay qua buổi diễn mới đây của Khánh Ly tại Đà Lạt, mở màn cho tua lưu diễn tại nhiều thành phố lớn, trong đó có Nhà hát lớn Hà nội, với tên gọi Như một lời chia tay.

Theo danh sách cấp phép, có 24 ca khúc trong đêm nhạc, nhưng Khánh Ly đã hát "thêm" bản Gia tài của mẹ, thế là sinh chuyện. Ở mọi xứ khác trên thế giới, trong các chương trình âm nhạc, ai cũng thấy nó phóng khoáng đến thế nào trong tương tác giữa khán giả và ca sĩ. Họ có thể hát cùng, có thể hát thêm… chẳng phải gửi "xét duyệt" nội dung trước nhiều ngày. Nhưng xứ Việt là một ngoại lệ.

Oái oăm hơn, bản Gia tài của mẹ, tuy không bị cấm với nghị định mới, nhưng người ta có thể "ngầm cấm" bởi cách nhận thức khác nhau giữa cơ quan quản lý và người dân, ở hai khoản nêu trên. Cụ thể :

Câu "Hai mươi năm nội chiến từng ngày" có thể bị cho là "xuyên tạc lịch sử", bởi lâu nay chế độ này vẫn coi đó là "cuộc kháng chiến chống Pháp/chống Mỹ cứu nước" đấy chứ.

Câu "Gia tài của mẹ là nước Việt buồn" cũng có thể bị cho là "xuyên tạc lịch sử", nhất là về giai đoạn sau 75’ đến nay, toàn dân hồ hởi phấn khởi đấy chứ.

Câu "Ôi lũ con cùng cha quên hận thù" cũng có thể bị cho là "gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước", trong đó có Trung Quốc (khi nó đi cùng với câu "một ngàn năm nô lệ giặc Tàu" ngay đầu bài hát).

Thậm chí, nếu quyết liệt hơn, người ta còn có thể cho rằng bài hát coi gia tài của mẹ Việt Nam toàn là "một bọn lai căng", "một lũ bội tình", nên việc truyền bá nó là nói xấu xã hội, chế độ, là vi phạm vào Điều 331, Bộ luật Hình sự , "Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".

Cho nên, việc ban tổ chức bị cơ quan quản lý địa phương mời làm việc, rồi có thể bị phạt hành chính, dù cho lý do chỉ là ca sĩ đã hát một ca khúc không có trong danh sách được cấp phép cho buổi diễn, nhưng không loại trừ khả năng còn có những lý do khác khó nói.

Chính trị

Hầu như các báo đưa tin chỉ có Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh làm việc với nhà tổ chức buổi diễn, có báo cho biết thêm là có cả "cơ quan chức năng". Nhưng Tuổi trẻ thì rõ hơn , là còn có "PA03 (Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Lâm Đồng)". Bức ảnh hiếm hoi ở đầu bài viết này, lấy từ báo Lâm Đồng, minh họa rõ.

Tại sao lại phải cần đến công an, mà lại là an ninh (chuyên chống… "phản động", "các thế lực thù địch", "nội gián"), trong khi lẽ thường chỉ cần sở văn hóa thôi ?

Chưa hết, lại cả Cục Nghệ thuật Biểu diễn cũng vào cuộc ; không khéo còn có cả cục nào đó trên Bộ Công an tham gia cũng nên.

Với bao nhiêu bài viết trong nhiều năm nay, trên các báo Công An Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, lên án "các thế lực thù địch" hay "xuyên tạc lịch sử", trong đó coi cuộc chiến ở miền Nam Việt Nam trước 75’ là "nội chiến", thì người dân có thể dễ dàng luận ra đằng sau (các) buổi làm việc này là điều gì.

Nếu cứ như dân gian nói vui, bác sĩ nhìn đâu cũng thấy vi trùng, công an nhìn ai cũng ra… kẻ địch, sẽ dễ đoán sức tưởng tượng cho diễn biến vụ việc này còn đi bao xa…

Dù kết cục ra sao thì cuộc vui cũng ít nhiều mất vui cho nhân vật chính.

Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm)

Nguồn : RFA, 30/06/2022

************************

Cục Nghệ thuật Biểu diễn lên tiếng vụ Khánh Ly hát bài ‘Gia tài của Mẹ’ ở Đà Lạt

RFA, 30/06/2022

Đại diện Cục Nghệ thuật Biểu diễn thuộc Bộ Văn hóa thể thao và du lịch Việt Nam, ông Trần Hướng Dương, vào ngày 30/6 lên tiếng về vụ việc ca sĩ hải ngoại Khánh Ly hát bài Gia tài Của Mẹ trong một chương trình tại Đà Lạt.

khanhly2

Bộ Văn hóa thể thao và du lịch Việt Nam lên tiếng về vụ việc ca sĩ hải ngoại Khánh Ly hát bài Gia tài Của Mẹ trong một chương trình tại Đà Lạt.

Truyền thông nhà nước dẫn phát biểu của ông Trần Hướng Dương- Cục phó Cục Nghệ thuật Biểu diễn rằng, cơ quan của ông đã biết vụ việc và đang chờ Sở Văn hóa thể thao và du lịch tỉnh Lâm Đồng xử lý. Sau đó Cục sẽ có biện pháp tiếp theo.

Bài hát Gia Tài Của Mẹ của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được ca sĩ Khánh Ly hát trong đêm nhạc "Dấu chân địa đàng" tổ chức tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đêm 25/6.

Truyền thông nhà nước đưa tin bài này không có trong danh sách 24 bài hát được ban tổ chức sự kiện đăng ký và được nhà chức trách địa phương đồng ý duyệt.

Ngay sau đêm diễn, Sở Văn hóa thể thao và du lịch tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với cơ quan chức năng để làm việc với ban tổ chức đêm nhạc là Công ty TNHH Mây Lang Thang. Sở đã lập biên bản xử lý hành chính và đang cân nhắc mức xử phạt đối với doanh nghiệp này vì cho rằng việc công ty này tự ý để ca sĩ Khánh Ly biểu diễn bài hát trên là vi phạm quy định của pháp luật trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật.

Nhiều người cho rằng bài hát Gia Tài Của Mẹ, được Trịnh Công Sơn sáng tác vào năm 1965, còn bị cấm ở Việt Nam là trong bài hát có câu "Hai mươi năm nội chiến từng ngày" ám chỉ thời gian 1945-1965. Trong thời gian này có cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kéo dài chín năm từ năm 1945 đến 1954.

Trả lời phỏng vấn Đài Á Châu Tự Do, bác sĩ quân y Đinh Đức Long, từ thành phố Hồ Chí Minh nói :

"Theo tôi biết, bài hát mà bà Khánh Ly hát bị người ta nhắc nhở không nằm trong chương trình. Nếu một bài hát không nằm trong chương trình mà ca sĩ cứ hát còn ban tổ chức cứ để việc đó xảy ra thì cả hai bên đều có sai phạm và việc xử lý là đúng pháp luật".

Bác sĩ Long cũng cho rằng nội dung bài hát Gia Tài Của Mẹ xuyên tạc lịch sử dân tộc vì đánh đồng cuộc kháng chiến chống Pháp với nội chiến, và do vậy việc nhà chức trách Việt Nam cấm bài hát này là đúng.

Tuy nhiên, những người dân khác như ông Nguyễn Quang Vinh ở Hà Nội và Quang Hữu Minh ở thành phố Hồ Chí Minh lại có quan điểm khác. Cả hai ông cho rằng việc nhà chức trách Việt Nam cấm bài hát này là vi phạm quyền tự do ngôn luận và ảnh hưởng xấu đến hòa giải dân tộc.

Trong tin nhắn với RFA, ông Nguyễn Quang Vinh cho biết :

"Nghị định số 144/2020/NĐ-CP của Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa thể thao và du lịch) được Chính phủ ban hành thay Nghị định 79 trước đây bỏ quy định cấp phép phổ biến ca khúc miền Nam trước 1975. Như vậy ca khúc "Gia tài của mẹ" của Trịnh Công Sơn nằm trong điều chỉnh của Nghị định này. Tôi không rõ lý do của việc ‘xử lý’ của Sở Văn hóa thể thao và du lịch tỉnh Lâm Đồng như thế nào, vì lý do gì nhưng việc ‘xử lý’ này là trái với Nghị định 144".

Một nhà kinh tế ở tỉnh Nghệ An nói trong điều kiện ẩn danh vì lý do an ninh, rằng việc Lâm Đồng xử lý ban tổ chức đêm nhạc của Khánh Ly là : "một hành động dại dột và phản tác dụng vì trong thời đại thế giới thông tin phẳng, việc xử phạt càng gây ra sự tò mò cho dân chúng và kích thích sự phát tán. Nếu không xử phạt thì nhiều người không biết nhưng sau sự việc này thì rất nhiều trong số họ tìm hiểu về bài hát".

Ông cũng cho rằng lý do xử phạt cũng là do sự máy móc và sợ trách nhiệm của viên chức nhà nước. Họ thường hành động theo văn bản chỉ đạo mà không hiểu hậu quả sẽ đến sau đó.

Ông nhấn mạnh mọi cấm đoán ở Việt Nam, trong đó có cấm nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật biểu hiện sự độc quyền chân lý của Đảng.

Ông nói thêm, Nhà nước Việt Nam hiện tại hay nói về chính sách hòa giải dân tộc, tuy nhiên, Chính phủ chỉ nói đầu môi để tuyên truyền chứ không có một kế hoạch hay chương trình cụ thể hoặc biện pháp thực hiện.

"Họ cứ nói hòa giải hòa hợp suông thế nhưng những gì không có lợi cho Đảng hay một phe nhóm nào đó trong đảng hoặc thậm chí cho chính những người thực hiện trực tiếp, thì họ không làm".

Ông Quang Hữu Minh nói nhiều bài hát bị nhà chức trách Việt Nam cấm vì nội dung nói lên thực trạng của Việt Nam.

Gia Tài Của Mẹ là một trong ba bài hát của Trịnh Công Sơn hiện chưa được nhà chức trách Việt Nam cho phép biểu diễn ở Việt Nam. Hai bài kia là Bài Ca Dành Cho Những Xác Người và Hát Cho Người Nằm Xuống.

Có hơn 50 ngàn lượt tìm kiếm từ khóa "Gia tài của mẹ" trên công cụ tìm kiếm Google chỉ trong ngày 29/6, sau khi có thông tin người tổ chức đêm diễn của ca sĩ Khánh Ly bị mời lên làm việc vì bà hát ca khúc chưa được cấp phép của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Hồi năm 2020, chính quyền bỏ quy định cấp phép phổ biến ca khúc trước năm 1975, thay vào đó, Nhà nước sẽ quản lý tác phẩm bằng cách hậu kiểm.

Nguồn : RFA, 30/06/2022

***********************

Kỷ luật cảnh cáo đối với đơn vị tổ chức đêm nhạc Khánh Ly

RFA, 01/07/2022

Đơn vị tổ chức đêm nhạc ‘Dấu chân địa đàng’ mà ca sĩ Khánh Ly hát bài Gia tài của Mẹ chưa có phép vào ngày 1/7 nhận kỷ luật cảnh cáo của Sở Văn hóa -Thể thao & Du lịch tỉnh Lâm Đồng. Truyền thông Nhà nước loan tin trong cùng ngày.  

khanhly3

Ca sĩ Khánh Ly hát trong đêm diễn ở Đà Lạt hôm 25/6/2022 - Zing

Cụ thể, Công ty Mây Lang Thang bị cảnh cáo vì để ca sĩ hát bài không có trong danh mục 24 bài hát được cấp phép. Các bài hát này do nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác.

Tin còn dẫn đại diện của ca sĩ Khánh Ly cho biết hai đêm nhạc vào tối ngày 1/7 và 16/7 của nữ danh ca này theo kế hoạch tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn được tổ chức theo lịch. Sau đó bà còn có các chương trình biểu diễn tại Đà Nẵng và Hà Nội.

Cục phó Cục Nghệ thuật Biểu diễn thuộc Bộ Văn hóa thể thao và du lịch Việt Nam, ông Trần Hướng Dương, vào ngày 30/6 được truyền thông Nhà nước dẫn lời rằng ông đã biết vụ việc và đang chờ Sở Văn hóa thể thao và du lịch tỉnh Lâm Đồng xử lý. Sau đó Cục sẽ có biện pháp tiếp theo.

Trong chương trình đêm 25/6, ca sĩ Khánh Ly hát bài Gia tài của Mẹ trước 1.000 khán giả tham dự. Buổi biểu diễn còn có một số khác mời tham dự là nghệ sĩ như ca sĩ Mỹ Linh, diễn viên kịch Thanh Thủy…

khanhly

Ca sĩ Khánh Ly hát trong đêm diễn ở Đà Lạt hôm 25/6/2022 - Viettel Media

Đơn vị tổ chức đêm nhạc ‘Dấu chân địa đàng’ mà ca sĩ Khánh Ly hát bài Gia tài của Mẹ chưa có phép vào ngày 1/7 nhận kỷ luật cảnh cáo của Sở Văn hóa -Thể thao & Du lịch tỉnh Lâm Đồng. Truyền thông Nhà nước loan tin trong cùng ngày.

Cụ thể, Công ty Mây Lang Thang bị cảnh cáo vì để ca sĩ hát bài không có trong danh mục 24 bài hát được cấp phép. Các bài hát này do nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác.

khanhly5

Tối 25/6, đêm đầu tiên trong tourshow Như một lời chia tay của danh ca Khánh Ly diễn ra thành công tại sân khấu Mây - In The Nest, thôn Măng Lin, Đà Lạt với gần 1.000 khán giả tham dự

Tin còn dẫn đại diện của ca sĩ Khánh Ly cho biết hai đêm nhạc vào tối ngày 1/7 và 16/7 của nữ danh ca này theo kế hoạch tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn được tổ chức theo lịch. Sau đó bà còn có các chương trình biểu diễn tại Đà Nẵng và Hà Nội.

Cục phó Cục Nghệ thuật Biểu diễn thuộc Bộ Văn hóa thể thao và du lịch Việt Nam, ông Trần Hướng Dương, vào ngày 30/6 được truyền thông Nhà nước dẫn lời rằng ông đã biết vụ việc và đang chờ Sở Văn hóa thể thao và du lịch tỉnh Lâm Đồng xử lý. Sau đó Cục sẽ có biện pháp tiếp theo.

Trong chương trình đêm 25/6, ca sĩ Khánh Ly hát bài Gia tài của Mẹ trước 1.000 khán giả tham dự. Buổi biểu diễn còn có một số khác mời tham dự là nghệ sĩ như ca sĩ Mỹ Linh, diễn viên kịch Thanh Thủy…

Nguồn : RFA, 01/07/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Tâm An, Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm), RFA
Read 435 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)